vendredi 4 juillet 2014

Nhật Bản dỡ bỏ một phần cấm vận Bắc Triều Tiên

Bài đăng : Thứ năm 03 Tháng Bẩy 2014 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 03 Tháng Bẩy 2014 
Hôm nay 03/07/2014 Nhật Bản quyết định dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên, nhờ Bình Nhưỡng đã chứng tỏ thiện chí mở lại điều tra về số phận những người Nhật bị tình báo nước này bắt cóc trong thập niên 70 và 80. Sự kiện này đánh dấu việc cải thiện rõ nét quan hệ với Bắc Triều Tiên, đất nước đang bị thế giới tẩy chay.

Tin trên được Thủ tướng Nhật Shinzo Abe loan báo sau một hội nghị song phương tại Bắc Kinh hôm thứ Ba 1/7. Hồi cuối tháng Năm, Bình Nhưỡng đã chấp nhận mở lại hồ sơ người Nhật mất tích, để đổi lấy việc được Tokyo dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt.


Ông Shinzo Abe không cho biết cụ thể, nhưng theo báo chí Nhật, đó là việc bỏ các biện pháp hạn chế người Bắc Triều Tiên nhập cảnh vào Nhật Bản, cũng như không còn buộc phải khai báo nếu mang theo trên 100.000 yen (720 euro). Các tàu mang cờ Bắc Triều Tiên không còn bị cấm vào các cảng của Nhật trong trường hợp bất khả kháng.

Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga nói thêm, « kể từ thứ Sáu » 4/7 Bắc Triều Tiên sẽ thành lập ủy ban điều tra như đã hứa với Tokyo hồi tháng Năm khi thương lượng tại Thụy Điển.

Theo nhật báo kinh tế Nikkei, hôm thứ Ba Bình Nhưỡng đã trao cho phái đoàn Nhật một danh sách « hai con số » tên những người Nhật nghi là đã bị bắt cóc. Tờ báo cũng cho biết chi tiết về ủy ban điều tra đặc biệt. Theo một viên chức Nhật, chủ tịch ủy ban này sẽ là một cố vấn thân cận với Kim Jong Un.

Tokyo chưa bao giờ muốn xếp lại hồ sơ người Nhật bị bắt cóc, và từ nhiều năm qua coi đây là điều kiện tiên quyết để bình thường hóa quan hệ. Nhưng Bình Nhưỡng luôn nói rằng vấn đề này đã giải quyết xong. Theo Bắc Triều Tiên, chỉ có 13 người bị bắt cóc trong đó đã trả về cho Nhật 5 người, 8 người còn lại đã chết. Còn theo Nhật Bản thì có ít nhất 17 công dân Nhật bị bắt, và các giải thích của Bình Nhưỡng là không có căn cứ.

Sự tan băng một cách tương đối trong quan hệ Tokyo-Bình Nhưỡng đặt ra một số câu hỏi trong khu vực, đặc biệt vào thời điểm Bắc Kinh tỏ ra lạnh nhạt với chế độ Bắc Triều Tiên, trước những hành động khiêu khích như bắn hỏa tiễn và rốc-kết vừa rồi.

Chuyến viếng thăm Hàn Quốc hai ngày bắt đầu từ hôm nay của Tập Cận Bình mang tính biểu tượng cao độ, vì từ khi lên cầm quyền vào cuối năm 2012 ông ta chưa bao giờ gặp lãnh tụ Bắc Triều Tiên cũng như chưa hề đến Bình Nhưỡng.

Hàn Quốc, nơi trực tiếp bị nguy cơ hạt nhân từ Bình Nhưỡng đe dọa nhìn cuộc đối thoại Nhật Bản – Bắc Triều Tiên với cặp mắt nghi ngại. Tuyên bố thông cảm với tính chất nhạy cảm và nhân đạo của hồ sơ người Nhật mất tích đối với Tokyo, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc vẫn cảnh báo nguy cơ đi ngược lại nỗ lực quốc tế buộc Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng nguyên tử.

Chánh văn phòng nội các Nhật trấn an rằng quan điểm của Tokyo về vấn đề tên lửa hạt nhân không thay đổi, và sẽ phối hợp với Seoul và nhất là với Washington – vốn đã làm mọi cách để cô lập Bình Nhưỡng trên trường quốc tế.

Theo một số nhà phân tích, việc đánh cược của chính quyền Nhật có nhiều rủi ro và không chắc mang lại được kết quả. Satoru Miyamoto, chuyên gia về Bắc Triều Tiên cho rằng Thủ tướng Shinzo Abe « đã đặt cược, và nay phải có những quyết định chính trị khó khăn ». Được biết từ nhiều năm qua ông Abe rất được một bộ phận dân chúng ủng hộ nhờ tích cực vận động cho những gia đình có thân nhân bị bắt cóc.

tags: Châu Á - Nhật Bản - Bắc Triều Tiên - Cấm vận - Bắt cóc - Trừng phạt - Ngoại giao 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140703-nhat-ban-do-bo-mot-phan-cam-van-bac-trieu-tien-nho-co-tien-bo-trong-ho-so-nguoi-nhat

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.