vendredi 27 juillet 2018

Nguyễn Công Khế - Mênh mông tình buồn


Cái sự quy hoạch báo chí gây cho tôi nhiều thắc mắc hơn là đồng tình. Hội nào, đoàn thể nào được ra báo. Đề án quy hoạch báo chí mới này đã cố tình gạt ra rìa rất nhiều tờ báo có đông bạn đọc, kể cả tờ Thanh Niên và Tuổi Trẻ, với lý do Trung ương Đoàn và Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ nên có một tờ báo mà thôi. 

Hiến Pháp đâu có quy định Hội-Đoàn nào là được xếp vào loại quan trọng để được cấp giấy phép cho xuất bản báo. Như vậy là có sự phân biệt đối xử với các Hội - Đoàn xuất phát từ ba tác giả chính của đề án quy hoạch báo chí, trong đó có ông Đinh Thế Huynh, ông Nguyễn Bắc Son và vài người khác nữa.

Quy hoạch lần này không đánh trúng được vào chỗ mấy anh sử dụng báo chí để làm chuyện tiêu cực, làm tiền, gây rối ren cho làng báo, làng viết lách. Và làm thế nào để báo chí Nhà nước đóng một vai trò tích cực hơn trong việc đưa đến người đọc những tin tức nóng hơn, trung thực và kịp thời hơn, ít vùng cấm hơn, để lấy lại niềm tin từ đông đảo người đọc. Mà lại có vẻ như bị lạc vào chỗ không cần thiết phải làm là, tìm cách hạn chế quyền ra báo đối với các tổ chức Hội-Đoàn được Nhà nước cho phép hoạt động.

Các anh Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền Thông mấy khoá gần đây, tôi chú ý thấy chưa có ai là người am hiểu nhiểu về báo chí và truyền thông. Hiện tại, ta chỉ thấy mấy ông Google, Facebook, Minds, Twitter... gì đó làm chủ trận địa thông tin mà thôi. Bật điện thoại, laptop, vi tính ra là thấy thông tin hiện ra. Tốt có, xấu có, bịa đặt có, chửi bới vu khống, ca ngợi... đều có đủ. Thông tin của báo chính thống từ các tờ báo Nhà nước lại luôn đi sau và né tránh những tin tức được cho là nhạy cảm, nhưng lại rất thiết thân đối với độc giả.

Trước 30-4-1975, Sài Gòn văn minh lắm thì cũng chỉ có mấy đài phát thanh, thêm mấy đài truyền hình là hết. Mấy đài nước ngoài mà người Việt mình thường nghe, chỉ có BBC, VOA, RFI...là hết. Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có Đài Tiếng nói Việt Nam, Chinh phủ Cách mạng lâm thời và Mặt trận Dân tộc Giải phóng có Đài phát thanh Giải phóng. Báo in ở Sài Gòn và Hà Nội hồi ấy, dù cách quản lý khác nhau, nhưng mỗi bên có chừng mấy chục tờ thôi. Dân trí thức ở Sài Gòn thời đó, đọc thêm mấy tờ báo Pháp như Le Monde, Le Figaro, Paris Match… mấy tờ báo lớn của Mỹ như The New York Times, Washington Post... báo Anh có The Guardian...

So với bây giờ, Việt Nam có trên 800 tờ báo, truyền hình phát thanh, báo điện tử được cấp phép. Hàng chục triệu người dùng Facebook, mạng xã hội. Vô số các loại diễn đàn....Nhiều báo chính thống như vậy mà nói ít người nghe hơn là mạng xã hội. Mà thực chất, về nguồn tin thì báo Nhà nước nắm được nhanh hơn, có xuất xứ chắc chắn hơn, nhưng thường không cho nói trước vì phải chờ và định hướng quá kỹ, nên đi sau thiên hạ, đánh mất thế thượng phong mà mình có được. Dần dà, mất hết người đọc một cách vô lý.

Tôi nhớ, phía cách mạng trước 1975, lúc đó, ngoài Bắc chỉ có một đài phát thanh là chủ lực mà tin tức của họ được truyền đi khắp thế giới, được trích dẫn và bình luận khắp nơi. Nhờ đó mà thế giới biết được quan điểm của Hà Nội trong mọi góc độ của cuộc chiến.

Tại sao báo chí bây giờ nhiều hơn , đông hơn,hiện đại hơn rất nhiều, nhưng không mạnh. Người ta không tin vào báo chí như trước đây? Bản thân báo chí, mạng xã hội cũng đều có tiêu cực. Nhưng do đâu mà tiêu cực tràn lan như vậy?

Bao giờ cho đến ngày xưa?

Tại sao bây giờ cái gì cũng hiện đại hơn, đầy đủ hơn, nhưng con người ít hạnh phúc hơn, nhiều lo lắng hơn; kể cả người giàu có và cả những người có sẵn quyền lực? Phải có sự nhìn nhận và dám thay đổi những thứ rất căn cơ thì mới phát triển được.

Ngành Giáo dục như thế nào qua vụ nâng điểm ở Hà Giang và Sơn La. Giáo dục, Y tế, và bây giờ là Truyền thông. Xin hỏi các Bộ trưởng. Quý vị chịu trách nhiệm về lĩnh vực của mình phụ trách mà để xảy ta nhiều bất cập như hiện nay thì các vị nên tự hành xử như thế nào? 

Đừng đổ trách nhiệm cho thể chế nữa. Có những việc sai không phải lúc nào cũng do thể chế.Tất nhiên là thể chế hiện nay cũng gánh phần trách nhiệm rất lớn của nó, chứ không phải vô can.

Đây là một bài viết mang nhiều trăn trở của một nhà báo nhiều năm trong nghề. Mong mọi bình luận đều tỉnh táo và trách nhiệm. Đừng để tôi phải xóa, điều mà tôi không mong muốn!

FB NGUYỄN CÔNG KHẾ 27.07.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.