samedi 16 septembre 2017

Thế giới còn có hy vọng chặn được Kim Jong Un ?

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sau khi phóng thành công của hỏa tiễn Hwasong-12. Ảnh của KCNA ngày 16/09/2017.

Dù xuất bản trước khi Bình Nhưỡng phóng thêm một hỏa tiễn đạn đạo tầm trung bay ngang qua lãnh thổ Nhật Bản hôm thứ Sáu 15/09/2017, các tuần báo Pháp vẫn dành nhiều giấy mực để bàn luận về hồ sơ Bắc Triều Tiên. Trang nhất Le Point đăng ảnh Kim Jong Un đang tươi cười với dòng tựa « Người đang bắt chẹt cả thế giới ». Cũng dành trang nhất cho lãnh tụ Bình Nhưỡng, nhưng là một bức chân dung giận dữ, thở ra những cụm khói hỏa tiễn, Le Courrier International đặt câu hỏi : « Ai có thể chận được Kim Jong Un ? »
Thế giới từng tránh được chiến tranh nguyên tử trong đường tơ kẽ tóc 

Hồ sơ của Le Point điểm qua năm cuộc khủng hoảng hạt nhân đã từng làm cả thế giới hoảng sợ, mà nổi tiếng nhất là vụ hỏa tiễn Cuba năm 1962. Ngày 28/10/1962, chiếc tàu ngầm B-130 của Liên Xô chạy bằng điện và diesel phải trồi lên mặt nước để sạc bình điện, trong lúc bốn chiến hạm chống ngư lôi của Mỹ đang trấn ở đường ranh phong tỏa Cuba. 

Không ảnh các hỏa tiễn đạn đạo nguyên tử của Nga bố trí tại Cuba, do phi cơ do thám của Mỹ chụp được.
Cuộc khủng hoảng đã ở vào ngày thứ 14, từ khi Washington phát hiện các địa điểm đặt tên lửa của Cuba, nhờ một máy bay do thám. Chỉ huy trưởng Choumkov được lệnh từ Matxcơva sẵn sàng hành động. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm. Cùng ngày, CIA loan báo 24 hỏa tiễn ở Cuba đang hướng về Florida. Trong chiếc tàu ngầm B-130, nhiệt độ thay đổi từ 37 lên 57°C : hệ thống máy lạnh bị hư. Choumkov quyết định cho một ngư lôi vào bệ phóng, nhưng viên hạ sĩ quan phụ trách lắp đặt « vũ khí đặc biệt » bị ngất xỉu. 

Từ khi hồ sơ lưu trữ của Nga được giải mật vào năm 2001, cộng với lời chứng của các thủy thủ, người ta mới biết rằng đó là một ngư lôi mang đầu đạn nguyên tử, và chiếc B-130 thuộc về một đội tàu ngầm nguyên tử cùng với ba chiếc khác. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ 30 tàu hàng, trong đó có 4 chiếc mang theo tên lửa hạt nhân chở đến cho Cuba. 

Bị truy đuổi, một tàu ngầm khác của Nga là B-59 phải nổi lên rồi nhanh chóng lặn xuống. Chỉ huy trưởng Savitski, đã kiệt sức và không liên lạc được với Matxcơva, cũng ra lệnh chuẩn bị phóng một ngư lôi nguyên tử. Ông ta hét lên : « Chúng ta sẽ khai hỏa, sẽ chết hết, nhưng tất cả cũng sẽ chết theo ». Vài sĩ quan, trong đó có Vassili Arkhipov từng phục vụ trên chiếc K-19 mà lò phản ứng hạt nhân đã bị rò rỉ năm trước đó, can ngăn Savitski, tránh được một cuộc chiến tranh nguyên tử thấy rõ. Hôm sau, Khrouchtchev ra lệnh rút lui các tàu ngầm và tàu vận tải, loan báo sẽ tháo dỡ các thiết bị ở Cuba, đổi lấy lời hứa của Mỹ sẽ không xâm lăng đảo quốc.

Một trực thăng của Hải quân Mỹ bay quần phía trên tàu ngầm B-59 của Liên Xô vừa phải trồi lên mặt nước, ngày 28/10/1962.
Việt Nam cũng suýt phải lãnh bom nguyên tử

Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đã làm quên đi nhiều vụ trước đó, mà việc sử dụng loại vũ khí hủy diệt đã được nêu ra. Người Mỹ  đã đề cập đến trong chiến tranh Triều Tiên 1950 rồi 1953, để chống lại Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Khi thất bại thấy rõ trong trận Điện Biên Phủ, Pháp đã đề nghị đồng minh Mỹ sử dụng để tấn công Việt Minh, nhưng không được chấp nhận. Năm 1956, khi Pháp và Anh đổ bộ xuống kinh đào Suez của Ai Cập, đến lượt đồng minh Liên Xô của ông Nasser đe dọa : Matxcơva sở hữu bom H từ năm 1953. 

Năm 1958, để cứu các đảo Kim Môn (Quemoy) và Mã Tổ (Matsu) bị Trung Hoa cộng sản dội bom, người Mỹ đưa vũ khí nguyên tử đến hỗ trợ Đài Loan, khiến Mao Trạch Đông đành phải nhượng bộ. Đến năm 1969, cuộc xung đột Nga-Trung xung quanh dòng sông Oussouri (Ô Tô Lý Giang, theo tiếng Hoa) và ở biên giới Tân Cương khiến Matxcơva gợi ý cho Mỹ « tiên hạ thủ vi cường », đánh vào các cơ sở hạt nhân Trung Quốc. Nixon không đồng ý và báo cho Bắc Kinh. Cuộc khủng hoảng dừng lại ở đó, trong một thế giới mà sau sự cố làm dựng tóc gáy ở Cuba, ai nấy đều hiểu rằng nguyên tử là bảo đảm tốt nhất để hạ nhiệt.

"Hoàng đế" Kim Jong Un và dân chúng Bắc Triều Tiên.
Kim Jong Un và giấc mơ trị vì bán đảo Triều Tiên

Thế nhưng vì sao người nối dõi của họ nhà Kim chỉ trong 6 năm qua đã cho thử hỏa tiễn đạn đạo và nguyên tử còn nhiều hơn người cha Kim Jong Il trong suốt 17 năm trị vì ? Thử đặt mình vào vị trí của Kim Jong Un, thông tín viên Sébastien Falletti của Le Point cho rằng, ngoài mục đích tự vệ, nhà độc tài trẻ tuổi còn mơ được ngự trị trên toàn bán đảo Triều Tiên.

« Thống chế » 34 tuổi áp dụng triệt để những gì đã tuyên bố trong bài diễn văn vào ngày 1 tháng Giêng năm nay : thêm nhiều hỏa tiễn liên lục địa (ICBM) và tăng cường kho vũ khí hạt nhân. Thậm chí Kim Jong Un còn chơi sang hơn : tặng ngay một quả ICBM vào đúng ngày Quốc khánh Hoa Kỳ. Quả bom H được thử vào ngày 3/9, gây ra một trận động đất 6,3 độ Richter là món quà khác cho Washington trong dịp lễ Lao động Mỹ, đồng thời là cái tát cho Tập Cận Bình vào đúng thời điểm hội nghị thượng đỉnh BRICS.

Cheong Seong Chang, chuyên gia của Viện Sejong ở Seoul nhận định : « Từ nay ông ta đã có quả bom, giờ chỉ còn việc nắm được công nghệ đạn đạo, và muốn vậy cần phải thử ICBM ít nhất hai, ba lần nữa ». Trở ngại lớn nhất là giai đoạn chạm vào khí quyển, khi đầu đạn phải chịu đựng sức nóng 7.000°C và bị rung chuyển dữ dội.

Ván bài tẩy giữa Donald Trump và Kim Jong Un

Nhưng các chi tiết kỹ thuật không quan trọng mấy nữa. Kim Jong Un đã vượt được thách thức chính trị. Theo Antoine Bondaz thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, Jong Un đã củng cố được tính chính danh của chế độ, đóng vai người bảo vệ đất nước. Bom nguyên tử được coi là « bản sắc », ghi vào Hiến pháp 2012. Kim Jong Un còn dành cho các kỹ sư một ưu tiên hiếm hoi trong chế độ toàn trị này, đó là quyền được thất bại ! Nếu trước đây Kim Jong Il giận dữ khi không đạt mục tiêu, thì người thừa kế lại khuyến khích thử nghiệm dù không thành công, miễn là thu thập được những dữ liệu cần thiết.

Mùa Xuân Ả Rập và cái chết bi thảm của Kadhafi - lãnh đạo Libya đã chấp nhận từ bỏ chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt - được Jong Un coi là bài học, và càng muốn sau này được yên nghỉ trong quan tài kính đặt tại lăng Kumsusan như cha ông. Cheong Seong Chang cho rằng mục tiêu tối hậu của Jong Un là chinh phục để thống nhất Triều Tiên. 

Chuyên gia này phân tích : « Ông ta không muốn chiến tranh với Mỹ vì không có cửa thắng, nhưng với bom nguyên tử, nhà độc tài hy vọng sẽ khiến Washington không thể can thiệp trong trường hợp hai nước Triều Tiên xung đột. Kim Jong Un biết rằng Hoa Kỳ không dám dùng đến giải pháp quân sự, thế nên cứ việc dấn tới ». Một ván bài tẩy nguy hiểm, trước một tổng thống Mỹ khó đoán định.

Một đất nước Triều Tiên, hai chế độ ?

Làm thế nào ra khỏi khủng hoảng ? Ngồi vào bàn đối thoại, hay tìm cách trừ khử Kim Jong Un ? Hồ sơ của Le Courrier International giới thiệu một số giải pháp khác nhau từ châu Á. Tại Nhật Bản, nhà triết học Tatsuru Uchida đề nghị giải pháp êm dịu « Một đất nước (Triều Tiên), hai chế độ » : thống nhất bán đảo Triều Tiên và thành lập một liên bang.

Ông Uchida lý luận, nếu xảy ra chiến tranh Mỹ-Triều, Hoa Kỳ có thể phóng các hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa sang Bắc Triều Tiên. Nhưng với tầm vóc tấn công nguyên tử như thế, phóng xạ sẽ bay sang cả Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Liệu Mỹ có dám gánh lấy trách nhiệm đã biến bán đảo Triều Tiên, vùng Primorsky của Nga (mà thủ phủ là Vladivostok) và đông bắc Trung Quốc thành hoang mạc ? Ngay cả bạo chúa Tần Thủy Hoàng và đại đế Napoléon I cũng chẳng dám xóa sổ một đất nước 24 triệu dân trên bản đồ.

Trường hợp một hàng không mẫu hạm Bắc Triều Tiên ngược dòng sông Hudson, bắn hỏa tiễn vào Manhattan, lại là chuyện khác. Cuộc xung đột có thể chỉ giới hạn ở việc tập trung không kích vào các nhà máy nguyên tử Bắc Triều Tiên, không gây thiệt hại lớn cho dân chúng. Nhưng dù các cơ sở hạ tầng thiết yếu, bệnh viện không bị hư hại, nhưng chính quyền nào sẽ quản lý ? Người Mỹ đã từng lật đổ các chế độ độc tài ở Afghanistan, Libya, Irak, lập nên các chính quyền dân chủ, nhưng chưa bao giờ đạt được mục tiêu. Nhật Bản là thành công duy nhất, cách đây đã 72 năm. Có lẽ nên giao cho người Bắc Triều Tiên điều hành đất nước họ, nhưng có một giải pháp nhẹ nhàng hơn : « Một đất nước, hai chế độ » theo kiểu Hồng Kông.

Kịch bản này từng được Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) đề nghị với đồng nhiệm Hàn Quốc Chun Doo Hwan năm 1980. Được đặt tên là « Cộng hòa Dân chủ Liên bang Koryo » (tức Cao Ly, tên cổ của vương quốc thế kỷ 10-14, nay là bán đảo Triều Tiên), quốc gia mới sẽ là liên bang gồm hai Nhà nước, mỗi bên giữ nguyên chế độ chính trị. Dự định không thành, vì miền Bắc đòi hỏi rút hết quân Mỹ đang đóng tại miền Nam. Đến năm 2000, Kim Jong Il (Kim Chính Nhật) lại đưa ra với tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung. Đối với Kim Jong Un (Kim Chính Ấn), giải pháp này có lẽ cũng không tệ, nếu được thoải mái ngự trị trong « vương quốc », khỏi bị stress trước nguy cơ nổi dậy, đảo chính. 

Lính Bắc Triều Tiên trong ngày Quốc khánh 09/09/2017.
Hiểm họa tiềm tàng khi Bình Nhưỡng sụp đổ

Vấn đề gây lo ngại lâu nay vẫn là tình trạng hỗn loạn một khi Bình Nhưỡng sụp đổ, sẽ có hàng chục, hàng trăm ngàn người chạy sang các nước láng giềng tị nạn. Không chỉ người tị nạn, mà còn những mối nguy hiểm lớn hơn rình rập. Bắc Triều Tiên sở hữu một lượng lớn vũ khí, ma túy và đô la giả. « Dirty business » vốn là chính sách nhà nước, giá bán những « sản phẩm » này trên thế giới rất cao. Chế độ bị sụp, các lực lượng khác nhau sẽ tranh giành lợi ích. Kịch bản tệ hại nhất là các phe nhóm quân sự trang bị vũ khí hiện đại sẽ đi đánh thuê cho Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ. Hoặc các giới chức điều hành loại kinh doanh bẩn này sẽ phục vụ cho mafia quốc tế.

Theo một số ước tính, bộ binh Bắc Triều Tiên có khoảng 1,02 triệu lính, hải quân 60.000 và không quân 110.000 ; cộng thêm 4,7 triệu quân dự bị, 3,5 triệu Hồng vệ binh công nông, 190.000 công an. Nói cách khác, khoảng 10 triệu/24 triệu dân được huấn luyện để giết người. Cần nhắc lại ở Irak, do Mỹ giải thể Vệ binh Cộng hòa của Saddam Hussein, nhiều thành viên lực lượng này sau đó trở thành hạt nhân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS, Daech). Nhưng Vệ binh Cộng hòa Irak chỉ có 70.000 quân, còn 10 triệu lính Bắc Triều Tiên thất nghiệp, liệu có tham gia các lực lượng khủng bố hay không ?

Thị trường chứng khoán thế giới chao đảo vì hỏa tiễn Bắc Triều Tiên.
Một con người bắt nạt được cả thế giới

« Hòa hoãn chỉ dẫn đến thất bại ». Đó là ý kiến của Vinh Kiếm (Rong Jian), nhà phê bình độc lập Trung Quốc, đăng trên tờ Liên hiệp Tảo báo (Lianhe Zaobao) của Singapore. Ông chỉ trích sự thụ động, tính toán của Bắc Kinh trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, đã khiến cho tình hình ngày càng trầm trọng thêm. 

Hoa Kỳ đóng vai trò chủ đạo, nhưng Donald Trump thực dụng kiểu con buôn, lại bị Trung Quốc và Nga thọc gậy bánh xe, còn Hàn Quốc muốn hòa giải. Nhật và Hàn không hề muốn dùng giải pháp quân sự Bình Nhưỡng, và dù có muốn cũng không có phương tiện. Seoul rất sợ một Triều Tiên thống nhất bằng vũ lực, vì điều đó có nghĩa là kinh tế sẽ bị thụt lùi 50 năm ; còn Tokyo bị ràng buộc bởi Hiến pháp chủ hòa. 

Tất cả dẫn đến kết luận : cơ chế hòa dịu của quốc tế chỉ tạo nên môi trường thuận lợi cho Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân. Chỉ trong hơn một chục năm, Bắc Triều Tiên đã trở thành mối đe dọa nguyên tử cho tất cả các nước Đông Á. Sự kiện một quốc gia nhỏ bé (đúng ra chỉ là một con người) có thể bắt chẹt các nước phát triển, trong đó có Hoa Kỳ và Trung Quốc, là điều nhục nhã nhất trong lịch sử chính trị quốc tế và nhân loại.
 
Thủy quân lục chiến Hàn Quốc tập trận trên đảo Baengnyeong, gần biên giới trên biển với Bắc Triều Tiên, ngày 07/09/2017.
Kịch bản quốc tế tuyên chiến với Bắc Triều Tiên

Thế thì phải làm thế nào bây giờ ? Nếu tiếp tục hòa hoãn, coi như công nhận tính chính danh của chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang nguyên tử ở Đông Á, tức là nói lời vĩnh biệt với hòa bình. Theo tác giả Vinh Kiếm, nay chỉ còn cách năm nước Trung, Nga, Mỹ, Nhật, Hàn thật sự liên kết lại để đối phó, và thời gian không còn nhiều nữa.

Trước tiên, Liên Hiệp Quốc cần tuyên bố chế độ Bắc Triều Tiên là vô nhân đạo nhất kể từ sau Đức quốc xã, kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết lại. Ba cường quốc Mỹ, Nga, Trung phải tay trong tay để giải quyết dứt điểm hồ sơ này. 

Thứ hai, lập tức ra nghị quyết trừng phạt, chấm dứt hẳn mọi quan hệ kinh tế với Bình Nhưỡng, tiến hành cấm vận toàn bộ, đặc biệt là dầu lửa, khoáng sản, ngũ cốc. Tạm ngưng mọi viện trợ nhân đạo, phong tỏa tất cả các kênh tiếp tế.

Thứ ba, cộng đồng quốc tế mà đứng đầu là Hoa Kỳ, với sự đồng ý của Liên Hiệp Quốc, tuyên bố chiến tranh với Bình Nhưỡng. Các nước liên quan huy động quân đội và triển khai hệ thống lá chắn tên lửa ; Trung, Nga, Mỹ, Nhật, Hàn đồng thanh công khai lâm chiến, riêng Hàn Quốc cho di tản chiến thuật dân cư. Trước áp lực khủng khiếp về kinh tế lẫn quân sự, Bắc Triều Tiên sẽ phải chọn lựa, hoặc từ bỏ vũ khí hạt nhân, hoặc chấm dứt sự hiện hữu.

Đại sứ các nước tại Liên Hiệp Quốc biểu quyết về vấn đề Bắc Triều Tiên ngày 11/09/2017.
Vẫn còn có thể hạ gục Kim Jong Un, nhưng không thể chần chờ

Theo tờ The Wall Street Journal, được Le Courrier International trích dịch, « Cần phải trừ khử Kim Jong Un thôi ! ». Một cuộc tấn công quân sự chỉ là giải pháp cuối cùng, vì Washington còn có thể gây áp lực đồng bộ lên Bình Nhưỡng trên nhiều lãnh vực : ngoại giao, thông tin, quân đội, kinh tế, tài chính, tình báo và luật quốc tế.

Về ngoại giao, Hoa Kỳ có thể tăng mạnh sức ép lên một số nước để buộc cắt đứt hoặc hạn chế mối liên hệ với Bắc Triều Tiên. Tuy chế độ Bình Nhưỡng để cao tự cung tự cấp, nhưng rất cần kết nối với thế giới bên ngoài để thu về ngoại hối, nguyên liệu và công nghệ. Về thông tin, những người đào thoát đã cung cấp không ít. Hoa Kỳ và đồng minh phải nỗ lực thêm để cổ vũ giới tinh hoa bỏ ngũ hay nổi dậy. Về quân sự, triển khai lá chắn tên lửa, vũ khí quy ước và thậm chí vũ khí nguyên tử chiến thuật nhằm răn đe.

Trên lãnh vực kinh tế, Bình Nhưỡng nhờ đến một mạng lưới thương nhân Trung Quốc để né tránh cấm vận và lập ra các đối tác thương mại hợp pháp. Trừng phạt mạng lưới này sẽ làm tổn thương nền kinh tế miền Bắc. Về tài chính, hồi tháng Sáu Washington đã trừng phạt Ngân hàng Đan Đông, nay nên nhắm đến các ngân hàng lớn hơn. Ngành tình báo dưới thời ông George W. Bush đã giúp ngăn chận Bắc Triều Tiên xuất khẩu vũ khí, cần mở rộng đối với các mặt hàng xuất khẩu khác. 

Những cảnh đời cơ cực thường thấy bên kia biên giới Trung-Triều.
Cuối cùng là luật pháp quốc tế. Năm 2014, một ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc định đưa vấn đề vi phạm nhân quyền tại các trại cải tạo Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế, nhưng Trung Quốc và Nga bênh vực Bình Nhưỡng. Nếu chế độ đã sống sót sau trận đói khủng khiếp trong thập niên 90, thì năm nay, bóng ma nạn đói lại đang đe dọa vì mất mùa ngũ cốc đến 30% ; và người dân Bắc Triều Tiên nay đã biết ít nhiều đến thế giới bên ngoài, sẽ khó chấp nhận.

Tờ báo cho rằng dùng áp lực viện trợ lương thực để làm sụp đổ một chính phủ có vẻ phi đạo đức, nhưng Bắc Triều Tiên là một trường hợp đặc biệt. Viện trợ trong quá khứ là một sai lầm, đã giúp duy trì một trong những chế độ tồi tệ nhất lịch sử. Theo Liên Hiệp Quốc, gần 40% dân số miền Bắc bị suy dinh dưỡng, trong khi chính quyền vẫn đổ những số tiền khổng lồ vào việc chế tạo vũ khí. Vì vậy giải pháp nhân đạo nhất chính là làm kết thúc càng nhanh càng tốt Nhà nước Bắc Triều Tiên.

The Wall Street Journal kết luận, ngoài giải pháp quân sự, Hoa Kỳ và đồng minh chưa bao giờ khai thác tất cả các khả năng khác. Washington vẫn còn có thể đánh gục Kim Jong Un, nhưng tình thế đã gấp gáp lắm rồi.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170916-the-gioi-con-co-hy-vong-chan-duoc-kim-jong-un

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.