lundi 16 avril 2012

Ván bài tẩy Miến Điện

Bài đăng : Chủ nhật 15 Tháng Tư 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 15 Tháng Tư 2012

Liên quan đến châu Á, Le Point có bài viết mang tựa đề « Ván bài tẩy Miến Điện ». Tác giả đặt câu hỏi, sau chiến thắng của bà Aung San Suu Kyi, liệu giới lãnh đạo quân sự có thực sự quay về doanh trại ?

Thông tín viên của tờ báo kể lại trường hợp của Phyu Phyu Thin, một trong số 42 thành viên của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã trúng cử vào Quốc hội, trong kỳ bầu cử bổ sung 45 ghế trống vừa qua. Người nữ y tá 40 tuổi này trước đây do ủng hộ lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi nên đã bị tập đoàn quân sự tống vào tù. Bà kể lại : « Bốn tù nhân bị nhốt trong phòng giam 9 m2, mỗi ngày chỉ được ra ngoài hai lần, mỗi lần 10 phút. Không có nhà vệ sinh, chỉ có một chiếc xô… ».


Vì sao một chế độ độc tài bỗng dưng thay đổi ? Theo Ko Ko Gyi, thuộc tổ chức Thế hệ 88 – năm diễn ra phong trào nổi dậy sinh viên, ra tù vào tháng Giêng, thì « đó là vì lý do kinh tế. Với lại Miến Điện sẽ là chủ tịch ASEAN vào năm 2014, và muốn có các đối trọng khác trước ảnh hưởng của Trung Quốc ».


Theo tác giả, thì chính quyền Miến Điện đã dùng 45 chiếc ghế đại biểu Quốc hội lần này để đổi lấy cảm tình của cộng đồng quốc tế - một cái giá không đắt, và đã thành công. Hoa Kỳ loan báo sẽ giảm nhẹ trừng phạt, còn Liên hiệp châu Âu cũng sẽ bàn bạc về việc này ngày 23/4 tới. « Chỉ có điều giới lãnh đạo Miến Điện vẫn phải đến Singapore nếu muốn mua xe siêu sang, đồng hồ hàng hiệu, không thể gởi con cái đến học ở Havard hoặc đi chơi ở Disneyland » - một doanh nhân Pháp mỉa mai.

Nhưng với vỏn vẹn 43 ghế trên tổng số 664 ghế ở Quốc hội, liệu Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ có gây được ảnh hưởng ? Làm thế nào để sửa đổi Hiến pháp – cần phải có đến 75% đại biểu ủng hộ - để tránh việc quân đội nắm quyền trở lại trong trường hợp khủng hoảng, và cản trở bà Aung San Suu Kyi ra tranh cử tổng thống ?

Theo ông Olivier Guillard, giám đốc nghiên cứu của Iris, thì « sẽ dễ gây ảnh hưởng bên trong hơn, cho dù Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ không thể thay đổi được Miến Điện trong lúc này ». Còn rất nhiều việc phải làm, trong một đất nước phong phú tài nguyên, nhưng lại thuộc hạng nghèo nhất châu Á. Bên ngoài phạm vi các thành phố, những nông dân với gánh nặng nợ nần phải làm lụng vất vả trên các thửa ruộng, sống trong những căn nhà sàn không điện nước. Tất cả đều bầu cho Daw Shu – người dân Miến Điện gọi bà Aung San Suu Kyi như thế - với hy vọng bà sẽ làm thay đổi cuộc sống của họ.

Năm nay 66 tuổi, lãnh tụ đối lập có sức khỏe kém, và người ta không biết bà có thể đại diện cho đảng mình trong kỳ bầu cử năm 2015 trong cuộc đấu tranh giành 75% số ghế còn lại trong Quốc hội hay không. Một vấn đề khó khăn nữa là xung đột ở các vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở bang Kachin. Nhưng nói chung với đa số người dân Miến Điện, Daw Shu gần như là một á thánh, và trên đôi vai gầy của bà đè nặng tương lai của cả một dân tộc.

Titanic, những giờ phút cuối


Nhân một trăm năm sự kiện chiếc tàu Titanic bị đắm, Le Nouvel Observateur dành riêng một hồ sơ mang tên « Những bí mật cuối cùng của Titanic ». Tờ báo quay lại cuộn phim những giờ phút cuối cùng của vụ đắm tàu nổi tiếng nhất lịch sử, mà cho đến nay vẫn làm mê hoặc nhiều người.

Ngày 10/04/1912 tại cảng Southampton Anh quốc, đám đông nồng nhiệt vẫy chào chiếc Titanic, du thuyền xinh đẹp và sang trọng nhất vào thời đó, nhổ neo lên đường. Thuyền trưởng Edward John Smith theo nghề thủy thủ từ năm mới 13 tuổi, và lên chức thuyền trưởng vào năm 37 tuổi, chỉ huy lần lượt các tàu Republic, Coptic, Majestic, Adriatic, Olympic, và cũng dễ hiểu khi một người nhiều kinh nghiệm như ông được chọn để điều hành chiếc Titanic trong chuyến hải hành đầu tiên. Khi các nhà báo đến phỏng vấn ông một ngày trước khi lên đường, ông đã ngạc nhiên : « Vì sao các vị muốn phỏng vấn tôi ? Nghề nghiệp tôi an nhàn cho đến nỗi tôi chưa bao giờ phải đối đầu với một trận bão ».


Ngày 14/04/1912, lúc 23g40, một thủy thủ trực nhận ra cái bóng màu sẫm một tảng băng to lớn trên đại dương. Anh kéo chuông báo động ba lần, và gọi điện báo cho thuyền trưởng : « Băng sơn ngay trước mặt ». Kíp trực cố lái tàu tránh sang một bên, nhưng chỉ không còn kịp nữa. Chỉ một phút sau tảng băng đã cứa đứt trên 60 m bề dài thân tàu, nước bắt đầu tràn vào phòng máy.
Trong một ca-bin hạng nhất, kỹ sư Thomas Andrews chưa hay biết chuyện gì đã xảy ra. Ông là người đã tham gia vẽ kiểu tàu Titanic, và lúc đó vẫn đang ghi chép một số thay đổi trong mô hình. Thuyền trưởng Smith thông báo vắn tắt tình hình và hỏi : « Chúng ta có thể chịu đựng bao lâu ? ». Andrews trả lời ngắn gọn : « Một tiếng rưỡi, hoặc có thể là hai tiếng đồng hồ nữa, không hơn ». Thuyền trưởng Smith ra lệnh ngay : « Thả các ca-nô cứu hộ xuống ! ». Có 2.200 hành khách trên chiếc Titanic, nhưng số ca-nô chỉ chở được có phân nửa.

Trên boong tàu, khi các thủy thủ thả chiếc ca-nô đầu tiên xuống, không có tình trạng hoảng loạn. Các sĩ quan bắt đầu bắn pháo hiệu cầu cứu, cứ mỗi năm phút một lần. Một sĩ quan nhận ra một chiếc tàu gần đó, bèn đánh tín hiệu morse, nhưng chiếc tàu kia lại đi xa dần. Sau này người ta biết được đó là một chiếc tàu hàng mang tên Californian, nhưng một thành viên tàu này biện minh vì tưởng là « pháo hoa » nên không dừng lại.

Các sĩ quan trên Titanic tổ chức việc sơ tán, ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em, một số cặp vợ chồng phải chia tay nhau. Đến tận 1g30 sáng 15/4, hành khách mới thực sự hoảng hốt tranh giành nhau xuống ca-nô. Hơn 40 quốc tịch khác nhau có mặt trên tàu, và chỉ có một phần tư hành khách vé hạng ba sống sót. Đến 2g20 sáng, chiếc Titanic chìm dần, một tiếng nổ vang và tất cả ánh sáng đều tắt lịm, những người còn trên boong tàu bị bắn tung lên. Những người may mắn có được một chỗ trên ca-nô không bao giờ quên được những tiếng thét của những con người bất hạnh trên mặt biển lạnh giá. Đến 4g10, chiếc tàu Carpathia cứu được khoảng 700 hành khách, và mấy ngày sau đó, các tàu khác mới đến nơi, vớt được khoảng 300 xác chết.

Những kẻ hèn nhát và những người hùng


Kẻ hèn nhát nhất trong vụ tàu Titanic chính là Joseph Bruce Ismay, giám đốc White Star Line, công ty sở hữu chiếc tàu này, và cũng có mặt trong chuyến đi khai trương. Ông ta cam đoan là mình đã lên chiếc ca-nô cuối cùng sau khi không còn ai trên boong tàu. Tuy vậy lúc đó trên tàu còn đến 1.500 người, báo chí Mỹ phẫn nộ đả kích và Ismay đã phải lẻn trở về Anh.

Còn những người hùng lại có nhiều trên tàu Titanic. Trước hết là thuyền trưởng Smith đã làm tròn nhiệm vụ cho đến phút chót : ông luôn có mặt tại vị trí để tổ chức điều hành sơ tán, và đã chết mất xác theo tàu. Nhưng ấn tượng nhất là John George Phillips, trưởng bộ phận truyền tin trên tàu. Ông đã đánh đi các tín hiệu cầu cứu không ngơi nghỉ trong suốt hai tiếng đồng hồ, cho đến khi liên lạc được với chiếc tàu Carpathia. Ông bận rộn với công việc cho đến nỗi không nhận ra việc một hành khách đã lấy trộm áo phao cứu nạn của mình. Bị hất văng khỏi tàu sau tiếng nổ, Phillips cuối cùng cũng được vớt lên sau nhiều tiếng đồng hồ trôi nổi trên mặt biển lạnh giá, nhưng sau đó ông đã chết cóng ngay trong đêm.

Trung Quốc : Xác nữ tăng giá vì « đám cưới ma »


Về Trung Quốc , Le Courrier International trích dịch bài báo trên The Economist nói về « Đám cưới người chết : Xác chết nữ tăng giá ». Tục làm đám cưới cho thanh niên nam nữ chết lúc còn độc thân có từ ba ngàn năm qua ở miền Bắc Trung Quốc, và hiện nay đang có hiện tượng đào trộm xác chết nữ để bán lại.

Nhân tiết thanh minh, nhiều gia đình có con qua đời lúc chưa kịp lập gia đình, tìm kiếm một người hôn phối cho con mình, và cái xác của đôi nam nữ sẽ được chôn cất cạnh nhau trong một buổi lễ vừa là lễ tang vừa là lễ cưới.

Bài báo dẫn ra một trường hợp hồi tháng Hai tại Hà Bắc, một thanh niên họ Lưu, 18 tuổi, chết vì bệnh tim, đã « cưới » cô Vũ, 17 tuổi, qua đời vì ung thư não. Gia đình họ Lưu đã phải trả đến 35.000 nhân dân tệ, tương đương 4.200 euro để mua cái xác cô Vũ – một số tiền đáng kể đối với một gia đình nông dân trong một địa phương mà thu nhập bình quân đầu người hàng năm chỉ có 5.000 nhân dân tệ. Hai thanh niên nam nữ chưa từng quen biết nhau lúc còn sống, đã được an táng cùng nhau. Nhưng « tuần trăng mật » của họ kéo dài không được bao lâu : ngôi mộ nhanh chóng bị đào trộm và cái xác cô Vũ được bán lại cho một « đám cưới ma » tại một tỉnh khác.

Việc buôn bán xác chết nữ khá phát đạt ở các vùng quê nghèo. Các trung gian đã đẩy giá lên 25% trong vòng năm năm gần đây, đạt đến mức 50.000 nhân dân tệ. Năm ngoái, một tờ báo đã lên án các ông chủ mỏ than giàu có đã làm cho giá tăng đến 130.000 nhân dân tệ. Năm 2010, một mạng lưới chuyên đào trộm mộ đã được phát hiện tại Hà Bắc, băng nhóm này đã đào hơn một chục ngôi mộ, thu lợi hàng trăm ngàn nhân dân tệ với những cái xác đánh cắp.

Gia đình họ Lưu đã gặp may nhờ công an sau khi bắt được bốn trong số năm thành viên của một băng trộm xác, đã trả xác chết của cô Vũ cho người chồng đầu tiên. Tin rằng do phong thủy của ngôi mộ đầu không tốt, họ đã cho xây một ngôi mộ thứ hai bằng bê-tông kiên cố để chôn lại, với hy vọng tân lang và tân giai nhân sẽ được yên ổn ở nơi an nghỉ cuối cùng.

Cộng đồng người châu Á tại Pháp bắt đầu ra khỏi bóng tối


Liên quan đến cộng đồng người châu Á tại Pháp, Le Nouvel Observateur đề cập đến một cộng đồng thiểu số trước nay vẫn thầm lặng, nay bắt đầu bước ra khỏi bóng tối và bắt đầu hoạt động tích cực hơn trong một số lãnh vực, trước hết là chính trị.

Trước đây nếu nói đến một nước Pháp đa sắc tộc, người ta chỉ nhắc đến người da trắng, da đen và người gốc Bắc Phi. Cộng đồng người châu Á luôn lặng lẽ, ít thấy trên các phương tiện truyền thông, trong điện ảnh, trong giới chính trị…Nhưng nay thì các khuôn mặt châu Á bắt đầu xuất hiện trong nhiều lãnh vực khác nhau. Từ diễn viên điện ảnh, doanh nhân cho đến chính khách, họ đều muốn có một vị trí xứng đáng trong xã hội. Khác với thế hệ cha ông chỉ tập trung vào việc mưu sinh, nay lớp trẻ gốc châu Á bắt đầu khẳng định mình.

Jean-Luc Mélenchon : Ứng viên tổng thống Pháp gây náo động


Chỉ còn một tuần lễ nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống Pháp vòng một, các tuần báo Pháp đều dành trang nhất và hồ sơ chính cho đề tài này. Tuần báo L’Epress nói về « Tiểu thuyết đen về cuộc bầu cử tổng thống ». Theo tờ báo, lẽ ra cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ phải đưa chiến dịch tranh cử năm nay lên một tầm cao, mở ra những cuộc tranh luận về nợ công, về tăng trưởng, mô hình xã hội, sinh thái…Nhưng thay vào đó lại là những đòn chơi xấu, những lời nói dối, thủ thuật tranh cử của các chính khách.

Le Nouvel Observateur chú ý đến « Mélenchon, người gây xáo động », phân tích những yếu tố trong chiến dịch tranh cử của ứng viên Mặt trận cánh tả, và đặt câu hỏi liệu ông Mélenchon có thể làm ông Hollande mất phiếu. Tuần báo Le Point điểm lại« Tình hình nước Pháp », với những con số đáng ngại cũng như các lý do để có thể hy vọng. Le Courrier International nói về « Chiến dịch tranh cử nhạt nhẽo » : ít ý tưởng mới, không có đà tiến - theo thăm dò của các báo nước ngoài, thì kỳ bầu cử lần này không khơi dậy được niềm đam mê nơi người dân Pháp.

Le Nouvel Observateur cho rằng sự thăng tiến bất ngờ của ứng viên Mặt trận cánh tả Jean-Luc Mélenchon đã làm đảo lộn trật tự của phe tả ở Pháp. Nếu ông Mélenchon về thứ ba trong vòng bầu cử đầu tiên, sau hai ứng viên hàng đầu là Nicolas Sarkozy và François Hollande, thì đây là lần đầu tiên cánh tả có được đến hai ứng cử viên trong ba người xếp hạng đầu.

Theo tờ báo, thì ý định ra tranh cử tổng thống của ông Mélenchon đã có từ lâu, thậm chí từ hai chục năm trước. Năm 2005 khi người Pháp bác hiệp ước về Hiến pháp chung châu Âu, thượng nghị sĩ đảng Xã hội Jean-Luc Mélenchon đã phát động chiến dịch chống lại một châu Âu mà theo ông là quá tự do chủ nghĩa. Sau cuộc khủng hoảng tài chính, dân chúng bất mãn trước việc các ngân hàng và các tập đoàn hàng đầu vẫn hưởng lợi nhuận khổng lồ, ông Mélenchon muốn nắm lấy làn sóng phản kháng này. Tác phẩm « Tất cả bọn họ phải biến đi ! » xuất bản tháng 10/2010, tuy bị xem là mị dân, nhưng bán rất chạy.

Nhân vật đầy cá tính này có vẻ phù hợp với giai đoạn hiện nay, và ông có một bộ sậu rất nhiệt tình, hiệu quả. Một ưu thế nữa là quá trình hoạt động của ông : trốt-kít thời kỳ hậu 1968, từng theo tổng thống cánh tả Mitterand, bênh vực cho hội Tam Điểm và chủ trương chính phủ thế tục, nay đấu tranh dưới ngọn cờ cộng sản và sinh thái…Jean-Luc Mélanchon có thể có được một lượng cử tri rộng rãi.

Chương trình tranh cử của ông có những đề nghị hấp dẫn : lương tối thiểu 1.700 euro, thanh toán 100% chi phí y tế, hợp pháp hóa toàn bộ những người không giấy tờ…nhưng phương tiện nào để thực hiện các lời hứa này ? Ứng viên Mặt trận cánh tả cho rằng ông có khả năng giải quyết tất cả. Tuy luôn ủng hộ cho một liên hiệp cánh tả, nhưng Mélanchon khẳng định, ông sẽ không tham gia một nội các nào nếu ông không phải là người lãnh đạo. Như vậy khả năng duy nhất tham gia chính phủ nếu ông François Hollande thắng cử, là Mélenchon phải làm Thủ tướng !
TAGS: BẦU CỬ - CHÂU Á - CHÍNH TRỊ - MIẾN ĐIỆN - ĐIỂM BÁO
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120415-van-bai-tay-mien-dien


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.