Đại sứ Trung Quốc (giữa) biểu quyết dự thảo nghị quyết về Syria tại Liên Hiệp Quốc ngày 4/2/12. |
Trên mạng, ngày càng có nhiều trí thức lên tiếng phản kháng. Nhà văn Muerong Xuecun (bút danh là Hác Quần) ghi nhận hôm 5/2 là « Nguyên tắc không can thiệp vào nội bộ của nước khác không thể đứng trên chủ nghĩa nhân đạo, và ủng hộ các nhà độc tài bất kham chỉ chứng tỏ sự độc ác với nhân dân ». Hôm thứ Hai, nhà kinh tế Ngô Giá Tường (Wu Jiaxiang) tỏ ý tiếc rằng Liên Hiệp Quốc chỉ còn là một « khúc ruột thừa », do « hai thành viên thường trực phục vụ cho các nhà độc tài ». Ông viết : « Việc họ vững mạnh hơn là một thảm họa cho nhân loại ».
Nhiều người sử dụng internet đã kêu gọi ký vào bản tuyên bố trên mạng của nhà hoạt động chống lại kênh truyền hình nhà nước CCTV, Dandao Jidan : « Là công dân Trung Quốc, tôi muốn gởi lời xin lỗi đến dân tộc Syria. Tôi chưa bao giờ được tham gia bầu cử tại đất nước tôi, và cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc không hề đại diện cho tôi. Tôi luôn ở cùng một mặt trận với nhân dân Syria ».
Một đoạn video cho thấy các thường dân có lẽ ở Homs, lẫn lộn trong số những người chết và bị thương, cố gắng tránh những loạt đạn, đã được tung lên mạng internet Trung Quốc. Không thể không nghĩ rằng đoạn video này đã khuấy động lương tâm tập thể, các kỷ niệm bị vùi lấp về phong trào dân chủ Thiên An Môn, đã bị đàn áp năm 1989. Các phản ứng này, đông đảo hơn nhiều so với các ý kiến ủng hộ quan điểm chính thống, đã khẳng định khuynh hướng xuất hiện trong dịp « Mùa Xuân Ả Rập » : giới viết blog Trung Quốc đã nắm lấy sự kiện này để chỉ trích sự bất động của chính quyền Trung Quốc.
Theo Hồ Vinh (Hu Yong), một nhà nghiên cứu Trung Quốc chuyên về internet, khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa thống trị từ năm 1999, thời điểm mà Nhân dân Nhật báo, cơ quan của đảng Cộng sản, mở ra một không gian tranh luận trên mạng về vụ đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade bị đánh bom. Khuynh hướng này đã lên đến cực điểm năm 2008, lúc có phong trào chống lại việc tẩy chay ngọn đuốc Olympic ở Paris, rồi sau đó nhanh chóng chuyển sang thái độ đả kích các vấn đề trong việc điều hành tại Trung Quốc trong « kỷ nguyên các quyền công dân ».
Sự quay ngược 180° này có lẽ minh họa rõ nhất trên mạng Vi Bác, tương đương Twitter của Trung Quốc, qua lời nói đùa mới đây của người dẫn chương trình truyền hình CCTV. Ghi nhận rằng nữ đặc phái viên của đài đã đến Pakistan trước khi Oussama Ben Laden bị giết, và đến Libya vừa đúng trước lúc xảy ra cái chết của Mouammar Kadhafi, anh ta đặt câu hỏi nay cô sẽ phải đi đâu : « Đến Iran, hay Syria ? ». Đại đa số cư dân mạng đã trả lời là : « Đến Trung Quốc ». Và ngay cả « Trung Nam Hải », cơ quan quyền lực đầu não của Bắc Kinh.
Nghịch lý là ở chỗ chế độ Bắc Kinh trước hết cố tìm cách tránh hiệu quả boomerang loại này trên công luận Trung Quốc. Valérie Niquet, chuyên gia Quỹ Nghiên cứu Chiến lược giải thích với Le Monde : « Bắc Kinh tin là phương Tây có ý đồ lật đổ chế độ Trung Quốc thông qua internet và dư luận…Trường hợp Lybia, việc can thiệp quân sự đã đạt được sự thay đổi chế độ, là một bài học đã củng cố cho nỗi ám ảnh lớn nhất của Bắc Kinh ».
Trong bài xã luận đề ngày thứ Ba 7/2, tờ nhật báo tiếng Anh Global Times biện minh cho việc phủ quyết bằng cách đả kích « nền ngoại giao của các giá trị » mà châu Âu và Hoa Kỳ đang tìm cách xúc tiến « đang mất đi lợi thế kỹ thuật trước các nước đang phát triển ». Bài xã luận cảnh báo « Mùa xuân Ả Rập » cũng cho phép « phương Tây đang gánh đầy nợ » có thể « lấy lại sức lực » và « xuất khẩu cách mạng ».
Nhà trí thức Thôi Vệ Bình (Cui Weiping) giải thích cho Le Monde : « Ngành ngoại giao Trung Quốc luôn luôn là sự nối dài của chính sách nội trị. Bỏ phiếu cho nghị quyết của Liên Hiệp Quốc tương đương với việc công nhận lô-gic dân chủ là hợp lý. Đó là một thử thách cho nhà cầm quyền ».
…Thời kỳ chuẩn bị dài để tiến đến việc chuyển đổi quyền lực ở cấp cao nhất của đảng Cộng sản vào mùa thu năm 2012, buộc Trung Quốc phải khư khư giữ các quan điểm truyền thống : chủ trương không can thiệp, và tố cáo « các thủ đoạn của phương Tây » trong các cuộc nổi dậy Ả Rập.
Các nhà quan sát nhận định, chắc chắn là Bắc Kinh đã có sự chọn lựa rủi ro, trong khi có thể vắng mặt (lúc bỏ phiếu ở Hội đồng Bảo an), vào thời điểm chưa đầy một tuần nữa Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ viếng thăm chính thức Hoa Kỳ - quốc gia mà hôm thứ Hai đã thông báo việc đóng cửa đại sứ quán tại Damas. Nhân vật số 1 trong tương lai của Trung Quốc sẽ đến Washington ngày 14/2 với hai hồ sơ gai góc. Đó là vụ phủ quyết, và Tây Tạng - nơi đang bị tăng cường đàn áp một cách chưa từng thấy kể từ năm 2008.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.