Nhiều người tưởng việc thành lập Đặc khu Kinh tế Vân Đồn chỉ
mới đặt ra vào năm 2014, căn cứ vào bản tin tường thuật Hội thảo khoa học quốc
tế về phát triển Đặc khu kinh tế - Kinh nghiệm và Cơ hội ngày 20/3/2014 đăng
trên trang mạng của chính quyền Quảng Ninh (http://www.quangninh.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=56858).
Thực ra, trước đó hai năm, một đề án xây dựng đặc khu kinh
tế tại Quảng Ninh đã được công bố mà tác giả là Phạm Minh Chính, lúc ấy là Bí
thư tỉnh ủy Quảng Ninh, nay là ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung
ương Đảng.
Theo lời của GS Võ Đại Lược, ông Phạm Minh Chính “rất
hăng say về chuyện xây dựng đặc khu kinh tế ở Vân Đồn”, từng “cho tổ
chức không ít hội thảo về đề tài này”, từng “tự tay viết Đề án đặc khu
kinh tế của Vân Đồn, và trực tiếp trình bày với Bộ Chính trị, và được chấp
thuận” (http://nguoidothi.net.vn/dac-khu-kinh-te-o-viet-nam-nhung-thu-nghiem-va-that-bai-13907.html).
Ông Phạm Minh Chính muốn xây dựng hai đặc khu kinh tế, chứ
không phải một: ngoài Vân Đồn còn có Móng Cái, mà Móng Cái thì không phải gần,
mà chung biên giới với Trung Quốc. Đề án có tên “Phát triển kinh tế xã hội
xanh, bền vững, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và thí điểm hai khu hành
chính - kinh tế đặc biệt là Móng Cái và Vân Đồn” được chính thức công bố và
lấy ý kiến các bộ ngành liên quan vào đầu tháng 8 năm 2012.
Và luật lệ hết sức mở: miễn toàn bộ thuế thu nhập doanh
nghiệp đối với doanh nghiệp thành lập mới trong thời gian 15 năm đối với doanh
nghiệp công nghệ cao và 20 năm đối với lĩnh vực dịch vụ. Người Việt Nam và
người nước ngoài làm việc tại đây sẽ được giảm tới 70% thuế thu nhập cá nhân
trong vòng 15 năm. Đặc biệt, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thuê
quyền sử dụng đất trong 70 năm và doanh nghiệp dịch vụ còn có thể lên đến 120
năm.
Đối với Vân Đồn, kinh tế mũi nhọn được xác định là “du
lịch biển đảo, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp, trung
tâm thương mại, tài chính và là cửa ngõ giao thương quốc tế”. Còn với Móng
Cái sẽ là “thành phố cửa khẩu quốc tế hiện đại, là trung tâm phát triển của
vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ với các mũi nhọn là thương mại biên giới,
là cửa ngõ giao thương trao đổi hàng hóa ASEAN - Trung Quốc, phát triển du lịch
biển và du lịch biên giới.”
Quảng Ninh “đếm cua trong giỏ” còn trước cả bà Chủ
tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đưa ra những con số trong mơ: tốc độ tăng
trưởng GDP bình quân của Vân Đồn sẽ đạt khoảng 21,9%/năm cho đến năm 2020, với
GDP bình quân đầu người đạt 3.600 USD vào năm 2015 và 9.000 USD vào năm 2020.
Móng Cái còn kinh khủng hơn: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân sẽ tăng 14,8% cho
đến năm 2020, để GDP bình quân đầu người đạt 7.000 USD vào năm 2015 và 14.000
USD năm 2020.
Những thông tin ấy không có gì là bí mật. Nó được công bố
trên trang mạng của chính quyền Quảng Ninh (xin xem http://www.quangninh.gov.vn/bannganh/bantuyengiao/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=2889&Page=2)
Chỉ nói thêm: Hội thảo đã nhắc ở trên chắc chắn có tài trợ
của phía Trung Quốc. Chẳng thế mà trước đó, bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường
trực Tỉnh ủy, trong buổi làm việc với đoàn chuyên gia Trung tâm nghiên cứu đặc
khu kinh tế Trung Quốc thuộc trường Đại học Thâm Quyến để chuẩn bị cho hội thảo
đã bàn đến cả chuyện kinh phí tổ chức hội thảo (http://www.quangninh.gov.vn/pInChiTiet.aspx?nid=54541).
Và như thế, không loại trừ đề án xây dựng đặc khu kinh tế có bàn tay lông lá
của Trung Quốc thò vào.
FB HOÀNG DŨNG 07.06.2018 (Tựa
gốc : « Đề án
Đặc khu Kinh tế do ông Phạm Minh Chính là tác giả, từng dự định cho thuê đất
đến 120 năm, chứ không phải 99 năm! »)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.