(Libération19/12/2016) Các đại cử tri hôm nay chính thức bầu ra tân tổng thống.
Liệu họ sẽ lắng nghe những lời kêu gọi của một bộ phận dư luận hay không ?
Điều này khó thể xảy ra, nhưng cuộc tranh luận về tính đại diện của hệ thống
bầu cử lại được đặt ra.
Có bao nhiêu đại cử tri sẽ rời bỏ hàng ngũ ? Chính
trong hôm nay, thứ Hai 19/12, 538 đại cử tri đi bỏ phiếu tại 50 tiểu bang, để
bầu tổng thống và phó tổng thống Hoa Kỳ, trong bối cảnh chính trị bất định,
chiến tranh tin học với Nga và sự lo lắng cao độ trước một Donald Trump bốc
đồng – người đã chối cãi việc nước ngoài can dự vào và việc thua phiếu bầu phổ
thông. Bà Hillary Clinton đã thu được nhiều hơn Donald Trump
2,86 triệu phiếu. Tuy
vậy cuộc bỏ phiếu của các đại cử tri hầu như chắc chắn chỉ là hình thức, cho dù
những người chống đối ông Trump mơ đến một cuộc nổi dậy vào phút chót.
Đã hẳn là cử tri đoàn, điểm đặc thù Mỹ, trên lý thuyết có
thể bỏ ngũ và chặn đường vào Nhà Trắng của ông Trump. Hơn nữa các đại cử tri
này phải bỏ phiếu trong một bối cảnh vô cùng đặc biệt : các cơ quan tình
báo Mỹ đã kết luận rằng các tin tặc Nga đã tấn công những máy chủ của Ủy ban quốc
gia đảng Dân Chủ, và hộp thư của John Podesta, giám đốc chiến dịch tranh cử của
bà Hillary Clinton. « Quá đủ
rồi ! » - ông Barack Obama đã cảnh báo Vladimir Putin như thế hồi
tháng Chín. Bà Hillary Clinton cũng tố cáo tổng thống Nga đứng sau các vụ tấn
công này, với mục đích « làm cho nền
dân chủ của chúng ta yếu đi ».
« Người hùng »
Từ nhiều ngày qua, Clay Pell, một trong các đại cử tri Dân
Chủ, đã yêu cầu báo cáo từ các cơ quan tình báo về sự can thiệp của nước ngoài
vào bầu cử Mỹ, nhưng không được đáp ứng. Trong khi chờ đợi, Donald Trump nhắc
nhở rằng ông đã thắng cử với 306 đại cử tri, một con số đáng kể so với yêu cầu
tối thiểu 270 đại cử tri để trở thành tổng thống.
Để chống lại tổng thống thứ 45 tương lai của Hoa Kỳ, cần
phải có 37 đại cử tri Cộng Hòa không bầu cho Trump. Thế nhưng chỉ có mỗi một
người là đại cử tri Christopher Suprun của bang Texas loan báo công khai là sẽ
không bỏ phiếu cho ông Trump, « người
không đủ năng lực để đảm nhiệm chức vụ tổng thống ». Một nhóm đại cử
tri chủ yếu thuộc phe Dân Chủ cũng đã hình thành : nhóm Hamilton Electors
– được đặt tên theo cha đẻ của Federalist Papers (1788), nhà lý luận đã cho
rằng cử tri đoàn là biện pháp nhằm tránh bầu lên « một người không đáp ứng được yêu cầu năng lực cần thiết ».
Các cử tri đặc biệt này hiện đang chịu nhiều áp lực từ các
công dân Mỹ và các ngôi sao Hollywood để « bầu
theo đúng lương tâm ». Một kiến nghị trên mạng đã thu thập được gần 5
triệu chữ ký, và nhiều nhân vật nổi tiếng tuần này đã phổ biến một video kêu
gọi sự tỉnh thức : « Các vị có
quyền và có cơ hội để trở thành những người anh hùng Mỹ trong sử sách, vì đã
thay đổi dòng chảy lịch sử ».
Các đại cử tri bị buộc phải tuân theo truyền thống, ý thức
trách nhiệm ái quốc, trung thành với khuynh hướng chính trị; hay đơn giản hơn,
tại một số tiểu bang, bị ràng buộc bởi một đạo luật buộc họ phải bỏ phiếu cho
ứng cử viên đạt nhiều phiếu nhất tại bang mình, nếu không sẽ bị phạt.
Các cuộc thăm dò nội bộ do hãng thông tấn Associated Press
và Ủy ban quốc gia đảng Cộng Hòa không cho thấy một đội quân đại cử tri nào sẵn
sàng đào ngũ. Nhưng trong trường hợp không đạt đa số hôm nay, người Mỹ vẫn
không phải quay lại với phòng phiếu : điều 12 Hiến pháp sửa đổi dự kiến
trong trường hợp này, Hạ viện (hiện đa số là Cộng Hòa) sẽ phải chọn lựa tổng
thống trong số ba ứng cử viên đạt được nhiều phiếu nhất của đại cử tri. Về phía
Thượng viện, sẽ bầu lên phó tổng thống.
Kịch bản như trong bộ phim truyền hình nhiều tập Veep’s chỉ diễn ra có mỗi một lần vào
năm 1836, gây sốt cho tổng thống đắc cử Martin Van Buren của đảng Dân Chủ.
Khoảng hai chục đại cử tri Virginia đã từ chối bỏ phiếu cho phó tổng thống
trong liên danh của ông là Richard Mentor Johnson, họ thiên về ông William
Smith. Sau đó Thượng viện đã quyết cho ông Johnson lên làm phó tổng thống, đúng
theo kết quả cuộc bầu cử toàn quốc. Theo Richard Berg-Andersson, giám đốc trang
mạng phân tích chính trị The Green Paper,
« kể từ 1948 đã có 9 đại cử tri bỏ
ngũ, nhưng không gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử ».
Toan tính
Những xung đột lợi ích có thể xảy ra đối với Donald Trump
cũng khiến các đại cử tri lo ngại. Tổng thống tân cử đã hủy bỏ cuộc họp báo đầu
tiên, dự kiến vào ngày 15/12. Các luật sư của họ cũng đã dành thì giờ để hình
dung ra tương lai của đế chế thương mại Trump Organisation, và các đại cử tri
có thể bỏ phiếu với lương tâm ít cắn rứt hơn trước các vấn đề nhức nhối trên…
Nhưng nếu một số đại cử tri quyết định không bầu cho Donald
Trump, thì cũng ít có cơ hội họ dành lá phiếu cho bà Hillary Clinton. Một số
người có thể bầu cho các nhân vật Cộng Hòa ôn hòa hơn như John Kasich, Mitt
Romney, hay bất kỳ ai họ cho là có năng lực.
Từ phía cánh tả cũng như cánh hữu, nhiều nhà quan sát coi xu
hướng mất lòng tin này là một tiền lệ nguy hiểm cho tiến trình dân chủ. Và thế
là cuộc tranh luận về Hiến pháp liên quan đến hiệu quả của chế độ đại cử tri
lại dấy lên. Đây là lần thứ hai trong vòng 16 năm, nước Mỹ bầu lên một tổng
thống đã thua trong cuộc bầu cử phổ thông.
Lần đầu tiên là năm 2000, khi ứng cử viên Dân Chủ Al Gore
phải thua George W.Bush trong khi ông đạt được nhiều phiếu phổ thông hơn. Bốn
năm sau, Al Gore nói đùa trong đại hội đảng Dân Chủ : « Các bạn đều biết câu tục ngữ về bầu cử : bạn thắng một số
bang, thua ở một số bang, và lại có yếu tổ thứ ba nho nhỏ, mơ hồ ». Vào
thời kỳ ấy, yếu tố thứ ba nho nhỏ mang tên Florida. Cuộc kiểm phiếu lại đầy hồi
hộp diễn ra mất hơn một tháng.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.