Hôm qua
12/11/2013 Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
(HRC) cùng với Trung Quốc, Nga, Cuba, Ả Rập Xê Út, cho dù nhiều tổ chức
phi chính phủ phản đối. Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bầu thêm 14 ghế
trong số 47 ghế của Hội đồng Nhân quyền. Các thành viên của Hội đồng có
nhiệm kỳ ba năm, và không thể được bầu lại ngay sau hai nhiệm kỳ liên
tiếp.
Lần này Việt Nam đã được bầu với 184/192 phiếu cùng với Trung
Quốc, Cuba, Nga, Ả Rập Xê Út, Pháp, Anh, Nam Phi, Algérie, Maroc,
Namibia, Maldives, Macedonia và Mehico.
Hội đồng Nhân quyền sẽ hoạt động từ ngày 1 tháng Giêng năm tới, sẽ là
một trong những Hội đồng chia rẽ nhất kể từ khi tổ chức này được thành
lập vào tháng 3/2006. Mục đích của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là
« đề cập đến tình hình vi phạm nhân quyền và đưa ra những khuyến cáo ».
Bà Peggy Hicks thuộc tổ chức Human Rights Watch nhấn mạnh : « Với
sự trở lại của Trung Quốc, Nga, Ả Rập Xê Út và Cuba, những người bảo vệ
nhân quyền tại Hội đồng năm tới sẽ có nhiều việc phải làm. Những nước
thực sự quan tâm đến việc thúc đẩy nhân quyền sẽ phải tăng gấp đôi nỗ
lực ».
Richard Gown, giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế của New York University nhận định : « Từ
khi thành lập, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã tiếp nhận khá
nhiều chế độ trấn áp. Cách đây vài năm, không ai quan tâm đến các cuộc
bầu cử này. Nhưng Hội đồng Nhân quyền đã tỏ ra tích cực một cách bất
thường trong phong trào Mùa xuân Ả Rập, và đã thông qua một loạt các
nghị quyết lên án chế độ Syria, trong khi Hội đồng Bảo an bị Nga và
Trung Quốc trói tay ».
Matxcơva và Bắc Kinh đã ba lần sử dụng quyền phủ quyết trước các nghị quyết của Hội đồng Bảo an về Syria.
Ông nhấn mạnh, Nga ,Trung Quốc cùng với Cuba và Việt Nam có thể sử
dụng chiếc ghế ở Hội đồng Nhân quyền để phản đối lại các nghị quyết mới
chỉ trích Bachar Al Assad. Ngược lại, Ả Rập Xê Út « muốn đả kích Syria gay gắt hơn ».
Không có quốc gia nào có quyền phủ quyết tại Hội đồng Nhân quyền, một đa số « có thể đạt đến những kết quả cụ thể » ở Genève – bà Peggy Hicks nhấn mạnh. Còn đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc Gérard Araud cho biết : « Chúng
tôi sẽ tiếp tục hành động để Hội đồng Nhân quyền quan tâm đến những
cuộc khủng hoảng hiện nay, nhất là ở Syria, Trung Phi, để xúc tiến và
bảo vệ nhân quyền ».
Đối với Việt Nam, việc trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp
Quốc sẽ có tác động như thế nào ? RFI Việt ngữ đã đặt câu hỏi với nhà
bình luận Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh.
RFI : Thưa anh, việc Việt Nam vào được Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, theo anh là một tín hiệu lạc quan hay bi quan ?
Nhà bình luận Phạm Chí Dũng : Tất nhiên là lạc quan
đối với Nhà nước Việt Nam rồi. Tôi nghĩ là Nhà nước không mấy hy vọng
được lọt vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, với tỉ lệ rất cao như
vậy : 184/192 quốc gia đồng ý. Một tỉ lệ chỉ có thể so sánh với việc bầu
bán trong Quốc hội hoặc Chính phủ Việt Nam mà thôi.
Chắc chắn là Nhà nước Việt Nam sẽ coi đây là một thắng lợi chính trị,
thắng lợi ngoại giao trên trường quốc tế, điều mà Việt Nam chưa từng
đạt được từ năm 2006 khi thành lập Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Còn bi quan là chắc chắn, đối với những tổ chức quốc tế hoạt động về
nhân quyền. Chẳng hạn như tổ chức Nhân quyền Quốc tế HRW, tổ chức Ân xá
Quốc tế và một số tổ chức khác, kể cả Văn bút Quốc tế mà báo Nhân Dân
vừa phê phán trong bài nhận định hôm qua và hôm nay.
Đó là những tổ chức đã đưa ra hàng loạt dẫn chứng về tình trạng vi
phạm nhân quyền tại Việt Nam, nhưng cuối cùng thì họ thất vọng. Lãnh đạo
một tổ chức nhân quyền quốc tế cũng đánh giá đây là một cú giáng nặng
đối với vấn đề nhân quyền.
RFI : Còn đối với những người đấu tranh đòi dân chủ trong nước thì tình hình sẽ như thế nào theo anh ?
Theo cảm nhận của tôi thì đây là một điểm mốc liên quan tới vấn đề
dân chủ và nhân quyền của Việt Nam. Một điểm mốc với một độ mở chính
trị, độ mở dân chủ, được tác động bởi quốc tế chứ không phải do chính
các lực lượng dân chủ trong nước quyết định. Đây là một tín hiệu hé mở
sự lạc quan, và độ mở ở đây tôi nghĩ là sẽ thêm được khoảng mười phần
trăm nữa, cho một lộ trình dân chủ nào đó.
Độ mở đầu tiên vào lúc cuộc gặp của ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch
nước Việt Nam với Tổng thống Barack Obama vào tháng 7/2013. Sau đó như
mọi người đều biết, đã diễn ra hai sự kiện nho nhỏ : thả hai blogger
Phương Uyên và Đinh Nhật Uy – cả hai đều nhận án treo. Nhưng điều đó
cũng chưa nói lên được điều gì lớn.
Vấn đề lớn nhất là chỉ năm ngày trước khi đưa lên bàn bỏ phiếu của
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Nhà nước Việt Nam đã lần đầu tiên
chính thức đặt bút ký tên vào Công ước quốc tế về chống tra tấn. Đó là
một Công ước mà Nhà nước Việt Nam đã nhiều năm không thấy mình có liên
quan, và mặc dù được sự thúc giục, nhắc nhở của nhiều tổ chức nhân quyền
quốc tế cũng như Liên Hiệp Quốc nhưng Việt Nam vẫn lần lữa trong việc
ký tên.
Kỳ này Việt Nam đã chính thức ký. Điều đó cho thấy dù sao, trong
chừng mực nào đó Nhà nước Việt Nam vẫn thấy mình có trách nhiệm tuân thủ
những Công ước quốc tế, sau khi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và
chính trị ký từ năm 1982 thực tế chưa có nhiều nội dung được tuân thủ.
Thậm chí tôi còn nghĩ nếu sớm là năm 2014 và chậm nhất là đến năm
2015 sẽ có những nhân vật đấu tranh dân chủ người Việt ở hải ngoại có
thể trở về nước một cách bình yên. Kể cả những nhân vật bị Nhà nước Việt
Nam coi là « chống Cộng » vẫn có thể trở về Việt Nam để sinh hoạt với
những người thân của mình.
RFI : Như vậy anh cho là Nhà nước Việt Nam sẽ nới tay hơn với những người đối lập ?
Tôi cho là sẽ ít hoặc không có sự bắt bớ. Rất hạn chế bắt giam những
nhân vật đối lập mới, nếu có chăng nữa thì sẽ chỉ diễn ra như vào tháng
10 và tháng 11 năm nay thôi. Tức là câu lưu một số nhân vật mà Nhà nước
cho là quá khích, nhưng chỉ trong vòng 24 tới 36 tiếng đồng hồ rồi sau
đó thả ra, chứ không phải bắt giam rồi đưa vào quá trình tố tụng hình sự
rồi xét xử như đã liên tục xảy ra đối với các nhân vật đối lập trong
năm 2011 và 2012.
Theo tôi đó là một tín hiệu có sự tác động của cộng đồng quốc tế, đặc
biệt là của Hoa Kỳ, của phương Tây, tất nhiên là cũng kèm theo những
điều kiện của nó. Khi tham gia vào Hội đồng Nhân quyền rồi thì cánh cửa
cũng đang mở ra rất lớn đối với Việt Nam trong Hiệp định đối tác kinh tế
xuyên Thái Bình Dương, vấn đề là có tận dụng được hay không.
RFI : Phản ứng trong nước ra sao, đặc biệt giới nhân sĩ trí thức đón nhận cái tin này như thế nào ?
Vẫn tương đối im ắng. Tôi chưa nhận ra một phản ứng tích cực đặc biệt
nào, cũng chưa thấy những sắc thái hồ hởi trên khuôn mặt của những
người vẫn lo nghĩ về vận mệnh, tương lai của đất nước và với tiến trình
dân chủ. Có lẽ họ vẫn còn hoài nghi.
Họ cho là nếu như từ năm 1982 Việt Nam đã ký Công ước quốc tế về các
quyền dân sự và chính trị và gần như không làm gì cả, thì việc ký kết
Công ước quốc tế chống tra tấn gần đây và tham gia vào Hội đồng Nhân
quyền Liên Hiệp Quốc cũng chẳng qua là hoạt động mang tính chất hình
thức mà thôi. Ký là một chuyện, còn làm là một chuyện khác.
Nhiều người nghi ngờ rằng tình hình sắp tới vẫn chưa có gì thay đổi
cả. Nhưng riêng cá nhân tôi thì vẫn cảm nhận là có một sự thay đổi thầm
kín trong đó, và dù sao cũng có một độ mở nhất định, ít nhất là sẽ ít có
hoặc là không có bắt bớ. Và những người hoạt động dân chủ vẫn có thể
làm được một cái gì đó mà không đến mức chịu rủi ro cao như những năm
trước.
RFI : Xin cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.