Chủ tịch ExxonMobil, ông Robert Franklin (G) trong ngày cuối của cuộc hội thảo các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC ở Đà Nẵng, Việt Nam ngày 10/11/2017. |
Trong hội nghị thượng đỉnh APEC tuần trước tại Đà
Nẵng, Việt Nam, báo chí rất chờ đợi bài diễn văn của tổng thống Mỹ
Donald Trump và quan điểm của ông về một « Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở », trong bối cảnh nhiều nhà lãnh đạo tham gia diễn đàn hy vọng Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm đến khu vực.
Theo nhà phân tích Gary Sand trên The Diplomat, tuy Donald Trump có thái độ chừng mực, không tung ra những tin Twitter gây bối rối, nhưng chính sách « Nước Mỹ trước hết » của ông cũng khiến cho các nước lo ngại.
Ngoài
thương mại, các nhà lãnh đạo Việt Nam còn tìm kiếm sự hỗ trợ của Hoa Kỳ
trên Biển Đông. Trong những tháng trước khi diễn ra thượng đỉnh APEC,
tập đoàn năng lượng Mỹ ExxonMobil đã khuyến khích Hà Nội loan báo chính
thức khởi động dự án mỏ khí đốt Cá Voi Xanh trị giá 10 tỉ đô la trong
hội nghị này.
Mỏ Cá Voi Xanh (Blue Whale) có trữ lượng ước tính
150 tỉ mét khối, sẽ đóng góp vào ngân sách Việt Nam gần 20 tỉ đô la. Nằm
trong dự án này còn có một đường ống dẫn khí đốt từ ngoài khơi cung cấp
cho bốn tổ máy điện sẽ được xây dựng tại tỉnh Quảng Nam, và tổ máy đầu
tiên dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2023.
Khu vực mỏ Cá Voi Xanh
nằm tại lô 118, nằm trọn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý
của Việt Nam. Tuy nhiên với đường lưỡi bò tự vẽ, và đã bị Tòa án Trọng
tài Thường trực phán quyết là vô căn cứ, Bắc Kinh cũng yêu sách khu vực
này. Đường 9 đoạn của Trung Quốc cách bờ biển miền Trung Việt Nam có 50
hải lý, trùm lên một phần ba phía đông của lô 118.
Tập
đoàn Exxon dự định khoan thăm dò cách đường lưỡi bò 10 hải lý, khoảng
88 km tính từ bờ biển Việt Nam. Cho dù địa điểm khoan không nằm trong
đường lưỡi bò, nhưng lại trong cùng lưu vực mà Trung Quốc đã khai thác
năm 2014 với giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 981 (HY981). Vào lúc
đó, việc kéo giàn khoan đến vùng biển Hoàng Sa đã gây ra một loạt các
đợt biểu tình phản đối và bạo động tại Việt Nam.
Tuy nhiên việc
khởi động mỏ Cá Voi Xanh, dự tính thông báo vào tuần trước, đã không mấy
tiến triển. Phát biểu trong diễn đàn APEC hôm 7/11, giám đốc ExxonMobil
Development Company là Liam Mallon nói « có những thỏa thuận đặc biệt mà chúng tôi cần phải bàn bạc », và hoãn lại quyết định đầu tư đến năm 2019.
Hà
Nội có lẽ muốn một APEC yên lành vào cuối năm, thay vì chọc giận Bắc
Kinh. Hồi tháng Bảy, Trung Quốc đe dọa tấn công các căn cứ quân sự của
Việt Nam tại Trường Sa, nếu không ngưng thăm dò khí đốt trong khu vực.
Vào thời điểm đó, Bắc Kinh tức tối khi lô 136-3 ở bãi Tư Chính, được một
liên doanh giữa Việt Nam với công ty Repsol của Tây Ban Nha và Mubadala
Development Co. của Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất chuẩn bị khoan
thăm dò.
Tuy Repsol đã chi ra ít nhất 27 triệu đô la (một ước
tính khác cho rằng đến 300 triệu đô la), Hà Nội đành phải cho ngưng
khoan. Việc Bắc Kinh đe dọa được biết đến khi thượng tướng Phạm Trường
Long (Fan Changlong), phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc bỏ về
nước, không dự một cuộc họp ở Hà Nội chỉ vài ngày trước thời điểm khoan
21/6. Phạm Trường Long còn hủy bỏ hoạt động « giao lưu quốc phòng Việt-Trung ».
Theo
chuyên gia Bill Hayton, Trung Quốc cũng đã từng đe dọa tương tự với khu
vực mỏ khí đốt ngoài khơi Việt Nam của tập đoàn Anh British Petroleum
(BP) năm 2007. Bắc Kinh hăm dọa khối tài sản 4,2 tỉ đô la của BP tại Hoa
lục, và đe rằng sẽ không bảo đảm an toàn cho đội ngũ của BP làm việc
tại khu vực « tranh chấp ».
Việc Trung Quốc đe dọa dùng vũ lực với
Việt Nam trong vụ Repsol, theo giáo sư Carl Thayer, trường đại học New
South Wales là rất đáng quan ngại. Ông gọi vụ hăm dọa này là « một bước dấn tới đáng báo động về sự quyết đoán của Trung Quốc » và là « một sự leo thang quan trọng ».
Giáo sư Thayer cũng đặt câu hỏi về tác động của đe dọa quân sự từ Trung
Quốc đối với tương lai kỹ nghệ dầu khí ngoài khơi của Việt Nam, nhận
định « Nếu Việt Nam ngưng hẳn thăm dò, sẽ gây tác động lâu dài đến
các hợp đồng hiện nay với các công ty nước ngoài, và nhất là an ninh
năng lượng của Việt Nam trong tương lai ».
Ông Alexander
L.Vuving, thuộc Daniel K.Inouye Asia-Pacific Center for Security ở
Hawai, có cái nhìn nhẹ nhàng hơn về vụ Repsol, cho rằng Hà Nội đã chọn
lựa một sự « rút lui chiến thuật » do lo ngại bạo động xã hội.
Ông nêu ví dụ về vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 tháng 5/2014 và
phong trào phản đối nhà máy thép Formosa gây ô nhiễm nặng vùng biển miền
Trung Việt Nam.
Tuy vậy trong tương lai gần, ông Vuving tin rằng chính sách của Hoa Kỳ về châu Á « quá yếu để chống lại Trung Quốc ». Tại Đà Nẵng vừa rồi và ở khu vực châu Á, người ta cảm thấy « America First » quá
thiên về lợi ích tự thân trong kinh tế, để có thể chống lại bá quyền
Trung Quốc. Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực trong Đại hội Đảng 19, và
chủ trương một quân đội mạnh hơn. Nay Bắc Kinh có thể chọn lựa việc phô
trương sức mạnh ấy.
Theo tác giả Gary Sand, tuần trước, viễn cảnh
Bắc Kinh dọa nạt Hà Nội một lần nữa đã lùi xa, sau khi ExxonMobil hoãn
lại thông báo khởi động. Tuy vậy nếu dự án mỏ Cá Voi Xanh có tiến triển,
rất có thể Hà Nội sẽ lại bị đe dọa một khi tiến hành khoan thăm dò trên
Biển Đông. Các mỏ của ExxonMobil có thể an toàn hơn so với Repsol, vì
tầm vóc đại quy mô và ảnh hưởng toàn cầu của tập đoàn Mỹ, tiềm năng đầu
tư đáng kể, địa điểm nằm gần đất liền của Việt Nam hơn và ở ngoài đường
lưỡi bò. Bên cạnh đó tập đoàn này có liên hệ chặt chẽ với đương kim
ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson.
Nhưng từ nay đến năm 2019, năng lực quân sự của Trung Quốc sẽ tăng lên ; chiến lược « khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở »
của Washington hoặc được đẩy mạnh, hoặc bị lãng quên ; và các tham số
về giao dịch khí đốt có thể thay đổi. Vào lúc đó, Hà Nội sẽ phải thận
trọng cân nhắc. Hoặc một sự « rút lui chiến thuật » khác, hoặc thách thức mối đe dọa quân sự tiềm ẩn của Bắc Kinh và tin rằng Washington sẽ yểm trợ.
Mặc
cho các cam kết hòa bình qua chuyến thăm chính thức Việt Nam mới đây
của hai ông Donald Trump và Tập Cập Bình, lòng tin giữa ba nhà lãnh đạo
Việt-Mỹ-Trung vẫn còn ở mức thấp, và Hà Nội sẽ phải tìm cách xây dựng
quan hệ hữu nghị với các nước khác trong khu vực.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.