jeudi 20 juin 2019

Nguyễn Ngọc Chu - Mời hổ vào nhà rồi thuê người canh nó đừng ăn thịt mình!



Chỉ trích cá nhân là điều nên tránh. Nhưng khi đã động chạm đến lợi ích quốc gia thì không thể nể nang.

Vietnam Finances ngày 18/6/2019 có đăng ý kiến của ông Huỳnh Thế Du “Để nhà thầu Trung Quốc xây cao tốc Bắc - Nam, mời tư vấn Nhật Bản giám sát”:

“Việt Nam có thể áp dụng giải pháp: để các nhà thầu Trung Quốc xây dựng và mời tư vấn Nhật Bản giám sát. Khả năng hai anh này bắt tay với nhau là rất thấp vì đang là đối thủ cạnh tranh một mất một còn.”

mercredi 19 juin 2019

Mạnh Kim - Giới trẻ Việt Nam và cuộc biểu tình Hong Kong


Một trong những bức ảnh đẹp nhất cuộc biểu tình Hong Kong (Ảnh của Vincent Yu/AP)

Cuộc biểu tình cực đẹp của giới trẻ Hong Kong đã tức thì đưa Hong Kong lên tuyến đầu dân chủ và nhân quyền châu Á. Hình ảnh cuộc biểu tình không chỉ mang lại sự ngưỡng mộ mà còn trở thành niềm cảm hứng cho bất kỳ phong trào dân chủ nào. 

Nó cũng được nhắc đến để so sánh với Việt Nam. Đây là một so sánh bề nổi rất máy móc, khi các yếu tố nền tảng quan trọng tạo ra môi trường mang đến xúc tác dẫn đến sự hình thành và bùng nổ biểu tình đã không được nhắc đến, từ giáo dục, hệ thống chính trị, hệ thống luật pháp đến thậm chí cách thức sinh hoạt trong cộng đồng xã hội. 

Giới trẻ Việt Nam đã bị miệt thị là hèn, ham ăn ham chơi, ngu dốt, không hiểu biết lẫn không quan tâm chính trị. Giới trẻ Việt Nam chỉ biết “vỡ òa” trước chiến thắng bóng đá và khóc rũ rượi khi đón “sao Hàn”. Tuy nhiên, điều gì khiến giới trẻ trở nên như vậy? 

Hoàng Nguyên Vũ - Tuổi 20 của bạn này đẹp quá!



Hoàng Chi Phong nói chuyện với đám đông bên ngoài Nghị viện ngày 17/06/2019, yêu cầu lãnh đạo Hồng Kông từ chức và hủy bỏ dự luật dẫn độ sang Trung Quốc .

Hai mươi tuổi, sinh viên, bị chính quyền tay sai của Trung Cộng ở Hongkong bỏ tù 3 lần. Hôm qua, mới được phóng thích, em đã xuống đường.

Ở một nơi mà người dân cùng nhau biểu tình ôn hòa đòi thứ mà họ cần được hưởng. Ở nơi mà 2 triệu người dân dù xuống đường, vẫn nhường lối cho xe cứu thương đi và sắp hàng để lấy nước rửa mặt khi xuống đường, thì một thanh niên, vốn là một đứa trẻ, được giáo dục lòng yêu nước, yêu tự do, trân trọng dân chủ một cách văn minh nhất, như Hoàng Chi Phong, cũng là điều rất dễ hiểu.

Đám đông của Hongkong những ngày qua không đập phá, không bạo lực vì họ hiểu, tài sản đó là do chính công sức của họ làm ra, hoặc là di sản của đời cha ông họ để lại. Họ biết họ cần phá cái gì, và cần bảo vệ cái gì.

Vien Huynh - Giấc mơ Hoàng Chi Phong



Thủ lãnh sinh viên Hoàng Chi Phong lúc vừa ra khỏi nhà tù Hồng Kông ngày 17/06/2019.

Ngày 17/6/2019, thủ lĩnh phong trào Dù Vàng Hoàng Chi Phong (黃之鋒) được trả tự do. Hình ảnh cậu thanh niên gầy gò nhưng cương nghị, ôm trong tay chồng sách từ nhà tù đi ra đối với tôi là một trong những hình ảnh gây ấn tượng sâu sắc nhất. 

Cậu không đi về nhà ngủ một giấc cho sướng hoặc ra quán café để đấu láo với lũ bạn mà lập tức tham gia ngay vào cuộc biểu tình đang diễn ra trên đất Hong Kong. Xem đoạn video clip Chi Phong trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh một cách dứt khoát, tự tin và trôi chảy, tôi không thể không chạnh lòng khi nghĩ đến rất nhiều bạn sinh viên tôi dạy, bỏ biết bao nhiêu tiền ra để học mà một câu tiếng Anh nói mãi cũng không trôi, viết một câu bằng tiếng Anh nếu không sai lỗi này thì cũng sai lỗi khác. 

Nhìn biển người Hong Kong xuống đường biểu tình đòi nhân quyền và biển người Việt Nam xuống đường đi bão vì một trận bóng đá giải khu vực, chúng ta phải hiểu rằng Việt Nam đã thua Hong Kong cả trăm năm về mặt nhận thức.

mardi 18 juin 2019

Không một ai ở Hồng Kông biểu tình ủng hộ luật dẫn độ!

Người biểu tình Hồng Kông chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc đối mặt với cảnh sát, 16/06/2019.

Sau cuộc biểu tình vĩ đại ở Hồng Kông hôm Chủ nhật 16/06/2019, độc giả báo Le Monde đã đặt nhiều câu hỏi cho thông tín viên của tờ báo tại Hồng Kông, Florence de Changy. Sau đây là một số nội dung trao đổi trên trang web của tờ báo Pháp.

Tôi nghe nói rằng hệ thống bầu cử Hồng Kông dành ưu tiên cho các đảng thân Bắc Kinh. Quý báo có thể giải thích ?

Đây chỉ là tóm lược nhiều tình hình khác nhau tùy theo loại bầu cử. Bắt đầu bằng cấp cao nhất : bầu trưởng đặc khu Hồng Kông. Chỉ có 1.200 « cử tri » có quyền bỏ phiếu, và cử tri đoàn này gồm nhiều nhân tố trong đời sống kinh tế, xã hội và chính trị ; hầu hết thân Hoa lục. Thế nên hầu như bảo đảm rằng đa số các « đại cử tri » này đều bầu cho ứng cử viên được Bắc Kinh ưa thích.

Trong số 1.200 phiếu đó, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã được 777 phiếu, và người tiền nhiệm của bà là Lương Chấn Anh (C.Y. Leung) mang biệt danh 689, vì ông được đúng số phiếu đó để giành đa số. Trước thời kỳ này, các ứng cử viên dân chủ rất khó đắc cử, tuy cũng đã có người chiến thắng.

lundi 17 juin 2019

Hồng Kông, thất bại hiếm hoi của Tập Cận Bình

Trong cuộc biểu tình ở Hồng Kông ngày 16/06/2019, ảnh ông Tập Cận Bình cùng các lãnh đạo khác cũng xuất hiện với dòng chữ "Bè lũ độc tài".


Đúng ba mươi năm sau vụ đàn áp đẫm máu Thiên An Môn, người quyền lực nhất Trung Quốc đã chọn lựa « rút lui chiến thuật » trước làn sóng phản kháng tại Hồng Kông - hiện vẫn được hưởng chế độ đặc biệt - theo phân tích của chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Báp-tít ở Hồng Kông.

Chuyên gia về Trung Quốc học cho rằng, các nhà lãnh đạo cộng sản « đã cảm thấy sợ hãi. Họ lo ngại sẽ ảnh hưởng tới Hoa lục, và sự kiện này nói lên rất nhiều về nỗi ám ảnh đối với sự an toàn của đảng Cộng Sản ».

dimanche 16 juin 2019

Hai triệu người biểu tình và chiến thắng đầu tiên của người Hồng Kông



Biển người áo đen trên đường phố Hồng Kông ngày 16/06/2019.

(Marie Verdier, La Croix 16/06/2019) Người dân Hồng Kông không bằng lòng với việc tạm ngưng dự luật dẫn độ sang Trung Quốc hôm 15/6. Họ một lần nữa lại ồ ạt xuống đường Chủ nhật 16/06/2019 để đòi hỏi hủy bỏ hẳn dự luật, và trưởng đặc khu thân Bắc Kinh, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) phải từ chức.


Đó là một sự pha trộn giữa phẫn nộ và chiến thắng, đã kích thích người Hồng Kông ngày Chủ nhật 16/6. Mặc toàn trang phục đen, họ tạo thành một biển người màu đen lên đến gần hai triệu, trong cuộc biểu tình lần thứ ba trong vòng một tuần. Phẫn nộ, với những tiếng hô vang « Chúng tôi không phải là kẻ nổi loạn » - trước việc cảnh sát đàn áp dữ dội cuộc biểu tình hôm thứ Tư 12/6 làm 80 người bị thương (trong đó có 22 cảnh sát). Phẫn nộ và quyết tâm, vì thông báo hoãn lại dự luật hôm qua vẫn chưa đủ.

Bạo lực của cảnh sát gây phẫn nộ.
Hoãn, nhưng thực chất là từ bỏ

Ngô Nhân Dụng - Trump có thể dùng Hồng Kông đối đầu với Tập


Các biểu ngữ chống luật dẫn độ trong cuộc biểu tình đại quy mô tại Hồng Kông ngày 16/06/2019.

(Người Việt 14/06/2019) Bộ Ngoại Giao Cộng Sản Trung Quốc mới triệu phó đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh tới để “Yêu cầu nước Mỹ không can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc.” Lần chót Trung Cộng hành động triệu tập như vậy là Tháng Mười Hai năm ngoái, khi Đại Sứ Terry Branstad được mời tới nghe Trung Cộng phản đối việc Canada bắt bà Mạnh Vãn Chu của công ty Huawei, sau khi Mỹ yêu cầu dẫn độ.

Nước Mỹ dính dáng gì đến những cuộc biểu tình của dân Hồng Kông; khi họ chỉ chống dự luật cho phép dẫn độ người Hồng Kông vào Trung Quốc xử án? Tổng Thống Donald Trump chưa lên tiếng, ông chỉ nói “thông cảm với những người biểu tình” và hy vọng họ và Trung Cộng sẽ tìm được một thỏa hiệp. Nhưng Quốc Hội Mỹ nêu rõ lý do, là họ muốn bảo vệ những quyền tự do căn bản mà dân Hồng Kông đang hưởng nhờ quyền tự trị, cũng bảo vệ cả những người Mỹ khi họ đến lãnh thổ này.

Các đại biểu Quốc Hội Mỹ tỏ thái độ hơi trễ so với nhều nước. Tháng trước, Bộ Ngoại Giao Anh Quốc và Canada đã đưa ra một tuyên cáo chung, tỏ ý quan ngại về ảnh hưởng của dự luật dẫn độ mới trên sự an toàn và việc kinh doanh của công dân các nước này ở Hồng Kông. Đại biểu Quốc Hội nhiều nước Âu Châu đã lên tiếng phản đối bản dự luật, dân chúng tại 29 thành phố trên thế giới đã biểu tình ủng hộ dân Hương Cảng.

Hồng Kông : Những hình ảnh đầu tiên về cuộc biểu tình ngày 16.06.2019



Dù chính quyền Hồng Kông hôm qua đã hoãn lại dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, người dân hôm nay, Chủ nhật 16/06/2019 vẫn tiếp tục biểu tình đòi hủy bỏ hẳn luật này, đồng thời đòi hỏi trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) phải từ chức.

Người biểu tình cũng mang theo hoa đặt tại một tòa nhà ở Pacific Place, nơi một nhà hoạt động đã thiệt mạng do bị ngã khi treo một biểu ngữ đòi bỏ hẳn luật dẫn độ. Đây là cái chết đầu tiên trong cuộc khủng hoảng đã làm trên 80 người bị thương – thêm một lý do để hôm nay đoàn biểu tình mặc trang phục màu đen.

samedi 15 juin 2019

Hồng Kông : Carrie Lam thậm chí không xin lỗi vì bạo lực cảnh sát


Cảnh sát tân công người biểu tình ôn hòa Hồng Kông, 12/06/2019.

(Rosa Brostra, Libération 15/06/2019) Dù chính quyền Hồng Kông đã lùi bước về dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, những người biểu tình hứa hẹn ngay ngày mai, Chủ nhật 16/6 sẽ lại xuống đường, cho đến khi dự luật này bị hủy bỏ hẳn.

Và phép lạ đã xảy ra hôm nay, thứ Bảy. Một nhóm người Công giáo hát « Alléluia », hướng về phía trụ sở chính quyền, vào đúng lúc trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đang thú nhận thất bại : bà hoãn lại dự luật dẫn độ sang Trung Quốc. 

Mặc cho thông báo trên đây, giáo dân tập trung tại chiếc cầu ở khu Kim Chung (Admiralty) vẫn không tin tưởng. Dù chính quyền đã thối lui – một điều mà cách đây vài ngày khó thể tưởng tượng nổi – họ, cũng như nhiều người biểu tình khác, hứa hẹn sẽ lại xuống đường ngay từ ngày mai, Chủ nhật, cho đến khi dự luật này bị rút lại vĩnh viễn.

Hồng Kông : Giấu mình trên mạng để tránh cặp mắt cú vọ của Bắc Kinh

Các thanh niên biểu tình che mặt bằng khẩu trang, tiến về phía Nghị viện Hồng Kông để phản đối dự luật dẫn độ, ngày 13/06/2019.

Tắt chức năng định vị điện thoại di động, mua vé tàu điện ngầm bằng tiền mặt, im lặng trên các mạng xã hội : nhiều người biểu tình Hồng Kông tìm cách trở nên vô hình trên internet để tránh bị chính quyền theo dõi và khởi tố.

Trong các vụ sử dụng bạo lực trên đường phố tệ hại nhất kể từ nhiều thập niên qua tại Hồng Kông, cảnh sát hôm thứ Tư 12/06/2019 đã dùng đến đạn cao su và hơi cay để giải tán những người chống lại dự luật cho dẫn độ sang Hoa lục.

Đa số những người biểu tình đều trẻ tuổi, họ lớn lên trong một thế giới kỹ thuật số và ý thức được mối nguy hiểm khi bị theo dõi trên mạng. Đối với Ben, một nhân viên văn phòng 25 tuổi đeo khẩu trang, thì luật dẫn độ sẽ hủy hoại các quyền tự do của người Hồng Kông. Anh giải thích : « Ngay cả nếu chúng tôi không làm gì quá đáng, chẳng hạn như tranh luận về Trung Quốc trên mạng, vẫn có thể bị nhận ra do sự giám sát này ».

Trong những cuộc xuống đường gần đây, nhiều người biểu tình đã mang khẩu trang, đeo kính, đội nón để bảo vệ trước hơi cay và đạn cao su, nhưng cũng để khó thể nhận diện. Những người chấp nhận trả lời AFP đều che toàn bộ khuôn mặt, cho biết cũng đã tắt định vị, tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân trên các thiết bị của mình, và xóa hết những cuộc đối thoại, những tấm ảnh trên mạng xã hội có thể gây tai hại cho họ.

vendredi 14 juin 2019

Ngô Nhân Dụng - Dân Hồng Kông làm thế giới ngạc nhiên



(Người Việt 12/06/2019) Một thành kiến về dân Hồng Kông: Họ chỉ lo làm ăn, họ không quan tâm đến chính trị.

Những người Trung Hoa này đã sống 99 năm trong chế độ thuộc địa Anh Quốc. Chưa thấy ai đổ máu đòi độc lập bao giờ. Được trả lại cho Trung Cộng, họ còn 50 năm chưa phải sống dưới chế độ độc tài. Cộng Sản Trung Quốc chấp nhận nguyên tắc “nhất quốc lưỡng chế,” một quốc gia, hai thể chế khác nhau, cho tới năm 2047.

Nhưng Chủ Nhật vừa qua, hơn nửa triệu người Hồng Kông đã xuống đường biểu tình phản đối một dự luật về dẫn độ. Chính quyền bất chấp, sẽ cho nghị viện biểu quyết vào ngày Thứ Tư. Ngày đó, mấy trăm ngàn người bỏ không coi cửa tiệm, ngưng công việc làm, nghỉ học, lại xuống đường bao vây tòa nhà lập pháp (LegCo), ngăn các nghị viên không vào họp được.

Hồng Kông: Dự luật dẫn độ bị chỉ trích ngay trong chính quyền

Người dân Hồng Kông chuẩn bị tiếp tục biểu tình chống dự luật dẫn độ, 14/06/2019.

Trưởng đặc khu thân Bắc Kinh, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) hôm nay 14/06/2019 phải đối mặt với những chỉ trích ngay trong chính quyền Hồng Kông về dự luật dẫn độ đã khiến hơn 1 triệu người xuống đường phản đối. Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ hôm qua đã đưa ra một dự luật tái khẳng định sự ủng hộ nền dân chủ Hồng Kông. Về phía phong trào phản kháng, họ chuẩn bị cho cuộc biểu tình Chủ nhật tới và tổng đình công vào thứ Hai.

Dân biểu thân Bắc Kinh Đoàn Bắc Thìn (Michael Tien) công khai kêu gọi chính quyền từ bỏ dự luật dẫn độ. Theo ông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga chỉ có lợi khi thay đổi quan điểm, bây giờ chưa phải đã muộn. Ngay chính cố vấn cao cấp của bà Lâm, ông Trần Bách Lý (Bernard Chan) cũng cho rằng việc vội vã thông qua dự luật dẫn độ là « bất khả », trong tình hình bị phản đối từ mọi phía. 

Phong trào phản kháng ở Hồng Kông có được sự ủng hộ của mọi giới: luật sư, các tổ chức tư pháp uy tín, giới kỹ nghệ, kinh doanh, nhà báo, các nhà ngoại giao phương Tây… Đặc biệt tại Hoa Kỳ, hôm qua các đại biểu cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đã trình ra lưỡng viện Quốc hội một dự luật về « nhân quyền và dân chủ ở Hồng Kông ».

Tại đặc khu này, sau khi các cuộc biểu tình hôm thứ Tư 12/6 bị đàn áp khiến 70 người bị thương, người dân vẫn chuẩn bị tiếp tục xuống đường. Đặc phái viên Stéphane Lagarde tường trình từ Hồng Kông :

Pháp chuẩn bị ra mắt tàu ngầm Barracuda hiện đại

Công nhân tập hợp bên cạnh chiếc Suffren, một tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Barracuda, tại xưởng đóng tàu Cherbourg-Octeville (Pháp) ngày 09/07/2017, nhân một chuyến thăm của bộ trưởng Quân lực Pháp Florence Parly và thủ tướng Úc Malcolm Turnbull.

Một buổi lễ trang trọng để ra mắt chiếc tàu ngầm nguyên tử thế hệ mới đầu tiên của Pháp trong chương trình Barracuda sẽ được tổ chức tại cảng Cherbourg vào ngày 12/7 tới, với sự hiện diện của bộ trưởng Quân lực Florence Parly. Hãng tin AFP hôm 13/06/2019 dẫn một nguồn tin thông thạo cho biết như trên.

Trong buổi lễ này, chiếc tiềm thủy đĩnh tấn công Barracuda hiện đại của Pháp sẽ được đưa từ xưởng đóng tàu đến thiết bị hạ thủy. Lễ hạ thủy chính thức sẽ diễn ra nhiều tuần lễ sau đó, để chuẩn bị chuyển giao cho Hải quân Pháp vào cuối năm 2020. 

Tàu ngầm Barracuda chạy bằng năng lượng nguyên tử nhưng trang bị vũ khí quy ước, dài 99 mét, trọng tải 4.650 tấn ; có khả năng bắn đi thủy lôi F21, hỏa tiễn chống hạm SM39 thế hệ mới, hỏa tiễn hành trình (MdCN). Loại tàu ngầm tấn công thế hệ mới này sẽ hỗ trợ đắc lực cho Hải quân, có thể tham gia các hoạt động tấn công dưới lòng đại dương, cũng như các chiến dịch đặc biệt của biệt kích và người nhái tác chiến.

Tấn công tàu dầu : Mỹ cáo buộc Iran, nhiều nước đòi mở điều tra


Một chiếc tàu dầu bị cháy sau khi bị tấn công trên biển Oman, nằm giữa các nước Ả Rập vùng Vịnh và Iran. Ảnh chụp ngày 13/06/2019.

Trong cuộc họp kín hôm qua 13/06/2019 tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc theo yêu cầu của ngoại trưởng Mỹ, Hoa Kỳ đã nêu đích danh Iran là thủ phạm tấn công hai chiếc tàu dầu ở vịnh Oman. Đại sứ Mỹ đề nghị quốc tế phải có động thái để ngăn trở những vụ tấn công mới.

Thông tín viên Marie Bourreau tại New York tường trình :      

« Toàn thể các nước thành viên đều lo ngại trước nguy cơ leo thang ở Trung Đông, nhưng về phản ứng thì ý kiến có khác nhau. Về phía Mỹ, đại sứ Jonathan Cohen thẳng thừng lên án Iran.

Bắc Kinh : Vụ tàu cá Philippines bị đánh đắm chỉ là tai nạn bình thường

Các thủy thủ trên tàu F/B Gimver 1 được cứu thoát chụp ảnh chung với các sĩ quan hải quân Philippines.
Phát thanh RFI ngày 14.06.2019



Bắc Kinh hôm qua 13/06/2019 tuyên bố vụ một tàu cá Philippines bị tông chìm ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông chỉ là một tai nạn hàng hải bình thường, tuy Philippines đã chính thức gởi công hàm phản đối.

Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng sự cố này « chỉ là một tai nạn hàng hải bình thường », và cho biết đang tiến hành điều tra. Ông Cảnh Sảng còn tố cáo ngược lại Manila là « vô trách nhiệm », khi « chính trị hóa một sự kiện mà không kiểm tra lại ».

Tin vắn 14.06.2019



Hai tổng thống Mỹ và Ba Lan cùng với hai vị phu nhân quan sát một chiếc F-35 bay qua Nhà Trắng, 12/06/2019.

(Reuters)Nga lo ngại việc Mỹ đưa drone đến Ba Lan

Matxcơva hôm 13/06/2019 bày tỏ quan ngại về dự định của Mỹ nhằm triển khai các thiết bị bay không người lái (drone) tại Ba Lan.

Thứ trưởng ngoại giao Nga Serguei Riabkov tố cáo « ý định hung hăng » của Washington, còn dân biểu Vladimir Djabarov, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga, Vladimir Chamanov, tố cáo các drone có thể mang theo vũ khí nguyên tử. Trước đó tổng thống Mỹ Donald Trump hứa sẽ đưa thêm 1.000 quân nhân Mỹ đến Ba Lan, và Vacxava loan báo mua các chiến đấu cơ F-35 của Hoa Kỳ.

jeudi 13 juin 2019

Bác sĩ Cuba làm « nhiệm vụ quốc tế » hay nô lệ ?

Một bác sĩ Cuba đang chữa trị cho một em bé bị dịch tả ở Estère, Haïti. Ảnh tư liệu chụp ngày 26/10/2010.

Đơn kiện chính quyền Cuba về « tội ác chống nhân loại vì cưỡng bách làm nô lệ » đã được các tổ chức bảo vệ nhân quyền gởi lên Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) ở La Haye từ ngày 14/05/2019. Theo đó, « hàng ngàn bác sĩ Cuba bị buộc phải tham gia các chương trình làm việc ở nước ngoài trong các điều kiện như nô lệ, mang lợi tức về cho chính quyền La Habana ».

Với số lượng đông đảo các bác sĩ Cuba phục vụ tại hơn 60 nước, chế độ La Habana cung cấp lực lượng nhân viên y tế cho các nước đang phát triển cao hơn cả tất cả các nước G8 cộng lại. Trong hơn nửa thế kỷ qua, các y bác sĩ Cuba được gởi đến Sierra Leone trong đợt dịch Ebola, đến Haiti sau trận động đất, hay Venezuela, Nam Phi, nơi họ chữa trị cho hàng ngàn người.

Lực lượng y tế, quyền lực mềm của chế độ Cuba

Cuba dùng lực lượng y tế để phát triển "quyền lực mềm". Từ năm 1960, La Habana sử dụng lá bài này để chứng tỏ sự tương trợ theo tinh thần quốc tế vô sản, chủ tịch Fidel Castro còn gọi các bác sĩ là « đội quân áo blouse trắng » của Cuba.

Nhưng bên cạnh đó, nguồn thu từ lực lượng này cũng là thu nhập chính của nền kinh tế Cuba. Năm 2016, đoàn quân áo trắng đã mang về cho đảo quốc 8 tỉ đô la, và những năm trước đó là 10 tỉ đô la. Chính quyền cộng sản còn coi đây là công cụ tác động trên trường quốc tế. Nhiều bác sĩ Cuba cho biết, trong cuộc bầu cử tổng thống ở Venezuela năm 2018, những ai bỏ phiếu cho ông Nicolas Maduro được bác sĩ Cuba chăm sóc y tế miễn phí.

Ngô Nhân Dụng - Trump cản trở tham vọng của Tập Cận Bình


Show room công nghệ 5G tại trụ sở Hoa Vi (Huawei) ở Thâm Quyến, 29/05/2019.

(Người Việt 11/06/2019) Cuộc Chiến Tranh Lạnh của thế kỷ 21 giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ không thể tránh được; nhưng suốt 30 năm qua các chính khách “lễ độ” không ai muốn nói trắng ra. Tổng Thống Donald Trump phá lệ.

Ông mở trận chiến mậu dịch với mục tiêu khiêm tốn là cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước. Nhưng sau khi ông Trump cho nổ “phát súng thuế quan,” bao nhiêu mâu thuẫn vẫn được ngấm ngầm bỏ qua cùng xuất hiện. Và những mâu thuẫn này rất lớn, lớn hơn chuyện khiếm hụt mậu dịch, lớn hơn nhiệm kỳ một ông tổng thống hay ông tổng bí thư đảng.

Mâu thuẫn chính là quan niệm về trật tự thế giới của Trung Quốc và các nước Tây phương, là lối sống và suy nghĩ của hai nền văn minh.

Từ hơn nửa thế kỷ nay, các nước Âu Châu và Mỹ đã tỏ ý “ân hận” về những lầm lỗi mà các “đế quốc” phương Tây đã phạm trong các thế kỷ trước, khi họ bành trướng sang Á Châu, Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh. Không thấy người Trung Hoa nào tỏ ra ân hận về hành động bành trướng của các đế quốc thời Hán, Đường, Minh, Thanh. Trái lại, họ thấy đó là những thời đại huy hoàng chỉ mong lập lại.

Nguyễn Quang Duy - Vì sao đến nỗi Tập Cận Bình phải “Vạn lý trường chinh”?



Dù Tập Cận Bình vẫn nói cứng, nhưng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại là điều khó chối cãi.
Chủ nhật 2/6/2019, Bắc Kinh cho công bố Bạch Thư đổ lỗi cho Mỹ làm đổ vỡ cuộc đàm phán thương mại song phương. Còn Tập Cận Bình, trước đây ít hôm, phải kêu gọi “Vạn lý trường chinh mới” sửa soạn trường kỳ chống thương mãi Mỹ. 

Thực hư ra sao? Lỗi tại ai? Cuộc chiến sẽ đưa thế giới, đưa Việt Nam về đâu? Là những câu hỏi đáng được quan tâm.

Cải cách dở dang

Từ thập niên 1970, Trung Cộng được Mỹ trợ giúp cải cách thể chế từ viện trợ, đầu tư vốn, mở cửa thị trường, giúp giáo dục, giúp chuyển giao kiến thức và kỹ thuật, giúp tham gia các tổ chức quốc tế… Nhưng uổng công, vì kinh tế tự do phải gắn liền với chính trị tự do, ngôn luận tự do và xã hội dân sự. 

Ngày 4/6/1989 để “ổn định chính trị”, Bắc Kinh đã nổ súng đàn áp phong trào sinh viên, rồi tự vạch con đường cải cách kinh tế nhưng giữ nguyên bản chất cộng sản. Cải cách vì thế không mang lại kết quả như Đài Loan và Đại Hàn, đã trở thành hai quốc gia tân tiến có GDP thu nhập đầu người cao.