Tổng thống Mỹ Donald Trump (G) bên cạnh thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (T) và tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại thượng đỉnh ASEAN ở Manila, 13/11/2017. |
Vòng công du châu Á của tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn là đề tài tiếp tục được các báo Pháp bàn đến. Le Figaro cho rằng « Về thương mại, Trump đã lọt vào chiếc bẫy của chính mình tại châu Á-Thái Bình Dương ».Tác
giả Fabrice Nodé-Langlois nhận định, khi từ bỏ một số hiệp định thương
mại ở châu Á, tổng thống Mỹ đã nhận lấy rủi ro cô lập hóa nước mình trên
trường quốc tế.
Đó là một trong
những động thái chính thức đầu tiên của tổng thống thứ 45 Hoa Kỳ. Vào
ngày thứ ba của nhiệm kỳ, hôm 23 tháng Giêng năm 2017, ông Donald Trump
đã sổ toẹt TPP, hiệp định tự do mậu dịch tập hợp xung quanh Hoa Kỳ 11
quốc gia hai bên bờ Thái Bình Dương. Hiệp định này không chỉ có ý nghĩa
thương mại mà cả địa chính trị, là cột trụ trong chính sách châu Á của
Barack Obama. TPP giúp hình thành một thị trường lớn với 800 triệu người
tiêu thụ, chiếm một phần ba tổng sản phẩm nội địa thế giới, định ra
những tiêu chuẩn thương mại và đặt Trung Quốc ra ngoài lề.
Về phía ông Donald Trump thì chỉ thấy trong hiệp định đa phương này sự hủy hoại « khủng khiếp »
việc làm của người lao động Mỹ. Đối với nhà tỉ phú New York, lãnh đạo
một đất nước cũng giống như một doanh nghiệp, phải ưu tiên cho việc
thương lượng tay đôi. Sức nặng của nước Mỹ sẽ giúp đạt được những thỏa
thuận song phương có lợi hơn.
Vấn đề là lý luận này không thuận
tai các đối tác. Theo tác giả, biểu tượng mạnh mẽ là chính trong vòng
công du châu Á của tổng thống Mỹ, vào cuối tuần qua tại Việt Nam, các
đối tác cũ của TPP loan báo đã thỏa thuận được một hiệp định mới mà
không có Hoa Kỳ.
Đại biểu 11 nước TPP họp tại Đà Nẵng ngày 09/11/2017. |
Tất nhiên là vẫn còn nhiều điểm bất đồng phải vượt qua, nhưng 11 nước của « TPP giảm nhẹ » này hy vọng vào đầu năm tới sẽ hoàn tất, hủy bỏ được 95% hàng rào thuế quan hiện nay. Đã
hẳn là mỗi nước đều muốn tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ. Mêhicô xuất siêu
sang thị trường Hoa Kỳ 104 tỉ đô la, Nhật Bản 63 tỉ, Canada 55 tỉ và
Việt Nam 31 tỉ đô la. Nhưng các đối tác này chẳng có mấy lợi ích nếu
đóng khung vào quan hệ song phương với Chú Sam, thay vào đó, họ muốn
hình thành câu lạc bộ 11 nước châu Á-Thái Bình Dương, với 500 triệu
người tiêu dùng và chiếm 15% GDP toàn cầu.
Để tăng trưởng, các
nước này cần mở rộng thị trường, giảm mạnh hàng rào thuế quan cũng như
phi thuế quan. Hơn nữa, trong lúc trao đổi giữa các nước giàu và nghèo
khựng lại thì trao đổi giữa các quốc gia đang phát triển tăng lên. Việt
Nam, Malaysia hay Pêru đều có lợi trong trung và dài hạn khi tham gia
một khu vực tự do mậu dịch.
Tập Cận Bình tại hội nghị APEC ngày 10/11/2017. |
Còn Trung Quốc đứng ở đâu trong trò
chơi lớn này ? Ông Barack Obama hy vọng cô lập Bắc Kinh khi thỏa thuận
được TPP. Từ khi Donald Trump từ bỏ hiệp định này, Tập Cận Bình đã ve
vãn hầu hết các nước châu Á-Thái Bình Dương. Tuy vẫn chưa khuyến dụ được
tất cả tham gia hiệp định do Trung Quốc đề xướng, nhưng ảnh hưởng Bắc
Kinh đã rất lớn, chẳng hạn tại Việt Nam hay Malaysia.
Tóm lại theo Le Figaro,
khi cho rằng sẽ xóa được thâm hụt thương mại nhờ dùng sức ép trong các
thỏa thuận song phương, Donald Trump đã gánh lấy nguy cơ tự cô lập. Cuộc
chiến chính đáng của tổng thống Mỹ để bảo vệ « nhữngngười lao động » trong kỹ nghệ quốc gia diễn ra vào lúc công cuộc toàn cầu hóa đang thay đổi nhanh chóng.
Toàn
cầu hóa trong những năm 2020 chủ yếu trong lãnh vực kỹ thuật số. Thế
nhưng các tập đoàn đại diện cho giai đoạn mới này – Google, Amazon,
Facebook, Apple và có thể kể thêm Uber hay Netflix – tất cả đều là của
Mỹ. Các đối tác mà đứng đầu là châu Âu đang chuẩn bị dựng lên những rào
cản để đối phó. Thay vì mỗi người dùng tay giữ lại phần bánh nhỏ của
mình, nên chăng bàn thảo một cách chế biến chung để làm nở phồng chiếc
bánh thế giới ? Đó là mục tiêu của chủ nghĩa đa phương hậu chiến, mà nay
đã bị đưa ra khỏi chương trình nghị sự.
Tổng thống Trump phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc ngày 08/11/2017. |
Hai Donald Trump trong vòng công du châu Á
Tương tự, Le Monde nhận xét về « Một ông Trump với giọng điệu cô lập ở châu Á ». Bên cạnh đó trước sức mạnh Trung Quốc, tổng thống Mỹ mong muốn làm trỗi dậy một khu vực « Ấn Độ-Thái Bình Dương ».
Theo
tờ báo, có hai ông Trump khác nhau trong vòng công du châu Á. Nhấn mạnh
sự cần thiết của việc huy động các nước trên thế giới, Donald Trump thứ
nhất không ngớt mời gọi gây áp lực lên Bắc Triều Tiên. Ngược lại,
Donald Trump thứ hai hài ra một danh sách những lạm dụng mà Hoa Kỳ là
nạn nhân trong nhiều thập niên qua. Tại thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng, ông
phản bác các hiệp định đa phương, khẳng định « America First ».
Sự
tương phản nổi rõ với đồng nhiệm Trung Quốc – mà ông Trump đã tránh chỉ
trích về thâm hụt thương mại Mỹ-Trung - khi Tập Cận Bình phát biểu
trước cùng một cử tọa. Ông Tập tiếp tục ca ngợi « hợp tác quốc tế » và « mở cửa kinh tế ».
Le Monde
cho rằng Donald Trump có thể đánh giá được sự cô đơn của mình, khi 11
nước TPP còn lại quyết định đi tiếp mà không có Mỹ. Họ hy vọng sẽ phê
chuẩn được một hiệp định có thể mang lại 150 tỉ đô la mỗi năm cho các
thành viên. Dường như chẳng có nước nào bị thu hút bởi các thỏa thuận
song phương mà Donald Trump đề nghị thay cho TPP. Và mỉa mai thay, chính
Trung Quốc lại được hưởng lợi nhiều nhất khi Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định
này. Le Monde dẫn lời nhà kinh tế Jayant Menon, Ngân hàng Phát triển Á châu : « Mỹ đã đánh mất vai trò lãnh đạo ».
Bộ trưởng Kinh tế Việt Nam Trần Tuấn Anh và đồng nhiệm Nhật Toshimitsu Motegi sau cuộc họp báo về TPP ở Đà Nẵng ngày 11/11/2017. |
Tuy vậy, tại Đà Nẵng cũng như ở Tokyo hay Seoul, Donald Trump đều nhấn mạnh về khu vực « Ấn Độ-Thái Bình Dương », tập
hợp các đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Á, và cả Việt Nam, Ấn Độ.
Trong tương lai, đây có thể là một chủ thuyết nhằm làm đối trọng với ảnh
hưởng Bắc Kinh trong khu vực. Nhưng viễn cảnh một phiên bản khiêm tốn
hơn của chủ trương « xoay trục sang châu Á », hiện vẫn rất mù mờ.
Tại
Việt Nam, nước duy nhất trong khu vực còn dám đương đầu với người láng
giềng Trung Quốc hùng mạnh, trước hành động bành trướng của Bắc Kinh
trên Biển Đông, ông Trump muốn trấn an, đề nghị dùng tài năng của mình
đứng ra « hòa giải ». Nhưng theo Le Monde, sau chuyến thăm
của tổng thống Mỹ, người Việt vẫn chưa có lý do cụ thể để tin vào sự
ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ. Trước đồng nhiệm Trần Đại Quang, cũng như tại
các thủ đô châu Á vừa ghé qua, Donald Trump không hà tiện lời khen, cho
rằng Việt Nam là « một trong những phép lạ trên thế giới ». Hà
Nội và các đồng minh khác của Mỹ hiện tại có thể tự hài lòng, nhưng có
lẽ vẫn không an tâm trước tính cách bốc đồng của tổng thống Mỹ.
Hai ông Donald Trump sau đó đã bộc lộ trên Twitter. Một mặt, tổng thống Mỹ than phiền là Kim Jong Un đã chê ông « già ». Mặt khác, ông Trump nói thêm, « Tôi chưa bao giờ nói anh ta ‘lùn và mập’ » rồi lại bày tỏ hy vọng một ngày nào đó có thể trở thành bạn bè.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại dạ tiệc ở Cung Akasaka, Nhật, 06/11/2017. |
Tiền hậu bất nhất
La Croix trên trang web phân tích « Những mâu thuẫn của ông Donald Trump tại châu Á ».Tờ
báo nhận xét, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và tổng thống Hàn Quốc Moon
Jae In đã hết lòng chiều chuộng vị khách quý, từ mời chơi gôn, cho đến
việc dành cho nhà lãnh đạo thế giới vinh dự đọc diễn văn trước Quốc Hội.
Còn tại Bắc Kinh thì lại khác, Donald Trump không ngừng khen ngợi Tập
Cận Bình, trong khi ông Tập chưa một lần nào khen lại tổng thống Mỹ.
Donald Trump nhấn mạnh Hoa Kỳ và Trung Quốc, « hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và là động cơ tăng trưởng toàn cầu » cần phải chung tay giải quyết những vấn đề quốc tế. Tuyên bố này có vẻ gần gũi với khái niệm « G2 » giữa hai đại cường, nhưng lại mâu thuẫn với ý tưởng khu vực « Ấn Độ-Thái Bình Dương ».
La Croix cũng có nhận xét tương tự với Le Monde và Le Figaro
về sự kiện 11 nước TPP quyết tiến tới mà không có Mỹ, và cho rằng trước
thái độ chưa rõ ràng của Hoa Kỳ tại châu Á, một số nước trong khu vực
đã xích lại gần nhau để bảo vệ lợi ích của mình trước ảnh hưởng Trung
Quốc. Ngay cả những người bảo thủ Nhật đang cầm quyền có vẻ cũng ngờ vực
về tính lâu dài của liên minh an ninh với Mỹ.
Đề nghị của Donald Trump làm trung gian hòa giải giữa Hà Nội và Bắc Kinh về Biển Đông, theo La Croix,
cũng gây thắc mắc cho các nhà quan sát. Một số người tự hỏi, liệu nước
Mỹ của ông Trump có chuẩn bị cho một thỏa thuận với Trung Quốc, bỏ rơi
quan điểm truyền thống của Hoa Kỳ là ủng hộ tự do hàng hải trong khu
vực.
Bị cho là tổng thống của người giàu, Emmanuel Macron đã đi thăm vùng ngoại ô Clichy-sous-Bois ngày 13/11/2017. |
Quốc phòng : Châu Âu bắt đầu tự lực cánh sinh
Về thời sự nước Pháp, Libération hôm nay chú trọng đến việc « 65% người Pháp cảm thấy bị thiệt thòi qua các cải cách của tổng thống Macron », thế nên ông Emmanuel Macron đã dành thời gian để đi thăm các khu phố nghèo. Trên lãnh vực giáo dục, La Croix đặt vấn đề « Hướng về một bằng tú tài tùy chọn ? ».
Từ hôm qua, đã bắt đầu một loạt tham vấn với mục đích cải cách cuộc thi
tú tài, có thể được thực hiện kể từ mùa thi 2021. Riêng nhật báo kinh
tế Les Echos quan tâm đến tập đoàn điện lực Pháp EDF, nợ nần
nhiều và ngày càng ít hiệu quả, đã phải điều chỉnh lại mục tiêu trên thị
trường chứng khoán.
Về vấn đề môi trường, Le Monde chạy tựa trang nhất lời cảnh báo của 15.000 nhà khoa học từ 184 quốc gia: « Sẽ là quá muộn… » và
đăng nguyên văn lá thư này. Để tránh thảm họa sinh thái, giới khoa học
kêu gọi nhân loại thay đổi hẳn cách sống. Sau ba năm chững lại, khí thải
CO2 lại bắt đầu tăng từ năm 2017, chủ yếu là do Trung Quốc.
Ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc phòng các nước châu Âu chuẩn bị ký hiệp định hợp tác, 13/11/2017. |
Một đề tài đáng chú ý khác là quốc phòng châu Âu. Le Figaro nhấn mạnh « Quốc phòng châu Âu muốn thoát khỏi cái bóng của Hoa Kỳ ». Hai
mươi ba nước châu Âu hôm qua đã cam kết hợp tác quân sự : ký hiệp ước
CSP. Đây không phải là việc thành lập quân đội châu Âu hay bỏ qua NATO,
nhưng là bước đầu hướng về tự lực cánh sinh, với các dự án sản xuất vũ
khí chung, đóng góp vào ngân sách quốc phòng và trong tương lai có thể
triển khai các lực lượng chung. Trong thời buổi hạn chế về tài chính, sự
hợp lực này có thể mang lại hiệu quả.
Tờ báo cho biết thành công
đã vượt quá yêu cầu. Ba nước Ban-tích, trong đó có hai nước chung biên
giới với Nga, đã nhất trí ký vào, cũng như Rumani, Bulgari, vẫn lo ngại
trước các hành động của Matxcơva tại Hắc Hải. Ngạc nhiên thực sự đến từ
Hungary và Ba Lan. Vácxava đã ký cùng với ba thủ đô nhóm Visegrad :
Budapest, Bratislava và Praha.
Trong bài xã luận, Le Figaro
nhận xét, thỏa thuận này càng ý nghĩa hơn khi được đưa ra trong dịp
Paris kỷ niệm hai năm thảm kịch khủng bố ngày 13/11/2015. Bên cạnh mối
đe dọa khủng bố, cuộc khủng hoảng Ukraina và Bắc Triều Tiên nhắc nhở
rằng cú sốc giữa các cường quốc chưa phải đã là chuyện quá khứ. Kẻ thù
đang tiến gần, còn đồng minh lớn Hoa Kỳ lại lùi ra xa. Châu Âu buộc phải
tự lo lấy vận mệnh của mình, và ngay cả nước Đức nay cũng đã nhận ra
điều ấy.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.