dimanche 25 mars 2012

Syria điêu tàn, Asma Al Assad im lặng


Asma Al Assad
(Paris Match) Người ta từng gọi bà là “Đóa hồng sa mạc”, khuôn mặt tân tiến của Syria đối với phương Tây. Sinh ở Luân Đôn, Asma nói tiếng Anh giỏi hơn tiếng Ả Rập khi gặp gỡ ông Bachar Al Assad. Năm 2000 khi nối gót cha lên nắm quyền, Bachar đã sang Anh để cưới bà, cho dù mẹ và chị không ưng ý. Năm 2007, ông Bachar đẩy bà Asma ra chính trường thế giới với vai trò người phụ trách các hoạt động nhân đạo, nhằm đánh bóng lại hình ảnh của Syria, và đã đạt được mục đích.

Asma thu hút được những người Syria cấp tiến, người ta hy vọng bà sẽ là nhân tố kích thích những thay đổi cho một “Mùa xuân Ả Rập” mới. Bà được cho là một người cởi mở, yêu thích nghệ thuật đương đại. Mùa xuân 2011, tạp chí Vogue của Mỹ đưa lên trang nhất hình ảnh của “đệ nhất phu nhân tươi mát và quyến rũ nhất”. Nhưng đồng thời, chồng bà lại lao vào một chính sách đàn áp khủng khiếp. Asma đứng về phía chế độ. 

Đó là một căn nhà hai tầng, phía trước là một khoảnh vườn nhỏ sau bức tường gạch đỏ, nằm ở Acton, ngoại ô phía tây Luân Đôn, nơi có trụ sở nhiều công ty và các trung tâm thương mại. Màn cửa khép kín. Một ăng-ten vệ tinh trên mái nhà. Không có chiếc xe nào hơi nào đậu trước cửa: ngôi nhà không có người cư ngụ. Chính trong ngôi nhà xinh xắn này Asma Al Assad, đệ nhất phu nhân Syria đã trải qua thời thơ ấu.

Đứng trước căn nhà mà mới đây cha mẹ bà Asma vẫn sinh sống, không thể nào không nghĩ đến những căn nhà khác. Đó là những căn hộ ở Homs bị tàn phá, bị xé toang, trong một thành phố mà hàng trăm người đàn ông, đàn bà và trẻ em đã bị sát hại. 

Vào cuối tuần này, những hình ảnh do phe đối lập truyền đi cho thấy những xác chết không toàn thây, bị cháy đen: 26 trẻ em và 21 phụ nữ đã bị giết chết tại khu phố Karm Al Zeitoun và Al Asdawwiyé, bị quân đội Syria tái chiếm cách đây vài ngày. Một vụ thảm sát mà cả hai bên quân chính phủ và phe nổi dậy đều đổ lỗi cho nhau. Gia đình Asma xuất thân từ địa ngục này.

Cha mẹ Asma đã lớn lên ở đó. Là bác sĩ chuyên khoa tim mạch của Cromwell Hospital và bệnh viện tư nổi tiếng Harley Street, người cha, ông Fawaz Al Akhras từ Homs đã đến Luân Đôn trong thập niên 50 để tiếp tục việc học. Vợ ông là bà Sahar Otri, đã trở thành bí thư thứ nhất của đại sứ quán Syria tại Luân Đôn. Theo trang web Express của Anh, Fawaz Al Akhras tuyên bố “kinh hãi trước sự đàn áp đẫm máu” do con rể tiến hành đối với phe đối lập, và lo sợ cho số phận của con gái là Asma.

Tại khách sạn Bristol, Paris.
Hình ảnh một vị đệ nhất phu nhân tươi cười, duyên dáng nay đã hoen ố. Một cư dân mạng Syria viết trên Facebook: “Bà có vẻ tử tế, nhưng tôi không hiểu vì sao bà có thể sống bên cạnh một kẻ sát nhân. Hãy nói cho chúng tôi biết, làm thế nào bà và chồng bà có thể ngủ ngon như chẳng có chuyện gì xảy ra, trong khi hàng ngàn người dân muốn các vị phải ra đi”.

Từ khi khởi đầu phong trào phản kháng cách đây một năm, Asma Al Assad rất hiếm khi xuất hiện, và có rất nhiều tin đồn đãi. Người ta nói tháng 5 năm ngoái bà có mặt ở Luân Đôn. Ngày 29/1, bà đi Nga với các con. Hai ngày sau đó, bà Asma xuất hiện bên cạnh chồng trong một đoạn video không thể biết được ngày tháng, cho thấy bà đứng cạnh giường bệnh một sinh viên bị thương hồi cuối tháng 12 trong một vụ tấn công vào trường đại học. 

Ngày 11/1, sau hôm ông Bachar Al Assad đọc bài diễn văn hứa hẹn sẽ “ca khúc khải hoàn trước các âm mưu bạo loạn”, ngày mà tại Homs có 16 thường dân thiệt mạng - trong đó có đồng nghiệp chúng tôi là nhà báo Pháp Gilles Jacquier - bà Asma cùng với các con tham gia cuộc biểu tình ủng hộ chế độ. Trong một email gởi cho tờ báo Anh The Times vào đầu tháng 2, bà khẳng định sự đồng tình với chồng, khuyến khích đối thoại và an ủi các gia đình có tang. Bà viết: “Tổng thống là Tổng thống của toàn bộ dân tộc Syria chứ không phải chỉ của một số người, và đệ nhất phu nhân ủng hộ phận sự của ông”.

Bỏ phiếu "trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới" ngày 26/02/2012.
Ngày 26/2, bà Asma xuất hiện cạnh ông Bachar để bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới – một trò hề dân chủ. Vào mùa thu, Asma muốn gặp gỡ những người hoạt động nhân đạo. Một người trong số họ cho biết: “Khi chúng tôi nêu lên các vụ lạm dụng của các quân nhân và lực lượng an ninh, bà ta không biểu cảm gì. Bà không có phản ứng, tuy vẫn biết những gì đã xảy ra. Tôi tự hỏi, có phải bà ta đang trong trạng huống muốn chối bỏ hiện thực, hay là bà tự dối mình”.

Sinh ngày 11/08/1975, đệ nhất phu nhân Syria giống như một người Anh chính thống, được giáo dục trong những ngôi trường tốt nhất, qua đó bà vẫn giữ giọng nói sang cả và quyền uy kín đáo. Ở nhà, bà nói tiếng Ả Rập, cũng như hai em trai là Fara và Eyad. Tại Queen’s College, nơi Christina Onassis (con gái tỉ phú Hy Lạp Onassis) từng theo học, cũng như bình luận viên truyền hình Anh Emma Freud và nhà báo kiêm người mẫu Peaches Geldof, Asma với tên tự đặt là “Emma”, đã tốt nghiệp ưu hạng về kinh tế, toán, vi tính và văn chương Pháp. Năm 1996, Asma lấy bằng cử nhân của King’s College về hai ngành vi tính và văn chương Pháp. 

Với bằng tốt nghiệp, Asma được ngân hàng Đức Deutsche Bank tuyển dụng làm nhà phân tích của bộ phận phụ trách các quỹ đầu cơ, lo về châu Âu và Viễn Đông. Hai năm sau, bà làm việc cho chi nhánh đầu tư của ngân hàng JPMorgan, chuyên về việc sáp nhập và mua lại các công ty dược phẩm cũng như kỹ thuật sinh học. Có thời gian ngắn Asma làm việc tại Paris và New York.

Đối với người phụ nữ của công việc này, Syria chỉ là một biểu tượng ngoại lai, một đất nước mà kỷ niệm về những mùa hè nơi quê cha là Homs đã trở nên xưa cũ. Sau các kỳ nghỉ, cô thiếu nữ Asma mang về mấy tấm hình chụp đầy ánh nắng mặt trời, tự hào khoe với các cô bạn vốn cho rằng đất nước ít được biết đến này là độc đáo. Asma kể với tạp chí Vogue hồi tháng 2/2011: “Tôi đã quen với việc người ta không coi Syria là một đất nước bình thường”.

Trong những chuyến du hành đó, Asma có nhiều dịp gặp anh thanh niên Bachar, con trai của Tổng thống Hafez Al Assad mà gia đình cô vốn thân thiết. Nhưng anh này lớn hơn cô đến mười tuổi, và cô chẳng có kỷ niệm gì đáng nhớ. Năm 1992, Bachar El Assad đến Luân Đôn học ngành nhãn khoa. Bachar không phải là người được dự kiến nối nghiệp cha lên làm Tổng thống, mà là ông anh Bassel. Nhưng Bassel qua đời vì tai nạn xe hơi năm 1994, khiến Bachar trở thành người kế vị của chế độ độc tài Syria.

Hai năm sau, Bachar và Asma thân cận với nhau hơn. Nữ chuyên viên tài chính vốn tận tụy với công việc bỗng thường xuyên đi nghỉ cuối tuần, biến mất không một lời giải thích. Cuối cùng Asma xin nghỉ việc khiến cho mọi người đều kinh ngạc, sau khi đã nhận được món tiền thưởng nhờ giúp ngân hàng ký được một hợp đồng béo bở.

Mối quan hệ được giữ kín cho đến khi đám cưới diễn ra vào tháng 12/2000, nhưng chỉ được chính thức loan báo vào tháng 1/2001. Lúc đó Bachar Al Assad đã là Tổng thống được sáu tháng. Không một tấm ảnh nào của Asma được đăng tải trên báo chí Syria. Người vợ trẻ muốn giữ bí mật suốt ba tháng trời. Sau đó Asma giải thích là để dành thời gian cho việc thăm viếng các làng mạc Syria, các nông trại, nhà máy, trường học, để hiểu được sâu sắc hiện tình đất nước. Nhờ cuộc hôn nhân này mà vị tân Tổng thống là người Alaouit thiểu số có thể trải rộng được ảnh hưởng đến đa số Sunnit, xuất thân của gia đình Asma.

“Tôi luôn cảm thấy mình là người Syria”, bà Asma đã nói với Paris Match như vậy vào tháng 12/2010, lúc đó tờ báo xem bà như “một tia sáng trong một đất nước đầy bóng tối”. Ba năm trước đó, bà thổ lộ với nhà văn Eyal Zisser: “Tôi vừa là người Anh vừa là người Ả Rập chứ không thuộc hẳn về một trong  hai quốc gia, tôi thuộc cả hai thế giới”.
 
Báo chí phương Tây tán tụng bà là biểu tượng của “hòa giải” giữa hai cực. Asma được mô tả là một phụ nữ “mảnh mai, lịch sự, duyên dáng và chừng mực”, với các bộ trang phục Chanel và những đôi giày hiệu Louboutin. Bà Asma trở thành một trong những biểu tượng quyến rũ và hiện đại của thế giới Ả Rập, thành nụ cười giả tạo của một chế độ mà ngày nay đã lộ rõ khuôn mặt tàn bạo và đẫm máu nhất. 

"Đóa hồng sa mạc"
Tạp chí Vogue gọi bà là “Đóa hồng sa mạc”, trang web thời sự Huffington Post ca ngợi một “sắc đẹp 100% tự nhiên”. Năm 2007, một công ty truyền thông Anh được chọn để quảng bá cho bà. Asma cần phải làm mềm dịu đi hình ảnh một chế độ mà ông George Bush hồi năm 2002 đã gọi là “thành viên trục tội ác”, làm cho bộ mặt chính quyền này trở nên thu hút, dễ coi.  

Tại Damas, cặp vợ chồng nguyên thủ sống trong một căn nhà ở khu phố Muhajirin, phía bắc thủ đô. Đó là một tòa nhà nhiều tầng, có dành một gian giải trí cho Hafez, 10 tuổi, Zein, 8 tuổi, và Karim, 7 tuổi, mà theo lời bà vào năm 2008 thì “tất cả đều dựa trên nguyên tắc dân chủ”. 

 “Asma có hai mặt” - Andrew Tabler, nhà báo chuyên về Syria, chuyên gia của Washington Institute nhận xét. Ông cũng là tác giả cuốn In the Lion’s Den (Trong hang ố sư tử), một cuốn sách đáng tham khảo về cách vận hành của chế độ Damas. Tác giả này viết: “Đó là một phụ nữ hiện đại, không giống các phu nhân Ả Rập khác (…) Nhưng đồng thời lại có ý hướng sống xa hoa, muốn trở thành một nàng công chúa”.  

Năm 2005, đệ nhất phu nhân sáng lập tổ chức phi chính phủ Massar, nhằm lập ra các cơ sở giáo dục thanh thiếu nhi từ 5 đến 21 tuổi theo “các phương pháp giáo dục không chính thống để giúp cho các em hiểu được chính mình và thế giới” – theo như lời bà nói với chúng tôi vào tháng 7/2008. Quỹ phát triển Syria được ra đời năm 2007, chuyên tài trợ cho các dự án vi tín dụng trong nông nghiệp hay giáo dục. Bà cũng muốn hợp tác với viện bảo tàng Louvre, nhưng ý định này còn trong giai đoạn phôi thai.  

Andrew Tabler viết: “Bà ta duyên dáng, can đảm, biết quan tâm, nhưng cũng ngây thơ, và có vẻ tin rằng mình có thể cải thiện được tình hình đất nước nhờ các hoạt động nhân đạo và các tổ chức phi chính phủ”. Một thiện chí không gây được tác động nào, trong cái Nhà nước mà tham nhũng hoành hành, quyền lực tập trung vào tay đảng Baas và phe cánh của gia đình chồng, vốn không ủng hộ các dự án của bà. 

Gia đình Assad là một phe đảng cũng giống như mafia. Nàng dâu Asma, một người xa lạ thuộc hệ phái Sunnit, khó lòng hòa nhập vào được. Anisah Makhlouf, bà mẹ chồng nổi tiếng là không ưa Asma, vẫn nắm giữ vị trí người đàn bà quyền lực nhất Syria trong nhiều năm dài, thậm chí ngay cả sau cái chết của ông chồng Hafez Al Assad. 

Bên cạnh bà trùm này, những người đàn ông quyền lực của chế độ là Maher Al Assad, em trai của Bachar, chỉ huy trưởng sư đoàn IV thiết giáp - đơn vị được trang bị tối tân nhất của quân đội Syria, có đến 12.000 quân. Các anh em họ khác là Fawaz và Moudher Al Assad, phụ trách tuyển mộ các « chabiha », tức dân quân, thường là bọn tội phạm hình sự và côn đồ. Người anh cột chèo của Bachar là Assef Shawkat, cựu giám đốc tình báo và Thứ trưởng Quốc phòng, lấy Bouchra, người chị của Bachar đồng thời là đối thủ của Asma. Một nhân vật nữa là Rami Makhloup, anh em cô cậu và là người tin cẩn của Tổng thống. 

Theo một chuyên gia, thì không có cơ hội nào khiến các thành viên của băng nhóm này để cho bà Asma được rời đất nước hoặc bày tỏ quan điểm. 

Theo Tổ chức Quan sát Nhân quyền tại Syria, khoảng 9.000 người đã bị sát hại kể từ đầu phong trào phản kháng mà nay đã trở thành một cuộc nội chiến. Sáng 12/03/2012 (thời điểm viết bài này), các xe tăng của chế độ đã đẩy mạnh tấn công vào Idlib ở tây bắc, và tiến về các thành phố tử đạo tương lai.

Năm 2009 trên đài CNN, Asma Al Assad kêu gọi “60% thanh niên Trung Đông dưới 25 tuổi, bất mãn vì thiếu cơ hội trong kinh tế”: “Chính quyền chúng ta phải cho phép các bạn tin tưởng vào tương lai mình”. Bà còn nói  về nỗi đau của các thiếu nhi Gaza nạn nhân của chiến dịch tấn công dải Gazacủa Israel: “Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21. Trong phần đất nào của thế giới mà những chuyện như thế còn có thể xảy ra?”

Chỉ có sự im lặng mới còn bảo vệ được Asma, nếu không thể minh oan được. Một ngày nào đó, người phụ nữ này có thể sẽ bị xét xử bên cạnh ông chồng, vì tội ác chống nhân loại.

Kỳ tới : Asma Al Assad : Chồng giết chóc, vợ shopping

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.