Từ nay không có gì ngăn trở việc thực hiện hiệp
định nguyên tử giữa Iran và các cường quốc được thỏa thuận cách đây ba
tháng, sau khi đại đa số các đại biểu Quốc hội Iran ngày 13/10/2015 đã
bỏ phiếu thông qua.
Trong phiên họp căng thẳng cho
thấy sự chia rẽ giữa các dân biểu ủng hộ và phe bảo thủ cực đoan, các
đại biểu Quốc hội Iran với 161 phiếu thuận, 59 phiếu chống và 13 vắng
mặt, đã thông qua một văn bản luật gồm 9 điều khoản, cho phép thực hiện
hiệp ước nguyên tử.
Việc biểu quyết diễn ra sau khi nỗ lực ngăn chận hiệp định của phe
Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ thất bại. Tổng thống Iran Hassan Rohani tối nay
sẽ lên truyền hình phát biểu sau cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội.
Văn kiện vừa được thông qua xác định « trên cơ sở một nghị định » của
lãnh tụ tối cao Iran, giáo sĩ Ali Khamenei, « không có bất kỳ chính phủ
nào của Iran có quyền sản xuất và sử dụng các loại vũ khí hủy diệt hàng
loạt ». Hiệp định « dựa trên sự hợp tác và tôn trọng lẫn nhau », và tất
cả các hành động « cưỡng bức, đe dọa » sẽ khiến cơ quan an ninh Iran
phải xem xét lại.
Văn bản luật cũng nhấn mạnh, việc thỏa thuận với các cường quốc về hồ
sơ nguyên tử, đặc biệt là với Hoa Kỳ, không thể là cái cớ để « đưa các
hành động ngạo mạn xâm nhập » vào Iran, cho dù đó là về chính trị, kinh
tế, văn hóa hay an ninh.
Giáo sĩ Khamenei thường xuyên cảnh cáo « sự ngạo mạn » và nguy cơ «
xâm nhập » của Mỹ, luôn bị coi là « Đại Satan » từ khi hai nước cắt đứt
quan hệ ngoại giao sau cách mạng Hồi giáo năm 1979. Mới đây ông còn cấm
tất cả mọi thương lượng với Hoa Kỳ trên bất cứ vấn đề nào khác.
Trừ phi một trong các nước ký kết (Iran, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga,
Anh, Pháp, Đức) vi phạm, hiệp định nguyên tử sẽ nhanh chóng được áp
dụng. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) phụ trách việc điều
tra chương trình hạt nhân Iran ngày 15/10 tới sẽ trình bày báo cáo nhằm
làm rõ tất cả những điểm còn mơ hồ trong hồ sơ này. Trước đó hôm 22/9,
Tổng giám đốc AIEA Yukia Amano tuyên bố Iran « đã có những tiến bộ đáng
kể ».
Việc quốc tế bỏ cấm vận sẽ giúp Iran tái thúc đẩy nền kinh tế, còn
các cường quốc giảm được mối đe dọa nguyên tử trong một khu vực có nhiều
xung đột. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đặt hy vọng vào thị trường 79
triệu dân có nguồn dầu khí dồi dào này.
Hoa Kỳ bắt đầu áp dụng hiệp định nguyên tử với Iran
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.