Nếu "quy
thành phần", kiểu phân loại các tầng lớp xã hội khi tiến hành "cuộc
cách mạng quan hệ sản xuất", thì công ty Tân Thuận sẽ thuộc thành phần
gì và hình thức cải tạo sẽ như thế nào?
Đó là một câu hỏi
nghiêm túc. Bởi vì xóa bỏ áp bức, bóc lột cũng chính là một động cơ chính yếu
làm nên "địa vị lịch sử" của "chúng ta" hôm nay.
Các cuộc đấu tố và cải tạo công thương nghiệp khốc liệt trước đây nhằm xóa bỏ quan hệ sản xuất bóc lột ấy. Mà còn phải xóa bỏ tận gốc rễ nạn bóc lột, áp bức nữa, nên quyền tư hữu đất đai bị xóa bỏ.
Công cuộc đổi mới là đã giúp chúng ta nhận thức động lực chính yếu của phát
triển là khu vực kinh tế được bảo đảm bằng quyền tư hữu. Tổng bí thư Nguyễn Phú
Trọng trong phát biểu ở các cuộc họp chuẩn bị cho đại hội đảng gần đây thường
xuyên nêu góc nhìn này.
Nhưng huyệt vị của kinh mạch phát triển đó, quyền tư hữu đất đai, chúng ta vẫn nhất quyết không thừa nhận.
Thực tế chúng ta
quản lý toàn bộ toàn bộ đất đai của quốc gia như những chiến lợi phẩm. Trong
đó, có phần thuộc sở hữu của chính quyền cũ đã bị tịch thu, có phần là của các
tổ chức cá nhân nhưng thuộc thành phần "bóc lột" sử dụng phục vụ
chiến tranh hoặc "giai cấp áp bức bóc lột" được quốc hữu hóa sau
chiến tranh, mà chủ yếu là qua ba đợt cải tạo công thương nghiệp. Một phần là
của những người đi vượt biên bị tịch thu hoặc trở thành tài sản vắng chủ.
Nhưng một phần lớn là ruộng đất đang phục vụ sản xuất nông nghiệp vốn là tài sản tư biến thành tài sản toàn dân sau khi chúng ta "nhất thể hóa" chế độ sở hữu đất đai thành sỏ hữu toàn dân.
Từ địa vị những ông chủ thật của mảnh ruộng, miếng vườn nhà mình, người nông dân đã bị chúng ta bắt buộc phải ủy cho nhà nước làm nhiệm vụ ông chủ toàn quyền định đoạt thay mình. Mà ông chủ được ủy quyền ấy, theo từng nhiệm kỳ được cử ra, lại có thể dễ dàng biến từ vài trăm mét vuông đến hàng ngàn ha đất đai tích tụ vào tay những ông chủ tư mới với tên gọi dự án quy hoạch, khi thì khu dân cư, lúc thì khu công nghiệp.
Người ta lý luận từ một hiện vật trở thành một hàng hóa có giá, đất đai được chuyển đổi từ cơ chế quản lý bao cấp sang cơ chế thị trường. Phần giá trị gia tăng của đất đai trong cơ chế thị trường chính là lợi nhuận của những ông chủ mới. Đó là một thứ lợi nhuận siêu ngạch qua chênh lệch địa tô, theo lý luận kinh điển về bóc lột.
Trong trường hợp của
công ty Tân Thuận, chênh lệch địa tô đó, hay phần lợi nhuận bóc lột đó, có được
chỉ từ một sự cho phép của Thành ủy, vừa hành xử quyền lực chính quyền, vừa là
ông chủ công ty.
Cán bộ của đảng được giao trách nhiệm kinh doanh chỉ cần biết "cửa" theo đuổi để xin được chính quyền giao thực hiện dự án quy hoạch ấy, được rồi thì sang nhượng dự án ấy theo một thỏa thuận đủ để nhà đầu tư tiếp theo có lợi nhuận hấp dẫn. Cán bộ kinh doanh của đảng còn được ghi nhận tài năng ở chỗ xin phép cổ phần hóa phần vốn của đảng, mà thực ra là của dân, để phân phối lại cơ hội phân chia tỉ suất lợi nhuận siêu ngạch ấy, kể cả cho những người "có công" với sự phát triển của công ty.
Đất đai của người dân đi theo vòng quay của phương thức bóc lột, yêu nghiệt thay, lại tạo ra trong lòng xã hội một tầng lớp bóc lột có khi còn tham tàn hơn cả giai cấp bóc lột đã bị đánh đổ.
Nếu đó là sơ đồ làm
giàu ở trường hợp công ty Tân Thuận thì quả là chúng ta dìu cả bọn bóc lột vô
cấp ủy, thậm chí trở thành cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, lãnh đạo công cuộc
xây dựng CNXH ở nước ta.
Hẳn không ai muốn quay lại cuộc đấu tranh giai cấp oan khiên, chia rẽ, mất mát, ly tán thậm chí đổ máu. Nhưng đảng, các cấp ủy có nhìn thấy trớ trêu này và sẽ giải quyết ra sao?
Đảng đổi mới lý luận hay thay đổi lý tưởng?
Ngay cả khi có sự đổi mới về lý tưởng, đảng cũng phải xử lý thực tế, chúng ta đã gô quyền tư hữu đất đai của nhân dân vào cái rọ sở hữu toàn dân rồi để nhà nước hành xử như một chiến lợi phẩm của chế độ mới.
Kiểm điểm xử lý những sai phạm ở công ty Tân Thuận đến nơi đến chốn là phải làm rõ những nội dung này trong đường lối của đảng mà đại hội các cấp của đảng sẽ phải hoạch định.
TÂM CHÁNH 19.05.2019
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.