mercredi 21 décembre 2011

Nước mắt cá sấu khóc lãnh tụ ? Không, thành quả tuyên truyền nhồi sọ !

Đám đông bi lụy đau thương, những người đàn ông, đàn bà quỳ sụp xuống, mắt đẫm lệ…Khi cái tin Kim Jong Il qua đời được loan đi, người dân Bắc Triều Tiên vật vã khóc thương lãnh tụ. Họ diễn kịch chăng ? Theo Christian Delporte, giáo sư lịch sử đương đại và chuyên gia về truyền thông chính trị, thì đó là hệ quả trực tiếp từ chính sách tuyên truyền nhồi sọ của chế độ. 

Dưới con mắt của người phương Tây, thì những giọt nước mắt của người dẫn chương trình truyền hình Bắc Triều Tiên khi loan báo cái chết của ông Kim Jong Il chỉ làm cho người ta cảm thấy buồn cười mà thôi. 

Tuy vậy, vẫn có thể nghĩ đó là những giọt lệ thành thật. Đó cũng là cốt lõi của tuyên truyền : gò chặt lại những suy nghĩ của cá nhân trong một thế giới huyễn hoặc do chế độ tạo tác ra. Tại Bắc Triều Tiên, phương pháp trên lại càng hiệu quả hơn, vì đất nước này hoàn toàn khép kín, không hề có sự tiếp xúc nào với bên ngoài.

Tuyên truyền nhồi sọ

Bình Nhưỡng không áp dụng kiểu tuyên truyền cổ điển, mà là một chính sách tuyên truyền nhồi sọ có một không hai, với các đặc điểm rất riêng. 

Điểm đầu tiên là niềm tin ý thức. Cá nhân bị kẹt giữa hai gọng kềm là những từ ngữ, để trói buộc, và các hình ảnh, để gây ấn tượng. Từ ngữ là những ngôn từ thuộc loại hô khẩu hiệu kiểu Staline, như là «vinh quang cách mạng », « tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội ». Còn hình ảnh thì cổ vũ cho tập thể, trật tự và kỷ luật. Những cảnh như hàng trăm binh sĩ đứng nghiêm dàn chào, các bí thư Đảng xếp hàng trước lá cờ tổ quốc khổng lồ có bề dài hàng chục mét, bề rộng cả ba chục mét, trên đó có chân dung Kim Jong Il…được thiết kế với mục đích đè bẹp lên trí não con người.

Một phần của công tác tuyên truyền loại này do báo chí Bắc Triều Tiên đảm đương. Các bản tin thời sự trên truyền hình ngày nào cũng giống ngày nào, thuật lại rất cụ thể về các sự kiện và hành vi nghĩa cử của Chủ tịch nước hay của chính phủ.

Thứ hai, việc tuyên truyền hàng loạt kiểu Bắc Triều Tiên chối bỏ sự hiện hữu của con người với tính cách cá biệt của họ. Suy nghĩ cá nhân không hiện diện ở đây, như ẩn ý từ những bức tranh hoành tráng sống động, nơi mà đám đông những cá nhân tập hợp lại thành một. Từ khi còn là trẻ em cho đến khi chết đi, người dân Bắc Triều Tiên lớn dần trong khuôn khổ những cấu trúc của đảng, trong đó cá nhân không hiện hữu.

Một đặc điểm nữa rất đặc thù của chế độ Bắc Triều Tiên, dựa trên tầm vóc của chiến tranh lạnh gắn liền với công tác tuyên truyền « thành trì bị bao vây». Quần chúng được huy động để chống lại kẻ thù, được chỉ rõ ra là « chủ nghĩa đế quốc ». Do đó mà các cuộc diễu binh được tiến hành cùng khắp, phô trương đủ loại vũ khí chiến tranh.

Cuối cùng, Bình Nhưỡng thực hiện tuyên truyền cho việc kế vị cha truyền con nối. Khắp nơi trong cả nước là những bức chân dung khổng lồ của ông Kim Il Sung, người cha, và Kim Jong Il, người con, đôi khi cả hai đang tay trong tay. Lãnh tụ được thần thánh hóa cho đến nỗi chỉ có thể gọi bằng kính ngữ. Những bức tượng của Kim Jong Il ngự trị từ thành phố này qua làng xã nọ, được kính cẩn gọi là « Lãnh tụ vĩ đại », « Vầng thái dương của dân tộc », « Vĩ nhân trong chốn loài người mà trước nay Thiên đình chưa hề sản sinh ra được ».

Tuyên truyền có thể thấy nhan nhản khắp nơi tại Bắc Triều Tiên. Mỗi người dân đều đeo huy hiệu có hình lãnh tụ. Toàn bộ các ngành nghệ thuật đều tập trung ca tụng chủ nghĩa xã hội, và những người khách du lịch hiếm hoi được yêu cầu phải « căn » khung hình một cách đúng đắn khi chụp ảnh các công trình, nếu không muốn bị hải quan tịch thu và tiêu hủy.

Tuyên truyền và các công cụ mới

Sẽ là một sai lầm nếu coi Kim Jong Il là một tên điên hay là một thằng đần. Ngược lại, ông ta có nhiều kiến thức trong lãnh vực truyền thông. Khi chỉ mới là người phụ tá cho cha, chính Kim Jong Il là người quyết định nội dung các chương trình truyền hình.

Khi đã lên nắm quyền, Kim Jong Il hiểu rằng internet có thể rất hữu ích, và khoe là nắm vững được nó. Vì thế mà các trang web tuyên truyền đã được lập ra, loan tải những hình ảnh, các bản tiểu sử đã được tô vẽ, và kể lể tỉ mỉ về những chuyến vi hành của lãnh tụ. Việc truy cập internet hầu như là chuyện không tưởng đối với toàn bộ dân chúng Bắc Triều Tiên, các trang mạng này chủ yếu hướng ra nước ngoài, với mục đích chứng tỏ đất nước đang tiến triển.

Trên thực tế, Bắc Triều Tiên là một thế giới cộng sản độc đoán, gần như là Trung Quốc thời Mao Trạch Đông, hay Liên Xô thời kỳ Staline. Dù vậy Liên Xô của Staline vẫn còn cho phép người dân chuyển dịch đôi chút, còn Bắc Triều Tiên thì không, tuy chế độ vẫn chối cãi là không bị cô lập, trưng ra hình ảnh những chuyến đi nước ngoài của các bộ trưởng.

Cái chết của ông Kim Jong Il liệu có thay đổi được gì hay không ? Trước hết, chúng ta không có lý do gì để tin vào điều đó cả. Một cuộc nổi dậy của nhân dân kiểu như Mùa xuân Ả Rập có vẻ như không thể hình dung nổi, vì cần có sự hiện diện của ý thức cá nhân trước đã. Ngược lại, qua các chuyến viếng thăm Trung Quốc của các lãnh đạo Bắc Triều Tiên gần đây để nghiên cứu về mô hình kinh tế, có thể đoán rằng đã có một sự tiến triển. Và cũng có thể là tất yếu kinh tế sẽ giúp Bình Nhưỡng thoát ra khỏi tình trạng bị cô lập.

(Dịch từ tuần báo Le Nouvel Observateur)

lundi 19 décembre 2011

Kim Jong Il : Có thể bạn chưa biết…

Nếu các tờ báo phương Tây dành những từ hết sức trân trọng cho cố Tổng thống Cộng hòa Séc, Vaclev Havel vừa mới mất, thì lãnh tụ Bắc Triều Tiên cũng vừa theo chân lại không có được cái hân hạnh này.

Thử điểm qua một số tựa - Le Monde : « Một bạo chúa qua đời, căng thẳng đe dọa châu Á », Marianne : « Kim Jong Il : Cái chết của một tên hề sầu não ». Còn trên báo mạng Slate.fr : « Đồng chí Kim (Jong Il) đã chết, đồng chí Kim (Jong Un) vạn tuế ! ».

Năm chục danh hiệu chính thức

Đài RTL cho biết, ông Kim Jong Il được gọi bằng khoảng năm chục danh hiệu khác nhau. Trên lăng tẩm, nơi an nghỉ cuối cùng của lãnh tụ, người ta có thể đọc « Đức Ngài », « Lãnh tụ kính yêu », « Cha già dân tộc », « Vầng dương cộng sản tương lai », « Ngôi sao dẫn đường cho thế kỷ 21 », « Hiện thân đẹp đẽ nhất của tình yêu thương đồng chí », hoặc là « Lãnh tụ kính mến, là hiện thân hoàn hảo của một vị lãnh tụ ».

Theo bản tiểu sử chính thức của Kim Jong Il, thì ngày lãnh tụ vĩ đại sinh ra trên núi Paektu, một tảng băng lớn trên đỉnh núi đã phát ra một âm thanh kỳ lạ. Sau đó tảng băng bị nứt rạn, từ đó tỏa ra một cầu vồng đôi bảy màu, rồi trên bầu trời cao xuất hiện một ngôi sao thật sáng !

Nhà sưu tập xe Mercedes

Có lẽ vì « đẻ bọc điều » như thế nên lãnh tụ nổi tiếng là chỉ thích đi Mercedes thôi. Cũng phải thông cảm cho ngài vì lãnh tụ hơi bị yếu tim, sợ máy bay nên di chuyển toàn bằng xe lửa và xe hơi, cả hai loại phương tiện này luôn là loại bọc thép chống đạn thật dày.

Cho dù các sản phẩm sang trọng của châu Âu bị Liên Hiệp Quốc cấm xuất sang Bắc Triều Tiên, Kim Jong Il vẫn mua được những chiếc xe ưa thích như thường, chủ yếu là đi vòng qua ngả người anh em Bắc Kinh. Sau khi chiếc Maybach bị thất sủng năm 2009, nhà độc tài đã tậu thêm hai chiếc Mercedes S600 Pullman Guard hoàn toàn được trang trí theo gu riêng, có giá khoảng 1,4 triệu đô la một chiếc. 

Kim Jong Il có hẳn một bộ sưu tập cá nhân xe hơi Mercedes trị giá khoảng 20 triệu đô la. Những kẻ xấu miệng cho rằng hẳn lãnh tụ phải xơi bớt tí chút trong số tiền 80 triệu đô la viện trợ thực phẩm từ các tổ chức quốc tế vào đầu thập kỷ này. Kim chủ tịch cũng đã hào phóng tặng cho các cán bộ cao cấp nhất ít nhất 160 chiếc Mercedes nữa.

Một số sở thích của « vầng dương cộng sản »

Kim Jong Il rất thích các loại rượu : Whisky, Cognac, sâm-banh, Bordeaux…Hầm rượu của ông ta có trên 20.000 chai rượu quý. Lãnh tụ thích xơi cá sống, trứng cá muối nhập từ Iran, súp cá mập và …thịt chó. Cao chưa đến mét rưỡi, nên Kim Jong Il luôn mang giày đế cao. Rất sợ bệnh, ông đòi hỏi những người khách phải mang găng tay và có giấy chứng nhận sức khỏe.

Cho dù đề cao dân tộc chủ nghĩa, Kim Jong Il không tin tưởng vào bác sĩ Bắc Triều Tiên, và thường xuyên mời các bác sĩ Pháp khám chữa bệnh cho mình. Để bảo đảm an ninh cá nhân, lãnh tụ kính yêu cho xây một hầm trú ẩn chống bom  nguyên tử và luôn mang theo bên mình một khẩu súng lục, hoặc đặt dưới gối, hoặc cất trong hộp đựng găng của xe hơi. Ông cũng có một « chuyên gia nếm » thức ăn, phòng ngừa bị đầu độc.

Bảy truyền thuyết về Kim Jong Il

1) Truyền thuyết thứ nhất: Thiên đình đã chào mừng sự ra đời của lãnh tụ vĩ đại, như đã nói ở trên.
http://news.bbc.co.uk/2/hi/asia-pacific/1907197.stm

2) Truyền thuyết thứ hai: Kim Jong Il ăn loại gạo tuyển công phu nhất thế giới

Rất kén ăn, lãnh tụ kính yêu đã giao phó cho một nhóm phụ nữ nhiệm vụ vinh quang là lựa từng hạt gạo một trong số gạo chọn lọc dành riêng cho ông ta, để có được những hạt cùng y một cỡ, có cùng một tông màu. Những hạt gạo này được nấu với nước từ nguồn suối cũng của riêng Kim Jong Il, và chỉ được sử dụng duy nhất loại củi được đốn từ đỉnh Paektu.

3) “Sáng tạo” ra hamburger:

Vào năm 2000, chủ tịch Bắc Triều Tiên đã có sáng kiến chế ra một loại thức ăn rẻ và lành mạnh cho sinh viên. Đó là một loại bánh mì sandwich có kẹp thịt, ăn kèm với khoai tây chiên, và công thức này của lãnh tụ kính yêu sau đó đã được sản xuất công nghiệp hàng loạt. Món ăn mới này mang tên “gogigyopbbang”, có nghĩa là “bánh mì cặp có thịt”. “Gogigyopbbang” giống hamburger như hai anh em sinh đôi, tuy báo chí Bình Nhưỡng vẫn chỉ trích các loại fast food, còn coca cola bị bêu riếu là “nước hầm cầu của tư bản Mỹ”.
http://www.redorbit.com/news/oddities/70622/north_korean_leader_claims_he_invented_hamburgers/index.html

4) Cứu vớt nhân dân khỏi nạn đói nhờ loài thỏ khổng lồ:

Năm 2007, Karl Szmolinsky, một nhà chăn nuôi thỏ ở Berlin đã rất bất ngờ khi được đại sứ quán Bắc Triều Tiên liên hệ. Trước đó vài tháng, Szmolinsky đã được báo chí đưa lên trang nhất nhờ chú thỏ Robert của ông – một giống thỏ xám khổng lồ của Đức – đạt tới trọng lượng kỷ lục là 10,5 kg. 

Thế mà lãnh tụ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vừa nảy ra ý tưởng hay ho để chấm dứt nạn đói trên đất nước: xây dựng một trang trại nuôi giống thỏ khổng lồ. Karl Szmolinsky đã bán được 12 chú thỏ “khủng” cho Bắc Triều Tiên. Không ai biết số phận những chú thỏ này sau đó ra sao. Còn nạn đói, thì vẫn tiếp tục hoành hành.

5) Khám phá bí mật trẻ mãi không già:
Trong một bài viết mô tả chân dung Kim Jong Il năm 2006, nhà báo Clifford Coonan của tờ The Independent cho biết một trong những bí quyết để giữ gìn nhan sắc của ông ta: lãnh tụ thường xuyên được truyền máu của các thiếu nữ còn trinh.
 http://www.independent.co.uk/news/world/asia/kim-jong-il-the-tyrant-with-a-passion-for-wine-women-and-the-bomb-421016.html

6) Cầu thủ chơi gôn siêu hạng:
Năm 2004, nhân một trận đấu gôn giữa thanh niên hai miền nam bắc, báo chí Bình Nhưỡng cho biết lãnh tụ kính yêu hẳn là gôn thủ xuất sắc nhất thế giới. Mới chập chững vào sân, ngài đã đi được nhiều đường banh siêu hạng, đạt được số điểm mà theo lý thuyết, chưa có người chơi gôn nào trên toàn cầu với tới nổi.
http://www.worldtribune.com/worldtribune/WTARC/2004/ea_nkorea_06_16.html

7) Nhà sản xuất điện ảnh: Rất mê điện ảnh, Kim Jong Il có đến 20.000 băng đĩa phim các loại, và đặc biệt yêu thích ba bộ phim: Ngày thứ Sáu 13, Rambo, và Godzilla. Để giúp ngành điện ảnh nước nhà phát triển, nhà độc tài đã cho… bắt cóc đạo diễn Hàn Quốc Shin Sang Ok vào năm 1978, và buộc ông này phải thực hiện một phiên bản bộ phim khủng long Gozilla theo kiểu xô-viết!
http://www.guardian.co.uk/film/2003/apr/04/artsfeatures1

Thủ tướng Thái Lan sẽ gặp bà Aung San Suu Kyi

Bài đăng : Thứ bảy 17 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 17 Tháng Mười Hai 2011 
 
Ngày 17/12/11Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra cho biết trong chuyến viếng thăm Miến Điện vào tuần tới, bà sẽ gặp gỡ lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, vốn đã chính thức quay lại chính trường từ khi đảng của bà tái đăng ký hoạt động.

Thủ tướng Thái Lan, người sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh bốn nước hạ nguồn sông Mêkông, như vậy sẽ là Thủ tướng đầu tiên của Thái tiếp xúc với giải Nobel Hòa bình của Miến Điện. Tuyên bố trên truyền hình, bà Yingluck nhấn mạnh khi đề cập đến bà Aung San Suu Kyi: “Đó là một người phụ nữ rất ấn tượng, đã chiến đấu cho nền dân chủ”.

Thái Lan vốn là đồng minh trung thành của Miến Điện, luôn từ chối can thiệp vào các vấn đề chính trị của nước này, theo như nguyên tắc của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) là không can dự vào chuyện nội bộ của nhau.

Lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi đã trải qua thời gian dài bị tù và quản thúc kể từ năm 1990, nhưng quan hệ của bà với chính quyền đã thay đổi hẳn từ sau cuộc bầu cử tháng 11/2010. Bà được trả tự do một tuần sau đó, và chính quyền mới bắt đầu tiến hành đối thoại với bà. Liên đoàn Quốc gia Vì Dân chủ, đảng của bà Aung San Suu Kyi lại trở thành một chính đảng hợp pháp, trong vài tháng tới sẽ đưa các ứng viên ra tranh cử trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung.

Trong những tháng gần đây bà Aung San Suu Kyi đã trở thành nhân vật đối thoại không thể thiếu vắng của các nhà chính trị ngoại quốc khi đến thăm Miến Điện. Mới đây bà đã tiếp đón Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, nhiều vị Bộ trưởng các nước phương Tây và đại sứ Trung Quốc ở Rangoon.

tags: Miến Điện - Thái Lan 
 
http://www.pagewash.com/////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111217-guh-ghbat-gunv-yna-fr-tnc-on-nhat-fna-fhh-xlv

Matxcơva : Hàng ngàn người lại biểu tình chống bầu cử gian lận

Bài đăng : Thứ bảy 17 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 17 Tháng Mười Hai 2011 

Ngày 17/12/11,theo lời kêu gọi của đảng tự do Iabloko, khoảng vài ngàn người đã xuống đường tại thủ đô Matxcơva để phản đối nạn gian lận trong cuộc bầu cử Quốc hội Nga ngày 04/12/11. Đảng của ông Vladimir Putin đã chiến thắng.

Đây là cuộc biểu tình mới nhất, sau hàng loạt các cuộc xuống đường với cùng mục đích vào cuối tuần trước, đã quy tụ được hàng 50.000 người tại quảng trường Marécages ở trung tâm thủ đô Matxcơva. Cảnh sát nói rằng cuộc biểu tình lần này chỉ có khoảng 1.500 người tham gia, nhưng một phóng viên của AFP có mặt tại chỗ ước lượng số người biểu tình là khoảng 3.000.

Đảng Iabloko chỉ chiếm được 3,3% tổng số phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, không đạt tỉ lệ cần thiết để được chia ghế trong Douma. Theo kết quả bầu cử chính thức, thì đảng Nước Nga Thống nhất của Thủ tướng Vladimir Putin, ứng viên Tổng thống tương lai, chiếm được 49,5% số phiếu.

Những người biểu tình giơ cao các biểu ngữ kêu gọi “Tẩy chay cái gọi là bầu cử”. Thủ lãnh đảng Iabloko là Grigori Iavlinski, có thể ra ứng cử trong kỳ bầu cử Tổng thống vào tháng 3/2012, trong bài diễn văn đã tố cáo “hệ thống chính trị hiện tại, dối trá và tham nhũng, chỉ phục vụ cho lợi ích của một nhóm nhỏ”. 

Song song đó, đảng Cộng sản Nga họp đại hội vào cuối tuần này để chỉ định chủ tịch của đảng là Guennadi Ziouganov làm ứng cử viên chính thức ra tranh cử Tổng thống. Được các quan sát viên cho là đối thủ chủ yếu của ông Putin, cho đến nay ông Ziouganov vẫn đứng ngoài các cuộc biểu tình, thậm chí ông còn lên án một số nhà tổ chức là được “tài phiệt Mỹ” trả tiền.

tags: Châu Âu - Nga 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20111217-unat-atna-athbv-ynv-ovrh-gvau-b-zngkpbin-cuna-qbv-onh-ph-tvna-yna

Đến lượt Fitch đe dọa đánh sụt hạng nước Pháp

Bài đăng : Thứ bảy 17 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 17 Tháng Mười Hai 2011 
 
Tối ngày 16/12/2011 cơ quan thẩm định tài chính Fitch cho biết tuy vẫn duy trì điểm tín nhiệm của nước Pháp ở hạng AAA, nhưng hạ từ viễn cảnh “ổn định” xuống “tiêu cực”.

Như vậy sau khi bị Standard & Poor dọa đánh sụt hai bậc, Pháp đang phải chịu áp lực của cả ba cơ quan thẩm định tài chính quan trọng nhất, trong bối cảnh khủng hoảng khu vực đồng euro.

Thông báo của Fitch Rating cho biết, điều này có nghĩa là Pháp có 50% nguy cơ bị đánh sụt hạng trong vòng hai năm tới. Theo Fitch, thì Pháp là nước chịu rủi ro nhiều nhất khi khủng hoảng tăng thêm, chủ yếu là do thâm hụt ngân sách và trọng lượng nợ công. Cơ quan này dự báo tăng trưởng kinh tế của Pháp trong năm 2012 từ 2,1% chỉ còn 0,7%.

Pháp cũng là quốc gia duy nhất trong số 6 nước đang ở hạng AAA bị Standard & Poor đe dọa nặng nề nhất : hôm 5/12 cơ quan thẩm định tài chính này loan báo có thể đánh sụt nước Pháp hai bậc một lượt, xuống còn AA. Về phía Moody’s, áp lực từ cơ quan này cũng tăng thêm từ cuối tháng 11. Ngày 12/12/11Moody’s cũng khẳng định sẽ xem xét lại điểm tín nhiệm của các nước khu vực đồng euro cũng như Liên hiệp châu Âu.
Ngay sau thông báo của Fitch, Bộ trưởng Kinh tế Tài chính Pháp, François Baroin đã lên tiếng ghi nhận và khẳng định chính phủ “Quyết tâm theo đuổi hoạt động nhằm phục vụ cho tăng trưởng, khả năng cạnh tranh, công ăn việc làm và giảm bớt nợ công”.

Sau khi cho rằng việc bảo vệ điểm AAA là tuyệt đối cần thiết, tuần này chính phủ Pháp bắt đầu tỏ ra có quan điểm linh hoạt hơn, đánh giá rằng việc bị đánh sụt hạng không phải là tai họa. Đó là vì viễn cảnh mất điểm tín nhiệm AAA quý báu đang có nhiều khả năng trở thành sự thực. Bên cạnh đó tối ngày 15/12/11 cơ quan thống kê Insee dự báo nước Pháp sẽ bước vào suy thoái từ quý cuối cùng của năm 2011 và tình trạng này sẽ còn tiếp tục trong năm 2012.

Theo một cuộc thăm dò dư luận của IFOP trên 851 người Pháp được công bố hôm nay, thì đa số dân Pháp tỏ ra bi quan trước viễn cảnh bị mất điểm tín nhiệm AAA. Có hai phần ba số người được hỏi ý kiến (66%) cho rằng việc này sẽ gây ra những hậu quả tai hại cho nền kinh tế Pháp, 17% còn nhận định là “rất nghiêm trọng”. Ngược lại, 7% cho rằng “chẳng có gì là trầm trọng cả”, và 25% nghĩ là tình hình thật ra sẽ không đến nỗi nào.

tags: Kinh tế - Pháp - Theo dòng thời sự 
 
http://www.pagewash.com/////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/cunc/20111217-qra-yhbg-svgpu-qr-qbn-qnau-fhg-unat-ahbp-cunc

Bão tại Philippines : hơn 400 người chết, 100.000 người sơ tán

Bài đăng : Thứ bảy 17 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 17 Tháng Mười Hai 2011
 
Trận bão Washi tràn vào Philippines làm 440 người thiệt mạng và 100.000 người phải đi sơ tán. Đảo Mindanao bị thiệt hại nặng nhất với hơn 200 người chết.

Tổng thư ký Chữ Thập Đỏ Philippines, Gwen Pang cho biết đảo Mindanao bị thiệt hại nặng nề nhất. Tại Cagayan thuộc Oro, một trong những cảng chính của đảo, có 215 người chết, và 144 người khác bị thiệt mạng tại thành phố Iligan ở gần đó. Chỉ riêng hai thành phố này đã có 375 người bị mất tích. Ngoài ra theo Cơ quan nhà nước phụ trách về vấn đề thiên tai, còn có 5 trẻ vị thành niên bị thiệt mạng do đất lở.

Đại tá Leopoldo Galon cho biết có những ngôi làng bị cuốn trôi toàn bộ ra biển vì nước lũ dâng lên rất nhanh, số nạn nhân thiệt mạng có thể lên đến hàng trăm. Ông nói thêm là chưa từng thấy những cảnh tượng như thế, và trận bão này rất có thể còn lớn hơn cả cơn bão Ondoy hay còn gọi là Ketsana đã ập vào Manila năm 2009 làm cho 464 người chết. Gần hai ngàn người bị nước lụt cuốn đi đã được các đơn vị cứu hộ của quân đội cứu được, với các phương tiện như xe tải, tàu bè hoặc trực thăng.

Những hình ảnh trên truyền hình cho thấy những xác chết phủ đầy bùn, những chiếc xe hơi nằm chồng lên nhau, những ngôi nhà bị phá hủy. Trực thăng và tàu liên tục hoạt động cứu hộ trên biển, tìm kiếm những người sống sót và vớt xác các nạn nhân. Các nhân viên cứu hộ đã cứu sống được 15 người bị cuốn trôi ra biển.

Thị trưởng Iligan cho biết đa số người dân vẫn còn đang ngủ khi nước lụt dâng lên. Bị bất ngờ vì nước lên quá nhanh – hơn 1 mét chỉ trong một tiếng đồng hồ - họ chỉ kịp trèo lên mái nhà. Kênh truyền hình GMA chiếu cảnh một gia đình thoát ra được bằng lối cửa sổ nhưng lại bị dòng nước cuốn đi.

Chính quyền Philippines nói rằng trận bão đã khiến 100.000 người phải đi sơ tán, hiện đang tạm trú tại khoảng hơn một chục địa điểm ở hai thành phố trên.

Hàng năm Philippines phải hứng chịu khoảng hai chục trận bão. Trong tháng 9/2011 hai cơn bão Nesat và Nalgae đã làm cho hàng trăm người chết.

tags: Châu Á - Philippines - Thiên tai
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111217-onb-gnv-cuvyvccvarf-tna-200-athbv-purg-in-100000-athbv-fb-gna 

vendredi 16 décembre 2011

Khi Trung Quốc hạ cánh

Tờ giấy cảnh báo đất có thể bị nhiễm độc, tại một công trình xây dựng khu vui chơi bị bỏ hoang ở ngoại ô Bắc Kinh.
Kỹ thuật khiếm khuyết, hệ thống tài chính tham nhũng, xã hội mất ổn định…Đắm mình vào một giấc mộng kinh tế từ hai mươi năm qua, Trung Quốc giờ đây khám phá mặt trái của chính sách tăng trưởng bằng mọi giá.

Ngày 23 và 24/11, Paris trải thảm đỏ đón những người bạn tốt từ Bắc Kinh và Thượng Hải. Có khoảng 100 lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc đến trụ sở Bộ Tài chính Pháp, tham gia một hội nghị do Boao Forum for Asia (Bác Ngao Á Châu Luận Đàn) – một loại diễn đàn Davos của Trung Quốc – tổ chức. Từ Tổng giám đốc tập đoàn dầu khí Sinopec cho đến công ty hàng không tư nhân Hainan Airlines, từ công nghiệp hạt nhân đến tài chính, đoàn đại biểu quan trọng này là khách mời đến tham dự các tranh luận về các vấn đề lớn trên thế giới, và được nghe những câu khen ngợi. Chủ tịch HĐQT Schneider Electric, Jean-Pascal Tricoire tuyên bố : « Hoàn toàn lô-gic và hợp pháp, nếu mai đây cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới mua cổ phần trong các công ty của chúng tôi, điều này là một phần của sự tăng tiến trên cấp độ toàn cầu ». Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng tổ chức tiệc mừng các vị khách danh giá này ở điện Elysée.

Nếu Pháp ve vãn Trung Quốc, thì vừa để nhận được sự hỗ trợ trong việc vực dậy khu vực đồng euro – khoảng 100 tỉ euro, vừa cũng nhằm bước vào thị trường công nghiệp và dịch vụ của nước này. Dù cơ quan thống kê nhà nước của Bắc Kinh vừa loan báo nền kinh tế có chậm lại trong quý 3/2011, tăng trưởng của Trung Quốc vẫn rất mạnh : 9,1%. Cơ quan thẩm định tài chính Fitch cảnh báo, hãy coi chừng, kết quả kinh doanh của đa số các tập đoàn lớn châu Âu lệ thuộc quá nhiều vào sự tăng trưởng của Trung Quốc. Điều gì sẽ xảy ra nếu tăng trưởng thực sự chậm lại ? Các dấu hiệu tiêu cực chồng chất. Nouriel Roubini, nhà tiên tri về kinh tế, dự báo một sự hạ cánh thô bạo vào năm 2013. Một cuộc điều tra do Bloomberg thực hiện vào tháng 9 cho thấy đa số các nhà đầu tư đều dựa vào một tỉ lệ tăng trưởng chỉ còn có 5% kể từ năm 2016. Sự thực ra sao ?

Chỉ có một điều chắc chắn là, giờ đây không còn là lúc ngây ngất trước phép lạ Trung Quốc. Tai nạn đường sắt hàng loạt, tỉ lệ tử vong đáng sợ của công nhân hầm mỏ, nạn ô nhiễm mặt đất và sông ngòi, xuất khẩu sụt giảm, bong bóng địa ốc : mỗi ngày lại bộc lộ thêm mặt trái của chính sách tăng trưởng bằng mọi giá, được Bắc Kinh theo đuổi từ khi có chủ trương Nam Tuần – mở cửa kinh tế, do Đặng Tiểu Bình đưa ra vào năm 1992. Có thể kể thêm những sai trái của các công ty Trung Quốc ở châu Phi, do tổ chức nhân quyền Human Rights Watch tố cáo, hay các vấn đề tham nhũng, bị tổ chức Minh bạch Quốc tế vạch mặt chỉ tên.

Charles-Edouard Bouée, chủ tịch phụ trách châu Á và là thành viên ban điều hành cơ quan phân tích chiến lược Roland Berger nói : « Theo giả thiết của tôi, đây là những thiệt hại đi kèm với tăng trưởng mà Hoa Kỳ đã gặp phải trong quá trình tiến lên cường quốc kinh tế, tuy nhiên không phải là một bộ phận của hình mẫu này ». Xã hội Trung Quốc khi tiến triển lại còn làm biến mất nhiều điểm đen làm xám đi bức tranh. Nhận xét này còn phải xem lại.

Giá thành sản xuất tăng lên

Dù sao thì trước mắt, có hai hiện tượng khác làm cho các nhà kinh tế phải lo ngại, đó là giá thành sản xuất tăng và dân số bị lão hóa. Lương công nhân trong 18 tháng gần đây đã tăng lên từ 20 đến 25%, và mỗi năm còn được tăng khoảng 15% theo như kế hoạch 5 năm lần thứ 12, và như thế công xưởng thế giới đang dần mất đi sức hấp dẫn về giá thấp. Tuy năng suất hàng năm tăng trung bình 7% nhưng không đủ bù đắp cho giá nhân công. Hiện tượng thứ nhất này đi kèm theo hiện tượng thứ hai : sự giảm sút số lượng « dân công » - từ dùng để chỉ người lao động nông thôn ra thành phố tìm việc làm. Patrick Artus, giám đốc nghiên cứu kinh tế của Natixis nhấn mạnh : « Thu nhập của người nông dân đã được cải thiện, khiến cho lương công nhân ít hấp dẫn hơn. Lượng người di cư về phía các tỉnh duyên hải từ 20 triệu người/ năm nay chỉ còn có 5 triệu người/ năm ».

Dưới tác động của các thay đổi này, hai hiện tượng chuyển dịch sản xuất đã làm ảnh hưởng đến kỹ nghệ Trung Quốc. Maximilien Triquigneaux, chuyên gia kiểm tra chất lượng của công ty AsiaInspection phân tích : « Đó là sự thu hẹp lại ở nội địa đối với các sản phẩm có ít giá trị tăng thêm, và dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đối với các ngành công nghiệp cần đến lượng nhân công quan trọng và và ít kỹ năng ». Như thế, công nghiệp dệt may vốn có sản lượng hàng năm giảm đi với nhịp độ 15%, đang được chuyển dần sang Việt Nam, Indonesia và ngay cả sang Ai Cập. Còn các doanh nghiệp ở Quảng Đông, trái tim của công xưởng thế giới nằm ở vùng châu thổ Châu Giang, thì đang cố tự động hóa các nhà máy càng nhanh càng tốt để cứu vãn tình hình. Jeremy Fong, một nhà công nghiệp Hongkong có nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em tại đây cho biết « bị ảnh hưởng vì đồng nhân dân tệ tăng giá hơn là tiền lương » vì « tổng quỹ lương chỉ chiếm có 5% số chi tiêu ».

Mức lương ngang với phương Tây

Câu chuyện vẫn chưa chấm dứt ở đây. Trong bản báo cáo công bố vào cuối tháng 8, Boston Consulting Group dự kiến trong một thời gian ngắn, giá thành sản xuất tại Trung Quốc sẽ tiến gần với giá thành sản xuất…ở Mỹ! Các tác giả công trình nghiên cứu này viết : « Lương tăng tại Trung Quốc, sự cải thiện năng suất ở Mỹ, đồng đô la sụt giá và nhiều nhân tố khác nữa, sắp tới sẽ lấp đầy khoảng cách về giá thành giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đối với nhiều mặt hàng tiêu thụ tại Bắc Mỹ ». Còn với châu Âu thì nhận định trên đây không có giá trị, và nếu có một sự « phi toàn cầu hóa », thì người Mỹ được hưởng lợi.

Ở thượng tầng xã hội Trung Quốc, các chức vụ quan trọng nhất được trả lương ở mức rất cao. Patrick Artus cho biết : « Ba ngàn euro/ tháng cho một kỹ sư ở Thượng Hải, và …100.000 euro/ tháng đối với một chuyên gia tính toán về tài chính và bảo hiểm ở Bắc Kinh ». Maurice Lévy, chủ tịch HĐQT Publicis nói thêm : « Một số vị trí trong lãnh vực sáng tạo hay kỹ thuật số ngày nay lương cũng cao như các nơi khác. Một vấn đề khác nữa là tỉ lệ luân chuyển ê-kíp có thể đạt đến 50% một năm ».

Lạm phát phi mã

Còn ở hạ tầng thì tiền lương cũng tăng, và người ta bèn mơ đến các tiện nghi vật chất cao hơn. Đó là trường hợp của Fang Li, 23 tuổi, một nữ công nhân ở Thâm Quyến. Cô hy vọng : « Lương mới đây đã tăng lên, và đây chỉ là khởi đầu, vì giá thực phẩm và nhà ở cũng tăng cao. Giới chủ sẽ phải tăng lương cho chúng tôi thôi ». Cũng giống như các lao động trẻ tuổi sinh ra vào thập niên 80 hay 90, cô gái gốc Hồ Nam này muốn định cư ở thành phố. Hiện cô chung phòng với năm đồng nghiệp khác, và liên tục tăng ca, có khi làm việc đến 60 giờ/ tuần. Nhờ làm thêm, cô bổ sung được thêm vào số lương tháng 2.000 nhân dân tệ (tương đương 230 euro) và tiết kiệm được một ít. Cô khẳng định : « Tôi sẽ không quay về với cha mẹ. Tôi muốn mua một căn hộ ở đây, tìm được một người chồng… »

Tình trạng lão hóa đáng báo động

Nhưng Fang Li sẽ có bao nhiêu đứa con ? Được đặt ra vào cuối thập niên 70, chính sách mỗi gia đình chỉ có một con đã được linh hoạt đôi chút : một cặp vợ chồng mà cả vợ lẫn chồng đều là con một thì sẽ được phép sinh thêm đứa con thứ hai. « Trong vòng từ ba đến năm năm tới, cần phải cho phép tất cả các cặp vợ chồng được có hai con ». Trương Nhân, một trong các phụ nữ giàu nhất Trung Quốc đã viết như vậy trên tờ China Daily, trước hôm khai mạc kỳ họp Quốc hội tại Bắc Kinh hồi tháng 3. Bà cũng muốn thu hút sự chú ý trước tình trạng lão hóa dân số. Hiện Trung Quốc có 160 triệu người trên 60 tuổi, và 10 năm tới con số này sẽ là 250 triệu người. Nhưng thời điểm sụt giảm dân số thực sự là khoảng năm 2030. Patrick Artus nhắc nhở : « Đây là thời điểm mà thế hệ mới của các trẻ em con một thế chỗ cho dân số hoạt động lúc đó đến tuổi về hưu. Dân số Trung Quốc tiếp tục tăng khoảng 1% một năm cho đến cái mốc này, nhưng sau đó sẽ giảm đi 1% mỗi năm ».

Nếu biết rằng chỉ có 350 triệu người trên tổng số 1,3 tỉ dân Trung Quốc bước chân được vào xã hội tiêu thụ, liệu Trung Quốc có già đi trước khi kịp giàu lên hay không ? Đó là câu hỏi lớn được đặt ra cho Bắc Kinh, trong lúc thế hệ lãnh đạo thứ năm - kể từ thời Mao Trạch Đông - sắp sửa lên nắm quyền. Năm tới, Tập Cận Bình sẽ trở thành Tổng bí thư Đảng thay cho Hồ Cẩm Đào, trước khi kế tục chức vụ Chủ tịch nước vào tháng 3/2013. Ông ta sẽ chuẩn bị cho đất nước bước vào năm 2023 như thế nào ? Patrick Artus dự kiến tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm đi : « Trong 10 năm tới, tăng trưởng chỉ còn khoảng 6% ». Từ giờ cho đến lúc đó, dù sao cũng cần làm quen với ý tưởng là Ấn Độ có thể trở thành một cường quốc kinh tế còn năng động hơn cả Trung Quốc.

(Dịch từ tuần báo kinh tế Challenges tuần lễ 8 -15/12/2011, có chủ đề « Khi Trung Quốc hạ cánh » gồm 8 bài viết, đây là bài đầu tiên)

Trung Quốc buộc người sử dụng blog dạng Twitter phải đăng ký tên thật

Bài đăng : Thứ sáu 16 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 16 Tháng Mười Hai 2011 
 
Những người sử dụng internet muốn mở tài khoản blog dạng Twitter tại các trang mạng đăng ký ở Bắc Kinh, trong đó quan trọng nhất vẫn là Sina.com nổi tiếng về dịch vụ tiểu blog, phải dùng tên thật. Trang web chính thức của chính quyền Bắc Kinh hôm nay (16/12) cho biết như trên.

Quy định mới này liên quan đến đại đa sổ người sử dụng dịch vụ tiểu blog của Trung Quốc, vì cả ba nhà cung cấp dịch vụ lớn nhất là Sina Weibo, Netease và Sohu đều đăng ký ở Bắc Kinh. Reuters cho biết theo báo chí Hongkong, thì chính quyền Thượng Hải và Quảng Châu cũng sẽ theo chân. Người sử dụng có ba tháng để đăng ký với tên thật, nếu không sẽ có nguy cơ bị truy tố, tuy vậy họ có thể tự chọn tên dùng trên mạng.

Các tiểu blog loại Twitter luôn bị nhà cầm quyền Trung Quốc ngờ vực, vì lo ngại khả năng truyền tải những thông tin không được chính quyền kiểm soát. Dịch vụ Sina Weibo tức Vi Bác của trang mạng Sina.com, một dạng Twitter của Trung Quốc, đã từng bị nhà nước phong tỏa hồi tháng 7/2009 sau vụ nổi dậy của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, có đến 250 triệu tài khoản đăng ký.

Theo báo chí Trung Quốc thì đến cuối tháng 11, có trên 300 triệu người sử dụng dạng tiểu blog trên toàn quốc, và nhìn chung trong nửa đầu năm 2011, số người sử dụng đã tăng gấp ba. Nhờ dịch vụ này mà tuần qua cư dân nổi dậy chống trưng thu đất đai ở làng Ô Khảm thuộc miền nam Trung Quốc, có thể đưa lên mạng các hình ảnh và lời chứng về phong trào phản kháng, cũng như việc họ bị công an bao vây. Vụ hai đoàn tàu cao tốc đụng nhau ở gần Ôn Châu hồi cuối tháng 7 làm cho 40 người chết, cũng được một blogger thông báo đầu tiên. Tuy bị hạn chế ở mức 140 từ, nhưng số lượng này đối với Hán tự thì có thể diễn đạt dài hơn, rõ ràng hơn so với các ngôn ngữ dùng bảng chữ cái la-tinh.

Tháng vừa qua, chính quyền Trung Quốc đã loan báo tiến hành một chiến dịch chống lại « các thông tin sai lạc », và bắt đầu siết lại các trang mạng như Vi Bác. Bắc Kinh hy vọng kiểm soát được những lời chỉ trích trên internet, vốn khó bịt miệng hơn so với báo viết.

tags: Châu Á - Internet - Trung Quốc 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111216-gehat-dhbp-ohbp-athbv-fh-qhat-qvpu-ih-oybt-qnat-gjvggre-cunv-qnat-xl-gra-gung
 

Cơ quan Fitch nâng mức tín nhiệm của Indonesia

Bài đăng : Thứ sáu 16 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 16 Tháng Mười Hai 2011 
 
Indonesia vừa được cơ quan thẩm định tài chính Fitch nâng hạng từ BB+ thành BBB-, tức là đạt mức tín nhiệm để đầu tư. Sự kiện này là dấu hiệu tích cực đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Fitch đánh giá cao sự tăng trưởng liên tục, nợ công giảm và và tính ổn định của nền kinh tế vĩ mô Indonesia.

Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới hiện có 240 triệu dân. Từ 2005 đến nay, Indonesia có tỉ lệ tăng trưởng khoảng 6% hàng năm, còn tỉ lệ nợ công từ 100% tổng sản phẩm nội địa của năm 1997 nay chỉ còn 26%.

Tuy vậy theo một số nhà phân tích, việc nâng mức tín nhiệm cho Indonesia là quá sớm, do thiếu vắng các cơ sở hạ tầng đủ sức hỗ trợ cho công cuộc phát triển. Thông tín viên RFI tại Jakarta, Vincent Souriau nhận định :

« Đây là loại bảng điểm mà tất cả các học trò chăm chỉ đều mơ ước. Tăng trưởng mạnh và thường xuyên, quản lý được nợ, có được một cái khung kinh tế vĩ mô hiệu quả, đó là những yếu tố được cơ quan thẩm định tài chính Fitch đánh giá cao nên đã xếp Indonesia vào hạng BBB-.

Nói cách khác, số nợ công được xem là ít rủi ro là một điều chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng năm 1997. Có sự hỗ trợ từ nhu cầu nội địa tăng vọt, nền kinh tế của quần đảo này đã phát triển mạnh, với tỉ lệ tăng trưởng 6,5% trong năm 2011, và dự kiến trong 5 năm tới cũng tương tự.

Nhờ đó Indonesia đã thu hút được nhiều vốn, các nhà đầu tư đổ xô đến Jakarta, tổng vốn đầu tư nước ngoài trong năm nay đạt đến con số kỷ lục là 20 tỉ đô la. Ngay cả xuất khẩu của Indonesia cũng đương cự lại được trước cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, chủ yếu là nhờ than đá và dầu cọ.

Dù vậy, hãy còn tồn tại nhiều vấn đề, từ cơ sở hạ tầng không phù hợp cho đến bất bình đẳng xã hội, nạn tham nhũng hoành hành ở nhiều tầng nấc. Nhưng cộng đồng tài chính có vẻ không lo ngại mấy : Standard & Poor và Moody’s có thể cùng theo hướng này và sẽ nâng hạng cho Indonesia từ năm tới ».

Hôm nay, Quốc hội Indonesia vừa thông qua một đạo luật được chờ đợi từ lâu, cho phép trưng thu đất đai để phát triển cơ sở hạ tầng. Đây là một trong những lý do được Fitch nêu ra để lý giải cho việc nâng hạng. Tuy nhiên Credit Suisse cho rằng tác động của việc Indonesia được nâng bậc là không nhiều, và nói thêm, đa số các quỹ đầu tư chỉ bỏ tiền vào, khi có ít nhất hai cơ quan thẩm định tài chính cùng đánh giá đạt mức tín nhiệm như trên.

tags: Châu Á - Indonesia - Kinh tế 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111216-pb-dhna-gunz-qvau-gnv-puvau-svgpu-anat-zhp-gva-auvrz-vaqbarfvn
 

Nga đề nghị một dự thảo nghị quyết về Syria

Bài đăng : Thứ sáu 16 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 16 Tháng Mười Hai 2011 
 
Nga đã gây bất ngờ khi trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc một dự thảo nghị quyết về hồ sơ Syria vào hôm qua 15/12/2011. Cộng đồng quốc tế đã có phản ứng tương đối thuận lợi tuy còn dè dặt, các nhà phân tích thì cho rằng về cơ bản không có tiến triển gì đáng kể. Trong khi đó, hôm nay trên 200.000 người biểu tình tại Homs đòi Tổng thống Assad phải ra đi.

Matxcơva từ trước đến nay vẫn chống lại bất kỳ nghị quyết nào của Liên Hiệp Quốc lên án việc chế độ Assad đàn áp nổi dậy, hôm qua đã trình một dự thảo nghị quyết lên án bạo lực « từ tẩt cả các bên, kể cả việc chính quyền Syria sử dụng vũ lực quá đáng ».

Cộng đồng quốc tế, đứng đầu là Hoa Kỳ và Pháp, đã bày tỏ sự ngạc nhiên dễ chịu trước sự thay đổi thái độ này. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng làm việc với Nga về dự thảo trên, tuy vẫn có những yếu tố mà Hoa Kỳ không thể ủng hộ được, như việc đánh đồng giữa lực lượng an ninh và phe đối lập.
Tương tự, Bộ Ngoại giao Pháp nhận định « Không thể chấp nhận việc xếp sự trấn áp của chế độ cùng loại với sự kháng cự của nhân dân Syria ». Trước đó, đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc cho rằng đây là « một sự kiện đặc biệt, vì cuối cùng Nga đã quyết định ra khỏi trạng thái bất động ».

Theo các nhà phân tích, thì Nga chỉ thay đổi chiến thuật nhằm tạo cảm giác tích cực, nhưng về cơ bản thì không có mấy tiến triển, vì dự thảo nghị quyết của Nga không dẫn đến một giải pháp thực tiễn. Còn phản ứng tích cực của phương Tây chỉ mang tính chất ngoại giao, sau khi đã chỉ trích rất gay gắt thái độ của Matxcơva về hồ sơ Syria trong thời gian gần đây.

Syria vốn là đồng minh của Matxcơva từ thời Liên Xô cũ, hiện vẫn là nước nhập khẩu nhiều vũ khí của Nga, và Nga vẫn duy trì một căn cứ hải quân tại đây. Chế độ Assad trong 9 tháng qua đã đàn áp đẫm máu phong trào phản kháng, làm cho 5.000 người chết – theo số liệu của Liên Hiệp Quốc.

Tại Syria, hôm nay trên 200.000 người đã xuống đường ở thành phố Homs, được xem là « thủ phủ cách mạng », đã bị quân đội bao vây từ nhiều tuần qua. Tổ chức quan sát nhân quyền Syria cho biết những người biểu tình sau buổi cầu nguyện chiều thứ Sáu hàng tuần đòi hỏi Tổng thống Assad phải ra đi. Hai xe tăng đã được huy động để giải tán đoàn biểu tình tại một khu phố, một thường dân bị bắn chết, nhiều người khác bị bắt giữ.

Từ tối nay, Hội đồng Quốc gia Syria (CNS), tổ chức tập hợp hầu hết các phe đối lập Syria, bắt đầu họp lại trong ba ngày ở Tunis nhằm cơ cấu lại và tìm cách đẩy nhanh quá trình sụp đổ của chế độ Assad mà họ cho rằng không thể tránh khỏi.

tags: Hội Đồng Bảo An - Nga - Quốc tế - Syria 
 
http://www.pagewash.com//nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20111216-atn-qr-atuv-zbg-qh-gunb-atuv-dhlrg-ir-flevn-pub-ubv-qbat-onb-na
 

Fukushima : lò phản ứng hạt nhân đã nguội, nhưng cuộc chiến còn tiếp diễn

Bài đăng : Thứ sáu 16 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 16 Tháng Mười Hai 2011 
 
Hôm nay (16/12/2011), chính phủ Nhật tuyên bố các lò phản ứng bị hư hại do tai nạn ở nhà máy điện nguyên tử Fukushima, đã được làm nguội trong tình trạng ngừng hoạt động. Đây là giai đoạn quan trọng đánh dấu sự ổn định của nhà máy, nhưng Thủ tướng Nhật cảnh báo: "Cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt ở đây".

Thủ tướng Yoshihiko Noda khẳng định trước báo chí: « Chúng tôi xác nhận về mặt kỹ thuật thì nước làm mát đã lưu thông thường trực, nhiệt độ ở đáy các lò phản ứng và bên trong hệ thống hiện được duy trì dưới 100 độ. Như vậy phóng xạ thoát ra bên ngoài có thể được giữ ở mức thấp, ngay cả trong trường hợp xảy ra tai nạn mới».

Lò phản ứng ngừng hoạt động ở trạng thái nguội là một trong những mục tiêu chủ yếu của giai đoạn hai trong kế hoạch được công ty Tepco vạch ra, nhằm xử lý thảm họa ở nhà máy điện nguyên tử Fukushima do trận động đất và sóng thần ngày 11/3 gây nên.

Phó chủ tịch Công ty Năng lượng Nguyên tử Nhật, Takashi Sawada nhấn mạnh, chính phủ và Tepco sử dụng cụm từ « dừng hoạt động ở trạng thái nguội » với nghĩa khác hẳn so với một lò phản ứng bình thường. Tại một nhà máy điện nguyên tử đang hoạt động, thì việc làm nguội và ngừng hoạt động cho phép tiến hành các thao tác bảo trì. Nhưng trong trường hợp Fukushima, tại 3 trên tổng số 6 lò phản ứng, các thanh nhiên liệu đã bị nóng chảy, làm thủng thành lò và rơi xuống đáy, thì không thể tự do can thiệp từ bên ngoài do nồng độ phóng xạ rất cao.

Chính phủ cũng công nhận, việc đạt đến hồi cuối của giai đoạn hai không có nghĩa là đã thoát ra được khủng hoảng. Thủ tướng Noda cảnh báo hãy còn rất nhiều thử thách, như việc tẩy độc trong khu vực và xử lý các đống đổ nát. Ông Noda hứa hẹn, chính quyền sẽ tập trung nỗ lực cho đến khi nào dỡ bỏ được các lò phản ứng bị tai nạn – một nhiệm vụ phức tạp có thể kéo dài từ 30 đến 40 năm.

Cơ quan An ninh Nguyên tử cho rằng hiện nay nhà máy điện này đang trong tình trạng tương đối ổn định, và sắp tới phải tiếp tục giảm thải phóng xạ, bảo đảm an toàn nhà máy và chuẩn bị cho việc tháo dỡ.

tags: Châu Á - Hạt nhân - Nhật Bản - Theo dòng thời sự
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111216-aung-ona-ynz-athbv-qhbp-pnp-yb-cuna-hat-ov-gnv-ana-b-aun-znl-qvra-athlra-gh-shxhfuvz 
 

jeudi 15 décembre 2011

Miến Điện khởi đầu đối thoại với các nhóm thiểu số nổi dậy

Bài đăng : Thứ năm 15 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 15 Tháng Mười Hai 2011 
 
Trong bài viết mang tựa đề « Miến Điện mở đầu đối thoại với các nhóm nổi dậy thiểu số », thông tín viên của Le Monde tại Bangkok quan tâm đến việc quân đội Miến Điện đã ngưng chiến với những nhóm thiểu số người Kachin, người Chan và một số nhóm người Karen. 
 
Tờ báo cho biết, Tổng thống Thein Sein hôm đầu tuần này đã yêu cầu quân đội ngưng các cuộc chiến đấu chống lại quân giải phóng Kachin (Kachin Liberation Army – KIA), một trong những nhóm thiểu số nổi dậy quan trọng nhất. Theo Le Monde thì trong bối cảnh mở cửa chính trị, lời kêu gọi này mang tính quyết định, nếu giữ lời hứa. Sự kiện này diễn ra tiếp theo thỏa thuận ngưng bắn ký ngày 4/12 giữa chính phủ và một nhóm vũ trang khác của người Shan, hoạt động rất tích cực ở miền trung đông nước này, đó là nhóm Shan State Army South (SSA).

Quân giải phóng Kachin vốn thuộc nhóm thiểu số mà hầu hết theo đạo công giáo, sinh sống ở miền bắc Miến Điện, chiếm 7% dân số. Họ hoạt động tại một bang mang tính chiến lược nằm gần Trung Quốc, đã thỏa thuận ngưng bắn với tập đoàn quân sự vào giữa thập niên 90, nhưng những cuộc xung đột với quân chính phủ lại tái diễn từ tháng 6 năm nay. Tình trạng thù địch này chủ yếu là do việc xây dựng một đập thủy điện tại bang Kachin có thể gây nhiều nguy hại về sinh thái và về mặt xã hội. Chính phủ đã có một quyết định ngoạn mục là ngưng dự án do Trung Quốc tài trợ trên đây, nhưng vẫn chưa thỏa thuận được việc ngưng bắn.

Le Monde nói thêm, các tổ chức phi chính phủ không ngớt tố cáo tình trạng bạo lực và cách xử sự của quân lính Miến Điện. Hôm 28/11, tổ chức Cơ Đốc giáo Partners Relief anh Development tại Mỹ đã công bố bản báo cáo “Tội ác ở Miến Điện”, trong đó những người điều tra được gởi đến bang Kachin đã ghi nhận các hành động « tra tấn, sát hại bừa bãi, cưỡng bức lao động ». Còn tổ chức Refugees International hôm 9/12 bày tỏ quan ngại về « bi kịch nhân đạo ở Miến Điện, vì các cuộc chạm trán có thể làm trên 30.000 người dân phải sơ tán đi nơi khác.

Con đường dẫn đến hòa bình còn xa

Dù vậy, việc chính phủ ký thỏa thuận ngừng bắn với quân nổi dậy người Chan cho thấy có thể chính quyền muốn coi việc giải quyết xung đột sắc tộc là một phần của chính sách mở cửa. Thỏa thuận này là kết quả của cuộc họp ngày 19/11 tại vùng biên giới với Thái Lan, giữa các viên chức Miến Điện và đại diện nhiều nhóm vũ trang người Chan, Chin, Karen, Karenni, Kachin, những tộc người chủ yếu trong một đất nước Miến Điện đa sắc tộc. Trước đó vào ngày 3/11, đội quân số 5 của nhóm Democratic Karen Buddhist Army cũng đã ký ngưng bắn với chính phủ.

Tổ chức International Crisis Group (ICG) trong báo cáo công bố ngày 30/11 nhận định: “Các nỗ lực hòa bình này đánh dấu một trong những giai đoạn ý nghĩa nhất trong sáu thập kỷ xung đột”, tuy vẫn cho rằng hãy còn quá sớm để chắc chắn là hòa bình được bảo đảm.

Le Monde nhắc lại, trong chuyến viếng thăm Miến Điện cuối tháng 11, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và những người thân cận đều cho rằng xung đột sắc tộc là một trong những vấn đề khó giải quyết nhất tại đây. Theo một nhà quan sát ở Rangoon, thì « Các cuộc thương lượng hòa bình hiện tại chưa vượt qua khỏi giai đoạn ngừng bắn ». Một tiến trình thảo luận lâu dài chỉ mới bắt đầu.

Tờ báo nhận định, con đường trước mặt hãy còn dài. Từ khi đất nước độc lập đến nay, các dân tộc thiểu số luôn cho rằng chính quyền chưa bao giờ công nhận các quyền của họ. Người đứng đầu Euro-Birmanie (Châu Âu – Miến Điện), một trong những cơ quan chủ chốt trong các cuộc thương lượng giữa quân nổi dậy và chính phủ, giải thích : « Các tổ chức vũ trang hiện hữu là do các dân tộc thiểu số chưa bao giờ có thể nói lên sự bất đồng của họ một cách hòa bình ».

Tòa án Khmer Đỏ : Nhiều yếu tố gây trì hoãn 

Tại Cam Bốt, nhật báo cánh tả Libération trong bài « Những người ốm nặng ra tòa », đã nhận xét tòa án quốc tế xét xử tội ác Khmer Đỏ vấp phải trở ngại về tuổi tác của các bị cáo, vì các cựu lãnh tụ Khmer Đỏ ra trước tòa lần này đều đang ở lứa tuổi 80.

Việc dàn dựng lại các sự kiện và tìm kiếm sự thật khó khăn khi các bị cáo và một số nhân chứng đi đứng xiêu vẹo, trí nhớ mập mờ. Tòa phải tạm nghỉ nhiều lần để giải lao hay vì một người liên quan bị hạ huyết áp…những khó khăn loại này đã làm chậm lại một phiên tòa đã được chờ đợi từ nhiều thập kỷ.

Trường hợp của bị cáo Ieng Thirith, cựu bộ trưởng Xã hội, người đàn bà đầy quyền lực của chế độ Khmer Đỏ là một minh họa cụ thể. Bà ta vẫn phải ngồi tù cho dù được xem là mất trí, sắp tới có thể được đưa vào bệnh viện để « cải thiện sức khỏe tâm thần », trước khi giám định y khoa trong vòng sáu tháng nữa.

Luật sư Martine Jacquin, người cùng với khoảng 12 đồng nghiệp khác bảo vệ quyền lợi cho 1.200 nguyên cáo, cho rằng : « Đây là một khởi đầu hỗn độn. Các bị cáo già nua, mệt mỏi, lại thêm vấn đề phiên dịch và thái độ thù địch của một số ê-kíp tòa án đối với các nguyên cáo. Nhưng dù sao đi nữa phiên tòa vẫn phải đi đến hồi kết ». Việc tài trợ cho phiên tòa được tính toán trong vòng 18 tháng, và thay vì một phiên xử quy mô, đã được cắt ra thành nhiều phiên xử nhỏ để tiến hành nhanh hơn.

Về thái độ của các cựu lãnh tụ Khmer Đỏ trước tòa, Libération nhận xét, khác với cựu ngoại trưởng Ieng Sary hầu như câm lặng và luôn giữ vẻ cao ngạo, Nuon Chea, nhân vật số hai của Khmer Đỏ không hề hà tiện lời nói. Hôm qua ông ta đã từ chối biệt danh « Anh Hai », và ngụy biện cho vụ buộc dân Phnom Penh sơ tán hồi năm 1975. Ông ta cũng say sưa cáo buộc Việt Nam là « luôn cố nuốt chửng đất đai» và « giết người Cam Bốt».

Luật sư Jacquin ghi nhận, Nuon Chea cuối cùng cũng đã cung cấp nhiều thông tin về cách hoạt động của nhà nước Khmer Đỏ. Các thông tin này sẽ được đưa vào hồ sơ của các phiên xử tương lai, mà thời điểm khởi đầu có vẻ bất định hơn bao giờ hết.

Trung Quốc : Từ « công xưởng thế giới » tiến lên « phòng thí nghiệm thế giới »

Tiếp tục loạt bài về kinh tế Trung Quốc, bài viết hôm nay trên nhật báo công giáo La Croix có chủ đề « Phòng thí nghiệm của thế giới ». Trở thành công xưởng thế giới chỉ sau hai thập kỷ, nay quốc gia đang đứng thứ nhì thế giới về kinh tế lại muốn biến thành phòng thí nghiệm của toàn cầu.

Một chuyên gia ghi nhận, việc tổ chức sản xuất tại chỗ là một thuận lợi quan trọng cho việc nghiên cứu của Bắc Kinh. Các tập đoàn quốc tế đều cho thành lập các bộ phận nghiên cứu tại Trung Quốc, và chính phủ Bắc Kinh có nhiều chính sách thu hút nhân tài. Hiện nay Trung Quốc có một triệu rưỡi nhà nghiên cứu, 100.000 tiến sĩ, và mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ dành 2,5% tổng sản phẩm nội địa cho nghiên cứu phát triển, sử dụng dưới 30% kỹ thuật của nước ngoài. Mục đích cuối cùng là cho ra sản phẩm, với 95% ngân sách dành cho việc nghiên cứu ứng dụng, chỉ 5% cho nghiên cứu cơ bản.

La Croix cho biết, hiện nay Trung Quốc đứng hàng thứ 9 trong danh sách các quốc gia sáng tạo nhất trên thế giới, theo Ngân hàng Thế giới. Chuyên gia trên cho biết thêm, tuy không có những sáng kiến quan trọng, nhưng người Trung Quốc cũng sẽ đạt được các kỹ thuật mũi nhọn với giá rẻ nhất. Phương Tây cho rằng vẫn giữ được ưu thế kỹ thuật khi chuyển dịch sản xuất sang Trung Quốc. Điều đó cách đây 10 năm thì đúng, nhưng ngày nay không còn chính xác nữa.

Thời sự xã hội nước Pháp : Đề tài chính các báo hôm nay

Thời sự nước Pháp là chủ đề chính của của các báo xuất bản tại Paris hôm nay. Nhật báo Le Monde băn khoăn : « Làm thế nào cứu vãn mô hình xã hội của Pháp ? », nêu ra việc các ứng viên tổng thống cánh tả cũng như cánh hữu đều đang xoay sở tìm cách kết hợp hài hòa giữa tính cạnh tranh và việc tài trợ cho phúc lợi xã hội. Nhật báo Le Figaro chú ý đến « Hưu bổng : Hollande làm đảng Xã hội bối rối ».Trái với những gì cử tri cánh tả vẫn nghĩ, ông François Hollande cho biết ông không ủng hộ việc giảm tuổi về hưu từ 62 còn 60 tuổi. Tờ báo cánh hữu nhận xét rằng chủ đề này đang gây chia rẽ trong cánh tả, và giúp phe hữu có dịp công kích quan điểm « tiền hậu bất nhất » của ứng viên tổng thống đảng Xã hội.

Cũng trên khía cạnh xã hội, nhật báo cộng sản L’Humanité cho rằng « Các giáo viên bị mất giá », khi chính phủ dự tính trao toàn quyền đánh giá công việc của giáo viên cho hiệu trưởng, thay vì một 60% số điểm về công tác sư phạm được giao cho thanh tra giáo dục như lâu nay. Vì vậy các công đoàn kêu gọi lực lượng giáo viên hôm nay xuống đường phản đối. Xem xét cả hai mặt của vấn đề, nhật báo công giáo La Croix chạy tựa « Làm thế nào đánh giá giáo viên », nhắc nhở rằng hệ thống hiện nay thật ra vẫn chưa hợp lý.

Trên lãnh vực kinh tế, nhật báo Les Echos đề cập đến « Kế hoạch của ngân hàng Crédit Agricole để đối phó với khủng hoảng » : quyết định giảm 2.350 việc làm, không chia cổ tức trong năm nay. Về báo chí, Libération luyến tiếc : « France Soir đình bản, thông tin vẫn tiếp tục » trước sự kiện tờ báo có tuổi thọ đã 67 năm hôm nay chính thức biến mất trên các sạp báo, do không chịu nổi lỗ lã. Tờ báo cánh tả dành đến 4 trang lớn cho sự cáo chung của đồng nghiệp, nhưng nhận định rằng báo chí tiếp tục phát triển trước các nhu cầu mới của độc giả. Một số thử nghiệm đã được đưa ra : không còn ra báo ngày nhưng đưa lên mạng miễn phí, song song đó là một ấn bản hàng tuần để bán ; hoặc đưa ra phiên bản internet có trả tiền toàn bộ hay một phần. Nhiều nhật báo đã bổ sung các phiên bản dành cho máy tính bảng và điện thoại di động để thu hút thêm độc giả.

tags: Châu Á - Miến Điện - Điểm báo 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111215-zvra-qvra-xubv-qnh-qbv-gubnv-ibv-pnp-aubz-guvrh-fb-abv-qnl
 

dimanche 11 décembre 2011

Miến Điện bãi bỏ kiểm duyệt báo chí kinh tế

Bài đăng : Chủ nhật 11 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 11 Tháng Mười Hai 2011 
 
Theo tin từ Myanmar Times hôm nay, 11/12/2011, được hãng AFP đưa lại, Miến Điện đã bãi bỏ chế độ kiểm duyệt đối với hơn một chục loại ấn bản trong đó có báo chí kinh tế. Tuy nhiên báo chí tin tức thời sự nói chung vẫn được đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền, cho đến khi có lệnh mới.

Theo một quyết định cải cách ngày 9/12, có tổng cộng 54 nhật báo, tạp chí, đặc san chuyên đề từ nay không phải trình nội dung để kiểm duyệt trước khi in ấn. Các báo chí thời sự, giáo dục và tôn giáo không nằm trong số này, nhưng được hưởng một chế độ « quá độ » cho phép tự kiểm duyệt, trước khi có được quyền như các báo khác. Ông Tint Swe, người đứng đầu cơ quan kiểm duyệt Miến Điện đã cam đoan như trên, theo như trích dẫn của tờ Myanmar Times.

Xin nhắc lại, gần đây ông Tint Swe, giám đốc cơ quan đăng ký và giám sát báo chí đã tuyên bố là việc kiểm duyệt « không phù hợp với thực tiễn dân chủ », và « cần phải được bãi bỏ trong tương lai gần ». Tổng thống Miến Điện Thein Sein nhậm chức hồi tháng Ba sau khi tập đoàn quân sự giải thể, đang cố gắng chứng tỏ với phe đối lập và với phương Tây quyết tâm cải cách sâu rộng.

Sau cuộc bầu cử gây tranh cãi vào tháng 11/2010 và việc trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, báo chí Miến Điện nay đã có thể đưa tin về các hoạt động của nhà đối lập nổi tiếng này, trong khi cách đây vài tháng hãy còn là điều cấm kỵ.

Cho đến nay, chế độ kiểm duyệt của Miến Điện vẫn được xem là một trong những chế độ hà khắc nhất thế giới. Nhiều nhà báo hiện vẫn đang bị giam giữ, trong đó có hai người vừa mới lãnh án tù. Tổ chức Phóng viên Không biên giới xếp Miến Điện hàng thứ 174/178 về tự do báo chí trên toàn cầu.

Từ tháng Sáu, kiểm duyệt bắt đầu được nới lỏng đôi chút đối với một số tờ báo chủ yếu về thể thao và giải trí. Tờ báo nhà nước New Light of Myanmar hôm nay cho biết, chính quyền cũng đang muốn giảm nhẹ việc kiểm duyệt phim ảnh.

tags: Báo chí - Các vấn đề xã hội - Châu Á - Kiểm duyệt - Miến Điện 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111211-zvra-qvra-onv-ob-xvrz-qhlrg-onb-puv-xvau-gr
 

Trung Quốc chỉ thị kiểm soát internet chặt chẽ hơn

Bài đăng : Chủ nhật 11 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 11 Tháng Mười Hai 2011 
 
Báo chí chính thức Trung Quốc hôm qua, 10/12/2011cho biết, một viên chức cao cấp đã ra lệnh cho chính quyền các địa phương phải kiểm soát mạng internet chặt chẽ hơn. Chủ trương này nằm trong sách lược chung của chính quyền nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm duyệt các phương tiện thông tin trên mạng.

Ông Vương Thần, Phó ban Tuyên huấn Trung ương và là giám đốc cơ quan nhà nước phụ trách về thông tin và internet, đã khuyến khích chính quyền các địa phương sử dụng internet để « hướng dẫn dư luận và xúc tiến các giá trị xã hội tích cực ». Tân Hoa Xã trích lời tuyên bố của ông Vương Thần: « Tất cả vùng miền và các tỉnh phải sử dụng những phương tiện cứng rắn và hiệu quả để củng cố việc xây dựng và quản lý nền văn hóa mạng ».

Với nửa tỉ người sử dụng internet, cho dù có chế độ kiểm duyệt rộng khắp, nhưng Bắc Kinh ngày càng vất vả trong việc kiểm soát luồng thông tin và những lời chỉ trích trên mạng, vốn khó làm im tiếng hơn so với báo viết. Các cuộc đình công quy mô mới đây của công nhân phản đối lương thấp hay nạn thất nghiệp, đã được nhanh chóng lan truyền trên toàn quốc nhờ mạng lưới internet.

Trong những tuần lễ gần đây, Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng đã cố siết lại những trang mạng như Vi Bác, được thành lập cách đây mới hai năm nhưng đã gặt hái được thành công rực rỡ. Vào cuối tháng 10, chính quyền đã ra lệnh tăng cường kiểm soát internet đặc biệt là các mạng xã hội, để ngăn trở việc đăng tải những « tin đồn » và những chuyện « dung tục ».

Trung Quốc có nhiều trang mạng xã hội hóa, trong khi Facebook và Twitter đã bị kiểm duyệt từ khi có các cuộc nổi dậy ở khu tự trị Tân Cương, một vùng đất đa số dân theo đạo Hồi, vào năm 2009. Ngoài ra để cạnh tranh, nhiều tờ báo truyền thống cũng mạnh dạn ra phiên bản internet, khiến cho công việc của những người kiểm duyệt thêm khó khăn.

Hệ thống tường lửa được mệnh danh là Vạn Lý Trường Thành trên mạng giúp chính quyền Trung Quốc kiểm duyệt những chỉ trích đối với chính phủ, nêu ra vấn đề nhân quyền hay các hoạt động ly khai. Việc kiểm soát internet của Bắc Kinh cũng là một điểm nóng trong quan hệ với Washington.

tags: Châu Á - Internet - Kiểm duyệt - Thông tin - Trung Quốc 
 
http://www.pagewash.com////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111211-gehat-dhbp-puv-guv-xvrz-fbng-vagrearg-pung-pur-uba
 

Đình công tại Syria phản đối chế độ

Bài đăng : Chủ nhật 11 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 11 Tháng Mười Hai 2011 
 
Đáp lại lời kêu gọi tổng đình công của phe đối lập nhằm gây thêm áp lực lên chế độ Assad, hôm nay, 11/12/2011, tại nhiều địa phương ở Syria, hàng loạt cơ sở thương mại đã đóng cửa, học sinh không đến trường. Tuy vậy theo các nhà hoạt động nhân quyền, bạo lực vẫn tiếp diễn.

Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria (OSDH) cho biết, cuộc đình công đã được hưởng ứng mạnh mẽ tại tỉnh Deraa ở miền nam và hầu hết các địa phương thuộc Jabal al-Zaouia tại Idleb gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Homs, thành trì của phong trào phản kháng ở miền trung Syria, lời kêu gọi đã được hưởng ứng 100% tại các khu phố chống đối, đường phố trở nên hoang vắng. Còn tại Douma, tỉ lệ đình công là 90%.

Cũng theo OSDH, tại các thành phố thuộc Harasta gần Damas, lực lượng an ninh đã cố gắng buộc các cơ sở kinh doanh phải mở cửa hoạt động, cũng như tiến hành bắt giữ người. Học sinh tại nhiều vùng ở Syria hôm nay không đi học, nhiều viên chức không đi làm. Ngược lại AFP quan sát thấy ở các khu phố trung tâm thủ đô Damas, sinh hoạt vẫn bình thường. Chủ nhật là ngày làm việc tại Syria, còn thứ Sáu, thứ Bảy là các ngày nghỉ hàng tuần.

Những người đấu tranh cho biết cuộc đình công này là nhằm khởi động chiến dịch bất phục tùng dân sự, sẽ được tiếp tục bằng các hình thức phản kháng khác như ngưng hoạt động các tuyến đường liên tỉnh hay xa lộ, biểu tình ngồi, đình công tại các trường đại học hay trong lãnh vực giao thông, ngưng sử dụng điện thoại di động…

Trong khi đó theo OSDH, các cuộc đàn áp đã làm cho 55 người chết hôm thứ Sáu và thứ Bảy vẫn không dừng lại. Hôm nay hai thường dân đã bị bắn chết tại Kafar Takharim tại Idleb ở tây bắc, nơi diễn ra các trận đụng độ giữa các quân nhân bỏ ngũ và quân đội chính phủ.

Hôm qua, các nước phương Tây đã cảnh báo về một cuộc tấn công quy mô vào Homs nhằm dập tắt phong trào phản kháng, để làm gương cho các địa phương khác. Liên đoàn Ả Rập vốn đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế lên chế độ Syria, dự kiến tổ chức hai cuộc hội nghị vào cuối tuần tới - một hội nghị liên bộ và một hội nghị bất thường các Ngoại trưởng. Các hội nghị này nhằm thảo luận về điều kiện do tổng thống Assad đưa ra, đòi phải ngưng trừng phạt, đổi lại ông Assad sẽ ký vào thỏa thuận về việc gởi các quan sát viên Ả Rập đến Syria.

tags: Biểu tình - Syria - Theo dòng thời sự - Trung Cận Đông 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20111211-qvau-pbat-gnv-flevn-cuna-qbv-pur-qb
 

Tiếp tục tìm kiếm nạn nhân tai nạn máy bay Philippines

Bài đăng : Chủ nhật 11 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 11 Tháng Mười Hai 2011 
 
Tại Philippines hôm nay (11/12) cuộc tìm kiếm các nạn nhân trong tai nạn máy bay ở ngoại ô Manila vẫn tiếp tục. Đã có 13 người chết và ít nhất 5 người mất tích, khoảng hai chục người bị thương, khi một chiếc máy bay nhỏ của tư nhân rơi xuống một khu nhà ổ chuột vào hôm qua.

Máy bay bị đâm xuống đất vào bốc cháy gây ra một vụ nổ, làm bùng lên một đám cháy lớn thiêu rụi 2.000 m2 của khu nhà này. Trong số những người bị tử nạn có phi công chính, phi công phụ và hành khách duy nhất của chuyến bay, đang trên đường đi đến đảo Mindoro gần đó để nhận hàng. Các nạn nhân khác là dân cư sinh sống trong khu ổ chuột trên.

Đội cứu hộ cho hay sẽ lục soát kỹ lưỡng trong đống đổ nát để hy vọng tìm được những xác người còn kẹt lại bên dưới. Tổng thư ký Hội Hồng Thập Tự Philippines Gwendolyn Pang nói với AFP là hôm nay sẽ cho tiến hành xét nghiệm ADN, vì có những xác bị thiêu cháy đến nỗi không thể nhận dạng được. Bà cho biết những người bị phỏng nặng đang được chữa trị tại bệnh viện, trong đó có 7 trẻ em đang chơi gần địa điểm máy bay rơi.

Các nhân viên xã hội ước lượng có khoảng 200 gia đình bị mất nhà ở do tai nạn này sẽ được tạm cư trong một sân bóng rổ, và có thể phải đón lễ Giáng sinh tại đây. Florencio Bernabe, quận trưởng quận Paranaque nơi tai nạn xảy ra nói rằng có ít nhất 50 căn nhà đã bị cháy, và kêu gọi bồi thường cho các gia đình nạn nhân. Viên chức này cho biết đã tìm ra được sở hữu chủ của chiếc máy bay, cho rằng người chủ phải chịu trách nhiệm.

Được biết chiếc máy bay bốn chỗ ngồi trên đây khi vừa cất cánh từ sân bay nội địa Manila hôm qua, đã liên lạc với đài kiểm soát không lưu xin phép được hạ cánh khẩn cấp, nhưng sau đó đã bị rơi trong lúc đang chứa đầy xăng. Ngọn lửa từ chiếc máy bay đã lan sang một trường tiểu học gần đó. Rất may là trường không có học sinh vì là ngày nghỉ cuối tuần, nếu không có thể đã có thêm nhiều thiệt hại nhân mạng.

Trưởng đoàn điều tra tai nạn Amado Soliman cho biết đã tìm được động cơ máy bay, cùng với một số yếu tố khác giúp lần ra manh mối của tai nạn. Các chuyên gia cũng sẽ phân tích cuộc đối thoại giữa phi công và đài kiểm soát để xác định thời điểm máy bay rơi.

Hiện có hơn hai triệu rưỡi người, tức một phần tư dân số Manila, sinh sống trong các khu nhà ổ chuột. Nhiều căn nhà đã mọc lên gần các con kênh, cống rãnh ngay sát vòng rào phi trường chính của thủ đô Philippines. Nhiều vụ hỏa hoạn gây chết người đã xảy ra tại các khu phố ổ chuột mà nhà cửa được xây dựng bằng vật liệu nhẹ dễ bắt lửa.

tags: Châu Á - Hàng không - Philippines - Tai nạn - Theo dòng thời sự 
 
http://www.pagewash.com/////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111211-gvrc-ghp-gvz-xvrz-ana-auna-gnv-ana-znl-onl-cuvyvccvarf
 

vendredi 9 décembre 2011

Chiêu tung lưới bắt quái xế của công an Thanh Hóa được AFP xếp vào loại « tin độc » hàng đầu trong năm

Bản tin của hãng thông tấn Pháp AFP ngày 09/12/2011 mang tựa đề « Chuyện khó tin nhưng có thật : Một vòng thế giới những tin độc chiêu », đã nêu ra những tin tức thuộc loại « quái chiêu » hàng đầu trên thế giới năm 2011. Trong số 9 tin nổi bật nhất được AFP trích dẫn, có nêu ra sáng kiến tung lưới để bắt người đua xe của công an Thanh Hóa, Việt Nam.

Với cái tựa « Cú tung lưới », hãng tin Pháp tóm tắt như sau :

« Công an Việt Nam nay chơi màn « quăng lưới » theo đúng nghĩa đen của từ này. Họ đã quyết định sử dụng những tấm lưới đánh cá để chận bắt những người điều khiển xe được xem là nguy hiểm.

Các vụ đua xe hai bánh trái phép rất phổ biến tại Việt Nam, nhất là trong những dịp lễ hội ».

Trước đó, tờ Courrier International số 1.100 phát hành vào tuần lễ từ 1-7/12/2011 cũng đã xếp tin trên vào trang « Chuyện khó tin nhưng có thật ». Bản tin đăng lại tấm ảnh công an đang tung lưới để bắt « quái xế » của báo Tuổi Trẻ, với tiêu đề « Chiêu tung lưới của công an Việt Nam ». Nội dung của bản tin :

« Lưới đánh cá : đó là loại vũ khí mới được công an thành phố Thanh Hóa, Việt Nam sử dụng để chận những người điều khiển xe gắn máy không chịu dừng lại để kiểm soát. Kỹ thuật này chỉ áp dụng đối với các tay đua xe nghiệp dư, và những người chạy quá tốc độ. Trung tá Mỵ Duy Xuân đã giải thích với Tuoi Tre News như trên. « Khi nhận thấy người vi phạm tìm cách chạy trốn, chúng tôi quăng lưới để bánh sau bị vướng không chạy được, buộc người điều khiển xe phải dừng lại. Nhờ các lưới đánh cá này, mà chúng tôi đã bắt giữ được 21 người vi phạm tại nhiều giao lộ lớn, cũng như tuyến quốc lộ 1A chạy qua thành phố ». Cho đến nay chưa có trường hợp nào bị thương cả. Ông Xuân kết luận : « Gần một tháng nay từ khi chúng tôi tiến hành theo cách thức này, chưa thấy có ai đến kiện cáo gì cả ».

http://www.courrierinternational.com/article/2011/11/29/les-coups-de-filet-de-la-police-vietnamienne

Quay lại với bản tin của hãng thông tấn Pháp ở trên, nhân tiện xin lướt qua các tin độc chiêu khác trên thế giới trong năm 2011 – theo AFP :

CHÚ MÈO ĐẠO CHÍCH

Mèo Dusty, được mệnh danh là « Chú mèo nghiện trộm cắp », một chú mèo ở California đã « chôm chỉa » trên 600 món đồ từ các nhà hàng xóm của chủ trong vòng ba năm qua, đã bị lộ tẩy nhờ một camera hồng ngoại. Trong đoạn băng thu được, Dusty xuất hiện trong lúc mõm đang ngậm nhiều vật dụng khác nhau, từ miếng rửa chén, một con khủng long nhựa cho đến chiêc áo lót ngực của phụ nữ. Những người hàng xóm của Dusty không muốn thưa kiện vì họ biết phải đến nơi nào để tìm lại đồ vật mất cắp.

KHUYẾN MÃI THÊM TIÊU

Một phụ nữ ở Los Angeles đã xịt bom hơi cay tiêu vào một khách hàng trong thương xá để cản trở người này lấy món hàng được bán đại hạ giá trong ngày mở đầu đợt bán hàng khuyến mãi cuối năm ở Mỹ. Có 20 người trong đó có cả trẻ em bị dính hơi cay này, và phải được y tế chăm sóc.

NGÀY PHÁN XÉT CUỐI CÙNG

Một nhóm doanh nhân Mỹ động lòng thương hại trước một số người theo đạo Cơ Đốc tin rằng sắp tận thế đến nơi, đã đề nghị chăm lo cho những con thú nuôi của họ còn ở lại trên trần thế, có tính chi phí. Công ty Eternal Earth-Bound Pet (Liên hệ vĩnh cửu với thú nuôi) đã thu hút được 259 khách hàng chịu trả số tiền 135 đô la cho một con thú, và thêm 20 đô la cho mỗi thú nuôi tiếp theo, để bảo đảm sau khi người chủ « thăng », chó mèo của họ được đối xử tử tế.

VÁY HAY QUẦN SHORT

Một nam thiếu niên Anh 12 tuổi đã mặc váy đến trường để phản đối quy định mặc đồng phục của nhà trường, cấm mặt quần short kể cả khi trời nóng nực. « Vào mùa hè, nữ sinh được mặc váy nhưng nam sinh lại không được mặc quần short. Chúng tôi cho rằng đây là kỳ thị đối với nam giới». Cậu học trò Chris Whitehead, mặc một chiếc váy màu đen, đã tuyên bố như trên trước 1.300 học sinh tập trung chào cờ buổi sáng.

MÁY BAY HẾT XĂNG

Hành khách của một chuyến bay nối liền thành phố Amritsar của Ấn Độ với thành phố Birmingham ở miền trung nước Anh cho biết họ phải chung nhau món tiền 20.000 bảng Anh (23.500 euro) để trả tiền mua xăng cho chuyến về. Số 180 hành khách trên đã phải chịu trận trên 6 tiếng đồng hồ ở đường băng sân bay Vienna, nơi chiếc máy bay dừng lại để đổ xăng. Họ bị đe dọa tống khứ nếu không trả số tiền trên. Các phi công đã cấp cho họ biên nhận. Đây là chiếc phi cơ được Comtel Air – một hãng hàng không đăng ký hoạt động ở Áo thuê, và theo giải thích của hãng này là do công ty du lịch chưa thanh toán tiền vé.


ĐỌC NHẦM DIỄN VĂN TRƯỚC LIÊN HIỆP QUỐC

Ngoại trưởng Ấn Độ S.M.Krishna đã đọc nhầm bài diễn văn của người đồng nhiệm Bồ Đào Nha trong cuộc họp hồi tháng Hai tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York. Vị Bộ trưởng Ngoại giao đã đọc như thế trong ba phút, trước khi các cộng sự nhận ra sai lầm tai hại.