lundi 4 juin 2018

Nguyễn Quang Thiều - Đặc khu và tiếng kêu của nhân dân



Chinatown tại Melbourne, Úc.

Thư ngỏ gửi các vị đại biểu Quốc hội
Kính thưa các vị, 


Trong những ngày này, quanh chúng ta đang vang tiếng kêu của nhân dân về một mối đe dọa mà nhân dân đang cảm thấy và nhìn thấy. Đó là mối đe dọa từ cái tên “ đặc khu”.
 

Trong suy nghĩ đơn giản của tôi, đặc khu không phải tạo ra bất cứ điều gì gọi là sự đe dọa. Nhưng ai là người thuê đặc khu ấy trong một thời gian quá dài mới là kẻ làm ra sự đe dọa. Và trong suy nghĩ có thể là thiển cận của mình, tôi nghĩ “đặc khu” không phải là con đường duy nhất làm cho một đất nước phát triển và giàu có. 

Rất nhiều quốc gia giàu có trên thế giới không phải dùng phương án gọi là đặc khu mà họ đã phát triển đất nước rực rỡ. Hơn nữa, người sẽ thuê 3 đặc khu ở những vị trí rất đặc biệt và quan trọng có nguy cơ là Trung Quốc. Và chính vì người sẽ thuê 3 vị trí chiến lược của Việt Nam là Trung Quốc, nên tiếng kêu của người dân mới vang lên khẩn thiết như vậy. 

Trước hết, tôi muốn các vị hiểu một điều quan trọng là tiếng kêu của nhân dân xuất phát từ đâu ? 

Từ cảm giác của nhân dân về sự bất an
Từ linh cảm của nhân dân về những bất trắc
Từ trí tuệ của dân dân là trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà kinh tế học, các doanh nhân chân chính...
Từ kinh nghiệm và sự thật lịch sử của một dân tộc chống ngoại bang
Từ trách nhiệm và lương tâm của nhân dân đối với vận mệnh tương lai của đất nước. 


Kính thưa các vị, 

Cách đây mấy năm, tôi đã viết trên báo một bài nói tới sự cảnh báo của nhiều nước lớn về Trung Quốc. Một trong những điều tôi nói tới là hình ảnh các Chinatown (phố Tàu) trên thế giới. Đoạn viết như sau :

“ Trước năm 1992, tôi không hiểu gì về Chinatown – phố Tàu, ngoài nghĩa là một cộng đồng di dân người Trung Quốc sống tập trung. Tháng 7 năm 1992, tôi được Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc mời đến thăm Úc. Trong chuyến đi ấy, tôi đã đọc một cuốn sách nghiên cứu về Chinatown của một nhà nghiên cứu Úc. Tôi xin tóm tắt những gì tác giả này viết về China town :

Khi Chinatown được dựng lên, chúng ta (người Úc) đến đó với tinh thần đi thăm quan một cộng đồng di dân có một nền văn hóa khác biệt. Chinatown lúc đầu giống như một hội chợ của người Trung Quốc tổ chức trên đất Úc. Chúng ta đến đó xem họ múa lân và thưởng thức các món ăn Trung Quốc. Chúng ta thực sự thấy vui vẻ khi trên đất nước chúng ta có một cộng đồng đầy bản sắc, bởi Úc là một đất nước đa bản sắc nên sự chấp nhận các cộng đồng khác không có gì quá khó khăn.

Rồi chúng ta lãng quên đi. Mười năm sau chúng ta trở lại Chinatown. Chúng ta giật mình. China town đã phát triển quá nhanh. Nhưng điều đáng suy nghĩ nhất là Chinatown không phải là khu cộng đồng của người Trung Quốc định cư trên đất Úc hay là một hội chợ của Trung Quốc nữa, mà nó đã biến thành một tiểu Trung Quốc trên đất Úc với sức ảnh hưởng không nhỏ của nó. 

Chinatown này muốn mở rộng mãi mãi và muốn Trung Quốc hóa những khu vực mà Chinatown lấn tới. Đến lúc này, niềm vui và tính tò mò của chúng ta về trò múa lân cùng với hương vị của ẩm thực Trung Quốc không còn mà thay vào đó là một nỗi lo sợ.

Nỗi sợ hãi của tác giả cũng là nỗi sợ hãi của rất nhiều người ở những quốc gia mà những người Trung Quốc đến định cư và làm mọc lên những Chinatown. Tổng thống Mỹ Donald Trump trong thời gian tranh cử đã liên tục cảnh báo người Mỹ về mối nguy hiểm của con bạch tuộc mang tên Trung Quốc. Và trrong cách nhìn của tôi thì các Chinatown là những cái hang của con bạch tuộc đó.

Đọc trên trang web SOI, tôi thấy một bài viết rất hay về hội họa Kenya trong một triển lãm quốc tế. Điều bài báo nói đến là “ một triển lãm hội họa Kenya ( Châu Phi ) nhưng lại là tranh đặc Tàu của các họa sĩ người Hoa định cư ở đó. Một cú đánh trắng trợn và một cái chết thảm thương của nền hội họa của nước Châu Phi này.

Tôi đã nói khá kỹ phần nghiên cứu về Chinatown của nhà nghiên cứu xã hội Úc trên một tờ báo trong nước từ những năm 1990 của thế kỷ trước. Tất nhiên ý kiến về một nguy cơ có vẻ “xa xôi” này có lẽ quá ít người chú ý. Giống như khởi đầu của những Chinatown – phố Tàu trong những ngày đầu xuất hiện “.

Kính thưa các vị,

Trong những năm gần đây, các cơ quan truyền thông thế giới và báo chí chính thống của chúng ta đã liên tục lên tiếng về hành động của Trung Quốc trong vấn đề biển đảo và những cuộc “xâm lược mềm”. Trung Quốc đã dùng sức mạnh về người, về tiền và vũ khí, trắng trợn vi phạm chủ quyền biển đảo của chúng ta và một số nước láng giềng của họ. 

Những nhóm du lịch Trung Quốc ngang nhiên đứng giữa một số thành phố của chúng ta và tuyên bố chủ quyền của họ. Gần đây nhất, một nhóm du lịch Trung Quốc nhất loạt mặc áo có in bản đồ công khai tuyên bố một số hòn đảo của Việt Nam thuộc chủ quyền của họ. Đây không phải là trò láo lếu của một thằng oắt con vô học trốn bố mẹ đi chơi, mà là chiến lược của Trung Quốc. Chỉ bằng những hiện thực ít ỏi vậy thôi, chúng ta cũng thừa đủ chứng cứ để hiểu Trung Quốc đã và đang làm gì với đất nước chúng ta. 

Kính thưa các vị, 

Đặt ngón tay lên nút ấn, ngay cả nút ấn phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, sẽ không làm những ngón tay ấn nút ấy có một chút gợn nào của sự đau đớn và chết chóc. Bởi thế nó dễ làm người ta bị đánh lừa bởi những cảm giác êm ái khác, ví dụ như cảm giác nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển thành rồng thành hổ. Nhưng hậu quả sau đó thật khôn lường. 

Viết đến đây, tôi nhớ tới một bài thơ của cố nhà thơ Phạm Tiến Duật, khi ông viết về một bà mẹ ở địa đạo Vĩnh Linh trong năm tháng chiến tranh khốc liệt chống Mỹ bảo vệ tổ quốc. Bà mẹ Vĩnh Linh ấy nói : “ Thà ăn muối suốt đời còn hơn là có giặc”.
 
Nếu chỉ vì miếng ăn thì trong những ngày này chúng ta sẽ không nghe tiếng kêu của nhân dân vang lên khẩn thiết, cho dù rất nhiều nhân dân của các vị đang sống trong muôn vàn khó khăn. Và tôi biết, có những người trong các vị trong những ngày này đã cất tiếng kêu công khai cùng tiếng kêu của nhân dân, và cũng không ít vị đang dày vò lương tâm. 

Hơn lúc nào, lúc này tất cả chúng ta phải thật tĩnh tại và suy ngẫm thật thấu đáo. Hơn lúc nào, lúc này chúng ta cần sử dụng đến lương tâm và tình yêu tổ quốc của mình. Các vị có thể ấn nút thông qua cho Trung Quốc thuê 99 năm ba “vùng lãnh thổ đặc biệt” của chúng ta mà không cảm thấy có gì bất trắc. Rồi mươi năm sau này, các vị cũng sẽ không cảm nhận thấy gì cả. 

Nhưng 30, 50 hay 100 năm sau, khi chúng ta trong đó có các vị đã tan vào cát bụi hư vô, thì là lúc con cháu chúng ta đứng trước đất nước và bật khóc hỏi : vì sao dân tộc chúng ta lại như thế này ???

Dân tộc chúng ta đang đứng trước những thách thức khổng lồ. Có không ít các dân tộc trên thế giới ở những “cuộc chiến” nào đó, và ở một giai đoạn nào đó, họ đã không chiến thắng. Nhưng điều quan trọng nhất là các dân tộc đó đã không khuất phục. Bởi khuất phục là sự thất bại đau đớn và hổ nhục nhất mà không có chiến thắng nào sau đó có thể bù đắp được. Và “sự khuất phục” mới thực sự là thất bại thảm hại nhất mà không ai có quyền ngụy biện. 

Xin chúc các quý vị luôn là người chiến thắng. Bởi nhân dân của các quý vị chưa bao giờ chịu khuất phục, trong toàn bộ lịch sử của mình.

Hà Đông, 3 tháng 6 năm 2018

Nhà văn NGUYỄN QUANG THIỀU

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.