Ông Donald Trump được bầu lên với chương trình kinh tế nhằm đáp
ứng với yêu cầu của một bộ phận người Mỹ bị ảnh hưởng bởi toàn cầu hóa
và cuộc khủng hoảng tín dụng thứ cấp (subprime). Nhưng sau 100 ngày cầm
quyền, đa số dự án cải cách của ông đều bị bác bỏ hoặc bị treo, do các
lý do pháp lý, kỹ thuật hay chính trị.
Tệ hại hơn nữa là đa số các biện pháp của ông Trump đều đi ngược lại
lợi ích của lớp cử tri đã bỏ phiếu cho ông, vì những người được hưởng
lợi nhiều nhất trong thời gian đầu nhiệm kỳ chính quyền Trump là những
người giàu, thậm chí rất giàu.
Đó là nhờ thị trường chứng khoán tăng trưởng dựa trên lời hứa Nhà
nước sẽ đầu tư ồ ạt, các ngân hàng được tháo gỡ các ràng buộc nhằm tránh
lạm dụng trước đây, địa ốc, tài chính, dầu khí được khuyến khích. Những
thứ này không có trong chương trình tranh cử. Lớp cử tri căn cơ của
Donald Trump - những người cư ngụ ở Rust Belt (Vành đai rỉ sét), nơi kỹ
nghệ sa sút, hay những người thu nhập thấp ở Florida - bắt đầu bất mãn.
Bà Marine Le Pen, đang vận động tranh cử với những lý lẽ giống với
ông Donald Trump, còn có nguy cơ sai lạc nặng nề hơn nữa vì tại Pháp
không có những lực lượng đối trọng như ở Mỹ để hạn chế thiệt hại.
Nói một cách giản đơn, chương trình của bà Marine Le Pen dựa trên ba hứa hẹn chính như sau :
Thứ nhất : Tham vọng « làm nước Pháp vĩ đại trở lại » với sự độc lập và sức mạnh.
Thứ hai : Ra khỏi toàn cầu hóa – bị coi là nguồn gốc
của mọi khó khăn đang gặp phải, qua việc đóng cửa biên giới, kiểm soát
việc lưu chuyển nhân lực, tư bản và sản phẩm. Đây chính là chủ nghĩa bảo
hộ, với biện pháp chủ yếu là ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu và từ bỏ đồng
tiền chung euro.
Thứ ba : Bảo vệ những tầng lớp bị thua thiệt do toàn cầu hóa và sự chuyển đổi sang kỹ thuật số.
Toàn bộ những biện pháp đề nghị gói gọn trong ba trục trên. Cần ghi
nhận là Marine Le Pen không phải là ứng cử viên duy nhất chống toàn cầu
hóa, vì vậy bà đang muốn chiêu dụ các cử tri của ứng viên cực tả
Jean-Luc Mélenchon.
Đi vào cụ thể hơn, điều nghịch lý là nếu kể ra những tầng lớp người
Pháp sẽ bị thiệt thòi nhiều nhất do chính sách của Mặt Trận Quốc Gia,
lại chính là những giai tầng được bà Le Pen coi là ưu tiên.
Nạn nhân đầu tiên : Các công nhân thừa hành. Bảo
vệ nước Pháp trước sự cạnh tranh của nước ngoài, đóng cửa biên giới,
vẫn không ngăn được các nhà máy phải đóng cửa do thua lỗ hay không cạnh
tranh nổi. Quốc hữu hóa các nhà máy gặp khó khăn không mang lại được
khách hàng, óc sáng tạo và phát triển.
Ngoài các vấn đề pháp lý, ông Donald Trump rất nhanh chóng hiểu ra
điều này và đã ngưng đòi hỏi các tập đoàn xe hơi đưa sản xuất về lại
nước Mỹ. Giải pháp phải là tổ chức chuyển đổi, thu hút bằng công nghệ
mới và giúp nhân viên thích ứng với thời đại.
Nạn nhân thứ hai : Nhân viên các công ty nước ngoài tại Pháp.
Hiện có bốn triệu người đang làm việc cho Toyota, Procter, Unilever,
Amazon, Sony…, chưa kể hai triệu nhân viên các công ty dịch vụ hay hãng
thầu phụ. Khoảng 60% hoạt động của các công ty này nhắm vào thị trường
châu Âu.
Kể từ lúc nước Pháp trở nên bớt hiếu khách hơn, các tập đoàn nước
ngoài sẽ ngưng đầu tư. Một số công ty chuẩn bị đầu tư vào Pháp (chẳng
hạn từ Luân Đôn) đã ngưng các dự án của họ trong lúc chờ đợi kết quả bầu
cử tổng thống.
Nạn nhân thứ ba : Nhà nông và công nghiệp thực phẩm Pháp.
Hơn phân nửa lượng nông sản được xuất khẩu vào châu Âu và sang các nước
Bắc Phi. Các nền nông nghiệp cạnh tranh (ví dụ Ukraina) chỉ đợi có một
việc để nhảy vào thế chân Pháp : đó là khi Paris cho đóng cửa biên giới
và lãnh vực tài chính.
Nạn nhân thứ tư : Ngân hàng, công nghiệp kỹ thuật số, kỹ nghệ hàng xa xỉ.
Các ngân hàng có nguy cơ bị tê liệt khi ra
khỏi khu vực đồng euro, vì không còn lượng tiền mặt từ Ngân hàng Trung
ương Châu Âu (BCE), và khách hàng ồ ạt rút tiền. Rủi ro phá sản như vậy
không chỉ trên lý thuyết. Chuyện này đã xảy ra hồi tháng 9/2008 sau khi
ngân hàng Lehman Brothers bị đóng cửa.
Công nghiệp kỹ thuật số bị thiệt hại vì
nước Pháp rất giàu sáng kiến, thông minh và sáng tạo. Lãnh vực này cần
nguồn lực hơn bất kỳ lãnh vực nào khác, cần tự do lưu chuyển nhân lực và
dữ liệu. Đó là nguyên vật liệu của kỹ thuật số. Nền công nghiệp này rất
dễ chuyển dịch sản xuất sang nước ngoài hoặc nhân viên di cư sang nước
khác làm việc.
Còn kỹ nghệ hàng xa xỉ là nguồn mang lại
ngoại tệ dồi dào nhất : 99% sản phẩm xuất khẩu và bán cho khách du lịch.
Việc đóng cửa biên giới buộc nền công nghiệp này phải chuyển đổi mô
hình. Những tập đoàn tên tuổi như LVMH hay Kering đang chuẩn bị kế hoạch
thay thế. Việc sản xuất made in France không thể đưa ra nước ngoài,
nhưng các sản phẩm sẽ khó bán hơn. Hậu quả là để tự vệ, các tập đoàn lớn
phải chuyển sang nước khác một số quy trình sản xuất, bộ phận thiết kế,
tiếp thị.
Nạn nhân thứ năm : Người tiêu thụ, người gởi tiết kiệm và người vay tiền. Hàng rào bảo vệ được thực hiện thông qua thuế nhập khẩu (từ 10 đến 35%).
Số tiền thuế này sẽ được tính vào giá bán ra, và chính người tiêu thụ bị
móc túi. Giá năng lượng, xe hơi nhập từ nước ngoài (chiếm 50% tổng số),
hàng may mặc (95% thị trường gồm H&M, Zara, nhiều chuỗi cửa hàng,
siêu thị…) sẽ tăng lên. Toàn bộ hàng dệt may sẽ tăng giá, trừ hàng hiệu
thật cao cấp.
Đối với những người gởi tiền tiết kiệm, số tiền để dành của họ sẽ bị bốc hơi từ 20 đến 30% về sức mua khi quay lại xài đồng quan Pháp.
Còn những người đi vay ngân hàng và đang
làm hồ sơ xin vay, tiền lãi sẽ tăng rất cao. Lãi suất thấp hiện nay nhờ
Pháp đang là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, được bù qua sớt lại giữa
các nước mạnh và yếu. Khu vực đồng euro giúp chia sẻ rủi ro. Chỉ riêng
viễn cảnh ra khỏi đồng euro đã làm lãi suất tăng so với Đức, vì thị
trường nhận định rủi ro từ một nước Pháp cô lập cao hơn so với một nước
Pháp hội nhập châu Âu. Chưa nói đến nợ công sẽ tăng, và chính người đóng
thuế phải trả giá.
Hiện nay nền kinh tế Pháp đang phải dựa vào lãi suất thấp, sự vững
chắc và ổn định của đồng tiền chung châu Âu. Biện pháp bảo hộ sẽ ảnh
hưởng trực tiếp đến sức mua và túi tiền của người dân. Điều này không
còn là lý thuyết nữa mà là thực tiễn.
Toàn cầu hóa không hữu cũng chẳng tả, mà cần phải biết thích ứng.
Ông Donald Trump đã nhận ra điều này rất nhanh, khi thấy rằng không
thể ngăn nhập khẩu xe hơi sản xuất tại Mêhicô, trừ phi buộc cử tri ông
phải trả giá đắt hơn.
Khá phức tạp để giải thích, là chuỗi giá trị của một sản phẩm được
phân lập thành những bộ phận khác nhau. Chiếc iPhone bán giá 600 euro
tại Paris, gồm giá trị ở nơi lắp ráp là Trung Quốc (20%), tại châu Âu –
nơi Pháp cung cấp các chip điện tử (20%), hệ thống phân phối địa phương
(25%) và tại Mỹ (35% gồm nghiên cứu, sáng tạo và tiếp thị).
Việc phân lập chuỗi giá trị liên quan đến các sản phẩm điện tử cũng
như xe hơi hay sản phẩm thể thao. Nói chung, trừ nông sản, tất cả các
mặt hàng ít nhiều đều có thành phần nhập khẩu.
Điều này khá hiếm hoi trong lãnh vực địa ốc của ông Trump, và lãnh
vực dịch vụ tại chỗ, nhưng hết sức đúng trong lãnh vực tài chính, nơi mà
tất cả các nước đều gắn kết.
Mỉa mai nhất là chủ nghĩa bảo hộ lại khiến các giai cấp được bảo hộ
phải trả giá đắt, trong khi không ảnh hưởng gì đối với tầng lớp giàu có.
Những người siêu giàu là công dân toàn cầu, họ có phương tiện để tối
ưu hóa thuế khóa, sở hữu tài chính của họ rất cơ động. Nhưng người thất
nghiệp sẽ khó tìm việc hơn, sức mua của giới công chức giảm xuống. Lãi
suất sẽ tăng lên, nguồn thuế thu được giảm dẫn đến các hoạt động bị bó
hẹp.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.