(Làng Mới 30/07/2018) Lần đầu tiên trong lịch sử xây dựng,
chiến đấu và trưởng thành của hai lực lượng vũ trang quân đội, công an; lần đầu
tiên trong lịch sử ngành tư pháp kể từ khi Việt Nam độc lập người dân một lúc
phải chứng kiến số tướng lĩnh bị kỷ luật, thậm chí phải ra tòa nhiều thế.
Nỗi đau không chỉ riêng của những ai đã,
đang mang trên mình bộ quân phục của hai ngành đặc biệt, luôn được dân tin cậy
cả khi thời bình cũng như lúc đất nước gặp cơn nguy biến.
Trong suốt hai cuộc chiến tranh chống
thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chống quân bành trướng Trung Quốc, chống bè lũ
Pôn Pốt và giúp Campuchia khỏi họa diệt chủng, số người được phong hàm tướng vô
cùng ít. Ai làm tướng gần như cả nước biết. Họ là những quân nhân đặc biệt xuất
sắc, xuất chúng, thậm chí được thế giới ca tụng là nhân vật vĩ đại cả về tài
năng và phẩm hạnh. Cuộc đời quân ngũ (cả trong quân đội và công an) của họ đều
có thể viết thành sách để các thế hệ mai sau biết, học tập và tự hào.
Suy cho cùng, có lẽ không dân tộc nào
mong đất nước mình có nhiều tướng lĩnh. Bởi lẽ đơn giản, tướng lĩnh ra đời
trước tiên từ đấu tranh vũ trang, cao nhất là chiến tranh quân sự. Mà có nước
nào muốn rơi vào chiến tranh, bạo loạn đâu ! Vậy nên, thời bình, quốc gia càng
đông nhà khoa học, càng nhiều doanh nhân tài ba, càng đông người lao động có
chuyên môn giỏi, quốc gia ấy sẽ càng nhanh phát triển. Việt Nam, kể từ khi đơn
vị cuối cùng rút quân khỏi Campuchia cũng thấm nhuần phép biện chứng ấy. Và
theo con đường đó, lẽ ra số tướng lĩnh trong hai ngành quân đội và công an sẽ
phải giảm dần, chiến tranh càng lùi xa thì tướng tá càng ít, càng phải tinh.
Nhưng, không phải bây giờ khi có nhiều
tướng lĩnh bị kỷ luật, phải hầu tòa, dư luận mới bày tỏ thái độ ngạc nhiên,
không đồng tình trước thực tế có vẻ như ngược quy luật: Đảng, Nhà nước luôn
khẳng định trước dân, trước quốc tế, và chính người dân cũng thấy rõ là Việt
Nam chưa bao giờ có được hoà bình, ổn định bền vững như hiện nay vậy mà số
lượng tướng lĩnh hàng năm được phong quá đông ? Tướng nhiều tức là đội ngũ sĩ
quan từ trung tá đến đại tá càng nhiều. Có những cuộc họp giao ban đơn vị vũ
trang được truyền hình ghi lại, lon tướng đỏ hội trường, hàm thiếu tướng phải
ngồi mấy dãy ghế phía sau. Rất nhiều “tướng niên hạn”.
Quốc hội từng lên tiếng và bàn thảo
nhiều về các quy định phong tướng cả trong hai lĩnh vực quân đội và công an.
Khi bàn thảo có nhận ra những bất cập về giá trị quân hàm của các lực lượng vũ
trang và hạn ngạch lương, thu nhập của các cá nhân với tư cách là người lao
động trong ngành đặc thù.
Xử lý các bất cập là chuyện phải làm của
các cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, nhân chuyện một loạt lướng lĩnh quân đội,
công an bị kỷ luật, phải ra tòa hôm nay, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ cần
rà soát lại vấn đề phong tướng; lắng nghe dư luận xã hội, nghe chính các tiếng
nói trung thực trong hai lực lượng quân đội và công an về thực trạng chất
lượng; nhu cầu, quy trình, quy định phong quân hàm tướng. Một giám đốc ra tòa, một
thứ trưởng, bộ trưởng ra tòa đã gây ảnh hưởng xấu, một tướng lĩnh ra tòa, hậu
quả còn nặng nề hơn. Bởi có những tướng, mỗi nấc quân hàm có khi là máu đổ, có
khi phải trả giá bằng tính mạng của đồng đội.
Thủ trưởng đầu tiên của tôi là Thiếu
tướng Trần Công Mân, Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân. Tài năng, sống giản dị
nhưng ông đặc biệt nghiêm cẩn cả về tác phong lẫn nói năng khi mặc bộ quân phục
đeo lon Thiếu tướng. Hình ảnh của Thiếu tướng Mân là hình ảnh của cả một tờ báo
của Quân đội.
Một loạt thiếu tướng, trung tướng,
thượng tướng bị kỷ luật, bị bắt lần này có lẽ nỗi đau của cá nhân họ không là
gì so với nỗi đau của cha mẹ, người thân và của đơn vị họ. Nghiệm từ mình ra,
chỉ là thượng tá Quân đội, ở làng ai cũng biết; bố mẹ, anh em, bạn bè tự hào.
Một làng, một huyện có người dù chỉ sinh ra ở đó, học hành rồi thoát ly, lên
tướng như Phan Văn Vĩnh, Bùi Văn Thành, Trần Việt Tân, Phương Minh Hòa, Phan
Hữu Tuấn…hẳn là người dân các vùng quê đó tự hào lắm. Tự hào có con giàu, thành
đạt trong các lĩnh vực khác không thể sánh với tự hào có con là cấp tướng.
Những ông bố, bà mẹ ở quê nghĩ đúng như thế. Nay nỗi đau của họ không biết đến
nhường nào.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.