Các container hàng Trung Quốc tại cảng Hambourg, 27/07/2018. |
(Người Việt 10/08/2018) Ngày thứ Năm, 9 Tháng Tám, Bắc Kinh đưa ra danh sách
những món hàng nhập cảng từ Mỹ sẽ bị đánh thuế 25%, cùng tổng số $16 tỉ để trả
đũa Mỹ. Trong danh sách đó, có một món dự trù sẽ bị đánh nhưng sau cùng đã bỏ
ra ngoài; đó là dầu lửa, dầu thô mua về chế biến.
Trung
Quốc cần nhập dầu lửa. Hơn 70% nhiên liệu dùng trong xứ phải nhập cảng, và
trong 20 năm nữa sẽ tăng lên thành 80%. Nhưng Trung Cộng mua dầu nhiều nhất Nga
và Sau đi (Saudi Arabia) nhiều nhất, dầu lửa Mỹ chỉ chiếm 3% tổng số nhập cảng.
Dầu
thô của Mỹ, Nigeria, Lybia thuộc loại “ngọt”, chứa chất lưu huỳnh (sulfur) dưới
1%; dầu Trung Đông, Nga “chua” hơn nên khi lọc rất tốn kém. Trong hai năm vừa
rồi số dầu thô Trung Cộng mua của Mỹ đã tăng lên gấp 200 lần! Các nước ở Châu Á
cũng mua nhiều dầu thô của Mỹ hơn.
Nếu
Trung Cộng không mua dầu thô của Mỹ, các nước Châu Á khác sẵn sàng mua, vì họ
đã lập những nhà máy lọc dầu mới cho thích hợp với loại ít lưu huỳnh. Quyết
định đánh thuế 25% trên dầu thô Mỹ sẽ không gây một hiệu quả “trả đũa” nào cả,
mặc dù Trung Quốc mua nhiều dầu của Mỹ chỉ thua Canada!
Trước
đây Mỹ mua dầu vào nhiều hơn bán ra, lệ thuộc dầu từ Trung Đông. Gần đây Quốc
Hội Mỹ bãi bỏ luật cấm xuất cảng dầu vì số dầu, khí đốt sản xuất bỗng tăng
nhanh, nhờ phát minh các phương pháp khai thác mới.
Câu
chuyện Trung Cộng không đánh thuế 25% trên dầu thô của Mỹ cho thấy trong cuộc
chiến tranh mậu dịch đang diễn ra cán cân nghiêng về phía Mỹ. Nếu mỗi nước cứ
tiếp tục tăng thuế nhập cảng từ nước kia, Mỹ có thể chịu đựng một cuộc chiến
lâu dài trong khi Bắc Kinh sẽ đuối sức sớm!
Kinh
tế Trung Quốc tùy thuộc vào xuất cảng nhiều, Mỹ thì ít. Nếu số xuất cảng sụp
giảm, kinh tế Tàu bị đòn nặng hơn, và sớm hơn Mỹ. Năm ngoái Mỹ chỉ bán $130 tỉ
cho Trung Quốc, mua vào gần $500 tỉ. Nếu tiếp tục leo thang từng bước, Mỹ đánh
$34 tỉ Tàu theo $34 tỉ, đánh $16 tỉ cũng theo $16 tỉ, sẽ
đến lúc Trung Cộng hết hàng Mỹ để đánh thuế!
Nhưng
điều quan trọng hơn cả, là kinh tế Mỹ có sức sống mạnh
và bền bỉ hơn, vì do các công ty tư nhân đóng vai chủ động. Lúc nào họ
cũng đầy phát minh, sáng kiến, thay đổi nhanh chóng để sẵn sàng lâm chiến, đáp
ứng với thị trường. Trong khi đó kinh tế Trung Cộng vẫn do các cán bộ, đảng
viên điều khiển! Kinh nghiệm nửa thế kỷ chiến tranh lạnh cho thấy khi đám công
chức thư lại đấu trận kinh tế với tư nhân, có thể đoán trước bên nào sẽ thắng.
Tình
trạng trì trệ của guồng máy thư lại biểu lộ rõ ngay trong những ngày đầu lâm
chiến, từ Tháng Ba, 2018. Tập Cận Bình rõ ràng ở thế bị động, cứ Trump đánh tới
đâu thì trả đũa tới đó; trong khi Tôn Tử đã nói rằng phương pháp phòng thủ tốt
nhất là tấn công!
Nhiều
người giải thích rằng chiến lược đối đầu của Cộng Sản Trung Quốc đặt trên giả
thuyết là Donald Trump “tháu cáy”. Ông
tổng thống Mỹ chỉ dọa thôi, nhưng sẽ giơ cao đánh khẽ. Vì ông Trump đã theo
cách đó khi đối đầu với ông Kim Jong Un, với ông Bashar al-Assad ở Syria.
Ý
kiến này nghe bùi tai giới lãnh đạo Trung Nam Hải. Cho nên Trung Cộng không có
một kế hoạch chủ động đối phó với Mỹ trong cuộc chiến quan thuế leo thang. Cho
nên, họ cứ chờ coi Trump hành động trước rồi phản ứng.
Tại
sao những con người như Tập Cận Bình lại chấp nhận vai trò thụ động như vậy?
Ông ta đã từng hạ tất cả các đối thủ, đè bẹp Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, leo
lên cao gần bằng Mao Trạch Đông, hơn cả Đặng Tiểu Bình.
Nguyên
nhân chính là ông Tập Cận Bình vẫn dựa vào một guồng máy thư lại trong đảng
Cộng Sản xưa nay vẫn quen sống ù lì, mà chính ông ta làm cho nó trì trệ hơn.
Trong
năm, sáu năm qua, ông Tập Cận Bình chú tâm vào “Hai Củng Cố”. Một là củng cố địa vị của mình, trở thành một chủ
tịch không bị hạn chế hai nhiệm kỳ. Ông đã thành công. Hai là củng cố uy quyền
của đảng Cộng Sản trong nước Trung Hoa. Ông đang tiến những bước quyết liệt,
đàn áp những nhà tranh đấu cho tự do dân chủ.
Nhưng
để thực hiện “Hai Củng Cố” này, ông
Tập Cận Bình tự làm thế yếu đi. Ông ta tự cô lập, không còn được nghe những ý
kiến trái ngược với ý muốn của “thiên tử”.
Đặt
niềm tin vào một số cận thần, ông Tập Cận Bình đã không sử dụng cả những cơ
quan nghiên cứu trong nội bộ, như Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển thuộc Quốc Vụ
Viện (国务院发展研究中心) đã hoàn toàn bị gạt ra ngoài các cuộc thảo luận
chiến lược kinh tế. Bên ngoài guồng máy đảng, ông Tập Cận Bình ra lệnh kiểm
soát chặt chẽ những cơ quan nghiên cứu của các đại học, chỉ nhắm ngăn chặn các
ý kiến trái nghịch, không khuyến khích các công trình nghiên cứu độc lập.
Cuối
cùng, ông Tập Cận Bình chỉ còn được nghe những ý kiến “làm vui tai lãnh tụ”.
Cho
nên, theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, đứng trước những lời đe
dọa tăng thuế quan, gây chiến tranh mậu dịch của ông Donald Trump, ông Tập Cận Bình không hề được chuẩn bị. Không có ai thu
thập các dữ kiện, con số. Không có người vạch ra các giả thiết cuộc chiến sẽ
xảy ra như thế nào, cần đối phó với mỗi kịch bản ra sao.
Dưới
chế độ Tập Cận Bình, vẫn theo tờ báo, các học giả Trung Quốc sang Mỹ bị hạn chế
không được tiếp xúc nhiều với các đồng nghiệp trong những “think tank” và đại học Mỹ. Họ không được nghe những ý kiến “chống Tàu” với các kịch bản để thi
hành. Bắc Kinh vẫn tin tưởng quá đáng vào những “cố vấn” như ông Henry
Kissinger, một tay cựu trào giỏi khai thác tiếng tăm của mình để kiếm hợp đồng
nghiên cứu, nhưng không còn chút ảnh hưởng nào trong chính trị ở Washington.
Thiếu dữ liệu, không có kịch bản, bộ máy chiến lược của ông Tập Cận Bình lâm
vào thế thụ động.
Vì
vậy, cách đối phó của ông Tập Cận Bình với ông Donald Trump là đi theo từng
bước một. Các bước đi được quyết định vào phút chót, như việc rút dầu thô ra
khỏi danh sách bị đánh thuế trả đũa – như một quan chức tiết lộ với báo South
China Morning Post.
Sau
khi Tổng Thống Donald Trump phát pháo tấn công thật, Chủ Tịch Tập Cận Bình đã
tính nước cờ Liên Hoành, kết thân với Liên Âu, Nga và Nhật Bản để cùng chống
Mỹ. Khi Nhật và Liên Âu ký hiệp ước lập một khối mậu dịch tự do lớn nhất thế
giới, và ông Jean-Claude Juncker tới Washington gặp Donald Trump, thế cờ đó tan
vỡ.
Một
điều mà các cố vấn thân cận của ông Tập Cận Bình không dám nói cho ông chủ
nghe, là các nước Châu Âu, Nhật Bản và Mỹ không phải chỉ giao thương hàng hóa
và dịch vụ với nhau, họ còn chia sẻ những giá trị
chung của chế độ tự do dân chủ. Sau khi ông Juncker từ Washington trở
về, ông Donald Tusk, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu (European Council), đã tuyên bố
trên Twitter, “Mỹ và Châu Âu là những bạn
bè thân thiết nhất.”
Những
ý kiến đó các nhà nghiên cứu độc lập ở Trung Quốc cũng biết, và đã nói.
Một
giáo sư Bắc Kinh Đại Học, ông Cổ Khánh Quốc (Jia Qingguo, 贾庆国)
đã nói trong một cuộc hội thảo gần đây khuyên “Trung Quốc nên giữ một đường lối khiêm tốn trong bang giao quốc tế…
Đừng để người ta nghĩ rằng mình sắp chiếm địa vị của nước Mỹ.”
Một
người táo bạo hơn là Giáo Sư Từ Trường Nhuận (徐张润), phân khoa Luật (Pháp Học
Viện) của Đại Học Thanh Hoa (清华大学法学院教授). Ông mới viết một bài vào cuối Tháng Bảy đăng trên
mạng Viện Nghiên Cứu Unirule (Thiên Tắc Kinh Tế Nghiên Cứu Sở 天则经济研究所),
một tổ chức mới bị đóng cửa.
Từ
Trường Nhuận phê bình thẳng rằng quyết định bãi bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ chủ
tịch là sai lầm. Ông yêu cầu quốc hội Trung Hoa hãy hủy bỏ quyết định đó, và
cũng công kích cuộc tàn sát Thiên An Môn năm 1989. Nhật báo South China Morning
Post cho biết ông Từ Trường Nhuận đang chờ bị thanh trừng!
Chính
ông Tập Cận Bình tạo ra không khí đàn áp tư tưởng, không muốn nghe các lời nói “nghịch ý thiên tử”. Gieo gió gặt bão,
bây giờ ông Tập Cận Bình lúng túng khi đứng trước các cuộc tấn công quan thuế
của ông Donald Trump vì cả bộ tham mưu không được chuẩn bị để đối phó.
Nhưng
đó là tình trạng tất yếu sẽ đến với những lãnh tụ độc tài.
NGÔ NHÂN DỤNG
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.