Pháo tự hành M100 bắn đạn thật 203 ly trong cuộc tập trận Hán Quang chống Trung Quốc xâm lược ở Bình Đông, Đài Loan ngày 30/05/2019. |
(Người Việt 31/05/2019) Đầu năm nay, Cộng Sản Trung Quốc mở một cuộc thao
diễn quân sự với chủ đề “giải phóng Đài
Loan.” Tổng Thống Thái Anh Văn tuyên bố Trung Cộng càng đe dọa càng khiến
Trung Hoa Dân Quốc quyết tâm tăng cường quân lực, bảo vệ quốc gia. Bà cũng nói
thêm, báo tin phi công Đài Loan sắp qua căn cứ Luke, tiểu bang Arizona nước Mỹ
để dự huấn luyện.
Ngày
Thứ Ba vừa qua, bà Thái Anh Văn đã chứng kiến cuộc tập trận lớn nhất quân đội
của Đài Loan, chuẩn bị trường hợp bị Trung Cộng tấn công. Bà đến coi phi cơ
chiến đấu đáp xuống một xa lộ, gần phi trường Đài Trung. Nếu phi trường bị phá,
máy bay vẫn có thể được tiếp tế nhiên liệu, bom đạn đầy đủ rồi cất cánh rất
nhanh. Trong cùng ngày, báo chí loan tin Đài Loan đã có đủ các bộ phân để chế
tạo loại máy bay không người lái (drone) mang tên Đằng Vân (Teng Yun), có thể
có thể bay vào lục địa Trung Quốc để do thám, bỏ bom, bắn phi đạn, vân vân
Đằng
Vân dài 12 mét, dùng động cơ TPE331 của hãng Honeywell trên loại drone MQ-9 của
Mỹ nhưng do một công ty của Australia sản xuất. Đài Loan cũng đã được phép mô
phỏng để chế tạo động cơ J85 của hãng General Electric, vẫn được gắn trên các
hòa tiễn bắn thẳng (cruise missiles) và trên chiến đấu cơ F-5.
Những
vũ khí như máy bay drone, cruise missiles, và cuộc thực tập đáp máy bay trên xa
lộ đều là những biện pháp phòng thủ của Đài Loan, đề phòng Trung Cộng. Nếu
Trung Cộng tấn công thì máy bay và hỏa tiễn từ Đài Loan có thể bay vào phá các
căn cứ hỏa tiễn và phi trường quân sự trong lục địa. Nếu các phi trường Đài
Loan bị phá hư thì phi cơ chiến đấu có thể được tiếp tế khi đáp xuống xa lộ.
Đài
Loan đã sẵn sàng chống cự một cuộc xâm lăng; Cộng Sản Trung Quốc cũng chuẩn bị
để sẵn sàng tấn công, nếu muốn. Một phần ba ngân sách quốc phòng của Trung Cộng
nhắm nhu cầu đánh và chiếm đóng Đài Loan.
Liệu
Bắc Kinh có dám đánh hay không?
Cuộc
chiến sẽ bắt đầu bằng những trận mưa hỏa tiễn phóng từ căn cứ ở Phúc Kiến. Mục
tiêu là các phi trường, các trung tâm truyền thông, radar, hệ thống vận chuyển
thủy, bộ, và các cơ quan đầu não chính phủ. Cùng thời gian đó, các điệp viên
Trung Cộng sẽ tổ chức phá hoại và ám sát để làm tê liệt guồng máy lãnh đạo.
Sau
mưa pháo đến màn chính là cuộc đổ bộ. Hàng chục ngàn tàu chiến và thương thuyền
trưng dụng có thể chở đến một triệu quân; được pháo đài bay và chiến đấu cơ yểm
trợ trên không. Nếu không quân Đài Loan bị tê liệt, bộ binh sẽ tan vỡ, chỉ
trong một, hai tuần quân Trung Cộng có thể tiến vào Đài Bắc. Chế độ quân quản
ra đời, tuyên bố tình trạng thiết quân luật, trong khi quân Trung Cộng chuẩn bị
chống cự quân Mỹ và các đồng minh, như Nhật Bản, Úc, và Nam Hàn, nếu họ phản
ứng.
Nhưng
liệu quân Trung Cộng có thể thực hiện được kế hoạch trên hay không?
Trở
ngại thứ nhất là họ không thể nào tấn công bất ngờ.
Trong
một năm chỉ có hai lần, mỗi lần bốn tuần lễ, thời tiết thuận lợi để chuyển quân
qua eo biển Đài Loan, vào Tháng Tư và Tháng Mười.
Muốn
tấn công Đài Loan, Trung Cộng phải huy động lực lượng trong vòng 60 ngày. Đối
phương sẽ biết trước ít nhất là một tháng trước khi bị đánh. Một tháng đủ cho
quân đội Đài Loan sẽ đưa các phi cơ, hỏa tiễn và chiến thuyền ra xa những địa
điểm có thể bị hỏa tiễn nhắm. Giới lãnh đạo sẽ rút vào núi với các hầm trú ẩn
và hệ thống thông tin được bảo đảm. Các đơn vị quân đội vào nơi ẩn tránh an
toàn, 2.5 triệu quân trừ bị được phát vũ khí. Trong khi đó, các tàu ngầm và
thủy lôi được trải khắp vùng quanh bờ biển đón chờ các chiến thuyền Trung Cộng.
Ngoài
thủy lôi là vũ khí sẽ gây tổn thất nhiều nhất, chiến thuyền Trung Cộng sẽ bị
tấn công bằng máy bay, hỏa tiễn, drone, và trọng pháo trong khoảng 160 km eo
biển, có thể mất tám tiếng, trước khi tiến tới các bãi biển có thể đổ bộ. Chỉ
có 13 bãi có thể đổ bộ trên bờ biển của Đài Loan đối diện với lục địa. Tất cả
các bãi đó đều đã được chuẩn bị chờ Trung Cộng tấn công.
Các
thị xã đều có các ổ chiến đấu và giao thông hào bằng xi măng cốt sắt. Ngoài
biển, chung quanh mỗi bãi đã đặt những ống ngầm dưới nước, chứa xăng dầu sẵn
sàng phun lên đánh “hỏa công!” Ngoài những hàng rào kẽm gai, các bãi biển này
còn là nơi tập trung các nhà máy hóa học. Nếu Trung Cộng bắn phá trước khi đổ
bộ, thì hóa chất cháy sinh độc hại tràn ngập không khí trong nhiều ngày.
Quân
Trung Cộng tiến được lên bờ sẽ tiếp tục bị tấn công bằng những máy bay F-16,
hỏa tiễn Harpoon, trọng pháo, được đưa ra từ những hầm cất giấu trong núi.
Quân
đội Đài Loan cũng đã chuẩn bị sẵn sàng hệ thống phòng thủ nhằm tiêu diệt quân
địch trên tất cả các con đường từ các bãi biển về thủ đô Đài Bắc, qua những
cầu, đường, bao nhiêu ngôi nhà có thể nhanh chóng biến thành ổ kháng cự.
Cuộc
tiến quân nhanh hay chậm sẽ tùy thuộc không quân yểm trợ. Sách huấn luyện của
Không Quân Trung Cộng đã báo trước cho các phi công của họ là Đài Loan đã lập
ra những mô hình giả mạo đánh lừa máy bay và hỏa tiễn! Việc phá hủy các vũ khí
của Đài Loan sẽ khó khăn vô cùng. Giới quân sự biết rằng trong cuộc chiến
1990-91, quân Mỹ và đồng minh bỏ 88 ngàn tấn bom không phá được một giàn hỏa
tiễn lưu động nào của Iraq. Trận NATO đánh Serbia chỉ phá được ba giàn hỏa tiễn
của Serbia. Không quân Trung Cộng chắc cũng không giỏi hơn.
Trong
câu chuyện trên đây chúng ta chưa đề cấp đến yếu tố Mỹ. Các cuộc nghiên cứu
quân sự cho biết chỉ cần tám chiếc tàu ngầm Mỹ có thể đánh đắm 40% các chiến
thuyền Trung Cộng nếu tấn công Đài Loan. Mỹ có thể mất một tàu ngầm. Chiến lược
của Đài Loan làm sao quân Trung Cộng chịu tổn thất quá lớn, và dù đánh thắng sẽ
không thể bình định được Đài Loan!
Với
các dữ kiện trên, liệu Tập Cận Bình có muốn tấn công Đài Loan không? Nếu đánh
chiếm rồi thì có thể cai trị được không?
NGÔ
NHÂN DỤNG
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.