Bà Aung San Suu Kyi tại Quốc hội Miến Điện ở Naypidaw. Ảnh tư liệu chụp ngày 02/05/2012. |
La Croix hôm nay 31/03/2017 nhận định « Tại Miến Điện, hình ảnh của bà Aung San Suu Kyi bị sứt mẻ », còn Les Echos viết về « Kết quả tương phản của bà Aung San Suu Kyi ».
Nắm quyền từ một năm qua, bà cố vấn nhà nước vẫn chưa mang lại được hòa
bình cho đất nước. Xung đột xảy ra nhiều thêm, và quân đội bị tố cáo vi
phạm nhân quyền trầm trọng. Công cuộc dân chủ hóa Miến Điện còn phải
chờ đợi lâu hơn dự kiến.
Theo La Croix,
vòng nguyệt quế giải Nobel hòa bình 1991 đã nhanh chóng bị phai mờ.
Trong vòng một năm qua, hy vọng từng dấy lên tại Miến Điện khi bà Aung
San Suu Kyi lên cầm quyền từ ngày 01/04/2016 đã trở thành nỗi thất vọng
sâu sắc. Nhiều cử tri cảm thấy như bị lừa dối. Les Echos nói
thêm, không chỉ 12 tháng qua bà tránh né báo chí, mà việc bà không có
phản ứng gì trước các hồ sơ nhạy cảm như người Rohingya đã khiến người
ta phải nghi ngờ về toan tính thực sự của bà.
Bà
Aung San Suu Kyi đã coi việc giải quyết xung đột sắc tộc là ưu tiên
hàng đầu, nhưng từ sáu tháng qua, Miến Điện có thêm đến 140.000 người
phải đi sơ tán và tị nạn. Hàng ngàn người Rohingya theo đạo Hồi phải
chạy trốn các « chiến dịch an ninh » của quân đội ở Arakan
thuộc miền tây. Họ sang tị nạn tại Bangladesh, và tố cáo những tội ác
của quân đội Miến Điện : các trẻ em bị thiêu sống, những người bị trói
trong những ngôi nhà bốc cháy, các vụ hãm hiếp tập thể.
Nhiều đại diện Liên Hiệp Quốc nêu ra "tội ác chống nhân loại". Ông Myo Thant, phát ngôn viên một đảng Hồi giáo tỏ ý tiếc : « Bà Aung San Suu Kyi chưa bao giờ đi thực địa ở Arakan, chưa hề đưa ra ý tưởng nào để giải quyết khủng hoảng ».
Đứng đầu nhánh dân sự của chính phủ, bà không lãnh đạo cả cảnh sát
lẫn quân đội triển khai tại Arakan, mà các lực lượng này nằm dưới quyền
tổng tham mưu trưởng. Tuy nhiên bà cố vấn nhà nước không hề công khai
phản đối chính sách đàn áp của các tướng lãnh đối với người Rohingya.
Thậm chí chính phủ của bà còn phong tỏa viện trợ nhân đạo đến vùng này,
và chối bỏ những vụ quân lính vi phạm nhân quyền.
Các tướng lãnh vẫn nắm giữ nhiều quyền hành tại Miến Điện, và bà Suu Kyi không muốn làm phật lòng họ. |
Thất bại trong giải quyết xung đột sắc tộc
Không
chỉ ở miền tây, mà cả miền bắc và miền đông Miến Điện cũng chìm trong
máu lửa. Bà Aung San Suu Kyi có gắng giải quyết xung đột sắc tộc bằng
cách đề nghị các phe nổi dậy ký vào hiệp ước hòa bình do chính phủ tiền
nhiệm soạn thảo.
Tuần này khi đi thăm các trại tị nạn Kachin ở cực
bắc, thủ lãnh quân nổi dậy địa phương đã từ chối ký kết. Còn hội nghị
hòa bình dự định vào tháng Hai đã không diễn ra, và chưa biết đến bao
giờ sẽ tổ chức được. Tại chỗ, căng thẳng tăng cao. Ở biên giới Trung
Quốc, quân nổi dậy Kokang đã tấn công vào quân đội Miến Điện, khiến
30.000 người phải di tản trong tháng Ba.
Người lao động Miến Điện ở Thái Lan nồng nhiệt chào đón bà Suu Kyi, tháng 6/2016. |
Cho
dù bây giờ là chính quyền dân chủ, nhưng các vụ bắt bớ mang tính chính
trị tiếp tục diễn ra. Đa số các đạo luật cho phép bỏ tù những người đối
lập vẫn không bị bãi bỏ, và nhiều nhà tranh đấu bị khởi tố vì tội vu
khống do đã chế nhạo bà Aung San Suu Kyi hay tổng tham mưu trưởng quân
đội trên mạng xã hội. Hiệp hội tù chính trị Miến Điện thống kê được đến
86 tù nhân lương tâm.
Les Echos dẫn lời một chuyên gia biết rất rõ về giải Nobel hòa bình Miến Điện thổ lộ : « Bà thực sự là một bà hoàng, không hề nghe ai cả », và nói thêm, đội ngũ giúp việc cũng không tốt vì ít ai chấp nhận làm việc với bà. «
Bà muốn kiếm soát tất cả. Ngay cả các đại biểu Quốc Hội, khi họp tại
Naypyidaw, cũng không thể trú ngụ ở nơi nào họ muốn, và bị cấm ra ngoài,
cấm phát biểu ».
Về kinh tế, Ngân hàng Thế giới dự báo tỉ lệ
tăng trưởng 6,5%, giảm nhẹ so với hai năm trước. Bà Suu Kyi nhìn nhận
kinh tế không tăng như dự kiến. Chương trình của bà đề cập đến các mục
tiêu về việc làm, đầu tư nước ngoài, phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng
không nêu ra biện pháp để đạt được. Các nhà đầu tư ngoại quốc tỏ ra dè
dặt trước bối cảnh chính trị xã hội không ổn định, và không có được
khung luật pháp rõ ràng về bảo vệ tài sản của tư nhân.
La Croix
kết luận, chính phủ của các tướng lãnh trước đây (2011-2016) đã tự do
hóa báo chí, bãi bỏ kiểm duyệt, trả tự do cho hàng trăm tù nhân chính
trị và tổ chức bầu cử tự do. Nhưng hiện nay, chính phủ của bà Aung San
Suu Kyi lại không thấy chứng tỏ quyết tâm đổi mới tương tự.
Cũng tại Đông Nam Á, « Ông Duterte không tôn trọng cả nhân quyền lẫn Hiến pháp ». Đó là nhận định của ông Chito Gascon thuộc Ủy ban Nhân quyền Philippines khi trả lời phỏng vấn của báo Le Monde, tố cáo tổng thống Philippines gây áp lực trong các cuộc điều tra của tư pháp.
Từ
khi ông Duterte lên nắm quyền ngày 30/06/2016, đã có trên 7.000 người
bị giết chết dưới tay các sát thủ bí mật hoặc cảnh sát. Tuy có lập hồ sơ
vì theo luật thì những vụ cảnh sát nổ súng phải có báo cáo, nhưng chưa
ai bị điều tra. Ông Chito Gascon cho biết, có trên 2.000 trường hợp giết
người liên quan trực tiếp đến cảnh sát, mà chưởng lý phải khởi kiện.
Bộ
Tư pháp nhận lệnh của tổng thống và phía dưới là các biện lý cuộc, tuy
trên nguyên tắc thì tư pháp phải độc lập. Các thẩm phán có được các bằng
chứng, nhân chứng nhưng không truy tố ai cả, nên gia đình các nạn nhân
nhiều khi còn phải dọn nhà đi nơi khác để tránh bị trả thù.
Công nhân Trung Quốc tại một xưởng may ở Prato bị cảnh sát kiểm tra. |
Cũng liên quan đến châu Á, đặc phái viên Le Figaro tại Ý viết về « Cuộc săn lùng người nhập cư lậu tại Prato, Chinatown lớn nhất nước Ý ». Có
khoảng 25.000 người Trung Quốc sống tại đây, nhưng nếu kể thêm những
lao động bất hợp pháp thì con số này phải lớn gấp đôi. Cuộc chiến đấu
chống các xưởng may lậu ở đây là lâu dài, nhưng tư pháp Ý vừa ghi điểm
khi vô hiệu hóa được một đường dây đã « rửa » được đến 2 tỉ euro.
Tại Montemurlo nằm cách Prato 8 cây số, được mệnh danh là « Chinatown »
của vùng ngoại ô Florence, số người Hoa chiếm đến 1/5 dân số. Có đến
5.600 xưởng may của người Trung Quốc, tất cả đều tập trung vào các loại
quần áo giá rẻ. Một « tổ kiến » châu Á, thịnh vượng nhờ giá lao động vô
cùng rẻ, vắt kiệt sức lực người làm công và trốn thuế hàng loạt.
Các
ông chủ người Hoa sau hai năm hoạt động lại khai phá sản để trốn tránh
sự kiểm soát của thuế vụ. Chủ nhân thật sự của các xưởng may hiếm khi
được tìm ra, hầu hết đều nhờ người khác đứng tên, thậm chí mới đây còn
có trường hợp « chủ » được khai là một cô gái điếm người Hoa ở Roma. Các
doanh nghiệp này không đóng cả thuế lẫn thuế VAT và các khoản phí xã
hội, tất cả hoạt động mua bán đều bằng tiền mặt. Những ông bà chủ giàu
lên tung tiền ra mua đất đai, nhà cửa sang trọng tại Ý và xe hơi hạng
sang.
Tại châu Âu, « Putin dòm ngó tài nguyên vùng Bắc Cực » - Le Figaro nhận xét. Vùng đất giá băng này mang tính chiến lược cao độ với tiềm năng dầu khí dồi dào.
Hiện
nay gần 70% trữ lượng dầu khí Bắc Cực thuộc quyền của Nga. Nhìn chung
toàn bộ khu vực cực Bắc của trái đất có đến 30% trữ lượng khí đốt thế
giới và 13% trữ lượng dầu lửa, khiến các nước đều thèm muốn. Tất cả các
tập đoàn dầu khí lớn đều tham gia tìm kiếm ngoài khơi, tuy bị các biện
pháp trừng phạt của phương Tây làm giảm tiến độ.
Bị bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cáo buộc tăng cường sự hiện diện quân sự tại Bắc Cực, Kremlin đáp lại rằng « Đó không phải là trở ngại mà là ưu thế »,
vì lính Nga tham gia làm sạch các địa điểm bị ô nhiễm nặng từ thời Liên
Xô cũ. Nhưng Ireland tỏ ra lo ngại về mối đe dọa lên trữ lượng hải sản,
còn Phần Lan cảnh báo « Nếu mất Bắc Cực, chúng ta sẽ mất cả thế giới ».
TT Dodon và Putin tại Matxcơva, 17/03/2017. |
La Croix chú ý đến « Toan tính nghiêng về Nga của tổng thống Moldova » : tân tổng thống Igor Dodon muốn thương lượng lại hiệp ước hợp tác với Liên hiệp Châu Âu.
Tại
đất nước nghèo nhất châu Âu, nhiều cử tri thất vọng với các đảng thân
EU đã bỏ phiếu cho cựu đảng viên cộng sản Igor Dodon và chương trình
thân Nga của ông. Từ 5 tháng qua, tân tổng thống liên tục có những động
thái nghiêng về Matxcơva, đồng thời đòi thảo luận lại hiệp ước với EU đã
có hiệu lực từ tháng 7/2016. Ngược với quan điểm của chính phủ, ông vừa
loan báo sẽ ký một hiệp ước quan sát viên với Liên minh Âu-Á do Nga
lãnh đạo.
Tuy nhiên hàng trăm triệu euro cần thiết cho việc phát
triển đất nước lại đến từ Bruxelles chứ không phải Matxcơva. Ngược lại,
Nga lại còn đang tích cực hỗ trợ ngân sách cho vùng ly khai
Transnistria.
TT Donald Trump sau khi ký sắc lệnh bãi bỏ những quyết đinh của ông Obama về môi trường, 28/03/2017. |
Nhìn sang Hoa Kỳ, Libération tố cáo « Sắc lệnh độc hại. Donald Trump, kẻ thù số một của khí hậu ».
Trong khi nước Mỹ của ông Obama dẫn đầu trong công cuộc đấu tranh chống
hiện tượng trái đất bị hâm nóng, người kế nhiệm của ông lại muốn biến
những nỗ lực này thành con số không. Mỉa mai thay, cùng lúc đó các nước
gây ô nhiễm nặng như Trung Quốc và Ấn Độ lại đầu tư vào năng lượng tái
tạo.
Trong bài xã luận mang tựa đề « Tự sát », tờ báo
cánh tả Pháp đặt câu hỏi phải chăng cần đem ông Trump ra phán xử ? Lịch
sử sẽ phán xét ông về tội ác chống lại thiên nhiên. Trong khi 195 nước
phải khó khăn lắm mới thỏa thuận được một hiệp ước về khí hậu, tuy còn
khiêm tốn nhưng mang tính toàn cầu, quốc gia hùng mạnh nhất hành tinh
nay lại bước lùi. Từ việc giải tán cơ quan môi trường cho đến việc bật
đèn xanh cho dự án ống dẫn dầu khí, tái khởi động các mỏ than đá, như
vậy thực chất Hoa Kỳ đã từ chối áp dụng hiệp ước một cách vô trách
nhiệm.
Tuy nhiên theo tổng giám đốc tập đoàn Total, ông Patrick Pouyanné, thì « Ông Trump không thể ra khỏi hiệp ước Paris ». Trả lời phỏng vấn báo Le Monde, ông cũng phân tích thêm về những đối đầu chính trị tại Trung Đông.
Lực lượng Syria Dân chủ tại Rakka, 08/02/2017. |
Trong cuộc chiến chống thánh chiến, ông Trump thậm chí còn phải « nối gót ông Obama », theo phân tích của tác giả Alain Frachon của Le Monde.
Ông Donald Trump từng tuyên bố đao to búa lớn khi tranh cử, rằng ông có « kế hoạch bí mật », quân thánh chiến sẽ bị nát như tương « dưới một thảm bom ». Nhưng chiến lược của ông là gì, Trump không nói cụ thể.
Nay
đã trở thành tổng thống, Donald Trump đủ khôn ngoan để chọn hai nhân
vật chín chắn là Rex Tillerson cho bộ Ngoại Giao và James Mattis cho bộ
Quốc Phòng. Với các chiến thắng quân sự hiện nay tại Mossoul và Rakka,
chẳng bao lâu tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daech, IS) sẽ phải lui vào du
kích. Tuy nhiên thánh chiến không vì vậy mà bị tuyệt diệt.
Tương
lai chính trị của Syria và Irak là dấu hỏi lớn. Cho đến nay, ông Trump
vẫn theo đuổi chính sách do người tiền nhiệm Obama vạch ra : ưu tiên tấn
công vào các « thủ đô » của Daech. Nhưng sau Mossoul và Rakka thì sao ?
Theo tác giả bài báo, có thể nói Donald Trump chẳng biết gì cả.
Áp-phích đòi hai ứng viên cánh tả Hamon và Mélanchon hợp sức để chiến thắng, 30/03/2017. |
Cuộc chạy đua vào điện Elysée chiếm trang nhất hầu hết các báo Pháp hôm nay. Les Echos chạy tựa « Fillon chống lại Macron, cú sốc giữa các kế hoạch ».
Tờ báo đăng tải cuộc tranh luận giữa hai cố vấn thân cận của ứng cử
viên cánh hữu và cánh trung, về các vấn đề thuế, cải cách và việc làm.
La Croix đăng ảnh bức tượng « Người suy tư » của nhà điêu khắc nổi tiếng Rodin với tựa lớn « Một chiến dịch và những ý tưởng ». Tuy ít xuất hiện hơn trước, nhưng dấu ấn của giới trí thức hiện rõ trong chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp năm nay.
Le Monde chú ý đến « Cuộc bầu cử tổng thống làm bùng nổ đảng Xã Hội như thế nào ». Việc cựu thủ tướng Manuel Valls công khai tuyên bố ủng hộ ứng cử viên cánh trung của đảng « Tiến bước ! » làm đảng Xã Hội càng yếu đi, bị kẹt giữa Emmanuel Macron bên cánh phải và Jean-Luc Mélanchon ở cánh tả.
Le Figaro nhìn xa hơn : « Bầu cử Quốc Hội khiến cánh tả lẫn cánh hữu lo sợ ». Trong bối cảnh chính trị thay đổi, với đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia mạnh lên và sự xuất hiện của phong trào « Tiến bước ! », cuộc bầu cử Quốc Hội tháng Sáu tới đang ám ảnh bộ tham mưu của các đảng phái.
Riêng Libération
quan tâm đến Hoa Kỳ và vấn đề khí hậu. Tờ báo tỏ ra nghiêm khắc khi
đăng ảnh tổng thống Mỹ Donald Trump trên trang nhất và chạy tựa « Tội ác chống hành tinh. Có nên xét xử ông ta hay không ».
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.