lundi 22 juillet 2019

Mai Quốc Ấn - Tâm thế nào cho Biển Đông ?



Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói: “Quân đội Trung Quốc triệu tập là có, đến là có thể đánh và đánh là có thể thắng, để bảo vệ chủ quyền và các quyền liên quan ở Biển Đông”.

Thứ mà họ Tập gọi là “bảo vệ chủ quyền và các quyền liên quan ở Biển Đông” chính là bảo vệ 9 đoạn lưỡi bò bịa đặt mà tổ tiên của họ sau bao lần “sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” còn chưa thể nghĩ ra.

Con sư tử Trung Quốc đã tỉnh giấc ngủ dài và làm mọi thứ để thỏa mãn cơn đói lẫn sự tham lam của nó ! Theo cách thâm hiểm hơn và tàn nhẫn hơn.

Trung Quốc mạnh không? Mạnh ! Kinh tế, lẫn quân sự đều mạnh. Nhưng họ có mạnh như thời vó ngựa Nguyên Mông đến đâu thì thành đổ, nhà tan, người chết ? Không ! Mà quân Nguyên Mông đến Đại Việt lần nào đều rước nhục lần ấy...

Nói như ông Hồ, “Chúng ta muốn hòa bình. Chúng ta đã nhân nhượng...” Không ai mong chiến tranh đổ máu, nhưng cũng phải có một tâm thế chủ động khi kẻ thù truyền kiếp cũng là hàng xóm. Mua tàu ngầm Kilo, mua Su30KM hay S300 không phải để xâm lược ai mà để khi cần thì “một thước núi, một tấc sông” của tổ tiên cũng phải giữ nếu họ đánh, phải đòi nếu họ không trả.

Nhưng một câu nói của người xưa còn vang lên cảnh tỉnh: “Mệnh trời là ở lòng dân” (Ngô Sĩ Liên). Muốn “đối ngoại” với kẻ xâm lược thì cần xem lại “đối nội” nhân dân của chính quyền!
Không thể không nhìn lòng dân từ những cuộc biểu tình lớn từ 1997 đến nay. Tôi không viết nhầm đâu, từ 1997 chứ không phải 2007- thời điểm xảy ra cuộc biểu tình chống Trung Quốc đầu tiên từ sau biên giới tháng Hai 1979. 

Đó là cuộc biểu tình của nông dân Thái Bình. Đêm 26 rạng ngày 27/6/1997 ở xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình đã xảy ra biểu tình bởi các khoản thu xây dựng hạ tầng quá cao. Nhiều ví dụ thể trong một báo cáo gửi Thủ tướng phản ánh “cống thoát nước do chính quyền xã xây đã quyết toán tới 21 triệu đồng, nhưng khi dân đập đi xây lại thì chỉ mất 7,5 triệu đồng” (trích).

Đường sắt Cát Linh -Hà Đông hiện nay cũng là một dạng đội vốn như vậy, ở mức độ kinh khủng hơn nhiều. Nghĩa là sau hơn 20 năm, giặc nội xâm tham nhũng vẫn không ngừng gặm nhấm quốc gia.

Cuộc biểu tình giữa tháng 4/2015 ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận phản ánh một sự thật là dân không thể sống nổi vì ô nhiễm không được kiểm soát.

Và lạ lùng thay, cả đường sắt Cát Linh - Hà Đông (nhà thầu) lẫn nhiệt điện Vĩnh Tân (công nghệ) đều có bóng dáng Tàu. Rồi “cuộc biểu tình trên mạng” chống bauxite, cuộc xuống đường phản đối đặc khu cũng cho thấy nhân dân muốn bày tỏ điều gì.

Những ví dụ đó nhắc nhở cho chế độ hiện hữu rằng nỗi lo sợ bạo lực trấn áp nhân danh an ninh quốc gia không thể lớn hơn nguy cơ giặc nội xâm và giặc ngoại xâm !

Người Việt chưa bao giờ sợ ngoại xâm, đó là sự thật ngàn đời. Và những vương triều sụp đổ xưa nay của đất nước thường đến từ sự hưởng thụ xa hoa của hệ thống cầm quyền. Xem lại lịch sử, chính do sự hưởng thụ của giới cầm quyền trên cơ sở sưu cao, thuế nặng, tham nhũng tràn lan mà dẫn đến nội lực đất nước suy yếu, kẻ thù thừa cơ xâm lăng.

Những ngày này, sự sục sôi phản đối Trung Quốc quấy phá lãnh hải quốc gia là đúng đắn và cần thiết. Nhưng cần thiết hơn là nhìn lại thể chế để thấy nội lực quốc gia bị bào mòn ra sao bởi quá trình đối nội lỏng lẻo, bất cập và bất công.

Tôi thật khó tưởng tượng nhân dân nào có thể nghe lời kêu gọi của thứ quan tham vừa vung bút thu hồi đất dân trái pháp luật hay ban hành một quyết định gây ô nhiễm cho dân.

Tâm thế giữ Biển Đông là điều kiện cần nhưng sẽ không bao giờ đủ nếu thể chế vẫn tạo ra những quan tham và gian thương bào mòn nội lực đất nước. Khi chúng phe phẩy thẻ xanh định cư nước ngoài thì rốt cuộc chỉ còn lại nhân dân với mớ hoang tàn từ tài nguyên đến hạ tầng, từ xác thân đến tinh thần thì làm sao chống giặc?

Muốn giữ biển, phải giữ bờ. Muốn giữ chủ quyền đất nước, phải cậy nhờ nhân dân. Đơn giản chỉ có vậy thôi!

Và.

Không thay đổi một thể chế tồi thì chế độ cầm quyền không chỉ là mất lòng dân mà có thể là mất hết !

MAI QUỐC ẤN 22.07.2019

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.