(FB Lương Ngọc Huỳnh) Năm 1980 nhà nước sử dụng đất Đồng Tâm
làm sân bay quốc phòng. Người dân ở đây nói rằng lúc bấy giờ nhà nước lấy cột
mốc 29 làm địa giới cho sân bay. Nhưng sau đó Huyện và Xã đã lấy thêm đất của
dân để cho thuê vào những mục đích khác. Báo Vietnamnet đã đề cập đến vấn đề
này từ năm 2014. Cũng từ đây người dân và chính quyền địa phương luôn mâu thuẫn
và đã có nhiều lần dân đi kiện các quan chức địa phương.
Ông Lê Đình Kình là người đại diện cho dân nói lên tiếng nói của mình. Năm nay ông đã 82 tuổi và có 60 năm tuổi đảng.
Gần đây có thông tin rằng Viettel đã thuê đất địa phương với số tiền khá lớn, nhưng địa phương lại không minh bạch trong chuyện này...?!
Tiếp tục sự kiện, vào lúc 9h sáng ngày 15-04-2017 chính quyền địa phương tiếp tục cưỡng chế đất mà địa phương gọi là đất quốc phòng, do vậy ông Kình cùng một số người dân được mời đi ra bãi để chỉ nơi cắm mốc.
Trên đường đi cán bộ địa phương hỏi ông: "Bãi có rộng không?" Ông nói: "Rộng" - "Vậy mời bác lên xe đi cho nhanh". Ông Kình không đi xe mà thích đi bộ. Khi mọi người đến cột mốc số 15 thì không hiểu vì lý do gì tự nhiên cảnh sát cho nổ lựu đạn khói và bắt ông Kình. Hai bên giằng co và cuối cùng họ đã quật ngã ông Kình xuống đất, lúc này ông Kình kêu lên: "Ối giời ơi tôi bị đau tay!" Rồi sau đó cán bộ vẫn bắt ông và đẩy lên xe chạy đi.
Các thanh niên làng, trong đó có anh Công con trai của ông Kình và cháu Y(Uy) con của anh Công lấy xe máy đuổi theo xe ô tô của công an. Đến gần thị trấn Chúc Sơn thì có người trên xe công an hô lên rằng "Bọn cướp người". Dân ở Chúc Sơn tưởng cướp liền xông ra hỗ trợ công an đánh nhóm thanh niên chạy theo xe. Việc xô xát này khiến cháu Y(Uy) bị thương. Sau đó công an đã bắt tất cả là 9 người đưa về trụ sở thành phố.
Thấy vậy dân quay về làng và củng cố lực lượng, lúc đó vào khoảng 11h trưa. Có một xe cảnh sát cơ động chạy về làng để trấn an dân. Một anh công an hỏi dân rằng: " Các anh chị đến đây để làm gì?" Dân hỏi lại: " Vậy các anh đến đây để làm gì?" Anh công an trả lời: " Không cần biết" do vậy dân đáp lại: " Vậy thì anh cũng không cần biết chúng tôi đến đây để làm gì"!
Lời qua tiếng lại, bắt đầu mâu thuẫn xảy
ra. Công an cầm loa yêu cầu dân giải tán, còn dân thì đòi thả người... Cuối
cùng một màn ẩu đả bằng gạch đá nhanh chóng diễn ra. Người dân vây bắt được 29
cảnh sát. Một lát sau lại bắt được thêm hai cảnh sát nấp ở gậm giường, thế là
con số lên 31 người. Tất cả được đưa đến nhà văn hóa thôn Đồng Tâm giam giữ ở
đó.
Vì việc này mà công an huy động chi viện thêm lực lượng đến hàng trăm cảnh
sát về địa phương. Tất cả những ai vào đàm phán, hòa giải kể cả nhà báo... đều
bị bắt nhốt tiếp. Đến hôm qua theo chị Nhung, con gái ông Kình nói rằng tổng số
là 38 người.
Mọi đàm phán đều đổ vỡ. Chị Nhung mang bánh mì, giò, ngô, cơm để nuôi những con tin bị nhốt. Bức xúc trước việc làm của chính quyền địa phương và cảnh sát, người dân đã ra tượng Bác Hồ trước nhà văn hóa thắp hương và thề chiến đấu đến cùng! Đồng thời mua xăng chất xung quanh nhà văn hóa và gài kíp mìn để gây áp lực con tin, với mục đích đòi chính quyền thả vô điều kiện những người bị bắt.
Sáng ngày 16-4 chị Nhung vẫn mang đồ ăn cho con tin, trưa chị vẫn mang cơm cho mọi người ăn. 15h chiều chủ tịch Thành Phố Nguyễn Đức Chung gọi điện cho chị Nhung yêu cầu người dân thả con tin.
Tôi cũng đã gọi điện cho lãnh đạo có trách nhiệm cao nhất đề nghị nghĩ phương án giải tỏa con tin và giải đáp cho dân, đồng thời kết hợp với một số anh em an ninh nắm bắt tình hình. Mọi việc tưởng chừng là dễ khi các báo cáo đến với những lãnh đạo cao nhất kể cả Bộ Công an.
Trước tình hình căng thẳng có thể cháy nổ bất kỳ lúc nào, lúc 15h30 tôi điện cho chị Nhung giải thích và đề nghị dân bỏ hết xăng và kíp mìn ra khỏi khu vực nhà văn hóa, để đề phòng bọn xấu lợi dụng bắn súng laser làm cháy nổ. Ngay sau đó toàn bộ số xăng đã được bỏ ra an toàn.
Các cuộc điện thoại liên tục từ chiều đến đêm giữa hai bên để tìm phương án tốt nhất. Tôi đã đề xuất nên có một lãnh đạo cấp cao, có đủ uy tín với dân xuống hiện trường để đàm phán. Hai bên cùng thả người để sớm giải tỏa phức tạp, sau đó ai sai ai đúng thì căn cứ vào điều tra và áp dụng luật pháp để trừng trị công bằng, bất kể là cán bộ hay dân.
Khi mọi đàm phán không đạt được thì người dân dùng cây gỗ và đá hộc mang ra chắn đường vào làng. Phía công an và chính quyền cũng cắt mạng và phá sóng khu vực xảy ra sự cố. Tuy nhiên mạng di động vẫn có lúc gọi được, riêng máy của chị Nhung tôi vẫn liên lạc thông suốt không có dấu hiệu bị nghẽn mạng. Chiều hôm qua 16-4 chị Nhung mang đồ ăn cho con tin thì đã bị mọi người chửi, và nói ý rằng không phải cho chúng nó ăn.
Đến đêm hôm qua 16-4 chủ tịch thành phố sau khi đàm phán với chị Nhung đã thả anh Công với anh Ba để cho về làng và yêu cầu người dân thả con tin. Chị Nhung cũng hy vọng dân làng sẽ thả con tin. Nhưng sau đó chị Nhung có điện cho tôi báo rằng, người dân Đồng Tâm theo dõi và đếm được 14 xe cảnh sát đi về qua Chúc Sơn hướng vào Đồng Tâm, trong đó có 11 xe chở cảnh sát và 3 xe thùng để bắt người!
Thế là mọi việc lại cực kỳ căng thẳng. Khi
hai người này về đến làng, nói rằng nên thả bớt con tin thì dân làng đã nổi
nóng và đánh kẻng báo động lúc 23h30p. Sau đó đã bắt trói anh Công và anh Ba
mang đi nhốt ở chỗ khác.
Sáng nay 17-4 chị Nhung vẫn mang bánh mì, giò và ngô luộc cho mọi người ăn bình thường. Buổi sáng nay chủ tịch thành phố có liên lạc với chị Nhung và hỏi: "Liệu tôi xuống thì dân có bắt tôi không?" Chị Nhung nói chị sẽ ra đón, và đảm bảo là dân không dám bắt.
Trước 11h trưa nay chủ tịch thành phố gọi cho chị Nhung nói sẽ thả nốt số người còn lại. Duy chỉ có ông Kình chưa về được, là do ông bị rạn xương hông và nghi gãy tay, nên phải đưa vào viện Việt Đức chụp phim điều trị - có thể phải mổ. Chủ tịch cũng nói đã huy động các bác sĩ giỏi nhất điều trị cho ông Kình.
Hiện tại chị Nhung đã liên hệ được với cháu Y(Uy) và cháu nói hôm kia cháu bị đánh gần chết và rất đau, bây giờ đau toàn thân.
Sau 13h chị Nhung có liên lạc với chủ tịch thành phố và chủ tịch có nói: nếu dân đồng ý thả hết con tin thì chủ tịch sẽ cho chị Nhung và người nhà ra gặp ông Kình ở bệnh viện, còn nếu không thả người thì đừng ra vô ích.
Trưa nay chị Nhung vào cho mọi người ăn thì đếm lại có 36 người bị nhốt, chị nói có thể hôm qua chị đếm nhầm.
Nguyện vọng của dân Đồng Tâm là thành phố đưa ông Kình về cho bà con nhìn thấy để an tâm và dân sẽ thả con tin. Còn bệnh của ông Kình thì gia đình sẽ đưa đi viện điều trị, không phiền đến Nhà nước. Hiện nay người dân Đồng Tâm quấn cờ quanh người, và thề chết nếu không thả ông Kình, vì dân nói dân chỉ tin ông Kình thôi.
Vụ việc chỉ có vậy mà đến nay hai bên vẫn chưa giải quyết được dứt điểm, gây cho nhiều người hoang mang và lo lắng. Theo tôi, nếu ông Kình có thể di chuyển được trên xe cứu thương thì đưa ông Kình về, để giải quyết ngay mâu thuẫn và giải phóng con tin càng nhanh càng tốt.
Các cụ nói: "Không có lửa làm sao có khói?". Cho nên ta phải nhìn nhận từ hai phía, tại sao chính quyền địa phương lại để cho dân bức xúc đến như vậy? Khi xảy ra sự việc thì chính quyền xã bỏ trốn, người dân đã tiếp quản ủy ban và sử dụng loa công cộng để thông báo tin tức trong thôn. Hiện tại theo chị Nhung nói là chỉ còn một mình cô bí thư xã ở nhà, đóng cửa kín không ra ngoài!
Vậy cán bộ và dân đến nỗi nào mà phải lìa mặt nhau như thế, thì làm sao còn đủ tư cách lãnh đạo nhân dân, và ai nghe? Thật là "Dễ trăm lần không dân vẫn chịu, khó vạn lần dân liệu vẫn xong" là thế đấy!
Võ sư.Gs-Vs LƯƠNG NGỌC HUỲNH
(Tựa gốc : « Chuyện ở Đồng Tâm »,
Thụy My đặt lại tựa)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.