mardi 17 décembre 2013

Sự đào tẩu của « hoàng gia » Bắc Triều Tiên

Kim Jong Nam (ngồi, ngoài cùng bên phải), người con trai lớn thất sủng của Kim Jong Il.
(Courrier International 12-18/12/2013) Cũng giống như những người dân Bắc Triều Tiên khác, nhiều người thân của Kim Jong Un phải sống lưu vong ở nước ngoài.

Gần 25.000 người tị nạn Bắc Triều Tiên hiện đang sống tại Hàn Quốc, tức cứ 1.000 người thì có 1 người tị nạn, vì tổng dân số Bắc Triều Tiên là 24,7 triệu người. Nếu người ta thường xuyên phát hiện được các điệp viên trong số này, thì đó là một hậu quả của lượng người tị nạn đông đảo. Thực ra dù được đào tạo kỹ lưỡng đến đâu, một nhân viên tình báo cũng khó thể giấu được tông tích khi phải đối chất với một người đồng hương.

Một nguồn tin tình báo Hàn Quốc cho biết : « Nếu một người tị nạn nói rằng anh ta đến từ làng này hay làng nọ, khu phố này hay khu phố kia, người ta sẽ tìm kiếm một người khác đã từng sống tại đó và luôn luôn tìm ra ít nhất một người. Nếu người đó là gián điệp, anh ta sẽ không thể đối phó được với một cuộc thẩm vấn gắt gao ».

Gia đình Bắc Triều Tiên có số thành viên đang sống lưu vong đông đảo nhất có thể là…gia đình của lãnh tụ Kim Jong Un.
Báo chí Hàn Quốc mới đây đã tiết lộ dì ruột của Kim Jong Un là bà Ko Yong Suk - em gái út của mẹ Jong Un là bà Ko Yong Hi, đã tị nạn tại Hoa Kỳ vào khoảng năm 1998. Bà đã chăm sóc cho Kim Jong Un lúc anh ta đang học tại Berne, Thụy Sĩ (1996-2001), tại đây bà Ko Yong Suk và chồng có tư cách nhà ngoại giao.

Được đưa ra khỏi Bắc Triều Tiên với sự hỗ trợ của CIA, được giải phẫu thẩm mỹ, hai vợ chồng sống tại Mỹ và được hưởng chế độ bảo vệ dành cho các nhân chứng. Được áp dụng cho các nhân vật bị đe dọa, chế độ này đảm bảo bí mật toàn bộ các thông tin cá nhân. Người ta có thể sống tại California và có một số điện thoại mang mã số New York, thậm chí cảnh sát cũng không biết được tông tích thực sự.

Anh của bà Ko Yong Hi là Ko Tong Hun, tức cậu ruột của lãnh tụ Bắc Triều Tiên, cũng tị nạn tại một nước châu Âu vào đầu thập niên 2000. Mẹ Kim Jong Un rất bực tức trước việc anh chị em trong gia đình mình bỏ trốn, gọi họ là những kẻ phản bội. Bà thề sẽ tìm ra được và trừng trị họ, nhưng bà đã qua đời tại Pháp vào năm 2004, nơi bà sang điều trị bệnh ung thư.

Những thành viên của « hoàng tộc » đã rời Bắc Triều Tiên là Song Hye Rang, chị ruột của Song Hye Rim – người yêu đầu tiên của Lãnh tụ kính yêu Kim Jong Il – và các thân nhân của bà. Kim Jong Il đã làm Song Hye Rim phải ly dị chồng mình và có với ông ta con trai đầu Kim Jong Nam năm 1971. Nhưng chỉ vài năm sau đó, Kim Jong Il gặp gỡ cô vũ công Ko Yong Hi, người đã rời Nhật Bản để đến Bắc Triều Tiên.

Trở nên trầm cảm, Song Hye Rim tự an ủi với những chuyến đi các nước phương Tây với em gái và những người thân. Báo chí Hàn Quốc nói rằng tháng 2/1996 bà được chấp nhận tị nạn chính trị, nhưng không nói rõ tại nước nào. Đến cuối tháng 7/1996, tình báo Hàn Quốc và Nga cho biết bà Song Hye Rim có mặt tại Matxcơva, và không hề có ý định lưu vong. Ngược lại, em gái bà cùng với các con là Yi Han Yong và Yi Nam Ok, đã đi sang Hàn Quốc và các nước phương Tây (Yi Han Yong tị nạn tại Hàn Quốc năm 1982 và bị ám sát năm 1997, có thể là do tình báo Bắc Triều Tiên).

Đầu năm ngoái, người ta đã bị mất dấu Kim Jong Nam, con trai lớn của Kim Jong Il, vốn sống ở Macao và Singapore. Có thời tên của Jong Nam đã được nêu ra như người kế vị cha, nhưng rốt cuộc đã bị thay thế bởi người em khác mẹ trẻ tuổi là Kim Jong Un, và vì vậy đã bị mất tất cả các quyền hành trong chế độ. Ông ta tự đặt mình vào một tình thế tế nhị khi chỉ trích chế độ độc tài cha truyền con nối trước báo chí ngoại quốc.

Một số thành viên của « hoàng gia » phải lang thang ở nước ngoài, mà không thể trở lại Bình Nhưỡng. Đó là hai người em trai và một em gái  cùng cha khác mẹ của Kim Jong Il (đều là con của Kim Il Sung và bà Kim Song Ae). Những người này khi Kim Jong Il trở thành thái tử kế vị, đều bị loại ra ngoài trung tâm quyền lực. Người em trai, Kim Pyong Il là đại sứ tại Ba Lan. Em gái, Kim Kyong Jin sống tại Áo từ hai mươi năm qua, chồng bà là đại sứ tại nước này. Em trai còn lại là Kim Yong Il cũng là nhà ngoại giao ở nước ngoài, đã qua đời năm 2005 ở tuổi 45 vì bệnh.

Về phía Bình Nhưỡng thì đả kích những người tị nạn Bắc Triều Tiên, nói họ là « rác rưởi của nhân loại, đã phản bội Tổ quốc và Đảng ». Chế độ cũng đã từ chối sự hiện diện của đại biểu Hàn Quốc Cho Myong Chol gốc miền Bắc trong đoàn đại biểu vừa mới đến đặc khu kinh tế Kaesong trên đất Bắc Triều Tiên.


Còn các thành viên « hoàng tộc » xin tị nạn chính trị trong thế giới phương Tây thường được nhiều cơ quan tình báo khác nhau bảo vệ. Sự đào thoát của những người hiểu biết hơn ai hết về cuộc sống riêng tư của các lãnh đạo Bắc Triều Tiên và cơ chế vận hành của chế độ rốt cuộc đã gây ra một số xáo động trong giới lãnh đạo nước này, và cái chính quyền non trẻ của Kim Jong Un chắc hẳn không thể tránh khỏi.

2 commentaires:

  1. Gieo gì gặt nấy .hãy đợi đấy sẽ có ngày phán xét .

    RépondreSupprimer
  2. ở việt nam cũng như vậy nè. sao không có ai viết về việt nam cả hết chơn vây

    lioa
    on ap standa
    on ap

    RépondreSupprimer

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.