Người biểu tình đốt cờ Trung Quốc trước lễ khai mạc Diễn đàn Đài Bắc - Thượng Hải ngày 23/08/2016. Phía sau là lá cờ được cho là của "Đài Loan độc lập". |
Với các tuyên bố về Đài Loan, Donald Trump đã đưa
ra ánh sáng một vấn đề tưởng chừng như đã giải quyết xong : đó là tư cách
nhập nhằng của Đài Loan – tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc – tại một châu Á
mà Trung Quốc luôn tìm cách thống trị ngày càng nhiều hơn. Và cũng tại châu lục
này, sự hỗ trợ lâu dài của Mỹ đang bị ngờ vực, khi ứng cử viên Trump cổ vũ cho
chủ trương cô lập.
Không hề đơn giản đối với Đài Loan : tất cả các nước
lớn đều không công nhận Trung Hoa Dân Quốc. Chỉ có khoảng hai chục nước nhỏ có
quan hệ ngoại giao với Đài Bắc, và việc bị loại ra khỏi các định chế Liên Hiệp
Quốc khiến quốc gia dân chủ có chủ quyền với 23 triệu dân, là nền kinh tế thứ
21 thế giới, phải đứng ngoài lề. Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ
của mình, qua các luật chống ly khai.
Đài Loan, hay đúng hơn là người dân xứ Đài, có những tham
vọng khác. Tuy vẫn duy trì « nguyên
trạng » - không đòi độc lập cũng không muốn thống nhất, vì không còn
cách nào khác hơn - nhưng họ ao ước có được tư cách « bình thường hóa » trong cộng đồng quốc tế. Chiến thắng
áp đảo của bà Thái Anh Văn và đảng « đòi
độc lập » của bà (theo từ ngữ của Bắc Kinh) trong cuộc bầu cử tổng
thống hồi tháng Giêng cho thấy điều đó.
Sự nhập nhằng đáng kể
Ông Mathieu Duchâtel, thuộc Ủy ban quan hệ quốc tế của châu
Âu nhấn mạnh : « Mặc cho sự
tách biệt trên thực tế giữa Trung Quốc cộng sản và Đài Loan từ sau nội chiến,
và sự hiện diện của nhà nước Trung Hoa Dân Quốc, các tuyên bố chính trị khắp
nơi trên thế giới đều duy trì khái niệm ảo về « Một nước Trung Hoa duy
nhất ». Tình trạng chỉ có Trung Quốc được công nhận đã tạo ra một nguyên
trạng, là hậu quả của tương quan lực lượng trong đó Trung Quốc thống
trị ».
Tweet của ông Trump hôm 2/12 xác nhận ông đã nói chuyện điện
thoại với « nữ tổng thống Đài
Loan » đã làm đổ nhào « ảo
tưởng dễ chịu » về hòa bình tại eo biển Đài Loan trong thập niên qua. Tuyên
bố của tổng thống tân cử Mỹ hôm 11/12 với kênh truyền hình Fox News, rằng « Tôi không hiểu tại sao chúng ta phải
gắn với chính sách một nước Trung Hoa, trừ phi có được thỏa thuận với Trung
Quốc về những vấn đề khác, trong đó có thương mại » - đã nhắc nhở Bắc
Kinh « nguyên tắc một nước Trung Hoa
duy nhất » chỉ là việc riêng
của họ.
Bởi vì ngoài sự nhập nhằng của thông cáo Thượng Hải năm
1972, trong đó Hoa Kỳ « ghi
nhận » quan điểm của Trung Quốc, Washington bảo đảm « quyết tâm hòa bình » cho tư
cách của Đài Loan - nhờ Taiwan Relations Act được Quốc hội thông qua năm 1979
và Sáu Cam Kết của Ronald Reagan năm 1982. Cả hai đạo luật này đã bảo đảm lâu
dài việc bán vũ khí và quan hệ ngoại giao thực tế giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.
Dưới mắt Đài Bắc, những phát biểu của ông Trump xứng đáng
được các chính khách và chuyên gia Mỹ phá vỡ những cấm kỵ trong hai tuần qua.
Tổng thống Mỹ tương lai đã khuyến khích chấp nhận chủ trương « Một Trung Quốc, một Đài Loan »,
thậm chí tiến đến « bình thường
hóa » quan hệ ngoại giao với quốc gia dân chủ năng động này – đối
nghịch với chế độ « độc tài sát
nhân » Cuba - như một diễn đàn trên Washington Post đề nghị.
Một nền ngoại giao để sống còn
Việc bảo vệ dân chủ như vậy đã hẳn là làm Đài Bắc an tâm, « vì Đài Loan chú trọng đến nền ngoại
giao sống sót để hội nhập với phương Tây » - ông Duchâtel giải thích.
Nhưng ông Trump cũng đã làm sống lại mối nguy dùng Đài Loan như là « tiền tệ trao đổi », kịch bản
tệ hại nhất với Đài Bắc, khi các hồ sơ khác (Iran, Bắc Triều Tiên…) buộc người
Mỹ phải chiều theo các đòi hỏi của Bắc Kinh.
Nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan nhận định : « Nguy cơ là Đài Loan trở thành một đòn
bẩy đơn thuần, vào lúc ông Trump phải tính đến các thực tế khác. Và phe Cộng
Hòa có truyền thống cay độc hơn trong việc bảo vệ dân chủ : chỉ có lợi ích của Hoa Kỳ mới là quan
trọng ».
Nghịch lý là hiện nay Đài Loan được bảo vệ chắc chắn trước
nguy cơ xâm lược của Trung Quốc, nhờ các mối liên hệ không chính thức với các
quốc gia nhiều ảnh hưởng (Hoa Kỳ, Nhật Bản và các cường quốc châu Âu), hơn là
qua các quan hệ ngoại giao chính thức với một nhúm các nước châu Mỹ la-tinh và
Thái Bình Dương.
Lo sợ bị đổi chác
Nhà nghiên cứu Françoise Mengin, chuyên về Đài Loan ở Trung
tâm nghiên cứu quốc tế trường đại học Science Po, khi gặp gỡ chúng tôi ở Đài
Bắc đã nói : « Tất cả những
tiến triển mới với Đài Loan nhắm vào việc duy trì vị trí, không phải trong một
tiến trình công nhận, nhưng « bình thường hóa thực chất » quan hệ với
các nước khác. Có nghĩa là thiết lập « phương tiện tránh né » tình
trạng bị cô lập ngoại giao hiện nay ».
Sự lo ngại việc đem Đài Loan ra mặc cả với Trung Quốc khiến
chính quyền Obama phải tái khẳng định, thông qua phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc hôm
12/12, rằng « Đài Loan không phải là
một đòn bẩy, mà là đối tác thân thiết của Hoa Kỳ ». Tổng thống Barack
Obama sẽ phải ký một đạo luật đưa trình Quốc hội, cho phép các quan chức Ngũ
Giác Đài ở cấp nào đó được đến Đài Loan.
Nhiều đề nghị được đưa ra nhằm tăng cường quan hệ với Đài
Bắc. Chẳng hạn việc đồng ý cho tổng thống Đài Loan thăm Hoa Kỳ, và các cuộc gặp
gỡ cấp cao – các tổng thống Đài Loan trước đây chỉ tự giới hạn ở việc tiếp xúc
các thượng nghị sĩ Mỹ khi « quá
cảnh ». Trừ phi ông Trump không làm điều gì vội vã trước khi nhậm chức
ngày 20 tháng Giêng, bà Thái Anh Văn sẽ phải quá cảnh New York vào đầu năm
tới để viếng thăm chính thức Guatemala.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.