Vừa qua
dư luận đã dậy sóng trước việc nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, khi trả lời một tờ
báo mạng đã có những nhận xét thẳng thắn về một số ca sĩ nổi tiếng tại
Việt Nam hiện nay. Một ca sĩ bị chạm tự ái đã phản bác mạnh mẽ. Nhưng
điều đáng chú ý là sau đó trên báo chí chính thức cũng như trên các mạng
xã hội, hầu hết là những tiếng nói ủng hộ những lời nói chân thành của
người nhạc sĩ đã có nhiều năm trong nghề, trong khi các ca sĩ được ông
đề cập có lượng fan hết sức đông đảo.
RFI Việt ngữ đã đặt câu hỏi với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cách đây
vài hôm, trong lúc các diễn đàn tràn ngập những bài viết về sự kiện này.
RFI : Kính chào nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, rất cảm ơn ông đã nhận lời trao đổi với RFI. Thưa nhạc sĩ, vì sao vừa rồi ông đã lên tiếng ?
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 : Đúng ra thì
tôi là một nhạc sĩ sáng tác. Có những báo phỏng vấn là có một số ca sĩ
hát bài như thế nào, cảm nghĩ của tôi về ca sĩ bây giờ…Thì tôi cũng có
nói là đứng trên phương diện cá nhân riêng tôi, có nhiều ca sĩ nổi
tiếng, nhưng khi hát bài của tôi thì không diễn tả hết được bài hát, rồi
lại hát bằng một phong cách khác, làm thay đổi hoàn toàn bài hát của
tôi.
Cá nhân tôi là tác giả thì tôi có quyền bày tỏ nỗi niềm của tôi là
tôi không thích, mặc dầu người đó có thể là một ngôi sao. Tôi đâu có chê
họ hát dở, hay chê họ không có tài. Mỗi người có một cái tài riêng, có
cái riêng của mình để mà có khách, có số lượng người hâm mộ, nhưng cá
nhân tôi thì tôi không bằng lòng.
Khi tôi nói như vậy là trên vấn đề xây dựng, góp ý kiến. Tinh thần mà
tôi nói đó, người viết báo viết hơi chệch một chút. Đặt cái tựa đó như
là một hình thức tôi xúc phạm tới họ, tôi khinh rẻ họ chẳng hạn. Trong
khi tôi không « chửi bới » ai hết, chỉ có lời nói chân thành của tôi
mong là nếu là hát bài của tôi được đàng hoàng thì hát, còn nếu không
hát được thì thôi. Chớ đừng có hát như vậy thì tội nghiệp cho bài hát
của tôi, và tội nghiệp cho tôi nữa !
RFI : Vì sao, thưa nhạc sĩ ?
Tại vì tôi quan niệm rằng người ca sĩ là tác giả thứ hai, sau tác giả
viết ra bài hát. Vì người ca sĩ đó chuyển tải những gì mà tác giả bài
hát đã viết ra, để đưa tới công chúng. Xong rồi còn phải qua ban nhạc
đệm nữa, phong cách đệm làm sao cho theo ý tứ bài hát. Chứ không phải
một bài hát rất trữ tình, lãng mạn rồi tự nhiên chơi nhạc xập xình vào
thì nó mất hết cái lãng mạn của bài hát đi.
Đồng thời mặc dầu giọng ca đó rất đẹp, rất là tốt, có học đàng hoàng,
nhưng mà khi hát bài của tôi nhiều khi cường điệu quá, thì đâm ra cái
trữ tình, cái dễ thương, cái tình cảm của bài hát không còn nữa. Tôi
buồn thì tôi chỉ nói lên vấn đề đó thôi, để rồi nếu người ca sĩ hay
những sao đó họ nghĩ lại chút xíu, họ hát bài tôi một cách tử tế hơn,
một cách nghiêm chỉnh hơn. Còn hoặc là họ đừng hát thì tốt hơn.
Bài hát cũng như đứa con tinh thần của tôi vậy. Khi sanh nó ra được
rồi thì ai cũng muốn con mình đẹp, khỏe, dễ thương. Rồi người ca sĩ mà
dẫn nó ra giới thiệu với khán giả thì cho nó bận đồ tử tế một chút. Đừng
có hoa hòe quá, tội nó. Tại vì nó đâu có biết gì đâu, cho nó bận cái gì
thì nó bận cái đó, thành ra nhiều khi không thích hợp. Đeo bông tai hay
vòng vàng vào đâm ra nó dị hợm đứa con tôi đi. Tôi chỉ mong nó trình
làng với bà con sao cho đẹp mắt, dễ thương, để ai nấy yêu thương nó.
Đó, tôi chỉ mong mỏi thế thôi.
Còn nếu mà anh không cho bận được áo đắt tiền thì thôi, để cho người
khác bận cho hợp hơn, họ may đẹp hơn hay là vừa ý hơn, họ trang sức cho
cái áo đẹp hơn. Tinh thần là như thế.
Nhưng rồi người viết báo lại viết khác, nhấn mạnh đến chỗ như là tôi
thóa mạ những người ca sĩ đó, đâm ra hiểu lầm. Rồi từ sự hiểu lầm đó dẫn
đến một giây phút nào đó mất bình tĩnh. Mấy người ca sĩ khác thì họ im
lặng không nói, họ hiểu tôi. Tôi vốn là một nhạc sĩ nổi tiếng hiền lành,
ít nói, mà tự nhiên giờ tôi nói một lần, tôi « phang » như vậy thì họ
cũng hiểu là vì người viết bài chuyển tải không đúng những lời tôi nói.
Chỉ riêng có một người không hiểu điều đó. Hồi đầu tôi cũng buồn, tôi
cũng bị sốc. Nhưng sau tôi nghĩ lại chắc đó là tuổi trẻ thành ra thôi,
mình cũng thông cảm, nóng nảy là chuyện thường. Nếu chừng nào bình tâm
nghĩ lại chắc cũng sẽ ghi nhận ý kiến của tôi thôi .
Tôi chỉ muốn cái đẹp cho tất cả mọi người, và người ca sĩ cũng thấy
đó là cái đẹp. Tôi cũng mong là họ hát tử tế - dòng nhạc tử tế của tôi
được người tử tế hát, cho những khán giả tử tế nghe. Tôi chỉ muốn thế
thôi.
RFI : Nếu ca sĩ được coi là tác
giả thứ hai như ông nói, đặt ví dụ như người ca sĩ đó nói rằng họ hiểu
bài hát đó như vậy nên diễn đạt như họ hiểu thì ông thấy thế nào ?
Nếu mà họ lười thì tôi chỉ yêu cầu họ đừng có hát nữa – đừng hát bài
đó nữa, tội nghiệp chú, thế thôi. Còn nếu họ tiếp tục hát như vậy thì
nếu họ có khách, người nghe họ chắc cũng không « tử tế ». Có nhiều người
chỉ cần biết là thần tượng của họ hát thôi, họ không biết đương hát bài
gì nữa ! Họ chỉ hoan hô sự có mặt của thần tượng của họ thôi - thì đó
lại là vấn đề khác rồi.
RFI : Hình như là bây giờ có nhiều giá trị giả tạo quá phải không thưa nhạc sĩ ?
Đương nhiên là tôi thấy cũng có những giá trị ảo. Giá trị thật sự là
giá trị tồn tại mãi với thời gian. Còn giá trị ảo chỉ trong một giây
phút nào đó thôi, rồi sẽ đi vào quên lãng. Thì đó, tùy theo người ca sĩ.
Thời gian làm ngôi sao của họ rất ngắn, họ chỉ muốn rồi họ hưởng an
nhàn, họ dư tiền dư bạc, họ về sống với nghề khác.
Còn những người nghệ sĩ thực thụ, tử tế, chẳng những sống với nghề mà
họ còn yêu nghề của mình, coi đó là lẽ sống của đời họ. Họ đem tiếng
hát phục vụ cho mọi người, nói lên tình cảm của mình. Đó là những người
hát tử tế, những người ca sĩ biết yêu nghề của mình.
Và những người yêu nghề thì tôi nghĩ rằng vẫn còn đó, thành ra tôi
không sợ những cái danh vọng ảo lấn lướt. Sự thật nó tồn tại mãi.
RFI : Có vẻ như làm ca sĩ bây giờ dễ hơn phải không ạ, trong khi thời trước mỗi ca sĩ đều có một phong cách rất riêng…
Đúng rồi. Tại vì hồi xưa thí dụ như Thái Thanh hát thì biết đó là
giọng hát của Thái Thanh. Khánh Ly hay là Lệ Thu, Duy Trác, Tuấn Ngọc,
Sĩ Phú…mỗi người đều có một giọng riêng của mình, nghe họ hát là biết ai
hát ngay.
Còn bây giờ giới trẻ có nhiều người hát đóng khung vào một thứ, cũng
cái kiểu hát đó, rồi hát không rõ lời. Người Việt Nam hát tiếng Việt mà
giống như người ngoại quốc hát tiếng Việt vậy đó, mình hổng biết ai là
ai hết. Có thể người này vắng, người kia thế cũng chẳng ai biết hết
trơn. Thành ra không có dấu ấn cá nhân, mà đây chỉ là bắt chước với nhau
tập thể thôi - tưởng người đó hát như thế là hay, bắt chước theo.
Trong nghệ thuật nếu mình bắt chước, tức nhiên là mình đã thua rồi,
tại vì bản photocopy không bao giờ bằng bản gốc hết. Trong ca nhạc cũng
vậy. Cứ đinh ninh là mình bắt chước « sao » thì sẽ được như « sao » –
không phải vậy đâu !
Nhưng mà « sao » ở đây là « sao » thế nào ? Có những người tự nhận
mình là ngôi sao. Có người được các cơ quan truyền thông báo chí tung hô
lên, những người bầu sô tổ chức tự quảng cáo là sao này sao nọ, thét
rồi họ tưởng họ là sao. Có những người hát hay thật, tuy không được tung
hô, nhưng mà họ vẫn là sao. Sao trong lòng mọi người chứ không phải là
sao trên sân khấu.
Tôi nghĩ mình hát không phải là mình kiếm cái « sao », mà mình hát
cho tâm hồn mình, sống với cái nghề của mình - đem tiếng hát lời ca đến
cho mọi người. Phải trân trọng, trau giồi, phải yêu nghề thì mới tiến
triển trên con đường nghệ thuật. Và lúc nào cũng cố gắng rèn luyện mình,
ngày mai phải hơn ngày hôm nay. Chứ nếu thành công xong mình đứng một
chỗ rồi vênh vênh tự đắc, ngủ quên trên chiến thắng, thì đứng đó hoài
thôi chứ không thể nào lên được nữa.
Nghệ thuật nó mênh mông lắm, không thể nào biết đâu là bờ bến, thì
làm sao mình biết là mình đã đạt đỉnh cao của nghệ thuật được ? Đó là vô
cùng khó, và cả một đời người chưa chắc đã đạt tới vinh quang của nghệ
thuật.
RFI : Ông cũng có nhận xét là trước đây nhạc sĩ sáng tác vì cảm xúc, bây giờ thì không ít người viết theo đơn đặt hàng…
Nhiều khi mình cũng phải thông cảm như thế này. Nhạc sĩ xứ nào không
biết, chứ ở Việt Nam mình nghèo lắm. Nhạc sĩ viết lên tâm tư mình thôi.
Ngoài ra có những người viết theo đơn đặt hàng, tại vì họ cần sống chứ.
Rồi khi họ viết được một, hai bài thì thấy kiếm tiền sao dễ quá, đồng
tiền làm cho họ quên đi cái bổn phận thiêng liêng của mình là sáng tác.
Bây giờ họ sáng tác không phải cho mọi người mà sáng tác cho một, hai
người nào đó. Nếu vì cái chung thì luôn tốt hơn vì cái riêng, phải không
?
RFI : Trong thị trường ca nhạc
hiện nay, dường như giọng hát của ca sĩ không còn là quan trọng nhất, mà
phải có những yếu tố khác như có vũ đoàn phụ họa chẳng hạn ?
Bây giờ thì theo « thời trang », mốt bây giờ ca sĩ hát thì phải có
múa phụ họa phía sau. Nhưng không nên lạm dụng quá. Bài nào cũng như vậy
đâm ra không còn ý nghĩa của phần múa đệm cho bài hát đó mà thành một
thứ bắt buộc, thì không còn hay nữa.
Cũng như nếu món nào cũng bỏ ớt nhiều, cay quá làm sao người ta ăn
nổi ? Phải tùy theo bài hát, tùy theo phối âm, tùy theo sân khấu để rồi
kết hợp hay là không kết hợp với màn múa cho hay hơn. Chứ không phải là
không biết màn múa đằng sau là cái gì, chỉ biết múa qua múa lại thấy đẹp
thì thôi, hết, không để lại ấn tượng gì.
Đó là sự lạm dụng, riết rồi tập cho người ta nếu ca sĩ ra hát mà
không có ban múa thì không phải « sao ». Làm cho con mắt khán giả quen
với mấy cái đó, tưởng là hát thì phải có múa, hổng có thì họ la ó.
Đó là một hình thức – xin lỗi nói cũng hơi quá – mình giáo dục cho
quần chúng đi xem thế nào là nghệ thuật. Điều đó là quan trọng, mà ít
người để ý tới. Đối với người ca sĩ cũng vậy. Ca sĩ kia hát có ban múa
mà tôi không có, bộ tôi dở hơn mấy người kia, không « có thớ » bằng mấy
người kia ? Đừng có định kiến sai lệch như thế.
RFI : Phải chăng có những ca sĩ ỷ lại vào giọng hát tốt nên không quan tâm lắm đến tình cảm, đến cái hồn của bài hát ?
Đối với tôi, những ca sĩ hát mà tôi tâm đắc là những người ca sĩ hát
bài tôi đúng với tinh thần của nó, với những gì tôi viết ra. Tôi không
quan niệm ca sĩ « lớn » hay « nhỏ ». Ví dụ cô Thái Thanh hay Lệ Thu,
Khánh Ly, Thanh Thúy…chẳng hạn thì các ca sĩ ấy cứ hát, nhưng còn có
những ca sĩ hạng B, hạng C…
Nói là hạng B, C chứ thật ra phân hạng thì kỳ lắm. Họ không có may
mắn như những người hạng A thôi. Họ vẫn hát hay, nhưng họ chưa có môi
trường, chưa có dịp để xuất hiện trước công chúng, và không có ai đưa họ
ra ánh sáng hết.
Nếu may mắn có một cơ hội lọt ra ngoài ánh sáng thì họ sẽ tỏa sáng.
Nhưng họ vẫn âm thầm hát trong những chỗ nhỏ nhoi, những phòng trà,
những quán nho nhỏ. Họ hát vẫn hay như thường. Mà tôi thấy phần đông
những ca sĩ hát ở những chỗ nhỏ như thế là những người hát có hồn nhất.
RFI : Trong thời đại điện tử này, dù đã có kỹ thuật làm cho hay hơn nhưng có lẽ vẫn phải tôn trọng người sáng tác và khán giả ?
Tôi nghĩ rằng không riêng ở Việt Nam mà tại các nước khác trên thế
giới - dòng nhạc cũ, dòng nhạc hồi xưa, lúc mà chưa có những cái văn
minh hiện đại như bây giờ - người ta hát hay hơn nhiều lắm. Vì sao ? Bây
giờ những gì hay đều là nhờ máy móc sửa chữa lại hết. Hồi xưa ca sĩ hát
thật, ban nhạc chơi thật, và người viết hòa âm cũng thật luôn.
Bây giờ toàn là thâu bài hát thì chỉ cần hát qua một lần rồi máy tự
động sửa, cao thấp tùy ý, trong veo hay trầm bổng là máy móc làm hết.
Thì họ đâm ra lười biếng, và không lao động nghệ thuật nữa.
Làm sao mà kiếm ra được những Yves Montant, làm sao kiếm được những
giọng ca như Edith Piaf, Jacqueline François, hay là Charles Aznavour ?
Không ! Mất hết rồi, không còn nữa ! Kỹ thuật nó giết chết tình cảm đi.
Kỹ thuật là con dao hai lưỡi. Nếu mình không biết sử dụng, thì nó
giết đi tình cảm con người. Nhưng nếu biết sử dụng, thì vẫn hát một cách
tình cảm, cố gắng hát cho tốt. Trừ lúc nào bịnh, yếu quá thì mình cứu
vớt bằng kỹ thuật.
Chứ còn thét rồi người ca sĩ ỷ y, thôi, tôi hát không tới thì lên
tông. Nhạc sĩ đánh cái tông này khó quá không được, thôi thì cũng đẩy
lên một cái. Đâu còn hay nữa đâu. Mà càng hiện đại chừng nào thì tâm hồn
càng mất mát.
RFI : Thưa ông, cũng có dư luận cho rằng ông không việc gì phải nói lời xin lỗi ?
Tôi xin lỗi là tại vì thế này : tôi không muốn người ta hiểu lầm tôi.
Ví dụ như tôi nói Đàm Vĩnh Hưng hát bài « Đưa em về », nếu mà hát như
vậy thì ca sĩ gọi là hạng C, đi hát lót phòng trà cũng hát được. Tại vì
những người mới hát thì muốn hát sao thì hát mà, đâu có biết gì đâu ;
cũng như mấy người mới học đọc thì đọc tầm bậy tầm bạ vậy thôi. Hát như
vậy thì đừng hát, đừng bắt tôi nghe đứa con tinh thần của tôi bị như
thế.
Cũng như cô Thanh Lam hát bài “Cô đơn” của tôi. Bài này là một sự
lắng đọng, một tình cảm nhẹ nhàng, đầy ăm ắp kỷ niệm trong đó, thì đừng
có gào thét. Mặc dầu giọng Thanh Lam rất tốt, nhưng cách thể hiện của
Thanh Lam không tốt. Khi tôi nói thế, Thanh Lam cũng hiểu được và có nói
tiếng nào đâu. Riêng Đàm Vĩnh Hưng có lẽ còn trẻ, suy nghĩ nông cạn…
Tôi nghĩ rằng khi tôi nói ra, nếu coi đó là những lời phê bình, những
gì tôi muốn gởi gấm thì tôi cám ơn. Còn nếu hiểu lầm đó là lời phỉ
báng, thì tôi xin lỗi ! Nhưng mà tôi có quyền nói lên ý kiến của tôi -
là tác giả của bài hát đó.
RFI : Có lẽ từ hôm đó đến giờ ông cũng rất mệt mỏi ?
Cái gì cũng có điểm đến, điểm đi và điểm dừng. Những việc gì đến thì
nó đã đến rồi, và bây giờ cũng đã dừng rồi. Tôi chỉ muốn nói lại một lần
chót những suy nghĩ của tôi, ý kiến cá nhân của riêng tôi. Người nào
nghe thì tôi cám ơn, không nghe tôi cũng cám ơn. Chứ không phải tôi tự
cho mình là một cây « đại thụ » như mấy nhà báo đã phong cho tôi.
Tôi sợ cái chữ « đại thụ » lắm, vì tôi đâu có là cái gì đâu ? Tự
nhiên phong cho tôi như vậy, tôi mắc cỡ lắm ! Tôi chỉ là một người nhạc
công bình thường thôi mà. Tôi chỉ nói ý kiến cá nhân của tôi, nếu ai
hiểu được, thương tôi thì thương, còn ai ghét tôi thì tôi đành chịu .
Cũng nhờ vụ này mà tôi mới biết được là có nhiều người thương thật
sự. Không phải vì tôi là nhạc sĩ nổi tiếng, hay vì tôi đàn hay, nhưng vì
tôi là một người rất thành thật, và cởi mở, hòa đồng với tất cả mọi
người. Không bao giờ muốn một người nào buồn hết, dầu người đó có sỉ vả
hay mắng tôi thì tôi cũng cười trừ thôi.
Thì mình xui thôi, ngày nào người đó hiểu là được. Tôi vẫn tiếp tục
coi những người đó là bạn đồng hành, không có gì phải trách móc, giận
hờn.
RFI : Bữa giờ có thêm những ca sĩ nào phàn nàn, trách móc gì không thưa ông ?
Không, hổng có người nào hết. May quá !
RFI : Có lẽ đây cũng là một trong những sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời làm nghệ thuật của ông ?
Đây có thể nói là lần duy nhất, và là một kỷ niệm rất là sâu sắc của
tôi, để tập cho tôi bớt cái tánh nói thẳng đi. Vì nói thẳng nhiều khi sự
thật mất lòng. Mà mình không nói thẳng thắn thì không được, khổ vậy đó !
Thì thôi đành chịu vậy chứ làm sao bây giờ, bản năng của mình trời sinh
ra như thế rồi. Nếu có mang tiếng đi nữa thì cũng chấp nhận, đành mang
tiếng thôi.
RFI : Xin rất cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 ở Thành phố Hồ Chí Minh đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.