Hành khách đợi tàu tại nhà ga Pasar Senen ở Jakarta, bị ngập nước sau một trận mưa. Ảnh chup ngày 06/09/2010. |
Đặc phái viên Libération tại Indonesia có bài phóng sự mang tên « Nước dâng tại Jakarta : Tôi biết một ngày nào đó, chúng tôi phải xách va-li ra đi ».
Bị lụt lội thường xuyên, phía bắc thủ đô Indonesia mỗi năm bị lún xuống
25 cm, và thậm chí có thể sẽ biến mất trong thời gian tới. Nạn bê-tông
hóa và ô nhiễm càng làm trầm trọng thêm tình hình, trong khi chính quyền
chưa tìm ra được giải pháp bền vững.
Người
dân cư ngụ tại khu vực phía bắc Jakarta năm nay phải cám ơn trời đất :
nước « chỉ » dâng có 20 cm. Những người khá giả nhất ở khu phố Evi phải
cất nhà sàn để ở, và khu vực này còn có nguy cơ biến mất trong tương
lai. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới ước tính có đến 40% diện tích
của thủ đô Jakarta 10,8 triệu dân đang thấp hơn mặt nước biển, và có thể
bị ngập lụt hoàn toàn nếu không hành động gì trong vài năm nữa.
Libération
cho biết, chính quyền Indonenia nhận ra tình hình rất muộn màng. Mãi
đến năm 2007, mới có những nghiên cứu nghiêm túc đầu tiên, khi mưa lớn
gây lụt lội đến 60% diện tích Jakarta, làm 55 người chết và nửa triệu
người phải sơ tán, dịch bệnh hoành hành vì nước tù đọng.
Đối với
cựu thống đốc Jakarta Basuki Tjahaja Purnama (tức « Ahok »), đó là do
người dân quăng rác xuống sông làm tắc đường thoát nước. Ông cho giải
tỏa khoảng 4 triệu dân để tái định cư trong các tòa nhà bê-tông, nhưng
sau đó Ahok mất chức, một số khu vực vẫn tồn tại đến nay.
Còn
Peter Letitre, nhà thủy văn học Hà Lan làm việc tại Jakarta cùng với
nhiều nhà nghiên cứu Indonesia có cùng nhận định, lụt lội chủ yếu do
giới trung lưu tăng lên cùng với hoạt động kỹ nghệ. Ông nói : « Trong
những năm gần đây, thành phố phát triển nhanh chóng, với những trung
tâm thương mại và công sở mới. Vấn đề là để xây dựng, nước ngầm đã bị
hút lên ». Tệ hơn nữa, do thành phố ngày càng bê-tông hóa, nước không thể thấm qua mặt đất để chảy đi. « Hậu quả là lượng nước ngầm mất đi không được bù vào, làm cho mặt đất bị lún xuống ».
Dự án Grand Garuda trị giá 40 tỉ đô la nhằm cứu vãn thủ đô Jakarta. |
Trước tình hình đáng báo động này, phản ứng của chính quyền lại khó
thể tưởng tượng. Họ cho rằng hễ nước dâng lên thì chỉ việc xây tường để
chận lại. Ở khu phố Muara Baru, quận trưởng đã cho đắp một con đê cao ba
mét sau trận lụt năm 2007. Nay đê bị sóng đập liên tục, đã bị thủng lỗ
chỗ với thời gian, và nước càng dâng cao hơn.
Cựu tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng « Grand Garuda » :
một con đê hình đại bàng (biểu tượng của Indonesia) dài 35 km ở ngoài
khơi Jakarta, và những khu phố nổi trên nước như ở Dubai. Dự án hiện đại
này bị chỉ trích vì cần đến 40 tỉ đô la, phải giải tỏa rất nhiều khu
dân cư, hàng ngàn ngư dân sẽ mất việc, và nhất là theo nhà đại dương học
Alan Koropitan, con đê khổng lồ này không hiệu quả, đồng thời gây thêm ô
nhiễm.
Tân chính phủ Joko Widodo đành từ giã giấc mơ siêu đại
bàng cùng với thành phố nổi, nhưng vẫn giữ ý định xây con đê. Chuyên gia
Letitre đề nghị phải đặt những trạm bơm nước khắp thành phố. Nhưng
người dân không hề tin tưởng các dự án của chính quyền, trước tình trạng
tham nhũng hiện nay.
Rốt cuộc, giải pháp bền vững nhất để cứu vãn
Jakarta có lẽ là…xây dựng một thủ đô mới. Bởi vì cuộc sống ở đại đô thị
này đã trở nên khó thở, ngoài ngập lụt và ô nhiễm còn là nạn kẹt xe,
người dân có khi phải mất nhiều tiếng đồng hồ để đi được vài cây số.
Tháng 4/2017, tổng thống Indonesia cho rằng thành phố Palangka Raya trên
đảo Bornéo có thể trở thành thủ đô mới. Dự án này hiện vẫn nằm trên
giấy, nhưng có thể sẽ được đề cập trở lại vào tháng 11, khi những trận
mưa lớn lại ập xuống Jakarta.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha tại điện Elysée ngày 25/06/2018. |
Bị chỉ trích thân Trung Quốc, thủ tướng Thái đi châu Âu đánh bóng hình ảnh
Cũng liên quan đến Đông Nam Á, nhật báo cộng sản L’Humanité chú
ý đến sự kiện thủ tướng Thái Lan, tướng Prayuth Chan-O-Cha được tổng
thống Pháp Emmanuel Macron tiếp đón hôm nay, trong chặng cuối của vòng
công du châu Âu. Bốn năm sau vụ đảo chánh để lên nắm quyền, nhà độc tài
tìm cách tạo tính chính danh, để tăng uy tín trong đối nội.
Tờ báo
nhắc nhở, khi ông Prayuth lên nắm quyền năm 2014, Liên Hiệp Châu Âu đã
cho đóng băng hiệp định tự do mậu dịch với Thái Lan, ngưng các chuyến
công du. Nay thì nhà độc tài từ Bangkok muốn hoàn tất một loạt hợp đồng
với châu Âu, trong đó có việc mua một vệ tinh Theos-II của Airbus trị
giá 185 triệu euro, nhân tiện đánh bóng hình ảnh của mình.
Tướng Prayuth đang bị dư luận trong nước chỉ trích dữ dội do dành cho Trung Quốc sức nặng quá lớn. Tham gia « Con đường tơ lụa mới »,
Thái Lan đã cho dỡ bỏ hàng rào luật pháp đối với tàu cao tốc, đồng thời
bật đèn xanh cho dự án phá hủy một số cồn trên sông Mêkông để tàu buôn
Trung Quốc có thể lưu thông trên dòng sông này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vẫy chào người ủng hộ, 25/06/2018. |
Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ tập trung quyền lực cho Tổng thống
Một nhà độc tài khác được các báo Pháp rất quan tâm : đó là ông Recep Tayyip Erdogan, vừa tái đắc cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Le Figaro tóm lược « Mười lăm năm độc đoán và một Hiến pháp được đo ni đóng giày ».
Với
Hiến pháp mới, Thổ Nhĩ Kỳ không còn thủ tướng, quyền hành pháp tập
trung vào tay tổng thống. Ông Erdogan còn là lãnh đạo đảng cầm quyền,
một ông vua Hồi giáo của thời hiện đại, có toàn quyền đàn áp mà không
cần phải biện minh.
Trong những năm gần đây, nhiều nhà báo, luật sư hoặc công dân đã phải ra tòa vì « mạ lị tổng thống », các giảng viên đại học ký kiến nghị cải cách bị cáo buộc « phản quốc ».
Quyền miễn trừ tư pháp bị hủy bỏ, giúp dễ dàng bỏ tù các dân biểu đối
lập. Từ sau vụ đảo chính bất thành, tình trạng khẩn cấp được thiết lập
và liên tục gia hạn.
Các nhà lãnh đạo châu Âu tại thượng đỉnh mini ở Bruxelles, 24/06/2018. |
Di dân và thượng đỉnh « mini » châu Âu
Vấn
đề nhập cư làm chia rẽ châu Âu, Brexit, bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ,
đó là những vấn đề chính được các báo Pháp đề cập nhiều hôm nay
25/06/2018. Le Figaro chạy tựa « Khủng hoảng di dân : Châu Âu bế tắc ». Libération đăng ảnh chiếc tàu Lifeline với dòng tít « Di dân, cú sốc mãnh liệt cho châu Âu ». « Di dân : Tranh cãi dữ dội giữa Pháp và Ý » - tựa của Le Monde.
La Croix giải thích về « Một thượng đỉnh mini để đoàn kết châu Âu về vấn đề nhập cư ». Mười sáu nước châu Âu họp lại hôm qua ở Bruxelles để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng di dân.
Vì
sao phải tổ chức « tiểu thượng đỉnh » này ? Đó là do Ý và Malta từ chối
tiếp nhận nhiều con tàu của các tổ chức phi chính phủ cứu vớt di dân
trên biển, gây lo ngại những quyết định đơn phương có thể tạo nguy hiểm
cho không gian tự do lưu thông của châu Âu. Cuộc họp có ba mục đích :
tránh cho chính phủ Đức không bị sụp đổ, tìm lối ra cho tình hình những
con tàu nhân đạo không được cập bến, và tránh sự tan rã của không gian
Schengen.
Hôm qua tại Bruxelles thủ tướng Hà Lan cho biết « không mấy lạc quan ».
Tất cả các thỏa thuận phải được ít nhất 16 nước chiếm 65% dân số EU
đồng ý, và mức này rất khó đạt được. Điểm đồng thuận duy nhất có lẽ là
tăng cường cho cơ quan Frontex, từ 1.500 lên 10.000 nhân viên, để giám
sát biên giới châu Âu ; đồng thời các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia và Libya
nỗ lực hơn để chặn bớt di dân.
Hệ thống định vị vệ tinh Galileo của EU, chính xác hơn GPS. |
Brexit : Vệ tinh định vị Galileo xa dần quỹ đạo Anh
Cũng tại châu Âu, Le Monde nhận xét « Hai năm sau, Anh quốc đang bị Brexit gặm nhấm » :
chia rẽ với quyết định ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, nước Anh còn bị ngưng
trệ vì quan hệ tương lai với châu lục vẫn chưa định rõ. Đặc biệt là « Galileo đang xa dần quỹ đạo Anh ». Việc Luân Đôn bị loại ra khỏi hệ thống vệ tinh định vị của châu Âu là một trong những hậu quả cụ thể nhất của Brexit.
Đã
hai năm trôi qua, việc « ly dị » gần như giậm chân tại chỗ, nhưng hậu
quả rõ ràng nhất lại đến từ…không gian. Các công ty Anh, do không còn là
thành viên EU, không được tham gia dự thầu phần mã hóa của hệ thống vệ
tinh Galileo của châu Âu, vốn chính xác hơn hệ thống GPS của Mỹ. Cũng
như GPS, phần mã hóa của Galileo chủ yếu là hệ thống hướng dẫn hỏa tiễn.
Vì vậy việc kiểm soát mang tính chiến lược về mặt quân sự, chưa kể
ngành kỹ nghệ Anh đã đạt được những hợp đồng béo bở trong dự án này.
Từ
ba tháng qua, chính phủ Anh không ngừng gây áp lực, vì nếu không Luân
Đôn có nguy cơ phải tự lập ra hệ thống định vị riêng như Bắc Đẩu (Beidou) của
Trung Quốc và Glonass của Nga, và sẽ phải chi ra một số tiền rất lớn.
Hơn nữa Anh đã tài trợ 12% cho Galileo, và các công ty Anh đã nhận được
15% số hợp đồng, trung tâm kiểm soát do Airbus quản lý hiện đặt tại
Portsmouth ở miền nam nước Anh. Về phía châu Âu cũng thiệt hại vì khi
loại Anh ra, chi phí vận hành sẽ tăng lên.
Tại hội chợ Cybertech 2018. |
Các cơ quan tình báo Israel đầu tư vào công nghệ mới
Cũng liên quan đến công nghệ, Les Echos cho biết « Mossad dựa vào các start-up để sáng tạo ».
Cơ quan tình báo Israel đã lập ra một quỹ đầu tư theo mô hình In-Q-Tel
của CIA Mỹ, còn cơ quan phản gián thành lập bộ phận hỗ trợ cho các
start-up tại trường đại học Tel-Aviv.
Dựa vào các công ty công
nghệ tư nhân để giải quyết các vấn đề cụ thể trong công cuộc chống khủng
bố, bảo vệ an ninh quốc gia không còn là hiện tượng cá biệt. Mới đây
Shabak, cơ quan phản gián Israel đã thiết lập quan hệ đối tác với quỹ
TAU Ventures. Chương trình « Xcelerator » kéo dài bốn tháng,
trong giai đoạn khởi đầu sẽ trợ cấp cho sáu start-up mỗi nơi 50.000 đô
la để phát triển các công nghệ sử dụng trí thông minh nhân tạo.
Cơ
quan tình báo nổi tiếng Mossad còn đi trước một bước : từ năm 2017 đã
lập ra quỹ Libertad Ventures. Năm start-up được giữ kín tên được quỹ này
tài trợ nửa triệu euro cho mỗi đơn vị trong một đến hai năm, để nghiên
cứu trong năm lãnh vực : công nghệ robot, năng lượng, mã hóa, web thông
minh, xử lý ngôn ngữ và phân tích văn bản.
Tuy không có phương
tiện hùng hậu như In-Q-Tel (được lập ra sau các vụ tấn công ngày 11/9
tại Hoa Kỳ, đã từng cho ra ra đời Google Earth), các start-up ở Israel
hoạt động rất hiệu quả. Chẳng hạn trong Cyber Week vừa qua, công ty
CardioScale với băng đeo điện tử giúp giảm số lượng nạn nhân trong các
vụ khủng bố lớn, đã giành được giải thưởng 100.000 đô la.
Fan bóng đá trên đường Nikolskaia ngày 24/06/2018. Ảnh AFP |
World Cup 2018 : Con đường Nikolskaia và dấu vết tội ác thời Stalin bị bôi xóa
Cuối cùng là bóng đá. Le Monde mô tả « Đường Nikolskaia ở Matxcơva, trung tâm Cúp bóng đá thế giới 2018 ». Con
đường huyết mạch mang tính lịch sử này được người hâm mộ coi là
fan-zone ưa thích nhất, trở thành một không gian tự do hiếm hoi giữa
lòng thủ đô nước Nga.
Người dân Matxcơva chưa bao giờ chưa thấy
cảnh này : đám đông trang phục sặc sỡ, hát bằng đủ các thứ tiếng, chiếm
lĩnh toàn bộ con đường trung tâm cả ngày lẫn đêm. Tại một đất nước mà
biểu tình không được phép, nhiều cư dân mạng Nga tị nạnh « Còn chúng tôi, sao lại không được tụ tập ? »
Trụ sở cũ của KGB trên đường Nikolskaia. Ảnh Eric & Ashley. |
Đường (« oulitsta » theo
tiếng Nga) Nikolskaia là nơi có tòa nhà đồ sộ của cơ quan tình báo Nga
FSB, hậu thân của NKVD và KGB trước đây, và tận cùng ở quảng trường Đỏ.
Trước khi World Cup diễn ra, tên con đường này hầu như không được nhắc
đến trên báo chí và mạng xã hội, nhưng nay ngược lại. Hôm 17/6 khi các
đội Đức-Mêhicô và Brazil-Thụy Sĩ thi đấu, « oulitsta Nikolskaia »
được nêu ra trên 22.000 lần. Thu nhập của các quán cà phê và cửa hàng
bán đồ kỷ niệm trên con đường này tăng gấp hai đến bốn lần.
Không
ai để ý đến tòa nhà số 23. Phía sau những tấm bạt che, các công nhân
đang tất bật tiêu hủy các tài liệu của tòa án quân sự Liên Xô cũ. Tại
đây từ năm 1936 đến 1938 trong thời kỳ Stalin, đã có 31.456 người bị kết
án tử hình, và một số không xác định được đã bị xử bắn ở tầng hầm. Năm
2016, bất chấp lời kêu gọi của các nhà sử học, địa điểm lịch sử này đã
bị bán cho một nhà buôn sỉ nước hoa để mở trung tâm thương mại sang
trọng, sau khi World Cup kết thúc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180625-jakarta-ngap-lut-indonesia-co-the-phai-lap-thu-do-moi
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.