(Tuấn Khanh) 30/4/1975 là biến cố của một đất nước, nhưng ngày đó
cũng là biến cố riêng của nhiều con người.
Trong dòng chảy tán loạn từ Huế, Đà Nẵng, Nha Trang
vào Sài Gòn… có vô vàn những câu chuyện chưa kể. Nguyễn Thị Xuân Phương, cựu
phóng viên truyền hình Bắc Việt kể lại rằng bà kinh hoàng nhìn thấy xác thường
dân nằm ngập và kéo dài suốt từ đèo Hải Vân xuống Đà Nẵng cũng với dòng người
đi bộ, chạy… để tránh Việt Cộng. Còn phóng viên Trần Mai Hạnh của Thông Tấn Xã
Việt Nam, người có mặt tại buổi trưa 30/4 với chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc
Lập, vừa ra một cuốn sách về bốn tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh, đã nói
rằng cuối cũng thì điều ông tâm nguyện để lại, là sự thật.
Thỉnh thoảng, tôi vẫn tự hỏi vậy thì vào những thời
khắc ấy – kể cả sau đó, những người tôi biết – hay không quen – đang như thế
nào, làm gì?
Gia đình của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ kể rằng khi ngày
30/4 ập đến, chương trình biểu diễn tại Nhật của đoàn Hoàng Thi Thơ vẫn chưa
chấm dứt, vì vậy ông bị kẹt ở lại, sau đó định cư ở Mỹ. Nhưng con và cháu ông
thì lại có cơ hội chứng kiến nhiều điều mà đến mấy năm sau vẫn chưa thể kể cho
nhau nghe, vì không thể có thư từ liên lạc, rồi đến khi có, cũng không dám kể
gì cho nhau, vì thư luôn bị kiểm duyệt.
Hai đứa con của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là Hoàng Mỵ Thi
Thoa và Hoàng Thi Thanh bất ngờ nhìn thấy một đám đông lính Bắc Việt và những
thành phần “băng đỏ” đứng trước ngôi nhà của mình tại quận 1, đập cửa, quát
tháo. Hai em nhỏ vị thành niên này cùng người cậu của mình bị buộc phải ra khỏi
nhà ngay lập tức vì đang ở trong “nhà của
tên có tội với nhân dân Hoàng Thi Thơ, nên đã bị chính quyền cách mạng trưng
thu”.
Tất cả mọi người được sự khoan hồng nên có được 5
phút để trở vào ngôi nhà của mình, lấy hai bộ quần áo cho mỗi người và ra đi,
không kịp đốt nén hương từ giã ông bà. Dĩ nhiên, ngay cả việc đi lấy quần áo
cũng có người cầm súng theo kiểm soát vì sợ hai em nhỏ này cất giấu hay tẩu tán
tài sản.
Hai đứa con của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ gạt nước mắt ra
khỏi nhà của mình, đi cùng một người cậu về Gò Vấp, tới một căn nhà khác của
ông Hoàng Thi Thơ. Nơi đó, một người em họ của ông Thơ xuất thần trở thành
người của cách mạng, chiếm nhà và chỉ mặt Hoàng Vinh, người cháu của ông Thơ
nói là đi cho mau, tha không bắt lại vì “khoan
hồng”, dù là người nhà của Hoàng Thi Thơ, là thành phần “trụy lạc”.
Với Phương, người nhạc sĩ của đôi song ca Lê Uyên
Phương lừng danh, thì ông hoàn toàn rơi vào một cú sốc khác thường. Việc chứng
kiến một Sài Gòn hỗn loạn và đổ nát, những con đường vất vưởng xác người cùng
với loa phóng thanh ra rả về khái niệm “giải
phóng” khiến ông bước sang một giai đoạn khác.
Những cảm hứng về nhạc tình, hiện sinh và mộng mơ bị
chôn vùi theo mất mát của Sài Gòn. Lê Uyên Phương yêu đương dịu dàng ngày nào
giờ đây hình thành hai tập ca khúc Con
người, một sinh vật nhân tạo (1973-1975). Mỗi ngày ông ngồi ở cà phê vỉa
hè, đi bộ dọc theo những con đường phơ phất lá me xanh quen thuộc nhưng giờ đầy
các họng súng AK, và tự mình chiêm nghiệm về một thời đại của những kẻ cùng
tiếng nói nhưng khác mạch sống.
Cũng như nhiều nhạc sĩ khác bị cú sốc thời cuộc và
chuyển khuynh hướng sáng tác tình ca sang hiện thực ca như Phạm Duy (Tị nạn ca), Ngô Thụy Miên (Em còn nhớ mùa xuân, Biết bao giờ trở lại),
Anh Bằng (Nổi lửa đấu tranh, Saigon Kỷ
Niệm), Lam Phương (Chiều Tây Đô),
Trầm Tử Thiêng (Có tin vui giữa giờ tuyệt
vọng, Một ngày Việt Nam)… Phương là một nhạc sĩ khá đặc biệt khi ông dành
rất nhiều thời gian viết về những chuyển động quanh mình, về một thế giới mở và
tang thương của hàng triệu người Việt, qua tập ca khúc Trại tị nạn và các thành phố lớn.
Những ngày ấy, mỗi người, mang vội theo những điều
thương mến nhất, bỏ lại tài sản, bỏ lại quê hương… gạt nước mắt chạy đi về vô
vọng. Ca sĩ Khánh Ly chạy đến chiếc tàu đi di tản, hành lý quan trọng nhất mà
bà mang theo là hai vali đầy những lá thư tình trong đời bà – những lá thư
không chỉ là tình yêu mà chứa cả khung trời thơ mộng và bình yên của miền Nam
Việt Nam đã mất.
Nhiều văn nghệ sĩ táo tác như bầy kiến bị phá tổ,
chạy đến nhà nhau để hỏi thăm tin tức từng ngày về số phận của mình, số phận
của thành phố mình đang sống. Họ thì thào với nhau về những biến động khó hiểu
từng ngày như Doãn Quốc Sỹ, Duyên Anh, Nhã Ca vừa bị bắt… Rồi ai đó bị thẩm
vấn, và ai đó đã lặng lẽ xuống tàu giờ không còn nghe tin tức.
Thương gia đình, không nỡ bỏ xuống tàu vượt biên,
nhạc sĩ Y Vân tiễn một người bạn thân lên đường. Nhưng đó lại là một chuyến tàu
vĩnh biệt. Và đó là điều khiến ông trầm uất suốt nhiều năm liền, một ký ức sâu
thẳm sau 1975.
Trong một lần nói chuyện với các anh chị đã qua thời
khắc 1975, tôi nói đùa rằng một ngày nào đó nên lập một giải thưởng vô địch về
người vượt biển nhiều nhất, vì tôi đã từng biết một chị người Công giáo ở khu
Hòa Hưng đã tìm cách đi vượt biên 25 lần nhưng đều thất bại. Im lặng nhìn tôi
trong tíc tắc, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn chỉ nhà văn Võ Quốc Linh, nói “đây, người vượt biển 26 lần”. Rồi chỉ
vào mình, anh Tuấn nói “còn mình, là 27
lần”.
Vài năm sau 1975, khi nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn tốt
nghiệp thủ khoa ngành sư phạm ở Nha Trang, khi bạn bè rủ nhau vui mừng lên bục
nhận bằng, thì hiệu trưởng đến bên, ghé tai buồn rầu nói với anh Tuấn “con đừng lên nhận bằng. Công an đã đến tịch
thu bằng vì nói gia đình con có vấn đề về lý lịch và có người đi vượt biên”.
Nhiều năm sau, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn lang thang
khắp các bờ biển miền Nam để tìm đường ra khỏi nước. Niềm tuyệt vọng và khát
vọng tự do là sức mạnh lớn nhất giữ anh sống sót qua các trại tù khắc nghiệt
nhất.
Ở trại tù nhốt người vượt biển tại Phú Yên, nhạc sĩ
Hoàng Ngọc Tuấn bị một cai tù tàn ác luôn tìm cách đẩy anh vào lao khổ, thậm
chí dù biết anh là giáo viên, vẫn bắt anh làm công việc mỗi ngày phải hốt phân,
gánh đi đổ cho cả trại. Đó là thời gian như địa ngục. Thân thể của ông có tắm
bao nhiêu lần cũng không hết mùi hôi, những vết thương nhỏ nhất cứ lở loét chứ
không thể lành.
Chuyến đi thứ 27, cuối cùng, nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn
đến được Úc. Anh xin nhận thêm công việc tiếp nhận và giúp đỡ và người tị nạn
mới đến, như trả ơn cho những ngày tháng tự do của mình.
Một đêm nọ, nghe tin có một chuyến tàu vượt biên vừa
đến. Nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn ra nơi tiếp nhận. Khi đang đi lướt qua những người
vừa cập bến, anh bất chợt nhìn thấy một gương mặt quen thuộc mà anh khó có thể
quên trong đời: đó chính là viên công an cai tù đã hành hạ anh. Sững người nhìn
viên cai tù ấy, ngược lại, nhân vật đó cũng bối rối quay mặt đi, né cái nhìn
của anh Tuấn.
Nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn ôm đầu suy nghĩ suốt nhiều
giờ, rồi chọn cách gặp riêng nhân vật cán bộ cai tù đó để hỏi thẳng rằng hắn
muốn gì khi đến đây. Chỉ cần một lời tố cáo, cán bộ đó có thể bị trục xuất về
Việt Nam, hoặc sẽ bị chính quyền sở tại bắt giữ và đưa ra tòa vì tội từng tra
tấn và hành hạ tù nhân.
Sợ hãi và tuyệt vọng, viên cán bộ thú thật là hắn đã
lỡ yêu một người phụ nữ đã có gia đình là “Mỹ
Ngụy” nên không còn cách nào khác là từ bỏ tất cả, cùng người yêu vượt
biển, mà không ngờ có kết cục như hôm nay.
Khi kể cho tôi nghe chuyện này, nhạc sĩ Hoàng Ngọc
Tuấn ngừng giây lát, rồi nói rằng “không
biết bây giờ tay đó sống ở đâu đó, trên nước Úc này”. Anh đã im lặng và
điền hồ sơ cho viên cán bộ cộng sản đó cùng người yêu của hắn tị nạn ở Úc. Vết
thương chưa bao giờ của anh, một người bị hành hạ trong trại giam cũng như bị
xô đẩy ra khỏi đất nước mình, cũng đã thanh thản chữa lành với lòng tha thứ.
Thật nhiều điều để ghi lại, từ hàng triệu người sống
sót sau biến cố tháng 4/1975. Cứ vào thời điểm này, nhà nước Việt Nam gọi là
đại lễ và tổ chức ăn mừng. Còn hàng triệu người Việt khác thì vào tưởng niệm,
như buộc phải coi lại cuốn phim bi kịch chung cũng như những đoạn phim cay
nghiệt của riêng mình.
Những ngày ấy, mỗi người. Những cuốn phim một chủ đề
nhưng có muôn vạn phiên bản ray rứt đến nhiều đời sau.
Và trong một ngày ăn mừng “đại lễ” của nhà nước Việt Nam, tôi chợt nhớ đến viên cán bộ cai tù
vô danh ấy. Tôi tự hỏi, ông ta sẽ đứng đâu giữa lằn ranh ngày 30/4 mỗi năm ấy?
Nhạc sĩ TUẤN KHANH 30.04.2017
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.