dimanche 22 juillet 2012

Mao Trạch Đông gây tranh cãi tại Trung Quốc, nhưng vẫn đứng vững trên bục tượng

Tượng Mao Trạch Đông ở Lệ Giang, Vân Nam.
Bài đăng : Thứ hai 23 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 23 Tháng Bẩy 2012 
 
Là nhà sáng lập ra nước Trung Quốc cộng sản, Mao Trạch Đông hiện vẫn là lá bùa hộ mệnh của chế độ Bắc Kinh. Thậm chí nạn tôn sùng lãnh tụ lại tái xuất hiện, cho dù Mao Trạch Đông đã làm cho nhiều triệu người bị chết vì các chiến dịch thanh trừng và nạn đói.

Trong những năm gần đây, việc tôn sùng Người cầm lái vĩ đại lại được đẩy lên cao độ tại thành phố Trùng Khánh, nơi Bạc Hy Lai – ngôi sao đang lên của Đảng vừa bị thất sủng hồi tháng Ba – lại đẩy mạnh phong trào các « ca khúc đỏ » từng vang lên khắp nơi trong cuộc Cách mạng văn hóa (1966 – 1976). Chiến dịch này được minh họa với việc dựng lên các bức tượng mới của Mao Trạch Đông tại các cơ quan nhà nước, nhà máy và trường đại học. Bức tượng gây ấn tượng nhất cao đến 20 mét, được đặt tại trường đại học y khoa của thành phố.

Tại Trung Quốc vẫn còn hàng trăm bức tượng của Mao, giống như pho tượng mà thành phố Pháp Montpellier sẽ dựng vào ngày mai, thứ Ba 24/07/2012, trong đó khoảng hơn một chục tượng tại Bắc Kinh. Theo tờ Thanh niên Nhật báo, thì trong thời kỳ Cách mạng văn hóa, số tượng của Mao Trạch Đông đã vượt quá con số 2.000.

Nhiều pho tượng của Mao đã bị hạ xuống trong giai đoạn tự do hóa của chế độ, nhưng sau đó việc hạ bệ các tượng này đã bị dừng lại đột ngột cùng với việc đàn áp phong trào đòi dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Năm 1993, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Mao Trạch Đông, các pho tượng mới đã xuất hiện khắp nơi trên đất nước Trung Quốc, trong đó có một tượng đồng được đặt tại thành phố Thiều Sơn, nơi chôn nhau cắt rốn của Mao. Và hàng năm cứ đến ngày 26/12, để kỷ niệm sinh nhật của Mao chủ tịch, « hàng chục ngàn người từ cả nước đổ về chiêm ngưỡng bức tượng, và cùng đồng ca bài hát Đông phương hồng » để vinh danh cố lãnh tụ - theo như tờ Thanh niên Nhật báo.

Đến tháng 3/2011, Phó chủ tịch Tập Cận Bình, người được xem là sẽ trở thành nhân vật số một Trung Quốc trong Đại hội Đảng vài tháng tới đây, đã đến đặt vòng hoa trước tượng Mao Trạch Đông ở Thiều Sơn, thuộc tỉnh Hồ Nam. Hành động này, theo tờ Quang minh Nhật báo, là nhằm chứng tỏ « thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến bước trên con đường mà Mao chủ tịch đã vạch ra ».

Trong phạm vi quân đội, các tư tưởng quân sự của Mao vẫn luôn được giảng dạy. Còn tại các trường trung tiểu học và đại học, việc nghiên cứu « tư tưởng Mao Trạch Đông » là bắt buộc, bên cạnh chủ nghĩa Mác-Lênin và luận thuyết của Đặng Tiểu Bình.

Mao Trạch Đông, ngự trị trên các huy hiệu cài áo bán cho khách tham quan tại tất cả những địa điểm du lịch ở Trung Quốc, cũng là thần hộ mạng đối với các tài xế xe tải nặng và đôi khi cả tài xế taxi. Treo chiếc mề-đay in hình của Mao Trạch Đông trên kính chắn gió của xe hơi, giới tài xế tin là Mao chủ tịch sẽ phù hộ cho họ tránh được tai nạn giao thông.

Từ khi Đặng Tiểu Bình mở cửa Trung Quốc ra thế giới bên ngoài, qua việc đưa ra chính sách cải cách kinh tế, thời kỳ Mao Trạch Đông lãnh đạo được chính thức đánh giá là « 70% tích cực và 30% tiêu cực ». Công thức này cho phép chế độ Bắc Kinh phục hồi danh dự cho nhiều triệu nạn nhân các vụ thanh trừng của kỷ nguyên mao-ít, mà không phải đặt lại vấn đề về sự kế tục của lãnh đạo. Đó là vì chính bản thân ông Đặng cũng đóng vai trò hàng đầu trong chiến dịch thanh trừng chống lại « bọn hữu khuynh » đòi dân chủ vào cuối thập niên 50.

Một làn sóng đàn áp đã diễn ra trước khi Mao Trạch Đông đẩy mạnh Bước đại nhảy vọt, nhằm cưỡng bức việc tập thể hóa từ 1959 đến 1961. Chiến dịch này là một thảm họa, đã dẫn đến nạn đói quy mô nhất trong lịch sử nhân loại, làm cho 36 triệu người chết, theo như nhà sử học Trung Quốc Dương Kế Thằng (Yang Jisheng), người đã thu thập các số liệu về chủ đề này suốt hai chục năm qua.

Nhà chính trị học Willy Lam trong số báo mới nhất của tạp chí Triển vọng Trung Quốc, đã nhấn mạnh : « Cho dù vẫn còn nhiều tranh cãi về Mao Trạch Đông, nhưng chủ nghĩa mao-ít vẫn đại diện cho tính chính thống của Đảng Cộng sản ».

Cũng vì thế mà Tập Cận Bình, trong dịp đến Thiều Sơn đặt vòng hoa, đã thận trọng tuyên bố : trung thành với truyền thống của Mao, ông sẽ « không thực hiện đa đảng, không tam quyền phân lập, và duy trì vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản ». 

tags: Châu Á - Chính trị - Cộng sản - Theo dòng thời sự - Trung Quốc - Văn hóa
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120723-mao-trach-dong-gay-tranh-cai-tai-trung-quoc-nhung-van-dung-vung-tren-buc-tuong 
 

Người dân biểu tình thể hiện lòng yêu nước là việc bình thường

Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 22/07/2012.
Bài đăng : Chủ nhật 22 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 22 Tháng Bẩy 2012 
Cuộc xuống đường lần thứ ba trong tháng 7/2012 của người dân Hà Nội chống các hành động xâm lược của Trung Quốc tại Biển Đông, hôm nay 22/07/2012 đã thu hút được khoảng hai, ba trăm người tham dự tuy không đông đảo bằng lần trước.

Một trong những người thường xuyên tham gia là chị Đặng Bích Phượng, tức blogger Phương Bích, đã vui lòng dành thì giờ trò chuyện với RFI Việt ngữ về cuộc biểu tình sáng nay. Theo chị thì việc người dân biểu tình thể hiện lòng yêu nước cần phải được xem là chuyện bình thường.

Bà Đặng Bích Phượng - Hà Nội
22/07/2012
by Thụy My
RFI : Thưa chị, lần này có lẽ chị cũng tham gia biểu tình, thì sự việc diễn tiến như thế nào ?

Bà Đặng Bích Phượng : Vâng, hôm nay tôi có tham gia, và một khi có lời kêu gọi mà tôi thấy cần ủng hộ bằng bất cứ giá nào thì tôi cũng sẽ xuống đường. Trước những tin tức rất là nóng bỏng về việc Trung Quốc đưa cái tàu đổ bộ gần đảo của Việt Nam, và một số những hành động khác, thì nói chung người dân trong nước đều rất bức xúc và phẫn nộ. Họ lại kêu gọi xuống đường để cho dư luận trong và ngoài nước chú ý đến hơn, và để nói lên rằng người dân Việt Nam có phản ứng nhất định trước các hành động như thế của Trung Quốc.

Không cứ là người Việt Nam đâu. Ở bên Nhật, bên Philippines, người ta phản đối rất là dữ dội, tại sao người Việt Nam mình lại không lên tiếng ? Thế thì chúng tôi đã xuống đường.

RFI : Có vẻ như ở Hà Nội biểu tình ít bị trấn áp mạnh mẽ như ở Sài Gòn ?

Có những dư luận người ta nói là bật đèn xanh hay đèn vàng gì đấy thì chúng tôi cũng không quan tâm. Chúng tôi chỉ biết là người dân được quyền xuống đường để biểu tình, và việc lên tiếng để bảo vệ tổ quốc là điều phải đáng khuyến khích.

Sáng nay tôi đi xe buýt đến, thì tôi thấy quang cảnh nói chung có vẻ không được thân thiện, tương đối căng thẳng đấy. Chúng tôi đứng trên vườn hoa, rất là nắng nóng, cảnh sát cứ đến yêu cầu chúng tôi phải giải tán. Nhưng tôi bảo chúng tôi đứng đây thì chẳng có lý do gì mà giải tán. Nếu như các anh muốn giải tán chúng tôi thì anh phải đưa ra một quyết định nào đó, chứ nói miệng không phải là luật. Luật là phải có quy định điều này khoản nọ. Chứ còn anh nói miệng như thế thì không khác gì chúng tôi cả.

Họ thấy mình đấu lý như thế thì họ phải bỏ đi. Tôi thấy rằng họ cứ nắn gân những người nào không hiểu biết về luật, dễ sợ hãi, ép được đến đâu thì ép. Nếu không ép được thì thôi, lại bỏ đi. Việc làm đó là không đàng hoàng, là người thừa hành pháp luật nhưng lại không thực hiện pháp luật. 

Chúng tôi theo lời kêu gọi trên mạng là đúng 9 giờ, mặc dù có ít người thôi nhưng vẫn tiến ra và cầm theo biểu ngữ. Họ cứ bắt là không được đứng lên chỗ Nhà hát Lớn. Thực tế trong lúc đôi co không cần thiết như thế, họ cứ chặn tất cả những biển cấm vào đấy, thì tôi đứng ở dưới thềm chứ không được đứng trên thềm Nhà hát Lớn. Mặc dù cái Nhà hát Lớn đấy người ta nói là xây dựng cho nhân dân, nhưng lại không để cho người dân đứng. 

Những người ở xung quanh dần dần nhập vào đoàn, và khi các phóng viên đến chụp ảnh, thì cảnh sát bắt đầu dừng can thiệp. Đứng được một lúc, chúng tôi giăng biểu ngữ và hô khẩu hiệu độ khoảng dăm phút thôi, rồi bắt đầu tuần hành. Dọc đường thì không xảy ra hành động bắt bớ, và họ cũng chỉ ép chúng tôi đi vào trong vỉa hè. Nhưng ở Hà Nội này, đâu phải chỗ nào cũng có vỉa hè để đi đâu ? Cho nên cũng có lúc phải tràn xuống lòng đường.

Cảnh sát không muốn đoàn biểu tình có vẻ hoành tráng quá. Thế nhưng thực tế họ làm như thế thì lại làm đoàn biểu tình cứ kéo dài ra. Họ liên tục chặn lại, thậm chí họ còn chặn bằng dây thừng nữa cơ. Nhưng nói chung khi cả một đoàn người đang đi như thế thì chặn lại rất khó. Đến gần đại sứ quán Trung Quốc, tức chỗ vườn hoa Lênin, thì cũng giống như lần biểu tình ngày 8/7 trước, họ vẫn dùng ba-ri-e liên kết với nhau bằng dây thừng. Lần này họ có huy động cả Hội Phụ nữ- tôi đoán thế, rồi thanh niên, cảnh sát, thanh niên tình nguyện. 

Hai bên bắt đầu áp sát vào, cách nhau chỉ có một cái hàng rào thôi, thì chúng tôi vẫn cứ hô và cũng có những cuộc đấu lý. Nhưng có lẽ họ được lệnh là không được phép nói lại một câu nào, nên cứ như một bức tường im lặng trước những câu hỏi của chúng tôi. Tôi nghĩ là họ cũng biết xấu hổ, họ cúi gầm mặt xuống kể cả các cháu thanh niên. Còn cảnh sát họ quen với điều đó rồi nên gần như là họ vô cảm.

Lần này thì mặc dù không được đông lắm, vì trời nóng lắm, rất nắng nóng nên có thể bà con nông dân người ta không ra nhiều, nhưng tôi đoán lúc đông nhất thì có khoảng trên dưới ba trăm người. Thế nhưng tôi nghĩ những cuộc biểu tình như thế này thì dần dần nó sẽ làm cho người dân quen rằng chuyện biểu tình là chuyện rất bình thường. Nó chỉ là thể hiện tình cảm của người dân thôi. Các vị đừng có nghĩ đây là hành động lật đổ gì cả, mà những hình ảnh của người biểu tình tôi cho rất là đẹp. Không phải vì một đảng phái chính trị nào cả, mà chỉ xoay quanh vấn đề phản đối Trung Quốc xâm lược, và khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. 

Có cái gì là có thể lợi dụng được ở trong đó ? Mục đích xuống đường của chúng tôi, thứ nhất là phản đối Trung Quốc xâm lược, thứ hai là để cho người dân, kể cả chính quyền cũng thế thôi, quen với việc biểu tình là một hoạt động hết sức bình thường của bất cứ một xã hội nào.

Tôi đang định viết một bài là « Biểu tình có sướng không ? » Không hề sướng tí nào cả, chúng tôi không thích biểu tình tí nào cả ! Bởi vì nó mệt mỏi lắm, giữa trời nắng gắt như thế này, người già lẫn trẻ nhỏ phải đi như thế này, nóng bức lắm, không có ai muốn như thế đâu. Thế nhưng tại sao người ta vẫn xuống đường thì anh phải hiểu, phải tìm hiểu nguyên nhân. Xã hội dần dần phải thay đổi và họ phải nhìn nhận biểu tình là một hoạt động rất bình thường, trong một xã hội được gọi là dân chủ và văn minh.

RFI : Lâu nay chị có bị làm khó dễ gì không trong những lần đi biểu tình ?

Tôi có nhận định như thế này. Nguyên tắc Hiến pháp cho phép thì họ không được quyền cấm, nhưng họ không cấm được thì tìm mọi cách ngăn cản. Tuy vậy họ ngăn cản cũng tùy đối tượng. Có những đối tượng mà người ta có thể gây khó dễ được là : đánh vào kinh tế, đánh vào hoàn cảnh sống. Chẳng hạn như có một ông dù về hưu rồi, nhưng họ lại ép công việc của con cái, đâm ra người cha người mẹ phải chùn lại. Thứ hai là những cháu ở các tỉnh khác về Hà Nội làm việc, phải thuê trọ thì lại ép nhà trọ không cho thuê, thế rồi ép công ty bắt thôi việc.

Tôi thì không bị sao cả vì không có cái gì để họ ép được, nên họ hoàn toàn không gây khó dễ gì cho tôi cả - trừ lần trước họ có bắt tôi thôi – còn những người khác thì bị làm khó. Tôi định viết bài là tại sao hầu như cứ mỗi buổi biểu tình thế này là có những người gần như phải « dạt vòm » - trốn ra khỏi nhà một hai hôm để được đi biểu tình. Nó khổ đến cái mức như thế.

Tôi rất là thương những người đó. Mà tại sao người ta vẫn cứ vượt qua tất cả những khó khăn đó, miễn là đến được cuộc biểu tình, hô lên những tiếng nói phản đối, đả đảo Trung Quốc xâm lược. Họ cần nhìn nhận sâu xa hơn, nhưng chắc chắn là họ vẫn gây khó dễ cho rất nhiều người. 

RFI : Được biết là trong những lần biểu tình trước đây, thì những người thi hành công vụ có lý luận là chuyện Biển Đông đã có Nhà nước lo…

Mình là người dân, nhưng mà mình thấy rằng Nhà nước mới chỉ lên tiếng ở một khía cạnh ngoại giao thôi, nhưng chưa hề có động thái nào đưa ra những biện pháp để bảo vệ ngư dân. Như Trung Quốc đấy, họ đưa cả một đội tàu đi, thậm chí có tàu hải giám hộ tống, bảo vệ. Tại sao Việt Nam không làm điều đó mà cứ để người dân một mình, đơn độc trên biển ? Đấy là cái điều chúng tôi vẫn còn đang bức xúc, mà rất là thương họ.

Họ vay nợ, rồi đến lúc đi ra biển lại mất sạch, cuối cùng trở về thành những con nợ với món nợ rất lớn. Cuộc sống mình chỉ thiếu thốn một chút thôi, mình đã cảm thấy khổ sở, huống chi những người như thế. Cả đời họ chỉ biết bám vào biển, bây giờ không bám biển được thì họ sống bằng cái gì ? Tại sao Nhà nước không có biện pháp nào đó hỗ trợ, bảo vệ ngư dân, để cho người ta có thể kiếm sống trên biển.

Mọi người cứ nói rằng là vì mình bé. Không phải thế, Việt Nam từ xưa vẫn bé, Trung Quốc từ trước đến nay vẫn to, và xảy ra chiến tranh cũng đã có rồi, nhưng kẻ chiến thắng vẫn là ai ? Tôi nghĩ thời buổi này không phải là thời buổi man di mọi rợ như ngày xưa mà cứ hơi động một tí là đánh nhau. Thời buổi văn minh thì cần đến luật pháp quốc tế. Không phải là anh này dễ dàng nhảy vào đánh anh kia được, phải có lý do. Anh gây nguy hại cho cộng đồng quốc tế chẳng hạn, như đi khủng bố, nhưng đến như Bắc Triều Tiên như thế mà người ta còn chưa làm gì được.

Tôi chỉ muốn nói là người dân chúng tôi dù ở đất liền nhưng rất muốn nghĩ đến đồng bào của mình ngoài biển, mong muốn Nhà nước có biện pháp nào đó để hỗ trợ người dân. Mà ngư dân ra biển như thế là người ta cũng giúp khẳng định chủ quyền, gìn giữ chủ quyền của đất nước, chứ đâu chỉ mưu sinh cho bản thân không thôi.

RFI : Chúng tôi rất cảm ơn chị Đặng Bích Phượng tức blogger Phương Bích, đã vui lòng nhận lời trao đổi với RFI Việt ngữ hôm nay.

tags: Biển Đông - Biểu tình - Dân chủ - Phỏng vấn - Trung Quốc - Việt Nam - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120722-viec-nguoi-dan-bieu-tinh-the-hien-long-yeu-nuoc-can-duoc-xem-la-binh-thuong 

vendredi 20 juillet 2012

Philippines phát hiện tàu đổ bộ Trung Quốc gần đảo Thị Tứ ở Trường Sa

Bài đăng : Thứ sáu 20 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 20 Tháng Bẩy 2012 
Theo tờ Philippines Star hôm nay 20/07/2012, một máy bay của hải quân Phillippines khi theo dõi các hoạt động của đoàn tàu đánh cá Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp Trường Sa, đã phát hiện một chiếc tàu đổ bộ của Trung Quốc gần đảo Thị Tứ. Chiếc tàu neo đậu tại đảo san hô Subi do Trung Quốc chiếm đóng.

Đảo san hô Subi chỉ cách đảo Thị Tứ hiện đang do Philippines chiếm giữ tại Trường Sa khoảng 12 km. Thị Tứ là đảo lớn thứ hai thuộc quần đảo Trường Sa, do hải quân Pháp trấn giữ từ năm 1930 và đến năm 1933 thì Thống đốc Nam kỳ lúc đó đã ký nghị định sáp nhập vào tỉnh Bà Rịa. Khoảng năm 1970 Philippines đã chiếm được đảo Thị Tứ, gọi theo tên Philippines là Pagasa, nhưng đảo này vẫn đang bị Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan đòi hỏi chủ quyền.

Chiếc máy bay trinh sát của Philippines đã chụp hình chiếc tàu đổ bộ nói trên. Đây là tàu thuộc lớp Yuting (Ngọc Đình) 934, trang bị ba khẩu đại pháo và bãi đáp trực thăng. Bộ Tư lệnh miền Tây của Philippines đã tăng cường các hoạt động tuần tra trên biển và trên không, để đáp trả các hoạt động gây hấn gần đây của Trung Quốc.

Trước các hành động khiêu khích mới đây như đưa đoàn tàu cá hùng hậu 30 chiếc đến Trường Sa, và sự hiện diện của chiếc tàu đổ bộ tại đảo Thị Tứ lần này, trên các trang mạng hôm nay đã xuất hiện lời kêu gọi biểu tình tại năm thành phố lớn của Việt Nam vào ngày Chủ nhật 22/7 tới để thể hiện lòng yêu nước, phản đối hành vi xâm lược của Trung Quốc tại Biển Đông.

tags: Biển Đông - Châu Á - Philippines - Trung Quốc - Trường Sa 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120720-phat-hien-tau-do-bo-trung-quoc-tai-dao-thi-tu-o-truong-sa

Trung Quốc đòi Nga thả ngư dân và tàu cá bị bắt do xâm nhập bất hợp pháp


Bài đăng : Thứ sáu 20 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 20 Tháng Bẩy 2012 
Bắc Kinh đã yêu cầu Matxcơva trả tự do cho các ngư dân Trung Quốc và hai chiếc tàu đánh cá đang bị Nga bắt giữ. Hãng tin Pháp AFP dẫn nguồn tin từ Tân Hoa Xã cho biết là Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình hôm qua 19/07/2012 đã triệu mời một nhà ngoại giao Nga để bày tỏ “sự bất bình cao độ” trước sự kiện Nga bắt ngư dân Trung Quốc.

Hãng tin UPI của Mỹ dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng một ngư dân Trung Quốc đã bị mất tích trong vụ này, tuy không cho biết thêm chi tiết.

Thông báo đăng trên trang web của lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Khabarovsk thuộc vùng Viễn Đông Nga trước đó cho biết, 17 ngư dân trên chiếc tàu thứ nhất bị bắt vì đánh cá bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Nga, và được đưa đến cảng Nakhodka để “điều tra”.

Hãng thông tấn Nga RIA-Novosti nói rằng lực lượng tuần duyên khi phát hiện sự hiện diện của chiếc tàu Trung Quốc trên vùng biển của Nga hôm thứ Ba 17/7 đã ra lệnh dừng nhưng tàu này lại bỏ chạy. Sau ba tiếng đồng hồ truy đuổi, tuần duyên Nga đã bắn cảnh cáo và sau đó nổ súng vì thấy có dấu hiệu kháng cự. Các ngư dân Trung Quốc không xuất trình được giấy phép đánh cá, và trong vụ này không có ai bị thương.

Tân Hoa Xã nói thêm, chiếc tàu đánh cá thứ hai với 19 ngư dân cũng đã bị bắt giữ trước đó hai hôm. Cả hai tàu cá này đều xuất phát từ Uy Hải thuộc tỉnh Sơn Đông.

Ông Trình Quốc Bình đã yêu cầu Nga tiến hành điều tra kỹ lưỡng và nhanh chóng trả tự do cho các ngư dân Trung Quốc. Theo Tân Hoa Xã, thì nhà ngoại giao Nga cho biết các viên chức nước này đang điều tra và sẽ nhanh chóng thông tin cho phía Trung Quốc trong thời gian ngắn nhất.

Các cuộc đụng độ trên biển giữa Trung Quốc và Nga rất hiếm hoi. Quan hệ giữa hai nước láng giềng khổng lồ đồng thời là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã được thắt chặt, và gần đây Bắc Kinh và Matxcơva đã cùng phủ quyết các nghị quyết liên quan đến Iran và Syria do phương Tây đưa ra.

tags: Châu Á - Hải phận - Nga - Quốc tế - Trung Quốc 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120720-trung-quoc-yeu-cau-nga-tha-cac-ngu-dan-va-tau-danh-ca-bi-bat-do-xam-nhap-bat-hop-pha

Cam Bốt : Kiến trúc sư Pháp Devillers đã “tự nguyện” đi Trung Quốc

Bài đăng : Thứ sáu 20 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 20 Tháng Bẩy 2012 
Trong một đoạn video được đưa lên trang web của cảnh sát Cam Bốt hôm nay 20/07/2012, kiến trúc sư Pháp Patrick Devillers, đã nói rằng mình “tự nguyện” đi Trung Quốc, để hỗ trợ cho cuộc điều tra liên quan đến cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Giới quan sát cho rằng Phnom Penh cố tìm cách chứng minh là họ không hề "giao nộp" nhân chứng này cho Bắc Kinh.

Ông Patrick Devillers, 52 tuổi, có quan hệ làm ăn và bạn bè với vợ chồng ông Bạc Hy Lai, đã bị bắt tại Phnom Penh ngày 13/6 theo yêu cầu của Bắc Kinh, tuy không hề bị truy tố vì bất cứ tội danh nào.

Ông vừa được trả tự do, cũng theo yêu cầu của Bắc Kinh và lên đường đi Thượng Hải tối thứ Ba 17/7 để “hợp tác với chính quyền Trung Quốc trong khuôn khổ cuộc điều tra về bà Cốc Khai Lai” – vợ ông Bạc Hy Lai - đang là nghi can trong vụ ám sát một doanh nhân Anh.

Thông tín viên của RFI tại Phnom Penh, Stéphanie Gée cho biết thêm chi tiết :

“Chính quyền Cam Bốt có vẻ lưu tâm đến việc chứng minh mình đã hành động đúng luật trong vụ xì-căng-đan đình đám này. Trên đầu trang web của cảnh sát quốc gia Cam Bốt, có đưa lên một đoạn video phỏng vấn ông Devillers tại sân bay quốc tế, trước khi ông lên chuyến bay đi Thượng Hải. Mục tiêu là để cho thấy ông Devillers không bị áp lực gì từ Phnom Penh.

Ngồi trên một chiếc ghế dài tiện nghi bên cạnh người phiên dịch, một bó hoa đặt bên phải, một tách cà phê trước mặt, người kiến trúc sư Pháp - đã sống tại Cam Bốt gần 5 năm qua - có vẻ không thoải mái lắm trong vụ tuyên truyền này
.
Người phỏng vấn Cam Bốt đặt ra các câu hỏi để người nghe có thể suy đoán, thúc giục ông Devillers nhắc lại lần thứ hai là chuyến đi Trung Quốc của ông hoàn toàn tự nguyện. Và ông Devillers lại phải nói theo chiều này.

Việc dàn cảnh không chỉ dừng lại ở đó. Tiếp theo người ta thấy ông đi qua hải quan một mình, và từ khi ông đặt chân lên đất Trung Quốc, không có tin tức gì về số phận của ông được lọt ra ngoài.”

tags: Cam Bốt - Châu Á - Pháp - Theo dòng thời sự - Trung Quốc - Tư pháp 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120720-cam-bot-kien-truc-su-phap-devillers-da-%E2%80%9Ctu-nguyen%E2%80%9D-di-trung-quoc

Châu Âu chính thức thông qua kế hoạch trợ giúp Tây Ban Nha

Ngân hàng Caixa ở Barcelona, ngày 20/07/12.
Bài đăng : Thứ sáu 20 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 20 Tháng Bẩy 2012 
Bộ trưởng Tài chính các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu hôm nay 20/07/2012 đã chính thức thông qua kế hoạch giúp đỡ các ngân hàng Tây Ban Nha, dự kiến lên đến 100 tỉ euro, cho rằng “điều này là cần thiết để đảm bảo sự ổn định tài chính của khu vực đồng euro”.

Trong hội nghị hồi cuối tháng Sáu, các quốc gia khu vực đồng euro đã chấp nhận trợ giúp 100 tỉ euro để Madrid có thể tái cấp vốn cho các ngân hàng, và hứa hẹn sẽ giải ngân 30 tỉ euro vào cuối tháng Bảy. Nguồn vốn này do Quỹ hỗ trợ khu vực đồng euro (FESF) và Cơ chế ổn định châu Âu (MES) cung ứng, sẽ được chuyển giao cho Quỹ hỗ trợ các ngân hàng Tây Ban Nha (Frob).

Đổi lại, các nước khu vực đồng euro sẽ áp đặt các điều kiện khắt khe tập trung cho khu vực tài chính. Các ngân hàng Tây Ban Nha phải trình bày kế hoạch tái cấu trúc phù hợp, để qua một bên các món nợ xấu. Theo một bản ghi nhớ còn trong dạng dự thảo, thì Ủy ban châu Âu có thể kiểm tra các ngân hàng này. Bên cạnh đó, Tây Ban Nha phải tôn trọng các cam kết về hạn chế thâm thủng ngân sách, áp dụng các khuyến cáo về mặt vĩ mô.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde đã lên tiếng hoan nghênh việc châu Âu bật đèn xanh cho việc trợ giúp các ngân hàng Tây Ban Nha. Trước đó Quốc hội Đức và Phần Lan, hai nước có thể chống đối, cuối cùng đã chấp thuận kế hoạch sau các cuộc tranh luận căng thẳng.

Trong khi đó, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Tây Ban Nha chiều nay đã lên đến 7,19%, một tỉ lệ khó thể chịu đựng nổi trong dài hạn. Điều này có thể do chính phủ loan báo tỉ lệ thất nghiệp trong năm 2012 có thể lên đến 24,6%, tệ hại hơn rất nhiều so với dự kiến.

Về phía Tây Ban Nha, cho dù được hỗ trợ với các điều kiện dễ thở hơn các nước láng giềng Hy Lạp hay Bồ Đào Nha trước đây, nhưng hôm qua hàng trăm ngàn người vẫn xuống đường biểu tình chống các biện pháp khắc khổ nhằm tiết kiệm 65 tỉ euro của chính phủ.

tags: Châu Âu - Kinh tế - Quốc tế - Tây Ban Nha 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120720-chau-au-chinh-thuc-thong-qua-ke-hoach-tro-giup-tay-ban-nha

Tòa án Trung Quốc bác đơn kiện của Ngải Vị Vị về việc truy thu thuế

Công an mặc sắc phục và thường phục truớc tòa án quận Triều Dương, Bắc Kinh ngày 20/07/12.
Bài đăng : Thứ sáu 20 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 20 Tháng Bẩy 2012 

Đơn của nghệ sĩ Ngải Vị Vị chống lại việc bị buộc đóng số tiền thuế khổng lồ hôm nay 20/07/2012 đã bị tòa án Bắc Kinh bác bỏ. Nghệ sĩ Ngải Vị Vị ngay sau đó đã tố cáo quyết định này mang tính chính trị, và cho biết sẽ kháng án.

Ngải Vị Vị đã khiếu nại việc ngành thuế bắt ông đóng 15 triệu nhân dân tệ (tương đương 1,7 triệu euro) tiền thuế cho Fake Cultural Development Ltd, một công ty do ông thành lập nhưng đứng tên vợ, cho rằng cơ quan thuế đã hành động bất hợp pháp khi bắt đóng phạt. Luật sư của ông cho báo chí biết là ngành thuế không chấp nhận bất kỳ lý lẽ nào của nguyên đơn. Vị luật sư nói rằng ông không ngạc nhiên khi tòa án bác đơn, và sẽ tiến hành kháng án trong thời hạn luật định 15 ngày.

Theo nghệ sĩ Ngải Vị Vị, thì vụ truy thu thuế này chỉ là một biện pháp chính trị nhằm “hạ gục” ông, và chính quyền cũng từ chối dành cho ông các phương tiện để tự bảo vệ. Ông nói với các nhà báo: “Hệ thống tư pháp không độc lập, nên cuối cùng người dân chắc chắn sẽ thua kiện (…) Chúng tôi chỉ hy vọng là chính quyền áp dụng những đạo luật mà chính họ đã đặt ra”.

Trước đó nghệ sĩ cũng cho biết bản thân ông không được tham dự để nghe bản án do tòa tuyên. Nhiều công an hôm nay hiện diện đông đảo trước xưởng điêu khắc của ông, cũng như xung quanh tòa án quận Triều Dương, và một phóng viên của hãng thông tấn Pháp AFP đã bị ra lệnh rời khỏi tòa.

Cách đây tám tháng, người dân trên toàn quốc đã dồn dập gởi tiền tặng cho Ngải Vị Vị để đóng thuế, khiến Bắc Kinh rất bực tức. Việc ông bị giam giữ ở một nơi bí mật từ tháng Tư đến tháng Sáu năm ngoái cũng đã gây nên một làn sóng phẫn nộ trên khắp thế giới. Sau đó ông bị quản thúc tại gia trong vòng một năm. Biện pháp hạn chế đi lại này đã chấm dứt vào tháng trước, nhưng Ngải Vị Vị vẫn chưa thế ra nước ngoài vì không có hộ chiếu.

Trước khi bị bắt, nghệ sĩ thường xuyên xuất ngoại để triển lãm tranh tượng, các tác phẩm nhiếp ảnh và sắp đặt tại nhiều nước. Vụ bắt giam Ngải Vị Vị đã làm giá trị các tác phẩm của ông tăng lên, cũng như khiến ông thêm nổi tiếng. Tháng 10/2011, tạp chí Art Review của Anh đã chọn Ngải Vị Vị là nghệ sĩ có ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới.

Là người không ngần ngại đả kích mạnh mẽ chính quyền, nghệ sĩ đa tài này đã từng điều tra vụ các trường học bị sụp đổ vì xây dựng gian dối, trong trận động đất ở Tứ Xuyên năm 2008, và vụ hỏa hoạn tháng 11/2010 tại Thượng Hải làm hàng chục người thiệt mạng.

tags: Châu Á - Dân chủ - Pháp luật - Trung Quốc - Xã hội 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120720-toa-an-trung-quoc-bac-don-kien-cua-ngai-vi-vi-ve-viec-truy-thu-thue

Lào : Thành phố casino trở nên thành phố chết


Khu vực Boten, thành phố casino Trung Quốc trên đất Lào.

(Le Monde) Đó là một dự án vàng được bọn mafia ưa thích. Boten Golden City, một phức hợp casino, khách sạn sang trọng, nhà hàng, cơ sở mát-xa ra đời vào năm 2004, trên diện tích 1.640 hecta rừng nhiệt đới, trong một « đặc khu kinh tế » nằm cách biên giới Trung Quốc vài trăm mét.

Casino bị cấm tại Trung Quốc, và để thỏa mãn đam mê tội lỗi, người Trung Quốc phải đốt các đồng nhân dân tệ trên các tấm thảm xanh của các quốc gia giáp ranh. Tại Miến Điện, tại Lào, các « địa ngục cờ bạc » mọc lên như nấm - những vùng đất phi luật lệ do bọn mafia kiểm soát, với sự đồng tình của chính quyền địa phương.

Đó là một dự án vàng, nhưng nay thì đã chấm dứt. Năm 2011, chính quyền tỉnh Vân Nam đã phải kết thúc các hoạt động của « thành phố vàng » này. Không gian kiến trúc xấu xí trộn lẫn gu thẩm mỹ tồi kiểu Hoa hiện nay – các tòa nhà màu vàng nhạt, hồng, xanh hay màu phân ngỗng, những cây cột nhái kiến trúc Hy Lạp, kích thước không cân xứng – nay đã trở thành một thành phố bị bỏ hoang.

Nguyên nhân của thất bại rất cổ điển : các tay chơi phá sản tự sát hay mất tích, các con nợ không trả nổi bị tay sai của bọn mafia thanh toán. Khammay, một hướng dẫn viên trẻ người Hoa nói : « Đôi khi cứ mỗi ngày người ta lại tìm thấy một xác chết ». Anh vừa nói, vừa dùng đũa đảo nhanh tô mì, tại một trong những quán ăn hiếm hoi còn mở cửa.

Hồi tháng Ba, chính quyền Lào đã chính thức loan báo việc đóng cửa các casino, và từ nay cấm mở thêm các casino khác, vì lý do an ninh. Theo Vientiane Times, nhật báo tiếng Anh của Lào, thì Boten sẽ được chuyển đổi thành trung tâm thương mại.

Khi dạo chơi trên những con đường hoang vắng của một thành phố vốn chưa bao giờ thực sự là một thành phố, người ta có cảm giác đang dạo qua cảnh trí của một bộ phim. Một casino thảm hại hãy còn mở cửa. Những tên đầu gấu mặc áo sơ-mi, miệng ngậm thuốc lá, thẩy ra những đồng phỉnh được các hồ lỳ đến từ Trung Quốc gom lại. Hai thợ cắt tóc người Hoa vẫn bướng bỉnh theo nghề, cũng như một vài cửa hàng bán quần áo. Biểu tượng châm biếm của một Trung Quốc lạc thú : một sex shop sừng sững ở mặt tiền một con đường lớn dẫn đến đồn canh biên giới.

Đó là những tàn tích cuối cùng của một thành phố, nơi mà người ta nói tiếng Tàu, tất cả đều được viết bằng chữ Hoa, và tất cả đều được trả bằng đồng tiền Trung Quốc.

Mời đọc thêm :

jeudi 19 juillet 2012

Syria : Bước ngoặt quyết định

Quân đội Syria Tự do, gồm những quân nhân chống chế độ Assad bỏ ngũ.
Bài đăng : Thứ năm 19 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 19 Tháng Bẩy 2012 
 
Vụ tấn công tự sát hôm qua ngay tại trụ sở cơ quan an ninh của Syria làm nhiều quan chức của chế độ Damas chết và bị thương, là sự kiện được hầu hết các báo Pháp đưa lên trang nhất hôm nay. Báo La Croix chạy tựa « Syria, quyền lực bị rung chuyển » với tấm ảnh chụp lại từ truyền hình nhà nước, cho thấy lực lượng an ninh đang sẵn sàng chiến đấu.

Nhật báo cánh tả Libération đưa tựa lớn : « Syria : Chính quyền bị tấn công ngay đầu não », và đăng hình một khu phố thủ đô Damas đầy lửa khói. Tờ báo cánh hữu Le Figaro chạy tựa trang nhất : « Syria : Phe cánh Assad bị đánh vào ngay trung tâm chỉ huy», với ảnh chân dung Assef Shawkat, anh rể của Tổng thống Assad và Daoud Rajha, Bộ trưởng Quốc phòng, hai nhân vật cao cấp đã thiệt mạng hôm qua.
Còn tờ Le Monde ra từ chiều qua cũng đã kịp đưa lên trang nhất các tấm ảnh chiến binh phe nổi dậy đang chiến đấu, và các xe tăng đang chạy trên đường phố thủ đô, với dòng tựa chính : « Chiến tranh đã ngự trị tại Damas ».

Libération cho rằng đây là đòn khủng khiếp nhất kể từ 16 tháng qua của phe nổi dậy. Đó cũng là cuộc tấn công táo bạo nhất, được chuẩn bị kỹ càng nhất, bất ngờ nhất, vì đánh vào ngay đầu não của một chế độ vốn có đến hơn một chục cơ quan tình báo, với nỗi ám ảnh : an ninh bằng bất cứ giá nào.

Theo tờ báo, nếu cái chết của Bộ trưởng Quốc phòng Daoud Rajha -được đặt vào vị trí này để thu phục người Thiên chúa giáo - không gây hậu quả nghiêm trọng, thì việc Assef Chawkat, anh rể của Tổng thống Bachar Al Assad, bị tử nạn, sẽ gây thiệt hại nặng nề cho chế độ Damas.

Cùng một nhận xét trên, trong bài viết « Assef Shawkat, quả đấm sắt của chế độ », nhật báo Le Figaro cho biết, Shawkat là một người con người máu lạnh rất cứng rắn, và không bao giờ xuất hiện trước báo chí phương Tây. Nắm cơ quan tình báo quân sự đầy quyền lực suốt một thời gian dài, Shawkat đã giúp Assad rất đắc lực vì thông thạo mọi đường đi nước bước. Assad đã nhiều lần gởi ông ta đến Homs và Al Zabadany để giám sát các hoạt động đàn áp phe nổi dậy. Shawkat cũng đã thiết lập được một mạng lưới trong quân đội, giúp tránh tình trạng đào ngũ hàng loạt, và cài người vào tất cả các lực lượng tình báo khác
.
Quyền lực của người anh rể Assad còn vượt ra ngoài biên giới Syria, cũng theo Le Figaro, với việc truy sát các « kẻ thù của chế độ » ở nước ngoài. Ông ta cũng từng cộng tác với tình báo phương Tây, khi « đôi bên cùng có lợi ». Chính cơ quan của Assef Shawkat đã giúp truy tìm và gởi về Pháp, Anh, Mỹ những kẻ khủng bố Hồi giáo chủ trương thánh chiến.

Trong bài xã luận với tựa đề « Biểu tượng », Libération nhận định, sự kiện hôm qua cho thấy chế độ Assad đang nguy ngập. Những khuôn mặt quan trọng bị triệt hạ, thủ đô tưởng chừng nằm ngoài cuộc nổi dậy nay trở thành chiến trường, và biểu tượng của quyền lực Assad đang chao đảo. Các đơn vị còn trung thành không kiểm soát nổi lãnh thổ, nạn đào ngũ tăng cao.

Còn nhật báo công giáo La Croix trong bài xã luận mang tên « Bước ngoặt », nhận định vụ tấn công ngoạn mục hôm qua có thể là một bước ngoặt mang tính quyết định, trong một cuộc nội chiến đã làm hơn 17.000 người chết. Vào lúc mà các trận đánh giữa quân chính phủ và phe nổi dậy đang tiến gần thủ đô, phe phản kháng đã chứng tỏ khả năng với đến cấp cao nhất trong trung tâm quyền lực Damas.

Tuy vậy, chế độ độc tài Syria vẫn nắm trong tay các phương tiện để đáp trả bằng đàn áp quân sự mạnh mẽ hơn. Có thể lo ngại bạo lực sẽ ngày càng tăng, khi gia đình Assad đang bị dồn vào chân tường.

Tương tự, Libération cho rằng cuộc chiến còn lâu mới giành được thắng lợi. Chế độ đang bị thương tích sẽ không ngần ngại đàn áp mạnh hơn những người đối lập, và một số thông tin đang gây lo ngại về khả năng sử dụng vũ khí hóa học.

La Croix nhận định, từ hơn một năm qua, áp lực quốc tế chưa thể làm ngưng lại con đường đi xuống địa ngục của chế độ Syria. Vị trí địa chiến lược của Syria (nằm gần Israel, Irak và Liban, đồng minh của Iran), và sự phức tạp của các thành phần xã hội, tín ngưỡng đã khiến mọi người đều phải thận trọng. Nhất là khi tính đến hậu quả của các cuộc can thiệp quân sự quốc tế trong thời gian mười năm gần đây tại Irak, Afghanistan hay Libya.

Tuy nhiên theo La Croix, ít nhất các cường quốc cần có tiếng nói thống nhất để đòi các bên tham chiến phải xuống thang. Điều này không bao giờ được thực hiện, do sự ủng hộ kiên quyết của Nga và Trung Quốc đối với chế độ Damas. Vấn đề ở đây là liệu cuộc tấn công cảm tử hôm qua có thúc đẩy được Bắc Kinh và Matxcơva thay đổi quan điểm, để có thể không mất tất cả một khi người đồng minh của họ bị chết chìm.

Libération nhận xét, sự thù địch giữa các cộng đồng, và khung cảnh một cuộc nội chiến hiện nay khiến viễn cảnh về một Syria hậu Assad không lấy gì làm tốt đẹp, vì nhà độc tài đã làm tất cả để tiêu diệt đất nước và dân tộc của mình.

Bên cạnh đó, trong bài phân tích mang tựa đề « Quân đội Syria Tự do, một lực lượng sẵn sàng nắm quyền », tờ báo cho rằng đội quân gồm những quân nhân bỏ ngũ này ngày càng được tổ chức tốt hơn.
Thất vọng trước sự bất lực của cộng đồng quốc tế - Liên Hiệp Quốc, Liên đoàn Ả Rập, các nước láng giềng và phương Tây, người dân Syria đang ủng hộ những người cầm súng bảo vệ các thành phố, trước sức tấn công của quân chính phủ và dân quân do chế độ tổ chức. Hôm thứ Hai, việc hình thành Bộ chỉ huy chung của Quân đội Syria Tự do quốc nội cũng đã gây ngạc nhiên. Một nhà đối lập Syria nhận định, nếu sự sụp đổ của chế độ Assad diễn ra trong những ngày tới, thì Quân đội Syria Tự do đã làm nên một phép lạ mà cách đây vài tuần chưa ai có thể tin được.

Pháp hợp tác với Trung Quốc để làm ăn ở châu Phi ? 

Trên lãnh vực kinh tế, nhật báo Les Echos đề cập đến việc Ubifrance, cơ quan phụ trách phát triển hoạt động của các doanh nghiệp Pháp ở nước ngoài, tính đến việc hỗ trợ các công ty Pháp hợp tác với Trung Quốc để làm ăn ở thị trường châu Phi.

Ưu thế của các công ty Pháp là hiểu biết rất nhiều về lục địa đen, có mối quan hệ lịch sử gắn bó, và các tiêu chuẩn chất lượng mà các công ty Trung Quốc còn thiếu thốn. Một số ví dụ : tập đoàn Cahors chuyên về mạng lưới điện của Pháp nắm giữ nhiều kinh nghiệm quý báu, vì hệ thống điện lực tại các nước châu Phi nói tiếng Pháp đều được xây dựng theo tiêu chuẩn Pháp.

Còn ngân hàng Société Générale khi liên kết với Bank of China, đã làm dịch vụ giúp ngân hàng này tại Bắc Phi vì người dân tại đây không nói tiếng Anh. Còn lợi ích về phía Pháp khi bắt tay với Trung Quốc, là có thể được hưởng sự hỗ trợ tài chính, vì đối với các dự án xuất khẩu trang thiết bị, chỉ cần đối tác Trung Quốc nắm phân nửa số vốn là được hưởng ưu đãi.

Iran kiểm duyệt quảng cáo về thịt gà 

« Thịt gà bị Teheran kiểm duyệt trên truyền hình vì quá đắt ». Đó là tựa đề một bài viết trên phụ trang kinh tế của Le Figaro. Bị cấm vận, thịt gà trở nên đắt đỏ tại Iran. Lo ngại người nghèo sẽ oán ghét người giàu, giám đốc cảnh sát đã yêu cầu truyền hình cắt bỏ tất cả những cảnh trong đó diễn viên đang gặm một chiếc đùi gà chẳng hạn.

Vị chỉ huy cảnh sát này cho rằng : « Điện ảnh phản ánh hiện thực xã hội. Khi nhìn thấy hố sâu ngăn cách giữa các giai cấp, một số người có thể tự nhủ, ta phải đi giành lại từ người giàu những gì lẽ ra chúng ta phải được hưởng ».

Thịt gà giờ đây được liệt vào hàng xa xỉ tại Iran, do quốc tế cấm vận vì Teheran theo đuổi chương trình nguyên tử. Để hạn chế tăng giá, chính quyền đã quyết định chốt giá trần ở mức rất thấp so với giá thị trường, khiến cho nhiều nhà chăn nuôi phải phá sản vì bán lỗ. Hậu quả là chỉ trong vòng một tuần lễ, giá thịt gà từ 1,4 euro một ký đã leo lên 4 euro. Vẫn còn có những hợp tác xã của nhà nước bán thịt gà với giá 2 euro một ký, nhưng có khi phải xếp hàng suốt cả ngày mới mua được.

Đây không phải là lần đầu truyền hình Iran bị kiểm duyệt, không cho chiếu một sản phẩm nào đó. Hồi năm 1986, giá quít tăng vọt khiến loại trái cây này cũng bị biến mất trên màn ảnh nhỏ.

tags: Quốc tế - Syria - Điểm báo 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120719-syria-buoc-ngoat-quyet-dinh
 

mercredi 18 juillet 2012

Nga bắt giữ 36 ngư dân Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế

Các tàu TQ đánh cá trộm tại Hoàng Hải bị đuổi khỏi vùng biển Hàn Quốc ngày 16/11/11.
Bài đăng : Thứ tư 18 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 18 Tháng Bẩy 2012 
 
Hãng thông tấn Reuters dẫn tin từ Tân Hoa Xã hôm qua 17/07/2012 cho biết, chính quyền Nga đã bắt giữ 36 ngư dân Trung Quốc và tịch thu hai tàu đánh cá vì những người này đã xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Nga tại Primorsky, vùng Viễn Đông Nga.

Tân Hoa Xã dẫn nguồn từ lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố cảng Vladivostok nói rằng một chiếc tàu hiện đang bị giữ ở cảng Nakhodka, còn chiếc kia cũng đang bị áp tải về đây. Hãng tin Pháp AFP dẫn cùng nguồn tin cho biết thêm, các ngư dân Trung Quốc bị bắt giữ để điều tra vì tội đánh bắt bất hợp pháp.

Theo hãng thông tấn Nga RIA Novosti, thì chiếc tàu cá Trung Quốc với 17 ngư dân khi bị phát hiện tại vùng đặc quyền kinh tế của Nga ở biển Nhật Bản, đã không chịu dừng lại và tìm cách chạy trốn. Lực lượng tuần duyên Nga đã truy đuổi trong vòng ba tiếng đồng hồ, bắn các phát súng cảnh cáo, rồi đâm vào chiếc tàu này và nổ súng khi thấy có dấu hiệu kháng cự. Không có ngư dân nào bị thương.

Chiếc tàu trên đang chở 22 tấn mực, đã bị tịch thu và đưa về cảng Nakhodka. Một chiếc tàu Trung Quốc thứ hai với 19 ngư dân cũng đã bị tịch thu hôm Chủ nhật 15/7 vì đánh cá bất hợp pháp. Cả hai chiếc tàu này đều xuất xứ từ Uy Hải, thuộc tỉnh Sơn Đông ở miền đông Trung Quốc.

Tờ báo nhà nước Global Times nặng tính dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc trong bài xã luận đã cho rằng sự cố này là “không thể chấp nhận được”. Tờ báo viết : « Khi gây sợ hãi bằng cách bắn vào tàu dân sự, Nga đã phô ra một hình ảnh rất xấu ».

Đây không phải là lần đầu tiên lực lượng tuần duyên Nga bắn vào tàu cá Trung Quốc và bắt giữ ngư dân đánh cá bất hợp pháp, nhưng những cuộc đối đầu như vậy rất hiếm hoi.

Quan hệ Nga – Trung đã được thắt chặt hơn trong những năm gần đây, với việc hai nước láng giềng khổng lồ đồng thời là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cùng phủ quyết các nghị quyết chống lại Iran và Syria được phương Tây đưa ra.

Tuy Bắc Kinh là đối tác thương mại và ngoại giao quan trọng, nhưng Matxcơva vẫn tỏ ra cảnh giác trước cường quốc khu vực mới nổi có thể là đối thủ tiềm năng, đang thâu tóm các tài nguyên ở vùng Viễn Đông thưa dân của Nga. Matxcơva đã tăng cường đầu tư về kinh tế và quân sự tại vùng này, và nối dài sự hiện diện về mặt chính trị với việc thành lập một bộ để giám sát khu vực, chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.

tags: Châu Á - Hải phận - Nga - Quốc tế - Trung Quốc 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120718-nga-bat-giu-36-ngu-dan-trung-quoc-xam-nhap-vung-dac-quyen-kinh-te
 

Nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ chận đường phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển

Một chiến hạm Hoa Kỳ
Bài đăng : Thứ tư 18 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 18 Tháng Bẩy 2012 
 
Bất chấp mong muốn của Phòng Thương mại và Hải quân Hoa Kỳ, một nhóm 34 thượng nghị sĩ Mỹ trước mắt đã ngăn chận được nỗ lực của chính quyền Obama muốn Thượng viện sớm phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Hôm 16/07/2012, các thượng nghị sĩ Mỹ chống đối lại Hiệp ước cho biết 34 thượng nghị sĩ đã cam kết sẽ bỏ phiếu chống nếu vấn đề được đem ra biểu quyết.

Như vậy, cho dù có sự ủng hộ của các đại biểu đảng Dân chủ và một số đại biểu ôn hòa của đảng Cộng hòa, vẫn sẽ không đủ túc số 2/3 cần thiết để thông qua Công ước.

Thượng nghị sĩ James Inhofe của bang Oklahoma phấn khởi tuyên bố : « Đây là ngày chiến thắng của quyền tối thượng Hoa Kỳ tại Thượng viện. Với 34 thượng nghị sĩ chống đối, cuộc thảo luận liên quan đến Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển đã khép lại ».

Tuy nhiên chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, John Kerry cho rằng có thể đưa vấn đề này ra một lần nữa, sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới. Phe ủng hộ Công ước tin rằng nhiều đại biểu phe Cộng hòa có thể thay đổi quan điểm sau khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng chấm dứt.

Là kết quả của 15 năm trời thương lượng, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển đã được 161 quốc gia và Liên hiệp châu Âu phê chuẩn. Nhiều chính phủ liên tiếp của Hoa Kỳ, cả Dân chủ lẫn Cộng hòa, đã tham gia thương thảo. Nhưng đến khi Công ước hoàn tất năm 1982, Tổng thống Ronald Reagan thời đó dưới áp lực của các tập đoàn khai thác mỏ và năng lượng đã bác việc phê chuẩn Công ước. Sau khi ông Barack Obama đắc cử Tổng thống năm 2009, chính quyền của ông đã đưa Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển vào danh sách ưu tiên cần phê chuẩn.

Điều đáng chú ý là trong phe ủng hộ Công ước lần này có cả Phòng Thương mại Hoa Kỳ và các tập đoàn năng lượng, quặng mỏ. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại, việc kinh doanh của Mỹ từ hàng hải, viễn thông cho đến khai thác năng lượng ngoài khơi sẽ gặp khó khăn nếu Công ước không được thông qua. Một bất ngờ nữa là Hải quân Hoa Kỳ vốn rất bảo thủ, nay kêu gọi phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Đó là do căng thẳng đang tăng lên giữa Trung Quốc và các nước láng giềng tại Biển Đông và Hoa Đông, cũng như lợi ích tiềm tàng ở Bắc cực.

tags: Hoa Kỳ - Quốc tế - Theo dòng thời sự 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120718-mot-nhom-thuong-nghi-si-cong-hoa-ngan-chan-quoc-hoi-my-phe-chuan-cong-uoc-lien-hiep
 

Ba nhân vật cao cấp Syria tử nạn trong vụ đánh bom ở Damas


Từ trái sang phải: Hassan Turkmani, Daoud Rajha, Assef Chawkat, ba tướng lãnh vừa bị tử nạn.
Bài đăng : Thứ tư 18 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 18 Tháng Bẩy 2012 
 
Ba nhân vật cao cấp của bộ máy an ninh Syria, là Bộ trưởng Quốc phòng Daoud Rajha, Thứ trưởng Quốc phòng Assef Chawkat (anh rể của Tổng thống Assad) và tướng Hassan Turkmani, đứng đầu bộ phận đối phó với khủng hoảng, đã tử nạn trong cuộc tấn công tự sát ở thủ đô Damas hôm nay 18/07/2012.

Đây là cuộc tấn công tự sát đầu tiên nhắm vào các bộ trưởng của chế độ Damas, kể từ khi khởi đầu cuộc nổi dậy vào tháng 3/2011. Quân đội Syria Tự do (ASL) chủ yếu gồm những người lính bỏ ngũ, khẳng định đã tiến hành cuộc tấn công này và cảnh báo, những ai « tay không nhuốm máu » có thời gian từ nay đến cuối tháng Bảy để rời bỏ hàng ngũ, nếu không sẽ bị coi là « đồng phạm trong các vụ giết người của Assad ». Hôm qua Quân đội Syria Tự do cũng đã loan báo « cuộc chiến đấu giải phóng Damas », khi các trận đánh dữ dội diễn ra tại thủ đô Syria.

Vụ tấn công trên đây xảy ra trong lúc chỉ còn vài giờ nữa Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ bỏ phiếu cho một nghị quyết đe dọa trừng phạt chính quyền Syria, mà Matxcơva luôn phản đối. Đức và Anh cho rằng sự kiện trên cho thấy cần phải khẩn cấp thông qua nghị quyết. Tuy nhiên đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria, ông Kofi Annan đề nghị hoãn lại việc biểu quyết để có thì giờ dàn xếp với Nga.

Tin giờ chót từ đại sứ Nga ở Liên Hiệp Quốc Vitali Tchourkine cho biết việc bỏ phiếu về nghị quyết trên đã được dời lại đến ngày mai. Còn đại sứ Trung Quốc tại đây là Lý Bảo Đông nói rằng các cuộc thảo luận đang tiếp tục vào chiều nay nhằm đạt đến một thỏa thuận.

Truyền hình nhà nước Syria đã công nhận cái chết của ba nhân vật cao cấp trên đây. Một nguồn tin từ cơ quan an ninh Syria cho AFP biết, Bộ trưởng Nội vụ Mohammad Ibrahim Al Chaar, Giám đốc An ninh Quốc gia Hicham Ikhtiar cũng bị thương trong vụ tấn công này.

Cũng theo nguồn tin trên, vụ nổ diễn ra bên trong trụ sở của cơ quan An ninh Quốc gia ở Damas. Tòa nhà này tọa lại ngay tại trung tâm thủ đô, là nơi phát ra các mệnh lệnh đàn áp phe nổi dậy, được bảo vệ vô cùng cẩn mật. Một cảm tử quân mang dây nịt chứa chất nổ đã khai hỏa trong cuộc họp các bộ trưởng và lãnh đạo ngành an ninh. Nguồn tin này nói rằng người tấn công tự sát là cận vệ của một trong số các nhân vật lãnh đạo tham dự hội nghị.

Quân đội Syria tuyên bố hành động « khủng bố » trên đây càng củng cố « quyết tâm của lực lượng vũ trang nhằm tẩy sạch tàn dư các băng nhóm khủng bố tại tổ quốc ». Ngay từ đầu phong trào phản kháng, chính quyền Syria đã gán cho phe nổi dậy cái tên « khủng bố ». Chế độ Damas cũng nhanh chóng loan báo việc bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng Fahd Al Freij lên làm tân Bộ trưởng Quốc phòng.

Đối với Tổ chức Quan sát Nhân quyền tại Syria (OSDH), thì cái chết của tướng Assef Chawkat là một « đòn nặng nề đối với chế độ Syria, vì ông ta đóng vai trò hàng đầu trong các hoạt động đàn áp cách mạng của quân chính phủ ».

Năm nay 50 tuổi, Assef Chawkat, khuôn mặt diều hâu trong chính phủ, chồng của chị ruột Tổng thống Bachar Al Assad vốn là một sĩ quan xuất thân từ một gia đình nghèo. Mối tình với Bouchra Al Assad, chị của Bachar bị người em trai út là Bassel Al Assad phản đối, bốn lần Chawkat bị bỏ tù để ngăn trở. Sau khi Bassel tử nạn trong một tai nạn xe hơi, thì cuộc hôn nhân mới thành, và đến khi người cha là Tổng thống Hafez Al Assad qua đời năm 2000 thì Assef Chawkat đã thăng tiến vùn vụt trên đường công danh. Trở thành người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội rồi thành Thứ trưởng Quốc phòng, chính Assef Chawkat giám sát các hoạt động của quân chính phủ đàn áp nổi dậy ở các địa phương, đặc biệt là tại Homs.

Chế độ Damas hồi tháng Bảy đã bị giáng một đòn nặng nề với sự kiện tướng Manaf Tlass đào ngũ. Tướng Tlass vốn là một nhân vật thân cận với gia đình Assad và là bạn thời thơ ấu của Tổng thống Bachar Al Assad. Rạng sáng hôm nay, lại có thêm hai tướng lãnh của Syria trốn sang được Thổ Nhĩ Kỳ, đưa tổng số các tướng lãnh quân chính phủ đào thoát sang đây lên 20 người.

Tại Washington hôm nay, hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Anh đã lên tiếng cảnh báo tình hình Syria đã trở nên « không kiểm soát nổi », còn Pháp cho rằng cuộc đấu tranh nhằm duy trì quyền lực của Tổng thống Assad là vô ích.

tags: Ngoại giao - Quân sự - Quốc tế - Syria 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120718-ba-nhan-vat-cao-cap-syria-tu-nan-trong-vu-danh-bom-o-damas
 

Kim Jong Un được phong làm Nguyên soái

Kim Jong Un thăm trường nghệ thuật Mansudae Art Studio tại Bình Nhưỡng.
Bài đăng : Thứ tư 18 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 18 Tháng Bẩy 2012 

Hãng tin chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA hôm nay 18/07/2012 loan báo, lãnh tụ trẻ tuổi Kim Jong Un đã được phong chức Nguyên soái. Thông báo này chứng tỏ Kim Jong Un đang tăng cường quyền lực, sau khi Tổng tham mưu trưởng quân đội đã bị thôi chức hôm Chủ nhật 15/07, vì « lý do sức khỏe ».

KCNA cho biết : « Ông Kim Jong Un, Tổng tư lệnh tối cao quân đội đã được quyết định phong chức Nguyên soái của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ». Quyết định này đã được nhiều lãnh đạo cao cấp Nhà nước và của Đảng đưa ra hôm qua. Được biết trước đây, lãnh tụ quá cố Kim Jong Il, cha của Kim Jong Un cũng đã từng nhận được chức Nguyên soái.

Hồi tháng 9/2010, người thanh niên chưa đầy 30 tuổi Kim Jong Un đã được phong làm đại tướng. Sự kiện trên được xem là dấu hiệu cho thấy Kim Jong Un đã được chọn làm người kế vị, trong triều đại cộng sản duy nhất trên thế giới theo kiểu cha truyền con nối này. Sau khi Kim Jong Il qua đời, Kim Jong Un được phong chức Tổng tư lệnh tối cao quân đội vào tháng 12/2011.

Hôm thứ Hai 16/07, Bình Nhưỡng đã gây ngạc nhiên khi loan báo ông Ri Yong Ho, một trong những nhân vật quan trọng của chế độ, đã bị bãi miễn tất cả các chức vụ trong đó có chức Tổng tham mưu trưởng quân đội « vì lý do sức khỏe », mà theo các nhà phân tích thì đây chỉ là một cái cớ.

Việc loan báo công khai một cách bất thường trên đây từ một quốc gia thuộc loại bí ẩn và cô lập nhất trên thế giới, theo các chuyên gia, cho thấy Kim Jong Un đang củng cố việc kiểm soát giới quân đội. Với lực lượng 1,2 triệu quân, quân đội Bắc Triều Tiên đứng hàng thứ tư trên thế giới tính theo quân số, và nắm giữ nhiều quyền hành với chính sách « Shogun », tức quân đội trên hết.

Hôm qua 17/07/2012, Bình Nhưỡng đã thông báo việc bổ nhiệm ông Hyon Yong Chol làm Phó nguyên soái, mà theo các nhà phân tích thì như vậy ông này sẽ thay chân ông Ri Yong Ho lên làm Tổng tham mưu trưởng.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Theo dòng thời sự 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120718-kim-jong-un-duoc-phong-nguyen-soai-va-cung-co-quyen-luc

Kiến trúc sư Pháp từng bị bắt trong vụ Bạc Hy Lai sang Trung Quốc

Ngôi nhà của KTS Devillers tại Phnom Penh.
Bài đăng : Thứ tư 18 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 18 Tháng Bẩy 2012 
 
Kiến trúc sư người Pháp Patrick Devillers, bị bắt tại Cam Bốt theo yêu cầu của Bắc Kinh, đã được trả tự do hôm thứ Hai 16/07/2012 và đã đi Trung Quốc để hỗ trợ cho cuộc điều tra về vụ Bạc Hy Lai. Phó giám đốc cảnh sát quốc gia Cam Bốt hôm nay 18/07/2012 đã cho hãng tin AFP biết như trên.

Ông Devillers bị bắt tại Phnom Penh ngày 13/06 theo yêu cầu của Bắc Kinh, đã được thả vào hôm thứ Hai cũng theo đề nghị của Bắc Kinh. Phó giám đốc cảnh sát quốc gia Cam Bốt, ông Sok Phal nói rằng : « Hôm qua, thứ Ba, ông Devillers đã tự nguyện đi Trung Quốc » trên một chuyến bay đến Thượng Hải. « Ông ấy nói đi đến đó để làm nhân chứng. Đại sứ quán Pháp đã đồng ý 100% ».

Sáng nay AFP không liên lạc được với đại sứ quán Pháp tại Phnom Penh. Về phía đại sứ quán Pháp tại Bắc Kinh, một phát ngôn viên cho biết : « Chúng tôi không có lời bình luận nào ».

Vào tuần trước, một phát ngôn viên Bộ Nội vụ Cam Bốt xác nhận là Bắc Kinh đã yêu cầu kiến trúc sư Pháp hợp tác với tư pháp Trung Quốc, và hứa hẹn rằng ông Devillers sẽ không bị truy tố. Trước đó một hôm, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius sau khi hội đàm với đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì, đã từ chối trả lời câu hỏi của báo chí là có nêu ra trường hợp này, và đòi hỏi các đảm bảo của Bắc Kinh đối với công dân Pháp Devillers hay không.

Tại Cam Bốt, ông Devillers không hề bị chính thức truy tố vì bất cứ tội danh gì. Lý do khiến ông bị bắt giữ cũng không được thông báo, khiến Paris đã phải yêu cầu làm rõ.

Cam Bốt vốn là đồng minh trung thành của Bắc Kinh, có ký một hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc cho phép giam giữ một nghi can trong vòng 60 ngày. Nhưng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Cam Bốt Hor Namhong cho biết đã đề nghị Bắc Kinh cung cấp chứng cứ trước khi giao lại kiến trúc sư người Pháp.

Ông Devillers năm nay 52 tuổi, có quan hệ làm ăn và bạn bè với vợ chồng ông Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh đã bị ngưng tất cả các chức vụ ở Bộ Chính trị và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Bạc Hy Lai đang là đối tượng điều tra về tội tham nhũng, còn vợ ông là bà Cốc Khai Lai là nghi can trong vụ sát hại một doanh nhân Anh có quan hệ làm ăn với vợ chồng bà. Xì-căng-đan này đã làm rúng động cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, làm lộ rõ bộ mặt thật sau chiếc bình phong đoàn kết mà đảng này cố trưng ra, vài tháng trước khi diễn ra đại hội Đảng.

tags: Châu Á - Pháp luật - Theo dòng thời sự - Trung Quốc 
 http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120718-kien-truc-su-phap-bi-bat-trong-vu-bac-hy-lai-den-trung-quoc-de-%C2%AB-ho-tro-cho-cuoc-die
 

Học giả Đài Loan đến đảo Ba Bình - Trường Sa

Đảo Ba Bình, đã bị Đài Loan chiếm đóng
Bài đăng : Thứ hai 16 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 16 Tháng Bẩy 2012 

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Đài Loan được AFP đưa lại hôm nay 16/07/2012, một nhóm gồm 12 nhà nghiên cứu thuộc Viện Kỹ thuật Hải dương của trường đại học Thành Công đã đến thăm đảo Ba Bình ở Trường Sa, mà Đài Loan gọi là đảo Thái Bình. Hành động này diễn ra trong lúc tình hình vẫn đang căng thẳng tại Biển Đông.

Thông báo trên cho biết nhóm này đã hoàn tất chuyến đi kéo dài một tuần ngày 15/07/2012, cho rằng : « Chuyến viếng thăm chứng tỏ lòng ái quốc của các nhà khoa học, đồng thời tái khẳng định chủ quyền lãnh thổ ».

Cũng theo thông báo, thì các nhà nghiên cứu Đài Loan « nhân chuyến đi tìm hiểu thực tế có thể thu thập được ngay các thông tin về những vấn đề như việc vận chuyển đi và đến khu vực này, duy trì an ninh quốc gia và bảo vệ hệ sinh thái Biển Đông ».

Chuyến thăm Trường Sa được thực hiện trong lúc báo chí Đài Loan cho biết chính phủ Đài Bắc dự định nối dài đường băng trên đảo Ba Bình, đảo lớn nhất tại quần đảo Trường Sa, cách Đài Loan đến 860 hải lý.

Đảo Ba Bình có tên quốc tế là Itu Aba, dài 1.470 m và rộng 500 m, tổng diện tích 43,2 hecta. Pháp nhận đảo Ba Bình năm 1887 và đến năm 1933, nhân danh bảo hộ Việt Nam, đã đưa quân ra đảo và thiết lập một đài quan trắc khí tượng. Trong Đệ nhị Thế chiến, quân Nhật chiếm đảo làm căn cứ tàu ngầm. Đầu năm 1947, lợi dụng danh nghĩa giải giáp quân Nhật, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc lúc đó đưa quân chiếm đảo. Sau khi mất đại lục vào tay phe cộng sản năm 1949, Đài Loan rút khỏi Ba Bình năm 1950 nhưng đến năm 1956 quay lại chiếm giữ cho đến nay.

Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei đều đòi hỏi chủ quyền trên một phần hay toàn bộ quần đảo Trường Sa, được cho là có nhiều tiềm năng dầu khí. Trừ Brunei, các quốc gia còn lại đều có quân đóng trên các hòn đảo ở Trường Sa. Tình hình gần đây thêm căng thẳng tại Biển Đông với xung đột giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi cạn Scarborough.

Tại Đài Loan, những lời kêu gọi tăng cường sức mạnh quốc phòng ở Trường Sa đang tăng lên, đòi đưa thêm quân và phương tiện quân sự vào khu vực. Hồi tháng Năm, lực lượng tuần duyên Đài Loan cho biết số lượng tàu Việt Nam « thâm nhập » năm ngoái là 106, so với năm trước đó chỉ có 42 tàu.

tags: Biển Đông - Châu Á - Trường Sa - Đài Loan 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120716-mot-nhom-hoc-gia-dai-loan-den-dao-ba-binh-o-truong-sa

« Đinh tặc » tại Vòng đua nước Pháp ?

Một cua-rơ bị té xe
Bài đăng : Thứ hai 16 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 16 Tháng Bẩy 2012 
 
Những chiếc đinh rải trên đoạn đường chặng đua thứ 14 của Vòng đua xe đạp nước Pháp (Tour de France) năm nay đã gây ra một loạt các vụ bể bánh, té xe, làm cho một cua-rơ bị thương. Ban điều hành hôm qua đã quyết định đưa đơn kiện, và hôm nay 16/07/2012 các nhà điều tra bắt đầu nghiên cứu hình ảnh trên truyền hình và video nghiệp dư để tìm kiếm thủ phạm.

Viện Công tố Foix (vùng Ariège) tối qua đã mở điều tra sơ bộ về tội « phá hoại và gây nguy hiểm đến tính mạng người khác », giao vụ này cho hiến binh Toulouse. Các nhà điều tra đã liên lạc với ban tổ chức để được giao lại các băng ghi hình. Những cây đinh thu thập được trên đường cũng được thu giữ, tuy nhiên do chuyền tay qua nhiều người nên khó lấy được các dấu vết có thể khai thác. Hơn ba chục cua-rơ nạn nhân cũng sẽ được lấy lời khai.

Theo các thông tin ban đầu, thì những cây đinh này được rải ở đoạn trước khi lên đỉnh đèo Péguère, và ở đoạn đổ dốc về hướng Foix. Hậu quả là hôm qua đã có 61 vụ bể bánh xe, nhiều cua-rơ bị té gây ra cảnh hỗn loạn. Tay đua Úc Cadel Evans, người chiến thắng trong Vòng đua nước Pháp 2011, đã bị bể bánh để ba lần trong đoạn đường chỉ vài cây số. Riêng cua rơ người Croatia, Robert Kiserlovski bị té khá nặng, gãy xương đòn gánh nên phải bỏ cuộc.

Tay đua Thibaut Pinot của đội FDJ-BigMat trẻ nhất đoàn đua kể lại : « Tôi bị dính một cây đinh ngay trên đỉnh đèo, và khi đổ dốc thì thấy nhiều cua-rơ khác bị bể bánh, té la liệt khắp nơi ». Giám đốc thể thao của đội BMC, ông John Lelangue tức giận : « Còn hơn là tội phạm hình sự nữa ! Các cua-rơ khi đổ dốc với tốc độ 70-80 km/giờ đã chịu rất nhiều rủi ro rồi ». Ông nhấn mạnh như thế, khi đưa cho các nhà báo xem các cây đinh mũ tìm thấy trong bánh xe hơi của ông. Theo ông Lelangue, thì : « Vòng đua nước Pháp vốn là một ngày hội, một cuộc trình diễn mở rộng cho tất cả mọi người. Rải đinh như thế là hooligan, là tội ác ».

tags: Pháp - Thể thao - Đua xe đạp 
http://www.viet.rfi.fr/phap/20120716-%C2%AB-dinh-tac-%C2%BB-tai-vong-dua-nuoc-phap
 

Hàn Quốc đòi Bắc Triều Tiên trả nợ

Tượng Kim Il Sung và Kim Jong Il ở Bình Nhưỡng
Bài đăng : Thứ hai 16 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 16 Tháng Bẩy 2012 
 
Ngày 16/07/2012 Hàn Quốc phàn nàn việc Bắc Triều Tiên vẫn im lặng trước đòi hỏi phải trả đợt đầu món nợ 720 triệu đô la. Trong khi đó Bình Nhưỡng lên án Seoul và Washington sử dụng những người Bắc Triều Tiên đã đào thoát cho nhiệm vụ phá hủy các tượng đài lãnh tụ.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc phụ trách các vấn đề liên Triều, cho biết Bắc Triều Tiên vẫn không trả lời yêu cầu thanh toán nợ của Seoul. Phát ngôn viên Kim Hyung Suk của bộ này nói : « Đây là sự vi phạm hiệp ước giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, chính phủ chúng tôi rất lấy làm tiếc ».

Dưới thời chính phủ cánh tả trước đây, Hàn Quốc đã cung cấp cho Bắc Triều Tiên khoảng 2,6 triệu tấn thực phẩm trị giá 720 triệu đô la, được cho chi trả làm 6 lần trong vòng từ năm 2000 đến 2007. Số thực phẩm này được viện trợ dưới dạng cho vay với lãi suất rất thấp, được trả trong vòng 20 năm. Bên cạnh đó Hàn Quốc còn cho Bắc Triều Tiên mượn thiết bị và vật liệu trị giá 140 triệu đô la dùng cho đường sắt, đường bộ, và 88 triệu đô la để phát triển công nghiệp nhẹ và khai thác tài nguyên.

Hồi tháng Năm, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc đã gởi hóa đơn thanh toán cho đợt đầu, tính cả lãi là 5,83 triệu đô la, phải trả vào ngày 7/6. Không nhận được hồi âm, hôm nay Seoul đã lại phải gởi thêm một văn bản mới. Ông Kim Hyung Suk cho biết Seoul có thể tuyên bố trước cộng đồng quốc tế là Bình Nhưỡng mất khả năng chi trả, nhưng hiện Hàn Quốc chưa muốn làm điều này.

Phía Bắc Triều Tiên lên án Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã sử dụng những người tị nạn miền Bắc vào âm mưu phản loạn, nhằm phá hủy các tượng đài lãnh tụ. Báo chí chính thức Bắc Triều Tiên đăng thông báo cho biết một số « kẻ phản bội », trong đó có những người Bắc Triều Tiên đã trốn sang Hàn Quốc, gần đây đã bị bắt vì dính líu vào các âm mưu trên.

Ủy ban vì hòa bình thống nhất tổ quốc, cơ quan phụ trách vấn đề liên Triều của Bình Nhưỡng cho rằng Seoul đã giúp những người tị nạn ẩn trốn và xâm nhập vào Bắc Triều Tiên, và đương nhiên Hoa Kỳ cũng tham gia tích cực vào mưu đồ làm tổn thương đến danh dự các lãnh tụ miền Bắc.

Từ khi chiến tranh Triều Tiên chấm dứt đến nay, đã có hơn 23.500 người Bắc Triều Tiên tị nạn tại Hàn Quốc. Họ bị Bình Nhưỡng coi là « cặn bã của nhân loại », những kẻ đã phản bội tổ quốc.

Với chính sách tôn sùng lãnh tụ, có vô số bức tượng, đài kỷ niệm Kim Il Sung và Kim Jong Il đã được dựng lên trên khắp đất nước Bắc Triều Tiên. Các khẩu hiệu ca ngợi lãnh tụ cũng được khắc trên hàng trăm tảng đá và vách núi. Hồi tháng Hai nhân sinh nhật Kim Jong Il, một tác phẩm điêu khắc rộng đến 120 m trên một vách đá thiên nhiên đã được khánh thành và tháng Tư, hai bức tượng khổng lồ của Kim Il Sung và Kim Jong Il cũng đã được khai trương tại Bình Nhưỡng.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Chính trị - Hàn Quốc - Theo dòng thời sự 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120716-han-quoc-doi-tra-no-bac-trieu-tien-len-an-muu-toan-pha-tuong-lanh-tu
 

Thủ đô Damas trong tình trạng chiến tranh

Tadamoun, ngoại ô Damas ngày 15/07/12
Bài đăng : Thứ hai 16 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 16 Tháng Bẩy 2012 
 
Thủ đô Syria đang là nơi diễn ra các cuộc xung đột dữ dội liên tiếp từ hai ngày qua, giữa lực lượng nổi dậy và quân chính phủ dưới quyền chỉ huy của Maher Al Assad, em trai Tổng thống Bachar Al Assad. Ngoại trưởng Nga cho rằng hy vọng thuyết phục ông Assad rời bỏ quyền lực là « không thực tế ».

Quân chính phủ đã tung ra một đợt tấn công mạnh mẽ chưa từng thấy nhằm tái chiếm các khu vực ngoại ô phía nam, phía tây và phía đông thủ đô Damas. Theo Tổ chức Quan sát Nhân quyền tại Syria (OSDH) thì các trận chiến hôm nay lần đầu tiên đã diễn ra tại khu Midane nằm gần trung tâm thủ đô, và lực lượng tăng viện cùng với quân xa của chế độ đã được gởi đến. Một kháng chiến quân khẳng định với AFP : « Ngày 15/7 đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc cách mạng tại Syria ».

Cho đến nay, thủ đô Damas vẫn vô cùng an ninh, hầu hết đặt dưới sự kiểm soát của sư đoàn số 4 thuộc Đệ nhất binh đoàn, do Maher Al Assad chỉ huy. Nay thì ngoài Midane, các trận đánh còn diễn ra ở các vùng ngoại ô khác của Damas như Tadamoun, Kafar Soussé, Jobar, Qadam, Nahr Aiché và Al Aassali. Phe đối lập hôm qua khẳng định : « Cách mạng đã lan rộng và gọng kềm đang siết lại tại khu vực mà chế độ ngỡ rằng tránh được sự phẫn nộ của nhân dân ». Nhật báo thân chính phủ Al Watan thì chạy tựa : « Các người không bao giờ chiếm nổi Damas ». 

Về phía Hội Hồng thập tự Quốc tế (CICR) thì cho rằng các trận đánh ở Syria là nội chiến, và nhấn mạnh tất cả các bên cần tuân thủ các luật lệ quốc tế về mặt nhân đạo.

Trước tình hình bạo lực kéo dài từ 16 tháng qua làm cho hơn 17.000 người chết, Maroc hôm nay đã trục xuất đại sứ Syria tại Rabat, yêu cầu phải rời khỏi vương quốc. Damas nhanh chóng trả đũa bằng cách tuyên bố trục xuất đại sứ Maroc, mà trên thực tế đã rời Syria từ nhiều tháng qua.

Còn tại Matxcơva, Ngoại trưởng Serguei Lavrov hôm nay tuyên bố, hy vọng Nga thuyết phục được ông Assad rời bỏ quyền lực là « không thực tế ». Ông Lavrov nói : « Tổng thống Assad sẽ không ra đi, không phải vì chúng tôi hỗ trợ ông ấy, mà đơn giản là vì một bộ phận đáng kể nhân dân Syria ủng hộ ông ».
Ngoại trưởng Nga còn lên án phương Tây làm « săng-ta » để buộc Matxcơva chấp nhận việc trừng phạt chế độ Damas của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nếu không thì sẽ « từ chối gia hạn nhiệm kỳ của đoàn quan sát viên ».

Tuyên bố này được đưa ra trong khi tối nay Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tiếp đặc sứ Liên Hiệp Quốc Kofi Annan để nhấn mạnh là « Nga ủng hộ kế hoạch hòa bình của ông Annan » - mà đến nay không hề được tôn trọng.

tags: Quốc tế - Syria - Trung Cận Đông 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120716-thu-do-damas-trong-tinh-trang-chien-tranh
 

Nhật Bản : Hàng trăm ngàn người biểu tình chống năng lượng nguyên tử

Biểu tình chống năng lượng nguyên tử tại Tokyo ngày 16/07/12
Bài đăng : Thứ hai 16 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 18 Tháng Bẩy 2012 
 
Mười sáu tháng sau thảm họa Fukushima, hàng trăm ngàn người Nhật trưa ngày 16/07/2012 biểu tình tại Tokyo để đòi ngưng khai thác năng lượng hạt nhân tại Nhật Bản.

Các nhà tổ chức khẳng định có đến 170.000 người tập hợp gần công viên Yoyogi, nằm ở phía tây nam thủ đô, cao hơn nhiều so với kỳ vọng là 100.000 người như mong đợi. Về phía cảnh sát hiện chưa đưa ra con số cụ thể những người biểu tình.

« Không cần có điện nguyên tử ! Hãy trả lại cho chúng tôi vùng Fukushima ! ». Những người biểu tình hô vang các khẩu hiệu, cầm cờ nhiều màu sắc của địa phương mình và các yêu sách.

Những người phản kháng đến từ khắp mọi miền của nước Nhật : không chỉ có vùng Tohoku (đông bắc) của Fukushima, mà còn từ đảo Kyushu ở miền nam, Hokkaido ở miền bắc, Shikoku (đông nam), Kansai (thuộc đảo chính Honshu). Một người về hưu đến từ vùng Shiga (miền trung) cho biết : « Tôi muốn chuyển giao một nước Nhật sạch về sinh thái cho con cháu tôi ».

Các gian hàng của vùng miền, những bài hát xen kẽ với các phát biểu tại nhiều điểm của khu vực tập hợp - các nhà tổ chức muốn mang lại khung cảnh lễ hội cho hoạt động này, trong lúc các cuộc biểu tình chống năng lượng nguyên tử từ nhiều tháng qua có vẻ ngày càng lan rộng.

Hiện nay tại Nhật Bản chỉ có một lò phản ứng nguyên tử duy nhất hoạt động, nhưng các công ty điện lực muốn tái khởi động thêm nhiều lò nữa, cho dù người dân đang rất lo ngại.

tags: Nguyên tử - Nhật Bản - Theo dòng thời sự 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120716-nhat-ban-hang-tram-ngan-nguoi-bieu-tinh-chong-nang-luong-nguyen-tu
 

dimanche 15 juillet 2012

Đoàn tàu đánh cá hùng hậu của Trung Quốc đã đến đảo Đá Chữ Thập ở Trường Sa


Tàu giặc đã đến Trường Sa (Ảnh Tân Hoa Xã)
(AFP) Một đoàn tàu đánh cá hùng hậu chưa từng thấy của Trung Quốc đã đến quần đảo tranh chấp Trường Sa tại Biển Đông chiều Chủ nhật 15/07/2012, trong lúc căng thẳng tại khu vực này đang tăng cao. Hãng thông tấn Pháp AFP dẫn nguồn tin từ Tân Hoa Xã cho biết như trên.

Đoàn tàu gồm 30 chiếc đã đến đảo Đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử (Yongshu) vào chiều nay, sau khi khởi hành hôm thứ Năm 11/7 từ Hải Nam. Đá Chữ Thập là một đảo san hô có chiều cao chưa đến 1m so với mặt biển, bị Trung Quốc chiếm từ năm 1988 và đã cho xây dựng cầu cảng, đặt trạm radar, pháo chống hạm tại đây.

Các tàu đánh cá của Trung Quốc thường xuyên đến khu vực Trường Sa, vùng biển giàu tiềm năng dầu khí mà Bắc Kinh yêu sách chủ quyền, viện vào lý do lịch sử. Nhưng theo Tân Hoa Xã, thì đoàn tàu vừa đến là hùng hậu chưa từng thấy từ trước đến nay xuất phát từ Hải Nam.

Tàu đánh cá TQ ngang nhiên đến Trường Sa vơ vét hải sản (Ảnh Tân Hoa Xã)
Trong đoàn có một tàu cung ứng trọng tải 3.000 tấn, và một tàu tuần dương làm nhiệm vụ bảo vệ cả đoàn. Đội tàu hùng hậu này sẽ ở lại Trường Sa từ 5 đến 10 ngày để đánh cá.

Đoàn tàu khổng lồ này đến Trường Sa sau khi sáng sớm nay Trung Quốc đã trục được chiếc tàu hải quân bị mắc cạn tại bãi Trăng Khuyết, mà Philippines gọi là Hasa Hasa, ở Trường Sa. Trong một nỗ lực hòa hoãn, Philippines cho biết sẽ không kháng nghị vì đánh giá đây là một tai nạn, chứ không phải cố tình xâm phạm khu vực mà Manila cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông. Philippines và Việt Nam tố cáo Trung Quốc ngày càng hung hăng, chẳng hạn quấy nhiễu ngư dân, và dùng thủ đoạn mua chuộc về ngoại giao. Chẳng hạn như trong hội nghị thường niên ASEAN vừa kết thúc hôm thứ Sáu 13/7, nước chủ nhà Cam Bốt đã trắng trợn ngả theo Bắc Kinh, khiến hội nghị kết thúc mà không ra được tuyên bố chung.