Trụ sở Sở Thông tin Tuyên truyền TPHCM, xưa kia là tòa sọan Gia Định Báo, tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam. |
* Đừng nhầm lẫn : 21/6 là « Ngày báo chí cách mạng Việt Nam », không phải « Ngày báo chí Việt Nam ».
* Ai đứng đàng sau cầm trịch việc đục bỏ dấu tích lịch sử?
Nhiều người í ới nhân dịp 21/6, gọi là mừng "Ngày Báo chí Việt Nam". Tôi sửa lưng vài đồng nghiệp trẻ, nói vậy là trật, phải thêm vô hai chữ "cách mạng" cho rạch ròi.
Ủa, vậy là sao? Họ
trố mắt hỏi. Đến lượt tôi phải kinh ngạc. Trời đất, đã bước chân vô nghề báo mà
nhiều người vẫn ù ù cạc cạc, không biết một tí gì về lịch sử báo chí trên quê
hương Việt Nam này hay sao!
1/ Hồi năm 1985
Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có quyết định lấy ngày ra số đầu
tiên của báo Thanh Niên làm "Ngày
Báo chí Việt Nam" (không có hai chữ "cách mạng"). Đến năm 2000, Bộ Chính trị sửa lại, gọi là "Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam".
Té ra là vầy:
Bởi vì ngày 21/06/1925
báo Thanh Niên ra mắt số báo đầu tiên. Báo này do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng
lập, xuất bản ... tận bên Tàu (Quảng Châu). Đó là mốc khởi đầu của "dòng
báo chí" đi theo định hướng tuyên truyền của đảng Cộng sản.
Trong khi đó, NỀN BÁO CHÍ của người Việt Nam thì ra đời trước "dòng báo chí cách mạng" những 60 năm lận!
2/ GIA ĐỊNH BÁO
là tờ báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ, ra số đầu tiên vào ngày 15/04/1865. Xuất
bản không phải trên đất Tàu, mà là tại Sài Gòn, trên đất nước Việt Nam của
chúng ta hẳn hoi!
Vai trò hàng đầu
trong Gia Định báo là học giả lừng danh Trương Vĩnh Ký.
Không chỉ là tờ
báo tiếng Việt đầu tiên, mà quan trọng hơn hết, chính là công lao quảng bá, phổ
biến CHỮ QUỐC NGỮ (là thứ chữ mà toàn bộ 90 triệu người Việt hiện nay đang
dùng)! Bởi trước đó không ít người Việt Nam vẫn còn vướng víu / nấn ná với
"chữ vuông" (Hán tự). Góp phần vào việc xiển dương chữ quốc ngữ, ngoài
Gia Định báo, còn có tờ Nông Cổ Mín Đàm, tờ Lục Tỉnh Tân Văn... tất cả đều nằm
ở vùng đất phương Nam.
Công trạng hàng
đầu về quảng bá chữ quốc ngữ, trên lĩnh vực báo chí, đều do các tờ báo ở miền
Nam đi tiên phong!
3/ Vậy nên, muốn
nói về NỀN báo chí của nước Việt thì mốc khởi điểm để ghi vào lịch sử phải là
ngày 15 tháng 4 (vào năm 1865).
Còn nếu nói về
"DÒNG báo chí" theo định hướng của đảng Cộng sản, lấy ngày 21 tháng 6
(vào năm 1925) làm ngày kỷ niệm thì khỏi bàn, chuẩn không cần chỉnh.
Mắc giống gì mà
nhiều vị mần báo hiện nay khi kỷ niệm ngày 21/6 lại cứ gọi đây là "Ngày Báo chí Việt Nam "? Quý
vị đã tự ý đục bỏ hai chữ "cách
mạng" mà... Bộ Chính trị vào năm 2000 đã gọi ("Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam") đó đa!
Kéo dài sự nhầm
lẫn, nhập nhằng như vậy để làm gì?
4/ Lại phải nói
về chuyện "đục bỏ", sự đục
bỏ này mới đáng nói, đau lòng khôn xiết. Nó cho thấy người ta quên béng đạo lý "ăn quả nhớ kẻ trồng cây"!
Tòa soạn của tờ
Gia Định báo nằm ở đâu? Theo nhà báo Trần Nhật Vy, trụ sở của Sở Thông tin
Tuyên truyền TPHCM hiện nay chính là nơi mà ngày xưa tờ Gia Định báo từng làm
tòa soạn. Lẽ ra, ít nhứt, phải đặt một tấm bia trang trọng ghi lại sự hiện diện
của Gia Định báo tại đây.
Nhắc lại lần nữa
không thừa: Gia Định báo của Trương Vĩnh Ký (tên thánh là Pétrus, vì ông là
người theo đạo Công giáo) đã có công lao rất lớn trong việc truyền bá chữ quốc
ngữ!
Đã
không dựng tấm bia, người ta còn có kế hoạch sẽ đánh sập toàn bộ căn nhà này, nằm trong việc quy hoạch xây mới một khu hành chính
phức hợp! Giới nhân sĩ trí thức lên tiếng ngăn cản, nhưng coi bộ nước đổ lá
khoai, trôi tuồn tuột. Nói cứ nói còn đập ... thì sẽ vẫn đập?
Cái này cầm bằng
phải gọi là: ĐỤC BỎ DẤU TÍCH LỊCH SỬ. "Kiên
quyết" đục bỏ lịch sử cho bằng được. Ai cầm trịch vụ này?
FB NGUYỄN CHƯƠNG 20.06.2018 (Tựa do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.