jeudi 27 février 2014

Ianoukovitch « tái xuất giang hồ » tại Nga, bạo lực ở Crimée

Cảnh sát Ukraina cố gắng tách rời hai phe biểu tình người Tatar và người Nga trước nghị viện Crimée ngày 26/02/2014.
LND: Tình hình Ukraina lại sôi động, Thụy My xin lược dịch phần tường thuật và hỏi đáp trực tiếp trên trang web báo Le Monde hôm nay 27/02/2014 để bạn đọc có thể cập nhật.

Những điểm chính cho đến trưa nay:

Trong đêm, một nhóm vũ trang thân Nga đã chiếm trụ sở nghị viện Crimée (Krym), tỉnh bán tự trị của Ukraina có đa số dân nói tiếng Nga. Họ treo cờ Nga lên nóc tòa nhà. Tối qua một cuộc biểu tình dữ dội đã nổ ra tại đây với khoảng 5.000 người, gồm hai phe: người Nga và người thiểu số Tatar.

Tổng thống bị lật đổ Viktor Ianoukovitch đã tái xuất hiện, lần đầu tiên lên tiếng từ khi bỏ trốn khỏi Kiev đến nay. Ông ta đòi hỏi sự bảo hộ của Nga, quốc gia đã “hứa bảo đảm an ninh trên lãnh thổ liên bang Nga”. Những nguồn tin chưa được xác nhận từ Nga khẳng định Ianoukovitch có mặt tại Matxcơva.


Tin mới nhất: Ianoukovitch sẽ tổ chức họp báo ngày mai tại Rostov trên sông Đông, thành phố Nga giáp Ukraina.

Trong khi đó Nga tiếp tục tập trận tại vùng biên giới giáp Ukraina.

Samuel: Ianoukovitch phát biểu thông qua phương tiện nào?
-         Qua hãng thông tấn Nga Interfax. Hãng này cũng thông báo là Nga đã chấp nhận yêu cầu bảo vệ của ông Ianoukovitch.

Adrien: Phản ứng của Hoa Kỳ như thế nào. Họ đặc biệt im lặng, vì sao?
-         Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tối qua đã tuyên bố thẳng thừng: Tất cả mọi can thiệp quân sự của Nga sẽ là “một sai lầm nghiêm trọng”. Ông Kerry nói: “Chúng tôi hy vọng Nga không nhìn thấy trong vụ này một sự kế tục cuộc chiến tranh lạnh. Đây không phải là Rocky 4 (bộ phim trong đó võ sĩ quyền Anh Rocky đối đầu một địch thủ Nga, trên nền chiến tranh lạnh)”.

Dolam: Nga có thể gởi quân đến Ukraina nếu Ianoukovitch yêu cầu?
-         Trong lúc này thì Nga hoàn toàn chưa lao vào con đường này, chỉ bảo đảm an ninh “trên lãnh thổ liên bang Nga” mà Ukraina không hề trực thuộc.

Tom: Người Tatar ở Crimée làm gì?
-         Người Tatar, một cộng đồng đa số theo đạo Hồi, gốc Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ, định cư tại Crimée từ thế kỷ 13, có lịch sử khá lận đận. Được người Thổ ủng hộ có chừng mực, người Tatar bị nước Nga của Catherine đệ nhị đánh bại và chinh phục Crimée năm 1783. Bị đày sang Xibêri và Trung Á dưới thời Stalin, người Tatar đã quay lại Crimée sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Họ chiếm 12% trong số hai triệu dân, và cực lực chống đối ý tưởng đặt dưới sự bảo hộ của Nga. Năm 2004, người Tatar tích cực ủng hộ « Cuộc cách mạng màu cam », nhưng nhiều người đã thất vọng vì quyền lợi và ngôn ngữ của họ không được chính quyền địa phương Simferopol và Kiev tôn trọng hơn trước là bao.

Hai người chết và 35 người bị thương trong những ngày gần đây, tại các cuộc biểu tình xung quanh nghị viện Crimée tại Simferopol, theo Bộ Y tế Crimée.

Tổng thư ký NATO và Bộ trưởng QP Ukraina tại Bruxelles ngày 27/02/2014.
Nicolas : Châu Âu không có phản ứng gì hay sao ?
-         Tạm thời cho đến lúc này, chưa có phản ứng gì nhiều. Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski (người đóng vai trò hàng đầu trong việc thương thuyết ở Kiev tuần trước) tuyên bố : « Những người vũ trang đã chiếm đóng tòa nhà chính phủ ở Simféropol. Đây là một hành động cực đoan. Tôi cảnh báo họ và những người đã hỗ trợ cho hành động này, rằng chính bằng phương cách đó mà các xung đột khu vực đã khởi đầu. Đó là một trò chơi rất nguy hiểm ».

Bộ Ngoại giao Anh cho biết « rất quan ngại » về tình hình Crimée và nhận định các hoạt động quân sự Nga « không có lợi » vào « thời điểm mà tất cả các bên cần phải hành động để giảm căng thẳng ».

Một phản ứng khác ngoài châu Âu : Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố « lo ngại về diễn biến ở Crimée » và khuyến cáo « nước Nga không nên làm gì có thể gây leo thang căng thẳng hay hiểu lầm ».

Đặc phái viên Le Monde cho biết thêm chi tiết về những người vũ trang đang chiếm trụ sở nghị viện Crimée :

Vladimir, một thanh niên tranh đấu ủng hộ Nga khẳng định trông thấy những người vũ trang tiến vào tòa nhà nghị viện trước hừng đông, vào khoảng 4g30 sáng. Nhóm của thanh niên này đã quyết định chiếm đóng sân của nghị viện sau cuộc biểu tình hôm qua, mà người Nga và người Tatar đã đối đầu với bạo lực. 

Theo Vladimir, số người vũ trang trên đây có khoảng năm chục, đến nơi trên ba chiếc xe, trang bị súng trường và AK 47. Một số mặc áo giáp chống đạn, nhiều người khác mang theo những chiếc vali. « Họ bảo chúng tôi đừng làm gì cả, không nên di chuyển khỏi địa điểm và sẽ không có gì xảy ra đối với chúng tôi. Họ rất hiệu quả, có tổ chức chặt chẽ. Họ phá các cửa tòa nhà chỉ trong vòng năm phút, buộc những người đang canh gác phải ra khỏi nghị viện, hai tay đặt lên đầu. Xong họ dùng chướng ngại vật che chắn quanh trụ sở ».

Xe tăng và cờ Nga gần trụ sở nghị viện Crimée
Những điểm chính trong diễn văn của tân Thủ tướng Iatseniouk trước Quốc hội ở Kiev :

1)Ông loan báo một kế hoạch khắc khổ cao độ, cắt giảm mạnh trong mọi lãnh vực công, khẳng định rằng chính phủ cũ đã ăn cắp hết tiền trong ngân sách 2) Tuyên bố chính phủ Nga là « láng giềng, bạn hữu » và kêu gọi không gây chiến 3) Hứa hẹn hội nhập vào Liên hiệp châu Âu vào thời điểm thích hợp 4) Khẳng định Crimée luôn là một phần lãnh thổ của Ukraina. Nghị viện Crimée chiều nay sẽ bỏ phiếu về việc trưng cầu dân ý liên quan đến quyền tự trị.

Philippe : Nga hứa tôn trọng hiệp định với Ukraina về Hạm đội Hắc hải ?
- Nga đã tái khẳng định sáng nay. Nhưng các hiệp định này đã bị sửa đổi rất nhiều dưới thời Ianoukovitch và bị phản đối dữ dội tại Kiev.

Quân cảng Sebastopol là nơi trú đóng một phần Hạm đội Hắc hải của Nga từ thế kỷ 19. Với quân cảng này, Hải quân Nga có được lối vào trực tiếp Địa Trung Hải.

Từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, vấn đề Hạm đội Hắc hải luôn khuấy động quan hệ giữa Kiev và Matxcơva. Sự hiện diện của các chiến hạm Nga là chủ đề mặc cả giữa đôi bên : Nga giảm giá khí đốt, Ukraina để cho tàu Nga trú đóng. Hiệp định chấm dứt vào năm 2017, nhưng năm 2010 sau nhiều tranh cãi, hai bên đã ký gia hạn 25 năm, đến tận 2042.

Ngày nay nhiều nhà quan sát cùng cho rằng tầm quan trọng của sự hiện diện quân sự Sepastopol đối với Nga đã được phóng đại, Matxcơva đã có ngõ vào thẳng Hắc hải. Nhưng tính biểu tượng và lịch sử của quân cảng này vẫn là trung tâm trong quan hệ Nga-Ukraina.

Lính hải quân Nga thuộc Hạm đội Hắc hải ở Sébastopol.
Ilhan : Trong trường hợp Nga tấn công vào lãnh thổ Ukraina, việc Ukraina là đối tác của NATO có thể dẫn đến những phản ứng nào ?
-         Ukraina là đối tác của NATO nhưng không phải là thành viên chính thức. Trên lý thuyết, tư cách này có thể bảo vệ cho Ukraina trước các vụ tấn công từ bên ngoài. Nhưng nếu Ianoukovitch, tổng thống dân cử, kêu gọi « sự giúp đỡ » từ Nga, một sự can thiệp của Nga có thể là « hợp pháp » theo luật quốc tế. Tuy nhiên đây cũng chỉ là lý thuyết : sẽ không xảy ra chiến tranh giữa châu Âu và Nga. Về phía Nga, có thể dùng cac biện pháp trả đũa kinh tế, chẳng hạn cúp nguồn khí đốt cho Ukraina.

Mo : Quân đội Ukraina có thể can thiệp tại Crimée, nhất là trong vai trò ổn định đất nước ? Quân đội có vẫn ủng hộ tổng thống bị lật đổ Ianoukovitch và ra tay nhằm đưa ông ta trở lại ngôi vị ?
-         Crimée là lãnh thổ tự trị nhưng thuộc Ukraina, còn Nga có quyền đóng quân ở Sebastopol. Như vậy luật Ukraina được áp dụng trên lãnh thổ này, và lực lượng an ninh trong đó có quân đội có quyền can thiệp để thiết lập hay ổn định trật tự. Hiện nay quân đội Ukraina đã được Quốc hội trao thêm quyền lực.

Kevin : Tôi có cảm giác Arseni Iatsenioul là ứng viên ưa thích của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, trong cuộc nói chuyện riêng với đại sứ bị công bố (trong đó có câu nói nổi tiếng « Fuck the EU », khi đề cập đến việc ai tham gia và không tham gia chính phủ mới). Rốt cuộc quân cờ Nga đã bị thay thế bằng quân cờ Mỹ…
-         Trong cuộc đối thoại bị ghi âm hôm 6/2, Victoria Nuland nói với đại sứ Mỹ ở Kiev là Geoffrey Pyatt « Tôi không nghĩ rằng Kiltschko (Vitali Kiltschko, cựu võ sĩ quyền Anh, một trong những lãnh tụ biểu tình ở Maidan) sẽ tham gia chính phủ. Tôi cho là Iatseniouk là người có kinh nghiệm về kinh tế, kinh nghiệm điều hành ».

Những người biểu tình chống Ianoukovitch trước trụ sở Quốc hội ở Kiev ngày 27/02/2014.
Mathieu : Việc truất phế tổng thống Ukraina có hợp pháp hay không ? Nếu có theo luật Ukraina, vì sao lại không hợp pháp theo luật quốc tế ?
-         Châu Âu và Hoa Kỳ đã công nhận sự thay đổi này qua việc bỏ phiếu của Quốc hội Ukraina. Ngược lại Nga vẫn coi đây là một vụ đảo chính : có một sự đối nghịch về tính chính danh sẽ không được các định chế quốc tế phân xử và còn kéo dài. Châu Âu chắc sẽ không thay đổi ý kiến, nhưng một giải pháp chuyển tiếp về ngoại giao sẽ phải được tìm ra.

Tom : Nga có khả năng làm điều tương tự như ở Grudia năm 2008 tại Crimée ?
-         Nga có các phương tiện quân sự : đã có Hải quân tại chỗ, và hơn nữa các lợi ích sống còn ở Ukraina nổi rõ hơn tại Grudia. Nhưng về mặt ngoại giao, can thiệp quân sự không giải quyết được gì. Hiện nay Nam Ossétie và Abkhazie chỉ có mỗi mình Nga công nhận, và sáu năm qua vẫn không hiện hữu hợp pháp đối với cộng đồng quốc tế. Tương tự, Transnistrie ở biên giới tây nam Ukraina trên thực tế đã tách khỏi Moldavia vào đầu thập niên 90, và tình hình tại đây vẫn chưa được giải quyết.

Gou : Vẫn không có tin tức gì về việc Ianoukovitch đang ở đâu ?
-         Không có thông tin cụ thể nào. Một doanh nhân Nga do hãng tin tư nhân RBK dẫn lời nói rằng trông thấy cựu tổng thống Ukraina tại ngoại ô Matxcơva, nhưng phát ngôn viên của Vladimir Putin cải chính.


Tại Simferopol, đặc phái viên Le Monde cho biết các cửa hàng trong thành phố đều đóng cửa. Trên đường phố người thưa thớt hẳn, chủ yếu là các dân quân thân Nga. Sau các vụ đụng độ hôm qua giữa người Tatar và những người ủng hộ Nga, không trông thấy người Tatar nào trong thành phố. 

Cảnh sát hiện diện nhưng tình trạng khẩn cấp do Kiev tuyên bố khó thể nhận ra : lực lượng an ninh cố ngăn cản mọi xung đột nhưng không muốn tái chiếm trụ sở nghị viện, hiện vẫn nằm trong tay những kẻ vũ trang đã thượng cờ Nga.

Theo thông báo mới nhất (vào lúc 17g30 Paris) từ các hãng tin Nga: Cựu tổng thống Ianoukovitch sẽ họp báo vào 17 giờ địa phương (13 giờ GMT) ngày mai, thứ Sáu 28/02/2014 tại Rostov trên sông Đông, thành phố Nga gần biên giới Ukraina, cách « căn cứ địa » Donetsk của Ianoukovitch 200  km.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.