Các đại biểu Phùng Quang Thanh, Trần Đại Quang, Nguyễn Thiện Nhân tại Đại hội Đảng 12. |
Sự kiện diễn ra mỗi năm năm một lần. Đảng Cộng sản
Việt Nam, họp tại Hà Nội, trước hết phải đề cử ra các tân lãnh đạo : Tổng
bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch nước (và Chủ tịch Quốc hội – ND). Trong khi bầu lại
phân nửa các thành viên Bộ Chính trị, những cán bộ cao cấp của đảng còn phải
thông qua kế hoạch kinh tế 5 năm, dự kiến đưa GDP trên đầu người từ 3.200 đô la
hiện nay lên 3.500 đô la vào năm 2020, kéo tỉ lệ lạm phát xuống dưới mức 5% và
thâm hụt ngân sách dưới 4% GDP.
Ba mươi năm chính sách Đổi Mới
Vào lúc đất nước kỷ niệm 30 năm chính sách Đổi Mới,
việc xét duyệt kế hoạch 5 năm sẽ có được sự đồng thuận, trừ một sự thay đổi ít
có khả năng diễn ra. Việt Nam đang trên một hướng đi hết sức tích cực. GDP của
nước này trong năm nay sẽ tăng 6,7% cũng như năm 2015, trên cơ sở tiêu thụ cá
nhân (tăng 9,3% trong năm 2015) và đầu tư nước ngoài đặc biệt năng động (tăng
17,4% so với năm 2014)
Thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới
Nếu đất nước 90 triệu dân với dân số rất trẻ này tỏ ra thu hút,
cũng vì Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và trở thành
thành viên Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tác động của
TPP lên nền kinh tế là có lợi, với điều kiện phải có những nỗ lực thực sự để
thích ứng.
Nicolas Audier, luật sư làm việc lâu năm tại Việt Nam giải thích :
« Để có thể thích ứng được nhiều nhất, chính quyền sẽ phải cải thiện
tính minh bạch trong thị trường tài chính công, đấu tranh chống tham nhũng và
giám sát việc tôn trọng sở hữu trí tuệ ». Những đòi hỏi hết sức cao. Bởi
vì nếu chỉ sửa đổi thị trường tài chính công chẳng hạn, sẽ phải xem xét lại một
phần tài chính của đảng ở cấp tỉnh. Tất cả được thực hiện dưới cặp mắt sắc bén
của Bắc Kinh.
Trung Quốc kèm sát các lãnh đạo cao cấp
Đó là một sự thực : Đại hội Đảng rõ ràng diễn ra dưới sự kiểm
soát của Trung Quốc. Hơn nữa, chuyến thăm Hà Nội của chủ tịch Tập Cận Bình hồi
đầu tháng 11 được nhiều nhà quan sát cho rằng đây là chiếc ấn của Bắc Kinh đóng
lên duyệt các chọn lựa của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trung Quốc kèm sát giới lãnh
đạo của nước láng giềng, vốn không tỏ ra ngờ vực ông anh lớn. Benoît de
Tréglodé, giám đốc chương trình châu Á của Irsem tóm tắt : « Người
ta có thể bất đồng về một vấn đề và hợp tác trên một kế hoạch khác, cả hai diễn
ra cùng một lúc là chuyện bình thường ».
Tranh chấp lãnh thổ
Bắc Kinh tuy là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, nhưng cả
hai nước vẫn xung đột về vấn đề chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông. Cả hai đảng Cộng
sản Trung Quốc và Việt Nam cố nắm lấy tình hình và ấn định ra những giới hạn
không nên vượt qua.
Sébastien Colin thuộc Trung tâm nghiên cứu của Pháp về Trung Quốc
đương đại đặt tại Hồng Kông giải thích : « Đó là lý do khiến Hà Nội
không theo chân Manila, nộp đơn kiện lên Tòa án Trọng tài Quốc tế của Liên Hiệp
Quốc, vì sẽ gây căng thẳng trong quan hệ với Bắc Kinh. Điều đó không có lợi gì ».
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.