mercredi 23 mai 2012

Bình Nhưỡng: Buộc phải viện đến vũ khí nguyên tử đối phó với sức ép của Mỹ

Bài đăng : Thứ tư 23 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 23 Tháng Năm 2012 
 
Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên hôm qua 22/05/2012 đã lý giải rằng, áp lực ngoại giao của Mỹ sau vụ bắn hỏa tiễn mới đây khiến Bình Nhưỡng không có chọn lựa nào khác ngoài việc cầu viện đến năng lực răn đe bằng vũ khí hạt nhân để « tự vệ ».

Trong thông cáo được hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa lại, Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên cho biết sẽ tiếp tục « củng cố khả năng răn đe bằng nguyên tử, một khi Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chính sách thù địch ».
Cả năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong đó có Trung Quốc, đồng minh chủ yếu của Bắc Triều Tiên, hồi đầu tháng đã khuyến cáo Bình Nhưỡng không nên tiến hành thử nghiệm hạt nhân. Hoa Kỳ cảnh cáo có thể đưa ra thêm các biện pháp trừng phạt mới, nếu Bắc Triều Tiên cứ tiếp tục chính sách này.

Vào cuối tháng Tư, các nguồn tin thân cận với Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đã cho biết, việc chuẩn bị cho vụ thử nguyên tử lần thứ ba, sau hai vụ năm 2006 và 2009 của Bắc Triều Tiên, đã gần như hoàn tất. Bình Nhưỡng nói rằng « các tin đồn về thử nghiệm hạt nhân » là do Washington tung ra.

Các nhà phân tích lo ngại Bình Nhưỡng sẽ sử dụng uranium đã làm giàu ở mức cao trong lần thử nghiệm sắp tới. Đây là một giai đoạn mới trong các bước chế tạo bom nguyên tử, và Nhà nước Bắc Triều Tiên đã có một lượng dự trữ plutonium giới hạn. Theo các chuyên gia, thì Bắc Triều Tiên đang có trong tay các vật liệu đủ để chế tạo ít nhất sáu quả bom hạt nhân.

Hoa Kỳ cho rằng hỏa tiễn Unha được phóng đi ngày 13/4 và bị nổ tung ngay sau đó, tuy về mặt chính thức là để đưa một vệ tinh quan sát vào quỹ đạo, nhưng thực ra là một hỏa tiễn tầm xa có thể mang theo đầu đạn nguyên tử.

Tân lãnh tụ Kim Jong Un từ khi lên nắm quyền vào tháng 12 năm ngoái luôn đề cáo chính sách quân sự của người cha là Kim Jong Il. Đặc biệt Kim Jong Un đã cho ngưng thỏa thuận với Hoa Kỳ hồi tháng 2/2011 về việc Mỹ viện trợ lương thực để đổi lấy việc Bắc Triều Tiên chấm dứt các vụ bắn hỏa tiễn, và cho phép các thanh tra đến các địa điểm nguyên tử.

Hôm qua Viện Nghiên cứu Mỹ-Hàn Johns Hopkins cho biết, Bắc Triều Tiên đang tiến rất nhanh trong việc hiện đại hóa địa điểm phóng vệ tinh Tonghae, hay còn gọi là Musudan-ri. Các hình ảnh chụp được từ vệ tinh cho thấy địa điểm này có thể phóng đi các tên lửa quan trọng hơn loại Unha – hoặc là các hỏa tiễn không gian sử dụng nhiên liệu lỏng, hoặc các loại hỏa tiễn liên lục địa.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Theo dòng thời sự 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120523-binh-nhuong-buoc-phai-vien-den-vu-khi-nguyen-tu-de-doi-pho-voi-suc-ep-cua-my
 

Phong trào biểu tình tại Miến Điện chống cúp điện lan đến Rangoon


Bài đăng : Thứ tư 23 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 23 Tháng Năm 2012 
 
Sau các cuộc biểu tình ở Mandalay chống tình trạng cúp điện tại Miến Điện, phong trào đã lan đến Rangoon vào hôm nay 23/05/2012. Hãng tin AFP cho biết hai cuộc biểu tình tập hợp khoảng 150 người tại khu trung tâm thành phố đã nhanh chóng bị cảnh sát giải tán.

Hãng tin Pháp ghi nhận, những người biểu tình trong đó có các cựu tù nhân chính trị, đã hô to : « Hãy cung cấp điện cho người dân 24/24 giờ ». Cảnh sát đã ra lệnh cho họ giải tán.

Miến Điện đang bị thiếu điện trầm trọng, nên phải dùng biện pháp cúp điện có khi sáu giờ một ngày tại Rangoon. Còn tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Miến Điện, thì số giờ bị cúp điện nhiều gấp ba lần, nên đã phát sinh ra phong trào biểu tình.

Khoảng 1.000 người đã xuống đường vào tối Chủ nhật 20/5 tại Mandalay, và khoảng 1.500 người vào tối thứ Hai 21/5. Đây là phong trào phản kháng quy mô nhất từ sau « Cuộc nổi dậy Áo cà sa » năm 2007. Người dân chỉ trích việc chính quyền đã bán điện cho Trung Quốc trong khi dân chúng Miến Điện không đủ điện sinh hoạt.

Tối hôm qua, sự hiện diện đông đảo của cảnh sát đã khiến những người biểu tình phải thay đổi địa điểm. Khoảng 400 người đã tập trung trước một ngôi chùa, và các nhà sư cũng tham dự vào phong trào. Hơn một chục thành viên Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, đảng của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, đã bị cảnh sát Mandalay thẩm vấn vì tham gia biểu tình.

Trong thông cáo được nhật báo chính thức New Light of Myanmar đăng hôm qua, Bộ Điện lực đã yêu cầu người dân Miến Điện “thông cảm” trước tình hình, cho rằng cần phải “tiết kiệm điện” bằng cách cúp điện luân phiên.

Không hề nhắc đến phong trào biểu tình ở Mandalay, Bộ Điện lực giải thích là trong mùa khô, lượng điện tiêu thụ cao hơn hẳn so với năng lực sản xuất. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2009, chỉ có 13% dân số Miến Điện có được điện sinh hoạt.

tags: Châu Á - Miến Điện 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120523-phong-trao-bieu-tinh-tai-mien-diechong-cup-dien-lan-den-rangoon
 

Ngân hàng Thế giới : Trung Quốc cần tăng chi để hỗ trợ tăng trưởng

Bài đăng : Thứ tư 23 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 23 Tháng Năm 2012 
 
Tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm nhanh trong năm nay, và các nhà lãnh đạo nước này sẽ phải tăng chi ngân sách để tránh cho tăng trưởng bị khựng lại một cách đột ngột. Ngân hàng Thế giới hôm nay 23/05/2012 đã nhận định như trên, và nhấn mạnh vai trò động lực của châu Á Thái Bình Dương đối với thế giới.

Các khoản chi tiêu này giúp khắc phục các khó khăn của các nhà xuất khẩu Trung Quốc tại các thị trường chủ chốt, mà châu Âu đứng hàng đầu. Báo cáo bán niên của Ngân hàng Thế giới khẳng định : « Thử thách trước mắt của Trung Quốc là hỗ trợ nền kinh tế để đạt đến một sự giảm tốc nhẹ nhàng ».

Theo dự báo, thì tăng trưởng của Trung Quốc năm 2012 là 8,2%, so với 9,2% của năm 2011 và 10,4% năm 2010. Ngân hàng Thế giới lo ngại tăng trưởng bị hãm phanh một cách đột ngột, tuy nhiên Trung Quốc vẫn còn khả năng xoay sở để đối phó với nguy cơ này.

Tiêu thụ của các nước có thu nhập cao tiếp tục chậm lại sẽ nhanh chóng làm ảnh hưởng đến các dây chuyền sản xuất và hoạt động thương mại ở châu Á, nơi Trung Quốc đóng vai trò trung tâm. Còn ngay tại Trung Quốc, nguy cơ nội tại chủ yếu từ việc chỉnh đốn lại thị trường địa ốc.

Các lo ngại cho nền kinh tế thứ nhì thế giới lại bùng lên trước những chỉ số tệ hại được Bắc Kinh công bố vào tháng Tư. Tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp, nhập khẩu và xuất khẩu, đầu tư vốn cố định và lượng cấp tín dụng mới…tất cả đều đã giảm sút trong tháng rồi.

Do vậy, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã loan báo giảm dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, đồng thời tăng lượng tiền cho vay. Chính phủ Trung Quốc không còn chú trọng vào mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa 7,5% trong năm nay, để tránh gia tăng thất nghiệp cũng như các bất ổn xã hội.

Tuy khuyến khích chính phủ Trung Quốc tăng chi tiêu ngân sách, nhưng Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo khuynh hướng đầu tư ồ ạt vào cơ sở hạ tầng - như Bắc Kinh đã từng làm để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 trước đây, gây ra nạn lạm phát. Bản báo cáo cho rằng cần phải ưu tiên ngân sách cho việc kích thích tiêu dùng, như giảm thuế, chi phúc lợi và các biện pháp mang ý nghĩa xã hội khác.

Tăng trưởng của Trung Quốc sụt giảm sẽ đè nặng lên toàn bộ các nền kinh tế đang phát triển tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương, khu vực mà Ngân hàng Thế giới dự kiến mức tăng trưởng là 7 ,6% trong năm nay thay vì 8,2% của năm 2011. Tuy xuất khẩu nguyên liệu từ các nước trong khu vực tăng vọt trong năm ngoái, nhưng nếu kinh tế Trung Quốc bị chậm lại thì giá nguyên vật liệu sẽ giảm xuống.

Ngân hàng Thế giới cũng nhận định, nhìn chung thì khu vực châu Á -Thái Bình Dương vững vàng hơn so với phần còn lại của thế giới. Pamela Cox, Phó giám đốc phụ trách châu Á Thái Bình Dương nhận xét : « Trong một thế giới mà tăng trưởng đang chao đảo ở nhiều khu vực, Đông Á và Thái Bình Dương tạo thành một cụm ánh sáng. Đó là một khu vực vẫn còn tăng trưởng, gợi ra nhiều hy vọng (…). Châu Âu là một đám mây ở chân trời xa, nhưng mưa vẫn chưa rơi xuống được châu Á ». Tuy vậy kinh tế gia trưởng Bert Hofman cũng cảnh báo là « các rủi ro từ châu Âu có thể ảnh hưởng đến châu Á qua các chu chuyển thương mại và tài chính ».

tags: Châu Á - Kinh tế - Ngân Hàng Thế Giới - Tăng trưởng - Trung Quốc 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120523-ngan-hang-the-gioi-trung-quoc-can-tang-chi-de-ho-tro-tang-truong
 

Trung Quốc điều tra vụ ngư dân bị Bắc Triều Tiên bắt

Bài đăng : Thứ ba 22 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 23 Tháng Năm 2012 
 
Hôm 22/05/2012 Bắc Kinh loan báo đã mở cuộc điều tra về các điều kiện giam cầm 28 ngư dân Trung Quốc bị Bình Nhưỡng bắt giữ. Vụ này lúc ban đầu đã được cho là một vụ bắt con tin để đòi tiền chuộc.

Màn bí mật bao trùm lên sự kiện này, và có thể thấy rõ sự lúng túng của Bắc Kinh qua nhiều bài báo liên tục mâu thuẫn nhau trên báo chí chính thức Trung Quốc. Các phương tiện truyền thông Bắc Kinh khi thì mô tả những người Bắc Triều Tiên là « bọn bắt cóc chưa rõ xuất xứ », khi lại nói đó là các đại diện chính quyền Bình Nhưỡng.

Hôm nay từ Bắc Kinh phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết: « Theo các thông tin của chúng tôi, thì Bộ Ngư nghiệp Trung Quốc đang tiến hành điều tra về các tình huống của vụ này. Bộ Ngoại giao xem sự cố này là hết sức quan trọng ».

Ông Hồng Lỗi tuyên bố : « Trung Quốc khuyến khích Bắc Triều Tiên tôn trọng các điều khoản của thỏa thuận lãnh sự đôi bên, nhất là quyền thăm viếng của đại diện lãnh sự ». Nhìn nhận là các ngư dân Trung Quốc hiện đang nằm trong tay chính quyền Bắc Triều Tiên chứ không phải bị hải tặc bắt giữ, ông Hồng Lỗi nói thêm : « Chúng tôi cũng yêu cầu Bình Nhưỡng đảm bảo an toàn, các quyền và lợi ích chính đáng, đối xử nhân đạo với ngư dân Trung Quốc ».

Các ngư dân (ban đầu báo chí đăng là 29 người nhưng thực ra là 28) đã bị những người Bắc Triều Tiên vũ trang bắt giữ cùng với tàu của họ vào ngày 8/5 ngay trên biển. Họ được trả tự do 13 ngày sau đó và đã trở về cảng Đại Liên của Trung Quốc.

Các vụ xung đột liên quan đến ngư dân Trung Quốc vốn có khuynh hướng đi đánh bắt ngày càng xa, vẫn thường xuyên xảy ra tại châu Á, do các tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước láng giềng Nhật Bản, Việt Nam và Philippines. Nhưng các sự cố trên biển giữa Trung Quốc với đồng minh Bắc Triều Tiên thì hết sức hiếm hoi.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Hải tặc - Lãnh hải - Trung Quốc 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120522-bac-kinh-mo-dieu-tra-ve-viec-bac-trieu-tien-bat-giu-ngu-dan-trung-quoc
 

Việt Nam cần áp dụng tam quyền phân lập để tránh một Nhà nước toàn trị


Bài đăng : Thứ hai 21 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 23 Tháng Năm 2012 
 
Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 5 vừa bế mạc ngày 15/05/2012 đã khẳng định một số vấn đề rất được dư luận chú ý trong thời gian gần đây. Trước hết là tái công nhận đất đai là sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Kế đến là quyết định lập Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng bí thư đứng đầu, và bỏ các ban chỉ đạo cấp tỉnh.

Luật gia Lê Hiếu Đằng_Việt Nam
 
21/05/2012
by Thụy My
 
 
RFI Việt ngữ đã trao đổi với Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh về các vấn đề trên.

RFI: Xin chào luật gia Lê Hiếu Đằng. Thưa ông, vừa qua Hội nghị trung ương lần thứ 5 đã tái khẳng định « đất đai thuộc sở hữu toàn dân ». Ông có nhận xét như thế nào về vấn đề này ?

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Vừa qua sau Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 nhiều người rất là thất vọng. Bởi vì những chủ trương đưa ra trong nghị quyết hoàn toàn đi ngược lại với thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, nhất là vấn đề đất đai. Mà tôi cho rằng làm như vậy là không thực hiện dân chủ. Bởi vì lẽ ra phải để cho dân, cho nhân sĩ trí thức, rồi các tổ chức, đoàn thể bàn bạc trao đổi trong việc sửa đổi Hiến pháp, mà trong đó có điều khoản về đất đai. Và sau khi đã bàn bạc rồi, trên cơ sở đó Đảng có quyết định và chịu trách nhiệm trước dân, trước lịch sử về quyết định của mình, bằng cách ra nghị quyết. Chứ làm như vậy là một quy trình ngược - bây giờ còn trao đổi gì nữa, nếu khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân ?

Có nhiều ý kiến đề nghị phải xác định là đất đai là có ba quyền sở hữu : sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu cá nhân. Thật ra sở hữu cá nhân không ảnh hưởng gì vì khi có nhu cầu quốc phòng, nhu cầu an ninh thì nhà nước có thể trưng thu, trưng mua. Điều này thì nước nào cũng vậy cả. 

Nhưng nếu nói đất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý, thì dễ đi đến sự tùy tiện của các cấp chính quyền. Mặc dù có quy định là bao nhiêu năm mới hết hạn, nhưng mà người dân vẫn không an tâm. Mà nhất là tôi thấy vô lý ở chỗ, trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân vừa rồi, thì khẩu hiệu của chúng ta là ruộng đất cho dân cày, nên tập hợp được nông dân - chính đây là lực lượng chủ yếu để làm cách mạng.
Nhưng khi cách mạng về, thắng lợi rồi thì bỗng dưng mình lại tuyên bố là đất đai của toàn dân, không thừa nhận quyền sở hữu đất đai của người dân, và nhất là nông dân. Có thể nói đây là một sự phản bội đối với nông dân. Thành ra mới xảy ra nhiều hoàn cảnh đau lòng, như gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng hay mới đây là ở Văn Giang (Hưng Yên), và ở Nam Định.

Chúng tôi nghĩ là Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương lần thứ 5, và phát biểu khai mạc cũng như bế mạc của ông Tổng bí thư đi ngược lại nguyện vọng của người dân. Bởi vì trước đó, trong khi thảo luận để sửa đổi Hiến pháp, nhiều nhân sĩ trí thức và kể cả những người có chân trong chính quyền cấp cao trước đây, cũng đề nghị là phải công nhận quyền sở hữu đất đai của người dân.

Tôi nghe nói là « Ý Đảng, lòng dân », thì rõ ràng là lòng dân đi một đường mà ý Đảng lại đi một nẻo. Như vậy sẽ tiếp tục là một nguy cơ làm mất ổn định chính trị. Chứ không có kẻ xấu, không có đám phản động nào hết, mà chính những chủ trương chính sách bất hợp lý, không phù hợp lòng dân sẽ là một trong những nguyên nhân gây mất ổn định chính trị.

Vì vậy mà chúng tôi thấy rất là thất vọng và rất buồn, vì lãnh đạo của Đảng Cộng sản lại không thấy hết nỗi khổ của người dân trong những vụ bị thu hồi đất. Và như vậy nó liên quan đến vấn đề chống tham nhũng. Có nghĩa là tham nhũng hiện nay lớn nhất là tham nhũng về đất đai, mà kẽ hở của luật pháp chính là việc không công nhận quyền sở hữu ruộng đất của người dân.

RFI: Có vẻ chính quyền vẫn chưa muốn rút kinh nghiệm từ vụ Tiên Lãng, hoặc là lo ngại xảy ra tác động dây chuyền, ông nghĩ thế nào ?

Như trong bài viết « Ai biến chất chính trị và ai là người tự diễn biến ? » trên mạng Bauxite Việt Nam tôi cũng đã phân tích, chính vấn đề là những vụ như Văn Giang hay Nam Định đã gây nên sự công phẫn của người dân. Ví dụ như đánh dân – dùng lực lượng công an để đánh dân, mà chính quyền lại chối, nhưng cuối cùng lại lòi ra là đánh không phải dân mà còn đánh hai nhà báo của đài phát thanh Việt Nam. 

Vấn đề không phải là đánh nhà báo - vì dân thì anh đánh được à ? Như vậy hoàn toàn không phù hợp với cái mà chúng ta thường nói là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Chuyện xảy ra ở Văn Giang rất đáng buồn ở chỗ lẽ ra từ vụ Tiên Lãng chúng ta rút kinh nghiệm. Mà Văn Giang đâu có xa Hà Nội bao nhiêu, nhưng chính phủ trung ương không có một phản ứng gì để giải quyết vụ Văn Giang, đi đến tình hình là xua một ngàn cảnh sát công an đi dẹp dân.

Chính quyền phải thấy rằng những vụ đó sẽ là manh nha nhiều vụ việc khác nữa. Bởi vì không phải chỉ ở Tiên Lãng, Văn Giang hay Vụ Bản, mà ngay ở Thành phố Hồ Chí Minh, ở các tỉnh miền Nam đều có những bức xúc về đất đai cả. Vì vậy đây là vấn đề rất lớn trong tình hình hiện nay. 

Mà nếu giải quyết không khéo, không đứng về phía quyền lợi của người dân, mà đứng về phía lợi ích của các tập đoàn, thì Nhà nước không phải là Nhà nước của dân do dân vì dân. Không phải là Nhà nước để bảo vệ người nghèo, những người cô thế nữa, mà là Nhà nước để bảo vệ những người có tiền, người giàu, giới chủ, hay như chúng ta thường nói là những tư sản đỏ. 

RFI: Có lẽ là chấp nhận cho người dân có được quyền sở hữu đất đai mới là lạ, vì hiện nay không dễ gì thay đổi nhanh như vậy phải không thưa ông ?

Tôi cho rằng một Đảng cầm quyền phải dựa trên ý nguyện của người dân để mà ra chính sách, chứ không phải dựa trên lợi ích nhóm, lợi ích của các nhà đầu tư. Mà nếu dựa trên lợi ích của người dân và nhất là nông dân, thì việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó có Luật đất đai tôi cho là đương nhiên thôi.
Nhưng vấn đề ở đây, nếu nói sửa đổi « lạ » là ở chỗ hiện nay tình hình thực tế là các nhóm lợi ích đã chi phối chính quyền quá nhiều rồi - hay là các nhà đầu tư thông qua đồng tiền đã chi phối các cấp chính quyền quá nhiều ! Thành ra có nhiều người tin rằng việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó có Luật đất đai là sẽ không thay đổi. 

Mà quả thật qua nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương lần thứ 5, thì rõ ràng suy nghĩ đó là đúng sự thật. Và có thể nói đã gây ra một cú sốc rất lớn đối với số nhân sĩ trí thức và các tầng lớp nhân dân mà từ trước đến giờ đã thảo luận và đã có ý kiến nên công nhận quyền sở hữu về đất đai của người dân, trong đó có nông dân.

RFI: Còn về vấn đề lập Ban chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, và bỏ các ban chỉ đạo cấp tỉnh, theo ông sẽ có tác động được nhiều hơn trong việc chống tham nhũng không ?

Tôi cho là tình hình tham nhũng hiện nay, như ngay báo chí công khai của nhà nước, cũng như một số cuộc họp lãnh đạo cũng thừa nhận là một căn bệnh ung thư đã di căn rồi. Có nghĩa là nó đã đục ruỗng bộ máy nhà nước của chúng ta rất nhiều rồi.

Mà qua công tác từ trước tới giờ tôi vẫn biết, là cấp chính quyền nhỏ thì ăn hối lộ, tham nhũng theo cấp nhỏ, cấp quận thì ăn theo cấp quận, cấp thành phố thì theo thành phố, cấp tỉnh theo cấp tỉnh, trung ương theo trung ương…Nó ăn ruỗng trong nhiều lãnh vực liên quan đến đời sống con người. Ví dụ như lãnh vực giáo dục, lãnh vực y tế, xây dựng chẳng hạn, rồi lãnh vực đất đai. Có thể nói là đã đụng chạm rất nhiều đến đời sống, quyền lợi của người dân.

Vì vậy tôi cho là biện pháp nào để chống tham nhũng cũng phải xuất phát từ chỗ, có thực sự muốn chống tham nhũng hay không. Và có thoát khỏi những ràng buộc, bao vây của những thế lực – mà không phải thế lực thù địch hay thế lực xấu gì, nhưng là những thế lực tài phiệt, kể cả từ các nhóm lợi ích cho đến những nhà đầu tư không « ngay ngắn ». Vấn đề là ở chỗ đó. Còn phương pháp nào thì cũng sẽ bị vô hiệu hóa nếu không thực sự muốn chống tham nhũng, không thực sự chống lại cái xói mòn của tiền bạc vào trong các cấp chính quyền. 

Bây giờ ngoài ban chống tham nhũng của chính phủ ra, thì có ban chỉ đạo.Tôi thì ở Thành phố Hồ Chí Minh hồi còn đương chức đã tham gia rất nhiều ban chỉ đạo, nhưng rồi cuối cùng cái tác dụng của các ban chỉ đạo cũng không có gì ghê gớm cả. Vì nói gì thì nói thì ban chỉ đạo cũng chỉ là ban tổng hợp của nhiều ngành tham gia.

Vấn đề tổ chức cũng rất quan trọng, nhưng tôi nghĩ là nếu bây giờ Tổng bí thư đứng đầu Ban chỉ đạo thì tôi cũng trông chờ xem hiệu quả của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng như thế nào. Nhưng tôi thấy trước mắt những vụ như ở Tiên Lãng (Hải Phòng), ở Văn Giang, ở Vụ Bản (Nam Định), đứng về mặt Đảng thì những vị giữ chức vụ cao trong Đảng không động tĩnh gì hết. Như vậy chưa chắc gì khi có ban chỉ đạo sẽ có tác dụng tích cực, mà vẫn để cho chính quyền hoành hành trong việc giải tỏa đền bù, rồi trong nhiều việc khác, hay là trong vấn đề đầu tư công.

Đầu tư công là một lãnh vực mà tham nhũng hết sức là to lớn. Những vụ làm thất thoát hàng chục ngàn tỉ hay hàng trăm ngàn tỉ sẽ giải quyết thế nào. Dù sao thì chúng ta cũng chờ xem thử ban chỉ đạo mới thành lập sau nghị quyết trung ương 5 sẽ hành xử như thế nào, từ đó mới thấy rằng Đảng và Nhà nước có quyết tâm thực sự chống tham nhũng hay không. Hay là cũng như những lần trước đây đề ra rất nhiều biện pháp nhưng cuối cùng là không hiệu quả vì không thực sự muốn chống tham nhũng.

RFI: Được biết sẽ thành lập lại Ban Nội chính Trung ương đồng thời là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, như vậy có gì khác không thưa ông ?

Thật ra trước đây đã có Ban An ninh Nội chính trung ương và ở cấp tỉnh, thành phố rồi, nhưng mà sau đó giải tán, bây giờ lập lại. Tôi nghĩ vấn đề khó khăn ở chỗ đây chỉ là một ban của Đảng thôi. Đứng về mặt luật pháp thì một tổ chức chính quyền được luật pháp quy định thì mới có quyền. Còn ban Đảng, ngay cái tên là chỉ « chỉ đạo » thôi mà, chứ đâu có quyền. Có nghĩa là anh chỉ đạo cái này cái kia, nhưng mà bên chính quyền làm hay không làm thì cũng không sao cả.

Cái này là cái mà từ trước tới giờ gặp rất nhiều khó khăn- có nhiều ban chỉ đạo nhưng không hiệu quả. Mà điều này liên quan đến việc có giao quyền thật sự cho ban chỉ đạo này hay không, hay lại cũng chỉ là hình thức như các ban chỉ đạo khác.

RFI: Thưa ông, bên cạnh đó còn có chuyện bố trí người thường dựa vào quen biết, thế lực chứ không phải tài năng. Có lẽ khi nào chưa có cơ chế chọn được người có năng lực vào những vị trí quan trọng thì vẫn còn tham nhũng?

Nhân đây tôi cũng muốn nói một ý mà trong hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 5 ông Tổng bí thư cũng có nêu, đó là vấn đề tam quyền phân lập. Thật ra muốn chống tham nhũng, muốn một chính quyền hoạt động có hiệu quả, thì phải chấp nhận tam quyền phân lập.

Mà đây không phải là sản phẩm của giai cấp tư sản, nhưng là thành quả từ các kinh nghiệm - kinh nghiệm quản lý đất nước, con người mà ra. Bởi vì tam quyền phân lập mới làm cho các bộ phận được độc lập. Ví dụ như tư pháp có độc lập thì mới dám xử mấy ông tham nhũng chứ ?

Chứ bây giờ tình hình ở Việt Nam là gì ? Là xử theo bản án đã có sẵn, nhất là những vụ nghiêm trọng là cấp ủy đảng đôi lúc có xen vào. Hay là hành pháp cũng vậy. Thành ra vấn đề là phải độc lập thì mới có đủ quyền lực để mà hành xử, để xử lý một số vụ việc nghiêm trọng xảy ra. 

Ví dụ như ở các nước, Tổng thống tuy là « hạ cánh an toàn » rồi nhưng mà sau họ cũng lôi ra xử. Chứ không phải như Việt Nam chúng ta, hễ « hạ cánh an toàn » rồi thì thôi, hoặc là đương chức thì cũng không thể nào xử được.

Thành ra tôi cho rằng việc tam quyền phân lập là một trong những biện pháp để chống lại một cái Nhà nước toàn trị. Nếu không tam quyền phân lập thì vai trò của Đảng như thế nào ? Đảng trở thành một siêu quyền lực ! Ai giám sát Đảng ? Như vậy sẽ trở thành một siêu quyền lực và dễ đi đến chỗ đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật và đi đến lộng quyền. Đó là điều mà người dân đâu có ủy nhiệm thông qua lá phiếu của mình ?

Vì vậy tôi cho là vấn đề chống tham nhũng, cũng như vấn đề đất đai, thì nó liên quan đến một Nhà nước pháp quyền, trong đó tôn trọng nguyên tắc tam quyền phân lập thì mới có hiệu quả. Chứ còn nếu không sẽ dẫn đến chỗ « vừa đá bóng vừa thổi còi » và sẽ không đi đến đâu cả.
Trong thảo luận về sửa đổi Hiến pháp thì nhiều nhân sĩ trí thức cũng đặt ra vấn đề tam quyền phân lập. Ngay ông Nguyễn Văn An từng là Chủ tịch Quốc hội cũng nói, tuy không rõ, nhưng cũng nói hơi hơi cái ý đó. 

Đó là mối tương quan giữa vấn đề đất đai, vấn đề chống tham nhũng với một Nhà nước pháp quyền thật sự. Trong đó phải tôn trọng một nguyên tắc chung mà một Nhà nước dân chủ phải tuân thủ : tam quyền phân lập. Và trong tam quyền phân lập thì Đảng cầm quyền cũng phải được người dân giám sát, chứ không thể tự tung tự tác !

RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã vui lòng dành thì giờ trả lời phỏng vấn của chúng tôi.


tags: Chính trị - Dân chủ - Pháp luật - Phỏng vấn - Việt Nam 
 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120521-viet-nam-can-ap-dung-tam-quyen-phan-lap-de-tranh-mot-nha-nuoc-toan-tri
 

mardi 22 mai 2012

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cải chính tin bị cấm xuất cảnh


Tiểu thuyết "Tướng về hưu" ấn bản bỏ túi của NXB L'Aube.
(AFP) Hôm nay 22/05/2012 nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã đính chính với AFP về thông tin chính quyền Việt Nam cấm ông xuất cảnh đi Pháp để tham gia hoạt động ra mắt một cuốn sách của ông. Theo nhà văn thì ông đã từ chối chuyến đi này vì lý do sức khỏe.

Nguyễn Huy Thiệp nói với hãng thông tấn Pháp là « Thông tin về việc tôi bị cấm xuất cảnh sang Pháp là không đúng ». Ông cho biết như trên sau khi nhà xuất bản Pháp L’Aube, cũng trong hôm nay, nêu ra việc chính quyền Hà Nội cấm Nguyễn Huy Thiệp xuất cảnh.

Nhà văn nói thêm : « Tôi được nhà xuất bản L’Aube mời sang Pháp để tham dự sự kiện này, cách đây khoảng một tháng bằng email. Tôi đã trả lời rằng tôi không đi được vì lớn tuổi và bệnh hoạn – tôi bị bệnh tim và tiểu đường ».

Về phía L’Aube, nhà xuất bản sẽ phát hành toàn tập các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp vào tháng Sáu tới, nói rằng : « Nguyễn Huy Thiệp, mà tội duy nhất là viết lách, một lần nữa lại bị cô lập – thư từ bị lấy trộm, điện thoại bị cắt và bị cấm xuất cảnh ».

Theo AFP, thì nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mà tác phẩm nổi tiếng nhất là tiểu thuyết « Tướng về hưu », không hẳn là một nhà ly khai đối với chế độ, tuy quan hệ với chính quyền đôi khi có căng thẳng, đặc biệt là với Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bị cấm xuất cảnh


Tác phẩm "Tuổi hai mươi yêu dấu" do NXB L'Aube phát hành tại Pháp.

(AFP) Chính quyền Việt Nam vừa cấm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không cho đi Pháp vào đầu tháng Sáu nhân dịp ra mắt tác phẩm « Tình yêu, tội ác và trừng phạt » của ông do nhà xuất bản Pháp L’Aube giới thiệu. Hôm thứ Hai 21/05/2012 nhà xuất bản L’Aube đã cho AFP biết như trên.

Theo nhà xuất bản này, vốn sẽ xuất bản bộ truyện ngắn toàn tập của nhà văn vào tháng Sáu, thì « Nguyễn Huy Thiệp – mà tội duy nhất là viết lách – một lần nữa lại bị cô lập : thư từ bị lấy trộm, điện thoại bị cắt và bị cấm xuất cảnh ».

Trong một thông báo, nhà xuất bản L’Aube nhắc lại, để có thể tự do gặp gỡ các độc giả, « nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã phải thành lập một nhà hàng dưới chân cầu Long Biên ở Hà Nội ». Thông cáo nói tiếp : « L’Aube nhấn mạnh sự ủng hộ vô điều kiện đối với nhà văn hiện đang bị mất quyền tự do di chuyển và tự do ngôn luận – mà chúng tôi hy vọng là chỉ tạm thời – và đề nghị mỗi người trong chúng ta cũng ủng hộ cho ông ».

Từ khi thành lập, nhà xuất bản L’Aube luôn cam kết dành tiếng nói cho các nhà văn bị ngăn trở trong việc tự do diễn đạt ở trong nước. Chẳng hạn như đã xuất bản cuốn « Thẩm vấn từ xa » của Vaclav Havel năm 1989 khi ông đang còn trong nhà tù. L’Aube cũng là nhà xuất bản đã in các tác phẩm của Cao Hành Kiện, nhà văn đã rời Trung Quốc từ năm 1988 và sau đó đoạt giải Nobel văn chương. Hoặc Abed Charef, bị buộc phải đi khỏi Algérie sáu tháng sau khi cho ra đời tác phẩm « Algérie, bước trượt ngã dài ».

dimanche 20 mai 2012

Các điểm yếu của Trung Quốc phơi bày ra ánh sáng


Luật sư mù Trần Quang Thành (thứ ba từ trái sang) phát biểu trước báo chí khi vừa đến nơi tạm ngụ ở New York ngày 19/05/2012.
(Le Monde) Nắm quyền từ năm 1949, đảng Cộng sản Trung Quốc liệu có thể trụ được lâu dài như đảng Cộng sản Liên Xô (74 năm) hay Quốc dân đảng (tại Trung Quốc rồi đến Đài Loan, trong vòng 73 năm) hay không ? Không có gì là chắc chắn cả ! Giáo sư Pei viết : « Sự thống trị của đảng Cộng sản Trung Quốc bước vào một thời kỳ hiểm nghèo ».

Vốn nhanh chóng giải quyết những xung đột trong hậu trường và cáo buộc mọi sự chỉ trích là can thiệp vào việc nội bộ của nước khác, chính quyền Trung Quốc trong những tháng gần đây lại bị đặt trong một hoàn cảnh khó xử chưa từng thấy. Những vụ đấu đá bí mật nhất trong nội tình bỗng chốc bị lôi ra trước thanh thiên bạch nhật, phơi bày ra trước mắt toàn thế giới, với hai câu chuyện hình sự ly kỳ.

Tất cả bắt đầu vào tháng Hai, khi một viên chức công an cao cấp ở tỉnh cảm thấy nơi chốn tốt nhất để trốn tránh trận lôi đình của cấp trên, là lãnh sự quán Mỹ. Vị siêu cớm đó là Vương Lập Quân ở Trùng Khánh, đã được giao lại cho chính quyền trung ương Bắc Kinh. Còn thủ trưởng của ông Vương là Bạc Hy Lai thì bị cách chức, nay đang chờ đợi hình phạt, trong khi sự nghiệp chính trị của ông Bạc khởi đầu đầy hứa hẹn.

Một đột phá khẩu khác là từ một nhà ly khai khiếm thị. Bị công an quấy nhiễu bằng cung cách mafia, vị luật sư mù không có chọn lựa nào khác để kêu đòi công lý ngoài việc trông cậy vào sự bảo vệ của Mỹ, ngay tại thủ đô Trung Quốc. Sự hoảng loạn của ông Trần Quang Thành - khi phát hiện rằng, một khi đã được đưa vào bệnh viện ở Bắc Kinh hôm 02/05/2012 thì không còn có nhà ngoại giao nào được phép ở cạnh - đã trở thành một chủ đề chính trị tại nước Mỹ.

Tuần báo Time đã chạy tít « Cộng hòa Nhân dân Xì-căng-đan », và trang bìa này được cư dân mạng Trung Quốc truyền cho nhau. Đã hẳn là các cơn bão tố chính trị lan đi khá chậm chạp, và tiếng vọng ở thế giới bên ngoài đã được giảm sốc trong nội địa nhờ tuyên truyền. Nhưng dù sao đi nữa nó cũng cho thấy sự mong manh của mô hình chủ nghĩa toàn trị kiểu mới của Trung Quốc, trong lúc chỉ vài tháng nữa là đến đại hội Đảng lần thứ 18, lúc đó « thế hệ thứ năm » sẽ lên nắm quyền lãnh đạo. Nghệ sĩ ly khai Ngải Vị Vị nhận xét : « Giống như là một mảng lớn của bức tường thành đã bị lở ra, nó mang tính quốc tế, liên quan tới rất nhiều người, và tại Trung Quốc mọi con mắt đều đổ dồn vào đây ».

Ngay cả việc khóa kín thông tin trên báo chí về vụ Trần Quang Thành cũng không hoàn hảo. « Trong sự yên tĩnh của đêm thâu, đây là thời điểm để gỡ bỏ chiếc mặt nạ giả dối, để nói với cái nghiệp của chính mình điều gì là sự thực : Rất tiếc. Chúc ngủ ngon ». Thông điệp trên đây được Tân Kinh báo, một tờ báo có khuynh hướng tự do gởi đến 1,4 triệu thành viên trên tài khoản Vi Bác của tờ này. Đó là vào buổi tối 04/05/2012, sau khi toàn bộ các báo ở Bắc Kinh bị bắt buộc phải đăng các bài xã luận đả kích « âm mưu của Mỹ » trong vụ Trần Quang Thành.

Cho dù muốn tăng trưởng bằng mọi giá, sự thức tỉnh lương tri và những tiếng nói công dân trong nước đã xuẩt hiện rộng khắp. Đó là cuộc khủng hoảng của một Nhà nước phi luật lệ, hay đúng hơn là quản lý theo kiểu « cái lý của kẻ mạnh » – và thường thì ai mạnh nhất trong đảng là thắng – đã gây nhiều bất bình.

Minh họa mới nhất cho sự phẫn nộ này : Ngày 10/5 một phụ nữ trong lúc phải ký thỏa thuận giao lại căn nhà mình bị một địa phương ở Vân Nam trưng thu để đập bỏ, đã kích hoạt chất nổ mang theo bên mình, làm cho ba người khác chết cùng với bà ta. Hành động tuyệt vọng vừa bi thảm vừa kịch tính này, đã cộng thêm vào một loạt các vụ tương tự, trong đó có hơn một chục vụ tự thiêu của những người bị cưỡng chế và tiêu hủy nhà.

Sự chối bỏ Nhà nước pháp quyền là trung tâm của cuộc khủng hoảng đang đe dọa Trung Quốc. Hai vụ mới đây là điển hình. Trước hết, là trường hợp Vương Lập Quân được Bạc Hy Lai bổ nhiệm làm giám đốc công an đồng thời cũng đứng đầu về tư pháp, trong một địa phương có đến 30 triệu dân. Nhân danh lợi ích của Đảng, Vương Lập Quân đã tiến hành một chiến dịch chống mafia thuộc loại chóng vánh nhất. Còn ôngTrần Quang Thành từ nhiều năm qua là tù nhân của một khoảng trống luật pháp, vì không bị buộc vào một tội danh nào. Vị luật sư mù là hiện thân của những đòi hỏi không khoan nhượng của công dân, trong cuộc thập tự chinh vì công lý.

Theo giáo sư Minxin Pei ở Claremont McKenna College, California, « những triệu chứng thoái hóa của chế độ như thế là điềm báo cho một cuộc khủng hoảng hệ thống ». Trong một bài báo đăng trên Wall Street Journal ông đã viết rằng, đối với những người nghiên cứu các chuyển đổi dân chủ như ông, thì các chỉ số đã vượt ngưỡng, hoặc đang vượt. Trung Quốc đã vượt qua mức 6.000 đô la tổng sản phẩm nội địa trên đầu người. Đây là giới hạn mà « rất ít quốc gia không có nguồn tài nguyên dầu lửa có thể duy trì được sự trị vì (độc đoán) của Nhà nước ».

Nắm quyền từ năm 1949, đảng Cộng sản Trung Quốc liệu có thể trụ được lâu dài như đảng Cộng sản Liên Xô (74 năm) hay Quốc dân đảng (tại Trung Quốc rồi đến Đài Loan, trong vòng 73 năm) hay không ? Không có gì là chắc chắn cả ! Giáo sư Pei viết : « Sự cai trị của đảng Cộng sản Trung Quốc bước vào một thời kỳ hiểm nghèo ».

Trong số tháng Năm, tạp chí nghiên cứu lịch sử Viêm Hoàng Xuân Thu, cơ quan của các trí thức chủ trương cải cách trong đảng, đã dành bảy trang cho cuộc hội thảo tổ chức vào tháng Tư về sự cần thiết phải cải cách chính trị.

« Đảng chúng ta sinh ra từ cuộc nổi dậy, và điều này đã tạo ra thói quen coi thường pháp luật rất khó sửa chữa ».Hồ Đức Hoa, con của Hồ Diệu Bang - nhà lãnh đạo cải cách bị cách chức, mà đám tang ông đã khởi đầu cho các cuộc biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989 - đã giải thích như thế. Ông Hồ Đức Hoa nói tiếp : « Hồi đó khi cha tôi, Hồ Diệu Bang, nói rằng ông hy vọng biến Trung Quốc thành một đất nước bình thường, tôi không hiểu ông muốn nói gì. Ngày nay tôi cho rằng điều đó có nghĩa là cần phải chọn lựa giữa sự thống trị của đảng và sự ngự trị của luật pháp ».

Đối với nhà văn Mộ Dung Tuyết Thôn, đây là một cách nói lịch sự thay cho câu « cần phải nhốt con quái vật vào chuồng ». Nhà văn cho rằng : « Bộ máy Nhà nước, đó là một con quái vật hợp thành bởi 80 triệu đảng viên ». Thời gian gần đây con quái vật đó làm gì ? Ông trả lời : « Nó quanh đi quẩn lại quanh chuồng  mà không chịu vào».

Hoa Kỳ và ASEAN thảo luận về vấn đề an ninh, trước mối đe dọa Trung Quốc

Bài đăng : Chủ nhật 20 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 20 Tháng Năm 2012 
 
Hôm nay 20/05/2012 Hoa Kỳ và các quốc gia Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã bắt đầu cuộc thảo luận kéo dài ba ngày tại Manila về việc hợp tác trên lãnh vực an ninh. Sự kiện này diễn ra chỉ hai ngày sau khi Lầu Năm Góc công bố bản báo cáo thường niên, bày tỏ sự quan ngại trước việc Trung Quốc tăng cường quân sự.

Philippines, thành viên của ASEAN đồng thời là nước chủ nhà của hội nghị này, hiện đang dính líu vào cuộc tranh chấp kéo dài với Trung Quốc liên quan đến vấn đề chủ quyền tại Biển Đông.

Ngoại trưởng Philippines và đại sứ Hoa Kỳ tại Manila loan báo là nhiều nhân vật quan trọng, và các viên chức cao cấp của Mỹ cũng như các nước ASEAN sẽ gặp gỡ tại Manila từ ngày 20 đến 22/05/2012.

Các cuộc thảo luận tập trung cho vấn đề an ninh, hiện tượng thay đổi khí hậu và hợp tác đầu tư. Đại sứ Mỹ cho biết, các thành viên tham dự « sẽ nêu ra các nhân tố chủ đạo trong việc hợp tác giữa Hoa Kỳ và các quốc gia ASEAN ». Philippines đang cố gắng siết chặt mối quan hệ với Mỹ nhằm được bảo vệ tốt hơn trong việc đối đầu với Trung Quốc.

Trong bản báo cáo thường niên trước Quốc hội Hoa Kỳ, được công bố hôm thứ Sáu 18/5, Bộ Quốc phòng Mỹ đã bày tỏ sự quan ngại trước việc Trung Quốc chiếm hữu được các kỹ thuật có thể sử dụng trong dân sự lẫn quân sự, và các hoạt động gián điệp tin học. Bắc Kinh hôm qua đã « kiên quyết phản đối » các kết luận trong báo cáo này.

tags: An ninh - ASEAN - Biển Đông - Châu Á - Hoa Kỳ - Trung Quốc
 
http://www.viet.rfi.fr/the-thao/20120520-hoa-ky-va-asean-thao-luan-ve-van-de-an-ninh 
 

Việt Nam: Cục trưởng Cục Hàng hải bị truy nã

Bài đăng : Chủ nhật 20 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 20 Tháng Năm 2012 
 
Cảnh sát Việt Nam đã ra quyết định truy nã ông Dương Chí Dũng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Hãng tin Pháp trích dẫn báo chí trong nước hôm nay 20/05/2012 đã cho biết như trên, và nhận định rằng lại thêm một xì-căng-đan trong lãnh vực quốc doanh, tuy được ưu ái nhưng thường là thua lỗ.
 
Ông Dương Chí Dũng, 55 tuổi, được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Vinalines năm 2005, đến cuối năm 2006 làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn này và tháng 2/2012 chuyển sang giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải. Theo báo chí Việt Nam, ngày thứ Sáu 18/5 ông Dương Chí Dũng bị cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố và ra lệnh bắt tạm giam bốn tháng để điều tra về tội « Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng » trong thời gian làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines.

Báo chí chính thức ngay hôm đó đã loan tin ông Dương Chí Dũng bị bắt, nhưng thật ra khi cảnh sát khám xét nhà và nơi làm việc thì ông này vắng mặt. Do vậy sau đó cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã. Các bị can khác đã bị bắt hôm 17/5 là Mai Văn Phúc, 54 tuổi, Vụ phó Vụ Vận tải, nguyên Tổng giám đốc Vinalines ; Trần Hữu Chiều, 60 tuổi, Phó tổng giám đốc Vinalines. Trước đó có bốn cựu cán bộ lãnh đạo Vinalines cũng đã bị khởi tố và bắt giam về hành vi « tham ô tài sản ».

Thanh tra Chính phủ nhận định rằng tập đoàn Vinalines, đang khai thác một đội tàu dầu, tàu container và các loại tàu khác, đã gây ra số nợ nần lên đến trên 1,1 tỉ đô la. Bộ ba trên đây bị kết tội là đã làm lỗ lã rất nhiều, đặc biệt qua việc mua 73 chiếc tàu từ nước ngoài mà phần lớn là tàu cũ ở tình trạng tệ hại.

Vụ Vinalines xảy ra sau khi chín cựu lãnh đạo tập đoàn Vinashin đã phải ra tòa vào tháng Ba, lãnh các bản án lên đến 20 năm tù. Tập đoàn đóng tàu này có số nợ nần kỷ lục, lên đến trên 4 tỉ đô la. Tình trạng gần như phá sản của Vinashin năm 2010 đã gây tổn hại lâu dài cho hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Món nợ khổng lồ này cho thấy những khó khăn của khu vực kinh tế quốc doanh, tuy được giao đóng vai trò chủ đạo nhưng hoạt động không hiệu quả.

Một số dự án lỗ lã của Vinashin đã được chuyển giao cho Vinalines, trong khi theo các chuyên gia thì chính Vinalines cũng đang nợ nần rất nhiều, và không được chuẩn bị tốt để hồi phục.

tags: Hàng hải - Tham nhũng - Tư pháp - Việt Nam 
 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120520-viet-nam-cuc-truong-cuc-hang-hai-bi-truy-na
 

Miến Điện muốn mở lại tuyến đường sắt « Cầu sông Kwai » nối liền Thái Lan

Bài đăng : Chủ nhật 20 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 20 Tháng Năm 2012 
 
Miến Điện muốn mở lại tuyến đường sắt nối với Thái Lan có từ thời Đệ nhị Thế chiến, nổi tiếng với phim « Cầu sông Kwai », nhằm giúp cho vùng đất nghèo nàn gần biên giới thoát khỏi tình trạng cô lập. Bộ trưởng Hỏa xa Miến Điện hôm nay 20/05/2012 đã thông báo với AFP.
 
Quân Nhật chiếm đóng đã cho xây dựng 424 km « đường sắt tử thần » nối liền Nong Pladuk (phía tây Bangkok) đến Thanbyuzayat, nằm phía nam cảng Moulmein của Miến Điện nhìn ra vịnh Martaban. Trên 100.000 tù binh chiến tranh phe đồng minh và phu lao dịch người châu Á đã thiệt mạng khi xây dựng tuyến đường sắt này.

Bộ trưởng Hỏa xa Aung Min cho biết, một nghiên cứu khả thi trên một đoạn đường dài 105 km tại tỉnh Kanchanaburi sẽ được thực hiện vào tháng 10. Ông nói thêm, Miến Điện sẽ cố gắng tiến hành công trình này sau mùa mưa, với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế.

Các dự án trùng tu tuyến đường sắt trên đây đã bị xếp xó từ năm 1992, tuy nhiên hiện nay chính quyền mới của Miến Điện kế tục, tập đoàn quân sự từ tháng 3/2011, đã thực hiện nhiều cải cách chính trị và kinh tế quan trọng. Và việc mở lại tuyến đường xe lửa nối với Thái Lan sẽ là một thúc đẩy quan trọng cho khu vực đa số dân cư người thiểu số Karen, nhờ thương mại và du lịch phát triển.

Bang Karen đặc biệt bị ảnh hưởng của các trận đánh giữa quân đội và phe nổi dậy từ năm 1949, khiến hàng chục ngàn người phải bỏ đi nơi khác sinh sống, trong đó có một số sang tị nạn tại Thái Lan. Một thỏa thuận ngưng bắn song phương đã được ký kết vào tháng Giêng.

Tuyến đường sắt cầu sông Kwai tuy được dự kiến xây dựng trong 5 năm, nhưng đã hoàn tất vào ngày 25/12/1943 chỉ sau 16 tháng, và đến năm 1945 thì bị bom của quân đồng minh phá hủy. Tuyến đường xe lửa này được mệnh danh là « tử thần » vì có đến 13.000 tù binh người Anh, Hà Lan và Mỹ đã thiệt mạng tại đây vì bị đối xử tồi tệ, đói khát hay bệnh tật trong quá trình xây dựng, cộng thêm 80.000 đến 100.000 nạn nhân là phu xây dựng người châu Á.

Những cảnh này đã được tả lại trong tiểu thuyết « Cầu sông Kwai » của nhà văn Pháp Pierre Boulle, và sau đó được dựng thành cuốn phim nổi tiếng cùng tên, với sự góp mặt của diễn viên người Anh Alec Guiness.

tags: Châu Á - Kinh tế - Miến Điện - Thái Lan 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120520-mien-dien-muon-mo-lai-tuyen-duong-sat-%C2%AB-cau-song-kwai-%C2%BB-noi-lien-thai-lan
 

Ông Chu Vĩnh Khang vẫn dự đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc


Bài đăng : Chủ nhật 20 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 20 Tháng Năm 2012 
 
Ông Chu Vĩnh Khang, lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa được chỉ định làm đại biểu đi dự đại hội Đảng sắp tới, cho dù đã bị các cán bộ lão thành kêu gọi cách chức vì đã bảo trợ cho Bạc Hy Lai. Hãng tin AFP trích nguồn tin từ tờ Tân Cương nhật báo hôm nay 20/05/2012 cho biết như trên.

Chu Vĩnh Khang là một trong chín ủy viên thường trực Bộ Chính trị - đơn vị quyền lực nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, là Bí thư Ủy ban các vấn đề luật pháp và chính trị. Theo Tân Cương nhật báo, ông Chu Vĩnh Khang sẽ là đại biểu của khu tự trị Tân Cương đi dự Đại hội Đảng lần thứ 18, sẽ họp vào cuối năm nay.

Đại hội này đánh dấu sự chấm dứt mười năm cầm quyền của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước hiện nay do Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo đứng đầu, thay thế bằng đội ngũ lãnh đạo mới.
Trong một lá thư ngỏ mới đây, mười sáu cán bộ lão thành của đảng Cộng sản đã đề nghị cách chức ông Chu Vĩnh Khang. Lý do là ông Chu có quan hệ chặt chẽ với Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh hiện đang bị điều tra vì tội tham nhũng.

Ông Bạc Hy Lai vốn hy vọng sẽ trở thành ủy viên thường trực Bộ Chính trị trong đại hội lần này, đã bị ngưng chức các chức vụ trong Bộ Chính trị và Trung ương Đảng vào tháng trước. Vợ ông, bà Cốc Khai Lai, một luật sư có tiếng đang là nghi can trong vụ sát hại một doanh nhân Anh, có quan hệ làm ăn với vợ chồng bà.

Những người đấu tranh cho nhân quyền lên án ông Chu Vĩnh Khang đã dùng quyền lực để bảo trợ cho việc Bạc Hy Lai đàn áp thô bạo trong chiến dịch chống tội phạm có tổ chức ở Trùng Khánh. Theo tin đồn thì ông Chu Vĩnh Khang đang hoặc sắp bị truất các quyền hành thực tế.

Từ năm năm qua, Chu Vĩnh Khang là người đứng đầu Ủy ban các vấn đề luật pháp và chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, có nghĩa là nhân vật số một chịu trách nhiệm về tư pháp và công an. Với cương vị này, ông ta đã tham gia vào việc đàn áp các cuộc nổi dậy ở Tây Tạng năm 2008 và ở Tân Cương năm 2009. Ông Chu Vĩnh Khang cũng phụ trách về mặt an ninh trong Thế vận hội Bắc Kinh năm 2010, và giám sát các nhà ly khai.

tags: Châu Á - Chính trị - Theo dòng thời sự - Trung Quốc 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120520-ong-chu-vinh-khang-van-du-dai-hoi-dang-cong-san-trung-quoc-lan-thu-18
 

G8 kết thúc với thỏa thuận về tăng trưởng nhằm trấn an thị trường


Bài đăng : Chủ nhật 20 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 20 Tháng Năm 2012 
 
Khuyến khích tăng trưởng và tạo công ăn việc làm, đồng thời tìm cách giảm bớt nợ công, đó là thỏa thuận mà hội nghị G8 đã đạt được hôm qua 19/05/2012 nhằm đối phó với khủng hoảng kinh tế.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cố gắng làm hài lòng Thủ tướng Đức Angela Merkel vốn chủ trương khắc khổ, cũng như các nguyên thủ mới của châu Âu như Thủ tướng Ý Mario Monti và Tổng thống Pháp François Hollande, muốn hướng về tái thúc đẩy kinh tế.

Đặc phái viên Sophie Malibeaux của RFI tường trình từ Chicago :

« Là chủ nhà của hội nghị G8, ông Barack Obama gánh trên vai một trách nhiệm nặng nề trước hôm diễn ra cuộc hội nghị thượng đỉnh này. Có vẻ như ông đã đạt được mục tiêu, mỗi người đều có phần trong thông cáo kết thúc hội nghị. Nhưng nhìn chung, dù vậy dấu nhấn vẫn đặt vào tăng trưởng, được xem là ưu tiên để vực dậy các nền kinh tế.

Trên thực tế, cuộc hội nghị thượng đỉnh vừa chấm dứt, trước hết là một cố gắng nhằm trấn an thị trường và dư luận và mang niềm tin quay lại, nhưng hãy còn nhiều việc phải làm. Chẳng hạn như về vấn đề Hy Lạp, các nước G8 muốn duy trì Athens trong khu vực đồng euro, nhưng Hy Lạp cũng phải tôn trọng các cam kết của mình. Tóm lại, chưa giải quyết được gì cả.

Tổng thống Obama đã phát biểu : « Như tất cả các nhà lãnh đạo hiện diện tại đây đã đồng ý nói lên hôm nay, tăng trưởng và việc làm là các vấn đề ưu tiên của chúng ta. Một nền kinh tế châu Âu ổn định và tăng tiến sẽ có lợi cho tất cả mọi người, trong đó có Hoa Kỳ. Châu Âu là đối tác kinh tế quan trọng nhất của chúng tôi. Nói đơn giản, điều đó có nghĩa là khi một công ty bị phá sản ở Paris hay Madrid, thì sẽ có ít thương vụ hơn cho các công ty ở Pittsburg hay Milwaukee, gây khó khăn cho các gia đình hoặc các cộng đồng lệ thuộc vào những công việc làm ăn này ».

Đây là một diễn văn vừa giúp giảm căng thẳng trên thị trường, vừa cho công luận. Ông Obama, đang vận động tái tranh cử trong kỳ bầu cử tổng thống tháng 11 tới, như vậy đã cùng một giọng với người đồng nhiệm Pháp, cũng phải chịu áp lực trước kỳ bầu cử Quốc hội sắp tới.

Tháng 11 năm ngoái, tại hội nghị G20 diễn ra ở Cannes, Tổng thống Obama và Tổng thống Pháp lúc đó là Nicolas Sarkozy cũng từng ở trong tình thế tương tự, và hội nghị G20 tháng 7 tới tại Mehico cũng vậy ».

tags: G8 - Kinh tế - Quốc tế - Tăng trưởng 
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120520-g8-ket-thuc-voi-thoa-thuan-ve-tang-truong-nham-tran-an-thi-truong
 

vendredi 18 mai 2012

Trung Quốc, cường quốc quân sự thứ nhì thế giới hiện đại hóa bằng kỹ thuật phương Tây


Khu trục hạm Hải Khẩu 171 trang bị hỏa tiễn phòng không.
(AFP 18/05/2012) Chiếm hữu kỹ thuật phương Tây, gián điệp tin học và triển khai nhiều loại hỏa tiễn để chặn mọi xâm nhập vùng duyên hải : việc tăng cường quân sự của Trung Quốc tiếp tục với nhịp độ cao. Báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc trước Quốc hội được công bố hôm nay 18/05/2012 đã khẳng định như trên.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trong bản báo cáo trên cho biết, ngân sách quân sự của Trung Quốc – cường quốc quân sự thứ nhì thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ -  năm 2012 về mặt chính thức là 106 tỉ đô la, tăng 11,2%. Nhưng ngân sách này không tính đến nhiều khoản chi khác, nhất là chi phí hiện đại hóa các loại vũ khí nguyên tử, hay để mua vũ khí từ nước ngoài. Chi phí quân sự của Trung Quốc trên thực tế, theo Lầu Năm Góc, lên đến khoảng 120 đến 180 tỉ đô la.

Bản báo cáo khẳng định : « Trung Quốc theo đuổi một chương trình hiện đại hóa toàn diện quân đội dài hạn », nhằm giành được chiến thắng trong các cuộc xung đột khu vực hay « các hoạt động tập trung cao độ trong thời gian ngắn ». Trường hợp Đài Loan và sự ủng hộ đảo quốc « ly khai » này của Hoa Kỳ vẫn là trung tâm của chiến lược quân sự Trung Quốc.

Để đạt được mục đích, Bắc Kinh tìm cách chiếm hữu nhiều kỹ thuật hiện đại của phương Tây vừa có thể sử dụng trong dân sự vừa nhằm mục đích quân sự. Lầu Năm Góc nhận định, « thủ lợi từ việc chiếm hữu được một cách hợp pháp hay bất hợp pháp, các kỹ thuật dùng cho cả dân sự và quân sự, hay có liên quan đến quân sự » là một « mục tiêu an ninh quốc gia được Bắc Kinh phô ra rất rõ».

Quân đội Mỹ lo ngại điều này « mang lại lợi ích quan trọng cho năng lực quân sự » Trung Quốc. Lầu Năm Góc cũng e ngại trước việc chuyển giao kỹ thuật trong kỹ nghệ hàng không dân dụng, chẳng hạn tập đoàn châu Âu Airbus có dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc. David Helvey, viên chức cao cấp phụ trách về châu Á của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói với các nhà báo : « Chúng tôi lưu tâm đến các đầu tư của Trung Quốc nhằm cải thiện công nghiệp quốc phòng, và khả năng bắt chước hàng loạt các thiết bị quân sự ».

Trung Quốc cũng thường xuyên dùng đến gián điệp công nghiệp nhằm mục đích quân sự, với sự tham gia của các cơ quan tình báo lẫn các viện nghiên cứu, các công ty tư nhân. Báo cáo tố giác « Các điệp viên Trung Quốc thuộc loại năng động nhất và ngoan cố nhất trong lãnh vực tình báo kinh tế », đồng thời cũng lên án gián điệp mạng Trung Quốc. Theo ông Helvey, thì Bắc Kinh cũng có thể sử dụng internet vào các « hoạt động tấn công ».

Ngoài ra quân đội Trung Quốc còn triển khai khả năng được gọi là « chống xâm nhập » nhằm đẩy lùi tất cả các mối đe dọa từ ngoài khơi các vùng duyên hải, nhờ một hệ thống tên lửa, mà Hải quân và không quân Mỹ bị đặt trong tầm ngắm.

Quân đội Trung Quốc được thúc đẩy phải hiện đại hóa và chuẩn bị triển khai hàng không mẫu hạm đầu tiên trong năm 2012, tiếp theo loại máy bay tàng hình J-20, hỏa tiễn đạn đạo chống hạm được gọi là « sát thủ hàng không mẫu hạm » - chiếc DF-21D có tầm bắn trên 1.500 km.

Báo cáo nêu rõ : « Trung Quốc làm chủ kỹ thuật và triển khai ngày càng nhiều các hỏa tiễn đạn đạo tầm trung, nhằm gia tăng tầm bắn, qua đó có thể tấn công chính xác các mục tiêu trên đất liền hay trên biển, trong đó có các hàng không mẫu hạm hoạt động ngoài xa bờ biển Trung Quốc ». Bắc Kinh cũng có từ 75 đến 100 tên lửa có tầm bắn lên đến 3.000 km, và từ 1.000 đến 1.200 tên lửa tầm bắn đến 1.000 km.

Để tránh tình hình một ngày nào đó có thể xấu đi do một « sự hiểu lầm », Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ muốn tiến hành các cuộc đối thoại càng chặt chẽ càng tốt với các lãnh đạo quân sự Trung Quốc. Vào đầu tháng Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã được Lầu Năm Góc tiếp đón lần đầu tiên kể từ chín năm qua.

Sau đây là các phương tiện quân sự chủ yếu của Trung Quốc, theo báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ :

Ø     Tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình :

Bắc Kinh sở hữu từ 50 đến 75 hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn nguyên tử (ICBM) có tầm bắn trên 5.500 km, và 5 đến 20 hỏa tiễn đạn đạn đạo tầm trung (3.000 đến 5.500 km).

Quân đội « có được một số lượng quan trọng tên lửa hành trình rất chính xác, sản xuất tại Trung Quốc ».

Trung Quốc đã triển khai từ 1.000 đến 1.200 tên lửa đạn đạo có tầm bắn đến 3.000 km cho một đơn vị đóng đối diện với Đài Loan, và từ 200 đến 500 tên lửa hành trình địa – địa có tầm bắn trên 1.500 km.

Bắc Kinh còn có 75 đến 100 tên lửa đạn đạo tầm bắn đến 3.000 km, và hoàn chỉnh một hỏa tiễn chống hạm tầm xa mới, nhằm chống lại mối đe dọa của các hàng không mẫu hạm Mỹ.

Ø     Hải quân :

Hải quân Trung Quốc có hai tàu ngầm nguyên tử lớp Jin trang bị hỏa tiễn đạn đạo hạt nhân chiến lược, năm tàu ngầm nguyên tử tấn công, 48 tàu ngầm diesel. Chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc sẽ bắt đầu hoạt động trong năm nay, phụ trách các hoạt động huấn luyện.

Ngoài ra còn có 79 chiến hạm, 51 tàu vận chuyển lưỡng dụng, 86 tàu tuần tiễu có thể phóng hỏa tiễn, trên 50.000 đơn vị thủy lôi.

Ø     Không quân :

Không quân Trung Quốc có 1.570 máy bay tiêm kích, 550 máy bay ném bom và chiến đấu cơ. Có 490 chiếc trong số đó có thể bay thẳng đến Đài Loan không cần tiếp nhiên liệu trên không. Trung Quốc cũng tiếp tục hoàn thiện loại máy bay tàng hình đầu tiên J-20.

Bắc Kinh còn có 300 máy bay vận chuyển, và « trên 100 » phi cơ thám thính, giám sát. Năng lực phòng không của Trung Quốc « là một trong những lực lượng phòng không mạnh nhất thế giới », đặc biệt là nhờ có được nhiều tên lửa phòng không S-300 của Nga.

Ø     Lục quân :

Là trung tâm của quân đội Trung Quốc, lực lượng bộ binh có 1.250.000 quân, trong đó có 400.000 quân đang trú đóng đối diện với Đài Loan. Lục quân cũng sở hữu 7.000 xe tăng, 8.000 đơn vị pháo binh và một loại trực thăng chiến đấu mới Z-10 do Trung Quốc sản xuất.

Một chủ blog nổi tiếng, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện bị kẻ lạ công khai hăm dọa

Bài đăng : Thứ sáu 18 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 18 Tháng Năm 2012 
Sáng nay 18/05/2012 một nhóm người lạ mặt tự xưng là « thương binh » đã xông vào Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nơi tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện – một blogger nổi tiếng làm việc để hăm dọa một cách thô bạo. Những người này đã đòi ông phải gỡ bỏ các bài trên blog của ông.

Điều đáng ngạc nhiên là các « thương binh » này đòi tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện hủy bỏ lá thư mời ký tên phản đối xây nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam. Dù đã có báo cho nhiều đơn vị công an, nhưng không có ai đến can thiệp. Đến thời điểm đưa tin này chúng tôi nhận thấy lá thư trên đã bị gỡ bỏ khỏi blog của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện.

Trả lời RFI Việt ngữ qua điện thoại viễn liên, tiến sĩ Diện cho biết sơ qua sự việc :



Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện - Hà Nội
18/05/2012
by Thụy My
Sáng nay khoảng độ tám rưỡi tôi có mặt ở cơ quan, đang làm việc bình thường thì có sáu người xưng là đại diện cho thương binh nặng của thành phố Hà Nội lên phòng của tôi gặp tôi, và nói rằng họ ở Cục Thương binh. Ngay từ phút đầu họ đã dùng những lời lẽ rất là côn đồ, và đe dọa, uy hiếp tinh thần tôi. 

Họ nói rằng họ phản đối việc tôi đã đăng bức thư phản kháng lại vụ chính phủ Nhật viện trợ cho Việt Nam để xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Họ nói việc làm cái thư như thế này là không đúng, hiện nay Việt Nam đang thiếu điện thì không thể phản đối dự án này. Theo họ thì trong số 10 tỉ đô la viện trợ xây dựng nhà máy điện hạt nhân là có phần của họ trong đó... Họ yêu cầu là phải gỡ bỏ văn bản đó ra khỏi blog cá nhân, và đề nghị với cơ quan Viện Hán Nôm thu giữ máy tính, xử lý kỷ luật, vân vân.

Sau khi sự việc xảy ra được khoảng nửa tiếng thì lãnh đạo Viện của tôi có đến và lập biên bản, cùng làm việc. Đến 11 giờ thì họ ra về. Hiện nay tôi vẫn đang làm việc ở Viện Hán Nôm bình thường.

RFI: Thưa, họ là thương binh thì có liên quan thì có liên quan gì đến nhà máy điện nguyên tử, và họ lấy tư cách gì để buộc tiến sĩ giao máy tính hoặc xóa các dữ liệu trong đó ?

Tôi thì thấy rất là nghi ngờ cái chuyện này, vì họ không có liên quan gì đến nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam này cả. Theo như một số người nhận định, thì đây có thể hoặc là một sự chỉ đạo, hoặc là một sự thuê mướn gì đó đối với những người này để họ đến tấn công, uy hiếp tinh thần tôi ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm. 

Ngay khi sự việc xảy ra thì chúng tôi - trong đó có cả cụ bà Lê Hiền Đức - đã gọi điện cho công an phường Trung Liệt là nơi cơ quan tôi đóng trụ sở. Rồi thì công an quận Đống Đa, cảnh sát 113 vân vân, và gọi rất nhiều lần nhưng không thấy lực lượng công an xuất hiện. Mãi đến tận khi sự việc đã xong rồi, những người « thương binh » đó đã ra về hết rồi thì mới thấy công an đến. 

Hiện nay là 16 giờ 7 phút chiều, thì mới có hai chiến sĩ, hình như là an ninh của phường Trung Liệt đến để hỏi chuyện một số nhân viên của Viện. Một số bạn bè của tôi quan sát thì thấy rằng ngay từ khoảng chín rưỡi, mười giờ, lúc sự kiện nóng đang xảy ra thì đã trông thấy những chiến sĩ công an đến Viện tôi rồi. Nhưng không hiểu tại sao họ không xúc tiến làm việc trong chuyện này.

RFI: Thưa, tiến sĩ không bị xúc phạm về thân thể cũng như thiệt hại về phương tiện làm việc ?

Dạ vâng, họ có uy hiếp rất là ghê gớm, nhưng mà họ chưa động chạm đến thân thể tôi. Những người đó cũng có sấn sổ xông đến những nhân viên của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, khi họ đến để chứng kiến sự việc cũng như để bảo vệ cho sự an nguy của tôi. Có một người trong nhóm thương binh đó đã đập vỡ một cái cốc, và cầm một cái bình cứu hỏa lên định đánh vào một nhân viên thư viện, nhưng may quá cả hai cú đánh đó nhân viên của tôi đều tránh được cho nên không có thương tích gì. Cuối cùng họ cũng yêu cầu là gỡ bỏ cái thư kêu gọi chính phủ Nhật Bản không viện trợ cho Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân. 

RFI: Tiến sĩ định phản ứng như thế nào về việc này ?

Hiện nay thì tôi vẫn đang nghe ngóng tình hình. Tôi nghĩ nếu như mà dự án điện hạt nhân do chính phủ Nhật có ý định tài trợ cho Việt Nam có những điều bất hợp lý, nguy hiểm đến an sinh xã hội, đến vận mạng của nhiều người dân, thì chính phủ và nhà nước Việt Nam cũng sẽ xem xét những mặt bất lợi, những nguy hiểm của nhà máy này, qua hàng loạt những bài viết và các công trình nghiên cứu khoa học của các học giả trong và ngoài nước.

Và tôi nghĩ, nếu cái thư đó được chuyển tới ông Thủ tướng Nhật Bản, thì chính phủ Nhật cũng sẽ xem xét thư đó cũng như các tài liệu liên quan, để đưa ra những quyết định cuối cùng về việc có giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện nguyên tử trong thời gian hiện nay hay không. Được biết hơn 50 nhà máy điện hạt nhân ở Nhật cũng đã đóng cửa sau sự kiện nhà máy điện nguyên tử Fukushima bị sự cố trong đợt sóng thần năm ngoái.

RFI: Xin rất cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện ở Hà Nội.

tags: Dân chủ - Nguyên tử - Phỏng vấn - Việt Nam 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120518-mot-chu-blog-noi-tieng-tien-si-nguyen-xuan-dien-bi-ke-la-cong-khai-ham-doa

Tù chung thân cho trùm buôn lậu Trung Quốc được dẫn độ từ Canada

Bài đăng : Thứ sáu 18 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 18 Tháng Năm 2012 
 
Một trùm buôn lậu vốn là trung tâm của nhiều xì-căng-đan tham nhũng làm rúng động Trung Quốc, tị nạn tại Canada nhưng đã bị dẫn độ về nước, hôm nay 18/05/2012 đã bị lãnh án tù chung thân. Bắc Kinh đã giữ lời hứa với Ottawa là không kết án tử hình.

Tân Hoa Xã cho biết ông Lại Xương Tinh, 53 tuổi, bị dẫn độ vào năm 2011 sau những tranh cãi gay gắt về luật pháp kéo dài 12 năm, đã bị một tòa án ở Hạ Môn tỉnh Phúc Kiến kết án tù chung thân.

Ông Lại Xương Tinh cầm đầu một mạng lưới buôn lậu khổng lồ, đã từng buôn bán các xe hơi sang trọng hay thuốc lá trị giá nhiều tỉ đô la. Nhiều viên chức cao cấp kể cả trong ngành công an ăn cánh với trùm buôn lậu này đã bị mất chức, và vụ Lại Xương Tinh đã làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa Trung Quốc và Canada.

Lại Xương Tinh cùng với gia đình đã bỏ trốn đến Canada vào năm 1999 bằng chiếu khán du lịch và xin tị nạn. Nhưng Canada luôn từ chối và cuối cùng đã đồng ý cho dẫn độ vào tháng 7/2011, sau khi Bắc Kinh cam kết là không kết án tử hình đương sự. Việc Lại Xương Tinh bị trục xuất khỏi Canada được Bắc Kinh coi là một chiến thắng, và về phía Ottawa thì cũng kết thúc được một rắc rối ngoại giao.

Bản án chung thân do tòa án Hạ Môn tuyên là mức án nặng nhất dưới mức tử hình. Ông Lại Xương Tinh cũng bị tịch biên toàn bộ tài sản có từ buôn lậu, bên cạnh đó còn lãnh thêm 15 năm tù vì tội hối lộ. Hình ảnh trên truyền hình cho thấy một Lại Xương Tinh mặt trắng bệch và suy sụp khi tòa tuyên án, trái ngược với hình ảnh doanh nhân thành đạt lái chiếc Mercedes chống đạn từng thuộc về cựu Tổng bí thư Giang Trạch Dân trước đây.

Nếu Lại Xương Tinh thoát được án tử hình, thì đã có 14 án tử được dành cho những người ít quan trọng hơn trong đường dây này từ thập niên 90 đến nay. Mạng lưới của Lại Xương Tinh đã buôn lậu lượng hàng hóa trị giá 27,4 tỉ nhân dân tệ (3,41 tỉ euro), gian lận 14 tỉ nhân dân tệ tiền thuế (1,74 tỉ euro), hối lộ cho khoảng sáu chục viên chức tham nhũng 39,1 tỉ nhân dân tệ (6,8 tỉ euro).

Nhiều cuốn sách đã viết về cuộc đời Lại Xương Tinh, đặc biệt là cách thức hối lộ các quan chức. Nhân dân Nhật báo đã từng chỉ trích các quan chức cấp cao biến chất tham gia ăn nhậu ở các nhà hàng sang trọng, sàn khiêu vũ, karaoke, tắm hơi…của câu lạc bộ « Bướm đỏ » do trùm buôn lậu lập ra. Nhưng báo chí đôi khi cũng đề cập đến Lại Xương Tinh như một mạnh thường quân hiện đại thường tài trợ cho các địa phương nhỏ gần Hạ Môn, nơi ông này từng sống qua tuổi ấu thơ nghèo khó.

tags: Canada - Châu Á - Pháp luật - Quốc tế - Tham nhũng - Trung Quốc 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120518-tu-chung-than-cho-trum-buon-lau-trung-quoc-duoc-dan-do-tu-canada