samedi 6 juillet 2019

Hạ nguồn Mêkông trong cơn khát vô tận của Bắc Kinh



(VnExpress 04/07/2019) Gần hai mươi triệu người Việt Nam phụ thuộc vào nước ở hạ nguồn sông Mêkông. Nhưng thượng nguồn bị kiểm soát bởi một quốc gia có cơn khát vô tận.

"Chúng không chết nhưng cũng không lớn nổi", Hủ nói, ném lại những con tôm bé hơn ngón tay út xuống hồ. Đó là lần thả lưới thứ ba trong ngày, mới có vài con tôm vướng lưới.

Như nhiều nông dân khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, Trần Văn Hủ đã từng chuyển đổi từ hai vụ lúa sang một vụ lúa một vụ tôm, rồi cuối cùng chuyển hẳn sang quảng canh tôm. Đất nhiễm mặn, cây lúa cho năng suất thấp. Nước ngọt ngày càng khan hiếm mà cây lúa lại tiêu tốn nhiều nước.

Hủ vay ngân hàng, đổ tiền vào thiết bị, con giống; mua chịu thức ăn công nghiệp. Nhưng anh chỉ có lãi hai năm đầu. Những mùa tiếp theo, sau vài tháng xuống giống, tôm chết nổi kín mặt hồ, con còn sống thì quá bé, không bán được.

Càng nuôi càng lỗ, hai vợ chồng Hủ bỏ ruộng lên Bình Dương tìm việc. Họ bỏ lại sau lưng khoản nợ hai trăm triệu và đứa con 2 tuổi.

Hơn một năm qua, chỉ riêng xã Thới Quản, huyện Gò Quao, một cán bộ tòa án nói cô đã xử lý gần 50 lá đơn đòi nợ từ các hiệu buôn vật tư nông nghiệp và ngân hàng. Tất cả đều liên quan đến tôm. Hầu hết bị đơn đều đã rời địa phương, toà tiến hành xử vắng mặt.

Nông dân Trần Văn Hủ và con tôm ốm trên tay, ngày 25/5/2019.
Hủ là một đại diện dễ gặp của những nông dân ở hạ nguồn sông Mêkông những năm qua. Mêkông là một từ tiếng Khmer, với Mé nghĩa là "mẹ", còn kông là biến thể của "kôngkea" (dòng sông). Dòng sông mẹ là nơi hình thành nhiều nền văn minh của Đông Nam Á, và hiện trực tiếp nuôi dưỡng hơn 100 triệu người bằng nguồn nước của mình.

Số phận của vùng hạ lưu sông Mêkông, gồm cuộc đời của những nông dân Lào, Campuchia và Việt Nam đã là chủ đề thế giới quan tâm nhiều năm qua. Ủy hội sông Mêkông (MRC) thành lập năm 1957, với slogan súc tích: "Cho sự phát triển bền vững". Nhưng nửa thế kỷ, Ủy hội vẫn chỉ có Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam là thành viên.

Suốt nhiều thập niên, Trung Quốc - với 2.130 km sông Mêkông chảy trên lãnh thổ trong tổng chiều dài 4.880 km - chỉ tham gia vào Ủy hội với tư cách "đối tác đối thoại", và dành thời lượng đối thoại để phủ nhận các cáo buộc về tác động của họ đến hạ nguồn Mêkông.

Những nẻo đường phù sa

Nghề công nhân không giúp Hủ có hy vọng trả nợ. Sau 4 năm, vợ chồng Hủ từ Bình Dương trở về, lại tiếp tục dọn hồ, thả giống tôm. Họ không có lựa chọn khác ngoài đánh cược.

Nhưng suốt nửa năm, thả một thiên giống xuống, chỉ đổi lấy tôm chết nổi mặt hồ. Một ngày nắng nóng đỉnh điểm tháng 5/2019, Hủ quẳng lưới xuống hồ, để rồi hai lần vớt lên đều trống không. Trưa hôm đó, chỉ số độ mặn của con nước Hủ đo tiếp tục vượt ngưỡng chịu đựng của con tôm.

Tháng 11/2015, báo Guardian của Anh trích lời một nông dân miền Tây ẩn danh, như một biên bản ngắn gọn về đời nông dân trước sự thay đổi của dòng sông: nước ngày càng mặn; trồng lúa không nổi; chuyển sang nuôi tôm cũng không nổi; không còn sinh kế và thậm chí không đủ nước uống.

Vợ Hủ không muốn trông chờ vào con tôm nữa. Chị vẫn nghĩ, quay lại Bình Dương làm công nhân là cách tốt nhất cho gia đình.

Đó là niềm tin chung của nhiều nông dân quê Hủ. Nơi đó, người nữ cán bộ tòa án huyện thỉnh thoảng mang trát hầu tòa, cùng chủ hiệu buôn vật tư nông nghiệp tìm những nông dân nuôi tôm. Họ chỉ thấy những căn nhà mái tôn khóa cửa. Chủ nhà đã đi Bình Dương làm công nhân.

Thông tin mời hầu tòa sau đó sẽ được đăng trên báo địa phương và bảng thông tin của UBND xã. "Đăng cho đầy đủ thủ tục vậy thôi chứ không bị đơn nào đọc được", người cán bộ nói.

Một căn nhà hoang tại Kiên Giang - chủ nhân đã bỏ đi Bình Dương vì nợ nuôi tôm.
Con tôm sống dở trên tay Hủ buổi trưa tháng Năm thật ra đã được dự đoán số phận bởi Bộ Thủy lợi Trung Quốc - cơ quan kiểm soát nước trên đầu nguồn Mêkông.

Cuối tháng Tư năm nay, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam phát đi thông báo của Bộ Thủy lợi Trung Quốc: đến giữa tháng 4, lưu lượng xả ra ở thủy điện Cảnh Hồng xuống hạ lưu sẽ giảm từ 25% đến 50%. Ảnh hưởng theo dự báo, là nước mặn có thể vào sâu hơn ở miền Tây mùa hè này.

Cảnh Hồng chỉ là một đập trung bình trong số khoảng hai mươi đập thủy điện đã và đang được xây dựng trên dòng Lan Thương - tên gọi trên đất Trung Quốc của dòng Mêkông.

Từ những năm 1990, trong nỗ lực đẩy mạnh công nghiệp và đô thị hóa, Trung Quốc ồ ạt xây dựng đập thủy điện. Nhiều chuyên gia môi trường nước này ví làn sóng xây thủy điện với phong trào luyện thép trong Đại Nhảy Vọt năm 1958.

Đã có hàng ngàn con đập lớn nhỏ, nhưng con số sẽ không dừng lại. Với tình trạng ô nhiễm không khí do nhiệt điện than, Thủy điện vẫn được xem là trọng tâm trong chính sách năng lượng mới của Trung Quốc.

Một số đập thủy điện đã và chuẩn bị đưa vào vận hành trên thượng nguồn sông Mêkông. Nguồn: International Rivers.
Từ biên giới Lào-Trung Quốc ngược về hướng Bắc theo dòng Lan Thương chưa đến 1.000 km đã có 10 đập thủy điện. Có những đập siêu lớn như Tiểu Loan, công suất 4200 MW, hay Nọa Trát Độ, công suất 5850 MW. Chúng đều nằm trong top 10 đập thủy điện lớn nhất hành tinh. Trong khi đó, nhà máy thủy điện Sơn La lớn nhất Việt Nam chỉ có công suất 2400 MW.

Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận ảnh hưởng của các đập này tới hình thái của dòng sông. "Việc hạ mực nước sông Mêkông không liên quan gì đến việc phát triển đập thủy điện" - thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tống Đào nói trong hội nghị của Ủy hội Mêkông năm 2010, khi Trung Quốc vừa xây xong đập Tiểu Loan.

Nhiều năm nghiên cứu về sinh thái, TS. Dương Văn Ni - Khoa Môi trường và tài nguyên thiên nhiên, ĐH Cần Thơ - nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các địa phương ở đây nuôi tôm thất bại, một trong số đó là thượng nguồn.

Đập thủy điện giữ nước vừa khiến nồng độ mặn cao lên vừa làm cho lượng nước về hạ nguồn suy giảm, không đủ để đẩy trôi những chất bẩn tồn đọng trên dòng sông. "Dòng sông bây giờ như ao tù bị ô nhiễm. Khó có loài thủy sản nào sinh sống tốt ở môi trường này", ông Ni nói.

Một người nông dân Kiên Giang trên cánh đồng ngập nước.
Phù sa là một vấn đề nghiêm trọng khác. Ngay khi Mạn Loan - con đập đầu tiên được Trung Quốc xây trên Lan Thương - hoàn thành năm 1993, lượng phù sa về Đồng bằng Sông Cửu Long đã suy giảm rõ rệt.

Theo Ủy hội sông Mêkông, các đập thủy điện ở thượng nguồn đã làm giảm hơn một nửa lượng phù sa ở hạ nguồn, từ 160 triệu tấn/năm vào năm 1992, xuống còn 80 triệu tấn/năm vào năm 2014. Bộ Tài nguyên và Môi trường ước tính, đến năm 2040, khi các công trình thủy điện ở dòng chính Mêkông được vận hành, Đồng bằng Sông Cửu Long gần như không còn phù sa.

Các con đập cũng làm độ biến thiên nhiệt độ của nước sông tăng lên, theo ghi nhận của Tổ chức các dòng sông Quốc tế (IR). Sự thay đổi nhiệt độ nước sẽ tác động đến môi trường sống của các loài thủy sản ở hạ nguồn.

Lượng phù sa trung bình tại một số điểm hạ nguồn trước và sau khi có đập Mạn Loan (1993). Nguồn: Tạp chí Hydrology and Earth System Sciences, 2014.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, độ mặn ngày càng cao, thời gian xâm nhập mặn cũng xảy ra sớm và kéo dài hơn. Ở các cửa sông Mêkông, trước đây mặn xâm nhập sâu 40 km thì nay đã lấn sâu vào 50 km, thậm chí 75 km.

Ở một đoạn khác trên sông Cái, vợ chồng chị Thủy đang ngóng chờ mưa xuống để rửa mặn cho đất trước khi sạ lúa. Họ đã nhổ sạch cỏ nước mặn, làm đất cho hơn 30 công ruộng. "Tất cả đã sẵn sàng. Chỉ còn thiếu nước ngọt", chị Thủy nói.

Thiên tai năm 2016, xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Gia đình chị vét từng giọt nước cuối cùng mong cứu được lúa nhưng bất thành. Năm đó, dòng chảy thượng nguồn sông Mêkông thấp nhất trong vòng 90 năm.

Gia đình chị từng chứng kiến mấy chục công lúa đang ngậm sữa bỗng chết khô. "Tháng Mười, theo lẽ thường, nước vẫn còn ngọt nhưng bỗng dưng chuyển mặn, chúng tôi trở tay không kịp", chị Thủy nhớ lại.

Đã từ lâu, con sông cũng không còn ngập qua gốc tra bên bờ. Dòng nước cũng hiếm khi đỏ ngầu. Rành tính nết con sông qua đây, nhìn màu nước xanh đục, chị Thủy kết luận, đó là dấu hiệu "đói" phù sa.

"Không còn ai trông chờ vào phù sa nữa, cứ mua phân mà đổ xuống ruộng thôi. Lời lãi giờ chỉ còn mấy trăm nghìn đồng một công. Lương công nhân 5 triệu đồng/tháng vẫn còn ngon hơn làm lúa".

Những cuộc ra đi vẫn tiếp diễn. Theo báo cáo năm 2014 của Tổng cục Thống kê, đây là vùng có tỉ suất di cư ròng âm lớn nhất nước (-29,7%). Số di dân từ Đồng bằng Sông Cửu Long đến các vùng khác vào 2009-2014 đạt  hơn nửa triệu người, gấp hơn hai lần giai đoạn 1994-1999.

Nhưng 20 đập thủy điện không phải là kế hoạch lớn duy nhất mà Bắc Kinh dự tính với dòng nước của Mêkông. Dòng sông này còn xuất hiện trong một dự án thế kỷ của Mao Trạch Đông: Nam Thủy Bắc Điều.

Nam Thủy Bắc Điều

Năm 1952, khi thị sát sông Hoàng Hà, Mao Trạch Đông từng gợi ý: "Nước dồi dào ở phương Nam, phương Bắc lại thiếu, tại sao không dẫn một ít nước từ Nam lên Bắc?".

Phương Bắc Trung Quốc khát nước. Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc những thủ phủ công nghiệp luôn phải đối mặt với cơn khủng hoảng nước. Chiếm gần phân nửa dân số cả nước, hai phần ba diện tích đất nông nghiệp của Trung Quốc nhưng lượng nước có được ở miền Bắc chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng nước toàn quốc. Quốc gia này có địa hình thoải xuống phía Nam.

Chưa kể, theo International Rivers, 42% các con sông của Trung Quốc bị ô nhiễm nghiêm trọng, ba phần tư hồ và hồ chứa không còn chức năng sử dụng. Phòng Nguồn nước - Sở Thủy vụ Bắc Kinh khẳng định mỗi năm thành phố này thiếu tới 1,5 tỉ mét khối nước.

Ý tưởng của Mao sau này được hiện thực hóa dưới đại dự án mang tên "Nam Thủy Bắc Điều". Hàng chục tỉ USD đã được đổ cho việc xây dựng các kênh dẫn hướng khổng lồ nối các dòng sông phía Nam lại và đưa nước ngược lên phương Bắc.

Nước trở thành nhiệm vụ của mọi thế hệ lãnh đạo Trung Quốc. "Thiếu nước là mối đe dọa tồn vong của quốc gia Trung Hoa", Ôn Gia Bảo cảnh báo trước khi trở thành Thủ tướng nước này.

Tháng 12/2014, nước máy chảy ra từ những vòi ở Bắc Kinh, lần đầu tiên được lấy ở cách đó hàng nghìn cây số. Truyền thông nước này nhận định, cuộc khủng hoảng nước đã được ngăn chặn, Bắc Kinh đã được cứu. Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố khoảng 70% nguồn nước sinh hoạt của cư dân thành phố là từ sông Dương Tử ở phía Nam. Nước từ phương Nam cũng đã tưới mát cả Thiên Tân, Hà Nam, Hà Bắc.

Sơ đồ dự án Nam Thủy Bắc Điều. Nguồn: Toàn cầu Thời báo.
Hai tuyến dẫn nước, gọi là "Tuyến trung tâm" và "Tuyến phía Đông", dài hơn một nghìn cây số, đã được hoàn tất. Tương lai sẽ là một "Tuyến phía Tây", với dự định gộp nhiều dòng sông nhỏ phía Tây nước này vào Hoàng Hà và Dương Tử.

Nhưng "Nam thủy" không chỉ nghĩa là nước ở phương Nam Trung Quốc, mà thực chất là nước của cả các quốc gia phía Nam biên giới nước này. Có khoảng 3 tỉ người sống phụ thuộc vào nguồn nước từ cao nguyên Thanh Tạng của Trung Quốc.

Trong tính toán của Bắc Kinh, để làm dịu cơn khát của phương Bắc, các đường dẫn nước của Nam Thủy Bắc Điều sẽ rút 200 tỉ mét khối nước mỗi năm từ các dòng sông bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng: Yarlung Zangbo (chảy qua Tây Tạng, Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Trung Quốc), Thanlwin (chảy qua Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan) và sông Mêkông.

Một kênh dẫn nước nhân tạo của Nam Thủy Bắc Điều tại Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: SCMP.
Xung đột liên quốc gia đầu tiên liên quan đến nguồn nước xuất hiện với nước đông dân thứ 2 thế giới, Ấn Độ. Mực nước của sông Siang - tên gọi của Yarlung Zangbo chảy qua Ấn Độ - năm 2017 đột nhiên giảm mạnh, dòng sông chuyển màu, bị ô nhiễm. Các quan chức Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc đang xây hầm chuyển dòng Yarlung Zangbo từ Tây Tạng sang Tân Cương. Cáo buộc này không thể được xác minh.

Nước của Mêkông khi nào sẽ chảy về phương Bắc Trung Hoa? Các chuyên gia môi trường đến từ nhiều tổ chức nghiên cứu Mêkông đều nhận định, việc lấy nước từ Lan Thương chưa bao giờ nằm ngoài kế hoạch của Nam Thủy Bắc Điều.

Tất cả đều quan ngại, cũng như các công trình thủy điện, Trung Quốc sẽ không công khai đầy đủ quá trình xây dựng và thông tin vận hành dự án.

Với các quốc gia hạ nguồn, đó sẽ luôn là một ẩn số. Đất nước gác cổng Mêkông đã từ chối tham gia vào Ủy hội sông Mêkông cùng với Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan. Thay vào đó, Bắc Kinh tự đưa ra sáng kiến Hợp tác Lan Thương-Mêkông và điều phối chính tổ chức này.


Không chốn dung thân

Tháng Mười hai năm ngoái, một khoảnh căn chòi lợp lá dừa của ông Nguyễn Văn Giúp ở Xóm Đáy (Cù Lao Dung, Sóc Trăng) rơi thẳng xuống sông Hậu. Gia đình ông chạy kịp ra ngoài, thoát chết trong gang tấc.

Cây cột đặt máy bơm nước vốn được cắm trên mặt đất bỗng nằm giữa sông. Con sông đã ngoạm những mét vuông đất cuối cùng. Lần này, ông Giúp không thể dời chòi ra xa bờ sông thêm nữa. Sau lần sạt đó, căn chòi còn chưa đầy 18 mét vuông, nằm ngay bờ sạt lở.

"Tiến trình kiến tạo đồng bằng đã không còn nữa. Đồng bằng Sông Cửu Long giờ đây tựa một mảnh vải đang từ từ mục rã", TS. Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu, nói. Không còn sinh kế nông nghiệp không phải là nguy cơ duy nhất chờ đón cư dân hạ nguồn Mêkông.

Giữa tháng Ba năm nay, con sông lại tiếp tục nuốt chửng chỗ đặt giường ngủ nhà ông Giúp. Hai chân giường giờ kê sát mé sông, cách mặt nước hơn nửa mét, lúc nào cũng trong tình trạng ẩm ướt do nước hắt vào. Đồ đạc trong nhà cũng được kê cao để tránh bị sóng to cuốn trôi.

Để sóng không đánh bay chỗ trú ngụ cuối cùng trên mặt đất, vợ chồng ông lấy đá đè lên mái, lấy dây thừng neo vách vào cây bần mọc trên khoảng sông nơi từng là sân trước.

Đứng ở phía sau chái nhà, chỉ tay ra khoảng sông Hậu mênh mông cách đó hơn 200 mét, ông Giúp bảo, mảnh vườn, căn nhà tường gạch của gia đình ông từng nằm đó. Cái sân trước, nơi vợ chồng ông dựng rạp tổ chức đám cưới con trai nay đã chìm gần hết dưới đáy sông, chỉ còn lại một khoảnh nhỏ để gia đình ba thế hệ của ông cắm chòi cư trú.

Theo TS. Lê Anh Tuấn, việc giảm hàm lượng và tải lượng phù sa bùn cát về hạ nguồn không chỉ làm suy giảm nguồn dinh dưỡng cho đất nông nghiệp, nó còn làm vùng đất này "tan rã".

Đồng bằng được hình thành từ hơn 5.000 năm trước, do phù sa sông Mêkông bồi đắp. Mỗi năm đồng bằng lấn ra biển 50-70 m, nhưng hai thập niên trở lại, hiện tượng này đã dừng và quay ngược lại.

"Hồ chứa nước ở các đập thượng nguồn như một cái bẫy giữ lại phù sa. Một khi hàm lượng phù sa trong nước ít đi, dòng nước sẽ nhẹ hơn dẫn đến mất cân bằng động dòng chảy, làm nước chảy nhanh hơn, cuốn theo đất hai bên bờ và lòng sông dẫn đến hiện tượng sạt lở", ông Tuấn giải thích.

Xóm Đáy nằm ở cuối con sông Hậu bây giờ chỉ còn độ 1.000 mét vuông, dù trước đó nó từng là một vùng đất rộng hơn thế gấp năm lần. Trong trí nhớ của ông Giúp, bờ sông Hậu 10 năm trước khi lở khi bồi, bờ sông cách xa nhà các hộ dân trong xóm chừng 100 m. Nhưng vài năm trở lại, nước thôi bồi, sông ăn đến tận cửa nhà.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính, sạt lở đang uy hiếp 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Mỗi năm, vùng đất này mất 300-500 ha đất, hàng chục nghìn hộ dân phải di dời khỏi vùng nguy hiểm.

Những lần kè bờ bằng gốc dừa, bao đất không còn ăn thua với con nước Hậu Giang. Bờ sông tiếp tục lở. Một số người chuyển đi. Nhiều người ở lại sống trong tình cảnh như ông Giúp, mỗi khi sạt lở lại sửa nhà, lại dời nhà vào trong, cho đến lúc chỉ còn sức dựng một cái chòi tạm bằng cây lá, bạt nylon.

"Càng lúc sông lấn càng nhanh, càng sâu. Cứ đà này, chỉ thêm hai lần lở nữa là ở đây hết đất", ông Giúp nói, "nhưng chúng tôi đã già,  không thể đi nơi khác".

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.