Người Duy Ngô Nhĩ và các nhà hoạt động biểu tình trước tháp Eiffel, Paris ngày 25/06/2019 phản đối Trung Quốc vi phạm nhân quyền. |
« Công lý cho người Duy Ngô Nhĩ », « Chấm dứt diệt chủng »…Sau
cuộc biểu tình của người Tây Tạng hôm Chủ nhật, hôm qua thứ Hai
25/03/2019, ngày chủ tịch Trung Quốc bắt đầu chính thức viếng thăm nước
Pháp, đến lượt khoảng mấy trăm người Duy Ngô Nhĩ xuống đường tại Paris để đòi hỏi
vấn đề nhân quyền ở Tân Cương phải được nêu ra với ông Tập Cận Bình.
Tháng
Năm năm ngoái, sau khi tiến hành một cuộc điều tra công phu trong một
thời gian dài, ông Adrian Zenz, chuyên gia người Đức về Tân Cương, đã
ước tính khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ ở « khu tự trị » phía tây
Trung Quốc đã bị tống giam, trong khuôn khổ một chiến dịch « cải tạo về chính trị » được đưa ra vào năm 2017. Phân tích của ông được củng cố với nhiều nhân chứng.Ngay
cả một số ngôi sao như Ablajan Awut (được coi là Justin Bieber của
người Duy Ngô Nhĩ) và cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp Erfan Hezim cũng bị «
mất tích ».
Tuần trước tại Genève, trong một cuộc hội thảo được
tổ chức bên lề Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhà nghiên cứu Adrian
Zenz đã lên tiếng cảnh báo về hiện tượng bắt người Duy Ngô Nhĩ đi cải
tạo đã tăng lên rất nhanh trong năm 2018, cho rằng đây là một sự « diệt chủng về văn hóa ».
Bắc Kinh biện minh đó là những chương trình « huấn nghệ », « tiêu diệt tư tưởng cực đoan ». Theo Trung Quốc, đã có « 12.995 kẻ khủng bố » bị bắt giữ trong những năm gần đây, « 30.645 người bị trừng phạt vì các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp ».
Chuyên gia: Số người Duy Ngô Nhĩ bị cải tạo đã lên đến 1,5 triệu
Trong lúc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức nước Pháp, chuyên gia Adrian Zenz khi trả lời phỏng vấn báo Libération đã lấy làm tiếc rằng Paris đã không tham dự hội nghị ở Genève.
Theo
ước lượng của ông, hiện nay có khoảng 1,5 triệu người Hồi giáo bị giam
giữ tại Tân Cương. Ông dựa trên cơ sở nào để đưa ra con số đó ?
Dựa
theo rất nhiều dữ liệu có sẵn trên mạng (văn bản chính thức, số liệu
thống kê, thông tin kỹ thuật và kinh tế, thông cáo tuyển dụng, những
hình ảnh vệ tinh…). Tất cả đều cho thấy việc giam giữ người Duy Ngô Nhĩ
tăng nhanh trong năm 2018. Số lượng các trại cải tạo đã tăng lên rất
nhiều, và chi tiêu cho những hoạt động của nhà tù, trại cải tạo chính
trị đã cao gấp bốn lần. Tình hình này giúp tôi có thể ước lượng được tỉ
lệ : cứ sáu người dân ở Tân Cương thì có một người bị bắt đi cải tạo, và
tất cả các gia đình đều có người bị giam cầm như thế.
Những người
có đến Tân Cương trong những tháng gần đây khẳng định các cửa tiệm,
đường phố dường như vắng bóng người dân, đặc biệt là nam giới ở độ tuổi
từ 18 đến 45. Một số người bị giam trong các điều kiện tệ hại, như đã có
một số bằng chứng về tra tấn.
Cầu thủ nổi tiếng gốc
Duy Ngô Nhĩ Erfan Hezim sau nhiều tháng mất tích đã xuất hiện trở lại.
Như vậy đã có những người được trả tự do ?
Theo
tuyên bố của một quan chức Trung Quốc tuần trước, có thể hy vọng sẽ diễn
ra một đợt tha tù. Nhưng những trường hợp như vậy khá hiếm hoi. Những
người được ra khỏi trại cải tạo thường bị quản thúc tại gia hay bị cưỡng
bức lao động, thường là trong các nhà máy dệt may. Chính quyền cam đoan
những người này được trả lương tương xứng. Tuy nhiên đã có nhiều lời
chứng cho thấy điều kiện làm việc hầu như là nô lệ, bị hạn chế tối đa tự
do, chẳng hạn mỗi tháng chỉ được nghỉ mỗi một ngày.
Cộng đồng quốc tế chừng như chưa nhận định được tầm vóc của hiện tượng. Điều này sẽ thay đổi chăng ?
Trong
một thời gian dài, có rất ít phản ứng, do kiểm duyệt của Bắc Kinh.
Nhưng còn vì các nước phương Tây lo ngại sẽ không nhận được vốn đầu tư
từ Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn còn có những lá bài đối với châu Âu, và
nhiều « đồng minh » trên thế giới. Nhưng trước những nhân chứng và các
bằng cớ ngày càng chồng chất, thế giới phương Tây bắt đầu thức tỉnh.
Trong
hội nghị ở Genève, Hoa Kỳ, Đức, Anh, Hà Lan và Canada đã lại đòi hỏi
Trung Quốc để cho một ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc đến Tân Cương.
Tiếc rằng Pháp không tham gia hội nghị này, mặc dù có rất nhiều người
Duy Ngô Nhĩ sinh sống tại Pháp. Một số người tị nạn Duy Ngô Nhĩ sau khi
đi Trung Quốc đã biến mất hẳn, không thấy quay lại Pháp, số khác thì
thân nhân bị giam cầm.
Ông giải thích thế nào về sự im lặng của thế giới Hồi giáo ?
Hồi tháng Hai, Thổ Nhĩ Kỳ đã tố cáo việc Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ – một dân tộc theo đạo Hồi và nói tiếng Thổ - là « nỗi nhục cho nhân loại ». Nhưng đây chỉ là một ngoại lệ. Tổ chức Hợp tác Hồi giáo thậm chí vừa mới cảm ơn Trung Quốc đã « chăm sóc rất tốt người Hồi giáo ».
Đây không hẳn là vì lý do kinh tế : đa số các quốc gia Hồi giáo là các
nước độc tài, hoặc bản thân có những vấn đề riêng về nhân quyền.
Nhiều trẻ em mà cha mẹ bị đi cải tạo bị đưa vào trại mồ côi, tại đó các em bị tẩy não…
Hiện có rất ít thông tin về điều này. Tuy nhiên bộ máy tuyên truyền Trung Quốc khoe khoang rằng các trẻ em « được cho vào trường nội trú » để « không bị ảnh hưởng bởi các phụ huynh cực đoan ».
Mục đích là nhằm tiêu diệt nền văn hóa và ngôn ngữ của cả một dân tộc,
và kiểm soát hoàn toàn về ý thức hệ. Theo nhiều nguồn tin khác nhau,
thậm chí những người Duy Ngô Nhĩ đã cải đạo sang Thiên Chúa giáo cũng bị
đi cải tạo. Và cho dù Hồi giáo cực đoan cũng có hiện diện tại Tân
Cương, nhưng ít quan trọng hơn rất nhiều so với những gì chính quyền Bắc
Kinh khẳng định.
Tân Cương là một phòng thí nghiệm để thử nghiệm các công nghệ kiểm soát dân chúng ?
Vâng,
những công nghệ tiên tiến mà công an sử dụng để giám sát và dùng cho
việc tẩy não có thể được áp dụng cho các khu vực khác ở Trung Quốc, nơi
có những mầm mống kháng cự chống lại đảng Cộng Sản. Nhưng lịch sử đã
chứng minh rằng khi tấn công vào văn hóa và tín ngưỡng, thì sẽ phản tác
dụng, có thể làm tăng lên những dạng thức chống đối mang tính bạo lực.
Chưa chính phủ nào đòi trừng phạt Bắc Kinh vì đàn áp Tân Cương
Trong nỗ lực đồng hóa, còn có những chiến dịch mang tên « Thăm viếng nhân dân », « Trở nên người thân trong gia đình ».
Khoảng một triệu cán bộ đảng đến ở trong các gia đình Hồi giáo nhiều
ngày. Trên các tấm ảnh tuyên truyền, có thể thấy cán bộ « cùng ăn, cùng
ở, cùng làm » với dân Tân Cương. Đôi khi chỉ có phụ nữ trong nhà vì
người chồng đã bị đưa vào trại cải tạo. Để không bị chụp mũ « cực đoan
», họ đành phải cố tỏ ra tươi cười, uống bia, ăn thịt heo.
Axel
Jumahong, người gốc Duy Ngô Nhĩ, chủ một cửa hàng nữ trang ở Paris, khi
về thăm Tân Cương cũng bị sách nhiễu, bị buộc lấy mẫu ADN dù đã mang
quốc tịch Pháp. Ông kể : « Thật kinh khủng, chúng tôi phải làm tất
cả những điều mà người Hồi giáo không thích. Từ Hotan cho đến Kashgar,
khắp nơi đầy những nhà thổ và cơ sở mát-xa Trung Quốc, rất dễ dính SIDA.
Cocain, bạch phiến, ma túy đá…được bán tự do cho cả học sinh trung học
».
...Chưa có chính phủ nào công khai nêu ra khả năng trừng
phạt quốc tế đối với các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về việc
đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Theo nhà Trung Quốc học Marie Holzman, tình
trạng này khiến người ta nhớ lại thời kỳ đen tối của cuộc « Cách mạng
văn hóa » do Mao Trạch Đông tung ra năm 1966.
Bà nói : « Tất
cả đều ít nhiều bị trói tay bởi tiền của Trung Quốc. Từ sau cái chết
trong tù của giải Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba vào mùa hè năm ngoái, nhà
cầm quyền Bắc Kinh chừng như càng phóng tay đàn áp. Gần như đây là việc
diệt chủng, Hán hóa người Duy Ngô Nhĩ. Nghị Viện Châu Âu đã lên tiếng tố
cáo, nhưng ai sẽ quan tâm đến ? »
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.