samedi 18 avril 2015

Bình thường hóa Mỹ-Cuba ảnh hưởng thế nào đến chuyến đi của TBT Trọng ?

Nhà bình luận Phạm Chí Dũng
Đăng ngày 15-04-2015

Sự kiện Cuba, một trong những nước cuối cùng trên thế giới còn theo đuổi lý tưởng xã hội chủ nghĩa, rốt cuộc đã bắt tay làm hòa với Hoa Kỳ, quốc gia thù địch suốt nửa thế kỷ qua, đã khiến dư luận quốc tế hết sức chú ý. Còn tại Việt Nam, sự kiện lịch sử này liệu có ảnh hưởng gì đến chính sách của Nhà nước, và trước mắt là chuyến đi Mỹ sắp tới của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hay không ?

Chúng tôi đã đặt câu hỏi này với nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở Saigon.

RFI : Thân chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng, rất cảm ơn anh đã nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ hôm nay. Thưa anh, dư luận Việt Nam quan tâm như thế nào khi thấy hai kẻ cựu thù Mỹ và Cuba nay đang hòa giải với nhau?

Nhà bình luận Phạm Chí Dũng : Sự kiện Cuba bình thường hóa với Mỹ vào tháng 11/2014 là một sự kiện quá đỗi bất ngờ ! Tôi cho rằng chính Nhà nước Việt Nam cũng không ngờ được chuyện đó.


Dư luận nhân dân không quan tâm nhiều đến chính trị, đặc biệt là lớp bình dân. Nhưng giới trí thức rất chú ý vấn đề này, và họ coi đó là một sự chuyển đổi tất yếu. Nếu không chuyển đổi thì Cuba sẽ tiêu vong, nói chính xác hơn là chủ nghĩa cộng sản Cuba sẽ tiêu vong.

Tôi có người bạn là giám đốc Sở đương nhiệm trong chính quyền Việt Nam, một người bạn đã khá nhiều lần đi Cuba và thần tượng Che Guevara vô cùng. Người bạn đó thật sự mừng rỡ khi chứng kiến tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Cuba và Mỹ. Nhưng không phải là mừng rỡ theo lối thông thường của người dân – họ mong ngóng vấn đề dân chủ và nhân quyền, hay năm chục tù nhân chính trị ở Cuba được thả - mà lý do mừng rỡ là thế này. Là chủ nghĩa Castro đã tìm được sự kết thúc trong danh dự !

Có nghĩa là nếu cứ tiếp tục như thế thì kinh tế Cuba sẽ kiệt quệ. Sẽ gây ra phản ứng xã hội, động loạn là tất yếu, và khi đó chủ nghĩa chính trị, tư tưởng Castro sẽ không còn chỗ đứng nữa, sẽ sụp đổ một cách thê thảm. Đó là điều mà những người có lý tưởng, đã từng tin vào điều đó họ không mong muốn.

Tôi mô tả một tâm trạng như thế của một viên chức nhà nước trong chính quyền Việt Nam như vậy, để cho thấy rằng cuộc chuyển đổi về mặt tư tưởng bắt nguồn từ lý tưởng. Và lý tưởng đó lại dẫn tới những hành động. Mặc dù đó chỉ là những hành động trong tư tưởng, chưa phải là hành động cụ thể, nhưng nằm trong một bộ phận có lẽ là không nhỏ những quan chức nhà nước. Và họ cũng đang mong muốn một cái gì đó, được chuyển đổi một cách êm thắm, tránh xáo trộn, và đặc biệt là tránh đổ máu.

RFI : Với việc Hoa Kỳ thay đổi hoàn toàn chính sách đối với Cuba, tức là sẳn sàng đối thoại với một quốc gia có ý thức hệ đối lập, Đảng Cộng sản Việt Nam có thể hy vọng gì về chuyến đi sắp tới của ông Nguyễn Phú Trọng?

Tôi nghĩ là có hai sự hy vọng ở đây. Đứng về phía Đảng Cộng sản Việt Nam, họ hy vọng rằng Cuba thay đổi, nhưng mà Việt Nam không thay đổi theo Cuba. Đó là những người có não trạng bảo thủ. Một chứng minh rất rõ nét là trước chuyến đi Mỹ sắp tới của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì ông vẫn kéo một phái đoàn đi Trung Quốc, gây ra nhiều dị nghị. Người ta cho rằng, thêm một lần nữa, đó là một sự thất bại của đảng bảo thủ ở Việt Nam.

Nhưng có một sự hy vọng lớn hơn từ phía người dân và trí thức, đặc biệt là những người quan tâm tới vận mệnh của dân tộc, thì rõ ràng là sự kiện Cuba, và gắn với chuyến đi của ông Trọng là chuyến đi của một viên chức cao cấp của Việt Nam - ông Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an. Ông Trần Đại Quang sau khi kết thúc chuyến đi Hoa Kỳ vào tháng 3/2015, đã lập tức sang nước bạn Cuba, và đã có bốn ngày làm việc bên đó.

Như chúng ta đã biết, những động thái gần đây của Cuba và Việt Nam khá giống nhau, đặc biệt là chính sách đối ngoại. Cho nên việc ông Quang xuất hiện ở La Habana, và sau đó Cuba lại tiếp tục tiến trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ cho thấy rằng xu thế đó có thể tác động tới Việt Nam. Tác động tới Đảng Cộng sản Việt Nam, và cụ thể là một số cá nhân, một số lãnh đạo trong Đảng.

Nếu số cá nhân lãnh đạo đó càng ngày càng nhiều, và họ ủng hộ tiến trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ một cách thực chất, thì có nghĩa là toàn bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, kể cả những người bảo thủ nhất, sẽ phải thay đổi.

RFI : Như anh nói lúc nãy, có nghĩa là người ta hy vọng vào một sự chuyển đổi êm thắm ?

Hoàn toàn đúng. Trí thức Việt Nam đa phần hiện nay đang đặt ra kịch bản Miến Điện, một kịch bản chuyển đổi không đổ máu, hạn chế đến mức tối thiểu sự xung đột.

Trong khi nếu nhìn ngược lại ở một khía cạnh tiêu cực hơn nhiều, thì phản ứng xã hội ở Việt Nam có thể rất ghê gớm trong tương lai không xa. Và chúng ta đã chứng kiến là từ đầu năm 2015 đến nay đã có một số cuộc biểu tình phản ứng của dân chúng liên quan tới vấn đề Luật bảo hiểm xã hội, vấn đề môi trường, cưỡng chế đất đai…

Mới ngày hôm qua thôi, ở Long An một gia đình đã dùng axit tạt vào cả một đoàn công an, cán bộ của chính quyền đi cưỡng chế đất, gây thương tích cho rất nhiều người. Người ta coi đó là một vụ Đoàn Văn Vươn thứ hai ở Việt Nam.

Như vậy nếu không có sự chuyển đổi ôn hòa, êm thắm, thì chắc chắn là các quan lại Việt Nam từ thấp đến cao sẽ phải lãnh hậu quả, và hậu quả đó đến từ chính dân chúng của họ.

RFI : Chuyến đi Mỹ lần này của ông Trọng và trước đó là chuyến đi của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, liệu có sẽ nâng quan hệ Mỹ-Việt lên một nấc mới hay không, cho dù hai nước chưa thể là đồng minh trong lúc này?

Ngay vào thời điểm này, và có thể cả đến cuối năm nay, tôi chưa dám hy vọng là quan hệ Việt-Mỹ sẽ được bình thường hóa một cách thực tâm, thực chất hoặc nâng lên một tầm cao mới – theo cách nói của giới lãnh đạo Việt Nam.

Được biết trong chuyến đi của tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an tới Hoa Kỳ vào tháng Ba vừa rồi, phía Mỹ đã trao cho tướng Quang một danh sách những tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm ở Việt Nam cần được phóng thích và phục hồi quyền du hành, quyền đi lại, cũng như một số quyền khác như tự do tôn giáo ở Việt Nam. Nhưng cho tới giờ theo tôi biết, chưa có một thông tin, phản hồi nào từ phía chính quyền Việt Nam.

Điều đó gây ra một hệ lụy là có những thông tin trong giới ngoại giao và chính giới Hoa Kỳ hiện nay, đánh giá rằng phía Việt Nam vẫn hoàn toàn chưa có gì gọi là thực tâm. Không những họ không đáp ứng nổi bất kỳ một tiêu chuẩn nào trong số năm tiêu chuẩn mà đại diện thương mại Mỹ đã đặt ra như điều kiện để tham gia TPP, mà họ cũng không thả thêm bất kỳ tù nhân lương tâm nào. Trong khi đó những điều kiện siết bóp về nhân quyền ở Việt Nam lại càng ngày càng tồi tệ hơn.

Chính vì lý do đó, theo thông tin tôi nhận được gần nhất, rất có thể sẽ không có một chuyến tiếp đón (trọng thị) của Tổng thống Barack Obama đối với ông Nguyễn Phú Trọng. Phía Mỹ cho rằng đối với lãnh tụ của các đảng Dân chủ hay Cộng hòa, thì với tư cách là một người đứng đầu đảng ở Việt Nam, ông Trọng có thể được đón tiếp một cách dễ dàng. Nhưng về mặt hành pháp thì điều đó rất khó.

Cho tới nay, dường như tắt ngấm hy vọng ông Trọng sẽ được đón tiếp trong Phòng bầu dục. Hy vọng còn lại là một cuộc đón tiếp khác, có thể là không chính thức. Những người Việt ở Washington cho tôi biết rằng, dường như phía ngoại giao Việt Nam trong thời gian vừa qua đã tận tụy một cách hết sức có trách nhiệm, để cố gắng thu xếp cho Tổng bí thư của họ có được một bữa ăn trưa với Tổng thống Barack Obama.

RFI : Xin rất cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.
Nhà bình luận Phạm Chí Dũng - Saigon
(08:09)


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.