jeudi 18 juillet 2019

Mạc Văn Trang - Tại sao tiền lại phá hoại nền tảng xã hội Việt Nam đến thế ?



Sức mạnh của tiền tệ trong thời kỳ tiền tư bản, trong thời kỳ tư bản hoang dã cũng như ở các thể chế xã hội khác nhau hiện nay ra sao, xin nhường cho các nhà chuyên môn phân tích. Từ trải nghiệm thực tế, tôi có vài chia sẻ sau đây.

Cách đây hơn hai năm, tôi về ăn cỗ đám cưới đứa cháu ở Tiền Trung (Hải Dương). Một cựu chiến binh ngoài 70 tuổi, rất sõi đời, nói: Ở quê ta bây giờ chẳng có ai lãnh đạo đâu, TIỀN nó lãnh đạo tuốt! Tôi bảo, thật ư? Ông cho vài dẫn chứng xem nào? Ông dẫn ra ví dụ rành rọt những chuyện ngay trong gia đình, họ hàng, làng xã, không chối cãi vào đâu được. 

Con anh đỗ đại học, người ta gọi đi nghĩa vụ quân sự. Muốn thoát: TIỀN! Con chị hư hỏng, muốn cho đi nghĩa vụ công an cho khuất mắt: TIỀN! Hết nghĩa vụ, muốn ở lại: một TỈ! Hai bên xô sát hay tranh chấp nhau, liệu mà thương lượng với nhau, kiện cáo là hai anh cùng mất tiền; rồi đâm lao, theo lao, anh nào nhiều tiền hơn là thắng! Biết thằng trộm lấy cái xe máy của mình, cũng sang thương lượng, “chuộc” về, không dám báo công an!

Bán ruộng đất mới ăn đẫy, nên “máu” lắm. Chỉ đi gạ bán ruộng của dân thôi. 

Bán ruộng đất ăn từ ba phía: Trả cho dân 1 thì bán gấp nhiều lần cho doanh nghiệp, để ăn chia nhau; doanh nghiệp muốn giải phóng mặt bằng êm xuôi thì phải “nuôi” chính quyền. Ăn vào đất đầu thừa đuôi thẹo cũng lớn lắm. Này nhá, thu hồi 100 ha đất, thì trả tiền cho diện tích những mảnh đất của dân sở hữu, cộng lại chỉ chừng 90, 95 ha là nhiều; còn lại là diện tích bờ ruộng, bờ mương, gò đống, ao hồ chung, họ chia nhau...

Mua quan, bán chức, chạy chỗ làm, chạy chế độ, chạy “phạt cho tồn tại”... không gì là không tiền! Lương cán bộ xã mấy triệu một tháng, lấy đâu ra nhà lầu, xe hơi thế kia?

Chủ nhật hôm 13/7 vừa rồi, về quê, tôi cũng nghe những chuyện như trên và có thêm hai chuyện mới. Đó là cô giáo tiểu học yêu cầu học sinh đi học thêm tuần một, hai buổi, mỗi buổi đi học, học sinh đem theo 20 nghìn đồng nộp cho cô. Học sinh bảo, học thêm là ngồi học bài cô dạy buổi sáng; nhưng không học thêm, có giỏi cô cũng cho điểm kém...

Thằng cháu nội ông anh tôi học lớp 6 về khoe với mẹ, con cũng kiếm được tiền rồi. Con cho mấy bạn cóp bài, mỗi đứa nộp 10 nghìn...

Một cán bộ nghiên cứu mời tôi viết một mục trong đề tài cô nghiên cứu. Cô ấy bảo thầy thông cảm cho em, em gửi thầy 3 triệu, nhưng thầy ký cho em 5 triệu. Thầy ơi, đề tài được 100 triệu thì phải “cắt” lại 40 triệu; nhưng chủ nhiệm đề tài phải thanh toán chứng từ đủ 100 triệu. Biến báo chứng từ thanh toán còn khổ hơn làm khoa học, thầy ạ! Bây giờ bắt buộc, chứ chẳng ai muốn nhận làm chủ nhiệm hay thư ký đề tài!

Tiền giúp học sinh thi đại học trượt thành thủ khoa. Bằng Tú tài, Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ đều có thể mua bằng tiền. Một nghị viên hay chức quan cũng có thể mua bằng tiền...

Chuyện TIỀN thao túng mọi cơ chế vận hành xã hội này thì nhiều lắm, kể sao hết! Các bạn còn trải nghiệm hơn tôi rất nhiều ấy chứ. Nhưng kể như vậy để rút ra mấy điều sau:

1. TIỀN thực sự làm tha hóa không chỉ bộ máy chính quyền, mà còn làm biến dạng, hư hỏng mọi quan hệ. Mọi chức năng của các thiết chế xã hội đều bị rối nhiễu, biến dạng, tồi tệ đi vì TIỀN.

2. Nguyên nhân sâu xa là do ĐỒNG LƯƠNG CHẾT ĐÓI kéo dài từ thời bao cấp, 1960 cho đến nay. Người ta không sống nổi bằng LƯƠNG của nhà nước này, nên ai cũng phải kiếm thêm bằng mọi cách. Mà cách tốt nhất là “làm nghề gì ăn nghề ấy”! “ĂN” đây là ai ở vị trí nào cũng tìm cách “ăn bẩn”, ăn lẫn nhau, nên cả hệ thống xã hội ngày càng tha hóa... Một số người không thể "ăn bẩn" đã rời bỏ cơ quan nhà nước.

3. Nguồn gốc là do cái THỂ CHẾ này tạo ra cơ chế “ăn bẩn” để tồn tại; chỉ hô hào kiểm soát, nhưng bất lực, không sao có cơ chế kiểm soát được một cách khách quan, công khai, minh bạch, công bằng, bình đẳng. Ai cũng biết, với tiền lương hiện hành thì từ Chủ tịch nước đến anh bảo vệ sao sống được như vậy? LƯƠNG một, LẬU phải gấp trăm, gấp triệu lần, thì các quan lớn mới giàu có đến như thế chứ? Biết mà không sao giải quyết được vấn đề, vì nó hỏng từ GỐC thành bệnh trạng THÂM CĂN CỐ ĐẾ RỒI!

Chỉ có cách “dỡ ra, làm lại từ đầu”, xây dựng cơ chế KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC một cách hiệu quả, như các nước dân chủ, văn minh đang áp dụng; đồng thời từ đó đảm bảo chế độ SỐNG ĐƯỢC BẰNG LƯƠNG thì xã hội mới trở nên lành mạnh, phát triển bền vững được.

MẠC VĂNTRANG 18.07.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.