Bãi biển Mỹ Khê ở Đà Nẵng, một trong hai thành phố thu hút nhiều du khách nhất. |
Theo South China Morning Post (SCMP), năm qua là
một năm kỷ lục về số du khách từ Hoa lục đến Việt Nam. Tuy nhiên, vấn
nạn hướng dẫn viên "chui" người Hoa đang gây căng thẳng : không chỉ làm
các công ty du lịch địa phương mất mối, họ lại còn trắng trợn xuyên tạc
lịch sử và chủ quyền Biển Đông.
Ở
đầu bài viết, tờ báo Hồng Kông mô tả, đó là một ngày du ngoạn dài tại
thành phố duyên hải Đà Nẵng. Nhóm du khách xung quanh chùa Linh Ứng và
tượng Quan Thế Âm Bồ Tát khổng lồ đã mệt mỏi, hướng dẫn viên của họ bèn
tuôn ra một phiên bản khác về lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Trời đã
về chiều và nóng, phải trở về những căn phòng máy lạnh trong khách sạn,
thể nên nhóm người Hoa có thể bỏ qua những sai sót về địa chính trị mà
hướng dẫn viên không giấy phép nói. Anh ta bảo rằng Việt Nam không còn
là một bộ phận của Trung Quốc, đã đòi độc lập, nhưng vẫn còn lệ thuộc
vào Bắc Kinh và tiếp tục triều cống. Hoặc bãi biển Mỹ Khê, bãi biển cát
trắng xinh đẹp mà trước đây lính Mỹ gọi là China Beach, thực sự thuộc về
Trung Quốc.
Những tuyên bố trơ trẽn như thế có thể không gây ngạc
nhiên. Cùng với sự bùng nổ khách du lịch Trung Quốc tại Việt Nam, nhiều
người đã hành nghề hướng dẫn một cách bất hợp pháp để đáp ứng nhu cầu.
Những hướng dẫn viên "chui" này cho rằng họ sẽ làm hài lòng một công
chúng vốn luôn nghĩ rằng Trung Quốc là trung tâm thế giới, hoặc đơn giản
là họ rập khuôn theo tuyên truyền của Bắc Kinh về Đông Nam Á, đặc biệt
về Biển Đông – mà Đà Nẵng nằm sát cạnh.
Nhưng vấn đề là sự kiện
như thế lại diễn ra ngay trên đất Việt Nam, gây ra nhiều tranh cãi. Đây
chỉ là một trong những ví dụ về tình trạng căng thẳng đang tăng lên cùng
với làn sóng khách du lịch Trung Quốc, mà theo tờ SCMP, đã giúp làm đầy
két tiền của thành phố, nhưng lại khiến cho ngành du lịch trong nước
phải vất vả để cạnh tranh.
Theo
Tổng cục Du lịch, trong năm 2016 Việt Nam đã đón lượng khách Trung Quốc
kỷ lục là 2,7 triệu người, tăng 55% so với năm trước. Du khách từ Hoa
lục chiếm đến 30% tổng số khách ngoại quốc đến Việt Nam. Đa số khách
Trung Quốc thích đến Đà Nẵng hay Nha Trang, hai thành phố miền Trung nổi
tiếng với những bãi biển, các di tích lịch sử và hải sản. Hiện tượng
này làm ngành du lịch nội địa nhức đầu, và đặc biệt là các hướng dẫn
viên người Việt.
Một số hướng dẫn viên người Hoa hoạt động tại
Việt Nam nói với các nhóm khách rằng Việt Nam ghét Trung Quốc, không nên
tin bất cứ những gì người hướng dẫn tại chỗ nói. Các hướng dẫn viên
chui này còn bị cáo buộc sử dụng thổ ngữ để những người hướng dẫn Việt
nói tiếng quan thoại hay Quảng Đông không thể hiểu được.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, giám đốc bán hàng của In-Our Tour Company có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh nói : «
Gần đây, một số hướng dẫn viên chui người Hoa cung cấp những thông tin
sai lạc về tranh chấp biển đảo tại Biển Đông. Họ xuyên tạc sự thật, gây
phiền nhiễu cho người dân và chính quyền Việt Nam ».
Không
chỉ những lời hướng dẫn viên chui nói, mà còn cả những việc họ làm đã
khiến các công ty du lịch địa phương giận dữ. Ông Trần Trà, chủ tịch Câu
lạc bộ hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng, cho biết : « Theo luật pháp, người nước ngoài không được phép hành nghề hướng dẫn du lịch trên đất nước chúng tôi ».
Ông tâm sự : «
Ban đầu, các hướng dẫn viên người Việt vui mừng trước sự gia tăng du
khách Trung Quốc trong năm 2016, vì nghĩ rằng sẽ có nhiều cơ hội kiếm
tiền hơn và mức sống sẽ tăng lên ». Nhưng ngược lại, họ bị mất mối vì « Các công ty du lịch Trung Quốc chỉ định trưởng đoàn người Hoa làm hướng dẫn, một cách bất hợp pháp ». Còn
ông Cao Trí Dũng, chủ tịch Hiệp hội lữ hành Đà Nẵng nói rằng ngoài khía
cạnh luật pháp, hướng dẫn viên địa phương còn cảm thấy bị coi thường.
Căng
thẳng lên đến tột bực hồi tháng Bảy, khi chính quyền Đà Nẵng và Nha
Trang phải ra tay trước nạn hướng dẫn chui. Đà Nẵng trục xuất bốn hướng
dẫn viên người Hoa vì làm việc bất hợp pháp, phạt 4.200 đô la, công ty
thuê mướn họ bị rút giấy phép và phạt 560 đô la. Cùng trong tháng đó,
tỉnh Khánh Hòa trục xuất 66 người Hoa hoạt động bất hợp pháp trong ngành
du lịch.
Theo SCMP, xung đột trong hướng dẫn du lịch có thể được
coi là một phần của bối cảnh rộng lớn hơn trong quan hệ hai nước. Mặc dù
liên hệ chặt chẽ về kinh tế, Trung Quốc và người dân nước này thường
không được người dân Việt bình thường có cảm tình. Các tranh chấp ngoại
giao, đặc biệt tại Biển Đông, đã khiến nỗi oán giận càng trầm trọng hơn.
Người
Việt vốn tự hào về lịch sử và đất nước mình, nên các nỗ lực xuyên tạc
của hướng dẫn viên người nước ngoài không thể coi là chuyện nhỏ. Bên
cạnh đó, thái độ của một số khách du lịch Trung Quốc lại càng không giúp
ích được gì.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.