vendredi 22 juillet 2011

Một kinh tế gia Trung Quốc trở thành Phó tổng giám đốc IMF


Tân Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde, hôm 12/07/2011đã chỉ định ông Chu Dân, nhà kinh tế từng là Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, làm Phó tổng giám đốc định chế này. Điều này được xem là sự công nhận vai trò quan trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới.

Ông Chu Dân vốn là cố vấn đặc biệt của ông Dominique Strauss-Kahn, người tiền nhiệm của bà Christine Lagarde. Việc ông Chu Dân được thăng chức cho thấy tân Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế muốn trao thêm quyền lực cho các quốc gia mới trỗi dậy. Từ trước đến nay, chưa có đại diện nào của Trung Quốc được giao một chức vụ lãnh đạo của tổ chức quốc tế này.

Trong một thông cáo, là Christine Lagarde cho biết : « Với chức vụ Phó tổng giám đốc, ông Chu Dân sẽ đóng một vai trò quyết định trong công việc của chúng tôi, cùng cộng tác với các thành viên khác và tôi để đảm bảo rằng IMF cảm thông hơn với châu Á và các thị trường mới phát triển ».

Ông Chu Dân sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 26/7. Được biết lâu nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế chỉ có hai Phó tổng giám đốc. Từ nay ông Chu Dân sẽ có vai trò ngang hàng với hai Phó tổng giám đốc đương nhiệm là ông Naoyuki Shinohara, người Nhật, và bà Nemat Shafik, người Mỹ gốc Ai Cập. Các Phó tổng giám đốc thường chủ trì các cuộc thương thảo về việc phân bổ các khoản tín dụng, khi Tổng giám đốc vắng mặt.

Bắc Kinh từ lâu vẫn đòi hỏi một chức vụ quan trọng trong IMF, nhưng vẫn bị ngáng chân bởi sự hiện diện của Phó tổng giám đốc người Nhật Naoyuki Shinohara. Như vậy từ nay châu Á có hai đại diện trong ban lãnh đạo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, và một tại Ủy ban Tiền tệ và Tài chính Quốc tế, hiện do Bộ trưởng Tài chính Singapore Tharman Shanmugaratnam làm chủ tịch.

Xin nhắc lại, trong chiến dịch tranh chức người đứng đầu IMF, bà Christine Lagarde có đi thăm Bắc Kinh và nhận được ủng hộ của Trung Quốc và các nền kinh tế mới trỗi dậy khác, trong đó có Ấn Độ, Brazil.

Bà Lagarde cũng chỉ định ông David Lipton, người Mỹ hiện là cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, làm tân Phó tổng giám đốc thứ nhất, tức nhân vật số hai của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ông David Lipton sẽ thay thế ông John Lipsky khi ông này chấm dứt nhiệm kỳ.

tags: Châu Á - IMF Quỹ Tiền tệ Quốc tế - Theo dòng thời sự - Trung Quốc
Article publié le : mercredi 13 juillet 2011 - Dernière modification le : mercredi 13 juillet 2011

Thái Lan : Bà Yingluck giảm nhẹ mức hệ trọng của việc gian lận bầu cử


Thủ tướng tương lai của Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra, hôm nay (13/7/2011) đã lên tiếng giảm nhẹ tầm quan trọng của những cáo buộc về các biểu hiện bất minh trong chiến dịch tranh cử. Các lời khiếu nại này đã khiến việc công nhận kết quả cuộc bầu cử cũng như triệu tập Quốc hội mới bị chậm lại.

Tối qua Ủy ban bầu cử đã hoãn lại việc ra quyết định công nhận kết quả đối với 142 ứng cử viên, trong đó có bà Yingluck và Thủ tướng mãn nhiệm Abhisit Vejjajiva, trên tổng số 500 đại biểu được bầu hôm 3/7. Bà Yingluck tuyên bố : « Tôi hy vọng và tôi tin rằng Ủy ban bầu cử sẽ giải quyết trường hợp của đảng Puea Thai và tôi một cách vô tư, công bằng ».

Đảng Puea Thai đã giành thắng lợi trong kỳ bầu cử Quốc hội vừa qua, và thành lập liên minh với năm đảng khác với số lượng 300 dân biểu. Theo luật pháp Thái Lan, thì Quốc hội mới sẽ phải họp lại trong vòng 30 ngày sau cuộc bầu cử, và có thêm 30 ngày nữa để đề cử Thủ tướng.

Nếu bà Yingluck bị loại, sẽ có nguy cơ gây phẫn nộ cho phe Áo Đỏ, hầu hết trung thành với cựu Thủ tướng Thaksin hiện đang sống lưu vong nhưng vẫn điều khiển từ xa chiến dịch tranh cử vừa qua của em gái là bà Yingluck.

Ủy ban bầu cử phải điều tra trường hợp của bà Yingluck vì đảng Dân Chủ của ông Abhisit có đơn kiện. Đảng này đòi giải tán đảng Puea Thai, do chiến dịch tranh cử của Puea Thai có sự tham gia của các nhân vật bị cấm hoạt động chính trị, trong đó có ông Thaksin.

Theo bà Yingluck, bà chỉ nhận được các lời tư vấn của ông Thaksin, và cựu Thủ tướng không hề tham gia vào các quyết định cũng như việc điều hành của đảng.

Bên cạnh đó, Ủy ban bầu cử đã bác bỏ một đơn khác kiện bà Yingluck là đã mua phiếu vì phân phối mì cho cử tri. Còn ông Abhisit thì bị kiện vì đã cho bán các nhu yếu phẩm trong một  hội chợ với giá gần như là cho không. Việc này cũng bị xem là mua phiếu.

tags: ASEAN - Bầu cử - Châu Á - Chính trị - Thái Lan
Article publié le : mercredi 13 juillet 2011 - Dernière modification le : mercredi 13 juillet 2011
 

Trung Quốc: Thặng dư mậu dịch hơn 23 tỉ đô la trong tháng Sáu


Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, thặng dư mậu dịch của nước này trong tháng Sáu đã tăng vọt, lên đến 22,27 tỉ đô la, so với tháng Năm là 13,05 tỉ đô la. Đó là nhờ xuất khẩu tháng Sáu tăng kỷ lục với doanh thu gần 162 tỉ đô la, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy vậy lượng nhập khẩu cũng tăng lên, và nhịp độ tăng trưởng của xuất khẩu đang giảm dần. Trả lời cơ quan tài chính Dow Jones, mười bốn nhà kinh tế đã cho rằng xuất khẩu của Trung Quốc tăng khoảng 19,2% so với năm ngoái, trong khi nhập khẩu dự kiến trong tháng Sáu tăng 26,8%.

Việc tỉ lệ tăng trưởng của xuất khẩu giảm bớt có thể làm an tâm những người đang lo ngại là đồng nhân dân tệ được ấn định ở dưới giá trị thật giúp Bắc Kinh giành được lợi thế trong thương mại một cách không công bằng.

Theo giám đốc bộ phận thống kê của Hải quan Trung Quốc, thì ưu thế về giá cả của Trung Quốc hiện đang bị ảnh hưởng bởi việc đồng nhân dân tệ đã tăng giá đôi chút, giá thành sản xuất đang lên cao. Bên cạnh đó, xuất khẩu của nước này đang phải đối đầu với hiện tượng « kinh tế toàn cầu hồi phục một cách chậm chạp và đầy bất trắc », cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng euro, cũng như tình hình bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi. Trận động đất hồi tháng Ba tại Nhật Bản cũng khiến trao đổi thương mại với Trung Quốc bị chậm lại.

Hôm qua, Bắc Kinh cho biết lạm phát đã tăng với mức cao nhất kể từ ba năm qua, tỉ lệ tăng giá trong tháng Sáu là 6,4%. Việc đấu tranh chống vật giá gia tăng, nguyên nhân gây ra một số rối loạn xã hội trong quá khứ, hiện là mục tiêu hàng đầu của chính quyền Trung Quốc. Tuy vậy các nhà phân tích cho rằng các biện pháp chống lạm phát của Bắc Kinh chỉ bắt đầu có hiệu quả trong sáu tháng cuối năm.

tags: Châu Á - Kinh tế - Theo dòng thời sự - Thương mại - Trung Quốc
Article publié le : dimanche 10 juillet 2011 - Dernière modification le : dimanche 10 juillet 2011

Mỹ sẽ giảm viện trợ quân sự cho Pakistan


Hoa Kỳ sẽ ngưng hoặt cắt giảm một phần viện trợ quân sự cho Pakistan với tổng số tiền có thể lên đến 800 triệu đô la, trong bối cảnh quan hệ hai nước đang xấu đi. Trên đây là thông tin của tờ New York Times, được AFP đưa lại hôm qua, 09/07/2011.

Tờ báo Mỹ trích lời các viên chức quân sự cao cấp của Hoa Kỳ không muốn nêu tên, cho biết quyết định này một phần do sự ra đi của các cố vấn quân sự Mỹ theo yêu cầu của Pakistan. Mặt khác là do ý định của Washington muốn quân đội Pakistan đấu tranh chống phe Taliban mạnh mẽ hơn.

Cũng theo tờ báo trên, số tiền viện trợ bị ngưng hoặc cắt giảm tương đương một phần ba viện trợ quân sự hàng năm của Washington dành cho Islamabad.

Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Pakistan đã trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, kể từ sau cái chết thủ lãnh Al Qaida, Oussama Ben Laden ngày 02/05 qua vụ đột kích của biệt kích Mỹ được trực thăng không vận đến Pakistan.

Hôm nay, Pakistan đã yêu cầu Hoa Kỳ chia sẻ các thông tin liên quan đến thủ lãnh mới của Al Qaida là Ayman al-Zawahiri và các nhân vật khác của tổ chức khủng bố này, «nhằm tiến hành các hoạt động có mục tiêu cụ thể».

Hôm qua ông Leon Panetta, tân bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đống thời là cựu giám đốc CIA, mà danh tiếng đã nổi như cồn sau vụ trừ khử trùm khủng bố Ben Laden, tuyên bố rằng Washington mong muốn Islamabad tích cực truy lùng Zawahiri. Theo ông thì tân thủ lãnh Al Qaida hiện đang trú ẩn ở khu vực bộ tộc phía tây bắc Pakistan.

tags: Châu Á - Hoa Kỳ (Mỹ) - Pakistan - Quân sự - Quốc tế
Article publié le : dimanche 10 juillet 2011 - Dernière modification le : dimanche 10 juillet 2011

Việt Nam: Có ít nhất 10 người bị câu lưu ở Hà Nội vì biểu tình phản đối Trung Quốc

Sau sáu Chủ nhật liên tiếp diễn ra các cuộc biểu tình chống các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, lần đầu tiên chính quyền Hà Nội đã ra tay ngăn chận. Theo các hãng thông tấn ngoại quốc, hôm nay, 10/07/2011, có ít nhất 10 người biểu tình đã bị câu lưu, trong đó có cả các nhà báo làm việc cho các hãng tin nước ngoài.

Theo AFP, ngay sau khi những người biểu tình đến gần đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, thì công an đã tiếp cận ngay để bắt giữ họ. Trong số những người bị bắt có một phóng viên quay phim nguời Việt của đài truyền hình Nhật Bản NHK. Đài này cho biết phóng viên trên đã được thả ra sau đó.

Còn theo AP, một phóng viên truyền hình thuộc Associated Press Television News đang quay phim cảnh biểu tình cũng bị công an vũ trang dùng vũ lực đẩy lên xe buýt. Một phóng viên người Việt khác làm việc cho tờ báo Asahi Shimbun của Nhật cũng bị câu lưu. Các nhà báo trên đây cùng với những người biểu tình khác, trong đó có một bà mẹ và đứa con trai 5 tuổi đi cùng, cuối cùng đã được thả ra sau ba tiếng đồng hồ bị thẩm vấn.

Theo các thông tin trên mạng, thì cuộc trấn áp đã diễn ra nhanh gọn, chỉ trong vòng 15 phút. Trong số những người bị câu lưu có ông Ngô Duy Quyền, chồng của luật sư Lê Thị Công Nhân.

Trong khi đó, AFP tường thuật là những người biểu tình đã kháng cự, la lên rằng « Chúng tôi không làm gì sai trái cả », nhưng họ vẫn bị lực lượng an ninh bắt đưa lên chiếc xe buýt đậu sẵn gần đó. Trước khi trấn áp cuộc biểu tình ngày hôm nay, công an đã thông báo trên loa phóng thanh rằng bất đồng Việt-Trung đã được hai nước thảo luận, yêu cầu những người biểu tình không nên làm phức tạp vấn đề và đề nghị họ giải tán.

Hãng tin Pháp ghi nhận, việc trấn áp biểu tình diễn ra hai tuần trước khi Quốc hội mới được bầu của Việt Nam họp lại, để chính thức thông qua chức vụ thủ tướng của ông Nguyễn Tấn Dũng, sau khi được Đại hội Đảng hồi tháng Giêng đề cử. Trước Đại hội Đảng, hàng loạt nhà đối lập đã bị bắt giữ và kết án.

Cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đầu tiên hôm 5/6 đã tập hợp được khoảng 300 người. Nhưng số lượng người tham gia mỗi ngày Chủ nhật đã giảm xuống còn khoảng một trăm người, dưới sự theo dõi chặt chẽ của công an. Các nhà phân tích cho rằng, sở dĩ họ được cơ quan chức năng làm ngơ cho biểu tình, đó là vì có lợi cho phía Việt Nam trong lúc Hà Nội cố gắng tỏ thái độ cứng rắn đối với Bắc Kinh, qua việc tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật.

Nhưng sau các cuộc thương thảo ngày 25/6, Việt Nam và Trung Quốc đã hứa hẹn giải quyết các bất đồng một cách hòa bình, theo như báo chí chính thức của hai nước. Tờ báo Vietnam News còn cho biết, Bắc Kinh và Hà Nội đã nhấn mạnh đến « nhu cầu định hướng đúng đắn công luận ».

Xin nói thêm, giới nhân sĩ trí thức Hà Nội không kêu gọi tiếp tục biểu tình hôm nay, và số lượng người tham gia cũng ít hơn năm Chủ nhật trước.

tags: Biển Đông - Biểu tình - Châu Á - Trung Quốc - Việt Nam
Article publié le : dimanche 10 juillet 2011 - Dernière modification le : dimanche 10 juillet 2011

Người Việt tại Berlin biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông

 
Par Thanh Phương / Thụy My
 
Hôm nay 9/7/2011, theo dự kiến, hàng trăm người Việt Nam sống tại Đức chuẩn bị tập hợp tại quảng trường Potsdamerplatz ở thủ đô Berlin vào đầu buổi chiều để biểu tình phản đối những hành động gây hấn cũng như bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Những người tham gia biểu tình mang các biểu ngữ khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam, hay phản đối bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc, đồng thời mang theo những lá cờ đỏ sao vàng, quốc kỳ Việt Nam. Trả lời phỏng vấn với Thụy My hôm qua, ông Lê Hồng Cường, truởng ban chỉ đạo giải thích lý do vì sao họ chọn quảng trường Potsdamerplatz làm nơi tập hợp.

Còn tại Paris ngày mai, 10/7, các tổ chức, hội đoàn, người Việt Quốc gia ở thủ đô Pháp và các vùng phụ cận được kêu gọi tham dự cuộc tập hợp tại quảng trường Alma, trước bức tượng ngọn lửa Flamme de la Liberté. Những người tham dự được đề nghị tuần hành bằng xe đạp từ quảng trường Maubert Mutualité đến quảng trường Alma. Nhưng cuộc biểu tình này chủ yếu là nhằm lên án chính quyền Việt Nam, mà theo ban tổ chức đã “ dâng hiến lãnh thổ và lãnh hải của tổ tiên cho giặc Tàu cộng

tags: Biển Đông - Trung Quốc - Việt Nam - Đức
Article publié le : samedi 09 juillet 2011 - Dernière modification le : samedi 09 juillet 2011

Các xì-căng-đan thực phẩm nhiễm độc có thể gây bất ổn xã hội


Các vụ tai tiếng về an toàn thực phẩm tại Trung Quốc đã làm dân chúng bất mãn, khiến chính quyền lo ngại bất ổn xã hội. Cuộc chạy đua tìm kiếm lợi nhuận làm cho các nhà sản xuất thiếu lương tâm mờ mắt. Bắc Kinh đã ra lệnh xử lý mạnh tay hơn, nhưng chính quyền địa phương thường bao che. Vì vậy đảng đã kêu gọi báo chí góp sức. Nhưng "tự do báo chí" ở Trung Quốc chỉ ở lãnh vực an toàn thực phẩm!

Bài viết của thông tín viên nhật báo Le Figaro tại Bắc Kinh mang tựa đề « Các xì-căng-đan về thực phẩm đe dọa sự ổn định của Trung Quốc ». Bài báo mở đầu bằng một chuyện vui được lan truyền trên internet tại đây : Trong những năm gần đây, các công dân Trung Quốc có tiến bộ vượt bực về hóa học, nhờ các vụ xì-căng-đan thực phẩm. Người ta học hỏi được về chất parafin với vụ gạo bị nhiễm chất hóa học này, về clenbuterol qua vụ thịt heo bị làm tăng trọng, về cyclamate de sodium với đậu khô. Các vụ tai tiếng về an toàn thực phẩm đã trở thành một trong những nguyên nhân chủ yếu làm dân chúng bất mãn, và khiến cho chính quyền lo ngại một sự bất ổn trong xã hội.

Việc tự do đùa bỡn trên sức khỏe cộng đồng đôi khi dẫn đến nhiều chuyện khó tin nhưng có thật. Hồi tháng trước, nhiều cánh đồng trồng dưa hấu bỗng trở thành các bãi mìn khi dưa hấu bị nổ tung hàng loạt, do được tưới bằng một chất hóa học có công dụng làm tăng kích cỡ. Một xì-căng-đan gần đây nhất là vụ bánh bao nhiễm độc ở Thượng Hải. Vụ này gây nhiều tai tiếng vì Thượng Hải là trung tâm kinh tế tiêu biểu của đất nước Trung Quốc chứ không phải là một ngôi làng hẻo lánh. Kênh truyền hình nhà nước CCTV đã chiếu rõ các dấu kiểm tra chất lượng đóng trên các lô hàng này, tuy nhiên các thanh tra y tế chưa bao giờ bước chân đi xa khỏi văn phòng các vị cán bộ nhà máy. Còn vụ tai tiếng lớn nhất là sữa nhiễm melamine năm 2008 đã làm ít nhất sáu em bé tử vong và gây bệnh 300 ngàn em khác, thì cơn phẫn nộ dâng lên đến cùng cực, trong một nước Trung Quốc « mỗi gia đình chỉ có một con ».

Cuộc chạy đua tìm kiếm lợi nhuận đã làm cho người ta mờ mắt, và các biện pháp trừng phạt có vẻ chưa thể làm họ chùn bước. Ba năm sau vụ sữa nhiễm melamine đình đám trên, hai người có trách nhiệm đã bị hành quyết, công an lại phát hiện được 26 tấn sữa nhiễm cùng một loại độc chất trên tại một nhà sản xuất kem ở miền Nam. Hồi tháng Ba, ba em bé đã tử vong sau khi bú sữa nhiễm độc, lần này thì nhiễm nitrat. Bắc Kinh bèn loan báo ít nhất 20% công ty sản xuất sữa Trung Quốc có thể bị rút giấy phép.

Tự do báo chí : Chỉ trong lãnh vực an toàn thực phẩm ?

Thủ tướng Ôn Gia Bảo mới đây đã phải nhìn nhận, các xì-căng-đan thực phẩm này là hiện tượng « xuống cấp đạo đức » đáng lo ngại, một tình trạng thiếu liêm chính nghiêm trọng. Người dân có thể nghi ngờ hiệu năng của đảng trong việc bảo vệ họ. Một giáo sư đại học nông nghiệp nhận xét : « Chính phủ đã hành động nghiêm chỉnh, nhưng vấn đề thì vô cùng lớn. Hàng triệu nhà sản xuất thiếu thông tin, rồi đến nạn tham nhũng, và có quá nhiều viên chức chỉ tích cực khi nào thấy có lợi cho mình, còn trách nhiệm thì buông ».

Vào tháng Hai, Hội đồng Nhà nước đã cho thành lập một ủy ban an toàn thực phẩm, đặt dưới quyền Phó thủ tướng Lý Khắc Cường, người được xem là sẽ kế nhiệm ông Ôn Gia Bảo. Luật về an toàn thực phẩm ban hành năm 2009 quy định tiền phạt có thể lên đến gấp 10 lần giá trị sản phẩm, và rút giấy phép kinh doanh các trường hợp nghiêm trọng. Nhưng trước tình hình ngày càng trầm trọng thêm, Tòa án Tối cao Trung Quốc đã ra lệnh cho tất cả các thẩm phán cần tăng nặng hình phạt, với các bản án tù dài ngày dành cho cán bộ tham nhũng lẫn các nhà sản xuất hám lợi. Thậm chí có thể kết án tử hình đối với các vụ thức ăn nhiễm độc làm cho người tiêu dùng tử vong.

Nhưng các viên chức địa phương đầy quyền lực lại thường có quan hệ thân thiết với giới doanh nhân, trong khi không hề có đối trọng. Đây là lực cản hạn chế các biện pháp của trung ương. Ý thức được điều này, các nhà lãnh đạo đảng cộng sản đã kêu gọi « tự do báo chí » trong các vấn đề an toàn thực phẩm. Và chỉ trên hồ sơ này mà thôi !

Giảm nhẹ vai trò nhà nước trong nền kinh tế

Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng trên lãnh vực kinh tế, trả lời nhật báo Les Echos, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Chính trị Quốc tế của Trung Quốc cho rằng, « Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế đã đạt đến giới hạn ».

Nhà kinh tế này cho rằng lâu nay Nhà nước Trung Quốc vẫn đóng vai trọng tài giữa hai ngàn địa phương đang lao vào kinh doanh và cạnh tranh với nhau. Nhưng vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế đang giảm hẳn. Nếu các công ty quốc doanh chiếm trên 90% nền kinh tế trong thập niên 70, thì nay chỉ chiếm khoảng một phần ba. Chỉ có những lãnh vực chủ đạo như ngân hàng, viễn thông, hàng không, hỏa xa…là còn trong tay nhiều công ty nhà nước.

Vấn đề giảm nhẹ trọng lượng của quốc doanh lâu nay vẫn được các nhà kinh tế bàn cãi. Một số cho rằng các công ty nhà nước chỉ nên chiếm 1/10 nền kinh tế, tương tự như ở Mỹ, số khác lại cho rằng nên theo đuổi « kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ». Về mặt xã hội, với tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người chỉ có 4.700 đô la vào năm ngoái, vai trò nhà nước Trung Quốc vẫn còn yếu kém đặc biệt về y tế và giáo dục. Còn trong kinh tế, theo nhà kinh tế trên đây, thì ngược lại, đã đạt đến giới hạn, và cần phải xem lại lãnh vực nào thực sự hiệu quả. Vì năng lực sáng tạo, rất cần thiết cho tương lai của nền kinh tế, chỉ được thúc đẩy khi có sự cạnh tranh, và điều này thì khu vực tư nhân có ưu thế.

News of the World và đạo đức báo chí

Nhìn sang châu Âu, bài xã luận của tờ Le Monde nói về « Xì-căng-đan làm rung chuyển đế quốc Murdoch », qua vụ tờ News of the World nghe trộm điện thoại.

Bài báo dẫn ra nhiều tên tuổi nổi tiếng trong làng báo thế giới, từ những tờ rất có uy tín như Wall Street Journal, Times, cho đến những tờ báo lá cải như News of the World, The Sun, The New York Post… tất cả lại có một điểm chung : thuộc tập đoàn truyền thông New Corp. của nhà tỉ phú Rupert Murdoch. Đế quốc này thâu tóm từ báo viết, truyền hình cho đến báo mạng ở khắp các lục địa, và có trọng lượng đáng kể trong đời sống chính trị của nhiều quốc gia.

…Cho đến ngày 6/7, khi Thủ tướng Anh David Cameron đã thông báo sẽ cho mở cuộc điều tra về đạo đức báo chí. Tờ News of the World đã sử dụng các thám tử tư vào việc nghe trộm điện thoại. Không chỉ các nhân vật nổi tiếng, mà còn có các nạn nhân khủng bố hay các vụ án hình sự cũng bị nghe lén, và điều này nhiều khi đem lại hậu quả bất lợi cho cuộc điều tra. Tập đoàn Murdoch lâu nay vẫn nêu cao chủ nghĩa tự do kinh tế, đặt nặng giá trị gia đình, nhưng xì-căng-đan vừa rồi đã làm đảo lộn tất cả.

Vụ DSK : Ưu và khuyết của nền tư pháp Mỹ

Còn về vụ cựu giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Dominique Strauss-Kahn, thông tín viên của Le Monde tại New York phân tích cả hai mặt ưu và khuyết của nền tư pháp Mỹ.
Cho dù ban đầu bị chỉ trích nhất là từ dư luận Pháp, vì đã thẳng tay đối với một nhân vật như ông DSK, bất kể nguyên tắc suy đoán vô tội như ở Pháp, nhưng nay nhiều người Mỹ vẫn cho rằng tư pháp Mỹ đã làm đúng, khi sau đó tỏ ra minh bạch, dành nhiều cơ hội gỡ tội cho bị cáo. Một chuyên gia nhận xét : vụ DSK cho thấy sự đối mặt giữa hai quan niệm, bảo vệ danh dự nghi phạm với nguyên tắc suy đoán vô tội, và quyền tự do báo chí. Ở nước Mỹ thì tự do báo chí là trên hết, và chính dư luận cũng mong muốn điều này.

Lướt web 5 phút cũng tiếp tay làm nóng hành tinh

Le Figaro trích báo cáo của cơ quan phụ trách môi trường và năng lượng Pháp (Adem), thì mỗi lần bạn nhấp chuột để gởi đi một thư điện tử cơ 1Mo (tương đương 4 trang giấy) thì đã thải ra 20g CO2. Còn nếu 29 triệu người cùng tìm kiếm thông tin trên internet chừng 5 phút, thì số lượng này lên đến 300.000 tấn CO2, bằng 300.000 chuyến bay khứ hồi Paris – New York.

Các trung tâm lưu trữ dữ liệu cũng ngốn rất nhiều năng lượng. Những trung tâm lớn nhất của Microsoft hay Google tại Pháp có diện tích đến 100.000 mét vuông, tiêu thụ năng lượng bằng một thành phố 50.000 dân.
Lời khuyên của Adem dành cho cư dân mạng : hạn chế số người gởi cho mỗi thư điện tử, chỉ in ra khi nào cần thiết và in hai mặt, thường xuyên quẳng thư rác, nén các tài liệu cồng kềnh trước khi gởi, cho đường dẫn thay vì gởi tài liệu đính kèm…

Tựa chính báo Pháp hôm nay

Tranh luận về kết quả chính sách trị an của chính phủ Pháp là đề tài được nhiều báo xuất bản tại Paris chú ý hôm nay. « Kết quả chính sách của ông Sarkozy về an ninh từ năm 2002 bị nghi ngờ », tựa của Le Monde. Nhật báo cánh hữu Le Figaro chạy tựa « Bản báo cáo về an ninh và sự tức giận của ông Guéant », cho biết Bộ trưởng Nội vụ Guéant đã cực lực chỉ trích « sự thiếu khách quan » của báo cáo trên. Ngược lại, tờ báo cánh tả Libération cho là « Ông Guéant cố chấp ». Theo tờ báo, tuy « cực đoan trong vấn đề nhập cư và an ninh, Bộ trưởng Nội vụ lại bác bỏ tất cả những chỉ trích ».

Câu chuyện dài về Dominique Strauss-Kahn vẫn chưa chấm dứt, rồi vụ tờ News of the World, tờ báo lá cải của Anh có tuổi thọ đã 168 năm, nay phải đóng cửa vì tội nghe lén điện thoại là những đề tài rất được các nhật báo Pháp đề cập đến nhiều ở trang trong. Bên cạnh đó, là sự khai sinh của nhà nước Nam Soudan vào ngày mai 9/7 với thủ đô là Juba, một đất nước vừa thoát khỏi cuộc chiến kéo dài nửa thế kỷ với người anh em phương Bắc.

tags: Báo chí - Châu Á - Thực phẩm - Trung Quốc - Tự do - Điểm báo
Article publié le : vendredi 08 juillet 2011 - Dernière modification le : vendredi 08 juillet 2011

Luật sư của Dominique Strauss-Kahn gặp công tố viên New York


Theo báo chí Mỹ, thì hôm nay 6/7/2011, các luật sư của ông Dominique Strauss-Kahn sẽ được công tố viên New York Cyrus Vance Jr tiếp, để bàn thảo về chiều hướng tiếp theo của vụ kiện. Một nguồn tin thông thạo cho biết, có thể Viện Công tố sẽ hủy kiện, hoặc hai bên sẽ đạt đến một thỏa thuận.

Từ thứ Sáu tuần trước khi ông Dominique Strauss-Kahn không còn bị quản thúc, do Viện Công tố phát hiện những sai trái trong lời khai của nguyên đơn, đã có nhiều lời đồn đoán cho rằng vụ kiện xâm hại tình dục sẽ bị hủy bỏ. Tuy vậy kết quả chỉ được biết trong phiên tòa ngày 18/7 tới. Ông Dominique Strauss-Kahn hiện vẫn bị buộc 7 tội danh liên quan đến cưỡng bức tình dục, còn luật sư của người được xem là nạn nhân, bà Nafissatou Diallo, tiếp tục khẳng định rằng các bằng chứng về tấn công tình dục là không thể chối cãi.

Tuy nhiên các lời khai có tuyên thệ chứa đầy mâu thuẫn, với những man khai về nhân thân, về sự kiện hôm 14/5 trong căn phòng khách sạn Sofitel, cũng như các hoạt động bất minh của nguyên cáo, đã khiến cho khả năng một phiên tòa xử ông Dominique Strauss-Kahn về tội cưỡng hiếp khó thể diễn ra.

Bên cạnh đó, công tố viên Cyrus Vance Jr. hiện đang phải gánh chịu búa rìu dư luận vì đã quá vội vã trong hồ sơ này, mà không thận trọng thẩm tra, cũng như không cân nhắc đến các hậu quả trên trường quốc tế.

Trong lúc vụ kiện xâm hại tình dục ở Mỹ có nhiều dấu hiệu sáng sủa, thì cựu giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế lại đứng trước một đe dọa mới, lần này tại Pháp. Hôm qua nhà văn nữ 32 tuổi Tristane Banon đã nộp đơn lên Viện Công tố Paris kiện ông Dominique Strauss-Kahn về tội « mưu toan cưỡng bức » cô vào năm 2003. Các luật sư của ông Dominique Strauss-Kahn cảnh báo sẽ kiện lại về tội vu khống.

Được biết ở Pháp tội danh « mưu toan cưỡng hiếp » có mức án cao nhất là 15 năm tù, thời hiệu khởi kiện là 10 năm. Còn tội danh « tấn công tình dục » có thời hiệu khởi kiện trong vòng 3 năm.

tags: Dominique Strauss-Kahn - Hoa Kỳ - Pháp - Pháp luật - Quốc tế
Article publié le : mercredi 06 juillet 2011 - Dernière modification le : mercredi 06 juillet 2011
 

WTO đòi Bắc Kinh tôn trọng quy định quốc tế về xuất khẩu nguyên vật liệu


Hôm qua 05/07/2011, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã lên án Trung Quốc về các biện pháp hạn chế xuất khẩu nguyên vật liệu của nước này. Hoa Kỳ, Mêhicô và Liên hiệp châu Âu - các nước khiếu kiện - đã lên tiếng hoan nghênh phán quyết trên.

Theo các chuyên gia của Tổ chức Thương mại Thế giới, một loạt các biện pháp hạn chế xuất khẩu được Bắc Kinh áp đặt cho 9 loại nguyên liệu (như bô-xít, kẽm, than cốc, magnesium…) hầu hết dùng cho các ngành kỹ thuật cao, là không phù hợp với các quy định quốc tế. Tổ chức này yêu cầu chính quyền Trung Quốc phải tuân thủ các nguyên tắc của WTO.

Đại diện thương mại Hoa Kỳ Ron Kirk cho rằng phán quyết trên đây của WTO « là một chiến thắng đáng kể cho các nhà công nghiệp và công nhân Mỹ cũng như thế giới ». Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại Karel de Gucht tuyên bố, đây là một thông điệp cứng rắn dành cho chính quyền Bắc Kinh.

Theo các quốc gia đã nộp đơn kiện, thì các biện pháp hạn chế xuất khẩu nguyên liệu trên đã giúp các công ty Trung Quốc có được lợi thế về giá thành so với các công ty cạnh tranh ngoại quốc, đối với các sản phẩm sản xuất từ những loại nguyên liệu này. Bruxelles ước lượng đã bị mất đi 500.000 việc làm, còn theo Washington thì nhiều ngàn chỗ làm của công nhân Mỹ cũng bị đe dọa.

Theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, các bên có 60 ngày để kháng án đối với phán quyết trên.

tags: Pháp luật - Tài nguyên - Theo dòng thời sự - Thương mại - Tổ Chức Thương Mại Thế Giới - Trung Quốc
Article publié le : mercredi 06 juillet 2011 - Dernière modification le : mercredi 06 juillet 2011

Ông Thaksin sẽ không tham gia chính phủ mới của Thái Lan


Thủ tướng tương lai của Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra hôm nay 06/07/2011 đã cải chính tin đồn cho rằng anh bà là cựu Thủ tướng Thaksin sẽ được giao một chức vụ trong tân chính phủ. Báo chí Thái Lan đã nêu ra việc ông Thaksin, bị đảo chính năm 2006, sẽ trở thành tùy viên thương mại của chính phủ.

Theo báo chí Thái Lan, chức tùy viên thương mại, nhằm xúc tiến xuất khẩu, sẽ giúp cho ông Thaksin có thể tự do du hành khắp thế giới, cũng như quay lại Bangkok.

Thế nhưng bà Yingluck khẳng định với báo chí rằng « Không có chức vụ nào trong chính phủ dành cho ông Thaksin, ông chỉ ủng hộ về mặt tinh thần và tư vấn mà thôi…Ông ấy mong muốn có sự hòa giải dân tộc ».
Đảng đối lập Puea Thai, trên thực tế do bàn tay ông Thaksin điều khiển từ Dubai, đã giành được chiến thắng áp đảo trong kỳ bầu cử Quốc hội Chủ nhật vừa rồi, và đang chuẩn bị thành lập chính phủ mới cùng với bốn đảng nhỏ khác. Trong chiến dịch tranh cử, đảng này đã nêu ra chủ trương ân xá cho toàn bộ các chính khách bị kết án.

Xin nhắc lại, cựu Thủ tướng Thaksin đang lưu vong ở Dubai để tránh thi hành bản án hai năm tù vì gian lận tài chính, và bị truy tố với tội khủng bố vì cho rằng ông đã ủng hộ các cuộc biểu tình chống chính phủ mùa xuân năm 2010, đã làm cho trên 90 người chết.

Hôm qua một tổ chức quan sát phi chính phủ đã tố cáo khoảng một triệu cử tri Thái Lan đã không thể đi bầu, do không được thông tin về việc phải đăng ký lại cho năm 2011.

Standard & Poor’s có thể hạ điểm tín nhiệm của Thái Lan

Về mặt kinh tế, cơ quan thẩm định tài chính Standard & Poor’s hôm qua đã cảnh báo có thể hạ điểm tín nhiệm của Thái Lan, nếu phe đối lập vừa thắng cử giữ đúng các lời hứa trong chiến dịch vận động tranh cử. Trong đó có thể kể việc thiết lập một hệ thống bảo đảm giá gạo, phát triển mạng lưới wifi tại các thành phố, cung ứng miễn phí máy vi tính cho tất cả các trường tiểu học.

Theo Standard & Poor’s, các chính sách này có thể làm mất quân bình ngân sách. Bên cạnh đó, một nền chính trị bất ổn có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng và ổn định kinh tế.

tags: ASEAN - Châu Á - Chính trị - Thái Lan
Article publié le : mercredi 06 juillet 2011 - Dernière modification le : mercredi 06 juillet 2011

Chính quyền Trung Quốc lúng túng trước nạn thủy triều đen ở Bột Hải

Nạn thủy triều đen ở Bột Hải, vịnh nằm sâu trong Hoàng Hải, đã làm ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, nhưng tin tức này đã bị chính quyền Trung Quốc giấu kín cả tháng trời. Mãi đến hôm qua 05/07/2011, Bắc Kinh mới loan báo sẽ điều tra về vai trò của tập đoàn dầu khí Mỹ ConocoPhillips trong tai nạn này.

Báo chí chính thức Trung Quốc hôm qua đã tiết lộ thông tin về nạn dầu tràn. Theo cơ quan nhà nước chuyên trách đại dương (SOA), thì cách đây một tháng, dầu thô đã tràn ra từ giàn khoan Bồng Lai 19-3, do ConocoPhillips và tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc CNOOC đồng khai thác, « gây một mức độ ô nhiễm và thiệt hại đáng kể cho môi trường biển ». Tân Hoa Xã cho biết nước biển đang bị ô nhiễm ở mức cao nhất. Còn tờ China Daily trích lời một viên chức ngư nghiệp địa phương khẳng định hậu quả sẽ rất lâu dài.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc chỉ trích sự im lặng của các đơn vị khai thác giàn khoan trên. Nhưng cơ quan SOA cho biết đã được ConocoPhillips thông báo về tai nạn từ ngày 4/6, còn tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNOOC đợi đến ngày 1/7 mới khẳng định tin trên. Tuy vậy tin tức về nạn thủy triều đen đã bắt đầu bị rò rỉ trên mạng từ ngày 21/6. Thông tín viên của RFI tại Bắc Kinh, Stéphane Lagarde cho biết thêm chi tiết :

Ít nhất cũng có thể nói rằng chính quyền đang rất lúng túng về vụ này. Rất nhiều xác cá chết và tảo khô được tìm thấy ở gần đảo Nam Hoàng Thành ngoài khơi tỉnh Sơn Đông. Chỉ cách địa điểm tràn dầu 75km, các ngư dân được báo chí Trung Quốc trích lời đã cho rằng đương nhiên nạn thủy triều đen sẽ có ảnh hưởng đến môi trường biển.

Cuộc họp báo được chủ giàn khoan gây tràn dầu, không ai khác hơn là tập đoàn khai thác dầu khí ngoài khơi Trung Quốc, loan báo vào ngày hôm qua, đã không diễn ra. Nhưng điều này không ngăn trở China National Offshore Oil Corp. thông báo qua các phương tiện truyền thông trung gian. Tập đoàn này khẳng định không muốn giấu diếm gì cả, và đã thông tin đúng lúc cho các cơ quan chính quyền liên quan.

Tạp chí chuyên về điều tra Tra Tân hôm qua tiết lộ một bản báo cáo đề ngày 13/5, gởi cho cơ quan nhà nước chuyên trách về đại dương, nói đến một « vành đai dầu » nổi trên vịnh Bột Hải. Theo bản báo cáo này, thì có hai chiếc máy bay, hai chiếc tàu và 44 người đã được điều đến để làm sạch khu vực.

Nhưng phải đợi đến ngày 21/6, các blogger đã vén màn bí mật về sự hiện diện của đợt thủy triều đen này, mà lâu nay không ai được biết đến. Hôm thứ Năm 30/6, tờ báo Nam Phương Chu Mạt, một tờ báo lớn ở Quảng Đông, đã cho biết nạn ô nhiễm trải dài suốt 6 hecta. Tập đoàn khai thác khẳng định, diện tích mảng dầu tràn nay đã giảm xuống còn 200 mét vuông, và cam đoan rằng tai nạn này đang « trong vòng kiểm soát ».

tags: Châu Á - Hoa Kỳ - Môi trường - Ô nhiễm - Trung Quốc
Article publié le : mercredi 06 juillet 2011 - Dernière modification le : mercredi 06 juillet 2011

Cần có luật biểu tình để người dân bày tỏ quan điểm, đặc biệt về vấn đề Biển Đông


Ngày 29/6/2011, luật sư Trần Vũ Hải đã gởi kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam, nhân kỳ họp từ 29/6 đến 30/6, đề nghị giải thích điều 69 của Hiến pháp, quy định rằng công dân có quyền biểu tình. Ban Việt ngữ RFI đã liên lạc trao đổi với luật sư Trần Vũ Hải về vấn đề này.

RFI : Kính chào luật sư Trần Vũ Hải . Vì sao ông gởi kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đề nghị giải thích điều 69 của Hiến pháp ?

Trần Vũ Hải : Về quyền của công dân Việt Nam, thì cá nhân tôi với tư cách vừa là nhà nghiên cứu vừa là luật sư đã nghiên cứu trong một thời gian dài, và thậm chí từ hồi tôi đi học tại Cộng hòa Dân chủ Đức cũ, nay là nước Đức. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy các quyền của công dân của Việt Nam, đã được ghi đầy đủ trong Hiến pháp, khá giống nhiều nước trên thế giới, nhưng lại không được thực hiện một cách trọn vẹn.

Có nhiều quyền tuy ghi đầy đủ nhưng lại thòng thêm một câu là « theo quy định của pháp luật ». Riêng đối với quyền biểu tình cũng như các quyền công dân khác, thì điều 69 Hiến pháp quy định là có quyền biểu tình nhưng theo quy định của pháp luật. Như vậy muốn biểu tình lại phải tìm xem có quy định pháp luật nào tương ứng hay không. Mà quy định pháp luật ở đây, như tôi đã nói là quyền công dân theo điều 50, 51 thì do Hiến pháp và luật quy định, tức là nếu ghi như vậy phải có một luật về biểu tình, giống như đã có luật về báo chí.

RFI : Thưa ông, điều 50 của Hiến pháp Việt Nam quy định những gì ?

Trần Vũ Hải : Điều 50 Hiến pháp quy định rằng Nhà nước Việt Nam tôn trọng và thực hiện quyền con người về chính trị, kinh tế, xã hội. Ở đây trở lại với điều 69, quy định quyền biểu tình là quyền công dân cơ bản, là quyền con người về chính trị. Quyền này lại được quy định theo pháp luật, có nghĩa là phải được quy định trong một luật biểu tình.

Nhưng luật biểu tình thì lại chưa được ban hành, mà Hiến pháp thì có từ năm 1992, thậm chí từ năm 1946 đến giờ, khi Việt Nam độc lập, vẫn chưa ban hành luật biểu tình. Mà ở các nước khác theo chúng tôi được biết, đều có luật biểu tình. Từ đó chúng tôi đặt câu hỏi, ở đây là trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì theo quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải giải thích luật, Hiến pháp và pháp lệnh. Trong trường hợp Hiến pháp đã công nhận quyền biểu tình là quyền công dân cơ bản rồi, vậy người dân có quyền thực hiện không, khi mà luật biểu tình chưa được ban hành ?

Thì đấy là một câu hỏi mà tôi nghĩ phải giải quyết, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi chúng ta thấy rằng người Việt Nam ở các nước khác được quyền biểu tình, và được cảnh sát bảo vệ. Nhưng mà trên chính đất nước mình, thì lại không được cho phép một cách đàng hoàng, và có một sự không khuyến khích, thậm chí ngăn chặn người biểu tình.

RFI : Thưa ông, trong khi chờ đợi sự ra đời của luật biểu tình, theo luật sư thì người dân có quyền biểu tình không ?

Trần Vũ Hải : Cá nhân tôi, với tư cách một luật sư, tôi cho rằng Hiến pháp đã quy định quyền đó là quyền công dân, thì phải là đương nhiên. Và đã là quyền đương nhiên thì luôn luôn phải có khả năng được thực hiện. Việc Nhà nước, cụ thể là Quốc hội, chưa ban hành luật biểu tình, thì đấy là trách nhiệm của Quốc hội. Nhưng không vì Quốc hội chưa làm tròn trách nhiệm của mình mà công dân bị mất đi cái quyền mà Hiến pháp quy định.

Do đó chúng tôi cho rằng quyền biểu tình là quyền đương nhiên của công dân, và suy rộng ra các quyền quy định trong Hiến pháp thì công dân đương nhiên được hưởng, và cá nhân tôi cho rằng việc hưởng quyền này là vô hạn. Tất nhiên nó chỉ giới hạn khi quyền đó xâm phạm đến lợi ích chính đáng của cá nhân khác, của tổ chức khác. Vì vậy công dân chỉ cần thông báo về địa điểm, về nội dung, ý nghĩa cuộc biểu tình.

Tất nhiên ở phía chính quyền nhiều người cũng lập luận rằng thực ra việc biểu tình cũng đã được quy định trong một nghị định ban hành năm 2005. Nghị định này do Bộ Công an đề xuất, nhằm mục đích giữ gìn trật tự. Theo nghị định này thì cứ hội họp, tụ tập từ 5 người trở lên thì phải xin phép, nhưng không nói rõ là tụ tập hội họp này có mục đích gì.

Chúng tôi cho rằng biểu tình cũng là tụ tập, hội họp nhưng mang tính chất chính trị, và đó là một quyền ghi trong Hiến pháp nên việc biểu tình không thể do nghị định trên điều chỉnh được. Bởi vì bản thân nghị định đó cũng không căn cứ vào Hiến pháp, mà lại căn cứ vào Luật Tổ chức Chính phủ, và do Bộ Công an đề xuất. Trong khi đó lại chưa có luật biểu tình, như tôi đã phân tích. Chỉ có luật mới được quy định về quyền biểu tình của công dân, chứ nghị định không thể thay thế được luật. Và rõ ràng trong nghị định đấy không đề chữ biểu tình mà đề tụ tập thôi. Cho nên tôi nghĩ rằng nghị định đấy không phải là cơ sở để xin phép, cho phép hay là từ chối người dân biểu tình được, mà phải có luật biểu tình.

RFI : Ngay cả nghị định đó chắc cũng không có mấy người biết ?

Trần Vũ Hải : Theo tôi, nghị định đấy ít khi được áp dụng, nhưng mà có một nghị định năm 2010 thì lại nói vấn đề xử phạt. Tức là người nào mà tụ tập hội họp, sử dụng còi, loa v.v… ở nơi công cộng mà không được phép thì sẽ bị phạt từ năm trăm ngàn đến một triệu đồng, và bị tịch thu các phương tiện… thậm chí có thể bị tạm giữ về hành chính. Nghị định này cũng do ngành công an đề xuất, như vậy là phục vụ cho việc giữ trật tự, chứ không phải cho việc bảo đảm quyền của công dân.

Thì đúng là nhiều người không biết thật, và cũng ít khi áp dụng thật. Nhưng một ngày nào đấy người ta sẽ áp dụng. Lúc đó người dân sẽ đặt vấn đề, không, chúng tôi biểu tình là có mục đích chính trị. Biểu tình là ủng hộ hoặc phản đối một chính sách, một hành động nào đó, không phải là tụ tập để vui chơi giải trí hay là như anh Cường đô-la là để khoe xe, vân vân. Đó là những tụ tập không mang tính chất chính trị. Do đó không thể áp dụng được đối với chúng tôi.

Tuy nhiên cũng nói thật rằng cho đến hiện nay chưa có một vụ nào, một hành vi nào được coi là biểu tình trái phép ở Việt Nam cả. Những người tham gia biểu tình cũng bị xử lý, nhưng các cơ quan công an, an ninh lại đề xuất xử lý ở các hành vi khác chứ không phải hành vi biểu tình.

RFI: Thưa luật sư, trong tình hình Biển Đông đang căng thẳng hiện nay , sự ra đời của luật biểu tình có thể giúp cho người dân VN bày tỏ quan điểm của mình đồng thời làm chính quyền bớt e ngại không ?

Trần Vũ Hải : Ở đây tôi nghĩ khác một chút. Không chỉ có luật biểu tình, mà các luật khác cần phải được ban hành nếu liên quan đến quyền công dân Việt Nam. Bởi vì Việt Nam đã long trọng tuyên bố, đó là các quyền công dân phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, các khế ước mà Việt Nam đã tham gia. Cá nhân tôi cho rằng những luật như luật về hội, về quyền được thông tin, về biểu tình, hội họp v.v…đều cần phải được ban hành. Và điều đó theo tôi cũng giúp cho chính phủ về nhiều mặt cả đối nội cũng như đối ngoại. Các phản ứng của người dân thì chính quyền cần được biết, từ đó điều chỉnh lại chính sách của mình, rút ra những sai lầm, và thậm chí trừng trị những người đã gây ra những sai lầm đó.

Đấy là về đối nội. Còn về đối ngoại, rõ ràng là khi có những sự việc như Biển Đông, thì người dân có toàn quyền thể hiện ý kiến của mình, bằng các cuộc biểu tình có trật tự, ôn hòa, và được Nhà nước bảo vệ. Tất nhiên ở đây chúng tôi cũng hiểu rằng về đối ngoại thì Nhà nước cũng e ngại. Nhưng nếu Nhà nước nói rằng người dân đang thực hiện luật biểu tình, chúng tôi không thể từ chối được. Nhà nước không tiến hành tổ chức biểu tình, thậm chí cũng không khuyến khích biểu tình, nhưng không thể từ chối được, vì đây là quyền công dân. Như vậy phía Trung Quốc hay phía nào đó không thể nói rằng Nhà nước khuyến khích biểu tình để bài Hoa, bài Trung Quốc.

Nếu có luật biểu tình, nhân dân được tự do thể hiện tinh thần yêu nước, thì tôi nghĩ rằng không chỉ hàng nghìn, mà hàng vạn, thậm chí hàng chục vạn người sẽ tham dự. Đó cũng là một sức mạnh to lớn, thế giới nhìn vào sẽ thấy rằng người Việt Nam rất yêu hòa bình, nhưng cũng không chấp nhận bất kỳ một thế lực nào xâm phạm đến chủ quyền đất nước. Ngày 2/9/1945 khi Việt Nam mới độc lập thì cũng đã có hàng triệu người tham gia mít tinh biểu tình.

Tôi nghĩ những vấn đề lớn đụng chạm đến chủ quyền, đến tinh thần dân tộc, thì bất kỳ người Việt Nam nào cũng bức xúc. Các thế lực khác nhìn thấy sự thể hiện của người dân cũng phải e ngại, phải chùn bước, phải tính toán, và tốt nhất là không tìm cách tiếp tục gây hấn đối với một dân tộc sẵn sàng thể hiện ý chí của mình như vậy. Chính phủ cũng sẽ được giảm nhẹ trong vấn đề đàm phán với đối tác. Chính phủ sẽ nói rằng chúng tôi làm theo ý dân. Dân chúng tôi yêu cầu như vậy, chúng tôi đang chịu sức ép như vậy. Và chúng tôi yêu cầu các anh, cho dù có là đồng chí, có cùng hệ tư tưởng hay không, cũng phải chấp nhận những yêu cầu mà người dân đặt ra, mà cũng là yêu cầu chính đáng của Việt Nam.

RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn luật sư Trần Vũ Hải, đã vui lòng dành thì giờ trả lời phỏng vấn của chúng tôi hôm nay.

tags: Biển Đông - Phỏng vấn - Việt Nam 
Article publié le : mardi 05 juillet 2011 - Dernière modification le : mardi 05 juillet 2011

Hy Lạp : hồ sơ ưu tiên của tân Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế


Hôm nay 5/7 tại Washington, bà Christine Lagarde chính thức nhậm chức Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Tân Tổng giám đốc sẽ phải đưa ra một số quyết định mang tính chiến lược, nhằm tái thúc đẩy nền kinh tế thế giới và giải quyết khủng hoảng tại khu vực đồng euro, trong đó hồ sơ Hy Lạp là ưu tiên hàng đầu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết, một chương trình làm việc dày đặc đang chờ đợi bà Christine Lagarde. Kinh tế thế giới vẫn bị ảnh hưởng bởi tình trạng bấp bênh của châu Âu, các cuộc nổi dậy ở Trung Đông, các dấu hiệu tăng trưởng nóng của một số nền kinh tế mới trỗi dậy, và hiện tượng các mặt hàng thiết yếu tăng giá. Nhưng cuộc khủng hoảng Hy Lạp vẫn là mối quan tâm số một của định chế này.

Trước mắt, Hội đồng Quản trị Quỹ Tiền tệ Quốc tế phải họp lại để tháo khoán 3,3 tỉ euro. Đây là lần giải ngân thứ năm trong tổng số tiền 30 tỉ euro đã hứa hẹn cho Hy Lạp vay. Về trung hạn, định chế này phải tìm ra phương cách để cùng với các đối tác châu Âu tài trợ cho một Nhà nước có vẻ như đang bất lực trong việc quay lại với thị trường tín dụng dài hạn kể từ đầu năm tới.

Mọi việc đã trở nên phức tạp hơn dự kiến ban đầu, khi cơ quan thẩm định tài chính Standard anh Poor’s hôm qua cho rằng các kịch bản dự kiến « có thể sẽ dẫn đến tình trạng mất khả năng chi trả », theo các tiêu chuẩn của cơ quan này. Đây là điều mà các nước châu Âu đang cố tránh bằng mọi giá, để không bị lây lan sang các nước khu vực đồng euro khác như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha.

Bà Christine Lagarde khẳng định duy trì một số đường hướng của người tiền nhiệm là ông Dominique Strauss-Kahn, tuy ông này được xem là theo khuynh hướng dân chủ xã hội, còn bà Lagarde theo chủ nghĩa tự do ôn hòa. Giải Nobel kinh tế năm 2008, ông Paul Krugman đánh giá tân Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế là một người « nghiêm túc, có trách nhiệm và chừng mực », tuy vậy nhân vật này vẫn là một dấu hỏi.

Bên cạnh đó, bà Christine Lagarde còn đang bị rắc rối với ngành tư pháp nước Pháp. Ngày 8/7 tới tòa án sẽ quyết định về việc có mở một cuộc điều tra về việc lạm dụng chức quyền đối với bà hay không. Xin nhắc lại, sự can thiệp của bà trong vụ đưa ra trọng tài kinh tế hồ sơ khiếu kiện giữa doanh nhân Bernard Tapie và ngân hàng Crédit Lyonnais, đã khiến cho ngân sách nhà nước Pháp bị thiệt hại khoảng 385 triệu euro.

tags: Châu Âu - Kinh tế - Quốc tế - Theo dòng thời sự
Article publié le : mardi 05 juillet 2011 - Dernière modification le : mardi 05 juillet 2011

Trí thức Việt Nam kiến nghị yêu cầu Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin về quan hệ với Trung Quốc


Tiếp theo bản tuyên cáo 25/06, ngày 02/07 vừa qua, nhiều trí thức, lão thành cách mạng Việt Nam đã ký tên vào bản kiến nghị gởi lên Bộ Ngoại giao, yêu cầu cung cấp các thông tin về quan hệ với Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông. Kiến nghị đã được luật sư Trần Vũ Hải chuyển đến Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm qua 04/07/2011.

Bản kiến nghị bày tỏ những lo ngại về cuộc gặp ngày 25/06 của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn với các ông Trương Chí Quân, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, và ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc. Bản tin tiếng Anh sau đó của Tân Hoa Xã đề ngày 28/06 về cuộc gặp gỡ này đã nói rằng : « Cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam… »,đồng thời nhắc đến công hàm của ông Phạm Văn Đồng năm 1958 gởi ông Chu Ân Lai tán đồng tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc.

Các nhân sĩ ký tên trong bản kiến nghị đã yêu cầu làm rõ ba điểm. Trước hết, là xác định các thông tin do Tân Hoa Xã đã đưa như trên có chính xác hay không, nếu không thì đòi hỏi phía Trung Quốc phải cải chính. Kiến nghị tiếp theo là yêu cầu cho biết quan điểm về công hàm nói trên của ông Phạm Văn Đồng. Cuối cùng là đòi hỏi được thông tin về các thỏa thuận đã đạt được, nếu có, giữa ông Hồ Xuân Sơn và phía Trung Quốc.

Ông Lê Hiếu Đằng - Thành phố Hồ Chí Minh
 
05/07/2011
 
 

Trong số những người ký tên có Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, các giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Hoàng Tụy, Chu Hảo, tiến sĩ Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diện, các nhà văn Nguyên Ngọc, Trần Nhương, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên…Trả lời RFI Việt ngữ, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, là một trong các nhân sĩ trí thức ký tên vào bản kiến nghị, đã cho biết :

Như trong tuyên cáo mà cho đến nay đã có hơn một ngàn hai trăm người ký rồi, chúng tôi hoan nghênh phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Khánh Hòa, là cương quyết không để một tấc đất nào rơi vào tay người nước ngoài. Sở dĩ chúng tôi nêu ra là để theo dõi, giám sát xem chính phủ Việt Nam có làm đúng như tuyên bố của người đứng đầu chính phủ hay không. Nhưng chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy chuyến đi của Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn và sau đó là việc làm, hoàn toàn khác với lời tuyên bố đó.

Vì vậy chúng tôi nghĩ rằng chuyến đi đó, và nhất là công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 cần phải được cho nhân dân biết. Như vậy người ta mới hiểu vì sao Trung Quốc hiện nay lại cứ nói những điều đó, và để xem thử về mặt pháp lý thì cái đó có giá trị đến mức nào. Bởi vì thực tế thì hồi đó Hoàng Sa thuộc lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa, tức là của chính phủ Sài Gòn, thì công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng theo tôi chẳng có giá trị gì cả.

Còn về chuyến đi của ông Hồ Xuân Sơn, tại sao mình đã cố gắng để quốc tế hóa, để đa phương hóa vấn đề Biển Đông, mà gần nhất là các cuộc hội thảo tại Mỹ, rồi tại một số nước người ta cũng hoan nghênh, ủng hộ chủ trương này của Việt Nam. Thì đùng một cái bây giờ trong buổi làm việc giữa ông Hồ Xuân Sơn với Đới Bỉnh Quốc của Trung Quốc, thì lại nói là song phương, và nói là nước thứ ba không được can thiệp vào tình hình Biển Đông để làm xấu đi quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng mà thật ra họ đâu có hữu nghị gì với mình đâu ? Họ liên tục khuấy phá, rồi không cho ngư dân của Việt Nam làm ăn trên vùng biển truyền thống của mình. 

Tôi nghĩ là xưa kia tổ tiên chúng ta khi đánh thắng giặc xâm lược phương Bắc rồi, để thể hiện tinh thần hiếu hòa, mới cho sứ qua. Bây giờ ngược lại, họ khuấy phá mình, họ làm đủ thứ chuyện, thì mình lại cho sứ thần qua, mà sứ thần này lại hoàn toàn không nói được tiếng nói của một dân tộc bất khuất. Do đó mà chúng tôi với tư cách những công dân Việt Nam, chúng tôi thấy bị thương tổn.

Ngôn ngữ, rồi nội dung như vậy làm cho quốc tế người ta thấy rằng Việt Nam tại sao từ chỗ đa phương hóa, quốc tế hóa, bây giờ lại – anh em chúng tôi nói rằng – « đi đêm » với Trung Quốc. Như vậy có ảnh hưởng hết sức xấu trong lãnh vực ngoại giao, sau này người ta sẽ không tin cậy mình nữa. Những thỏa thuận chung, phối hợp chung trước đây với các nước ASEAN, rồi trong các cuộc hội thảo, bây giờ mình lại đi riêng, tách ra song phương với Trung Quốc như thế. 

Do đó mà chúng tôi muốn biết thực sự chuyến đi của Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn là như thế nào. Có phải như vậy hay không, hay là các báo chí, rồi người phát ngôn Hồng Lỗi của Trung Quốc lại xuyên tạc ? Vì vậy mà tôi ký tên chung với một số nhân sĩ trí thức để đề nghị phải công khai hóa về chuyến đi này. 

RFI : Nếu nói là hoạt động ngoại giao không thể công khai thì sao ạ ?

Nếu là bí mật thì tại sao người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi của Trung Quốc lại nói ra ? Nếu bí mật thì phải tuyệt đối bí mật, cả hai bên đều không nói gì về nội dung đó. Nhưng Trung Quốc lại cho biết một số nội dung hết sức bất lợi cho Việt Nam, gây hoang mang dư luận và gây phẫn uất trong nhân dân Việt Nam. Thì bây giờ chúng ta phải công khai ra để trắng đen cho rõ ràng, chứ không thể mập mờ như vậy.

Xin rất cảm ơn ông Lê Hiếu Đằng.

tags: Biển Đông - Trung Quốc - Việt Nam
Article publié le : mardi 05 juillet 2011 - Dernière modification le : mardi 05 juillet 2011
 

Tự do ngôn luận ở Hồng Kông đang bị đe dọa


Hôm nay 03/07/2011, Hiệp hội Nhà báo Hồng Kông đã lên tiếng báo động quyền tự do ngôn luận tại đây đang bị đe dọa, trước việc Bắc Kinh đang tìm cách siết chặt báo chí như tại Trung Hoa lục địa.

Hồng Kông trước đây là thuộc địa của Anh quốc, được trao trả cho Trung Quốc từ năm 1997. Với chủ trương “một quốc gia, hai chế độ”, đặc khu hành chính này vẫn được giữ chế độ bán tự trị, được hưởng các quyền dân sự như tự do ngôn luận, vốn thiếu vắng tại lục địa.

Hiệp hội đại diện cho khoảng 500 nhà báo Hồng Kông trong bản báo cáo thường niên về tự do ngôn luận đã cảnh báo: “Hiện đang có những dấu hiệu đáng lo ngại ngày càng tăng lên, yếu tố một quốc gia đang lấn át hai chế độ. Điều này có thể ảnh hưởng sâu rộng đến quyền tự chủ của Hongkong và một trong những quyền căn bản, đó là tự do ngôn luận, tự do báo chí

Cũng theo Hiệp hội Nhà báo Hồng Kông, thì Bắc Kinh đang ngày càng “trở nên hung hăng hơn”, từ việc không cho các nhà ly khai Trung Quốc đến Hồng Kông, cho đến việc công an đã nặng tay hơn đối với những người biểu tình. Các bài báo của các phóng viên Hồng Kông ngày càng bị nhiều hạn chế, đặc biệt là các bài viết về những cuộc tuần hành phản đối. Một phóng viên truyền hình còn bị bắt giữ cùng với khoảng 200 người khác trong vụ biểu tình chống chính phủ hôm thứ Sáu vừa rồi.

Chủ tịch Hiệp hội, bà Mạch Yến Đình tuyên bố trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi đang ngày càng bị đẩy đi xa khỏi một xã hội cởi mở và minh bạch. Điều đáng lo nhất là công an đang cứng rắn hơn đối với những người biểu tình, ngay cả các nhà báo cũng bị ngăn cấm và các quan sát viên nhân quyền cũng bị đẩy ra khỏi các cuộc xuống đường”.

Biểu tình vốn là chuyện bình thường ở Hồng Kông, thường là rất ôn hòa và được chính quyền cho phép. Nhưng từ vài tuần nay, công an đã tiến hành bắt giữ hàng loạt những người xuống đường. Thứ Sáu vừa rồi, công an đã bắt 231 người và sử dụng hơi cay để giải tán 10.000 người biểu tình phản đối chính sách của chính phủ và giá bất động sản tăng cao. Còn hồi tháng trước, 53 người cũng đã bị bắt vì biểu tình bất hợp pháp, khi họ tham dự đêm đốt nến tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.

Vào tháng Giêng, hai cựu thủ lãnh trong vụ Thiên An Môn đã bị từ chối vào Hồng Kông để tham dự tang lễ của một nhà dân chủ, làm tăng thêm những chỉ trích là nay Hồng Kông đã bị khuất phục trước áp lực của Bắc Kinh.

tags: Châu Á - Dân chủ - Hồng Kông - Ngôn luận - Trung Quốc
Article publié le : dimanche 03 juillet 2011 - Dernière modification le : dimanche 03 juillet 2011
 

Ngoại trưởng Úc gặp lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi


Ngoại trưởng Úc Kevin Rudd hôm qua, thứ Bảy 02/07/2011, đã gặp gỡ lãnh tụ đối lập nổi tiếng của Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi. Ông Rudd đã đề nghị chính quyền Miến Điện phải đảm bảo an ninh cho nhà đối lập trong chuyến đi một vòng đất nước sắp tới, và trả tự do cho hai ngàn tù chính trị.

Ông Kevin Rudd là một trong các viên chức cao cấp ngoại quốc hiếm hoi được ông Thein Sein, nguyên là tướng trong quân đội, nay là tổng thống Miến Điện, tiếp kiến tại thủ đô Naypyidaw hôm thứ Sáu. Nhân dịp này, ông cũng đã kêu gọi trả tự do cho hai ngàn tù nhân chính trị, cho rằng việc này sẽ thay đổi cái nhìn của cộng đồng quốc tế đối với tân chính phủ Miến Điện.

Đoàn Úc là phái đoàn nước ngoài đầu tiên có những tiếp xúc chính thức, sau khi tập đoàn quân sự cầm quyền Miến Điện giải tán và chuyển giao quyền lực trên danh nghĩa cho tân chính phủ dân sự nước này vào cuối tháng Ba.

Phát ngôn viên Han Thar Myint của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, đảng đã bị giải thể của bà Aung San Suu Kyi cho hãng tin Pháp AFP biết, phái đoàn Úc bày tỏ hy vọng sẽ có những thay đổi tại Miến Điện. Ông Myint nói thêm, Ngoại trưởng Úc trong hai tiếng đồng hồ trò chuyện với giải Nobel Hòa bình, đã cho biết quan điểm của mình về vấn đề nhân quyền và dân chủ tại Miến Điện, và cách thức mà Úc có thể giúp đỡ.

Bà Aung San Suu Kyi đã được trả tự do hồi tháng 11 năm ngoái, sau bảy năm bị quản thúc tại gia. Trong tuần này, chế độ cầm quyền Miến Điện đã yêu cầu bà chấm dứt các hoạt động chính trị, nêu lên các rủi ro bà có thể gặp phải khi thực hiện chuyến du hành tại nhiều tỉnh mà bà đã loan báo cách đây vài tuần. Yêu cầu trên đây được xem như một lời đe dọa vì gây liên tưởng trực tiếp đến vụ phục kích năm 2003, có vẻ là do chính tập đoàn quân sự tổ chức.

Vụ tấn công vào đoàn của bà Aung San Suu Kyi vào năm đó đã làm cho hàng trăm người chết, theo Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, còn theo tập đoàn quân sự thì chỉ có bốn người thiệt mạng.

tags: Châu Á - Dân chủ - Miến Điện - Nhân quyền - Úc 
Article publié le : dimanche 03 juillet 2011 - Dernière modification le : dimanche 03 juillet 2011

Thái Lan: Bầu cử Quốc hội trong căng thẳng. Thủ tướng Abhisit thừa nhận thất bại.


Hôm nay 03/07/2011, trên 47 triệu cử tri Thái Lan sẽ chọn lựa ra 500 đại biểu Quốc hội có nhiệm kỳ 4 năm. Cuộc bầu cử quan trọng này diễn ra trong bầu không khí căng thẳng, trong lúc vương quốc Thái hy vọng sẽ chấm dứt được nạn bạo động và giảm được hố sâu ngăn cách giữa những người giàu ở thành thị và đông đảo người dân nông thôn nghèo khó.

Trên 170.000 cảnh sát đã được huy động để giữ an ninh cho các địa điểm bỏ phiếu. Tỉ lệ người đi bầu dự kiến có thể cao hơn cả tỉ lệ 75% của kỳ bầu cử năm 2007.

Hai đảng đối đầu cùng tranh ghế là đảng Dân chủ của đương kim thủ tướng Abhisit Vejjajiva, và đảng đối lập Puea Thai thân cận với cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, bị đảo chánh vào năm 2006 và hiện đang sống lưu vong. Cuộc song đấu căng thẳng này cũng phản ánh sự chia rẽ của xã hội Thái. Một bên là lớp người thế lực ở thủ đô gồm các viên chức cao cấp trong hành pháp, tư pháp, quân đội, giới thân cận hoàng tộc đã đưa ông Abhisit lên chức Thủ tướng cuối năm 2008. Còn bên kia là đông đảo nông dân và người nghèo thành thị, trong đó nhiều người vẫn xem ông Thaksin là người hùng.

Theo các cuộc thăm dò, thì đảng Puea Thai sẽ giành được ưu thế. Chiến dịch vận động tranh cử của đảng này do em gái ông Thaksin là bà Yingluck Shinawatra, một doanh nhân 44 tuổi lãnh đạo, mà thật ra được cho là đều do ông Thaksin giật dây. Puea Thai chủ trương ân xá cho tất cả các chính khách bị kết án, dĩ nhiên trong đó có cả ông Thaksin Shinawatra, vốn bị hai năm tù vì gian lận tài chính đồng thời bị truy tố vì tội khủng bố. Nhưng các nhà phân tích cho rằng đảng Puea Thai sẽ gánh lấy nhiều rủi ro khi muốn đưa trở lại chính trường một nhân vật bị quân đội và giới thượng lưu căm ghét.

Theo giới quan sát, thì dù kết quả cuộc bầu cử có như thế nào đi nữa, nguy cơ bạo động xảy ra trước mắt và trong trung hạn rất cao. Xin nhắc lại, các cuộc biểu tình của hàng trăm ngàn người phe Áo Đỏ mùa xuân năm 2010 đã kết thúc với 90 người chết và 1.900 người bị thương. Các nước Anh, Úc và Nhật đã khuyến cáo công dân nước mình về các rủi ro bạo động ở Thái Lan.

Theo tin giờ chót chúng tôi vừa nhận được, thì đảng Puea Thai đã đại thắng trước đảng Dân chủ với tỉ số áp đảo. Vào lúc 18g30 giờ quốc tế hôm nay, trên cơ sở 67% số phiếu đã kiểm, ủy ban bầu cử cho biết đảng Puea Thai đã chiếm được 254 trên tổng số 500 ghế. Thủ tướng Abhisit đã thừa nhận thất bại, chúc mừng đảng Puea Thai nay có quyền thành lập chính phủ mới. Lãnh tụ Puea Thai, bà Yingluck Shinawatra tuyên bố: “Nhân dân đã cho tôi một cơ hội, tôi sẽ làm việc hết sức mình cho dân tộc”. Trước đó từ Dubaï nơi đang sống lưu vong, ông Thaksin Shinawatra đã kêu gọi tôn trọng các kết quả của cuộc bầu cử.

Về bầu không khí cuộc bầu cử hôm nay, từ Bangkok, thông tín viên RFI, Arnaud Dubus cho biết:

"Đây là lần đầu tiên trong một cuộc bầu cử ở Thái Lan mà mỗi phòng phiếu đều được một hoặc nhiều cảnh sát có trang bị vũ khí canh giữ. Đó hẳn là dấu hiệu cho thấy sự phân cực rõ nét giữa phe ủng hộ và phe đối lập của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra khiến người ta lo lắng xảy ra lộn xộn. Tuy nhiên, nhìn chung, cuộc bầu cử diễn ra trong yên tĩnh và có kỷ luật.

Trong các khu phố bình dân ở Bangkok, những cuộc phỏng vấn cho thấy cử tri đã lựa chọn với tỉ lệ áp đảo đảng Peua Thai, đảng « Vì người Thái » do bà Yingluck, em gái Thaksin lãnh đạo. Trong các khu phố giàu có, như ở Silom, cuộc tranh đua diễn ra quyết liệt giữa đảng Dân Chủ đang cầm quyền của ông Abhisit Vejjajiva và đảng thân Thaksin. Theo thăm dò dư luận trước bầu cử, đảng Puea Thai sẽ giành vị trí đứng đầu. Tuy nhiên kết quả cuối cùng chỉ được thông báo vào đêm nay.


Một điều có tính chất quyết định trong cuộc bầu cử này là số phận của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006 và đang sống lưu vong ở nước ngoài. Kết quả của cuộc bầu cử sẽ quyết định liệu ông Thaksin có thể trở về nước và bản án hai năm tù về tội lạm dụng quyền lực của ông có thể được xóa bỏ hay không".
tags: Bầu cử - Châu Á - Chính trị - Thái Lan
Article publié le : dimanche 03 juillet 2011 - Dernière modification le : dimanche 03 juillet 2011

Việt Nam: Người dân tiếp tục biểu tình phản đối Trung Quốc


Theo AFP, hôm nay Chủ nhật 03/07/2011, hàng trăm người lại biểu tình tại Hà Nội để tố cáo chính sách gây hấn của Bắc Kinh tại Biển Đông. Như vậy là đã năm Chủ nhật liên tiếp, người Việt Nam tiếp tục xuống đường chống lại các hành vi ngang ngược của Bắc Kinh tại vùng biển mà cả Trung Quốc, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác đang có tranh chấp về chủ quyền.

ãng tin Pháp ghi nhận, lực lượng an ninh rất đông đảo, đã cấm vào khu vực xung quanh Đại sứ quán Trung Quốc, nhưng khoảng bốn chục người biểu tình cũng đã vượt qua được. Đoàn biểu tình đã tuần hành một cách ôn hòa về phía trung tâm thành phố, thu hút được một số người nhập vào đoàn.

Từ Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Quang A, người tham gia cuộc biểu tình ngày hôm nay, cho biết:


 Còn tại Sài Gòn, sau cuộc biểu tình đầu tiên ngày 05/06/2011, tập họp được rất đông người tham gia, đến nay đã không thể tiếp tục tuần hành được thêm một lần nào, vì lực lượng công an mặc sắc phục lẫn an ninh mặc thường phục đã dùng nhiều biện pháp để ngăn chận.

Trước đây vào cuối năm 2007 cũng đã từng diễn ra biểu tình phản đối Trung Quốc tại Việt Nam, ban đầu thì Nhà nước để mặc nhưng sau đó đã cấm đoán do e sợ người láng giềng khổng lồ phương bắc.
Biểu tình là một hoạt động đầy rủi ro ở Việt Nam, trong những năm gần đây có nhiều người đã bị bắt do biểu tình chống Trung Quốc.

Căng thẳng tại Biển Đông đã lên cao sau hai vụ tàu thăm dò dầu khí Việt Nam bị tàu Trung Quốc cắt cáp, sau đó phía Trung Quốc lại cao giọng lên án Việt Nam. Hà Nội đã cố tỏ ra cứng rắn bằng cách tổ chức một cuộc tập trận bắn đạn thật trong khu vực. Nhưng cách đây vài ngày, theo như báo chí chính thức của Trung Quốc, thì Bắc Kinh và Hà Nội đã hứa hẹn sẽ cùng giải quyết vấn đề một cách hòa bình.

Còn về bản tuyên cáo 25/06 về việc nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn trên Biển Đông, tính đến hôm nay đã có 1.156 người ký tên, trong đó có nhiều nhà trí thức trong và ngoài nước, nhà cách mạng lão thành, cựu quan chức chính quyền.

tags: Biển Đông - Biểu tình - Châu Á - Trung Quốc - Việt Nam
Article publié le : dimanche 03 juillet 2011 - Dernière modification le : dimanche 03 juillet 2011

Người Việt trong và ngoài nước kêu gọi biểu tình phản đối Trung Quốc

Par Thụy My / Tú Anh
 
 
Những người Việt Nam quan tâm đến vận mệnh đất nước kêu gọi đồng bào tiếp tục phản đối Trung Quốc gây hấn. Lời kêu gọi « toàn quốc xuống đường » vào ngày chủ nhật 03/07/2011 tiếp nối bốn lần trước đã được loan truyền trên mạng thông tin điện tử trong và ngoài nước trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng áp lực lên chính quyền Việt Nam.

Tại Việt Nam, trong số các sáng kiến có một thông điệp do tổ chức mang tên « Nhóm Thanh niên Yêu nước » tung ra. Tổ chức này cho biết tự nguyện làm « hạt nhân » để « thúc đẩy » một phong trào phản đối chính sách bá quyền của Bắc Kinh kéo dài suốt năm tuần từ khi xảy ra vụ cắt cáp tàu Bình Minh.

Trong lời kêu gọi « toàn quốc xuống đường » vào ngày chủ nhật 03/07/2011, tại Hà Nội, Sài Gòn và các thành phố lớn, có trích lời nhắn gởi của cố chủ tịch Hồ Chí Minh với giới trẻ : « Các vua Hùng có công dựng nước bác cháu ta phải giữ lấy nước ».

Về sáng kiến cá nhân, nhà báo Đỗ Trung Quân nhắc nhở « các thế hệ lãnh đạo Thành đoàn » đừng quên lời hiệu triệu « bốc lửa » của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt cách nay hơn 30 năm khi Bắc Kinh tung quân tấn công Việt Nam. Tác giả « Quê hương là chùm khế ngọt » đặt câu hỏi với giới lãnh đạo Thành đoàn là có ai ở « số 4, đường Phạm Ngọc Thạch » sẽ thổi bùng ngọn lửa trách nhiệm trong lòng giới trẻ ? Tại sao Thành đoàn lại tước quyền bày tỏ thái độ chính trị của tuổi trẻ Việt Nam trước nguy cơ đất nước bị xâm lăng ?

Cũng trong chiều hướng này, tại hải ngoại, Cộng đồng Việt nam tại Liège, Bỉ, cũng đưa ra lời kêu gọi biểu tình 03/07/2011, kèm theo một câu danh ngôn của mục sư người Mỹ da đen Martin Luther King : « Điều làm tôi kinh hãi không phải là sự đàn áp của kẻ ác mà là sự thờ ơ của kẻ thiện ».

Trong khi đó, hàng trăm sinh viên Việt Nam theo học ở các đại học Bỉ vào hôm nay, đã kéo nhau về Bruxelles phối hợp với cộng đồng người Việt, biểu tình trước sứ quán Trung Quốc .

Trả lời phỏng vấn của RFI, cô Trần Minh Phương , sinh viên đang làm luận án Tiến sĩ hóa học tại Liège, tường thuật :

Tại Hà Lan, du học sinh Việt Nam cũng hưởng ứng phong trào qua cuộc biểu tình tại La Haye ngay từ hôm nay. Còn tại Pháp, cộng đồng Việt Nam ở Paris chuẩn bị biểu tình trước sứ quán Trung Quốc vào chủ nhật 10/07/2011.

tags: Chính trị - Trung Quốc - Việt Nam - Xã hội

Article publié le : samedi 02 juillet 2011 - Dernière modification le : dimanche 03 juillet 2011

Tàu cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải: Thành tựu hay gánh nặng?


Tuyến đường cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải vừa khai trương chiều qua 30/6 là niềm tự hào của Trung Quốc. Tuy vậy, gánh nợ khổng lồ đè nặng lên Bộ Hỏa xa cùng với nạn tham nhũng, bè phái, vấn đề an toàn, chất lượng đã làm mờ nhạt đi công trình được xem là thành tựu kỹ thuật này.

Tàu cao tốc : Tham nhũng và nợ nần 

Thông tín viên của nhật báo Le Monde tại Thượng Hải có bài viết mang tựa đề « Trung Quốc khai trương tuyến tàu cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải vốn có nhiều dư luận không tốt cùng với nạn bè phái ».
Bài báo nhận định, sau khi gởi phi hành gia đầu tiên lên không gian, tổ chức Thế vận hội và cuộc triển lãm hoàn vũ, nay đến một thành tựu mới của niềm tự hào Trung Hoa. Chuyến tàu cao tốc đầu tiên nối liền thủ đô Bắc Kinh và Thượng Hải vừa được đưa vào hoạt động thương mại chiều qua, ngay trước hôm kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tuy vận tốc theo dự kiến ban đầu là 380km/giờ, nhưng nay chỉ tiêu đầy tham vọng này đã bị giảm xuống, sau khi những người chịu trách nhiệm về các tuyến đường cao tốc dài đến 22.000km từ nay cho đến năm 2020 đã bị kỷ luật. Cụ thể là Bộ trưởng Hỏa xa, ông Lưu Chí Quân đã bị khai trừ đảng và bị cách chức hồi tháng Hai « vi phạm nghiêm trọng kỷ luật ». Ông này bị kết tội là đã dành ưu tiên cho các vây cánh của mình trong việc cung ứng cho dự án tàu cao tốc. Trước đó vài tuần ông Đinh Thư Miêu, một « đại gia » tỉnh Sơn Tây cũng đã bị bắt. Công ty của ông này cung cấp các phiến cách âm dọc dài theo tuyến đường cao tốc. Chiến dịch « bàn tay sạch » trên đây cũng đã làm nhiều nhân vật thần thế trong ngành đường sắt phải rớt đài.

Món nợ khổng lồ của Bộ Hỏa xa đã gây ra nhiều lo ngại. Tuyến tàu cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải tiêu tốn đến 220 tỉ nhân dân tệ, tương đương 23,5 tỉ euro. Ngay từ đầu năm, báo chí Trung Quốc đã đưa ra con số đầy ấn tượng của cơ quan kiểm toán nhà nước : chỉ riêng trong năm 2009, đã có đến 1.300 tỉ nhân dân tệ nợ nần đè nặng lên Bộ Hỏa xa, và từ đó đến nay số tiền nợ này có thể vượt quá con số 2.000 tỉ nhân dân tệ.

Bên cạnh đó, việc công bố hình ảnh sang trọng của các ghế hạng executive tourism không hề thua kém hạng thương nhân trên máy bay đã làm dư luận bất bình trong thời buổi vật giá gia tăng. Sau vụ Bộ trưởng Hỏa xa bị cách chức, dự án tàu cao tốc đã được chỉnh lại cho chừng mực hơn. Thời gian chạy tàu được kéo dài ra để giảm tiêu thụ năng lượng và giá vé. Một số đoàn tàu chạy với vận tốc 300km/giờ với thời gian 5 tiếng đồng hồ, số khác 250km/giờ và dừng lại ở tất cả các ga, chuyến tàu kéo dài tám giờ. Giá vé là từ 410 đến 1.750 nhân dân tệ, tương đương 44 đến 188 euro.

Dấu hỏi về vấn đề an toàn bên cạnh thành tựu kỹ thuật

Người ta cũng thắc mắc nhiều vấn đề an toàn. Tờ South China Morning Post xuất bản tại Hồng Kông phát hiện, tro than chất lượng xấu đã được pha trộn vào xi-măng của các thanh tà vẹt trên một số tuyến đường, làm giảm tuổi thọ của chúng. Vào tháng Sáu vừa qua, ông Chu Kế Dân, cựu trưởng ban kỹ thuật Bộ Hỏa xa đã bày tỏ với tờ báo kinh tế 21st Century Business Herald nỗi lo ngại là Trung Quốc chưa đủ khả năng chế tạo các con tàu cao tốc có độ tin cậy cao với vận tốc trên 300km/giờ. Nhưng công ty quốc doanh đóng các con tàu này lại nói rằng viên chức trên đã về hưu cả chục năm, không cập nhật được kỹ thuật mới.

Bài báo nhận định, các tranh cãi trên được báo chí Trung Quốc đưa lại, đã làm mờ nhạt đi phần nào thành tích của một quốc gia đang phát triển, đã thành công trong việc nối liền hai thành phố quan trọng nhất nước trong vòng chưa đến 5 tiếng đồng hồ chạy tàu, với các nhà ga siêu hiện đại. Trong đó 86% tuyến đường sắt dài 1.318km này chạy trên cao, với một chiếc cầu vượt dài đến 164km, hiện là cầu vượt dài nhất thế giới.

Các địa phương nằm dọc theo tuyến đường này đang chờ đợi khách du lịch cũng như mong rằng kinh doanh sẽ phát triển. Thị xã Khúc Phụ, quê hương của Khổng Tử còn xây dựng hẳn một đại lộ nối liền nhà ga với các điểm du lịch. Còn giá vé một chuyến bay Bắc Kinh – Thượng Hải kéo dài 2g20 từ ngày hôm nay đã giảm mạnh, một số chỉ còn 400 nhân dân tệ so với trước đây là 800 nhân dân tệ.

Trung Quốc không còn là vùng đất hứa của các tập đoàn xe hơi

Cũng liên quan đến Trung Quốc, bài phân tích của nhật báo kinh tế Les Echos đặt câu hỏi : « Thị trường xe hơi : Hồi kết của miền đất hứa Trung Quốc ? ».

Năm ngoái, lượng xe hơi bán ra tại Trung Quốc tiếp tục tăng lên 31%, sau khi đã tăng đến 51% trong năm 2009, nhờ có chế độ ưu đãi của chính phủ và sự xuất hiện một lớp nhà giàu mới. Qua đó các tập đoàn xe hơi ngoại quốc đã mơ đến một thiên đường tiêu thụ mới. Hơn một chục dự án thành lập nhà máy xe hơi đã được đưa ra.

Nhưng năm nay, lượng xe hơi tiêu thụ tại Trung Quốc đang giảm xuống. Đưa việc chống lạm phát thành ưu tiên hàng đầu, Bắc Kinh đã siết chặt chính sách tiền tệ. Chế độ tài trợ cho việc mua xe đã chấm dứt từ cuối năm ngoái, và để chống kẹt xe, một số đại đô thị như Bắc Kinh ngày càng hạn chế việc cấp phát biển số xe hơi. Bên cạnh đó, thảm họa hạt nhân Nhật Bản cũng làm cho thiếu phụ tùng cung ứng.

Các rủi ro khác, nghiêm trọng hơn, là nguy cơ chính quyền Trung Quồc sẽ siết chặt kiểm soát, do lo ngại sản xuất cung vượt cầu. Bộ Công nghiệp nước này đã đề nghị cấm các tập đoàn ngoại quốc mở thêm một liên doanh thứ hai. Và nhất là chủ trương ưu tiên cho các nhà sản xuất nội địa, đưa thị phần xe hơi của các tập đoàn Trung Quốc từ dưới 30% hiện nay lên trên 50% trong kế hoạch 5 năm này. Ngoài ra, các nhãn hiệu xe hơi nổi tiếng của nước ngoài luôn bị ám ảnh bởi việc bị ăn cắp sở hữu trí tuệ.

Vụ DSK : Vẫn đầy kịch tính

Quay lại với nước Pháp, nhật báo cánh hữu Le Figaro đã điểm lại các sự kiện đã khiến ông Dominique Strauss-Kahn bị bắt vì tội xâm hại tình dục một nữ nhân viên khách sạn ở New York, nhân việc cựu Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế phải ra trước tòa án Mỹ hôm nay.

Phiên bản internet của Le Figaro trích thông tin từ nhật báo Mỹ New York Times dự đoán, ông DSK có thể sẽ không còn bị quản thúc tại gia, nhưng tư pháp Mỹ sẽ không để cho ông được trở lại Pháp trước khi cuộc điều tra của Viện Công tố kết thúc.

Theo New York Times, thì các nhà điều tra đã phát hiện được nhiều điểm sai quan trọng trong lời khai của bà Nafissatou Diallo, nhân viên làm phòng khách sạn đã khởi kiện ông DSK. Như vậy cần phải xem xét lại độ tin cậy của những lời tố giác này, và hồ sơ của nguyên cáo về việc bị cưỡng bức quan hệ tình dục sẽ không còn đứng vững.  Bà này cũng đã nói dối về quá khứ của mình, không khai ra quan hệ với các tay buôn lậu ma túy.

Thời sự trong nước: Tựa chính các báo Pháp hôm  nay

Thời sự nước Pháp là quan tâm hàng đầu của các nhật báo xuất bản ở Paris hôm nay. Tờ Le Monde dành trang nhất và nhiều trang trong cho sự kiện hai nhà báo Pháp bị phe Taliban bắt làm con tin một năm rưỡi qua, vừa được trả tự do, với tựa đề chính « Sau 547 ngày bị giam giữ ». Nhật báo cánh tả Libération phân tích thất bại đáng ngạc nhiên của ứng viên đảng Xanh, Nicolas Hulot trong vòng đầu đề cử ứng cử viên tổng thống, cũng như chiến lược chung của đảng này. Nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến « Các quy định mới về chế độ hưu trí bắt đầu có hiệu lực ». Tờ báo Công giáo La Croix thì thông tin về việc « Các thánh đường mời khám phá những đêm trắng » : lần đầu tiên tại nước Pháp, một « Đêm của các giáo đường » được tổ chức vào tối mai. Cánh cửa của hầu hết 45.000 thánh đường trên toàn nước Pháp sẽ rộng mở để đón tiếp những ai muốn tìm hiểu về giá trị văn hóa của các di sản này. Còn nhật báo cánh hữu Le Figaro quay lại với sự kiện ngày 14/5, « Thời điểm mà tất cả đều đảo lộn đối với ông Dominique Strauss-Kahn », cựu Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Riêng tờ báo cộng sản L’Humanité chú trọng đến cuộc chiến Libya, đưa ra kết quả một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho biết « 51% người Pháp cho rằng nên dừng lại ».

tags: Châu Á - Giao thông - Tham nhũng - Trung Quốc - Điểm báo 
Article publié le : vendredi 01 juillet 2011 - Dernière modification le : vendredi 01 juillet 2011