vendredi 24 février 2012

Paris: Thành phố lý tưởng nhất thế giới cho sinh viên

Bài đăng : Thứ sáu 17 Tháng Hai 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 17 Tháng Hai 2012 
 
Theo bảng xếp hạng do đơn vị nghiên cứu QS (Quacquarelli Symonds Ltd) của Anh vừa công bố hôm 14/02/2012, thì thủ đô nước Pháp dẫn đầu trong số các thành phố đại học trên thế giới, không chỉ về chất lượng giảng dạy mà còn về môi trường sống.

Với 421 điểm, « Kinh đô ánh sáng » đã vượt xa Luân Đôn (405 điểm), Boston (399 điểm), Melbourne (398 điểm), Vienna (389 điểm). Một tin vui nữa là hai thành phố khác của Pháp cũng lọt được vào Top 50, đó là Lyon (đứng thứ 14) và Toulouse (hạng 48).

Trong các bảng xếp hạng lâu nay, các trường đại học của Mỹ và Anh thường chiếm vị trí áp đảo. Nhưng trong QS Best Students Cities 2012 thì trong số 15 thành phố hàng đầu cho sinh viên lại có đến 7 thành phố châu Âu. Đó là Paris, Vienna, Zurich, Berlin, Barcelona, Munich và Lyon. Sự khác biệt là ở các tiêu chí đặt ra. Công trình nghiên cứu mới nhất này không chỉ xem xét thứ hạng các trường đại học, chất lượng nghiên cứu, mà còn tính đến các chỉ số « phù hợp nhất với mong đợi của sinh viên ». Có thể kể : số lượng sinh viên kể cả trong nước và sinh viên người ngoại quốc, chất lượng cuộc sống, nhận định của 17.000 nhà tuyển dụng quốc tế về các sinh viên tốt nghiệp, và học phí cũng như chi phí sinh hoạt.

Ông Ben Sowter, giám đốc nghiên cứu của QS nhận xét : « Paris được đánh giá rất cao, nhất là về phương diện giải trí. Đối thủ của Paris là Luân Đôn cũng rất cạnh tranh về chất lượng sống, nhưng thủ đô nước Pháp vượt trội hơn nhờ học phí rẻ ». Học phí cho một năm học của sinh viên các trường đại học Pháp hiện nay trung bình là 177 euro, đối với bậc cử nhân, và 245 euro đối với cấp thạc sĩ, trong khi ở Anh là từ 3 đến 4 ngàn euro nếu học cử nhân và có thể lên đến 10 ngàn euro cho bậc thạc sĩ.

Bộ trưởng Bộ Đại học Pháp Laurent Wauquier vui mừng nói: « Sự kiện này càng củng cố thêm chính sách đã được tiến hành năm năm qua để tăng cường sự thu hút sinh viên quốc tế của các trường đại học Pháp ».

Về phía Tòa Đô chính Paris, từ ba năm qua vẫn duy trì bộ phận phụ trách ghi nhận những lời phàn nàn của sinh viên để phản ánh lại cho chính quyền thành phố, thì đã nghĩ đến những gì cần làm trong thời gian tới. Ông Didier Guillot, trợ lý phụ trách vấn đề này cho biết : « Chúng tôi sẽ cùng với các nhà quy hoạch đô thị cân nhắc, để làm thế nào việc các trường đại học nằm rải rác khắp nơi tại Paris không phải là điểm yếu, nhưng là lợi thế cần nhấn mạnh. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu về các khoản trợ cấp mới dành cho sinh viên khi thuê nhà, và lập một mạng wi-fi thống nhất cho tất cả các trường đại học ở Paris ».

Còn theo nhận định của người đứng đầu Khu đại học Paris, ông Patrick Gérard, sở dĩ các trường đại học Paris thu hút được sinh viên là nhờ chất lượng giảng dạy ngày càng được nâng cao, bên cạnh đó là hệ thống phụ đạo đã giúp đỡ kịp thời những sinh viên nào gặp khó khăn không theo kịp chương trình. Cơ sở vật chất cũng được cải thiện. Paris vừa đầu tư thêm 200 triệu euro để nâng chất lượng sống cho sinh viên, như nâng cấp thư viện, căng-tin, đáp ứng các nhu cầu văn hóa. Phương diện còn phải phấn đấu thêm hiện nay là chỗ ở chưa đáp ứng đủ, trang thiết bị thể thao còn thiếu.

Ông Patrick Gérard cho rằng, việc Paris được xếp hạng là thành phố tốt nhất thế giới cho sinh viên, sẽ thúc đẩy các trường đại học tăng cường chất lượng đào tạo cũng như khâu đón tiếp, tạo điều kiện cho sinh viên các nước. Nhưng theo ông, thì điều khó khăn nhất là duy trì cho được vị trí hàng đầu.

tags: Các vấn đề xã hội - Giáo dục - Pháp - Theo dòng thời sự 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/cunc/20120217-cnevf-gunau-cub-yl-ghbat-aung-gur-tvbv-pub-fvau-ivra
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.