mardi 21 novembre 2017

Zimbabwe : Sự lần khân cuối cùng của Mugabe



Ông Robert Mugabe phát biể trên truyền hình ngày 19/11/2017.

(Tanguy Berthemet, LeFigaro 21/11/2017) Bị cô lập, vị tổng thống già nua vẫn không muốn nhận ra sự thật. Quốc hội đã tiến hành thủ tục truất phế ông.

Sự hấp hối kéo dài của thời kỳ Robert Mugabe tiếp tục. Sáu ngày sau khi quân đội nắm quyền kiểm soát Zimbabwe, nhà lãnh đạo già nhất thế giới vẫn bám ghế, vận dụng rất giỏi khả năng cuối cùng : gây trở ngại. 

Tối Chủ nhật 19/11 người  dân Zimbabwe theo dõi bài diễn văn của tổng thống trên truyền hình, sững sờ thất vọng khi không thấy ông nhìn ra sự thật và chấp nhận việc từ chức. « Đồng chí Bob » chẳng nói gì về chuyện này cả, lại còn khoe chức « tổng tư lệnh quân đội », như một người điếc trước những sự kiện dồn dập diễn ra trước mắt.

Vì sao ông tổng thống lại không rời chức vụ, trong khi tất cả dường như cho thấy không thể tránh khỏi ? Nét mặt của các tướng lãnh ngồi gần bên lúc ông phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước ZBC, chứng tỏ đây là điều hoàn toàn ngạc nhiên, kể cả đối với họ. Ông Mugabe định thương lượng tốt hơn về tương lai của ông và những người thân ? Hoặc ông chỉ đơn thuần từ chối ý tưởng lật qua một trang mới sau 37 năm cầm quyền ?

Theo một người có trách nhiệm thuộc đảng Zanu-PF, sự từ chối vào phút chót được đảng đồng ý, nhằm tránh cho tổng thống khỏi phải mất mặt trước sự hiện diện của các tướng lãnh, mang lại ấn tượng một cuộc đảo chính. Thủ lãnh đối lập Morgan Tsvangirai đã bày tỏ sự bất bình trước phát biểu đáng ngạc nhiên của tổng thống, mà theo ông « hoàn toàn đi ngược lại với nguyện vọng của nhân dân ». « Cái gọi là thương lượng với quân đội đã không mang lại kết quả mà quốc dân mong đợi ».

Các đại biểu vui mừng sau khi Robert Mugabe bị cách chức chủ tịch trong đại hội bất thường đảng Zanu-PF ngày 19/11/2017.
Biểu tình ngồi của các cựu chiến binh

Trước sự bất hợp tác của Robert Mugabe, đảng Zanu-PF hôm thứ Hai 20/11 đã quyết định sử dụng biện pháp mạnh là tiến hành thủ tục truất phế, như Hiến pháp cho phép. Dự thảo kiến nghị coi ông Mugabe là « nguồn gốc gây bất ổn » cho đất nước, tố cáo ông không tôn trọng Nhà nước pháp quyền và phải chịu trách nhiệm « sự suy sụp chưa từng thấy của nền kinh tế » trong 15 năm gần đây.

Đề nghị này sẽ được Hạ viện và Thượng viện xem xét từ thứ Ba 21/11. Việc thông qua văn bản sẽ chẳng mấy khó khăn : Zanu-PF và đối lập đều quyết định ủng hộ. Nhưng tiến trình này tương đối phức tạp, có thể mất thời gian, cho dù một số chuyên gia cho rằng trong tình huống hiện nay, việc bỏ phiếu sẽ được đẩy nhanh. Vị tổng thống già trên thực tế hoàn toàn bị cô lập, không có một hỗ trợ nào vững chắc.

Đảng đã tuyên bố bất tín nhiệm ông. Robert Mugabe, nhà lãnh đạo cầm quyền đã quá lâu, đã bị tước mọi chức vụ và người thay thể là Emmerson Mnangagwa, nay là đối thủ của ông. Việc cách chức không chỉ mang tính biểu tượng. Sự mất quyền kiểm soát đảng cầm quyền Zanu-PF, có nghĩa là mất chức tổng thống Zimbabwe.

Nhưng ông Mugabe dường như không chịu nhận ra điều này. Hôm Chủ nhật 19/11, ông còn nói về ý định chủ trì đại hội đảng, dự kiến vào tháng 12, dù đã bị khai trừ. Quân đội không còn tuân lệnh ông nữa. Còn cảnh sát, vốn hoàn toàn trung thành với Mugabe, đã biến mất khỏi các đường phố.

Người dân cũng đã bày tỏ sự phẫn nộ. Hôm thứ Bảy 18/11, theo lời kêu gọi của các  cựu chiến binh, của đảng Zanu-PF và cả đảng đối lập chính MDC, hàng chục ngàn người đã tràn ngập đường phố Harare, trong không khí vui tươi, để đòi hỏi Mugabe phải ra đi. Thứ Hai 20/11, lãnh tụ cựu chiến binh rất uy tín là Chris Mutsvangwa, đã kêu gọi biểu tình tiếp tục vào thứ Tư tới, thậm chí có thể biểu tình ngồi trước Dinh Tổng thống, nơi ông Mugabe bị quản thúc, một cách nhằm làm tăng thêm áp lực lên « con sư tử già », để giúp tìm ra « một lối thoát danh dự ».

Thư từ nhiệm

« Lối thoát danh dự » này, cả chính quyền đều đang tìm kiếm. Ý thức được rằng mặc cho những sai lầm, Robert Mugabe vẫn còn giữ được một ít hào quang nơi lớp người cũ và một số đồng chí, họ muốn tránh lăng nhục ông. Họ cũng ngại rằng việc Mugabe nhất định bám lấy quyền lực khiến các nước láng giềng lên án quân đội tiếm quyền.

Các nước thành viên SADC (Cộng đồng Phát triển Kinh tế Nam Phi), trong đó có sự hiện diện của tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và đồng nhiệm Angola Joao Lourenço, họp lại hôm nay 21/11 tại Luanda để thảo luận về tình hình. Theo CNN, cuộc họp rốt cuộc không đạt mục đích.

Tổng thống Mugabe rốt cuộc có thể ký vào một lá thư từ nhiệm, để đổi lấy sự an toàn cho hai vợ chồng. Tờ giấy này chưa hẳn chấm dứt được cuộc khủng hoảng. « Mugabe cứ hứa rồi lại nuốt lời » - một nguồn tin chính phủ được AFP dẫn lại cho biết. « Ông ta không hiểu thấu những gì đang diễn ra ».

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.