dimanche 29 avril 2012

Mùa xuân giả tạo ở Bình Nhưỡng

Múa tập thể tại Bình Nhưỡng mừng 100 năm ngày sinh Kim Il Sung.
Bài đăng : Chủ nhật 29 Tháng Tư 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 29 Tháng Tư 2012 
 
L’Express tuần này có bài viết về « Mùa xuân giả tạo ở Bình Nhưỡng ». Theo tờ báo, việc trao đổi thương mại với Trung Quốc đã giúp cho giai cấp ưu đãi hưởng lợi, và làm thay đổi bộ mặt thủ đô Bình Nhưỡng. Nhưng chế độ của tân lãnh tụ vẫn siết chặt gọng kìm.

Bài viết mô tả khung cảnh êm đềm khi mùa xuân đến tại thủ đô Bình Nhưỡng : các gia đình pic-nic bên bờ sông Potong, một số dạo chơi bằng thuyền, trẻ em lướt trên những đôi giày roller. Những hình ảnh trái ngược với những gì người ta biết đến về Bắc Triều Tiên : độc tài gia đình trị, tôn sùng lãnh tụ, nạn đói, đàn áp tàn bạo…

Có nhiều tòa nhà mới dọc bờ sông. Với số tiền tương đương 10 euro, những người thuộc giai cấp ưu đãi có thể vào Soldong Center để mát-xa, bơi lội, cắt tóc sau khi mua sắm. Gần quảng trường Kim Il Sung, vươn lên những tòa nhà cao khoảng 50 tầng, và có một loạt trung tâm thương mại như Potongan mới được khánh thành năm 2010. Tại đây có thể mua được ti-vi màn hình phẳng Philips, giày Nike, mỹ phẩm, rượu ngoại…Từ năm 2008 đến 2010, nhập khẩu hàng xa xỉ đã tăng gấp đôi.

Những đổi thay này cho thấy sự trỗi dậy của giai cấp thương nhân, xuất hiện với nền kinh tế ngoài quốc doanh từ những năm 2000, nhờ thương mại với Trung Quốc phát triển (tăng 62,4% chỉ riêng trong năm 2011). Thu hoạch nông nghiệp tăng 7,2% trong năm ngoái, nhưng đa số dân chúng vẫn thiếu thốn lương thực thực phẩm.

Nếu không có sự hiện diện đông đảo của các quân nhân trên đường phố, và các bức tượng, bức chân dung lãnh tụ khắp nơi, người ta sẽ quên rằng mình đang ở Bắc Triều Tiên. Nhưng thực ra đây chỉ là bộ mặt bên ngoài, nông thôn vẫn đói khổ, và ngoại ô thủ đô thì xuống cấp trầm trọng. Thu nhập bình quân đầu người tại Bắc Triều Tiên, theo Ngân hàng Hàn Quốc là 1.073 đô la, còn theo Liên Hiệp Quốc là 504 đô la.

Về mặt chính trị, khuôn mặt mùa xuân vô tư của Bình Nhưỡng không thể làm quên đi nghị quyết ngày 22/3 của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, quan ngại đến « các vi phạm thường xuyên về nhân quyền » và « hoàn toàn không có tự do ». Các tổ chức từ thiện quốc tế ước tính hiện có khoảng 200.000 người đang bị giam giữ trong các trại cải tạo, trong những điều kiện sống « vô nhân đạo ».

Hai khuôn mặt của Bắc Triều Tiên – mà chỉ có khuôn mặt tươi cười mới được trình diễn – đặt ra những câu hỏi về tương lai của đất nước này, hiện nay đang dưới sự lãnh đạo của Kim Jong Un.

Việc Kim Jong Un lần đầu tiên phát biểu trước công chúng và báo chí quốc tế hôm 15/4, là một bước ngoặt mới vì người cha là Kim Jong Il rất hiếm khi xuất hiện công khai. Bên cạnh ngoại hình giống người ông là Kim Il Sung từ kiểu tóc, cách ăn mặc một cách cố tình, nhà nghiên cứu Nhật Narushige Michishita còn nhận ra trong bài diễn văn của Kim Jong Un một số dấu hiệu thay đổi. Tân lãnh tụ trẻ tuổi đã nêu ra vấn đề cải thiện đời sống người dân, và tiếp tục chính sách Shogun, đặt quân đội là ưu tiên hàng đầu, có thể là để cân bằng với phía đảng

Người ta cũng ghi nhận các chân dung Mác – Lênin đã biến mất trên quảng trường Kim Il Sung, thay thế bằng biểu tượng của đảng Lao động Bắc Triều Tiên : búa, liềm và cây bút lông. Nếu còn quá sớm để cho rằng Bình Nhưỡng đã phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lê, thì biện pháp này cho thấy khuynh hướng « quốc hữu hóa » của chế độ. Trong Hiến pháp 1998, chủ thuyết Mác- Lênin cũng đã biến mất. Cuối cùng, các nhà quan sát nhận thấy ý hướng minh bạch, qua việc nhìn nhận thất bại của việc phóng hỏa tiễn Unha-3. Liệu đây có phải là dấu hiệu của mở cửa ? Câu hỏi này thật khó trả lời, khi mà Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục đe dọa Seoul.

Bài báo kết luận, tương lai của chế độ Bắc Triều Tiên vẫn còn mù mờ. Theo Narushige Michishita, thì Kim Jong Un trước mắt có khởi đầu thuận lợi, nhưng về lâu về dài, nếu không giữ được lời hứa cải thiện cuộc sống nhân dân, rất có thể người dân sẽ bất bình, gây bất ổn cho chế độ.

Biển Đông :  Mỹ chọc giận Trung Quốc ngay tại sân sau của Bắc Kinh

Tuần báo The Economist có bài phân tích về vụ tranh chấp ở bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham, giữa Manila và Bắc Kinh. Tờ báo đề cập đến việc quân đội Hoa Kỳ và Philippines hôm 25/04/2012 đã tập trận tái chiếm một hòn đảo nhỏ của Philippines ở Biển Đông từ tay quân địch. Tất nhiên đó chỉ là tình huống giả định, đây chỉ là một nước cờ khác của ván bài trong đó Trung Quốc cho là mình sở hữu toàn bộ Biển Đông, còn Philippines và bốn quốc gia Đông Nam Á khác thì khẳng định ngược lại.

Hoa Kỳ nói là không đứng về phía nào cả trong cuộc tranh cãi giữa Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines về chủ quyền trên toàn bộ hay một phần Biển Đông - vùng biển dồi dào tài nguyên hải sản và dầu khí. Nhưng Hoa Kỳ tiếp tục lao vào một cuộc thử thách mà các bên không hề muốn nhượng bộ.

Giữa Washington và Manila có Hiệp ước phòng thủ hỗ tương, tuy nhiên hiệp ước này lại không nói rõ là người Mỹ có giúp bảo vệ phần lãnh thổ được Philippines cho là có chủ quyền hay không, nếu cũng bị Trung Quốc đòi hỏi. Cả Washington và Manila đều nói rằng kẻ thù giả định trong cuộc tập trận chung này không phải là Bắc Kinh, còn Trung Quốc chỉ trích, cuộc tập trận chung trên có thể làm tăng nguy cơ đối đầu. Áp lực càng mạnh mẽ hơn từ khi Việt Nam, một địch thủ khác đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông, cũng bắt đầu thao luyện chung với Hoa Kỳ từ ngày 23/4. Hoa Kỳ nhấn mạnh đây là một sự trùng hợp, hoạt động giao lưu của đôi bên đã được lên kế hoạch từ lâu.

Nhắc lại vụ đụng độ ở bãi Scarborough, The Economist cho rằng tại Biển Đông, Philipppines đã không tham gia trò chơi theo kiểu Trung Quốc mong muốn. Một báo cáo mới đây của International Crisis Group (ICG) nhận định, Bắc Kinh vốn đang đòi hỏi chủ quyền một cách nhập nhằng ở Biển Đông, hiện đang phải đối đầu với các địch thủ mới, nhất là trong bối cảnh Washington siết chặt quan hệ quân sự với một số quốc gia láng giềng của Trung Quốc.

Nhưng theo ICG, thì có nhiều định chế khác của Trung Quốc đã khai thác việc đòi hỏi chủ quyền lãnh hải cho lợi ích riêng của mình. Chẳng hạn như hải quân muốn tìm cớ chứng minh cho việc tăng ngân sách hiện đại hóa, hay các chính quyền địa phương khuyến khích ngư dân đi đánh bắt ở các vùng biển xa để thu hoạch nhiều hơn. Điều này gây trở ngại cho các bên đang tranh chấp. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cố làm giảm nhẹ căng thẳng, nhưng thường thì tiếng nói của bộ này không đủ trọng lượng. Và sự mơ hồ trong yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông có nghĩa là các cơ quan khác có thể diễn dịch nó một cách tự do hơn là bên ngoại giao.

Cuộc chạm trán ở Scarborough đã xảy ra như ICG đoán. Bộ Ngoại giao Trung Quốc bảo vệ những người xâm nhập lãnh hải bằng lý lẽ, đó là vùng đánh cá lâu đời của Trung Quốc. Bộ này thuyết phục phía Philippines rút chiến hạm đi, thay thế bằng tàu tuần duyên, có lẽ là nhằm để cho hải quân Trung Quốc phải đứng ngoài. Sau đó Trung Quốc cũng rút đi, chỉ để lại một tàu hải giám.

Philippines hy vọng cả hai bên rồi sẽ rút hết ra khỏi khu vực, chấm dứt cuộc đối đầu. Nhưng các tàu hải giám Trung Quốc của ít nhất hai định chế vẫn quay lại, có lẽ là coi thường Bộ Ngoại giao, và có thể một số tàu đánh cá Trung Quốc cũng sẽ trở lại.

The Economist kết luận, sự nhập nhằng trong thái độ của Trung Quốc có lẽ cũng giống như sự nhập nhằng trong Hiệp ước phòng thủ hỗ tương Mỹ - Philippines : các bên liên quan phải cố mà phỏng đoán ngòi nổ đang nằm ở đâu. Tuy nhiên tờ báo nhận định, việc leo thang thử thách thường xuyên mà không ai nhường ai, là một trò chơi nguy hiểm
.
Bạc Hy Lai ngã ngựa, nhưng mô hình Trùng Khánh chưa hẳn đã chết

Cũng liên quan đến Trung Quốc, The Economist cho biết vụ Bạc Hy Lai bị thanh trừng được một số người xem là kết quả sự cạnh tranh giữa hai mô hình phát triển giữa Trùng Khánh và Quảng Đông. Nếu « mô hình Quảng Đông » là chủ trương tự do kinh tế đi kèm với các quyết định mang tính thực dụng, thì « mô hình Trùng Khánh » nhấn mạnh vai trò của của các tập đoàn quốc doanh và các giá trị xã hội chủ nghĩa truyền thống.

Tuy ông Bạc Hy Lai bị thất sủng, nhưng xu hướng của ông hiện vẫn được nhiều người ủng hộ. Trùng Khánh trong thời gian qua là một trong những thành phố phát triển nhanh nhất (ít nhất là 16,4% trong năm ngoái). Bên cạnh đó còn có một chỉ số vẫn đang bị tranh cãi : theo thăm dò của một số báo chí nhà nước, thì Trùng Khánh là một trong những địa phương mà người dân cảm thấy sung sướng nhất.

Một doanh nhân nước ngoài nhận xét là « Bạc Hy Lai tuy nói là cánh tả, nhưng lại hướng về cánh hữu ». Nếu tài sản nhà nước ở Trùng Khánh đã tăng gấp 6 lần từ 2003 đến 2009, thì khu vực tư nhân cũng tăng trưởng rất mạnh mẽ. Tổng sản phẩm nội địa trong năm năm gần đây đã tăng lên 60%. Các công ty quốc doanh ở địa phương phải đóng góp 15 đến 20% lợi tức cho nhà nước, và tỉ lệ này dự định sẽ tăng lên 30% vào năm 2015. Nhiều nhà kinh tế tự hỏi, liệu Trùng Khánh sẽ còn tiếp tục vung tay chi xài đến bao giờ, trong khi số nợ công hiện nay đã quá lớn, với các công trình xây dựng hoành tránh theo kiểu Bình Nhưỡng.

Tuy vậy, Trùng Khánh không phải là địa phương duy nhất thích tiêu tiền, và những ai muốn chỉ trích Trùng Khánh là lãng phí cũng phải thận trọng : 15 tỉ đô la đã được dùng vào việc xây dựng 800.000 căn hộ cho người nghèo thuê với giá rẻ. Không chỉ nhằm mang lại hạnh phúc cho dân nghèo, mà cũng góp phần tạo công ăn việc làm trong lúc kinh tế đang xuống dốc.

Những khuyết điểm của Trùng Khánh cũng thấy được ở những nơi khác : những cụm dân cư mới xây có rất ít cửa hàng, từ đó đến trung tâm thành phố phải mất đến hai giờ xe buýt. Nông dân khiếu nại là đất đai đã bị trưng thu để xây dựng mà không được đền bù thỏa đáng.

Thaksin : Lưu vong nhưng vẫn khuấy động được chính trường Thái Lan

Cũng về châu Á nhưng tại Thái Lan, Courrier International dịch lại bài viết trên tờ Today của Singapore mang tựa đề « Cuộc sống lưu vong tích cực của ông Thaksin ». Qua chuyến đi Lào và Cam Bốt, cựu Thủ tướng lưu vong muốn chứng tỏ là ông vẫn rất được lòng dân, và tờ Today đặt câu hỏi : liệu một ngày nào đó ông Thaksin có quay về được Thái Lan ?

Theo tờ báo, ông Thaksin đã thành công trong việc gây căng thẳng trên sân khấu chính trị Thái, khi lựa chọn mừng năm mới tại nước láng giềng Cam Bốt, và lợi dụng cơ hội này để tuyên bố với những người ủng hộ đã vượt biên giới sang tham dự, là ông sắp sửa trở về Thái Lan một khi ông có quyết định. Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đã trải thảm đỏ đón ông Thaksin, thậm chí còn tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng lưu vong với những người trung thành trong phe Áo Đỏ.

Đảng Pheu Thai của bà Yingluck, đương kim Thủ tướng và là em ruột ông Thaksin, hiện đang chiếm đa số trong Quốc hội. Thế nên không loại trừ khả năng là phe này có thể ban hành các luật để giúp ông Thaksin thoát khỏi móng vuốt của tư pháp và quay lại đất nước. Trong trường hợp đó, sẽ phải thương lượng với phe bên kia để duy trì vị trí của quân đội và hoàng gia. Tác giả tự hỏi, như vậy đường hướng của vương quốc Thái sẽ như thế nào khi có một thỏa hiệp như thế ?

Bầu cử Pháp thu hút chú ý của châu Âu

Chỉ còn một tuần nữa là đến kỳ bầu cử vòng hai tổng thống Pháp. Các tuần báo Pháp tiếp tục tập trung cho đề tài này. Trang bìa của tờ L’Express đưa chân dung hai ứng cử viên, với hàng tựa « Song đấu ». Trận chiến cuối cùng đã bắt đầu, ứng viên đảng Xã hội François Hollande dẫn đầu vòng một vẫn đang có nhiều hy vọng nhất. Tổng thống sắp mãn nhiệm Nicolas Sarkozy thì vẫn chưa chấp nhận thất trận, trong bối cảnh mục tiêu hàng đầu của phe cực hữu đang lên là đánh bại ông Sarkozy.

Hình bìa của tuần báo Le Nouvel Observateur đầy ý nghĩa trên nền màu xanh nước biển, với khuôn mặt ông Sarkozy chìm ngập đến phân nửa trên mặt biển xanh, và đặt câu hỏi : « Vì sao Marine Le Pen muốn ông ấy bại trận ? ». Le Courrier International đăng ảnh biếm họa hai ứng cử viên chuẩn bị so găng đánh boxe, với câu hỏi, ai sẽ thắng ? Hồ sơ ở các trang trong của tờ báo nói về cuộc đọ sức giữa hai bên, với cái nhìn từ báo chí các nước.

Le Courrier International cho biết, báo chí cánh tả châu Âu hy vọng nếu ông François Hollande thắng cử, thì sẽ không cùng chủ trương thắt lưng buộc bụng như bà Angela Merkel. Tuy nhiên các báo này cũng không ảo tưởng về phương tiện hạn chế của ông. Một số báo cũng cho là nếu ông Hollande thắng là vì không có chọn lựa nào khác, lợi điểm của ông là do ông Sarkozy đang bị mất lòng dân.

Ngược lại, tờ The Economist, thì chạy tựa “Monsieur Hollande khá nguy hiểm”, với tấm ảnh ứng viên đảng Xã hội Pháp đang vén mức màn nhìn ra. Theo tờ báo, thì nếu ông François trở thành Tổng thống sắp tới của nước Pháp, thì sẽ rất tệ hại cho Pháp quốc và cho cả châu Âu. Đó là vì Pháp và Đức vốn là hai đầu tàu của Liên hiệp châu Âu. Pháp đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ thăng bằng trong cuộc khủng hoảng hiện nay, giữa Bắc Âu thận trọng và Nam Âu chi xài, giữa các chủ nợ và con nợ. Nếu Pháp là nước kế tiếp trong danh sách các nước khu vực đồng euro gặp khó khăn, thì đồng tiền chung sẽ khó mà sống sót.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Chính trị - Điểm báo 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120429-mua-xuan-gia-tao-o-binh-nhuong
 

vendredi 27 avril 2012

Bốn nông dân Văn Giang được thả sau khi ký cam kết không khiếu kiện

Cảnh sát cơ động hùng hậu đối đầu với những người dân tay không.
Bài đăng : Thứ sáu 27 Tháng Tư 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 27 Tháng Tư 2012 
Theo tin từ người dân ở huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên, hôm nay có 4 trong số 20 người dân bị công an bắt trong vụ cưỡng chế đất hôm 24/04/2012 đã được được thả, sau khi ký cam kết sẽ không khiếu kiện. Những người không chịu ký hiện vẫn bị giam giữ.

Được biết, để được trả tự do, các nông dân trên phải ký khống vào ba tờ giấy trắng, và làm thêm một tờ cam kết sẽ không khiếu nại tiếp.

Trừ một vài bài báo hiếm hoi chỉ trích vụ cưỡng chế, báo chí chính thức hầu hết chỉ đưa lại tin theo chính quyền Văn Giang là « hoàn thành cưỡng chế giải phóng mặt bằng tại xã Xuân Quan ». Cổng thông tin điện tử tỉnh Hưng Yên nói rằng trước đó « số đối tượng quá khích đã kích động hơn 100 người dân dựng lều bạt gần khu vực giải phóng mặt bằng ». Sáng 24/4, « lực lượng hỗ trợ thi công đã tuyên truyền vận động (…) nhưng vẫn còn khoảng 200 người dân cố tình chống lại ».

Tuy nhiên thông tin về vụ cưỡng chế đã lan truyền rất nhanh trên mạng. Dư luận trong nước hiện đang rất xôn xao vì chính quyền huy động một lực lượng lên đến 3.000 cảnh sát mặc đồng phục lẫn thường phục, trật tự mang băng đỏ cùng nhiều xe ủi, sử dụng cả hơi cay để tấn công vào những người dân đang bám trụ trên cánh đồng để giữ đất. Cũng theo thông tin trên mạng, thì dân chúng đã thu nhặt được một số trái nổ tại phần đất bị cưỡng chế.

Theo báo Người Cao Tuổi, thì quyết định cưỡng chế của Ủy ban huyện Văn Giang là không đúng luật, không vì lợi ích của nhân dân mà chỉ phục vụ « lợi ích nhóm » trong đó có chủ đầu tư dự án. Phóng viên của báo này bị cản trở không cho vào chụp hình, phải cải trang và nhờ dân hỗ trợ mới chụp được các hình ảnh về vụ cưỡng chế.

Nhà báo Huy Đức nhận định, nếu Luật Đất đai năm 1993 quy định « Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng… », thì Luật Đất đai năm 2003 lại định nghĩa « lợi ích quốc gia » là « những dự án đầu tư phù hợp quy hoạch, được cơ quan thẩm quyền xét duyệt », tức ngang hàng với lợi ích của các nhà đầu tư địa ốc. Việt Nam không có Tối cao Pháp viện để nói rằng điều này là vi hiến, cũng không có tư pháp độc lập để nông dân kiện chính quyền, nên họ đành phải kháng cự dù nhiều rủi ro.

Một cựu đại sứ cho rằng việc huy động lớn một lực lượng vũ trang để cưỡng chế, lại xảy ra sát thủ đô Hà Nội, là một chiều hướng nguy hiểm, và chắc chắn lòng dân sẽ không yên. Một bài báo đã bị gỡ xuống trên tamnhin.net đặt câu hỏi về hậu quả xã hội và chính trị trong tương lai.

Trang vneconomy.vn hôm nay trong bài báo « Nhộn nhịp đầu tư bất động sản tại Văn Giang » cho biết, công ty tư nhân Việt Hưng rao bán giá căn hộ dự án Ecopark khoảng 20 triệu đồng/m2 và biệt thự, nhà phố là 45 triệu đồng/m2. Bên cạnh đó tại Văn Giang còn có hàng loạt dự án đầu tư địa ốc khác, nhờ ở rất gần Hà Nội và thuận tiện về giao thông.

Trả lời RFI Việt ngữ hôm nay 27/04/12, một người dân Văn Giang cho biết về tình cảnh của một phụ nữ có con nhỏ còn bú, đành phải ký cam kết sẽ không khiếu nại để được về với con.



Nông dân Văn Giang 1
27/04/2012
by Thụy My
« Đứa cháu này mới sinh cháu được18 tháng, bây giờ cháu vẫn chưa cai sữa. Thế mà bắt mẹ nó đi hai đêm thì cháu bé khóc cứ lả người đi, nhân dân rất là thương xót. Sáng hôm qua chồng và bà mẹ chồng mang cháu bé, cùng với dân đến huyện, xin cho cháu được gặp mẹ để cháu được bú, không thì nó cứ khóc khản hết cả tiếng ai cũng thương. 

Thế mà công an huyện dứt khoát không cho gặp, bảo là xuống dưới tỉnh mà tìm ! Họ còn bắt cả người chồng, giữ cả xe, nhốt vào đến lúc về Xuân Quan điều tra xem là có đúng là chồng nó không rồi mới thả, trong tiếng khóc nức nở của cháu bé và của bà cụ mẹ chồng nó. Ai cũng chảy nước mắt. Mà chúng nó dã man thế, như thế này là vi phạm nhân quyền quá lớn. 

Cháu bé vẫn chưa cai sữa mẹ, mà chúng nó vẫn cố tình bắt giữ, tách mẹ với con. Bây giờ mẹ ở trong nhà tù tức sữa, con ở ngoài thì khát sữa, thế là cuối cùng phải nuốt nước mắt đi ký vào một cái giấy là không đi đấu tranh nữa. Và ký vào ba tờ giấy khống thì được thả về để cho mẹ con gặp nhau, được cho con bú. Chị đó tên là Nguyễn Thị Thu ở xã Xuân Quan ».

Người dân này cũng nói rằng lực lượng cưỡng chế đã cho đào hào sâu bao bọc xung quanh, và như vậy nông dân đã vĩnh viễn mất đất.
« Nhìn thấy cái cảnh mà nó phá tan hoang, cây cảnh đổ ngổn ngang, máy xúc vùi xuống đất như thế, rồi nó đào biệt lập ngay cái chỗ 72 hecta đất đấy họ đào những cái hào vừa sâu vừa rộng để người dân không thể qua đấy được. Họ đào như thế có nghĩa là đất đấy họ đã chiếm lĩnh được, và người dân sẽ vĩnh viễn mất cái chỗ đất ấy. Nó đau xót đến như thế.
Người dân xây dựng nên chính quyền, bây giờ chính quyền đè bẹp người dân, vậy thì còn gì là chính quyền nữa, còn gì là pháp luật của nhà nước nữa ! Dân bây giờ thật sự là rất bàng hoàng, sững sờ, khi bộ máy chính quyền nhà nước bây giờ lại đến mức độ như thế. Chứ còn cướp của người ta rồi, không được sống đàng hoàng thì thôi họ sẽ chấp nhận đi làm thuê làm mướn thôi ».
Còn một nông dân khác có em gái hiện đang bị giam giữ, cho biết bà con đang đùm bọc giúp đỡ cho người con của chị này đang học cấp ba.



Nông dân Văn Giang 2
27/04/2012
by Thụy My
« Em của tôi tên là Nguyễn Thị Vinh, thôn Bến xã Phụng Công. Bây giờ cô em gái tôi hiện đang bị tạm giam tại trại giam của công an tỉnh Hưng Yên. Người nhà không được tiếp xúc, do đó cũng không nắm được tình hình ở bên trong như thế nào cả. Cô em gái tôi hoàn cảnh rất khó khăn, có được một người con, chồng thì không có, cháu đang đi học cấp ba. 

Hôm xảy ra vụ cưỡng chế thì cô có dắt cái xe đạp không lên đấy, thì thấy họ đang trên đường lên Xuân Quan cưỡng chế. Người dân chúng tôi cũng có khuyên họ, thì có xảy ra xô xát giữa công an và người dân. Cô em tôi bị bắt đưa về huyện Văn Giang – công an huyện, xong chiều 24 chuyển tới công an tỉnh. 

Hiện nay đứa cháu con của cô ấy thôi thì cũng tạm thời được một số bà con chòm xóm ở đấy lá lành đùm lá rách. Trong lúc khó khăn thì họ cũng quyên góp nhau ít nhiều hỗ trợ cháu, và gia đình chúng tôi cũng đón cháu về nuôi. 

Em của tôi thì sống bằng nghề làm ruộng thôi. Chúng tôi hầu hết ở đây là vùng nông nghiệp, mỗi một người được một sào đất. Bây giờ tỉnh Hưng Yên ra quyết định thu hồi, đâm ra chúng tôi không còn đất nữa. 

Năm 2003 có chuyển đổi cơ cấu là được dồn ruộng để chuyển sang làm nghề cây cảnh, thì cuộc sống cũng tương đối đang phát triển. Đến năm 2004 tỉnh Hưng Yên ra quyết định thu hồi toàn bộ phần đất canh tác của người dân. Làm nông nghiệp mà hiện nay không còn đất nữa thì không biết tương lai của các con, các cháu chúng tôi mai sau sẽ sống bằng cái gì ? Thực tế chúng tôi đã tám năm đi khiếu kiện từ trung ương tới địa phương nhưng tất cả đều không thụ lý giải quyết ».

Ông nói thêm, đất nông nghiệp của Văn Giang trồng cây cảnh mang lại hiệu quả kinh tế rẩt cao, nay bị tịch thu người dân không biết lấy gì để mưu sinh.

« Cây cảnh thì mức thu hoạch rất khá, bình quân đầu người từ đứa trẻ đến cụ già, cứ mỗi tháng là chúng tôi được một triệu và trên một triệu, thì cuộc sống đang phát triển rất là tốt đẹp. Nếu không có cái dự án này là chúng tôi đã được đón cái Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới rồi. Địa phương chúng tôi là một trong những địa phương điển hình của cả tỉnh Hưng Yên và của toàn quốc về làm ăn kinh tế.

Một sào đất đầu tiên các vị giả được 13,5 triệu. Từ năm 2004 nhân dân đi khiếu kiện, họ tăng lên tới 19,8 triệu, rồi lên 36 triệu, và đến bây giờ là được 48 triệu, kể cả hỗ trợ công ăn việc làm, tiền đất và toàn bộ các khoản cộng lại chỉ là 48 triệu trên một sào đất. Người dân bây giờ mà nhận cái tiền đền bù một sào đất này được hơn bốn chục triệu mà mất đất vĩnh viễn, thì chắc chắn là người dân chúng tôi không có nghề nghiệp gì để mà sinh sống ».

tags: Việt Nam - Xã hội 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120427-bon-nong-dan-van-giang-duoc-tha-sau-khi-ky-cam-ket-khong-khieu-kien

Philippines : Cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ nhằm tăng cường phòng vệ

Bài đăng : Thứ sáu 27 Tháng Tư 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 27 Tháng Tư 2012 
 
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin hôm nay 27/04/2012 tuyên bố, cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ nhằm biểu thị quyết tâm chống lại ngoại xâm. Lời tuyên bố này cho thấy tình hình tranh chấp lãnh hải giữa Manila và Bắc Kinh vẫn đang leo thang.
 
Kết thúc 12 ngày tập trận chung hôm nay, Bộ trưởng Gazmin cho biết đã có hơn 6.000 quân nhân được huy động. Trong bản tuyên bố, ông đề cập đến Hiệp định phòng thủ hỗ tương ký kết năm 1951 giữa Hoa Kỳ và Philippines và nói thêm : « Hoạt động tập trận này biểu thị một quyết tâm dứt khoát cùng hỗ trợ chống lại sự tấn công của bên ngoài, và từ những kẻ thù của độc lập và tự do ».

 Cuộc tập trận trên đây diễn ra trong bối cảnh tranh chấp lãnh hải giữa Philippines và Trung Quốc tại Biển Đông, cụ thể là khu vực bãi Scarborough gần đảo chính Luzon của Philippines, mà Bắc Kinh gọi là đảo Hoàng Nham. Tàu chiến của cả hai bên đã hiện diện tại khu vực này từ ba tuần qua.

Cả Philippines lẫn Hoa Kỳ đều tuyên bố rằng đây là cuộc tập trận thường niên đã được ấn định từ lâu, không liên quan gì đến vấn đề bãi Scarborough. Tuy nhiên, Manila thường sử dụng các cuộc tập trận để nhấn mạnh quan hệ đồng minh với Washington, trước những đe dọa của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Một tờ báo chính thức của Nhà nước Trung Quốc trong bài xã luận đã kêu gọi một cuộc chiến tranh quy mô nhỏ với Philippines để kết thúc hồ sơ Scarborough. Tân Hoa Xã trích lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm qua nói rằng : « Lực lượng vũ trang Trung Quốc có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của quốc gia ».

Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông cho dù vùng biển này nằm gần Philippines và các quốc gia Đông Nam Á khác, cách rất xa lục địa Trung Quốc. Philippines khẳng định bãi Scarborough thuộc chủ quyền của mình vì nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo luật quốc tế. Manila đề nghị đưa vấn đề ra Liên Hiệp Quốc, nhưng Bắc Kinh đã từ chối.

tags: Biển Đông - Châu Á - Hoa Kỳ - Philippines - Quốc tế 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120427-philippines-cuoc-tap-tran-chung-voi-hoa-ky-nham-tang-cuong-phong-ve
 

Pakistan trục xuất các bà vợ của Oussama Ben Laden về Ả Rập Xê Út

Bài đăng : Thứ sáu 27 Tháng Tư 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 27 Tháng Tư 2012 
 
Hôm nay 27/04/2012, ba người vợ góa và 11 đứa con của trùm khủng bố Oussama Ben Laden đã bị Pakistan trục xuất sang Ả Rập Xê Út. Vợ con của Ben Laden đã bị chính quyền Islamabad giam giữ từ một năm qua, sau cái chết của người sáng lập tổ chức Al Qaida.

Từ Islamabad, thông tín viên RFI Nadia Blétry cho biết thêm chi tiết :

« Các bà vợ góa của Oussama Ben Laden và 11 đứa con của ông ta đã rời Pakistan sáng nay, trên một chuyến bay đặc biệt đến Ả Rập Xê Út. Hai trong số ba bà vợ là người Ả Rập Xê Út, người vợ thứ ba gốc Yemen. Riêng bà này sau đó sẽ được đưa về nguyên quán cùng với năm đứa con.
Với việc trục xuất các bà vợ góa của Ben Laden, Islamabad hy vọng hồ sơ Al Qaida ở Pakistan sẽ lật sang một trang mới, một hồ sơ mà đất nước này không hề muốn công khai hóa.

Ngày 02/05/2011, lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã hạ sát Oussama Ben Laden trên lãnh thổ Pakistan, trong một thành phố có nhiều gia đình quân nhân, chỉ hai thủ đô có hai giờ đi xe. Sự kiện này được Pakistan xem là một sự nhục nhã, làm xấu đi hình ảnh của nước này trên trường quốc tế.

Hôm nay các bà vợ góa đã tìm lại được tự do, gần một năm sau cái chết của người sáng lập Al Qaida. Nhưng trước đó họ đã trải qua 10 tháng bị quản thúc không lý do cụ thể, rồi 45 ngày bị giam giữ khi bị công nhận là có tội cư trú bất hợp pháp tại Pakistan.

Trong thời gian bị giam giữ, các cuộc thẩm vấn đã giúp thu thập được một số chi tiết về cuộc sống của Oussama Ben Laden. Người vợ trẻ nhất đã tiết lộ, kẻ thù số một của nước Mỹ đã sống tại bốn thành phố khác nhau của Pakistan, và chính bà này đã hai lần sinh con trong bệnh viện công dưới một cái tên giả.

Nhưng một năm sau khi trùm khủng bố bị giết chết, vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra về cuộc trốn chạy của Ben Laden, đã sống yên ổn trên 10 năm tại Pakistan ».

tags: Ả Rập Xê Út - Al Qaida - Châu Á - Pakistan - Quốc tế - Theo dòng thời sự - Trung Cận Đông 
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120427-pakistan-truc-xuat-cac-ba-vo-cua-oussama-ben-laden-ve-a-rap-xe-ut
 

jeudi 26 avril 2012

Đảng Cộng sản Trung Quốc đang thanh trừng nội bộ

Bạc Hy Lai
Bài đăng : Thứ năm 26 Tháng Tư 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 26 Tháng Tư 2012 
Nhật báo cánh tả Libération hôm nay có bài viết của thông tín viên tại Bắc Kinh mang tựa đề « Tại Trung Quốc, Đảng Cộng sản đang mạnh tay thanh trừng ». Tờ báo cho biết, sau khi loại Bạc Hy Lai, đến lượt người lãnh đạo tình báo Chu Vĩnh Khang đang nằm trong tầm ngắm.

Bức màn vẫn chưa sụp xuống trong trận chiến dữ dội để giành quyền lực, đang diễn ra trong bóng tối của thượng đỉnh quyền lực Bắc Kinh. Sau khi kỷ luật ông Bạc Hy Lai, thành viên Bộ Chính trị hôm 15/3, nay đến lượt người đồng minh có chức vụ cao hơn ông Bạc là Chu Vĩnh Khang cũng có nguy cơ mất chức. Báo chí Hồng Kông dẫn « các nguồn tin nội bộ » đã cho biết như trên.

Là người đứng đầu ngành tình báo, Bí thư Ủy ban các vấn đề luật pháp và chính trị, cựu Bộ trưởng Công an lãnh đạo việc đàn áp các nhà ly khai, ông Chu Vĩnh Khang, 69 tuổi, là một trong chín ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực tối thượng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cơ quan này vào mùa thu năm nay sẽ phải thay thế 7 thành viên và chỉ định tân Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước thay cho ông Hồ Cẩm Đào.

Nhưng vào tháng Ba, « sự chuyển giao quyền lực nhẹ nhàng » đã biến thành một cuộc đấu đá : Bạc Hy Lai, ứng viên đầy hy vọng được đẩy lên Thường vụ Bộ Chính trị, đã bị cách chức vì « vi phạm kỷ luật nghiêm trọng ». Vợ ông là bà Cốc Khai Lai thì bị báo chí chính thức lên án là thủ phạm đã sát hại doanh nhân người Anh Neil Heywood – người giúp gia đình họ Bạc rửa tiền, vào tháng 11 năm ngoái. Một ủy ban điều tra của đảng đã được gởi đến Hồng Kông để đánh giá gia sản bất hợp pháp của Bạc Hy Lai. Tuy nhiên theo tờ South China Morning Post thì không chỉ có thế: cuộc điều tra còn nhắm đến số tiền bẩn của ông Chu Vĩnh Khang và gia đình.

Tài sản ngầm của các ông hoàng đỏ

Vị quan chức lớn đã làm việc trong ngành dầu khí trước khi thành thủ lãnh tình báo trong Bộ Chính trị, rất có thể đã tích lũy được một gia sản rất lớn. Tham nhũng tuy về mặt chính thức thì bị trừng phạt nhưng trên thực tế vẫn ngầm được chấp nhận nếu kín đáo, theo một nhà báo ở Bắc Kinh « thực ra tham nhũng không phải là sai phạm bị quy cho Chu Vĩnh Khang hay Bạc Hy Lai». Ông Chu bị trừng phạt vì là người duy nhất trong số chín ủy viên thường vụ bênh vực cho Bạc Hy Lai, trong cuộc họp mật đầu tháng Ba để quyết định số phận ông này.

Quá vội vã khi muốn thăng tiến, Bạc Hy Lai đã bôi xấu nhiều nhân vật được Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo tiến cử, nên hai nhà lãnh đạo này từ lâu đã muốn loại trừ ông Bạc. Cũng nguồn tin trên cho biết : « Chu Vĩnh Khang phạm sai lầm là phản đối lại chủ trương đã được đưa ra ».

Theo trang web thông tin Boxun tức mạng Bác Tấn Tân Văn, thì Chu Vĩnh Khang đã nói với Bạc Hy Lai nhận định về người được chỉ định làm nhân vật số một tương lai - ông Tập Cận Bình, là « một người kém cỏi, không có khả năng lãnh đạo một nước Trung Quốc hùng cường ». Trang web đặt tại Mỹ vốn rất thông thạo về cuộc khủng hoảng thượng đỉnh quyền lực ở Bắc Kinh, hôm thứ Sáu tuần rồi đã là mục tiêu tấn công dữ dội của các tin tặc bí ẩn…mà theo Bác Tấn, thì chính là tình báo Trung Quốc.

Là đồng minh lâu đời của Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang đã đề nghị ông Bạc kế nhiệm chiếc ghế của mình trong đại hội đảng lần thứ 18 vào mùa thu, để rồi sau đó nhắm đến chức vụ Tổng bí thư Đảng. Đây là một bàn đạp thuận lợi, vì nhờ kiểm soát ngành tình báo, ông ta dễ dàng lập ra hồ sơ về các kẻ thù.

Cuộc đấu tranh giành quyền lực ở Trung Quốc hiện đang nhắm vào « gia sản đen » của các nhà lãnh đạo. Bỗng chốc các vụ gian lận tài chính, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ để ban phát chức quyền cho người thân được phơi bày ra ánh sáng. Theo mạng Bác Tấn, thì cuộc điều tra chống tham nhũng do Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng điều hành, hiện đang nhắm vào con trai của Chu Vĩnh Khang là Chu Bân, bị nghi là đã tham nhũng hàng chục triệu euro. Chu Bân sở hữu 18 cơ ngơi ở Bắc Kinh, trong đó có một dinh cơ được ước tính trị giá 25 triệu euro, và vô số tài khoản ở ngoại quốc.

Là Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, Bạc Hy Lai có lương chính thức là 10.000 nhân dân tệ, tương đương 1.200 euro. Nhưng theo điều tra của Bloomberg, thì gia tài của gia đình họ Bạc tối thiểu phải là 105 triệu euro. Bloomberg cho biết thêm, qua việc « sử dụng các tên đi mượn để gây khó khăn cho việc lần ra dấu vết », bốn người chị em vợ của Bạc Hy Lai, con trai đầu Bạc Vọng Tri và người anh Bạc Hy Vĩnh, đã lập ra nhiều công ty ở nước ngoài. Bạc Hy Vĩnh kiểm soát nhiều công ty ở quần đảo Caraïbes, và sở hữu các hộ chiếu mang các tên Li Xueming, Brendan Li và Li Xiaobai…

Libération kết luận, việc phanh phui này khiến chính quyền Bắc Kinh đang ở thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu tiếp tục thanh trừng, thì Bộ Chính trị vốn được xem là « đại diện cho nhân dân Trung Quốc » sẽ lộ rõ là một câu lạc bộ các nhà triệu phú quý tộc. Nhiều nhà quan sát cho rằng một ngày nào đó, các bằng chứng này sẽ được công khai. Do vậy, để giữ thể diện một ban lãnh đạo đảng « đồng thuận », có thể ông Chu Vĩnh Khang sẽ thoát nạn, được hạ cánh an toàn trong đại hội mùa thu này.

Medvedev, nhà cải cách bất lực của Nga

Nhìn sang nước Nga, nhật báo Le Figaro mô tả chân dung của « Medvedev, nhà cải cách bất lực ». Thông tín viên của tờ báo tại Matxcơva nhận định, khi rời điện Kremlin, Tổng thống Nga để lại sau lưng một đất nước đầy thất vọng. Trong suốt năm năm, ông ta chỉ là một công cụ trong tay Vladimir Putin.

Bản tổng kết năm năm làm Tổng thống có thể tóm tắt lại bằng câu nói sau đây của ông Dimitri Medvedev với Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 26/3 tại Seoul. Khi được yêu cầu linh hoạt hơn trong việc thương lượng hồ sơ lá chắn chống tên lửa, chủ nhân điện Kremlin đã trả lời là « sẽ chuyển thông tin này cho Vladimir Putin ».

Với câu nói này đã được ghi âm lại, nhân vật quan trọng nhất của Nhà nước Nga, sẽ chấm dứt nhiệm kỳ vào ngày 7/5 tới, đã xác nhận là quyền lực hoàn toàn nằm trong tay ông Putin. Hồi mới nhậm chức, ông Medvedev đã từng mang lại hy vọng cho những người muốn cải cách. Trẻ trung hơn, hiện đại hơn Putin, ông Medvedev tấn công vào nạn tham nhũng và quan liêu bàn giấy, tỏ ra cởi mở với các nhà đầu tư nước ngoài. Vào giữa nhiệm kỳ, những người ủng hộ ông mơ đến một nhiệm kỳ tổng thống thứ hai cho Medvedev. Nhưng đến cuộc khủng hoảng Libya, thì Medvedev bắt đầu bị loại ra khỏi cuộc chơi.

Tại Liên Hiệp Quốc, ngày 17/03/2011, ông Medvedev đã quyết định bật đèn xanh cho việc can thiệp quân sự vào Libya, bất chấp sự chống đối của ông Putin và phe cứng rắn trong chính phủ. Phe này coi ông là ngây thơ và bất cẩn, và những người bảo thủ tất nhiên là đứng về phía Putin. Ông Medvedev trở nên cô đơn, nhất là khi đại hội đảng Nước Nga Thống nhất hôm 24/9 đề cử ông Putin làm ứng viên tổng thống.

Một đại biểu đảng Nước Nga Công lý nhận xét : « Medvedev không có khả năng hoàn tất những cải cách dân chủ. Đứng sau cái bóng của Putin quá lâu, ông ta không thể thoát ra nổi ». Nay thì Thủ tướng tương lai Medvedev vẫn hứa hẹn « hành động vì tự do » nhưng nhìn nhận chiến dịch chống tham nhũng mang lại « rất ít thành công ». Giờ thì người ta chỉ lắng nghe ông một cách lơ đãng.

Chạy theo cực hữu Pháp để kiếm phiếu : Cứu cánh không thể biện minh cho phương tiện

« Cứu cánh không thể biện minh cho mọi phương tiện ». Đó là tựa đề của bài xã luận đả kích Tổng thống Sarkozy trên tờ Le Monde. Trong bài báo dữ dội này, Le Monde phản ứng một cách gay găt chưa từng thấy về tuyên bố của ông Sarkozy, là sở dĩ bà Marine Le Pen, chủ tịch đảng cực hữu có thể ra tranh cử, đó là vì tương hợp với nền Cộng hòa.

Bài xã luận mở đầu bằng nhận xét, Tổng thống nước Pháp, theo định nghĩa, là Tổng thống của mọi người dân Pháp, đại diện cho toàn bộ các tập thể của quốc gia. Như vậy cũng hợp lý khi các ứng cử viên cho chức vụ này hướng về tẩt cả các cử tri, và đương nhiên trong đó có cả cử tri của đảng Mặt trận Quốc gia (FN) cực hữu. Và nhất là số 6,4 triệu người này đã bỏ phiếu cho bà Marine Le Pen hôm 22/4.

Ngay sau hôm có kết quả vòng một, cả François Hollande và Nicolas Sarkozy đều tranh thủ số cử tri cực hữu. Ứng viên đảng Xã hội thì nói rằng việc bầu cho phe cực hữu là do muốn bày tỏ « sự phẫn nộ xã hội », cố thuyết phục các cử tri này là chính phe tả mới bảo vệ được cho họ. Còn ứng viên đảng UMP cánh hữu cho rằng cử tri cực hữu là tiếng nói của một « nước Pháp thiệt thòi », và ông muốn « lắng nghe ».

Theo Le Monde, vấn đề nặng nề, gây tổn thương và hầu như sỉ nhục đối với mọi người cánh hữu cũng như cánh tả của nước Cộng hòa Pháp, là Tổng thống mãn nhiệm từ hai ngày qua đã bước qua ranh giới từ sự cảm thông sang việc làm tổn hại thanh danh. Đã hẳn rằng hôm qua ông Sarkozy khẳng định sẽ không có thỏa hiệp với Mặt trận Quốc gia, không có nhân vật nào trong đảng này được cho làm bộ trưởng nếu ông thắng cử - mà Le Monde cho rằng đây là điều tối thiểu. Có điều, ông Sarkozy đã sử dụng ngôn ngữ, sự cường điệu, ý tưởng hoặc đúng hơn là những ám ảnh của bà Le Pen ; và như vậy đã khơi thêm tâm lý sợ hãi thay vì giảm nhẹ.

Tờ báo nhận định, đây là một sai lầm chính trị. Tuy Marine Le Pen đã làm dịu nhẹ đi hình ảnh của đảng cực hữu, nhưng chủ trương của đảng này vẫn không hề thay đổi : lạc hậu, dân tộc chủ nghĩa và bài ngoại. Cho đến nay, các chính khách cánh hữu đều không thừa nhận các ý tưởng trên. Trong suốt nhiều năm, cựu Tổng thống Chirac luôn nhắc nhở là Cộng hòa Pháp quốc đảm bảo sự bình đẳng cho mọi người « không phân biệt nguồn gốc, chủng tộc hay tín ngưỡng » theo như Hiến pháp.

Bên cạnh đó, còn là một sai lầm về đạo đức. Cứu cánh không thể biện minh cho mọi loại phương tiện, cuộc bầu cử không thể giúp hợp pháp hóa những chủ trương vô đạo đức, trừ phi muốn bán linh hồn cho quỷ.

Le Monde kết luận, cuối cùng, đây là lời thú nhận cho sự bất lực. Hồi năm 2007, Nicolas Sarkozy đã thuyết phục được là ông sẽ mang lại câu trả lời cho một « nước Pháp thiệt thòi » này. Năm năm sau đó, sự quay lại lãnh địa của phe cực hữu cho thấy ông Sarkozy vẫn chưa làm được điều đó.

Phát hiện một bản thảo khác của « Hoàng tử bé »

Trên lãnh vực văn chương, phụ trang của Le Figaro tiết lộ về « Bản thảo chưa được biết đến của tác phẩm Hoàng tử bé » của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry. Được hai chuyên gia phát hiện trong số thư từ và bút tích do một nhà sưu tập giao phó, bản thảo này được ước lượng có trị giá từ 40 đến 50.000 euro.

Đó là những dòng chữ viết tay rất khó đọc, được viết trên giấy pơ-luya mỏng dính, là bản thảo chưa từng xuất hiện của chương 17 và 19 cuốn Hoàng tử bé, tác phẩm Pháp bán chạy nhất và được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất kể từ năm 1943 đến nay. Bản thảo này có thể được viết ra từ năm 1941, và như vậy còn cổ hơn bản thảo mà Thư viện Quốc gia Pháp đang lưu giữ. Công ty Artcurial sẽ đem bán đấu giá bản thảo trên đây tại Paris vào ngày 16/5 tới.

tags: Châu Á - Chính trị - Tham nhũng - Trung Quốc - Điểm báo 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120426-dang-cong-san-trung-quoc-dang-thanh-trung-noi-bo

Bắc Triều Tiên sắp thử hạt nhân lần thứ ba

Bài đăng : Thứ ba 24 Tháng Tư 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 24 Tháng Tư 2012 

Hãng tin Reuters hôm 24/04/2012 dẫn nguồn tin thân cận với chế độ Bình Nhưỡng và chính quyền Trung Quốc cho biết, việc chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ ba hầu như đã hoàn tất, và Bắc Triều Tiên sắp sửa tiến hành thử vũ khí nguyên tử.

Khi được hỏi về thời điểm thử hạt nhân, nguồn tin trên vốn đã loan báo vụ thử nghiệm nguyên tử đầu tiên của Bắc Triều Tiên năm 2006 chỉ vài ngày trước đó, đã trả lời là: “Sắp tới lúc rồi. Công tác chuẩn bị hầu như đã hoàn thành”. Nguồn tin cũng cho biết thêm: “Bắc Triều Tiên có thể suy nghĩ lại nếu Hoa Kỳ chấp nhận ký kết một hiệp ước hòa bình” – một hiệp ước đã được Bình Nhưỡng đòi hỏi từ lâu.

Bắc Triều Tiên đã lớn tiếng đe dọa sẽ trả đũa, sau khi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc lên án việc phóng tên lửa Unha-3. Được xem là một vụ bắn hỏa tiễn tầm xa ngụy tạo, tuy mục tiêu về mặt chính thức là nhằm đưa một vệ tinh quan sát lên quỹ đạo, việc phóng tên lửa ngày 13/4 đã thất bại.

Theo báo chí Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên sẽ tiến hành thử hạt nhân lần thứ ba trong vòng hai tuần nữa.

Hiện còn chưa rõ Bình Nhưỡng sẽ sử dụng nhiên liệu plutonium hay uranium được làm giàu. Nếu là uranium, thì đây sẽ là lần đầu tiên. Từ lâu đã bị nghi ngờ là tìm cách làm giàu uranium, Bắc Triều Tiên cách đây hai năm mới chịu thừa nhận đã làm công việc này. Việc làm chủ kỹ thuật cho phép Bình Nhưỡng làm phong phú thêm kho vũ khí, và đơn giản hóa việc hoàn chỉnh giàn phóng tên lửa tầm xa.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Nguyên tử - Quân sự 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120424-bac-trieu-tien-sap-thu-hat-nhan-lan-thu-ba

mardi 24 avril 2012

Việt Nam: Đêm trắng của nông dân Văn Giang đấu tranh chống cưỡng chế đất

Nông dân Văn Giang thức trắng đêm chuẩn bị đối phó với lực lượng cưỡng chế.
Bài đăng : Thứ ba 24 Tháng Tư 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 24 Tháng Tư 2012 
 
Đêm thứ Hai rạng sáng thứ Ba 24/04/2012, khoảng ba ngàn người dân của ba xã Phụng Công, Xuân Quan và Cửu Cao, thuộc huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên, vẫn thức trắng trên cánh đồng. Đó là vì đất đai của họ sẽ bị chính quyền địa phương cưỡng chế để giao cho công ty tư nhân Việt Hưng xây dựng một khu đô thị mang tên Ecopark.

Phỏng vấn nông dân Văn Giang - 24/04/2012
 
24/04/2012
 
 
Theo thông tin trên mạng, trước đó, tất cả các nhà báo được mời đến dự họp để thông báo vụ cưỡng chế đã bỏ ra về, không dự bữa cơm do Ủy ban huyện mời.

Những người nông dân tay không chuẩn bị đối đầu với một lực lượng cưỡng chế được huy động lên đến hàng ngàn, vẫn tỏ ra không sợ hãi.

Một nông dân đã trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ vào lúc gần bốn giờ sáng Việt Nam, thời điểm lực lượng cưỡng chế sắp tấn công.

Chào chị, chị có thể cho biết sơ qua tình hình được không ?

Hiện bây giờ dân chúng tôi khoảng gần ba nghìn người, đương tập trung nằm giữa cánh đồng, màn trời chiếu đất để chờ bộ máy chính quyền ba cấp, từ tỉnh xuống đến xã. Họ đương chuẩn bị lực lượng xe xích sắt, máy ủi, máy xúc, và bộ đội, công an, xã hội đen. Xe thì ba loại, khoảng tám mươi chiếc, còn người vừa công an vừa bộ đội cộng với xã hội đen khoảng ba nghìn người. Họ đang tập trung ở chỗ khu huyện Văn Giang. Nếu không có gì thay đổi thì tầm khoảng bốn giờ sáng hôm nay là họ sẽ đổ bộ ồ ạt xuống để cưỡng chế khu đất của chúng tôi.

Thưa chị như vậy bà con sẽ đối phó như thế nào, sẽ giao đất cho họ ?

Không, làm sao giao đất được ! Đất của chúng tôi bao nhiêu năm nay chúng tôi vẫn làm, đất bờ xôi ao mật. Bây giờ ba cấp chính quyền họ câu kết với nhau, họ ăn cướp của chúng tôi, thì làm sao mà chúng tôi giao được ! Không họp bàn, không thỏa thuận được với dân, không tạo sự đồng thuận của dân, cứ thế là họ đọc lệnh cưỡng chế. Vậy thì họ cướp mất nhân quyền của chúng tôi.

Hôm nay là chúng tôi hàng bao nhiêu người dân muôn người như một, ba xã của cái vùng dự án này, tất cả tập trung, màn trời chiếu đất để quyết tử với chúng nó ! Thế của chúng nó thì quá mạnh, chúng tôi như trứng chọi với đá, nhưng mà bây giờ biết làm thế nào được.

Họ có chính quyền, quân đội, tiền tài này, họ có vũ khí này, dân chúng tôi chỉ có hai bàn tay trắng. Nhưng chúng tôi sẽ kiên quyết chiến đấu đến cùng. Chúng tôi sẵn sàng mỗi người một chai xăng ngay. Nếu mà chúng nó cố tình thì chúng tôi kể cả là chết cùng với chúng nó luôn.

Nếu lực lượng cưỡng chế hùng hậu như vậy, bà con có sợ hãi không ?

Không, dân chúng tôi không hề sợ tí nào ! Vừa căm phẫn, vừa tức, mà nói chung bây giờ chúng tôi chả còn con đường nào nữa. Bây giờ thì chỉ có tiến thôi. Chúng nó ăn cướp của mình, đi kêu pháp luật không được. Hàng bao nhiêu năm nay đi nhờ pháp luật, nhờ chính quyền, nhờ trung ương can thiệp nhưng không ai can thiệp. Thôi thì bây giờ nếu chúng nó dùng xe rồi máy móc, vũ khí thì chúng tôi cũng phải có vũ khí thô sơ để mình tự vệ cho mình chứ. 

Hiện bây giờ ở đây chúng tôi vẫn thức. Những người ở nhà vẫn tiếp tế cho chúng tôi đồ ăn, đồ uống để sẵn sàng chiến đấu với chính quyền địa phương và trung ương. Vừa rồi chúng nó yêu cầu cô giáo phải bắt học sinh từ cấp 1 lên đến cấp 3 phải đi học không được nghỉ, phổ biến cho học sinh thấy chỗ đông là phải tránh, không có thì bộ đội công an bắt…

Nhưng mà nói thật, cuộc đấu tranh này để giành giật miếng cơm manh áo. Chúng tôi là những người trực tiếp sinh sống trên mảnh đất này, từ mảnh đất này mà nuôi các thế hệ, nên chúng tôi phải giữ. Nếu cần thiết, chúng tôi sẵn sàng cho các cháu ra đấu tranh cùng với các bố các mẹ. Bây giờ giữa dân và chính quyền một mất một còn luôn, chứ làm gì còn con đường nào khác ngoài con đường đấu tranh đâu.

Chính quyền đã có điều đình với dân như thế nào thưa chị ?

Không ! Cái dự án này là từ năm 2004, không cần thông báo cho dân, không cần họp bàn gì cả, mà họ đưa lên loa. Cứ đọc ra rả lên là có cái dự án đô thị thương mại Văn Giang và đường giao thông liên tỉnh, thì họ muốn lấy một số đất để tạo dựng cơ sở hạ tầng. Thế nhưng mà dân chúng tôi không nghe, bởi vì họ không cần họp bàn trong khi lấy một số lượng đất quá lớn : một trăm phần trăm đất nông nghiệp của ba xã.

Người dân chúng tôi là người lao động thì phải có đất, có ruộng. Cái năm 2008 họ cũng đưa một lực lượng lớn bảo vệ, rồi bộ đội, công an, xã hội đen, cũng máy móc hiện đại về khống chế, đàn áp. Họ càn quét, xong bắt đầu họ đập phá. Họ phá hết cả những trang trại, vườn cây cảnh, những ao cá, những con lợn, con gà, con vịt…Họ phá tan hoang hết tẩt cả. Thế là dân chúng tôi cũng đã đi ra tận ngoài Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, rồi đi các nơi để kêu cứu, nhưng mà không có một ai bảo vệ chúng tôi cả. Đến bây giờ họ lại tiếp tục cưỡng chế, có những giấy cưỡng chế sai pháp luật. Và họ cứ thế họ làm, họ có cần gì họp bàn với dân đâu !

Hiện giờ dân chúng tôi cũng chẳng biết đi kêu ai, chẳng biết nhờ cậy ai cả. Chỉ có tự những người dân đen đoàn kết với nhau để bảo vệ đồng đất thôi. Một sống hai chết với chúng nó thôi, chứ bây giờ biết làm thế nào ?

Có lẽ bà con đã sinh sống ở đây từ lâu đời rồi, đất này trồng được những gì hả chị ?

Đất này của chúng tôi là đất bờ xôi ao mật, ngày xưa cha truyền con nối hàng bao nhiêu năm nay. Cứ đời cụ kỵ để lại cho cha ông, cha ông lại để cho các con các cháu mãi hàng bao nhiêu năm nay. Đất này là đất lịch sử ngàn năm văn hiến. Có lịch sử của Hai Bà Trưng này, hội hè hàng năm…Bây giờ sắp đến ngày hội, mà chính dịp này chúng nó đang chuẩn bị cướp đất của chúng tôi. Có những di tích lịch sử, văn hóa, nhưng mà nó cũng cướp.

Ở xã Phụng Công có lễ hội truyền thống Hai Bà Trưng. Trong lịch sử có ghi lại là Hai Bà Trưng đi chống giặc ngoại xâm, về đến xã chúng tôi thì nhân dân nghênh tiếp hai vị. Nhân dân đón nghĩa quân đến, và khi Hai Bà đi thì nhân dân còn giúp đỡ lương thảo. Hai Bà trước khi đi đã đặt tên cho xã chúng tôi là xã Phượng Công, có nghĩa là nhân dân rất là quý khách, mến người, yêu đất. Cho đến bây giờ thì lâu năm quá, bao nhiêu năm đã qua, bây giờ gọi là Phụng Công.

Chúng tôi muốn giữ đất, cơ bản nhất vẫn là để sinh sống. Nhưng bây giờ là vì cái đất bờ xôi ao mật, họ câu kết với nhau. Nó liên doanh, nó đưa cho cái bọn công ty cổ phần tư nhân Việt Hưng vào. Bây giờ chúng nó cứ một vốn bốn lời. Nó buôn đất, nó mua của dân bằng sào, nó bán bằng mét vuông, cho nên nó sẵn sàng thuê bọn xã hội đen đàn áp nhân dân. Mà đến bây giờ, đi đến tận đâu vẫn không có pháp luật nào bảo vệ. Họ mặc kệ chúng tôi, họ chả nghĩ gì đến chúng tôi cả. 

Còn việc đền bù cho dân thì như thế nào ạ ?

Nếu nói đến đền bù, thì trước hết họ phải họp bàn với chúng tôi. Họ phải tạo được sự đồng thuận, biết được đâu là lợi ích của người dân, lợi ích của nhà doanh nghiệp và lợi ích của Nhà nước, phải ba cái đồng hành. Nhưng họ chỉ biết lợi ích của doanh nghiệp thôi, có cần gì lợi ích của nhân dân đâu ! Họ có cần gì họp bàn với chúng tôi đâu.

Cho đến bây giờ đi đến đâu chúng tôi cũng yêu cầu một điều rất đơn giản mà họ cũng không giải quyết. Đó là chúng tôi, những người nông dân cần phải có ruộng, những người cần ruộng phải nên để lại. Còn những người không cần ruộng thì họ ép, dùng các hình thức ép buộc, mua chuộc, dụ dỗ cho người ta bán. 

Họ mua được rồi thì thôi, bây giờ dân chúng tôi chỉ mong muốn làm sao, thôi thì của chúng tôi còn lại thì dồn lại trả chúng tôi. Nhưng họ không muốn thế. Họ muốn cướp trắng trợn của chúng tôi cơ ! Cũng biết rằng là trứng chọi với đá đấy, nhưng mà chúng tôi sẵn sàng. Nếu mà hy sinh cho mảnh đất của mình thì cũng đáng làm chứ.

Ngày xưa thì Nhà nước đứng lên lấy đất của người giầu chia cho người nghèo để người ta có đất sinh sống. Thì hiện giờ họ lại tạo nên những địa chủ giầu sang, thu đất của người nghèo để cho cái bọn giầu có như thế. Thế thì liệu có còn công lý không, có còn pháp luật không ?

Người dân có tính đến các phương án đối phó khác nhau không, và các tình huống như trong trường hợp bị phá sóng điện thoại không liên lạc được chẳng hạn?

Chúng tôi thực sự là cũng vẫn phải tính. Tất nhiên là người ta có vũ khí hiện đại thì mình cũng sẽ có những vũ khí thô sơ. Thôi thì cuốc xẻng giáo mác, như là lời cụ Hồ ngày xưa ấy : « Ai có súng thì dùng súng, ai có gươm dùng gươm ». Không có súng gươm thì gậy gộc, giáo mác, chúng tôi cứ đoàn kết thì kiểu gì chúng tôi cũng phải đánh thắng, kể cả trận này đổ máu chúng tôi cũng chơi.

Hiện giờ chúng tôi đương bán lưng cho đất, bán mặt cho trời. Tôi đương nằm, nói chuyện với chị thì tôi vẫn đếm được những vì sao trên trời, mà lưng tôi ở dưới đất thế này, ở chính cái chỗ mảnh đất trang trại của nhà chúng tôi nó ủi, nó phá. Tôi đương nằm đây, giải một cái manh chiếu và nhìn lên trời. Làm gì có bạt, có gì khác ở giữa cánh đồng mênh mông như thế này. 

Nếu mà nó dùng hình thức phá sóng, thì chúng tôi sẽ cử lực lượng thanh niên khỏe mạnh, 100% có xe gắn máy, sẽ chạy về thông tin.

Chúng tôi hiện có ba cái lều, làm bằng ba cái bạt. Mỗi cái bạt chúng tôi treo một cái kẻng và một lá cờ đỏ sao vàng. Ba cái lều này là của ba xã Phụng Công, Xuân Quan và Cửu Cao. Chúng tôi kiên quyết ba xã muôn người như một, quyết tâm giữ đất !

Xin cám ơn chị rất nhiều.

tags: Bạo động - Phỏng vấn - Việt Nam - Xã hội 
 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120424-dem-trang-cua-nhung-nguoi-nong-dan-van-giang-dau-tranh-chong-cuong-che-dat
 

Việt Nam: Công an ồ ạt cưỡng chế nông dân Văn Giang, Hưng Yên để tịch thu đất

Hàng ngàn cảnh sát cơ động cưỡng chế đất tại Văn Giang.
Bài đăng : Thứ ba 24 Tháng Tư 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 24 Tháng Tư 2012 
Cảnh sát chống bạo động Việt Nam hôm nay 24/04/2012 đã bắn chỉ thiên để giải tán hàng trăm nông dân muốn ngăn trở việc trưng thu đất tại huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên. Hãng thông tấn Pháp AFP trích lời các nhân chứng cho biết, lực lượng công an hùng hậu, trang bị mặt nạ, cũng đã sử dụng hơi cay để tấn công vào đám đông khoảng 700 người. Dân chúng chống lại việc cưỡng chế để lấy đất xây dựng một khu đô thị mới, một hồ sơ đã kéo dài từ nhiều năm qua.

Bà Lê Hiền Đức, 80 tuổi, một nhân vật đấu tranh chống tham nhũng, đã có mặt tại chỗ, cho AFP biết: “Hàng trăm công an vũ trang mặc sắc phục đang hiện diện tại đây. Người dân ném đá vào công an…Lực lượng an ninh đã bắt đi 10 người dân”.

Hàng trăm nông dân đã tập hợp lại tại địa điểm giải tỏa từ tối qua, thứ Hai. Tất cả những con đường dẫn đến vùng này của tỉnh Hưng Yên đều bị chính quyền phong tỏa, với quyết tâm tịch thu 72 hecta đất của 166 gia đình.

Một nông dân 51 tuổi, xin giấu tên, nói với AFP: “Có những loạt đạn bắn chỉ thiên (…). Công an sử dụng hơi cay, đánh đập một số người và bắt họ đi”. Còn bà Lê Hiền Đức tâm sự: “Tôi chưa bao giờ phẫn nộ như thế. Cả đời tôi, tôi đấu tranh chống những bất công đối với người dân, nhưng bây giờ thì tôi thật sự đau khổ”.

Các vụ tranh chấp đất đai đã lan rộng tại Việt Nam trong những năm gần đây, tại một đất nước mà đất đai thuộc về Nhà nước. Chính quyền khẳng định có đền bù cho những người dân bị di dời, nhưng theo AFP, thì số tiền này thường bị "bốc hơi" qua những đường ngang ngõ tắt của bộ máy hành chính tham nhũng.

Dự án đô thị mới “Ecopark” với vốn đầu tư ước tính 250 triệu đô la, do công ty tư nhân Việt Hưng thực hiện. Chính quyền địa phương đã đồng ý giao cho công ty này 500 hecta đất tại Văn Giang, ở phía nam Hà Nội, mà không thực sự thương thảo với những người dân mất đất. Công ty Việt Hưng, từ năm 2004, đã cố đẩy nhanh việc xây dựng, vốn đã bị tạm ngưng sau một loạt các cuộc biểu tình vào năm 2006, nhưng sau đó đã được tiếp tục.

Sau đây là lời tường thuật của một nông dân xã Phụng Công, huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên, và bà Lê Hiền Đức, hiện đang có mặt tại khu vực bị cưỡng chế.

Nông dân xã Phụng Công:

“Tình hình là sáng nay tầm năm rưỡi là nó đổ quân xuống đông lắm, gần ba nghìn người cơ! Nó rải toàn là cảnh sát cơ động che lá chắn, công an áo xanh, công an áo vàng, rồi xã hội đen…Quân của nó kéo dài hàng hai cây số, dàn hàng ngang - cả cái mặt đường mà nó phá đi, mặt đường 200 mét nó dàn ra. Rồi bắt đầu tầng trên là cảnh sát cơ động có lá chắn, tầng sau là chúng nó có súng bắn hơi cay, rồi dùi cui điện…Nó mang những quả pháo cối to bằng cái bắp chân ấy. 

Người dân chúng tôi thì chỉ có tay không, vũ khí không có. Người dân chỉ muốn giữ lấy sào ruộng để làm. Nhưng nó đến là bắt đầu cho bắn hơi cay rồi nó đốt pháo cứ quẳng vào người, và cứ tiến vào…Thế là dân tản mác. Nó cậy đông nó đuổi dân, tất cả phải chạy xuống ruộng. Xong rồi nó cho quân rải kín hết, không cho người dân bén mảng đến.

Người ta đã dùng toàn bộ lực lượng công an, bộ đội, xã hội đen rồi máy móc đông nghìn nghịt như thế. Chúng tôi thật chưa bao giờ từng thấy dã man như vậy. Tôi nghĩ đây là một tập đoàn quan tham nhũng đến cướp đất của dân, chứ không phải là chính quyền nữa rồi. Thật là một ngày kinh khủng chưa từng thấy! Nhân dân khu vực này bàng hoàng, đau đớn trước sự mất mát quá lớn”.


Bà Lê Hiền Đức:

“Gần hai nghìn cảnh sát cơ động, và nói chung là công an, cả xã hội đen nữa, đã bốc hết tất cả hoa mầu của bà con và cây cối đi rồi, và bây giờ cũng đang tiếp tục. Ngoài việc san bằng đất đai của dân ra, nó còn bắt mười người dân. 

Cả đêm hôm qua tôi cũng thức cùng với bà con Văn Giang, và sáng hôm nay tôi cũng trực tiếp đứng bên cạnh bà con khi lực lượng công an đến cưỡng chế, đàn áp bà con nông dân, và giờ này đây, tôi vẫn đang ngồi ở Văn Giang.

Tôi ở đây, thứ nhất là để chia sẻ nỗi bức xúc với bà con, và cũng muốn động viên bà con là phải đoàn kết, phải chiến đấu đến cùng. Bởi vì họ mất hết quyền lợi chính đáng của mình là đồng ruộng, cái để mà người nông dân sinh sống từ bao nhiêu đời nay. Họ đổ mồ hôi sôi nước mắt để có được sản vật cung cấp cho xã hội, nhưng bây giờ chúng nó “tàn sát”, cưỡng chế rất là láo! Và gọi là đòi dân bàn giao, thì tôi rất bức xúc với cái từ bàn giao. Tại vì người ta đã nhận tiền đâu?

Nó nói loa oang oang lên cả một buổi sáng. Tôi nghe tôi vừa chói tai – chói đây không phải vì là nó nói to, mà tôi nghe những từ nó nói, tôi tức lắm! Tôi không phải là nông dân ở đây nhưng tôi chia sẻ nỗi bức xúc của bà con. Nó gọi là bàn giao. Bán cho người ta đâu, đã cầm tiền đâu mà gọi là bàn giao! Mà dùng cái từ cưỡng chế, thì tôi thấy là dã man quá. 

Tôi nhìn thấy dân tôi khổ lắm! Người già, người trẻ, trẻ con lớn bé, nó xua nó đuổi, nó xịt hơi cay. Có anh thanh niên mà chính mắt tôi nhìn thấy, một thằng đeo băng đỏ và một thằng mặc sắc phục công an, hai người khoác hai bên tay anh thanh niên đem đi.

Tôi ức quá, tôi định xông ra lôi người thanh niên ấy lại và mắng cho những kẻ bắt người một trận. Nhưng dân thương tôi. Dân sợ sức tôi yếu, người tôi già và chân tôi đau, dân lôi tôi lại, nhưng tôi không thể ngồi im được. Nhìn thấy những cái cảnh cưỡng chế sáng nay ở Văn Giang, chính quyền đối xử với người nông dân hiền lành của tôi, tôi xin nói rằng chỉ có súc vật thì mới không đau lòng mà thôi!

Tôi không liên quan gì đến quyền lợi đất đai ở đây đâu. Nhưng nhìn thấy những người dân Việt Nam thân yêu của tôi bị đàn áp ghê quá, tôi không thể chịu được, tôi đau lòng lắm. Giờ này tôi đang còn ngồi với bà con nông dân đây, động viên an ủi bà con. 

Nhưng tất nhiên nông dân sẽ không dừng lại ở đây. Còn tiếp đó thế nào thì đó là việc của dân định lượng. Tôi thì tôi chỉ nói là tôi chia sẻ với bà con và luôn luôn đứng bên cạnh những người nông dân hiền lành của tôi!”

Bà Lê Hiền Đức
24/04/2012
by Thụy My
Nông dân xã Phụng Công
24/04/2012
by Thụy My
tags: Bạo động - Dân chủ - Nhân quyền - Việt Nam
 http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120424-viet-nam-cong-an-o-at-cuong-che-nong-dan-van-giang-hung-yen-de-tich-thu-dat

lundi 23 avril 2012

Tổng thống Philippines cảnh báo các nước láng giềng về sự hung hăng của Trung Quốc

Các tàu đánh cá TQ xâm nhập vùng biển gần bãi Scarborough.
Bài đăng : Thứ hai 23 Tháng Tư 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 23 Tháng Tư 2012 
 
Hôm nay 23/04/2012 Tổng thống Philippines Benigno Aquino lên tiếng cảnh báo các nước láng giềng, là nên quan ngại trước việc Bắc Kinh ngày càng tỏ ra hung hăng trước đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông. Philippines sẽ chính thức nêu ra vấn đề này với Hoa Kỳ trong cuộc họp tuần tới. Ngay sau tuyên bố của ông Aquino, ba trang web của văn phòng tổng thống đã bị tin tặc Trung Quốc tấn công.

Tổng thống Aquino nhấn mạnh việc các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trải rộng trên một khu vực khổng lồ, ngày càng tiến gần hơn đến quần đảo Philippines. Ông chỉ lên bản đồ khu vực và nói với các nhà báo : « Yêu sách của họ gần như là trên toàn bộ Biển Đông. Hãy nhìn phần nào không bị đòi hỏi, và những phần nào bị Bắc Kinh yêu sách chủ quyền. Làm thế nào mà các nước khác không lo sợ trước những gì đang diễn ra ? »

Lời tuyên bố của Tổng thống Philippines được đưa ra sau khi chính phủ nước này cho biết sẽ nêu vấn đề tranh chấp tại bãi Scarborough - mà Bắc Kinh gọi là đảo Hoàng Nham - ra trước cuộc gặp cấp cao song phương với Hoa Kỳ vào tuần tới.

Manila và Bắc Kinh đang bị bế tắc trong vụ các tàu hải giám Trung Quốc ngăn cản chiến hạm Philippines bắt giữ các ngư dân trên tám tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển ở bãi Scarborough. Bãi này ở cách đảo chính Luzon của Philippines khoảng 230 km, tức 140 hải lý, trong khi đảo gần nhất của Trung Quốc là Hải Nam ở cách đó đến 1.200 km, theo bản đồ hàng hải của Philippines.

Ông Aquino nói rằng bãi Scarborough thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines theo luật quốc tế, và yêu cầu Trung Quốc đưa ra chứng cứ lịch sử. Manila cho biết vấn đề này sẽ được chính thức đề cập đến trong cuộc đối thoại vào tuần tới, giữa Ngoại trưởng Philippines Alberto Del Rosario và Bộ trưởng Quốc phòng nước này là Voltaire Gazmin, với hai đồng nhiệm Hoa Kỳ là Hillary Clinton và Leon Panetta tại Washington.

Theo Hiệp ước phòng thủ hỗ tương giữa Philippines và Hoa Kỳ, thì Washington sẽ hỗ trợ nếu đồng minh bị tấn công quân sự. Manila có thể làm cho Bắc Kinh giận dữ, vì Trung Quốc nhấn mạnh Hoa Kỳ không có vai trò gì trong cuộc tranh chấp này.

Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông cũng làm bế tắc các tranh chấp với các nước thuộc khối ASEAN là Brunei, Malaysia và Việt Nam, cũng như đối thủ Đài Loan.

Nhưng vào cuối ngày hôm nay, Tân Hoa Xã cho biết sẽ rút đi hai tàu tại khu vực tranh chấp, chỉ để lại một tàu hải giám. Hãng tin này cũng dẫn lời đại sứ Trung Quốc tại Philippines nói rằng Bắc Kinh đang cố gắng làm giảm căng thẳng, xin trích : « Trung Quốc sẵn sàng giải quyết sự cố này thông qua con đường ngoại giao hữu nghị ». 

Trước đó Philippines đã kêu gọi các nước ASEAN bày tỏ lập trường chung trước Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông. Theo AFP, thì các nước ASEAN tỏ ra bất đồng trước lời kêu gọi này, vì e sợ quốc gia mạnh nhất khu vực.

Tờ báo chính thức Global Times của Trung Quốc trong bài xã luận vào cuối tuần đã cảnh cáo nguy cơ « một cuộc chiến tranh quy mô nhỏ » nhằm kết thúc vụ bãi Scarborough. Bài xã luận viết : « Một khi chiến tranh xảy ra, Trung Quốc sẽ phải hành động kiên quyết để gởi đến một thông điệp rõ ràng cho thế giới bên ngoài, là Trung Quốc không muốn chiến tranh, nhưng chắc chắn là không sợ chiến tranh ».

Các trang web của Philippines bị tin tặc Trung Quốc tấn công

Ngay sau khi chính phủ Philippines loan báo sẽ chính thức bàn luận với Hoa Kỳ về vụ tranh chấp lãnh hải đang ngày càng căng thẳng với Trung Quốc, ba trang web của văn phòng Tổng thống Benigno Aquino liền bị tin tặc tấn công.

Thông báo của văn phòng Tổng thống Aquino cho biết lưu lượng đột ngột tăng rất cao của các URL đáng ngờ đã tràn ngập bản tin chính thức tại địa chỉ www.gov.ph, và hai trang web khác do đội ngũ truyền thông của Tổng thống Philippines điều hành là www.pcdspo.gov.phwww.malacanang.gov.ph.

Qua phân tích dữ liệu, thông tin cho thấy cuộc tấn công xuất phát từ các địa chỉ IP Trung Quốc. Thông báo cho biết các tấn công tin học này đã làm các trang web trên bị ngưng hoạt động trong một thời gian ngắn.
Theo báo chí địa phương, một nhóm tin tặc Philippines tự xưng là « Anonymous » cho biết đã đáp trả bằng cách xâm nhập hai trang web của chính phủ Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez đã kêu gọi tin tặc cả hai bên chấm dứt cuộc chiến trên mạng. Ông nói : « Chúng tôi kêu gọi công dân Philippines và Trung Quốc nên có trách nhiệm hơn, và khuyến khích đối thoại hơn là đối đầu ».

tags: Biển Đông - Châu Á - Hoa Kỳ - Lãnh hải - Philippines - Trung Quốc 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120423-tong-thong-philippines-canh-bao-cac-nuoc-lang-gieng-ve-su-hung-hang-cua-trung-quoc-t
 

dimanche 22 avril 2012

Đài Loan dự định mua bốn chiến hạm của Mỹ

Bài đăng : Chủ nhật 22 Tháng Tư 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 22 Tháng Tư 2012 
 
Theo báo chí Đài Loan hôm nay 22/04/2012, đảo quốc này dự định mua thêm bốn chiến hạm của Hoa Kỳ, trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội Đài Loan. Còn vào đầu tuần, Đài Loan đã tiến hành cuộc tập trận lớn nhằm bảo vệ thủ đô Đài Bắc trong trường hợp bị Trung Quốc xâm lăng. 
 
Tờ United Daily News cho biết, Bộ Quốc phòng Đài Loan vào tháng trước đã thảo luận với Tổng thống Mã Anh Cửu về dự định này, có thể được tính vào trong ngân sách năm tới. Bộ Quốc phòng Đài Loan từ chối bình luận về thông tin trên.

Nếu hợp đồng này được thực hiện, thì hải quân Đài Loan sẽ có tất cả 12 chiến hạm. Bốn chiến hạm định mua của Mỹ được đóng từ thập niên 80, vừa được đưa ra khỏi hạm đội Mỹ.

Trước đó vào thứ Hai 16/4, Đài Loan đã khởi động một cuộc tập trận liên quân, nhằm thực tập bảo vệ thủ đô Đài Bắc trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công. Nhiều ngàn quân dự bị đã được huy động để tham gia « Hán Quang diễn tập » lần thứ 28 kéo dài năm ngày.

Các binh sĩ được triển khai xung quanh Đài Bắc để chống lại quân Trung Quốc đổ bộ lên bờ sông Đạm Thủy, con sông chảy qua thủ đô Đài Loan. Tại miền nam, hải quân triển khai đội tàu dò mìn và trực thăng, trong kịch bản căn cứ hải quân lớn nhất của Đài Loan là Tả Doanh bị Trung Quốc phong tỏa.

Quân đội Đài Loan thuộc loại đông đảo nếu so với dân số (275.000 quân nhân trong số 23 triệu dân), do nhiều thập kỷ căng thẳng với Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn xem Đài Loan là một tỉnh ly khai, và không loại trừ khả năng tái chiếm bằng vũ lực.

Từ khi Tổng thống Mã Anh Cửu lên cầm quyền vào năm 2008, quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc đã được cải thiện nhờ chính sách hòa giải với Bắc Kinh. Quân đội Đài Loan loan báo giảm thời gian đi nghĩa vụ quân sự từ một năm xuống còn bốn tháng. Ông Mã Anh Cửu đã tái đắc cử tổng thống vào tháng Giêng năm nay, với nhiệm kỳ bốn năm.

tags: Châu Á - Hoa Kỳ (Mỹ) - Quốc phòng - Đài Loan 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120422-dai-loan-du-dinh-mua-them-bon-chien-ham-cua-my
 

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sang Thụy Sĩ từ năm 9 tuổi


Bài đăng : Chủ nhật 22 Tháng Tư 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 22 Tháng Tư 2012 
 
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên hiện nay, Kim Jong Un đã cư trú hơn 9 năm tại Thụy Sĩ, từ cuối năm 1991 đến đầu năm 2001, lâu hơn là xưa nay người ta vẫn nghĩ. Tờ báo Thụy Sĩ Le Matin hôm nay 22/04/2012 đã tiết lộ thông tin trên, cho biết Kim Jong Un đã sang đây từ năm mới lên chín. 
 
Cho đến nay báo chí Thụy Sĩ vốn cố vén tấm màn bí mật về thời niên thiếu của Kim Jong Un, vẫn cho rằng con trai của cố lãnh tụ Kim Jong Il đã đến Thụy Sĩ vào năm 1993. Nhưng tờ Le Matin vừa khẳng định « các giấy tờ chính thức cho thấy Kim Jong Un đã đến sinh sống tại đất nước chúng ta từ tháng 11/1991, lúc đó khoảng 9 tuổi ».

Le Matin cho biết, đã tham khảo được một tài liệu của tàng thư liên bang, trong hồ sơ của cảnh sát. Đây là một tờ khai xin dành quy chế ngoại giao cho N am Chol Pak, viên chức Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên.
Theo tài liệu này thì ông Nam Chol Pak đã nhập cảnh vào Thụy Sĩ ngày 25/11/1991 với tư cách viên chức của phái bộ Bắc Triều Tiên tại tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève. Sau đó ông chuyển công tác sang Đại sứ quán Bắc Triều Tiên tại Thụy Sĩ, đặt tại Muri, ngoại ô Berne. Viên chức này có vợ và ba con đi kèm, gồm hai trai và một gái.

Theo Le Matin, hai người con trai là Chol Pak (sinh ngày 25/09/1982) và Hun Pak (sinh ngày 05/07/1984) thực ra là hai con trai thứ của Kim Jong Il, và Hun Pak chính là Kim Jong Un.

Cho đến nay, bí mật vẫn bao trùm lên sự hiện diện của Kim Jong Un tại Thụy Sĩ trong thời niên thiếu. Các trường nơi Kim Jong Un từng theo học luôn từ chối trả lời. Theo báo chí Thụy Sĩ cũng như các nước khác, lãnh tụ tương lai của Bắc Triều Tiên đã học cấp 1 và cấp 2 tại hai trường Thụy Sĩ. Đó là một trường tư mang tên ISB, tức trường quốc tế Gümlingen, và một trường công tại Liebefeld, gần thủ đô Berne.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Theo dòng thời sự - Thụy Sĩ - Xã hội 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120422-lanh-tu-bac-trieu-tien-kim-jong-un-sang-thuy-si-tu-nam-9-tuoi
 

Trung Quốc-Nga tập trận chung trên biển lần đầu

Bài đăng : Chủ nhật 22 Tháng Tư 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 22 Tháng Tư 2012 

Hôm nay 22/04/2012 Trung Quốc và Nga bắt đầu cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên tại Hoàng Hải. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng châu Á, do Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông.

Theo tờ báo chính thức China News Service, thì cuộc tập trận chung trên đây kéo dài sáu ngày, và đây là lần đầu tiên hải quân hai nước tiến hành tập trận chung. Tân Hoa Xã cho biết thêm, cuộc tập trận diễn ra ở ngoài khơi thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông.

Có 16 chiến hạm và hai tàu ngầm Trung Quốc tham gia, phía Nga có bốn chiến hạm. Cũng theo Tân Hoa Xã, thì chương trình tập trận gồm diễn tập phòng không, chiến thuật chống tàu ngầm, tìm kiếm và cứu hộ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân tuyên bố trong cuộc họp báo là các cuộc tập trận này « đã được Trung Quốc và Nga dự kiến từ lâu, với mục đích duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực ».

Từ đầu tháng Ba, Bắc Kinh đã loan báo việc đẩy nhanh hiện đại hóa đội quân vốn đông đảo nhất thế giới, và tăng ngân sách quốc phòng năm 2012 ở mức hai con số, lên 11,2%. Trung Quốc cũng muốn rút ngắn khoảng cách về quân sự với Washington.

Tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc làm cho các nước láng giềng châu Á cũng như Hoa Kỳ lo ngại. Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền trên nhiều hòn đảo tại Biển Đông và biển Hoa Đông, tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản, Philippines và Việt Nam.

Vòng công du châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama tháng 11/2011 đã báo hiệu một sự tái định hướng đầy ý nghĩa trong chiến lược địa chính trị của Hoa Kỳ. Trong khi lực lượng Mỹ rút khỏi Irak vào cuối năm 2011 và bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan, Hoa Kỳ lại muốn hướng chính sách an ninh về phía châu Á.

Chiến lược mới này làm cho Bắc Kinh tức giận, cho rằng « có thể là không thích đáng ». Nhưng Washington đã làm các nước khác trong khu vực an tâm là Hoa Kỳ sẽ bảo vệ các đồng minh và các lợi ích của mình trong khu vực, trước sức mạnh đang lên và tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.

tags: Nga - Quân sự - Quốc tế - Trung Quốc 
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120422-trung-quoc-va-nga-tap-tran-chung-tren-bien-lan-dau-tien

Ba Lan: Người nhập cư lậu xin hợp thức hóa đạt mức kỷ lục


Bài đăng : Chủ nhật 22 Tháng Tư 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 22 Tháng Tư 2012 
 
Do chủ trương khoan hồng của chính phủ Ba Lan, kể từ đầu năm 2012 đã có 5.600 người nhập cư bất hợp pháp nộp xin hợp thức hóa tình trạng cư trú, trong đó có một số người Việt Nam. Đây là con số cao kỷ lục từ trước đến nay. 
 
Những người được chấp thuận sẽ nhận được giấy phép cư trú có thời hạn hai năm, và được quyền làm việc.

Từ Vácxava, thông tín viên RFI Damien Simonart cho biết thêm chi tiết :

Vào năm 2003, có 3.500 người xin hợp thức hóa việc cư trú tại Ba Lan. Bốn năm sau đó, con số này giảm xuống phân nửa, nhưng đến năm 2012 này thì xu hướng lại bị đảo ngược. Có hơn 5.000 người đã nộp đơn xin hợp thức hóa, và theo Bộ Nội vụ thì đây là con số kỷ lục !

Là biên giới phương đông của Liên hiệp châu Âu, Ba Lan là nước đầu tiên mà nhiều người nhập cư Đông Âu phải băng qua để có thể được tự do di chuyển trong cộng đồng 27 nước châu Âu. Các ứng viên xin được ân xá lần này đến từ Ukraina, Grudia, Tchechenia, và cũng có những người từ Việt Nam và Trung Đông.

Để được xem xét, họ phải sinh sống tại Ba Lan ít nhất từ bốn năm qua, và nộp đơn trước ngày 2/7. Một phần tư số các ứng viên xin hợp thức hóa đã nhận được trả lời chấp thuận, nhưng số người nhập cư sống lén lút tại Ba Lan vẫn còn cao. Theo các ước tính mới đây, con số này là trên 50.000 người ».

tags: Ba Lan - Nhập cư - Quốc tế - Xã hội 
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120422-so-nguoi-nhap-cu-lau-xin-hop-thuc-hoa-tai-ba-lan-dat-muc-ky-luc
 

Miến Điện: Đối lập không tham dự phiên họp đầu tiên của Quốc hội

Bài đăng : Chủ nhật 22 Tháng Tư 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 22 Tháng Tư 2012 
Lãnh tụ đối lập Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi và các dân biểu thuộc đảng của bà mới được bầu vào Quốc hội, sẽ không tham gia phiên họp đầu tiên vào ngày mai, thứ Hai 23/04/2012 vì không đồng ý về câu tuyên thệ. Đây là dấu hiệu rạn nứt đầu tiên giữa đối lập với chính phủ Miến Điện, kể từ khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung.
Giải Nobel hòa bình hôm nay sau cuộc họp với Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã khẳng định : « Chúng tôi không tẩy chay, nhưng chỉ chờ đợi thời điểm thuận lợi để tham dự họp Quốc hội ». 

Bà Aung San Suu Kyi đã giành thắng lợi vinh quang với chiếc ghế dân biểu đầu tiên, trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung hôm 1/4, và đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND) của bà đã trở thành lực lượng đối lập quan trọng nhất trong Quốc hội Miến Điện.

Các dân biểu mới đắc cử phải rời Rangoon hôm nay để tham dự kỳ họp đầu tiên tại thủ đô Naypyidaw ngày mai. Nhưng phát ngôn viên Ohn Kyaing của LND nhấn mạnh : « Chắc chắn là hôm nay chúng tôi sẽ không đi ». 

Các đại biểu đối lập từ chối đọc câu tuyên thệ « duy trì » bản Hiến pháp năm 2008, mà họ muốn thay đổi. Hiến pháp này được thông qua bằng cuộc trưng cầu dân ý diễn ra một tuần sau trận bão Nargis (làm cho 138.000 người chết và mất tích), đã trao quyền hành hết sức rộng rãi cho quân đội và nhất là dành một phần tư số ghế Quốc hội cho các quân nhân.

Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã kiến nghị lên Hội đồng Bảo hiến và Tổng thống Thein Sein hiện đang công du Nhật Bản, đề nghị thay thế hai từ « duy trì » bằng « tôn trọng », nhưng đã không được đáp ứng.

Trước khi tham gia kỳ bầu cử bổ sung, bà Aung San Suu Kyi cũng đã nhiều lần nói rằng một trong những ưu tiên của bà là sửa đổi bản Hiến pháp này. Kết quả là luật lệ về bầu cử đã được sửa đổi, cho phép thảo luận công khai về Hiến pháp, nhưng lời tuyên thệ của các dân biểu được ghi trong bản Hiến pháp thì vẫn giữ nguyên.

Quyết định của phe đối lập không đến tham dự phiên họp khai mạc Quốc hội ngày mai diễn ra ba tuần sau kỳ bầu cử lịch sử, được xem là thử nghiệm cho ý hướng cải cách thực sự của chính phủ Miến Điện. Cuộc bầu cử được tiến hành suông sẻ, đã được thế giới hoan nghênh và khiến phương Tây bắt đầu giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt.

Các nước Liên hiệp châu Âu hôm thứ Năm 19/4 đã đạt đến một thỏa thuận nguyên tắc về việc tạm ngưng mọi trừng phạt trong vòng một năm, trừ việc cấm vận vũ khí. Quyết định này sẽ được thông qua vào ngày mai.

Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ trong tuần này cũng đã loan báo việc bà Aung San Suu Kyi, lần đầu tiên kể từ 24 năm qua, sẽ đi thăm Na Uy và Anh vào tháng Sáu. Lãnh tụ đối lập từng bị quản thúc suốt 15 năm trời, cho đến nay chưa bao giờ muốn rời đất nước vì sợ bị buộc phải sống lưu vong. Các nhà quan sát cho rằng chuyến xuất ngoại đầu tiên của bà là dấu hiệu tin tưởng đối với chủ trương cải cách của chính phủ mới tại Miến Điện.

Tân chính quyền đã khuyến khích bà quay lại với chính trường, trả tự do cho hàng trăm tù nhân chính trị, và bắt đầu đối thoại với các nhóm nổi dậy thiểu số. Theo một viên chức Nhật Bản, trong cuộc gặp gỡ Thủ tướng Nhật hôm qua, Tổng thống Thein Sein đã cam kết Miến Điện tiếp tục cải cách « qua việc tập trung hơn nữa vào tiến trình dân chủ hóa, bảo vệ các quyền của nhân dân và hòa giải ».

tags: Châu Á - Chính trị - Miến Điện - Đối lập 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120422-mien-dien-doi-lap-khong-tham-du-phien-hop-dau-tien-cua-quoc-hoi