Tàu Trung Quốc
đã xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Không cần đợi đến khi Bộ Ngoại giao lên tiếng,
mà chính những “cột mốc chủ quyền sống trên biển”- ngư dân Việt, đã thông báo
trước về điều đó.
Hơn ai hết, ngư
dân nước mình biết rất rõ ai là kẻ cướp hải sản, cướp ngư cụ, đánh đập, bắt
giam và thậm chí tông thuyền, giết người. Sự biết ấy sâu sắc “nhờ” trả giá một
cách đầy đau đớn trong cuộc mưu sinh.
Không có trận
bão nào suốt hơn mười năm nay khiến ngư dân Việt thiệt hại từ tài sản đến sinh
mệnh nhiều như “tàu lạ”. Đến mức nhà báo Huy Đức từng phải bật ra câu “Tàu
thì lạ, sự hèn hạ thì quen” trong một quan điểm chính thức của anh ấy bằng
bài viết.
Viết xong bài “Khi
tỉnh dậy không nhìn thấy biển” lòng tôi đau lắm! Có những “tàu lạ”
mang tên dự án, nhân danh phát triển đã cướp những âu thuyền truyền đời của ngư
dân. Tệ hơn, tống ngư dân... lên núi một cách phi khoa học, phi nhân tính và
gọi đó là tái định cư.
Từ sau ngày
thống nhất đất nước 30/4/1975 đến nay, tất cả các biến cố quốc gia đều có bóng
dáng Trung Quốc. Là biên giới tháng 2/1979, là thảm sát Gạc Ma 1988. Là chống
Polpot ở Tây Nam, chống phỉ ở Tây Nguyên mà sự quấy phá mang tính thảm sát dân
lành đều có sự giúp đỡ của ”bạn vàng”. Là những công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm
khiến dân quanh dự án chết mòn. Là những dự án trăm tỉ, ngàn tỉ, chục ngàn tỉ
đội vốn khi có nhà thầu “nị hảo”. Là những món hàng giá rẻ mang đầy độc tố ăn
mòn nền kinh tế đất nước và sinh mệnh nhân dân v.v…
Người Việt Nam
và đất nước này sở dĩ cỏn đến hôm nay thay vì chịu chung số phận bị xâm lược và
đồng hóa như hàng trăm bộ lạc phía Nam sông Dương Tử, chính vì hiểu rất rõ kẻ
thù truyền kiếp là ai !
Trung Quốc là
một hàng xóm to lớn và đầy dã tâm. Xem lịch sử suốt cổ kim thấy tham vọng bành
trướng, phương thức xâm lăng của họ không khi nào ngưng nghỉ ! Đứng vững trước
họ vì quốc gia có những người trung chánh “quyết vì non sông ra tay bao lần”
như bài hát Bạch Đằng Giang của Lưu Hữu Phước. Và lao đao trước họ,
vì tiềm phục trong đất nước này những Hán nô, những Việt gian, những kẻ muốn
nhận giặc làm cha.
Bài thơ Tổ
quốc nhìn từ biển của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đạt giải trong cuộc thi thơ
về biển đảo quê hương. Mấy ai biết câu thơ “sóng lớp lớp đè lên thêm lục
địa” đã bị sửa lại. Từ “xâm lấn” đã bị thay bằng từ “lớp lớp”
khiến nghĩa câu thơ bi hùng ấy khác ngay. Ai sửa?
Loạt bài Biên
giới tháng Hai của báo Sài Gòn Tiếp Thị là loạt bài đầu tiên ghi nhận tội
ác của giặc trong chiến tranh biên giới và cảnh mồ hoang, nhang lạnh của những
người lính Việt Nam ngã xuống vì Tổ Quốc, chỉ in được một trong ba kỳ và dừng
lại trong sự phẫn uất. Đó chỉ là hai trong rất rất rất nhiều ví dụ...
Xin nói thẳng
không sợ hãi mơ hồ nào! Rằng cần phải nhìn nhận lại về Trung Quốc và “một
vành đai, một con đường của họ”; thì đối tượng nhìn nhận không cần phải là
nhân dân. Trong gene tuyệt đại đa số người Việt đã có sẵn máu chống xâm lược.
Mà chính là
những kẻ đi Thâm Quyến ăn chơi rồi về ca mô hình đặc khu tới mây. Mà chính là
những kẻ coi việc xâm phạm chủ quyền lãnh hải khi dân chưa tỏ tường là đặc
quyền bản thân và lên mặt dạy đời nhân dân. Là những kẻ mang hàng made in China
về xé nhãn ghi lên hàng Việt lợi dụng lòng yêu nước v.v...
Nhìn nhận lại
về Trung Quốc, trên hết, chính là nhìn nhận lại “16 vàng, 4 tốt” mà nhân
dân luôn phủ nhận! Cường quyền có thể bỏ tù, có thể thủ tiêu một hay vài cá
nhân yêu nước chứ chưa có thứ cường quyền nào đủ sức bỏ tù cả dân tộc, thủ tiêu
nguyên quốc gia khi lòng dân đã, đang và sẽ còn sôi sục.
Vì đâu có nhục
nào lớn hơn nhục mất nước, nhục làm nô lệ ???
SỰ NHẪN NHỊN
CỦA NHÂN DÂN ĐÃ QUÁ ĐỦ RỒI !!!
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.