Bên dòng sông Áp Lục, biên giới Trung-Triều. |
Bắc Triều Tiên, 9 năm để thoát khỏi địa ngục
Chương 6 :
« Kogebi » - Nỗi nhục (2)
Kể từ mùa xuân, cả ba mẹ con tôi sống như những kẻ lang thang,
nhiều tuần lễ không thể tắm rửa. Những con chí cắn xé trên đầu, và hai chị em
tôi bắt chí cho nhau, như bọn khỉ. Mỗi tối cần phải tìm được một chỗ trú thân
để ngủ qua đêm, tránh những cơn mưa ẩm ướt làm cho mùa hè mù sương.
Khi màn đêm buông xuống, lúc những người bán hàng đã dọn về,
chúng tôi nép vào một mái hiên phát hiện được ở ngõ vào chợ. Nhưng thường thì
một nhân viên nào đó đến đuổi đi, thế là mẹ con tôi đành phải co ro ở những gầm
cầu thang xung quanh. Mùi từ các nhà vệ sinh ở hành lang xông lên nồng nặc,
nhưng ít nhất chúng tôi có được một chỗ trú, cho đến lúc những người gác-dan
lại xua đuổi. Phương án cuối cùng, khi đã bị đuổi xua khắp chốn : ngủ dưới
gầm cầu.
---
Khi mưa ngừng rơi, mẹ dẫn chị em tôi vào rừng ngủ dưới trời sao.
Như vậy còn tốt hơn, tránh xa được những cái nhìn ngờ vực. Nhất là chúng tôi có
thể tắm rửa ở những thác nước, để tống khứ lớp cáu ghét dày cộp. Với lại có thể
tiết kiệm thời gian, vì ở ngay nơi làm việc ! Thực tế, việc kiếm củi đã
trở thành phương tiện kiếm sống chủ yếu của chúng tôi.
Mỗi buổi sáng, ba mẹ con bắt đầu cái công việc mà tôi rất ghét.
Không có dụng cụ, nên chúng tôi phải dùng tay trần, dốc hết sức lực bẻ các cành
ra khỏi thân cây. Thật là mệt nhọc, trong khi kết quả thì rất tệ vì trên các
dãy hàng ngoài chợ, những bó củi của chúng tôi trông thảm hại so với củi của
những người cạnh tranh, được cưa rất ngọt. Hiếm khi chúng tôi kiếm được trên
mười hay mười lăm won.
Để cải thiện tình hình, mẹ nghĩ ra được một cách. Bà để tôi, đứa nhỏ nhất nhà đứng sau quầy hàng. Cái dáng gầy còm và vẻ mặt thê lương của tôi khiến người mua thương hại, không nỡ trả giá nhiều với một con bé trông khốn khổ như thế.
Để cải thiện tình hình, mẹ nghĩ ra được một cách. Bà để tôi, đứa nhỏ nhất nhà đứng sau quầy hàng. Cái dáng gầy còm và vẻ mặt thê lương của tôi khiến người mua thương hại, không nỡ trả giá nhiều với một con bé trông khốn khổ như thế.
---
Mỗi ngày, lại phải xuống chợ rồi lại trở lên núi, bao tử thường
trống rỗng. Một buổi chiều nọ, tôi không còn chịu đựng được. Mớ củi nặng xé đôi
vai, tôi đã kiệt sức và từ chối không chịu bước thêm một bước nào nữa. Mẹ tôi
bảo :
-
Chúng ta phải xuống núi bán số củi này trước khi trời tối.
Tôi vẫn không nhúc nhích. Mẹ bực mình nói :
-
Thế thì mặc kệ con vậy, cứ ở lại đây đi. Mẹ và chị tiếp tục đi
đây !
Tôi nhìn theo bóng hai người xa dần trong rừng rậm, và thả mình
xuống đất. Đã nhất định rồi, tôi sẽ qua đêm tại đây, một mình trên núi. Tôi chỉ
vừa được mười hai tuổi.
Bất chợt bóng tối bao trùm lên tôi, khiến ngay lập tức tôi phải
hối tiếc quyết định của mình. Tiếng gió xào xạc thổi qua cành lá làm tôi sợ
hãi. Tôi tin rằng có ai đó đang tiến lại gần, hay thấy những bóng đen di chuyển
sau những thân cây. Để tự trấn an, tôi nút chặt lấy tai và nhắm mắt lại.
Không thể nào ngủ được. Tôi đành mở mắt ra và tập trung chú ý
vào bầu trời trên cao. Ánh trăng sáng tuyệt vời chiếu lung linh khu rừng, xuyên
thấu những đám mây. Để chạy trốn những ám ảnh của rừng đêm, tôi ngắm nghía
những cụm mây êm ái như bông. Dần dà tôi nhận ra một vài hình dáng kỳ lạ. Ô
kìa, một con rồng ! Ơ, có một « thằng người » đằng kia…Tôi thích
thú, dần quên đi nỗi sợ. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy một vòm trời đẹp như thế.
Rồi giấc mơ mang tôi đi như một em bé.
Buổi sáng thức dậy, vẫn một mình, tôi cảm thấy khoan khoái. Rồi
tôi nghe có tiếng bước chân. Mẹ và chị Keumsun xuất hiện trong rừng. Mừng ơi là
mừng ! Và nhất là hai người không trở về tay không : mẹ đã mua tteok, loại bánh đúc làm bằng bột gạo
hấp chín. Niềm ao ước thầm kín của tôi đã trở thành hiện thực, chúng tôi cùng
thưởng thức và tôi chưa bao giờ trải qua một đêm tuyệt vời như thế !
***
Ở Rajin, thời tiết chi phối cuộc sống hàng ngày của chúng tôi,
theo đó mẹ tôi thích ứng các hoạt động mưu sinh. Sau một trận bão biển, chúng
tôi ra bãi cát thu thập những sợi rong dài tấp vào bờ, nấu món súp thật ngon để
đem ra chợ bán. Trên bến cảng, tôi tìm nhặt những con cá bị ngư dân vứt đi. Một
buổi chiều, gần một kho hàng, mùi táo bỗng xông lên mũi. Khi tìm tòi, tôi phát
hiện ra hẳn một sọt táo đã bị hư một phần, bị các nhà buôn Trung Quốc bỏ lại. Tôi chọn lấy
những quả còn nguyên và chiều hôm đó chúng tôi tha hồ đánh chén.
Nhưng cuộc sống kiểu này làm mẹ con tôi kiệt sức. Mùa hè bắt đầu
kết thúc, sương mù ẩm ướt nhường chỗ cho bầu trời xanh mênh mông với những đám
mây khổng lồ. Ở Triều Tiên, người ta nói rằng bầu trời mở rộng ra vào tháng
Chín. Tôi mừng sinh nhật mười hai tuổi ngoài đường phố, và chúng tôi vẫn không
có hy vọng gì cho tương lai.
Một hôm, tôi quen một thằng bé kogebi. Chúng tôi nói chuyện trên hè phố và nó cho tôi biết các
mánh khóe.
-
Bọn tao ăn cắp ! Kiếm được khá bộn, đặc biệt là bắp cải.
Đôi khi bọn tao thu được cả năm trăm won chỉ trong một lần đi ăn trộm !
Tôi hiểu ngay là tốt nhất chúng tôi nên thay đổi hoạt động.
Những lần lên xuống núi liên tục, những cố gắng thảm hại để bứt lấy vài cành
cây, những mớ củi nhỏ nhoi đem bán làm mẹ con tôi kiệt lực mà vẫn không kiếm
được bao nhiêu. Thôi thì mặc kệ chuyện đạo đức : nếu muốn thoát khỏi tình
trạng hiện nay thì cần phải có một ít tiền.
Thế là đến lượt chúng tôi bắt đầu đi ăn trộm. Rau quả, bắp cải,
bắp…vặt trộm được lén lút mang bán ngoài chợ. Công việc này giúp chúng tôi để
dành được một ít tiền, nhưng lại nhiều rủi ro. Một buổi sáng, khi đang bứt vài
củ khoai tây trên cánh đồng, mấy người nông dân bỗng xuất hiện. Chúng tôi bị
bắt quả tang. Mẹ tôi van nài họ tha cho, nhưng họ không thèm nghe và đánh đập
bà dữ dội ngay trước mắt chị em
tôi. Chị Keumsum và tôi hoảng sợ, chờ đợi đến lượt mình. May
thay, họ không dám đụng đến chúng tôi - hai chị em quá còm cõi…Họ cũng không
giao chúng tôi cho công an. Tóm lại, chúng tôi đã thoát nạn.
---
Sau chuyến phiêu lưu này, mẹ tôi đau đầu suy nghĩ tìm phương
cách ít rủi ro hơn để sống còn. Bà mơ khởi đầu một chuyện làm ăn nho nhỏ bằng
cách hợp tác với cô em út. Thế là vào mùa thu, mẹ gởi tôi đi « công
tác » ở Chongjin, với năm trăm đồng won trong túi. Cả một gia tài vào thời
đó ! Với số tiền này, người ta có thể mua được đến mười ký bắp. Tôi phải
thuyết phục dì út đến chỗ chúng tôi. Nếu dì từ chối, mẹ yêu cầu tôi ở lại
Chongjin vì bà không còn nuôi nổi tôi ở Rajin.
***
Tôi đi xe lửa một mình. Không còn sợ hãi, tôi đã trở nên chai
lì. Dì rất vui vẻ đón tôi, và nhờ số tiền năm trăm won mang theo, hai dì cháu
có thể mua được rất nhiều thực phẩm. Tôi dần dà gợi ra dự định của chúng tôi.
Trước tiên dì tỏ ra sợ hãi, rồi người em gái được mẹ tôi thương nhất bắt đầu
suy nghĩ. Quan hệ của dì với chồng không tốt, hai vợ chồng thường xuyên cãi cọ…
Hai ngày sau đó, cả hai dì cháu đã có mặt trên sân ga chờ đợi
chuyến tàu đi Rajin-Sonbong, khá êm ả vì không ai biết chuyện dì bỏ đi. Nhưng
bất chợt trong đám đông ở nhà ga, chúng tôi nhận ra chồng của dì đang chạy đôn
chạy đáo tìm kiếm. Chúng tôi nhanh chóng tìm chỗ trốn, tim đập thình thịch.
Khuôn mặt dì tỏ rõ vẻ hoảng sợ. Dì do dự, rồi con tàu đã đến.
Vào lúc lên
tàu, dì út tôi lùi lại một bước.
-
Cháu biết đó, dù sao thì dì cũng có một người chồng và hai đứa
con, không thể bỏ chồng con lại được.
Tôi không có cách nào để níu kéo dì, bà đã chọn lựa như thế. Tôi
đành nói với dì :
-
Nếu dì đổi ý, hãy đến với mẹ cháu ở Rajin. Hẹn gặp tại nhà
ga ! Mấy mẹ con luôn quanh quẩn ở đó…
Con tàu chuyển động, và tôi phải ra đi một mình. Cho đến ngày
hôm nay, khung cảnh này vẫn còn ám ảnh tôi. Tôi không bao giờ còn có được tin
tức gì về dì tôi nữa, cũng như những người thân còn lại trong gia đình. Dì vẫn
còn sống ở Chongjin, hay đã bị chết đói ?
Hơn nữa, một nỗi nghi ngờ khủng
khiếp vẫn đeo đuổi tôi. Khi nói rằng dì luôn có thể đến tìm chúng tôi ở Rajin,
tôi đã ngầm hứa hẹn là dì có thể trông cậy vào mẹ con tôi. Nếu dì đến tìm chúng
tôi như đã hẹn ở trước nhà ga mà không thấy ai thì sao ? Tôi chẳng bao giờ
biết được, vì một tháng sau đó, chúng tôi đã đi khỏi hẳn Rajin.
Khi tôi trở lại, mẹ tôi đã cân nhắc cặn kẽ vấn đề : không
còn có tương lai nào cho chúng tôi ngay trên đất nước của chính mình. Giá băng
mùa đông bắt đầu đổ xuống thành phố, sắp tới trời sẽ rất lạnh, khó thể sống sót
ngoài đường. Nhưng cái lạnh mang đến cho chúng tôi cơ hội cuối cùng : dòng
sông Đồ Môn sẽ đóng băng và trở nên cứng như đá.
Mời đọc lại:
Chương 6 : « Kogebi » - Nỗi nhục (1)
Mời đọc lại:
Chương 6 : « Kogebi » - Nỗi nhục (1)
Cám ơn Thụy My một lần nữa nha. Mỗi lần đọc là mỗi lần được tiếp thêm sức mạnh...
RépondreSupprimerCảm ơn Thụy My, chờ bài tiếp theo của bạn
RépondreSupprimerbạn cho mình link của bản gốc bằng thứ tiếng gì cũng được. Mình đọc chứ chờ bạn dịch lâu quá, suốt gần 2 năm không xong
RépondreSupprimerThành thật xin lỗi bạn vì công việc chính của Thụy My cũng đã nhiều rồi, với lại không nghĩ bạn lại kiên nhẫn đến thế. Trước hết xin cảm ơn bạn, sẽ dịch tiếp. Thứ nữa là không hề có link vì là sách có bản quyền, vừa dịch vừa ngại vi phạm tác quyền đó bạn. Hôm nào sẽ tìm cách liên lạc với tác giả, nếu được phép mới dám dịch toàn bộ các chương. Mà thật ra cũng đã dịch khoảng 1/3 sách rồi đó bạn à.
Supprimer