Tôi muốn giới thiệu với các bạn một đoạn ghi chép trích
trong hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày, về một người Trung Quốc rất chăm chỉ
nghiên cứu ngôn ngữ Việt được la-tinh hoá ngay khi anh ta ở trong nhà tù Việt
Nam. Tôi nhắc lại chuyện này, nhân có một quan chức ngành giáo dục Việt Nam coi
thường thành tựu đã có được trong ngôn ngữ Việt, để chế ra một thứ chữ Việt mới
nhang nhác cái pinyin mà người Trung Quốc nói trên coi là kém cỏi, so với ngôn
ngữ Việt được la-tinh hóa.
“… Trong những người tù Phong Quang mà tôi quen đầu tiên,
tôi đặc biệt nhớ một thanh niên Trung Quốc bởi ý chí kiên cường của anh ta.
Theo anh ta tự giới thiệu thì ở Trung Quốc anh là sinh viên một trường đại học
ở Vũ Hán. Mấy ông già biết phiên âm Hán Việt gọi anh ta là Lý Phương, phiên âm
từ tên Trung Quốc Li Fang hay Li Feng, không biết phiên âm thế có đúng hay
không. Những người Trung Quốc mới sang trong đợt chạy cách mạng văn hóa vô sản
nói chung không có tên gọi theo âm Hán Việt. Tên Việt của họ là do các cán bộ
coi tù đặt theo kiểu hầm bà lằng, miễn sao dễ gọi.
Không hiểu nghe ai nói tôi là nhà
báo, Lý Phương tự tìm tới tôi:
- Tôi có việc muốn nhờ anh. - Lý
Phương nói bằng tiếng Việt, rất rõ ràng, rất chuẩn, do đó không được Việt lắm.
- Có chuyện gì vậy?
- Tôi muốn anh giúp tôi trong việc tìm ra cách la-tinh hóa tiếng Trung Quốc.
Tôi ngần ngừ:
- Tôi không biết tiếng Trung Quốc, không biết những đặc điểm của cách phát âm Trung Quốc, làm sao giúp anh?
- Anh giúp được. Tôi chỉ hỏi anh khi cần thôi. Tự tôi nghiên cứu là chính. Anh người Hà Nội, phát âm tiếng Việt chuẩn, lại có hiểu biết về ngôn ngữ, thế là tốt cho tôi lắm rồi. Anh biết không, tôi thấy tiếng Việt được la-tinh hóa rất hay. Cần phải bắt chước cách la-tinh hóa tiếng Việt để ký âm tiếng Trung Quốc, la-tinh hóa nó...
- Có chuyện gì vậy?
- Tôi muốn anh giúp tôi trong việc tìm ra cách la-tinh hóa tiếng Trung Quốc.
Tôi ngần ngừ:
- Tôi không biết tiếng Trung Quốc, không biết những đặc điểm của cách phát âm Trung Quốc, làm sao giúp anh?
- Anh giúp được. Tôi chỉ hỏi anh khi cần thôi. Tự tôi nghiên cứu là chính. Anh người Hà Nội, phát âm tiếng Việt chuẩn, lại có hiểu biết về ngôn ngữ, thế là tốt cho tôi lắm rồi. Anh biết không, tôi thấy tiếng Việt được la-tinh hóa rất hay. Cần phải bắt chước cách la-tinh hóa tiếng Việt để ký âm tiếng Trung Quốc, la-tinh hóa nó...
Không một lời nào nói tới cuộc sống
tù tội, không một câu hỏi thăm về án hình, vốn là đề tài muôn thuở trong những
cuộc làm quen ở chốn này.
Trung Quốc không bao giờ hết những con người vĩ đại.
Cho đến lúc rời Phong Quang tôi vẫn không biết chính xác lý
do Lý Phương rơi vào nhà tù Việt Nam. Có người nói anh ta ở trong một tổ chức
chống Mao. Trong cuộc đại cách mạng văn hóa vô sản, Lý Phương bị bắt, vượt ngục
chạy sang Việt Nam. Trong trường hợp một người ở nước mình nhân thân bị đe dọa
vì lý do chính trị đến xin tá túc một nước khác, gọi là xin cư trú chính trị,
thì nước nọ thường cho phép anh ta cư trú, lại còn giúp đỡ điều kiện sinh sống.
Trừ Việt Nam. Những người Trung Quốc tị nạn đến Việt Nam, nếu may mắn không bị
trả về Trung Quốc thì họ được Việt Nam cho tị nạn trong tù.
Lý Phương không bị trả về Trung Quốc là may. Nhưng có thật
anh ta chống Mao không thì tôi không biết. Chỉ biết trong trại Phong Quang Lý
Phương kết nghĩa anh em với một người tù, cũng rất đặc biệt, là Lý Cà Sa.
Về Lý Cà Sa tôi đã được nghe tiếng từ trại Tân Lập. Người tù
rất đặc biệt này đã qua nhiều trại, do đó được anh em tù biết đến nhiều. Anh ta
hình như là thổ phỉ thì phải. Tôi nói hình như vì chính tai tôi chưa nghe Lý Cà
Sa nói về tội trạng mình lần nào, cũng không nghe cán bộ trại giam nói, hoặc
nghe người ta đọc tội danh của anh trong khi kiểm kê tù hàng năm. Theo tôi quan
sát thì Lý Cà Sa giống tù số lẻ hơn tù số chẵn.
Đó là một người Trung Quốc hoàn toàn, nhưng không phải một
người Trung Quốc hiện đại, mà từ thời hòa thượng Lỗ Trí Thâm, thời đầu mục Lâm
Xung, lạc vào đây. Cao, to, cân đối, gương mặt sáng sủa, với đường nét ngay
thẳng, trông thoáng cũng thấy anh là người tính tình cởi mở, trung thực, Lý Cà
Sa nổi tiếng là người có sức khoẻ kỳ lạ. Tám người tù lẻo khoẻo ì ạch kéo một
cái xe bò lên dốc không nổi, Lý Cà Sa chạy lại giúp, anh xua mọi người ra, lôi
nó đi băng băng bằng một tay. Hơn một chục tù tát từ sáng tới trưa không cạn
một cái giếng, Lý Cà Sa cũng xua họ đi, một mình một gầu thau xong giếng trước
khi trời tối.
Vì sức khỏe, và vì cả nết chăm làm của anh, Ban giám thị các
trại đều trọng nể anh. Họ cho anh một đặc ân không người tù nào có được là suất
ăn hàng ngày gấp đôi tù thường. Có điều, với sức khoẻ của Lý Cà Sa, suất ăn như
thế chẳng đi đến đâu.
Lý Cà Sa rất thương Lý Phương. Kiếm được cái gì anh cũng
nhường cho Lý Phương. Lý Phương nhận sự nhường nhịn của đàn anh như lẽ đương
nhiên, suốt ngày chỉ chăm chú vào việc cải tiến chữ Trung Quốc. Trông cách làm
việc của Lý Phương thì có thể nghĩ rằng anh thanh niên này không phải bị tù, mà
anh ta sang Việt Nam để có điều kiện nghiên cứu cho việc hoàn tất một công
trình ngôn ngữ học rất quan trọng.
Không biết rồi công trình của nhà ái quốc Lý Phương có giúp
ích gì cho ngôn ngữ Trung Hoa hay không, nhưng anh ta đã làm việc, như chúng ta
thường nói, quên mình”.
FB VŨ THƯ HIÊN 28.11.2017 (Tựa do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.