vendredi 15 mai 2015

Biển Đông : Manila trước người khổng lồ Goliath Trung Quốc

Đăng ngày 14-05-2015

Tướng Gregorio Catapang, Tổng tư lệnh quân đội Philippines, đăm chiêu khi duyệt qua các cần cẩu han rỉ và đường băng cũ kỹ của hòn đảo Thị Tứ nhỏ bé (Thitu Island), nay là tuyến đầu của cuộc chiến tranh bồi đắp đang diễn ra dữ dội tại Biển Đông.
 
Cách đó chưa đầy 50 km, các cần cẩu khổng lồ do Trung Quốc đưa đến sáng loáng lên dưới ánh mặt trời, biểu tượng cho cơn sốt xây dựng của người khổng lồ châu Á tại quần đảo Trường Sa. Những hòn đảo mới lần lượt xuất hiện, cứ như phép lạ.


Trung Quốc và Việt Nam, hai nước cùng đòi hỏi chủ quyền trên vùng biển chiến lược này, đã lao vào một cuộc chiến xây dựng, trong đó Philippines tụt hậu phía sau.

Số 356 cư dân trên đảo Thị Tứ, hòn đảo lớn thứ nhì của quần đảo Trường Sa do Manila kiểm soát, bao quanh là các đảo san hô ngầm, lo sợ sắp tới sẽ bị đuổi ra khỏi nơi mình đang cư ngụ, do cuộc xung đột đang diễn ra bằng gầu xúc và xi-măng hiện nay.

Tướng Catapang nói : « Trước khi máy bay hạ cánh xuống đây, chúng tôi trông thấy các công trường đào đắp tại Đá Xu Bi, thực sự là đồ sộ ». Các cơ sở ông đến thăm đã quá già cỗi, vũ khí phòng vệ duy nhất là hai khẩu đại bác phòng không.

Trung Quốc yêu sách chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông, kể cả các vùng biển nằm cận kề duyên hải các nước láng giềng. Và từ vài năm qua, Bắc Kinh ngày càng trở nên hung hăng hơn.

Quần đảo Trường Sa với trên 100 đảo nhỏ gồm đảo đá ngầm và đảo san hô, nằm giữa Việt Nam và Philippines, là một trong những khu vực bị tranh chấp gay gắt nhất do tầm quan trọng chiến lược về quân sự.

Chiếm được đất mà không cần bắn một phát súng 

Washington đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo vào tuần trước, lên án Bắc Kinh đã xây dựng các đảo nhân tạo có tổng diện tích lên đến 800 hecta. Hoa Kỳ cho rằng có thể Trung Quốc còn xây cả các sân bay, cơ sở giám sát và hải cảng.

Biển Đông là ngã tư hàng hải thiết yếu cho thương mại quốc tế, và có thể có rất nhiều dầu khí.
Cảnh giác trước thái độ của Bắc Kinh, các quốc gia láng giềng đang dòm ngó Trường Sa không muốn khoanh tay đứng nhìn. Theo báo chí, Việt Nam cũng tiến hành hoạt động bồi đắp tại hai đảo nhỏ, trong khi Đài Loan và Malaysia loan báo dự án cải thiện các thiết trí dành cho hải quân.

Manila, đang kiểm soát 9 đảo và đảo đá ngầm tại Trường Sa, ngược lại chẳng làm gì nhiều vì lý do ngân sách, nhưng cũng do hy vọng Liên Hiệp Quốc sẽ giải quyết cuộc xung đột.

Trên đảo Thị Tứ, cách phía tây đảo Palawan khoảng 400 km, nơi mỗi ngày chỉ có điện khoảng năm tiếng đồng hồ, thường thì cuộc sống vẫn êm đềm. Nhưng quân đội Philippines nói rằng từ tháng Tư, các chiến hạm Trung Quốc đậu ngoài khơi Đá Xu Bi (Subi Reefs) đã yêu cầu các phi cơ quân sự Philippines phải cuốn gói với lý do đây là không phận Trung Quốc.

Larry Jugo, một nhân viên hành chính 37 tuổi nói với AFP : « Đó là cả một vấn đề đối với chúng tôi, những người sống ở đây. Chúng tôi bị lệ thuộc vào các máy bay chở thực phẩm đến ».

Chuẩn Đô đốc Alexander Lopez, Tư lệnh lực lượng Philippines tại Biển Đông, cũng tố cáo Bắc Kinh quấy nhiễu những chiếc tàu tiếp liệu cho 9 người lính hải quân Philippines đang sống trên Bãi Cỏ Mây (Second Thomas). Ông nói : « Trung Quốc đang xây dựng thứ gì đó (…) Rất đáng báo động ». 

Cách quần đảo Trường Sa 600 km về hướng đông bắc, trên bãi cạn Scarborough - một đảo đá ngầm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines nhưng bị Bắc Kinh kiểm soát kể từ năm 2012 - Manila cho biết Trung Quốc xô đuổi các ngư dân Philippines đến đánh bắt tại đây.

Đối với chính quyền Manila cũng như với các nhà phân tích, tất cả những sự kiện trên nằm trong khuôn khổ một chiến dịch quy mô, nhằm mặc nhiên ngăn trở Manila xác quyết chủ quyền của mình.

Chuyên gia Harry Sa của trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam ở Singapore nhận xét : « Người Philippines không thể làm được gì đáng kể. Trung Quốc hành động một cách thông minh. Họ chiếm được đất mà chẳng cần phải bắn một phát súng nhỏ ». 

Manila đề nghị Liên Hiệp Quốc tuyên bố các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc là bất hợp pháp. Một quyết định được chờ đợi vào năm 2016, nhưng Bắc Kinh từ chối tham gia tiến trình này, và sẽ bác bỏ mọi kết luận bất lợi cho mình.

Trung Quốc mạnh hơn Philippines nhiều về quân sự, nhưng theo các nhà phân tích, Bắc Kinh không thể tự ý nổ súng vào các chiến hạm Philippines. Trung Quốc sợ rằng Manila sẽ yêu cầu người đồng minh Mỹ đến hỗ trợ, nhân danh một hiệp ước hỗ tương quốc phòng năm 1951. Và như vậy Bắc Kinh sẽ hiện nguyên hình là một kẻ hiếu chiến trong khu vực.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.