(Brice Pedroletti, LeMonde 25/03/2016) Manila và Washington lên án Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông.
Biển Đông là sân khấu ngày càng chứng kiến thường xuyên
nhiều sự cố xảy ra giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, trên cơ sở sự can dự
ngày càng nhiều của Hoa Kỳ trong khu vực. Ngoài khơi quần đảo Natuna của
Indonesia, tuần duyên Trung Quốc hôm thứ Bảy 19/3 đã dùng vũ lực để thu hồi một
tàu đánh cá của nước này bị Indonesia bắt giữ, gây căng thẳng ngoại giao giữa Bắc
Kinh và Jakarta.
Tại Philipppines, bãi cạn Scarborough bị Trung Quốc chiếm
đóng từ năm 2012 nay lại trở thành trung tâm chú ý : theo Manila và
Washington, Bắc Kinh đang chuẩn bị hoạt động bồi đắp tại đây, như đã tiến hành
trên khoảng sáu rạn san hô khác. Những vụ đụng độ lặp đi lặp lại đã diễn ra từ
đầu tháng Ba giữa các tàu Trung Quốc và ngư dân Philippines. Ngư dân Phi đã « sử dụng đến dao quắm và quăng bom
xăng tự tạo » vào các tàu Trung Quốc – theo phát ngôn viên Bộ Ngoại
giao ở Bắc Kinh, nhắc lại rằng Hoàng Nham Đảo (Scarborough) là « lãnh thổ cố hữu của Trung
Quốc ».
Bãi cạn Scarborough là danh dự bị tổn thương của người
Philippines : năm 2012, Trung Quốc đã lấy cớ Manila bắt giữ ngư dân mình
để dùng tàu chiến chiếm đóng trên thực tế.
Căng thẳng diễn ra trong lúc Hoa Kỳ và Philippines hôm thứ
Sáu 18/3 đã thỏa thuận với nhau về việc để các quân nhân Mỹ luân phiên trú đóng
tại năm căn cứ ở Philippines, trong khuôn khổ một hiệp định hợp tác tăng cường
về quốc phòng (Enhanced Defense Cooperation Agreement).
Được ký kết năm 2014, hiệp định này mở đầu cho sự quay lại
quy mô của người Mỹ tại đảo quốc. Philippines đã là tiền đồn trong thời kỳ
chiến tranh Việt Nam, và căn cứ quân sự Mỹ cuối cùng bị đóng cửa năm 1992, sau
khi Liên Xô sụp đổ. Ngoài ra, người Philippines còn chờ đợi phán quyết của Tòa
án Trọng tài Quốc tế ở La Haye vào tháng Sáu. Manila đã đệ đơn kiện năm 2013,
về tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc là không phù hợp với Công ước
Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Tàu chiến
Trung Quốc đòi hỏi một diện tích hết sức rộng lớn dưới dạng
một chiếc lưỡi bò trên Biển Đông, tức « đường 9
đoạn » bao trùm lên các lãnh thổ đang được các nước Đông Nam Á tranh
chấp hay vùng đặc quyền kinh tế (ZEE) của họ. Trong trường hợp Indonesia, chiếc
tàu cá bị bắt giữ ngoài khơi đảo Natuna đang đánh cá tại khu vực được Jakarta
coi là vùng đặc quyền kinh tế của mình, bị « đường
9 đoạn » Trung Quốc cắt ngang qua.
Tuần duyên Indonesia đã cho kéo chiếc tàu cá Trung Quốc về
phía bờ biển của mình, khi một tàu vũ trang của tuần duyên Trung Quốc lao vào
tàu cá để giải vây và nắm lấy quyền kiểm soát. Việc can thiệp của tuần duyên
Indonesia phù hợp với chính sách cứng rắn của tổng thống Joko Widodo trước nạn
đánh cá bất hợp pháp ở ZEE của Indonesia : đánh đắm các tàu cá bị bắt. Lần
đầu tiên một tàu cá Trung Quốc đã bị đánh chìm vào tháng 5/2015.
Đối với Philippines, việc cải tạo bãi cạn Scarborough giúp
Trung Quốc có được một hòn đảo nhân tạo nằm cách đảo chính Luçon của
Philippines 220 km, hoàn tất thế « chân vạc » các căn cứ quân sự tạo
thành bởi các đảo mới được bồi đắp tại Trường Sa và Hoàng Sa – hiện đang hoàn
toàn bị Trung Quốc kiểm soát. Người Mỹ lo ngại Bắc Kinh có thể tuyên bố « vùng nhận dạng phòng không »
tại đây, như đã thực hiện tại Biển Hoa Đông cuối năm 2013.
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tiến hành các chiến dịch « bảo vệ tự do hàng hải » tại
các khu vực này, qua việc điều các chiến hạm đến « thường xuyên hơn », và « với các phương tiện quy mô hơn » chưa từng thấy từ
trước đến nay. Đô đốc Harry B.Harris đã hứa hẹn như thế hồi tháng Hai. Ông lãnh
đạo PACOM (Bộ chỉ huy Thái Bình Dương) – đầu não quân sự tối cao của Mỹ trong
khu vực - từ tháng 5/2015, và không ngớt tố cáo việc Bắc Kinh « quân sự hóa » Biển Đông. Trong
chuyến thăm Ấn Độ đầu tháng Ba, đô đốc đã kêu gọi New Delhi tham gia tuần tra
chung với Mỹ, bên cạnh Úc và Nhật.
Trung Quốc luôn đổ trách nhiệm cho người Mỹ. Nhà phân tích
quân sự Trung Quốc Bành Quang Khiêm (Peng Guangqian) trên tờ Global Times hôm
thứ Hai 21/3 nổi giận : « Làm
thế nào Hoa Kỳ có thể cả gan tố cáo các nước khác là quân sự hóa, trong khi
chính họ sở hữu một mạng lưới liên minh quân sự tại Thái Bình Dương ; đồng
thời duy trì các tàu ngầm nguyên tử, chiến đấu cơ… tại Guam và
Hawai ? »
Bắc Kinh cho rằng sự hung hăng của mình đã đạt mục đích –
nhà nghiên cứu Mỹ gốc Hoa Tôn Vân (Yun Sun) ở Stimson Center, Washington, nhấn
mạnh. Tôn Vân viết trên trang mạng Asia and the Pacific Policy Society (APPS),
nhờ việc xây lên các đảo nhân tạo, « Trung
Quốc khẳng định được sự hiện diện trong một chu vi rộng lớn hơn trước, tại các
khu vực tranh chấp. Bắc Kinh tăng cường kiểm soát trên thực địa, và vạch ra
thêm những đường ranh mới, thực tế hay mang tính biểu tượng, đối với các hoạt
động quân sự Mỹ trong khu vực ».
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.