dimanche 8 avril 2018

Nguyễn Hồng Lam - Tứ khúc về tướng Vĩnh



Cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh. Ảnh báo Pháp Luật

1. Cuối thập niên 1970, vừa được phân về phụ trách công an một xã vùng chiêm thuộc tỉnh Hà Nam Ninh (cũ), anh công an trẻ đã phải đối mặt ngay với một vụ án rất…nhà quê: Hợp tác xã (HTX) bỗng dưng bị trộm cạy kho khuân mất gần một tấn thóc giống. 

Thóc giống thì tất nhiên đắt hơn thóc thường. Đối với nền kinh tế HTX miền Bắc giai đoạn đó, đây là một vụ án rất nghiêm trọng. Bởi lẽ, không thể dùng thóc loại khác thay vào để gieo mạ, vì như vậy là sai kế hoạch, là phá chủ trương, phá hoại sản xuất. Xin cấp bù lại số thóc giống thì có mà chờ đến Tết mùng thất. Tóm lại là…rất nghiêm trọng. Thiệt hại chính trị của địa phương xem ra còn lớn hơn gấp bội sự bốc hơi của chục tạ thóc.

Sau khi xem xét hiện trường, dò hỏi khắp các nhà dân trong xóm, tân Trưởng công an xã đã yêu cầu một số công an viên, dân quân xã thay nhau rảo quanh chợ phiên các xã trong vùng, kê cho hết danh tính bất kỳ ai bán thóc. Sau ba phiên chợ, lọc lại danh sách, anh khẳng định: “Bắt được rồi!”. Nhà nghi phạm nằm ngay bên cạnh kho hợp tác xã. Vợ anh ta vừa đưa ra chợ ba thúng, đúng loại thóc HTX bị mất. Bán thóc giống mà tiêu thì chẳng bao giờ có kết quả tốt.

Ngặt nỗi, không có cớ gì khám nhà người ta khi chỉ mới nghi cả. Suy nghĩ một chút, anh Trưởng công an xã cho gọi hết dân quân trong xã đến, bảo đêm nay cứ mang theo gàu, chậu chờ sẵn, khi có chuyện thì làm thế này, thế này…

Ba giờ sáng, cây rơm gần gian bếp nhà nghi phạm đột nhiên bốc cháy đùng đùng. Kẻng vỏ quả bom đánh inh tai, cả xóm bừng dậy dập lửa, cố ngăn không cho cháy lan từ cây rơm sang nhà bếp rồi bắt lên nhà trên. Dân quân vẫn luôn là lực lượng xung kích. Họ cứ xông bừa vào nhà trên khuân đồ đạc ra, phòng cháy lan. Chẳng hiểu sao, họ bình tĩnh ghê gớm, cứ nhè bao, thúng...chủ nhà giấu dưới gầm giường ra mà cứu, mà khiêng thẳng ra sân. 

Tảng sáng, đám cháy được dập tắt, chỉ thiệt hại mỗi cây rơm. Chủ nhà không mừng vì thoát nạn mà ngồi tiu nghỉu, luôn mồm bảo em nhận, em nhận. Không nhận ra mà được à, bao nhiêu thúng thóc giống ăn cắp của hợp tác xã đều đã bị bày ra giữa sân, không thiếu một cân. Có mà chối đằng trời!

2. Cũng anh Công an đó, sau này lên huyện (huyện nào đọc xong stt này bạn tự tìm hiểu lấy nhé) lại điều tra ra một vụ Công an xã mất súng rất thần tình. Chỉ bọn giang hồ ngoài ga Nam Định mới cần súng chứ không ai khác. Có điều thằng nào trộm, trộm rồi bán cho thằng nào thì chịu. Lại sau một hồi suy nghĩ, anh công an này bảo cấp dưới đi…may một túi năm gang bằng vải ka ki dày màu đen, đầu miệng thắt dây rút. Hỏi để làm gì, anh bảo khắc biết.

Ba giờ sáng - luôn luôn là ba giờ sáng nhé - nhà của một tay giang hồ gộc khu vực ga Nam Định đột nhiên có tiếng gõ cửa lộc cộc. Vừa mắt nhắm mắt mở ra ra mở cửa, chưa kịp nhận ra khách là ai, gã đã bị chụp bao giải rút lên đầu. Một người hất gã lên vai chạy băng băng trong đêm, ba bốn người khác chạy theo vữa đỡ, vừa rít răng: “Muốn sống thì im mồm!”.

Bao giải rút có gã giang hồ nằm trong được đặt ngay ngắn vắt ngang hai thanh ray đường xe lửa. Một người lôi bao thuốc lá ra châm điếu cuối cùng, tiện tay nhặt cục đá đường tàu nhét vào vỏ bao, nới giải rút nhét luôn vào ngực áo kẻ mới bị vác chạy đang khiếp đảm.

Hỏi: “Biết cái gì trong ngực mày không?”. Trả lời: “Dạ biết, quả lựu đạn”. “Uhm, biết mày đang nằm đâu không?” Trả lời: “Dạ, ngang đường tàu”. Người kia hắng giọng: “Đúng rồi, có hiểu biết. Đường tàu đấy. Mày cứ nằm im đi, chút nữa tàu chạy qua sẽ cắt mày làm ba. Mày mà cựa quậy, lựu đạn trong túi nó nổ banh xác. Hiểu chưa?”.

Hiểu quá đi chứ. Thằng giang hồ đái ra quần đọc luôn một bài trăng trối: “Em cắn rơm cắn cỏ lạy các bác, các đại ca. Em còn mẹ già, vợ dại, bốn đứa con thơ nheo nhóc. Các bác, các đại ca, các lãnh tụ mở lượng hải hà cho em được sống, muốn gì em cũng chiều. Bảo cắt tiết thằng mèo mả gà đồng, ma cô ma cạo nào em cũng xin vâng…”

Người kia cắt ngang: “Chẳng cắt, thẻo ai cả. Tao chỉ muốn nghe một câu thôi: Khẩu súng trộm của xã đâu rồi?”. Thằng kia lại rống lên: “Em hứa, em thề, em bảo đảm, em không liên quan. Trộm súng là thằng X “sủi”. Nó không bán, mà trộm rồi giao lại cho anh Z “ga”. Bọn “quân khu” (lưu manh xuất thân là bộ đội ra quân) đang định “đánh giậm” mẻ lớn ạ. Em hứa, em thề, em bảo đảm. Em mà nói sai, lựu đạn nổ banh xác, tàu hỏa cán thây 18 mảnh…”

Lại bị cắt ngang, nhưng lần này là bởi những tiếng phì cười. Gỡ bao giải rút ra khỏi đầu tên giang hồ, lôi gói thuốc ra khỏi túi nó, người kia cười to: “Ừ, sẽ nổ, nếu có lựu đạn. Nhưng đây chỉ là cục đá thôi. Bố bảo mày cũng không dám láo đâu. Tao tin. Giờ thì im lặng về nhà ôm vợ, coi như đêm nay mày chưa hề ra khỏi giường đâu nhé”.

Thằng giang hồ chân không bám đất, đến khi đó mới tạm hồi dương. Nhận ra những người vừa khiến nó chết khiếp không phải là bọn đầu gấu ngoài ga hay đám ưa lảng vảng tụ tập quanh khu vực nhà máy dệt, nhà thờ Khói Đồng hay bờ hồ Vị Xuyên, nó thảng thốt kêu lên: "Chú Vĩnh!"

Ba tiếng đồng hồ sau, thằng trộm súng và kẻ nhận súng đều bị bắt, khẩu súng được thu hồi.

3. Những giai thoại phá án liên quan đến “chú Vĩnh”, Phan Văn Vĩnh nhiều không đếm hết. Không thằng lưu manh thành Nam Định nào nghe qua tên ông mà không run. Nhưng chúng phục ông. Ông làm án, đối đầu và đối thoại với giang hồ, tội phạm không cứng nhắc, không máy móc. Vụ nào kể lại cũng nhuốm màu giai thoại. Ông bảo : “Không phải khi nào đó cũng là lợi thế. Nhiều khi “già quá lại hóa non”. Và tôi đã từng phải trả giá”.

Ngày 12-3-1991, nắm được trước kế hoạch có năm tên cướp từ Thái Bình sang Nam Định đánh cướp hiệu vàng Thịnh Vượng, Phan Văn Vĩnh quyết định cho đón lõng bắt quả tang. Biết rõ đám cướp này mày manh động, không ngần ngại dùng hàng nóng nếu bị truy bắt, Phan Vĩnh chủ trương chỉ bắt tại trận một tên, những tên khác để cho chúng chạy, cảnh sát hình sự sẽ bắt nguội sau để bảo đảm an toàn. 

Khoảng ba giờ sáng ngày 13-3, toán cướp xuất hiện. Bốn tên rút đồ chơi ém hai bên, tên thứ năm vào đạp cửa gọi chủ tiệm dậy để mua vàng. Trinh sát tên Đài đóng vai chủ nhà, vừa mở cửa đã bị tên cướp gí súng vào giữa mặt. Nhanh như cắt, Đài đánh bật súng của tên cướp. Toán cướp hiểu ngay chúng đã bị công an mai phục giăng lưới, lập tức túa ra chạy. 

Tên cầm súng tên là Phạm Văn Quang bị Phan Văn Vĩnh lao theo quật ngã, nằm đè lên người. Tên cướp Nguyễn Mạnh Cường thấy thế bèn rút lựu đạn ném vào ngay chỗ tên Quang bị Phan Văn Vĩnh đang đè, nhằm giết cảnh sát truy đuổi, giết luôn đồng bọn để diệt khẩu. Lựu đạn nổ, khắp người Vĩnh dính hàng chục mảnh, một mảnh găm vào mắt. Tên Quang nằm dưới, trên người có Phan Văn Vĩnh chắn mảnh nên hầu như không hề hấn gì. Hắn hất Phan Vĩnh ra bỏ chạy nhưng bị tiêu diệt ngay. Bốn tên kia chạy thoát khỏi hiện trường nhưng cũng bị bắt ngay khi vừa về đến Thái Bình, cùng với bốn quả lựu đạn.

Phan Văn Vĩnh tỉnh dậy trong bệnh viện và biết mình chỉ còn một mắt phải. Từ đó viên sĩ quan công an lẫy lừng có thêm một biệt danh giang hồ hơn cả giang hồ: Vĩnh “chột”!

Làm án lẫy lừng nhưng Phan Vĩnh hầu như không cho báo chí tiếp cận. Trang wiki lập về ông cũng ghi rất sơ sài. Cả sau này, khi đã là trung tướng Tổng cục trưởng, ông vẫn ít chịu tiếp xúc báo chí. Hiểu cho đúng, đó không phải là sự dè dặt của một người khiêm tốn. Đó là sự kiêu ngạo không bộc lộ và không ưa bộc lộ của một cao thủ cực kỳ lão luyện trong nghề đánh án.

Có một giai thoại kể rằng, bên lề Hội nghị Công an Toàn quốc năm 1996, báo chí đã vậy quanh Trung tá Phan Vĩnh với câu hỏi: nhờ đâu mà chỉ trong một thời gian ngắn giữ chức giám đốc Công an Nam Định, ông đã khiến giang hồ gần như biệt bóng ở xứ này, trong khi trước đó thành Nam khét tiếng đất dữ, thủ phủ giang hồ Bắc? 

Phan Vĩnh đã trả lời: “Dễ lắm. Nhậm chức giám đốc xong, tôi hẹn hết 500 thằng đấu gấu giang hồ lại, phát cho mỗi đứa một cái phong bì. Tôi bảo: “Anh vừa lên giám đốc. An hay nguy đất này giờ là trách nhiệm của anh. Các chú cầm lấy ít tiền, qua bên kia phà Tân Đệ, về Thái Bình, Hải Phòng…hay đi đâu đó mà làm ăn, để đây cho anh yên tí. Lỡ có “móm” thì về, anh lại cho một ít”. Chúng nó quý nên nghe tôi, kéo nhau bỏ đi hết. Vậy là Nam Định yên lành. Nào có bí quyết gì đâu”.

Chuyện này do chính ông Phan Vĩnh tường thuật cho ba nhà văn Minh Chuyên, Nguyễn Kế Nghiệp, Nguyễn Hồng Lam nghe trong một bữa uống rượu khan trong quán bar, lúc ba giờ sáng tại Nam Định vào tháng Ba 1997. Nghe đó, biết đó, tôi chỉ nhắc lại. Đúng hay sai, ai thắc mắc cứ kiếm ông Phan Vĩnh mà hỏi. Vẫn không tin thì cứ đi tra Google. Nhưng tôi phải nói trước là Google chẳng biết đếch gì đâu mà tra.

4. Và bây giờ, vị tướng làm án lẫy lừng ấy lại trở thành nhân vật tiêu điểm trong một vụ án khác, với vai trò ngược lại. Ngày mai, chỉ ngay ngày mai thôi, tên ông sẽ là đề tài cho những bình luận bất tận, nhưng câu chuyện bất tận mà nhiều khi ngay chính người viết ra cũng không chắc đã biết. Tựu trung, người ta sẽ suy đoán, lý giải rằng ông gục ngã vì tiền, rất nhiều tiền, tự biến mình từ khắc tinh của tội phạm trở thành kẻ tiếp tay cho tội phạm.

Tôi nghĩ khác một chút. Vai trò của tiền, của vật chất tất nhiên khó phản bác, nhưng có lẽ với trường hợp cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh, đó không phải nguyên nhân chính. Cốt lõi là sự kiêu ngạo của quyền lực mang màu sắc giang hồ. 

Với một người lão luyện như Phan Vĩnh, rất có thể ông sẽ tự phụ rằng không có thể loại tội phạm nào có thể qua được mắt ông. Ông trị chúng, điều khiển chúng như ông muốn. Bắt hay tha, số phận và “sự nghiệp” của chúng đều do ông quyết định. Mọi cạm bẫy, mọi sự đe dọa đều vô nhiễm vào ông. Có chăng, ông chỉ quên mất một điều: ông nắm rõ và điều khiển, quyết định được mọi loại tội phạm, nhưng không chắc ông đã tự nhìn được cái gáy của mình, không chắc có thể điều khiển và quyết định được số phận của mình.

Âu cũng là một đoạn kết đáng tiếc và rất buồn…

FB NGUYỄN HỒNG LAM 06.04.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.