lundi 30 avril 2018

Cuộc chiến tình báo Đông-Tây lại quyết liệt

Cảnh sát Anh canh gác trước nhà cựu điệp viên Nga bị đầu độc, Serguei Skripal, ở Salisbury. Ảnh chụp ngày 06/03/2018.

Le Courrier International tuần này chạy tựa « Đông-Tây, sự quay lại ồ ạt của các điệp viên ». Cuộc chiến tình báo đang ác liệt giữa Matxcơva, Luân Đôn và Washington, và vụ đầu độc điệp viên hai mang Skripal chứng tỏ mọi chuyện đều có thể xảy ra. Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào mùa hè năm ngoái chẳng hạn, cho thấy tình báo các nước toàn trị, mà đứng đầu là Nga, hiếm khi tôn trọng Nhà nước pháp quyền.
Bị phương Tây xao lãng sau chiến tranh lạnh

Theo báo Süddeutsche Zeitung của Đức được Le Courrier International dịch lại, chiến tranh lạnh kết thúc và Hồi giáo cực đoan trỗi dậy, lâu nay đã làm châu Âu và Hoa Kỳ quên mất hình ảnh các điệp viên Nga lạnh lùng. Hình ảnh tượng trưng cho cái Ác không còn là lãnh đạo già nua Bộ Chính trị sẵn sàng nhấn nút nguyên tử, mà là giáo sĩ đạo Hồi dưới túp lều ở Afghanistan, với những lời lẽ đe dọa thế giới. Hồi giáo hiểu rõ sức mạnh của hình ảnh hơn là cộng sản. 

Thực tế đã vượt xa hơn cả tưởng tượng vào hôm 11 tháng Chín năm 2001, khi Al Qaida tấn công ngoạn mục vào nước Mỹ ngay trước các ống kính truyền hình. Tình báo Mỹ sau đó đã chiến đấu với mối nguy này với các phương cách mà phương Tây vẫn chỉ trích Liên Xô : bắt cóc, tra tấn, giam cầm.

Vào thời đó, nước Nga hậu xô-viết vẫn không ngưng dọ thám phương Tây, nhưng cũng không gây lo ngại mấy. Chẳng hạn năm 2010, một mạng lưới 10 điệp viên Nga bị phát hiện tại Hoa Kỳ. Những người này đóng vai công dân bình thường, nhưng từ nhiều năm qua vẫn thu thập tin tức cho Matxcơva. Mỹ chỉ nhẹ nhàng cho trao đổi tù nhân, và một trong số các điệp viên Nga được trao trả là Anna Chapman sau đó rất thành công trên truyền hình Nga.

Nhưng từ khi ông Vladimir Putin dùng vũ lực sáp nhập Crimée và liên kết với nhà độc tài Syria, Bachar Al Assad, phương Tây cho rằng Nga có thể làm mọi thứ. Chính phủ Anh tin rằng chính ông Putin đã ra lệnh hạ độc điệp viên hai mang Skripal, nhất là ông còn tuyên bố « tất cả những kẻ phản bội sẽ nhận được kết cuộc đáng buồn ».

Cây dù chứa chất độc dùng để ám sát nhà đối lập Georgi Markov.
Những vụ ám sát như trong xi-nê

Đã có rất nhiều ví dụ ra tay tàn độc trong lịch sử. Năm 1959, nhà hoạt động chống cộng người Ukraina, Stepan Bandera đã bị ám sát tại Munich bằng một khẩu súng đặc biệt, phun chất độc cyanure vào mặt. Năm 1978, KGB và tình báo Bungari ám sát nhà ly khai Georgi Markov, bằng cách dùng một cây dù có chứa chất độc ricine chích vào bắp chân ông này, trên một chiếc cầu ở Luân Đôn. Năm 1981, mật vụ Đức Stasi tìm cách ám hại nhà đối lập Wolgang Welsch, với việc rắc chất thallium lên món thịt bò viên của ông.

Thật ra các cơ quan tình báo khác như Mossad đã từng trừ khử hàng trăm nghi can khủng bố, còn chiến dịch tiêu diệt Osama Bin Laden ở Pakistan cũng đi vào huyền thoại, được dựng thành phim (Zero Dark Thirty). Tuy nhiên khác với phương Tây, tình báo ở phương Đông chủ yếu được dùng đến để diệt đối lập.

Sau thời kỳ Stalin, ban lãnh đạo Liên Xô đã đặt cơ quan tình báo dưới quyền kiểm soát của Đảng và Bộ Chính trị, nhằm tránh khả năng một cá nhân sử dụng bừa bãi. Nhưng đến thời Putin, nhà độc tài xuất thân từ KGB, thì chẳng ai có quyền giám sát ông.

Tại Hoa Kỳ, sau khi thất bại trong âm mưu ám sát Fidel Castro thập niên 50, CIA đã từ bỏ phương cách này. Nhưng tất cả trở lại như cũ sau sự kiện ngày 11 tháng Chín. Tổng thống Barack Obama bắt đầu mở rộng cuộc chiến máy bay không người lái, tuy vẫn giới hạn ở việc trừ khử những tên khủng bố là mối nguy hiểm trước mắt.

Nữ điệp viên đầy quyến rũ Anna Chapman của Nga.
Tình báo thế kỷ 21 và vai trò điệp viên 

Tính chất bất nhân của cơ quan tình báo thuộc các Nhà nước toàn trị còn nằm ở những « chiếc bẫy êm ái » - quyến rũ đối tác và chấp nhận quan hệ tình dục – mà Nga đang giữ chức vô địch. Frederick Hitz, một cựu thanh tra CIA giải thích : « Có rất ít cơ quan tình báo phương Tây có thể nói với các công dân rằng thân thể của họ thuộc về Nhà nước ».

Ngày nay có nhất thiết phải ngủ với kẻ thù để moi thông tin hay không ? Đối với các cơ quan tình báo, những đảo lộn lớn nhất liên quan đến công nghệ hơn là ý thức hệ. Tại sao phải dụ dỗ ai đó lên giường, khi có thể đánh cắp được các bí mật của người đó trong điện thoại ? Sao lại phải gây nguy hiểm cho tính mạng điệp viên, khi có thể tiêu diệt kẻ địch bằng máy bay không người lái ?

Theo tờ báo Đức, hai nhiệm vụ chính của tình báo : thu thập thông tin và ám sát, ngày càng ít cần đến con người. Nếu robot và các máy bay không người lái được huy động mạnh mẽ, thì những bộ phim trinh thám sắp tới có nguy cơ bị mất đi nhân tố quan trọng nhất : đó là bản thân điệp viên.

Một cuộc biểu tình phản đối chính phủ tại Sofia ngày 11/04/2018.
Bungari, con cờ của Nga tại châu Âu

Cũng liên quan đến Nga, tuần báo L’Obs có bài điều tra « Bulgari, con tốt của Matxcơva ». Đặc phái viên của tờ báo tại Sofia cho biết Nga đang âm thầm dệt nên mạng lưới của mình tại đất nước nhỏ bé vùng Balkan, năm nay là chủ tịch luân phiên Liên hiệp Châu Âu.

Năm 2007 khi Bulgari, quốc gia bị bỏ quên suốt nửa thế kỷ sau bức màn sắt, gia nhập vào Liên Hiệp Châu Âu (EU), đại sứ Nga ở Bruxelles đã thốt lên : « Đây sẽ là con ngựa thành Troie của chúng ta tại châu Âu ». Nhà báo điều tra Hristo Hristov than thở : « Một trong những mục tiêu chiến lược của Putin là chia rẽ, làm yếu đi và sau đó phá hủy EU, chủ yếu dựa vào Bulgari. Nếu Nga thành công, và không loại trừ giả thiết này, thì đất nước chúng tôi sẽ lại rơi vào tay Matxcơva ».

Liên Xô từ lâu đã nhúng tay vào chính trị Bulgari, hy vọng nước này sẽ trở thành nước cộng hòa thứ 16 thuộc Liên Xô. Sau khi Liên Xô sụp đổ 1989, những người của Nga trong hậu trường vẫn còn đó, đóng vai doanh nhân, giựt dây các hoạt động chính trường. Một câu nói phổ biến tại Bulgari : « Tại nhiều Nhà nước, có sự hiện diện của mafia, nhưng ở Bulgari, chính mafia sở hữu Nhà nước ».

Phút ngắn ngủi với con gái nhỏ của nhà báo Reuters trong lúc giải lao của tòa án Miến Điện, 20/04/2018.
Hồi kết của Mùa Xuân Miến Điện

Về châu Á, Le Monde Diplomatique thất vọng trước « Hồi kết của Mùa Xuân Miến Điện ». Hai năm sau khi đảng của bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền, tự do ngôn luận đang bị bóp nghẹt ở Miến Điện ; đặc biệt cấm kỵ là chủ đề bang Arakan, nơi quân đội đang bị cáo buộc là thanh lọc chủng tộc đối với người Rohingya.

Theo tờ báo, vụ xử hai nhà báo Reuters là cảnh báo cho giới báo chí. Tháng 6/2017, tổng biên tập nhật báo The Voice và một nhà bình luận của báo này bị bắt giam vì chế giễu giới quân đội, bốn tháng sau mới được thả. Cùng thời kỳ này, ba nhà báo khác bị bắt giam hai tháng ở bang Shan sau khi tiếp xúc một nhóm thiểu số nổi dậy. Tháng 10/2017, hai phóng viên kênh truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ TRT cùng với người thông dịch và tài xế phải ngồi tù hai tháng, chỉ vì dùng thiết bị bay để làm phóng sự gần trụ sở Quốc hội. 

Một làn gió lạnh giá đã thổi vào « Mùa Xuân Miến Điện ». Hồi thời ông Thein Sein, hàng loạt tù nhân chính trị được trả tự do, kiểm duyệt được bãi bỏ, chính quyền cho phép ra báo tư nhân độc lập. Rẩt nhiều tờ báo của người Miến Điện lưu vong như The Irrawaddy đã trở về đặt trụ sở trong nước. Việc cựu lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi lên nắm quyền đã mang lại rất nhiều hy vọng. Lawi Weng, phóng viên chuyên viết về xung đột sắc tộc của The Irrawaddy cho biết : « Điều mà tôi không hề chờ đợi là bị bắt khi về nước ». Năm ngoái, nhà báo từng ủng hộ đảng của bà Suu Kyi ngay từ đầu, đã bị tống giam hai tháng vì một bài phóng sự ở bang Shan.

Mỹ cố chận bước Trung Quốc trong chiến tranh công nghệ

Cũng liên quan đến châu Á, Le Point nhận xét « Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tiến đến chiến tranh công nghệ », mà vị trí hàng đầu về trí thông minh nhân tạo, vũ khí kỹ thuật số được coi trọng hơn là khía cạnh thương mại.

Khi được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, Trung Quốc đã tận dụng mọi thuận lợi được dành cho, nhưng lại từ chối mở cửa thị trường nội địa, đánh cáp công nghệ nước ngoài, đặt đồng nhân dân tệ dưới giá trị thật. Donald Trump đã trả đũa qua việc tìm cách chặn đứng tham vọng ngoi lên đứng đầu về công nghệ : 1339 mặt hàng bị đánh thuế hải quan cao chủ yếu mang lại giá trị tăng thêm, và 40-90% là công nghệ cao.

Tuy chậm, nhưng phản đòn của Mỹ là đúng đắn. Các tập đoàn Baidu, Alibaba, Tencent, Huawei và ZTE đang đe dọa nghiêm trọng GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon, Microsoft), nhất là trong các nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo. Vũ khí Trung Quốc đang cạnh tranh với phương Tây, không chỉ nhờ điều kiện chính trị dễ dãi và tín dụng, mà đang hướng về các công nghệ cao phức tạp như hỏa tiễn, chiến đấu cơ JF-17, máy bay vũ trang không người lái, và tiềm thủy đĩnh tấn công.

Một bé trai trên đường phố Damas, 20/04/2018.
Cách mạng Syria : Chẳng đặng đừng

Nhìn sang Trung Đông, Le Courrier International trích dịch bài báo của Syria TV, đặt vấn đề « Nếu đừng có cuộc cách mạng Syria… ». Người dân Syria đã kiên nhẫn chờ đợi suốt 40 năm qua, chịu đựng đàn áp chưa từng thấy trước khi nổi dậy. Theo tờ báo, trách móc họ về hậu quả cuộc chiến có nghĩa là miễn xá cho những tội ác của chế độ Damas.

« Lẽ ra đừng nên có cuộc cách mạng », hàng triệu người Syria và Ả Rập đều nói như thế. Nửa triệu người Syria đã chết, hai triệu người bị thương, 11 triệu người sơ tán và di tản…sau bảy năm chiến tranh. Lý lẽ này dựa trên tình cảm, nhưng chế độ Assad và những kẻ ủng hộ cũng dựa vào đó để đổ lỗi cho người dân Syria đã khơi dậy cuộc cách mạng.

Những người trách cứ quên rằng từ khi Hafez Al Assad (cha của tổng thống đương nhiệm Bachar Al Assad) lên nắm quyền năm 1970, người Syria đã cân nhắc rất nhiều lần. Hơn 40 năm qua, họ đã chấp nhận « chịu nhục còn hơn xuống mồ ». Dân Syria đã kềm chế không nổi dậy vào lúc ông Hafez chết năm 2000, rồi năm 2005 khi quân Syria rút khỏi Liban. Chính vì sự ức hiếp quá mức (bắn xối xả vào dân thường) ở Deraa, rồi Homs và ngoại ô Damas, đã làm giọt nước tràn ly. Nói cách khác, chính chế độ Damas đã « sản xuất » ra cuộc cách mạng Syria.

Lễ mừng 70 năm lập quốc Israel tại Ashkelon, 18/04/2018.
Israel hùng mạnh sau 70 năm lập quốc

Cũng tại Trung Đông, Le Point trong chuyên đề « Một Israel mới » nhấn mạnh, mặc cho môi trường thù địch bao quanh, và vấn đề Palestine chưa được giải quyết, chỉ trong vòng 70 năm qua, Nhà nước Do Thái đã trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự, và là thung lũng Silicon của vùng Cận Đông.

Dù khi lập quốc, CIA dự báo Nhà nước non trẻ theo kiểu xã hội chủ nghĩa này chỉ tồn tại được hai năm, nhưng nay Israel lại trở thành hình mẫu tư bản, với quân đội tinh nhuệ được trang bị tận răng. Từ 650.000 người Do Thái ban đầu, nay dân số lên đến 8,84 triệu người. Nhà nước không có nguồn lợi thiên nhiên, không tiền, nay đứng hàng đầu về công nghệ cao, tăng trưởng kinh tế năm ngoái lên đến 3,3%, thất nghiệp chỉ gần 4,3%. 

Về chỉ số phát triển con người theo Liên Hiệp Quốc, Nhà nước Do Thái nằm trong số 20 quốc gia hàng đầu, trước cả Pháp, Bỉ, Ý. Chưa có Nhà nước nào thành lập từ phong trào phi thực dân hóa trong thế kỷ 20 lại trở thành một quốc gia phát triển đồng thời lại dân chủ như thế. Tuy nhiên, kẻ thù của Israel rất nhiều, và 70 năm tới không phải là lúc Tel Aviv ngủ quên trên thắng lợi.

Tượng Karl Marx do một nhà điêu khắc Trung Quốc tạc, được tặng cho thành phố quê hương của Marx ngày 13/04/2018.
Xã hội Trung Quốc : Phản đề của chủ nghĩa Marx 200 năm sau

Về lịch sử, tác giả Nicolas Bouzou trên L’Express bàn về « Karl Marx, hai thế kỷ sau »

Karl Marx sinh ra cách đây đúng hai trăm năm, vào ngày 05/05/1818 ở Trèves, một thành phố xinh đẹp và sạch sẽ đúng kiểu Đức. Khi tác giả Bouzou đến thăm ngôi nhà cũ nơi Marx sinh ra, ông gặp nhiều khách du lịch Trung Quốc. Họ nói rằng muốn chứng tỏ với chính quyền là mình gắn bó với chủ nghĩa mác-xít, trong trường hợp bị Nhà nước giám sát Nhưng theo ông Bouzou, chính Trung Quốc mới là đất nước đi ngược lại với lý thuyết của ông tổ cộng sản.

Cho dù xuất hiện nhiều người giàu, chính những người vô sản được hưởng lợi từ cải cách của Đặng Tiểu Bình : tỉ lệ người cực nghèo từ 80% trong thập niên 80 chỉ còn 10%. Chủ nghĩa tư bản Trung Quốc đã gây ra nhiều bất bình đẳng, nhưng không hề dẫn đến một xã hội không giai cấp. Còn Nhà nước không hề biến mất như dự báo của Marx, mà chưa bao giờ mạnh mẽ như thế, thậm chí toàn trị.

Chinh phục Hỏa tinh ?

L’Express nhìn lên không gian đăng ảnh hành tinh đỏ với dòng tựa « Mục tiêu Hỏa tinh ! », với kịch bản chinh phục vào năm 2024, và vấn đề làm thế nào có thể sống được trên hành tinh này.

Hơn một chục phi hành gia đã đặt chân lên Mặt Trăng, Nga và Mỹ sau đó nhìn sang Hỏa tinh. Những hình ảnh đầu tiên của hành tinh đỏ được tàu thăm dò Viking gởi về từ năm 1976, tức là cách đây hơn 40 năm ! Nhưng ngày nay những người dưới 50 tuổi chủ yếu biết được các cuộc chinh phục không gian thông qua các bộ phim viễn tưởng.     

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước Quốc hội Hoa Kỳ, 25/04/2018.
Pháp : Emmanuel Macron, một năm sau  

Về nước Pháp, « Đã một năm qua, Macron trị vì với những ai », đó là tựa chính của tuần san L’Obs. Chỉ trong vòng một năm, tân tổng thống Pháp đã thiết lập được uy quyền thực sự, hầu như một mình quyết định các chính sách. Nhưng bên cạnh các cố vấn thân cận của Emmanuel Macron, còn những ai có thể gây ảnh hưởng, ai được ơn mưa móc, mạng lưới của Macron là gì ? Tờ báo dành nhiều trang cho chủ đề này.

Trên lãnh vực đối ngoại, L’Express chú ý chuyến thăm Hoa Kỳ vừa qua của tổng thống Pháp – chuyến công du cấp nhà nước đầu tiên kể từ khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng – với bài viết « Macron rất Mỹ ». Emmanuel Macron từng tu nghiệp nhiều lần tại Hoa Kỳ, hiểu biết về nước Mỹ hơn nhiều người tưởng. Quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Pháp-Mỹ thắm thiết chưa từng thấy, nhưng theo nhà báo Chris Whipple cảnh báo : « Trump rất dễ chán người khác ».

Tờ báo cũng ghi nhận, trong cuộc họp báo sau khi không kích Syria, tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ Joseph Dunford đứng ngay bên phải bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis, còn bên trái là tướng Pháp Jean-Pierre Montégu, tùy viên quân sự ở Washington. Đồng nhiệm Anh đứng xa hơn một chút. Bộ trưởng Mỹ khi phát biểu cũng đặt Pháp đứng trước Anh. Luân Đôn, đồng minh bao nhiêu năm qua của Hoa Kỳ có lẽ cũng chạnh lòng. Nhưng rõ ràng là sự tham gia tích cực của Pháp đã khiến người Mỹ nhìn Paris bằng cặp mắt khác hẳn.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180428-cuoc-chien-tinh-bao-dong-tay-lai-quyet-liet

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.