vendredi 8 juin 2018

TS Cù Huy Hà Vũ kiến nghị không thông qua Luật đặc khu



Virginia, ngày 05 tháng 6 năm 2018
KIẾN NGHỊ
KHÔNG THÔNG QUA DỰ THẢO LUẬT ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH – KINH TẾ ĐẶC BIỆT VÂN ĐỒN, BẮC VÂN PHONG, PHÚ QUỐC

Kính gửi: Quốc Hội, Chủ tịch Quốc Hội và các Đại Biểu Quốc Hội
                Nước Cộng Hòa Xã Hội chủ Nghĩa Việt Nam
 Đồng kính gửi: Thủ tướng Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam

Tôi, Cù Huy Hà Vũ, công dân Việt Nam, Tiến sĩ Luật, xin gửi đến Quí Vị lời chào trân trọng nhất.

Căn cứ

Điều 28 Hiến pháp 2013

1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.
2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.

Điều 44 Hiến pháp 2013
Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất.

Điều 45 Hiến pháp 2013 
1. Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân.

Điều 8 Luật quốc phòng 2005
6. Xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh về mọi mặt; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh ở địa bàn trọng điểm, vùng dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo.

Điều 108 Bộ Luật hình sự. Tội phản bội Tổ quốc
1. Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc…thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Và căn cứ: Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XIV sắp thông qua Dự thảo Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
 
Tôi khẩn cấp kiến nghị Quí Vị như sau.

Trước hết tôi ủng hộ việc thành lập đặc khu kinh tế vì đó là môt mô hình phát triển kinh tế thành công trên thế giới (4.500 đặc khu kinh tế tại 140 quốc gia) dựa trên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 

Mặc dầu vậy, tôi kiên quyết phản đối Dự thảo Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc với các lý do sau đây.

Thứ nhất, kinh nghiệm quốc tế cho thấy đặc khu kinh tế thường nhắm tới phát triển khu vực nghèo tài nguyên, lạc hậu. Thế nhưng cả ba địa điểm nêu trên đều rất đắc địa, đầy tiềm năng du lịch và thương mại, thậm chí đang phát triển rất sôi động nhờ hàng trăm nghìn tỷ đồng được Nhà nước đầu tư vào xây dựng đường xá, sân bay, cảng biển. Nói cách khác, trao qui chế đặc khu cho Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là “lấy của người nghèo đem cho người giàu”, làm tăng bất công xã hội ở tầm vĩ mô.

Thứ hai, căn cứ Khoản 6 Điều 8 Luật quốc phòng (2005) đã dẫn ở trên, hải đảo thuộc khu vực phòng thủ, hơn thế nữa, là địa bàn quốc phòng trọng điểm. Mới đây, ngày 23/8/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về khu vực phòng thủ, đã khẳng định “xây dựng khu vực phòng thủ là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác quốc phòng toàn dân với những chủ trương, biện pháp cụ thể, góp phần quan trọng vào thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc”. Đã là khu vực phòng thủ, địa bàn quốc phòng trọng điểm thì không thể có bất cứ cơ sở có yếu tố nước ngoài nào được thiết lập tại đây dù chỉ một giây chứ đừng nói 99 năm, trừ trường hợp Việt Nam ký với nước khác Hiệp định cho phép nước đó thiết lập cơ sở tại đây. 

Như vậy, do Vân Đồn gồm một số hải đảo, Bắc Vân Phong gồm một số hải đảo, Phú Quốc là hải đảo nên việc cho phép cơ sở có yếu tố nước ngoài thiết lập tại ba địa bàn quốc phòng trọng điểm này là vi phạm nghiêm trọng Luật Quốc phòng (2005). Hơn thế nữa, một sự cho phép như vậy dẫn đến hiểm họa mất nước rất cao khi thực tế cho thấy yếu tố nước ngoài hầu như duy nhất lại là Trung Quốc, nước có cả một kế hoạch thôn tính Việt Nam.

Thực vậy, Trung Quốc đã tiến hành xâm lược các tỉnh cực Bắc của Việt Nam vào năm 1979. Bên cạnh đó, dựa vào cái gọi là “đường lưỡi bò” do nước này tự vẽ gồm 9 đoạn (mới đây được sửa thành 10 đoạn) bao trọn quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và phần lớn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông để đanh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, đánh chiếm các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa vào năm 1988. Ngoài ra Trung Quốc đang tích cực quân sự hóa biển Đông, trong đó có việc xây dựng các đảo chiếm được của Việt Nam thành căn cứ quân sự, nhằm đánh chiếm nốt lãnh thổ của Việt Nam ở đây. 

Do đó, Dự thảo Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc nếu được Quốc Hội thông qua sẽ là cơ hội vàng cho Trung Quốc chiếm được các địa bàn quốc phòng trọng yếu mà không tốn một viên đạn. Cụ thể là Trung Quốc, với tiềm lực tài chính của cường quốc kinh tế thứ hai, chỉ sau Mỹ, và nhất là trong bối cảnh tham nhũng ở Việt Nam đang là quốc nạn, chắc chắn sẽ thâu tóm toàn bộ đất đai và cơ sở hạ tầng của cả ba đặc khu này, kể cả bằng cách mua lại “dự án” mà thực chất là đầu cơ đất của giới tư bản thân hữu hay nhóm lợi ích Việt Nam dưới vỏ “nhà đầu tư chiến lược”. Tiếp đó, Trung Quốc sẽ thực hiện di dân nhằm biến ba đặc khu này thành lãnh thổ Trung Quốc trên thực tế, đồng nhất với căn cứ quân sự tiềm năng của nước này trên đất Việt Nam. 

Cũng cần nhắc lại rằng do Việt Nam và Trung Quốc có chung biên giới, “núi liền núi, sông liền sông”, nên việc Trung Quốc di dân sang Việt Nam thật dễ như trở bàn tay. Điều này dẫn đến tăng tốc Hán hóa dân cư ở Việt Nam, được hỗ trợ đắc lực bởi việc dân di cư từ Trung Quốc lấy vợ Việt, sinh con đẻ cái, nhất là trong bối cảnh ở Trung Quốc nam nhiều hơn hẳn nữ do chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ. 

Trên thực tế, hầu hết những khu vực xung yếu về an ninh – quốc phòng của Việt Nam hiện đã bị Trung Quốc chiếm cứ dưới vỏ bọc các dự án sản xuất, kinh doanh. Dọc biển thì từ Quảng Ninh (Nhiệt điện Mông Dương 2 tại Cẩm Phả, khu công nghiệp Texhong Hải Hà tại Móng Cái…), Hải Phòng (Nhiệt điện Thủy Nguyên…), Hà Tĩnh (khu công nghiệp Fomosa gồm cảng Vũng Áng và cảng nước sâu Sơn Dương tại Kỳ Anh), Quảng trị (Công ty chăn nuôi tại Cửa Việt) cho đến Khu du lịch mũi Cửa Khẻm ở chân đèo Hải Vân (Thừa Thiên - Huế), các khu Trung Quốc dọc bờ biển Đà Nẵng, Bình Định (Khu kinh tế Nhơn Hội tại Quy Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát), Bình Thuận (Nhiệt điện tại Vĩnh Tân), Ninh Thuận (Nhà máy titan tại Sơn Hải), Trà Vinh (Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải) … Trên đất liền thì từ Cao Bằng, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh cho đến Tây Nguyên, địa bàn chiến lược bậc nhất của Việt Nam (Nhà máy khai thác bauxite tại Nhân Cơ, Tân Rai)… Cộng vào đó là khoảng 400 ha rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn cũng đã được cho các doanh nghiệp có gốc Trung Quốc thuê với thời hạn 50 năm.

Tóm lại, kiểm soát, xử lý các cộng đồng Trung Quốc ăn theo các dự án sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm an ninh quốc gia sẽ vô cùng phức tạp, thậm chí là không thể. Đó là chưa nói tới nguy cơ Trung Quốc viện cớ bảo vệ công dân nước họ để đưa quân vượt biên giới sang Việt Nam cũng như nguy cơ cộng đồng Trung Quốc tại các đặc khu, Vân Đồn trước tiên, đòi ly khai với Việt Nam để sáp nhập vào Trung Quốc, với tiền lệ Crimea sáp nhập vào Nga!

Một khi Trung Quốc đã chiếm được các địa bàn quốc phòng trọng yếu này theo cái cách như vậy thì hệ thống phòng thủ quốc gia của Việt Nam, vốn đã thủng lỗ chỗ bởi các dự án sản xuất, kinh doanh của Trung Quốc như đã liệt kê, đương nhiên bị phá vỡ, mất nước vào tay Trung Quốc vì thế chỉ còn là vấn đề thời gian. Câu chuyện “cáo gửi chân” vẫn mang tính thời sự là vậy! 

Kết luận lại, ra Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là “nối giáo cho giặc”, là tạo tiền đề mất nước và vì vậy dứt khoát là hành vi phản bội Tổ Quốc

Với các lý do trên, đặc biệt trước hiểm họa nhãn tiền mất nước vào tay Trung Quốc, tôi, công dân Cù Huy Hà Vũ, khẩn thiết kêu gọi Quí Vị không thông qua Dự thảo Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc

Thay vào đó, tôi kiến nghị Quốc Hội nghiên cứu để ban hành Luật Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt theo đó không được chuyển các khu vực phòng thủ, các địa bàn quốc phòng trọng yếu như hải đảo, biên giới trên đất liền thành đặc khu kinh tế hoặc bộ phận của đặc khu kinh tế. Tôi cũng kiến nghị Quốc Hội đồng thời nghiên cứu để ban hành Luật Di dân (Immigration Law) nhằm giảm thiểu nguy cơ mất chủ quyền quốc gia đặc biệt bởi di dân Trung Quốc. Trên cơ sở hai Luật mới này và các Luật khác có liên quan Quốc Hội sẽ ban hành Luật điều chỉnh đặc khu kinh tế cụ thể.


Tổ Quốc hay là Chết!

Trân trọng cảm ơn Quý Vị và mong sớm nhận được phản hồi tích cực từ Quý Vị,


Cù Huy Hà Vũ
Địa chỉ thường trú: 24 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam
Địa chỉ tạm trú: 6070 Estates Dr, Alexandria, VA 22310, Virginia, USA (Hoa Kỳ)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.